Phần 41

Tăng huyết áp giả tạo
Các triệu chứng của bệnh cao huyết áp còn có thể gặp trong nhiều bệnh khác. Cần lưu ý rằng khi chỉ số huyết áp tăng cao có thể do cao huyết áp thực sự nhưng cũng có một số trường hợp là tăng huyết áp giả tạo.
Cao huyết áp giả tạo thường do 2 nguyên nhân sau:
- Cảm giác hồi hộp làm cho tim đập nhanh và huyết áp tăng lên. Cao huyết áp giả tạo thường đi kèm với nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, có cảm giác hồi hộp... Nhiều trường hợp số huyết áp tăng lên đến 160-180 mmHg nhưng hiếm khi tăng lên đến 200 mmHg. Sau khi trấn an và nghỉ ngơi khoảng 30 phút thì huyết áp và tim trở lại mức bình thường. Một số trường hợp bệnh nhân phải nghỉ ngơi vài giờ thì số huyết áp trên mới trở lại bình thường. Trong một vài trường hợp khó khăn hơn, phải theo dõi huyết áp tại nhà mới xác định được đó là tăng huyết áp giả tạo.
- Xơ cứng động mạch cách tay làm cho số huyết áp trên đo được cao hơn thực tế. Hiện tượng này có thể gặp ở 10% người già. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cho thực hiện một số biện pháp đặc biệt để xác định tình trạng tăng huyết áp giả tạo ở người cao tuổi.
Việc không xác định được tăng huyết áp giả tạo mà điều trị như cao huyết áp thật sự có thể gây nguy hiểm cho người bệnh như gây tình trạng huyết áp thấp hoặc hạ huyết áp tư thế, làm người bệnh té ngã đột ngột, có thể bị chấn thương sọ não... Do vậy khi đo huyết áp tại nhà, nếu thấy chỉ số huyết áp tăng cao, người bệnh không nên tự dùng thuốc mà phải đến bác sĩ khám bệnh để xác định có phải là cao huyết áp thực sự hay không?
BS Phan Hữu Phước (BV Nguyễn Trãi)
Biến chứng của bệnh cao huyết áp
Bệnh cao huyết áp có thể phân làm những dạng sau: cao huyết áp nhẹ, cao huyết áp trung bình, cao huyết áp nặng và cao huyết áp ác tính. Trong đó cao huyết áp ác tính nguy hiểm nhất và 80% người mắc tử vong trong một năm. Người bị cao huyết áp có thể gặp các biến chứng nguy hiểm, nhưng không phải tất cả các trường hợp đều dẫn đến biến chứng. Biến chứng bệnh cao huyết áp xảy ra ở người bệnh tùy thuộc vào dạng bệnh và phương pháp điều trị. Nếu được điều trị tốt, họ sẽ giảm và phòng ngừa được hầu hết biến chứng, điển hình là tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim giảm hơn một nửa. Ngày nay, người ta nhận thấy có hai dạng biến chứng sau đây:
Biến chứng do tiến triển của bệnh thường xuất hiện ở tim, thận, não và mạch máu.
Biến chứng lên tim: Nếu cao huyết áp kéo dài không được điều trị đúng, bệnh nhân sẽ bị lớn tim, rồi suy tim, làm cho chức năng tống máu của tim bị suy giảm. Bệnh nhân thường thấy mệt khi vận động; hoặc khi làm việc hơi nhiều, người bệnh thường xuyên thấy thiếu hơi thở, thỉnh thoảng phải lấy hơi lên. Nếu không được điều trị, tình trạng suy tim sẽ nặng dần, người bệnh không chỉ thấy mệt khi vận động, khi gắng sức mà còn thấy mệt và khó thở cả khi nghỉ ngơi.
Cần lưu ý là khi bị lớn tim, các biến chứng khác như thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy thận và đột tử... sẽ dễ dàng xuất hiện hơn.
Biến chứng lên thận: Thường là suy thận với biểu hiện trên giai đoạn đầu là tiểu đêm và tiểu nhiều lần trong ngày; giai đoạn sau là phù chân, mặt; tình trạng thiếu máu tăng dần, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt... Khi đã suy thận, nếu huyết áp được duy trì ở mức độ thích hợp với cơ thể người bệnh, có thể làm cho tiến trình suy thận chậm lại. Ở thể cao huyết áp thể nhẹ và vừa, nếu bệnh nhân được điều trị ổn định sẽ hiếm khi bị suy thận. Sau 4 năm bị cao huyết áp, trên 80% trường hợp vẫn có chức năng thận bình thường.
Biến chứng lên mạch máu: Cao huyết áp tạo thuận lợi cho sự tiến triển của bệnh xơ vữa động mạch, làm hỏng thành mạch máu. Tình trạng này có thể xảy ra ở các động mạch lớn ở bụng, cổ hoặc chân. Khi tình trạng xơ vữa động mạch kéo dài, có đến 80% trường hợp hư hỏng động mạch vành (động mạch đến nuôi tim) và 20% xảy ra tai biến mạch vành trong vòng 10 năm. Nếu hư hỏng các mạch máu nhỏ như mạch máu ở đáy mắt thì sự xơ vữa sẽ tiến triển qua nhiều giai đoạn, với những biểu hiện như loá mắt, mây mù, mờ mắt. Những tai biến này khi đã xuất hiện, dù bệnh cao huyết áp có được điều trị tốt thì mạch máu đã bị xơ vữa cũng khó hồi phục.
Biến chứng trên não: Dạng thường gặp là tai biến mạch máu não với những biểu hiện như liệt nửa người, méo miệng, nói đớ, ăn sặc, tiêu tiểu không tự chủ. Đôi khi có động kinh, nếu nặng bệnh nhân sẽ hôn mê và tử vong.
Biến chứng do điều trị thường là do bệnh nhân tự mua thuốc về điều trị lấy, trường hợp do thầy thuốc thì rất hiếm gặp.
- Nếu dùng thuốc không hiệu quả (vì chọn loại thuốc không đúng, dùng thuốc không đủ liều...) thì huyết áp vẫn cao, không về bình thường được. Có khoảng 50% trường hợp cao huyết áp có mức huyết áp không được giữ ổn định, vì thế chúng ta chỉ phòng ngừa được một phần biến chứng của bệnh cao huyết áp.
- Việc dùng thuốc quá mức cần thiết sẽ gây tụt huyết áp, hoặc hạ huyết áp tư thế như ở người cao tuổi.
- Nếu thuốc có tác dụng phụ, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như mệt mỏi, hồi hộp, phù chân, vọp bẻ (chuột rút)... Tuy nhiên, với cùng một loại thuốc, bệnh nhân này có thể gặp tác dụng phụ còn bệnh nhân khác thì không, vì cơ thể từng bệnh nhân có sự đáp ứng thuốc khác nhau.
BS Phan Hữu Phước
(còn tiếp)