Chương 10: Sức khoẻ và các bệnh đường sinh dục

Hiện nay, chắc không còn ai chưa biết gì về HIV và căn bệnh AIDS. Thế nhưng nó vẫn tiếp tục hoành hành chứ không giảm, nên vẫn rất cần bàn về nó. Chúng tôi mong bạn sẽ đọc hết chương này, vì cuộc sống của bạn, vì hạnh phúc của những người yêu thương bạn, và vì tương lai của người Việt ta.
HIV/AIDS là gì?
HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người, có nghĩa là nếu bạn nhiễm phải nó, khả năng chống bệnh tật của bạn sẽ bị suy yếu. Đó là vì...
Cơ thể bạn có hệ thống miễn dịch chống lại các vi khuẩn, virus, vi sinh vật... gây bệnh có trong môi trường để duy trì sự sống. Trong hệ thống này, bộ phận chủ chốt là đội quân các bạch cầu. Nhưng chính các bạch cầu chỉ huy (T-CD4) của đội quân đó lại là đối tượng tấn công của HIV. HIV tài tình chui vào cư trú trong mình bạch cầu chỉ huy, nên nó không bị đội quân bạch cầu tiêu diệt. HIV lợi dụng bạch cầu để sinh sôi và sau đó tiêu diệt bạch cầu. Đến khi đa số chỉ huy bị tiêu diệt, cả đội quân trở nên vô hiệu, không chống được bệnh tật nữa.
Sự phá hoại này diễn ra trong thời gian dài. Do vậy, nếu nhiễm HIV thì trong 2-10 năm bạn vẫn thấy khỏe mạnh bình thường, người khác nhìn không biết, bản thân bạn cũng không biết mình mang mầm bệnh. Bạn có thể vô tình truyền HIV cho người khác. Sau thời gian này, bạn phát bệnh...
AIDS (còn gọi là SIDA) có nghĩa là Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Đó là khi khả năng chống bệnh suy yếu đến nỗi cơ thể bị các thứ bệnh hoành hành, điều trị không khỏi được. Từ khi phát bệnh AIDS đến lúc chết chỉ vài tháng hoặc nhiều nhất là hai năm.
Khi mới phát bệnh AIDS, bệnh nhân thường sụt cân nhiều, ho kéo dài, tiêu chảy, sốt, sưng hạch, ra mồ hôi đêm, đau họng, lở, có nốt trên da... Đến giai đoạn AIDS toàn phần, người bệnh có thể mắc nhiều bệnh như lao, viêm phổi, bệnh đường ruột, các bệnh phụ khoa... Đây là các bệnh cơ hội, những kẻ “đục nước béo cò”. Tuy nhiên, chính chúng là thủ phạm đưa bạn đến cái chết.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu khoa học vẫn đang vật lộn với HIV. Mặc dù việc nghiên cứu vacxin đã có sự tiến triển, nhưng tất cả còn đang trong thời gian thử nghiệm. Về thuốc chống thì chưa có loại nào trị được HIV, chỉ có một số thuốc làm chậm thì sự sinh sôi của nó, nhưng chi phí điều trị bằng loại thuốc này là khoảng 10.000-20.000 USD/người/năm).
HIV/AIDS đã trở thành một nạn dịch
HIV giống như một con bạch tuộc khổng lồ, lặng lẽ vươn hàng nghìn chân rết của nó tới mọi ngóc ngách trong xã hội, lan tới khắp các tầng lớp nhân dân. Những con số vài nghìn người nhiễm mà bạn đọc trên báo, nghe trên vô tuyến truyền hình chỉ là con số thu được từ xét nghiệm, mà những người xét nghiệm ở nước ta còn rất ít.
Có thể ta chưa thấy rõ sự tàn phá của căn bệnh này, nhưng chỉ vài năm hay chục năm nữa, mấy chục nghìn người nhiễm HIV hôm nay sẽ phát bệnh AIDS và rời bỏ cuộc đời, và nếu mọi người không có ý thức bảo vệ mình thì sẽ có thêm bao người khác nữa nhiễm virus này. Đây sẽ không chỉ là nỗi khổ của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mà sẽ là nỗi đau của cả dân tộc.
Bạn đừng tưởng rằng HIV là bệnh của riêng người làm nghề mại dâm hay người tiêm chích ma túy. Nó có thể gõ cửa từng nhà. Một bạn gái nhiễm HIV từ người yêu tâm sự:
"Lúc đó em còn ngây thơ và tin tưởng nhiều vào tình yêu. Yêu quá và tin tưởng quá cho nên mang bất hạnh...Em thấy lúc đó anh ấy rất béo, mạnh khỏe như thường. Nếu biết mình bị, anh ấy đã dùng bao cao su để đừng lây cho em..."
Những đường lây truyền HIV và cách phòng tránh
HIV lây truyền qua ba con đường: Tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con (Lúc mang thai, khi sinh hoặc khi cho con bú).
Tình dục
Virus HIV có rất nhiều trong máu, trong các chất dịch sinh dục. Do vậy, virus có thể xâm nhập vào máu bạn tình qua cơ quan sinh dục. Việc sinh hoạt tình dục, dù có giao hợp hay chỉ tiếp xúc cơ quan sinh dục, đều dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.
Nếu bạn dùng miệng để kích thích cơ quan sinh dục bạn tình, khả năng lây HIV thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu miệng bạn có lở, xước hay chảy máu răng thì HIV ở dịch sinh dục bạn tình có thể xâm nhập thẳng vào máu bạn. Hoặc nếu bạn có HIV thì từ vết xước trong miệng bạn, virus có thể xâm nhập cơ thể bạn tình.
Giao hợp dương vật - hậu môn dễ làm lây HIV nhất, vì hậu môn và trực tràng (ống ruột trong hậu môn) không có dịch trơn như âm đạo nên rất dễ sây sát, khiến HIV dễ dàng truyền từ người này sang người kia.
Có thể phòng tránh HIV và nhiều bệnh khác bằng cách không quan hệ tình dục. Tuy nhiên, để thực hiện hữu hiệu phương pháp này, bạn phải thật sự quyết tâm, không để tình cảm át đi lý chí. Nếu không muốn quan hệ tình dục, bạn đừng để cho bản thân và “đối phương” bị kích thích. Hãy chung thủy từ cả hai phía khi biết chắc cả hai không nhiễm HIV. Trước tiên, để biết chắc cả hai không có HIV, các bạn hãy dẫn nhau đi xét nghiệm.
Tốt nhất là hãy sử dụng bao cao su. Đây là phương pháp an toàn không chỉ đối với bạn, mà còn với người bạn yêu quý. Nếu không chắc là cả hai đều không mang HIV, bạn hãy luôn dùng bao.
Đường máu
HIV có nhiều ở trong máu. Bơm kim tiêm dùng xong mà không tiệt trùng, hoặc tiệt trùng không tốt thì vẫn còn đọng máu (dù có thể không nhìn thấy). Do đó, nếu dùng chung bơm kim tiêm với một người mang HIV, bạn có thể nhiễm HIV. Nếu bạn mang HIV, bạn có thể truyền cho người khác theo đường ấy.
Sở dĩ người tiêm chích ma túy có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn người khác là do nhiều khi họ dùng chung bơm kim với bạn bè, hoặc dùng bơm kim của tụ điểm bán thuốc.
Bất cứ khi nào cần tiêm, bạn hãy mua ở hiệu thuốc loại bơm kim dùng một lần rồi bỏ, giá chỉ khoảng 1.000 đồng. Nếu không có điều kiện làm thế, bạn hãy mua một bộ bơm kim riêng, tiệt trùng trước và sau mỗi lần sử dụng. Bảo đảm an toàn bơm kim tiêm như vậy là rất cần thiết, vì ngoài HIV còn có nhiều bệnh khác cũng lây qua đường máu như viêm gan B, giang mai, sốt rét, viêm van tim…
Riêng về ma túy, bản thân nó không sinh ra HIV. Nhưng nhiều người do nghiện nặng đã chuyển từ hút, hít sang tiêm chích và có những lần dùng chung bơm kim tiêm, vì thế có thể lây bệnh. Bạn hãy tránh thật xa các loại ma túy. Nếu đã dùng thì bỏ ngay, nghiện thì cố gắng cai nghiện, đừng làm hại cuộc đời mình thêm nữa. Bạn nào còn chưa bỏ được tiêm chích cần đặc biệt chú trọng an toàn bơm kim tiêm, kẻo một ngày nào đó phát hiện ra mình mang HIV thì hối hận không kịp.
Truyền máu là tiếp nhận một lượng máu lớn vào cơ thể mình, do đó nếu bạn nhận máu của người nhiễm HIV, bạn chắc chắn bị lây nhiễm. Nước ta quy định các bệnh viện phải xét nghiệm và loại bỏ máu có HIV, sốt rét, giang mai, viêm gan… Phong trào kêu gọi những người khỏe mạnh có thiện tâm đi hiến máu nhân đạo cũng nhằm mục đích tránh lây nhiễm bệnh qua đường máu.
Nếu vài tháng nữa bạn phải phẫu thuật và cần truyền máu, bạn có thể yêu cầu bệnh viện trích máu mình từ bây giờ và để dành (nếu điều kiện sức khỏe cho phép). Bạn cũng có thể xin máu của một người thân mà bạn biết rõ không nhiễm HIV.
Từ mẹ truyền sang con
Cứ một trăm phụ nữ nhiễm HIV sinh con thì khoảng 25-30 trẻ bị nhiễm. HIV có thể lây sang bé qua rau thai khi bé ở trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh, hoặc qua sữa mẹ khi mẹ cho con bú. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV thường không sống được quá ba năm.
Có ý kiến cho rằng để phòng tránh điều này, phụ nữ không nên sinh con, song điều đó rõ ràng là không phù hợp với cuộc sống con người. Người phụ nữ nhiễm HIV cũng như bất cứ ai khác, có nhu cầu làm mẹ, đó là chưa kể mong muốn của người chồng và những người thân khác trong gia đình, vả lại, khả năng lây nhiễm không phải là 100%. Do đó, chính người phụ nữ cùng chồng mình là những người quyết định có sinh con hay không.
Về sữa mẹ, lời khuyên chung là người mẹ dù nhiễm HIV vẫn nên cho con bú. Lý do là sữa mẹ có những kháng thể rất cần thiết để bảo vệ cuộc sống của bé. Nếu không được bú mẹ, bé dễ bị tiêu chảy hoặc suy dinh dưỡng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, cho bé bú mẹ vẫn an toàn hơn.
Ngoài những con đường trên, từ trước tới nay chưa có trường hợp nhiễm HIV nào được xác định lây qua đường khác. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phòng bị thêm cho mình. Khi khám chữa bệnh, bạn có thể hỏi cán bộ y tế xem dụng cụ y tế đã tiệt trùng chưa (về nguyên tắc, tiệt trùng dụng cụ là bắt buộc). Khi cần châm cứu, bạn cần có một bộ kim châm riêng, và hãy yêu cầu người châm cứu tiệt trùng cho bạn. Đi cạo râu hoặc sửa móng tay ở hiệu, bạn hãy yêu cầu nhân viên ở nơi này rửa sạch dụng cụ, cẩn thận hơn nữa là lau bằng cồn. Nếu có xăm mình, hãy yêu cầu tiệt trùng dụng cụ cẩn thận trước khi xăm.
HIV không lây truyền khi
° Muỗi đốt
Khi đốt bạn, muỗi tiết vào cơ thể bạn một ít nước bọt. Nhưng vì HIV không sinh sống trong cơ thể muỗi nên nước bọt này không chứa HIV, vì vậy bạn không thể lây nhiễm HIV được. Vòi muỗi rất tinh tế, cho phép muỗi lấy máu rất gọn gàng, không bao giờ máu của người bị đốt trước dính vào người bị đốt sau. Muỗi hoàn toàn vô can trong sự lan nhiễm HIV.
° Hôn
 Bạn đừng quá hoang mang. Hôn nhìn chung không làm lây nhiễm HIV, bởi HIV trong nước bọt vô cùng ít, không truyền được. Chỉ khi hai người bị loét, xước trong miệng hoặc chảy máu răng mà hôn sâu thì mới có khả năng lây do tiếp xúc máu.
° Tiếp xúc thông thường
 Tất cả các kiểu tiếp xúc thông thường như cùng ăn uống, mặc chung quần áo, ôm ấp, bơi chung bể bơi, ở cùng nhà, ngủ chung giường (tất nhiên là không quan hệ tình dục!), làm việc cùng cơ quan, dùng chung nhà vệ sinh, cắt tóc… không làm cho ai bị nhiễm HIV.
 
Xét nghiệm - cách duy nhất để biết có nhiễm HIV hay không
Hiện nay xét nghiệm HIV được phổ biến rộng rãi. Nếu muốn biết mình có nhiễm HIV hay không, bạn hãy đến một trong những cơ sở xét nghiệm tư vấn HIV. Bác sĩ xét nghiệm sẽ giữ bí mật về tên, tuổi, địa chỉ và kết quả xét nghiệm của bạn. Nếu cảm thấy không thoải mái, bạn cũng có thể yêu cầu không để lại tên, địa chỉ.
Bác sĩ sẽ lấy một ít máu của bạn và tìm kháng thể kháng HIV. Đây là chất mà cơ thể tạo ra để chống lại HIV, đáng tiếc là nó bất lực trước con virus đó, nhưng lại trở thành công cụ để ta phát hiện có nhiễm HIV hay không. Việc tìm HIV trực tiếp trong máu thì không thực hiện được vì kỹ thuật phức tạp, giá thành quá cao.
Xét nghiệm tìm kháng thể này có nhược điểm là có khi cơ thể đã nhiễm HIV nhưng lượng kháng thể sinh ra còn quá nhỏ, xét nghiệm chưa thấy được. Tình trạng này có thể kéo dài trong 3 - 6 tháng sau khi nhiễm, gọi là “thời kỳ cửa sổ”.
Kết quả xét nghiệm có thể là:
- Dương tính: Máu có kháng thể kháng HIV, có nghĩa bạn mang HIV. Chỉ có trường hợp trẻ sơ sinh là khác, vì có khi bé không có virus nhưng lại có kháng thể của cơ thể mẹ truyền sang. Đối với trẻ nhỏ, phải 6-12 tháng sau khi sinh mới kết luận chính xác được.
- Âm tính: Máu không có kháng thể HIV. Có hai khả năng: Hoặc bạn không nhiễm HIV, hoặc bạn có HIV nhưng đang trong “thời kỳ cửa sổ”. Bạn nên xét nghiệm lại sau khoảng 3-6 tháng, và dĩ nhiên trong thời gian chờ đợi này, đừng để cho mình có nguy cơ lây nhiễm mới.
- Không rõ: Nguyên nhân có thể là bạn đang trong “thời kỳ cửa sổ”, cũng có thể do bạn dùng một số loại thuốc nào đó ảnh hưởng đến khả năng nhận diện kháng thể nên không xét nghiệm được rõ ràng. Bác sĩ xét nghiệm sẽ hướng dẫn bạn xét nghiệm lại.
Người khỏe mạnh nên đối xử với người nhiễm HIV như thế nào?
Người mang virus HIV dù mới nhiễm hay đã phát bệnh đều bị ám ảnh về bệnh tật, về cái chết, rất cần sự động viên, chăm sóc của bạn bè, người thân. Một bệnh nhân AIDS ba tháng trước khi ra đi đã gửi đến chúng tôi những lời này:
"Tôi mắc bệnh này khi tri thức về AIDS còn chưa phổ biến. Vì vậy, ngoài đứa con yêu quý, tôi mất dần, mất hẳn những bạn bè quen biết. Sau này, nhờ có vài lá thư và sự tiếp xúc, động viên, giúp đỡ mọi mặt của các chị, các anh và cô chú giới chuyên môn, tôi mới thấy tự tin và hy vọng vào con người".
Một bạn gái có chồng nhiễm HIV trong một bức thư ngỏ đã kể về cuộc sống của vợ chồng mình:
"… Anh ấy đã thông báo cho tôi một tin sét đánh: anh bị nhiễm HIV… Hình như tôi kêu lên và ngất đi. Khi tỉnh lại, nhìn khuôn mặt thương yêu và đau khổ của chồng, bỗng nhiên tôi nhận ra rằng giờ đây tôi sẽ phải là chỗ dựa cho anh… Vấn đề khó khăn nhất đối với tôi là phải nói với các con về bệnh tình của cha chúng như thế nào để không làm mất đi thần tượng người cha của chúng… Và rồi ba mẹ con tôi đã nói chuyện và cùng ôm nhau khóc. Đứa con trai lớn của tôi nói: “Mẹ ơi! Chúng ta không thể bỏ và xa lánh bố. Chúng ta sẽ cùng sống với bố trong một gia đình êm ấm…”. Từ hôm đó, hai con chúng tôi dường như là những đứa trẻ khác. Chúng trầm tư và ở nhà nhiều hơn. Chúng tìm cách ở bên bố để trò chuyện và giải trí. Chồng tôi giúp chúng học và chơi đùa với chúng, một việc mà trước kia ít khi anh thực hiện được… Cuộc sống của gia đình chúng tôi dần dần phẳng lặng. Đôi lúc tôi nhận thấy rằng, do chạy đua với thời gian, với tử thần AIDS, cuộc sống của chúng tôi dường như có ý nghĩa nhiều hơn…"
Dịch HIV thật tai hại, nhưng có lẽ nó sẽ giúp chúng ta sống có trách nhiệm hơn với bản thân và với mọi người. Không chỉ bảo vệ mình là cần thiết, mà chúng ta còn học thương yêu, chia sẻ với nhau trong hoàn cảnh khó khăn. Người nhiễm HIV là ai? Không phải là một người xa lạ, mà có thể là chính mỗi chúng ta, hoặc là bạn bè, thân quyến. Căn bệnh chẳng khác chi đám cháy trong rừng rậm, ngọn lửa có thể bén đến từng con vật, từng cái cây, từng ngọn cỏ. Việc cần làm nhất là chăm sóc những người bị bỏng và cùng nhau ngăn ngọn lửa.
Đã nhiễm HIV rồi, nên sống như thế nào?
Phần đông người nhiễm HIV đều hoảng hốt, buồn khổ, thậm chí có lúc muốn chấm dứt cuộc sống. Nhưng rồi bạn sẽ vượt qua cơn khủng hoảng ban đầu, chấp nhận thực tế và sống không chỉ cho mình mà còn cho cả những người thân. Nhiễm HIV không có nghĩa là hết, bạn vẫn có thể sống như ai, cuộc đời vẫn có thể rất đẹp. Một bạn gái mang HIV nói:
"… Em luôn nghĩ rằng em phải sống lạc quan, do đó em không muốn nhắc tới cái bệnh của mình. Nó giống như bị ám ảnh vậy. Nếu mình luôn nghĩ tới, bệnh sẽ trở nên nặng thêm. Cho nên em tránh không nghĩ tới nó nữa. Vả lại, chữ AIDS cho em cảm giác không hay lắm. Tốt hơn hết là em đừng nói ra chữ đó".
Điều quan trọng là tiếp tục sống bình thường. Đừng ủ rũ, than thân trách phận, mà hãy làm việc gì đó bạn thích, lao động hay học tập, đi chơi xa, thực hiện các dự định của mình. Nếu quan tâm, bạn cũng có thể tham gia các công tác xã hội về HIV/AIDS. Bạn có quyền sống vui, sống có ý nghĩa, và chừng nào còn có thể, bạn hãy làm điều đó.
Sức khỏe là vốn quan trọng, bạn cần tích lũy. Hãy ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tránh thức ăn tái, sống, rau sống, thức ăn kém vệ sinh.
Hãy hoạt động và nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục, tập dưỡng sinh để tăng cường sức khỏe. Bạn cần cẩn thận với các bệnh truyền nhiễm như viêm họng, cúm, tiêu chảy… và các bệnh lây qua đường tình dục. Tránh bội nhiễm HIV. Bất cứ khi nào bị bệnh, bạn hãy đi khám ngay để được chữa trị.
Bạn đừng để tâm nếu có ai tỏ ra thiếu tôn trọng vì biết bạn nhiễm HIV, vì họ chỉ là những người thiếu hiểu biết hoặc lòng nhân ái. Nếu có lúc buồn hay cảm thấy bế tắc, bạn hãy trút nỗi lòng với một người thân, một người bạn có thể hiểu và thông cảm. Bạn cũng có thể đến một trung tâm tư vấn (tham vấn) về nhiễm HIV để trao đổi với người hiểu các khó khăn của bạn. Họ có thể giúp bạn cả về tinh thần cũng như việc kiểm tra và chăm sóc sức khỏe.
Bạn cũng cần phải tránh không nhiễm virus cho người khác. Hãy luôn dùng bao cao su khi quan hệ tình dục, và tránh mọi khả năng tiếp xúc máu, đó là nghĩa vụ của bạn.
Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng một ngày nào đó các nhà khoa học tìm thấy thuốc trị được HIV. Nhưng từ giờ tới đó thì như thế nào? HIV không chỉ là vấn đề của những người đã bị nhiễm mà còn là vấn đề của những người sắp bị nhiễm và tác động đến cuộc sống của những người thân của họ. Không thể chối bỏ một sự thực là nó đang tồn tại trong cuộc sống chung của tất cả mọi người. Chúng ta hãy cùng nhau học cách sống chung với nó.

Xem Tiếp: ----