Phần 53

Chương 8: Lao và các bệnh hệ hô hấp
Giãn phế quản
Giãn phế quản là một bệnh mãn tính, do bẩm sinh hoặc mắc phải, trong đó phế quản nhỏ và trung bình giãn rộng ra, thường có những đợt bội nhiễm. Có thể giãn toàn bộ hoặc khu trú ở một thùy phổi.
Bệnh có thể do bẩm sinh (dị dạng trong cấu tạo thành phế quản hoặc các dị dạng khác như tuỵ tạng đa nang, đảo ngược phủ tạng, viêm xoang sàng) hoặc mắc phải (xảy ra sau khi bị áp xe phổi, lao phổi, viêm phế quản mãn tính, dị vật đường thở). Giãn phế quản thường được phát hiện khi bị các bệnh khác như cúm, sởi, ho gà, hoặc viêm phế quản mủ.
Bệnh bắt đầu từ từ bằng các biểu hiện: ho kéo dài, ho cơn, ho nhiều vào sáng sớm.
Trường hợp giãn phế quản thùy dưới (thể ướt), bệnh nhân khạc đàm nhiều có thể đến 400 - 500 ml/ngày, đôi khi đàm như mủ.
Trường hợp giãn phế quản thùy trên, (thể khô) bệnh nhân không khạc đàm mà chỉ ho ra máu nhiều lần, kéo dài.
Giãn phế quản là bệnh kéo dài, trong quá trình bệnh có những đợt bội nhiễm (sốt, khạc đàm mủ, khó thở) dần dần xuất hiện những cơn khó thở, những biến chứng thường gặp như tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, viêm phổi tái phát..., có thể dẫn đến suy hô hấp, suy tim phải.
Trong những đợt bội nhiễm, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa để được khám và hướng dẫn cụ thể về phương pháp điều trị. Đối với bệnh nhân giãn phế quản nội khoa, chỉ điều trị triệu chứng, chủ yếu là mổ. Cần điều trị tốt các đợt bội nhiễm để phòng tiến triển và biến chứng.
Tóm lại, giãn phế quản là một bệnh mãn tính, tiến triển dẫn đến suy hô hấp, tâm phế mãn, do đó cần chú ý một số phương pháp phòng bệnh:
- Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn, vùng tai, mũi họng, răng miệng.
- Điều trị lao sơ nhiễm ở trẻ em khi có hạch rốn phổi.
- Đề phòng và lấy sớm dị vật ở phế quản.
- Thay đổi khí hậu: đến nơi khô ráo, ấm áp.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào; tránh môi trường nhiều khói bụi.
BS Hoàng Thị Quý
(còn tiếp)