Phần 39

Bệnh cao huyết áp
Cao huyết áp (HA) là một bệnh khá nguy hiểm, gây nhiều tai biến nặng nề, lại khá phổ biến trong cộng đồng; nhưng có đến 68% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh.
Về định nghĩa và phân loại độ cao HA, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có bảng sau:
Phân loạiSố HA trên (mmHg)Số HA dưới (mmHg)
Số HA tốt nhất< 120< 80
Số HA bình thường< 130< 85
Bình thường cao130 - 13985 - 89
Cao HA độ I (nhẹ)140 - 15990 - 99
(nhóm phụ)140 - 14990 - 94
Cao HA độ II (trung bình)160 - 179100 - 109
Cao HA độ III (nặng)>=180>=110
Cao HA số HA trên đơn độc>=140< 90
(nhóm phụ)140 - 149< 90
 Lưu ý:
- Khi số HA trên và dưới thuộc hai độ khác nhau thì việc phân loại bệnh dựa vào độ cao hơn.
- Để đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh, người ta không chỉ dựa vào chỉ số HA, độ cao HA mà còn dựa vào các yếu tố đi kèm (như mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hay có tổn thương nội tạng do cao HA gây ga...), dựa cả vào điều kiện kinh tế, xã hội, sắc tộc, vị trí địa lý...
Huyết áp bình thường của người Việt Nam là 120/80 mmHg, nói tắt là 12/8 (12 là số HA trên, 8 là số HA dưới). Gọi là cao HA khi số HA trên cao hơn 14 hoặc số HA dưới cao hơn 9.
Tình trạng số HA trên tăng cao dễ gây tai biến nhất thời như đứt mạch máu não, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim; việc số HA dưới tăng cao thường gây tác hại lâu dài như lớn tim, rồi suy tim, suy thận mạn...
Khi số HA lên xuống chút đỉnh, một số người rất lo sợ; thật ra, HA là con số động, thay đổi nhiều lần trong ngày, cao nhất vào buổi sáng, thấp nhất vào ban đêm lúc ngủ. Người già HA cao hơn 10-20 mmHg, nam có HA cao hơn nữ 3-5 mmHg. Khi ăn mặn, vận động thể lực, lao động trí óc quá mức hoặc thần kinh căng thẳng, HA đều tăng lên đôi chút nhưng không nguy hiểm. Hiện có khoảng 12% người trên 15 tuổi mắc bệnh, tỷ lệ này tăng lên theo độ tuổi (ở tuổi 45 là 14%, ở tuổi 65 là 33%).
Người cao HA nếu không được điều trị đúng khi có những đột biến như trên, HA sẽ tăng cao thêm, có thể gây tai biến nặng nề. Đáng ngại nhất là có những người không biết mình cao HA vì không thấy nhức đầu chóng mặt, một số người phát hiện bệnh quá muộn khi đã có tai biến xảy ra.
Cách phát hiện bệnh sớm
Không dễ dàng và nhanh chóng phát hiện bệnh cao HA; có thể đến một cơ sở khám chữa bệnh gần nhà để xác định. Một số dấu hiệu thường gặp là:
- Nhức đầu phía sau gáy hay trước trán, thường thường vào buổi sáng, đôi khi kéo dài cả ngày.
- Chóng mặt, cảm giác đi đứng không vững, hơi nặng đầu.
- Mệt, thấy nặng ở ngực và hơi khó thở.
- Yếu liệt tay chân từ vài giây đến vài phút.
- Chảy máu cam: Máu chảy nhỏ giọt, nhanh, nhiều (do áp lực máu cao làm vỡ mạch máu nhỏ ở niêm mạc mũi). Nếu cao HA không được phát hiện và chữa trị thì hiện trạng chảy máu cam tái phát nhiều lần.
Các dấu hiệu này chỉ là gợi ý vì đôi khi HA lên rất cao, ví dụ như 20/12 nhưng người bệnh hoàn toàn không thấy bất kỳ dấu hiệu nào và cho rằng không cần dùng thuốc. Điều này hoàn toàn sai vì nếu HA cao như vậy, tai biến chắc chắn sẽ xảy ra và thường nguy hiểm đến tính mạng.
(còn tiếp)