Phần 84

Sốt xuất huyết ở người lớn
Trước đây, bệnh sốt xuất huyết chỉ phổ biến ở trẻ em nhưng gần đây, nó đặc biệt gia tăng ở người lớn.
Với sốt xuất huyết ở người lớn, bệnh nhân cũng sốt cao đột ngột, liên tục và thường kéo dài 5-6 ngày; nhiệt độ ở mức 39,5-40 độ C, ít kèm ớn lạnh; một số trường hợp chỉ sốt vừa, dưới 39 độ C (có thể dùng thuốc hạ sốt trước khi nhập viện). Ở mức độ nhẹ, kèm với sốt, bệnh nhân nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, có thể có biểu hiện xuất huyết, buồn nôn hoặc nhức mỏi toàn thân như cảm cúm; nặng hơn có đau cơ, đau khớp, xuất huyết nặng...
Sau khi sốt từ 3 đến 5 ngày thường thấy dấu hiệu chảy máu. Nếu nhẹ chỉ xuất hiện các chấm đỏ li ti như vết muỗi cắn nhưng không biến mất khi ấn mạnh lên; hoặc xung huyết da niêm rõ, đặc biệt là niêm mạc mắt sậm, da mặt ửng đỏ, xuất hiện các vết bầm da tự nhiên hoặc sau một đụng chạm nhẹ. Nặng hơn, bệnh nhân có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, ói ra máu hoặc tiêu tiểu ra máu tươi...; bệnh nhân thường chảy máu kéo dài, khó cầm và xuất hiện khối máu tụ to dần. ở phụ nữ trong độ tuổi kinh nguyệt có thể thấy kỳ kinh sớm hơn hoặc rong kinh dài ngày hoặc cường kinh (mất máu nhiều trong kỳ kinh); có khi vừa dứt kinh, 2-3 ngày sau lại có kinh trở lại...
Vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, bệnh nhân thường thấy đau bụng, gan sưng to, bụng hơi căng. Đau dưới mũi ức hoặc dưới sườn phải và thấy tức khi ấn vào. Ngày thứ 5, thứ 6, khi sốt bắt đầu giảm, bệnh nhân có thể bị sốc: người mệt, đờ đẫn, lo lắng; tiểu ít hoặc không có nước; da lạnh, nhất là ở các chi; môi tái nhợt hoặc tím; mạch nhẹ hoặc không bắt được, huyết áp giảm thấp hoặc có khi không đo được. Lưu ý sốt càng nặng nếu có xuất huyết kèm theo; tuy nhiên, so với trẻ em, ở người lớn ít thấy dấu hiệu bứt rứt, bất an (trừ khi có xuất huyết nặng).
Ngoài ra, bệnh nhân còn có dấu hiệu suy gan như vàng da, vàng mắt, men gan trong máu cao. Ngoài những biểu hiện thấy được, bác sĩ còn dựa vào kết quả xét nghiệm máu để định bệnh khi thấy có tình trạng cô đặc máu và tiểu cầu giảm (biểu hiện cho khuynh hướng dễ chảy máu). ở người lớn chẩn bệnh khó hơn do các triệu chứng ít rõ rệt và người lớn thường mắc các bệnh mãn tính, có thể làm nặng thêm bệnh sốt xuất huyết hoặc dễ nhầm với các bệnh có dấu hiệu và triệu chứng tương tự nhưng xử trí hoàn toàn khác (như bệnh nhiễm trùng huyết nặng, thương hàn, sốt rét, viêm gan siêu vi...)
Do bệnh sốt xuất huyết ở người lớn chỉ mới gia tăng vài năm gần đây nên chưa thể kết luận gì về tỷ lệ tử vong, ở trẻ em thường do sốc không hồi phục, tái đi tái lại; còn ở người lớn nguyên nhân thường do xuất huyết nặng, khó cầm. Người lớn thường nhập viện trễ nên tình trạng xuất huyết đã nặng, góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong.
Điều trị tùy theo độ nặng nhẹ của bệnh. ở độ 1 và 2, bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú bằng thuốc giảm sốt thông thường, uống nhiều nước đặc biệt là nước trái cây, ăn thức ăn dễ tiêu và nghỉ ngơi... Tuyệt đối không dùng thuốc giảm sốt thuộc nhóm Aspirin vì sẽ gây chảy máu nặng hơn. Bệnh nặng hơn ở độ 3, độ 4, có tình trạng sốc hoặc xuất huyết nặng, bệnh nhân cần nhập viên để được theo dõi điều trị và cấp cứu kịp thời.
Hiện nay, chưa có thuốc chủng ngừa sốt xuất huyết, vì thế biện pháp ngừa bệnh đơn giản nhất là tránh không để muỗi đốt bằng cách áp dụng các biện pháp: ngủ mùng, dùng nhang hoặc phun thuốc trừ muỗi... và nhất là phải giữ cho nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ, san lấp ao tù và các vũng nước đọng, tích cực diệt lăng quăng, diệt muỗi...
BS Lê Thị Thu Thảo (Trung tâm Bệnh nhiệt đới TP HCM)
(còn tiếp)