Phần 4

Tăng nhãn áp cấp
Tăng nhãn áp cấp (còn gọi là cườm nước, thiên đầu thống, cườm xanh, glaucoma là một bệnh phổ biến ở Việt Nam, có tỷ lệ gây mù loà cao. Đây là một bệnh khẩn cấp trong nhãn khoa, diễn tiến bệnh nhanh chóng, cần phải điều trị kịp thời và đúng cách. Nếu không, các thần kinh mắt bị hủy hoại, thị lực giảm không tái tạo được. Mắt có thể mờ sau 24 giờ và mù hoàn toàn từ 1 đến 7 ngày.
Bệnh thường gặp nhiều ở phụ nữ trên 50 tuổi (3/4) thuộc người hay lo lắng, suy nghĩ. Bệnh thường khởi phát sau một đêm mất ngủ hay lo buồn. Biểu hiện đầu tiên là mắt nhức dữ dội, lan dần lên đỉnh đầu, nhức đầu bên mắt bị đau, buồn nôn, mắt nhìn rất mờ, đôi khi thấy các vòng màu. Mắt đỏ, con người nở lớn, ấn vào mắt thấy cứng, đôi khi thấy con ngươi mắt màu xanh.
Khi thấy những dấu hiệu trên, nên đưa bệnh nhân đến chuyên khoa mắt điều trị. Không nên tự uống thuốc đau nhức, thuốc chóng nôn hoặc lười đi khám vì sẽ rất có hại cho thị lực sau này.
Người trên 50 tuổi nên kiểm tra mắt hàng năm để phát hiện yếu tố nghi gây tăng nhãn áp ở một thể khác, âm thần nhưng nguy hiểm hơn, làm người bệnh mù dần mà không đau nhức.
Bệnh tăng nhãn áp có yếu tố di truyền; gia đình có người bị bệnh này phải cẩn thận hơn. Ở người từng bị lên cơn đau nhức một lần đã điều trị khỏi, cần theo dõi thường xuyên để phát hiện sự tiến triển và biến chứng sau mổ. Bệnh này không lây, nhưng nếu đã bị ở một mắt, mắt bên kia cũng có thể bị lên cơn tăng áp bất cứ lúc nào.
BS Tô Quang Định
Điều trị mắt cận thị
Nếu thị lực kém đi, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt khám để xác định có bị các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị không. Nếu có thì cần đeo kính điều chỉnh thị lực. Ngoài ra, thị lực yếu còn có thể do nhiều nguyên nhân khác và phải được điều trị bằng thuốc.
Thuốc Difrarel E và vitamin E giúp tăng cường dinh dưỡng và tuần hoàn máu ở võng mạc nên thường được bác sĩ cho dùng khi mắt cận thị và một số bệnh khác.
Để bảo vệ tốt thị lực, chúng ta cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các loại trái cây chứa nhiều carotène, thường có màu vàng cam như cà rốt, đu đủ, cà chua... Lưu ý khi học hành, đọc sách hoặc phải làm việc bằng mắt một cách chăm chú, cần phải có đủ ánh sáng.
Kỹ thuật điều trị mắt bằng Lasik
Trong phẫu thuật cận thị, ngoài các phương pháp thường làm như rạch giác mạc hình nan hoa, phẫu thuật Laser excimer, hiện nay, thế giới đang phổ biến một loại phẫu thuật mới là phẫu thuật Lasik. Sau phẫu thuật, thị lực có thể đạt 9/10 hoặc 10/10; một số trường hợp viễn hoặc loạn thị thì cần đeo kính ± 1 Ds (Điốp) để đạt thị lực tối đa. Kỹ thuật Lasik là bước nâng cao của kỹ thuật Laser excimer. Laser excimer là loại Laser đẩy, phát ra trong tia cực tím có bước sóng rất ngắn (193 nano meters) nhưng đủ mạnh để cắt giác mạc, làm cho các mảnh vụn giác mạc bốc hơi và cho phép tránh các tác dụng của nhiệt và động. Tuổi tốt nhất để thực hiện kỹ thuật này là từ 18 đến 26, thị lực mắt phải từ -5 độ đến -15độ. Nếu cận từ -5 độ đến -12 độ thì phẫu thuật cho kết quả khả quan; sau một tháng thị lực mắt có thể đạt 9/19 hoặc 10/10. Còn cận từ -12 độ đến -15 độ thì phải sau từ 6 đến 12 tháng mới đánh giá được kết quả.
Kỹ thuật Lasik (Laser in situ Keratomileusis) dùng Laser excimer phẫu thuật phía ngoài hủy bỏ biểu mô giác mạc; có thể đưa sâu xuống cắt một phần của giác mạc hình thấu kính (hơi lõm). Sau đó, phần giác mạc cắt ra sẽ được đặt lại vị trí cũ. Khi phẫu thuật, bệnh nhân phải nằm yên trên ghế tựa hoặc bàn phẫu thuật, sau khi sát trùng mắt và nhỏ thuốc tê (Tetracain 1%) vài phút, bác sĩ sẽ đặt vành mi cố định mi mắt ở trạng thái mở rồi tiến hành phẫu thuật. Điều cần lưu ý là trong lúc phẫu thuật, bệnh nhân phải nhìn vào một điểm cố định.
Sau phẫu thuật, bác sĩ cho bệnh nhân nhỏ thuốc kháng sinh và dùng thuốc kháng viêm không steroide trong một tuần. Kỹ thuật Lasik tránh được cảm giác đau nhức sau phẫu thuật ở giác mạc; nhưng cũng có một tỷ lệ nhỏ, khoảng 5%, gặp biến chứng. Bệnh nhân có thể bị loạn thị do nắp giác mạc bị nhăn hoặc bị đặt lệch, hay có biểu mô xâm lấn dưới vạt... nên nhìn thấy có vòng màu hoặc thấy mờ mờ như có màn sương...
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần lưu ý: để việc tái tạo biểu mô mắt không bị chậm lại và nắp giác mạc không bị lệch, cần tránh dụi mắt trong những ngày đầu. Nếu lỡ dụi mắt hoặc có sự cố xảy ra, cần đến bác sĩ khám để đặt nắp giác mạc vào đúng vị trí và khâu lại. Trường hợp biểu mô xâm nhập mặt trong nắp giác mạc, các mối chỉ khâu không thật khít hoặc khi có cảm giác lạ, cần đến bác sĩ khám lại để có thể sớm can thiệp và tránh các tai biến.
(còn tiếp)