Chương 3: Quan hệ giữa giới nam và giới nữ

Tình bạn khác giới
Trong mối quan hệ muôn màu của cuộc sống, rất nhiều bạn đã có lần tự hỏi: “Đây thực sự là tình bạn hay là một kiểu biến tấu của tình yêu?”, “Có tồn tại tình bạn thân thiết giữa hai người khác giới không?”.
Những người thuộc nhóm “hoài nghi” cho là không có tình bạn khác giới thực sự. Theo họ, nếu một nam, một nữ chơi thân với nhau, hiểu sâu sắc và chia sẻ được vui buồn thì sớm muộn họ sẽ yêu nhau.
"Em nghĩ rằng có tình bạn thân để chuyển thành tình yêu chứ không ai đến tuổi yêu đương chỉ đi tìm bạn thân chỉ để là bạn thân mãi mãi thôi. Chỉ có thực sự yêu nhau thì mới đạt đến mức tâm sự hết mọi chuyện riêng tư của nhau, tức là phải biết rõ về nhau. Em không thể giữ được một tình bạn như vậy và em cũng không tin có ai đó làm được như vậy".
(Vân Anh, 20 tuổi)
Đúng là trên thực tế, có nhiều tình bạn thân đã kết thành tình yêu trai gái. Đúng là có lúc trong tình bạn, một trong hai người bỗng cảm thấy xao xuyến lòng. Thế nhưng nhiều khi trong giây phút băn khoăn đó, ta lại nhận ra rằng mình muốn giữ gìn tình bạn đáng quý, thay đổi nó có thể là mạo hiểm.
"Cũng có những lúc mình nhìn cô bạn thân theo một cách khác và nghĩ đến một tình yêu. Nhưng mình không dám thay đổi vì mình rất trân trọng tình bạn đặc biệt ấy, và lại sợ nếu nói đến tình yêu, cô ấy sẽ ngượng và không chơi với mình nữa. Bây giờ cả hai đứa đều có người yêu và bốn đứa đi chơi chung, thân lắm".
(Tuấn Anh, 24 tuổi)
Lại cũng có những bạn quan hệ bạn bè rộng rãi, không phân biệt giới tính. Họ nhận thấy rằng chơi với nhiều bạn được nhiều điều hay.
"Tôi cảm thấy mình là một người giàu có về tình cảm. Tôi chơi với cả bạn nam và bạn nữ đều thoải mái như nhau, tất cả là ở chỗ mình biết giữ gìn tình bạn như thế nào".
(Nguyệt, 22 tuổi)
"Bạn bè thân của tôi lại là bạn gái. Bạn nam thì nhiều nhưng chỉ có một người thân thôi".
(Phú, 30 tuổi)
Tình bạn khác giới nhiều khi có những giá trị riêng rất đặc biệt khiến mỗi người bạn cảm thấy mình may mắn là có nó.
"Em có người yêu rồi nhưng vẫn duy trì quan hệ với một bạn trai thân, bọn em chơi với nhau từ hồi phổ thông. Trong tình yêu, đôi khi hai bên thường cố tạo cho mình một vẻ đẹp tâm hồn, một vỏ ngoài chiều sâu mà họ thực sự không có, nên gây cảm giác giả tạo. Còn hai người bạn khác giới bao giờ cũng sống thật là mình, yêu quý nhau với những cái mà hai bên có".
(Thảo, 25 tuổi)
Có lẽ chỉ vì tư tưởng “nam nữ thụ thụ bất thân” còn rơi rớt lại nên người ta mới phải băn khoăn về tình bạn khác giới. Tình bạn là sự giao lưu tinh thần giữa hai con người. Nó hình thành một cách tự nhiên, không tuân theo những quy tắc người ta định sẵn. Không ai bảo rằng hai người một già một trẻ không thể kết bạn, rằng hai kẻ giàu nghèo không thể là tri âm. Vậy cũng không thể nói rằng giữa những người khác giới không thể có tình bạn đẹp.
Những yếu tố quan trọng trong tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng
Tình yêu là một chất keo gắn hai cá thể vốn xa lạ. Nó có vững, có chắc hay không là tuỳ tay hai người nấu keo. Dĩ nhiên mỗi cặp người yêu, mỗi cặp vợ chồng có sự sáng tạo riêng, nhưng trong chất keo tình yêu, có vài thành phần quan trọng không thể thiếu, đó là...
Tôn trọng người mình yêu
Ai cũng nhất trí rằng đã yêu thì phải tôn trọng người mình yêu, “Không tôn trọng thì làm sao gọi là yêu được?”. Đúng là như vậy. Thế nhưng có nhiều khi ta vẫn chưa thực sự biết cách tôn trọng. Bạn hãy tự đặt cho mình câu hỏi: Tôn trọng nghĩa là sao? Thế nào là thiếu tôn trọng? Có thể bạn sẽ có những câu trả lời bất ngờ. Sau đây chúng tôi chỉ đưa ra một số ví dụ để ta cùng suy ngẫm.
Tôn trọng thể hiện ở việc nhìn nhận rằng người mình yêu có cá tính riêng. Lẽ dĩ nhiên, khi yêu nhau, hai người đều tự điều chỉnh bản thân để xích lại gần, để đồng cảm với nhau. Nhưng bạn không có khả năng và không có quyền nhào nặn lại người yêu theo ý của mình. Nếu lúc nào cũng dị ứng với những ước vọng của người yêu, nếu cho rằng mình có quyền không cho phép người yêu làm việc này, việc khác, bạn hãy coi chừng! Thái độ đó có thể phương hại đến tình yêu. Bạn hãy nghĩ đến việc học cách tôn trọng cá tính, và nếu có thể thì nên hoà nhập vào thế giới riêng của bạn mình nữa.
"Tụi tôi tính tình khác nhau. Tiến thì thích hội hè, bạn bè. Hoa lại sống thâm trầm. Tiến hay đi hát karaoke, còn Hoa thì thích đi câu cá. Thế rồi khi yêu nhau, Hoa thỉnh thoảng đi theo hội hát karaoke, rồi cũng hát nhiệt tình. Còn Tiến cũng có lúc theo Hoa đi câu cá, kể có lạ nhưng rồi cũng thấy hay hay. Tất nhiên không phải lúc nào tụi mình cũng dính lấy nhau, nhưng phải thông cảm cho nhau, và thỉnh thoảng làm đẹp lòng nhau thì cũng vui lắm chớ".
(Tiến, 20 tuổi)
Tôn trọng còn là hiểu và thông cảm với các quan hệ xã hội của “đối phương”. Vẫn biết rằng bạn là người quan trọng nhất trong cuộc sống của người yêu, của bạn đời, nhưng không ai có thể sống chỉ với một người. Các quan hệ với cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp đều rất quan trọng. Bạn đừng nên ghen tuông quá đáng. Bạn Hằng rất buồn vì thái độ của người yêu:
"Anh ấy ở xa mình, nhưng lúc nào cũng quản lý. Anh ấy trách mình là 23 tuổi rồi mà còn ham vui bạn bè, mình đi chơi xa anh cũng nghĩ là phải gửi thư xin phép anh. Cứ như mình là vật sở hữu không bằng. Mới yêu nhau mà đã thế này thì lấy nhau chắc sống không nổi. Anh sợ mình thay đổi, nhưng có thay đổi hay không là do tình cảm của mình với anh chứ. Nhưng mà anh có hiểu đâu".
Nhiều gia đình có sự phân định một người làm chủ (thường là người chồng), có quyền quyết định mọi việc, những người khác phải tuân theo. Vậy là không đúng. Gia đình là sự hợp tác hai chiều, người nào cũng đóng góp cả cuộc đời mình, có ai cao hơn ai? Xưa kia trọng nam khinh nữ mà các cụ còn công nhận cần phải “thuận vợ thuận chồng”. Ấy vậy mà thời nay, nhiều người vẫn còn muốn làm “ông chủ”, “bà chủ” trong tình yêu, chẳng phải là dại và đáng trách lắm sao? Vợ chồng thương yêu, kính trọng nhau phải cùng nhau bàn bạc mọi việc, vậy mới là phải lẽ.
"Nhà này cái gì cũng cả anh cả ả cùng bàn, cùng làm. Trồng cây gì, nuôi thêm con lợn, chi tiêu việc gì, đóng tiền học cho trẻ, đều là cả hai người bàn với nhau, chớ một người quyết định không được".
(Đức, 35 tuổi)
Trong đời sống riêng tư, cũng rất cần có lòng tôn trọng. Nếu ai đó cố ép “đối phương” sinh hoạt tình dục khi người ta không sẵn sàng đáp ứng, hoặc chỉ biết đến khoái lạc của bản thân, thì rõ ràng là thiếu tôn trọng tối thiểu với bạn tình. Niềm vui sướng tình dục của cả hai người cần phải được coi trọng ngang nhau.
"Nói chung chuyện phòng the của người ta khá là tốt đẹp. Hầu như không bao giờ có một bên nào bị ức chế. Hai vợ chồng bao giờ cũng rất tình cảm với nhau. Thế mà nghe mọi người ở chợ nói chuyện với nhau thì nhiều chuyện chán lắm, có người chỉ chịu đựng, có người lại coi nó là món hàng để mặc cả với nhau về việc này việc khác. Người ta không thể hiểu nổi".
(Trâm, 25 tuổi)
Một lần nữa xin nhắc lại: “Không tôn trọng thì sao gọi là yêu được?”. Hai bạn hãy tôn trọng nhau như tôn trọng bản thân mình, và sống sao cho xứng đáng với lòng tôn trọng, với tình yêu đó.
Chia sẻ
Khi hai người xây dựng tình yêu đẹp hay tổ ấm hạnh phúc, họ cùng nhau chia sẻ mọi điều. Họ quan tâm đến nhau và đến mọi mặt của của cuộc sống chung, mọi niềm vui cũng như nỗi lo toan. Điều đó mang lại cho họ không chỉ là niềm hạnh phúc hiện tại, mà còn gắn bó tình cảm lâu dài. Nhiều cặp vợ chồng chung tay trong mọi việc:
"Lan với Tuấn Anh, hai người đi làm về, cùng làm việc nhà, cùng kể cho nhau nghe chuyện ở cơ quan, thế là mình cảm thấy công việc nó nhẹ nhàng đi bao nhiêu. Vừa rửa bát với nhau vừa nói chuyện thì thấy làm nhanh lắm. Bọn mình rất hợp ý nhau về cái khoản rửa bát. Nếu như mình cứ suốt ngày làm một mình thì tủi thân lắm".
(Lan, 25 tuổi)
Đúng vậy, yêu nhau là cùng chia sẻ mọi việc trong cuộc sống hằng ngày. Trong tình yêu trước khi cưới, đó là sự gặp gỡ, sự quan tâm săn sóc đến mọi việc của nhau... Trong gia đình, đó là những công việc kinh tế, chăm nom nhà cửa, sinh và nuôi dạy con, tránh thai, chăm sóc hai bên nội ngoại... Không thể nói rằng mọi việc phải đong đo và chia đôi, nhưng mỗi việc đều là việc của chung hai người:
"Trong gia đình hai người đều phải lo lắng, quan tâm. Người vợ không nên để cho chồng một mình kiếm tiền, còn mình chỉ làm nội trợ không thôi. Đàn ông cũng không nên vứt hết việc nhà cho vợ. Nếu cứ nghĩ chồng phải kiếm tiền, vợ phải nội trợ thì là phân công lao động quá rõ rồi, cũng giống như phân công lao động ngoài xã hội. Thế thì còn gọi gì là gia đình nữa".
(Phương, 28 tuổi)
Đáng tiếc là còn nhiều người phụ nữ phải than thở: “Cái nhà đối với chồng tôi chỉ như nhà trọ, anh ấy về chỉ để được phục dịch mà thôi.” hay “Đàn ông không phải nạo hút thai nên nào họ có biết tránh thai”... Cũng còn nhiều người đàn ông cảm thấy thất vọng về người vợ “cô ấy cứ cho là tôi dĩ nhiên phải cung cấp hết cho cô ấy”... Nếu bạn đã nghe thấy “nửa kia”của mình nói một câu như thế, bạn cần nhìn lại mình và sửa mình.
Luôn đem lại hạnh phúc cho nhau
Tình yêu vẫn thường được ca ngợi là chỗ dựa và nguồn nhựa sống của con người. Đúng là như vậy nếu ta yêu từng ngày, yêu cả đời người. Bạn đừng bao giờ có ý nghĩa sai lầm: “yêu được là xong rồi”. Cách suy nghĩ đó đã biến nhiều cuộc hôn nhân thành điểm kết thúc của tình yêu. Hãy nhớ một câu nói chí lý: “Tình yêu và hạnh phúc cũng giống như một cây hoa. Muốn cho cây sống tươi tốt, ra hoa đẹp thì phải không ngừng vun bón, tưới tắm cho cây, chăm sóc cây hằng ngày.” (khuyết danh)
Muốn đem lại hạnh phúc cho nhau, bạn có vô vàn cách. Cùng nhau chia sẻ mọi việc trong cuộc sống là cách vun xây hạnh phúc. Những cử chỉ quan tâm giản dị, những lời nói mộc mạc chân thành trong cuộc sống thường ngày luôn đem lại niềm vui:
"Đi làm về thấy hai đứa con nhảy nhót đùa vui, vợ chồng đón nhau, hỏi han nhau ở tận cửa là thấy ấm cả lòng, có chuyện gì ở cơ quan thì nó cũng bay đi đâu mất. Lúc đấy chỉ muốn ôm lấy nhau một cái cho thoả".
(Huyền, 30 tuổi)
Bạn cũng hãy quan tâm đến những ước vọng của người mình yêu, giúp nhau đạt được những điều mình mong muốn:
"Mình khích lệ cô ấy trong công việc. Còn người yêu mình cũng rất tế nhị, luôn biết động viên những khi mình gặp khó khăn trong công việc của mình. Bao giờ có chuyện gì vui buồn cũng tìm đến nhau".
(Lê Anh, 28 tuổi)
Giữa cuộc sống vất vả, hai bạn hãy tìm những giờ khắc để tạo cho nhau niềm vui đặc biệt: một món quà nhỏ, buổi xem phim, đi dạo, ôn kỷ niệm buổi gặp gỡ đầu tiên, ngày cưới, ngày sinh đứa con đầu lòng... Hãy nâng niu tình cảm của mình và giữ cho tình yêu luôn luôn tươi trẻ.
Chung thủy
Chung thủy là yêu cầu mà những người yêu và vợ chồng đều ngầm hiểu. Có ai lại muốn tình cảm bị chia sẻ, vậy hãy luôn chung thuỷ với nhau. Vẫn biết rằng trong cuộc sống có lúc ta thấy tình yêu hay cuộc sống gia đình của mình dường như nhàm chán, có lúc ta có thể xao xuyến bởi một dáng hình khác, nhưng đó lại chính là lúc cần làm nóng lại tình yêu trong tâm hồn mình. Hãy nhớ lại khi xưa các bạn chăm sóc nhau như thế nào, vui vẻ ra sao, và gây dựng lại những cảm xúc đó.
Những người dễ dàng cặp bồ hoặc đi mua dâm thật đáng trách. Nực cười nhất là có người thản nhiên nói: “Tôi vẫn đưa tiền về cho gia đình, chăm lo con cái, thì chơi bời tí chút có sao đâu” hay “Ôi dào, mỗi người cũng phải có một mảnh trời riêng chứ”. Thậm chí họ có còn đổ cho người kia đủ loại khiếm khuyết để bào chữa cho mình. Họ có nghĩ rằng hành động thiếu trách nhiệm của họ có thể gây tổn thương rất lớn đến tình cảm của bạn đời và có thể làm tan nát gia đình:
"Hai anh chị bỏ nhau lúc thằng Cún mới được sáu tháng. Lúc ấy anh gặp một cô bé có 20 tuổi, xinh lắm, và anh yêu cô ấy. Hồi đấy chị khổ mà thằng Cún nó cũng khổ lắm, vì chị đau đớn như phát điên nên chẳng có sữa cho nó bú".
(Hiên, 34 tuổi)
hoặc biến cuộc sống gia đình trở thành địa ngục:
"Nếu hai vợ chồng không còn yêu nhau nữa thì thật là kinh khủng. Sống chung chỉ là chịu đựng nhau thôi. Mà con cái là khổ nhất. Trẻ em chúng nó rất nhạy cảm với cách đối xử của cha mẹ với nhau. Nhìn chúng nó khóc khi bố mẹ cãi vã lạnh nhạt với nhau trông tội lắm".
(Minh, 27 tuổi)
Khi đang yêu thắm thiết, khi dắt tay nhau đi vào cuộc sống vợ chồng, ai cũng mong một cuộc sống hạnh phúc êm ấm. Vậy thì khi vui cũng như khi chán nản, chúng ta cần phải yêu và không lúc nào ngừng yêu.
Và một điều không thể thiếu - tôn trọng bản thân mình
Xưa nay ta vẫn nhắc nhiều đến đức hy sinh, tấm lòng sống vì người khác. Chúng tôi dám xin được “đi ngược dòng”, nói đến cái tôi ít được nhắc đến của mỗi cá nhân, không phải để khuyên bạn sống ích kỷ, mà để thấy rằng việc hy sinh là cần thiết nhưng cần phải biết quý trọng bản thân mình, không để hy sinh quá đáng trở thành “quỵ lụy”.
Mỗi con người có bản ngã riêng với cách suy nghĩ, cách nhìn nhận, cách phản ứng riêng trong mỗi hoàn cảnh. Bạn hãy luôn sống “là mình”, như vậy mới có thể thực sự chân thành với người mình yêu và xây dựng tình yêu đẹp.
"Tôi biết đây là tình yêu đích thực, vì bây giờ tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi nói những gì tôi nghĩ, không như trước kia, lúc nào cũng phân vân không biết mình nói như thế này, làm thế kia thì cô ấy nghĩ gì nhỉ, lúc nào cũng như là nắn mình ấy".
(Trung, 27 tuổi)
Biết quý trọng bản thân thực sự là cần thiết đối với tình yêu. Đừng nghĩ rằng vì tình yêu, mình cần chịu đựng mọi nỗi bực mình, làm thế lợi bất cập hại. Liên đã kiểm nghiệm điều đó:
"Hai năm lấy nhau rồi chị mới học được cách nói thẳng một cách dịu dàng. Hồi xưa có chuyện gì chị cũng không muốn nói, nghĩ chuyện bé có gì mà nói, thôi thì mình chịu đựng một tý. Thế nhưng cái bực mình nó cứ ở trong bụng, ngày này qua ngày khác nó to ra. Chị thành ra tính tình cáu bẳn, mà không chịu được nữa thì chị làm um lên, anh lại bảo chuyện bé mà xé ra to. Bây giờ chị rút kinh nghiệm, có chuyện gì không vừa ý, chị lựa lời nói ngay, miễn mình không phản ứng gay gắt mà nói một cách tôn trọng, không xúc phạm anh ấy là anh ấy hiểu".
Đáng tiếc là nhiều người còn chưa nhận ra tác hại của việc hy sinh vô lý. Sau đây là lời tâm sự của một bạn trẻ đã bước vào quan hệ tình dục chỉ vì nghĩ rằng phải hy sinh cho người yêu:
"Em đã yêu và đã quan hệ. Em cảm thấy chưa muốn đâu, dù sao cũng còn quá trẻ, mà yêu mới chỉ được mấy tháng. Nhưng anh ấy muốn thế, còn em thì nghĩ làm thế để giữ anh ấy. Bây giờ em chỉ muốn không quan hệ nữa, nhưng không từ chối được".
(Vân, 20 tuổi)
Khi “ừ”, Vân đã cố lờ đi tiếng nhắc “chưa được” từ trong lòng mình, cố quên đi rằng mình thực sự chưa muốn làm việc ấy. Cô quả đã sai lầm.
Người ta vẫn nói trước khi lập gia đình cần tìm hiểu nhau thật kỹ để biết trước cái hay cái dở mà thông cảm cho nhau. Song, có lẽ còn một lý do nữa: để cân nhắc xem có thể thông cảm được hay không. Khi đang yêu, tuần gặp nhau vài bận, thể hiện những điều tốt đẹp nhất, nói những câu âu yếm nhất, ta dễ cho qua những điều tưởng như nhỏ nhặt. Bạn hãy cẩn thận, nếu có một điều gì làm bạn khó chịu thì hãy cởi mở trao đổi với người yêu, kẻo sau này nó có thể thành sự tra tấn trong cuộc sống vợ chồng. Một bạn đã rút ra bài học thật là “đắng”:
"Mọi người cứ bảo là người ta có thể rèn được chồng, vợ. Tôi thấy cái khả năng ấy nó hạn chế lắm. Hồi xưa yêu, tôi mặc kệ ông ấy sống theo ý thích. Tôi nghĩ cứ chịu đựng một tí, rồi ông ấy sẽ bắt đầu động tay động chân đến việc nhà. Còn ông ấy thì bảo cưới xong sẽ bỏ thuốc. Thế nhưng chung sống với nhau 6 năm nay, có một đứa con rồi, ông ấy vẫn chẳng khác gì, vẫn cứ là cái ống khói. Việc nhà thì cũng chẳng bao giờ ngó chứ đừng nói làm nhé".
(Hạnh, 30 tuổi)
Mỗi con người có thể thay đổi mình nếu người ấy muốn, nhưng cũng có những điều không thay đổi được. Khi có một điều gì đó khiến một trong hai bạn khó chịu, các bạn hãy trao đổi và tự điều chỉnh ngay từ lúc chưa cưới. Còn nếu không điều chỉnh được, có lẽ hai bạn không hợp với nhau đâu. Hãy tôn trọng chính bản thân mình nữa. Có vậy mới có thể mong đợi một cuộc sống hạnh phúc thực sự.
Cạn lời cũng không nói hết được những điều cần nói về tình yêu và hạnh phúc gia đình. Chỉ xin gói lại: Quan trọng nhất trong tình yêu và trong cuộc sống vợ chồng là không ngừng học hỏi lẫn nhau. Đừng nghĩ rằng mình tốt lắm rồi, không có gì phải thay đổi nữa, chỉ có người kia là phải thay đổi. Cả vợ cả chồng đều cần thay đổi theo hướng tốt lên cho hoà hợp nhau. Cũng đừng thấy một khuyết điểm gì đó của bạn đời mà coi là kinh khủng, là sụp đổ, bởi “nhân vô thập toàn” mà, ai chẳng có khiếm khuyết. Yêu nhau là yêu cả nét tốt lẫn nét chưa tốt của nhau. Quan trọng là hai người cùng cởi mở, luôn nhìn vào bản thân để không ngừng tạo cho cuộc sống chung nhiều nét mới. Tất nhiên phải là cả hai người.
Những quan niệm thường gặp về giới nam, giới nữ
Xa xưa trong lịch sử, mỗi giống người đều có thời kỳ dài sống trong chế độ mẫu hệ, con cái thuộc về mẹ và theo họ mẹ. Sau đó, do nhu cầu hình thành đơn vị gia đình nhỏ và do phải đi kiếm ăn xa, người đàn ông dần chiếm ưu thế và chế độ phụ hệ hình thành. Qua bao thế kỷ, xã hội thay đổi và mỗi con người cũng thay đổi theo.
Qua các giai đoạn lịch sử, do sự thay đổi về hoàn cảnh chính trị, kinh tế nên vai trò của giới nam và giới nữ trong gia đình và xã hội cũng thay đổi. Do đó, quan niệm về tính cách, quy tắc xử thế của mỗi giới cũng biến đổi không ngừng.
Xã hội càng văn minh, người ta càng công nhận quyền bình đẳng của hai giới. Trong phân công lao động, vai trò của hai giới xích lại gần nhau, hệ thống giáo dục cũng không phân biệt giới tính. Về nguyên tắc, ngày nay mỗi một con người, dù nam hay nữ, đều có điều kiện phát triển toàn diện hơn, không phải bó hẹp trong các khuôn mẫu cổ xưa về đàn ông và đàn bà nữa.
Tuy nhiên, các quy định, quy tắc cũ xã hội vẫn còn để lại những "dư âm" của nó, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi con người. Để hiểu được tác động đó, chúng ta hãy cùng nhau theo dõi cuộc đời của hai con người, một nữ, một nam.
Bé Đức và bé Hằng sinh ra cùng ngày, giờ, tháng, năm ở cùng một nhà hộ sinh. Gia đình hai em là hai gia dình bình thường trong xã hội, không có gì khác biệt nhau. Quan niệm nuôi dạy con cái của hai gia đình là những quan niệm điển hình trong xã hội. Hai em lớn lên như thế nào?
Khi bắt đầu biết nghĩ, Đức và Hằng thấy rằng trong gia đình có một số điểm khác biệt nho nhỏ trong việc dạy con trai và con gái. Chẳng hạn, hễ Đức khóc nhè là bố mẹ bảo: “Con trai không khóc nhè. Xấu lắm”. Còn đối với Hằng thì bố mẹ chỉ tặc lưỡi: “Con gái nhõng nhẽo thế đấy”. Nhìn chị em gái, Đức ấm ức nghĩ, tại sao con gái thì được khóc mà con trai lại không. Tuy nhiên, dần dần cậu bé cũng học được cách giữ kín cảm xúc để khỏi bị coi là “đồ con gái”. Hằng thì biết rằng đó chỉ là "nhõng nhẽo kiểu con gái" thôi nên đôi khi cũng lợi dụng hờn dỗi để vòi vĩnh bố mẹ.
Lớn lên một chút hai em học được cách cư xử cho ra con trai hay con gái. Vốn tính hiếu động, cả Đức, Hằng đều vui đùa, chạy nhảy, hò hét vang trời. Người lớn bảo Hằng: “Phải nhẹ nhàng chứ. Con gái gì mà như quỷ” khiến cho em dần dần trầm tính lại, sợ mình không giống con gái. Bố mẹ Đức lại tự hào khoe với mọi người: “Đúng là con trai nó hiếu động lắm bác ạ”, làm cậu bé nghĩ chắc phải nghịch ngợm thật nhiều thì mới là con trai.
Đi học về, Hằng được mẹ bảo vào bếp giúp việc nhà. Nhìn đám trẻ chơi ngoài sân cô bé thèm lắm nhưng thương mẹ nên đành nhịn. Đức thì ngược lại, học về là quăng sách vở chạy đi chơi, tới giờ cơm mới phải về. Đương nhiên cậu bé nghĩ cơm nước nhà cửa chẳng phải việc của mình, cha mẹ vẫn bảo đó là việc của con gái mà.
Đến tuổi cập kê, cả Đức và Hằng đều quan tâm đến các bạn khác giới. Bố mẹ Hằng liền dạy cô phải ý tứ, không đi chơi về muộn, phải cẩn thận với bọn con trai. Có thể Hằng là một cô gái bản chất hồn nhiên và bạo dạn, nhưng giờ đây cô phải học cách khoác lên mình chiếc áo thiếu nữ, sao cho ra dáng nhu mì, hiền thục, đoan trang. Đức thì chẳng thấy ai dạy phải ý tứ bao giờ, chỉ thấy luôn bị khích phải dũng cảm lên, đừng có “nhát như con gái”, nên lúc nào cũng phải lên gân ra vẻ ta đây đàn ông mạnh mẽ.
Đức và Hằng đều được nghe vô số điều thiên hạ nói về con trai, con gái. Con gái thì phải biết chờ đợi, nếu đến làm quen hay gần gũi bạn trai thì là “trơ tráo”, “cọc đi tìm trâu”. Con gái mà không biết giữ gìn trinh tiết thì là “đồ bỏ đi”. Trái lại, con trai thì phải biết “tán gái”, “trồng cây si”, “nói những lời có cánh”. Con trai có nhu cầu sinh dục cao, nên hay “ép bạn gái chiều”. Con trai thích “chơi bời cho có kinh nghiệm”. Những quan niệm đó của xã hội dần dần ăn vào tiềm thức của Đức và Hằng cũng như bao thanh thiếu niên khác. Hội bạn gái của Hằng suốt ngày nói chuyện cô này phải xử sự thế nào khi có một anh chàng nào đó theo đuổi, cô kia rất thích một anh chàng nhưng chẳng biết phải làm gì, cô khác nói không biết nên chiều người yêu hay là nên giữ. Hội bạn của Đức thì nhiều khi ba hoa về khả năng quyến rũ con gái, về việc chinh phục một cô này, về sắc đẹp cô khác, có khi còn rủ nhau đi “chơi bời” đâu đó.
Đức và Hằng gặp gỡ và có cảm tình với nhau, "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Đức đêm nào cũng tự nhủ: “Ngày mai nhất định mình phải tỏ tình với cô ấy. Biết nói thế nào, nói ở đâu bây giờ?” rồi cứ đến lúc gặp là lại sợ, không biết nói gì. Sứ mệnh tỏ tình đeo nặng khiến cho cậu mất ăn mất ngủ. Hằng thì phải chờ đợi, không dám tỏ ý gì vì “con gái thì phải giữ giá”, nên cũng khổ sở không kém.
Rồi cũng đến lúc họ trở thành người yêu. Đi chơi đâu Đức cũng rút tiền ra trả, vì “phải ga lăng mới đáng mặt đàn ông”, mặc dù nhiều khi chàng phải vay tiền chúng bạn. Hằng nhìn người yêu lúc nào cũng trả tiền thì thương, nhưng không dám trả tiền vì sợ Đức ngượng. Hai người gần gũi nhau, và có những lúc họ cảm thấy rất hấp dẫn nhau về thể xác. Hằng vội gạt ý nghĩ ấy đi, vì cô đã khắc sâu quan niệm những cái đó là “không trong trắng”. Còn Đức nghĩ như thế là bình thường, vì xưa nay bạn bè cậu vẫn nói chuyện ấy mà. Dần dà thân thiết nhau lắm rồi, Đức bắt đầu muốn nài Hằng “đi xa hơn nữa”, một phần vì nhu cầu của chàng, một phần vì cái kiêu hãnh “đàn ông là như thế mà”. Hằng thì sợ rằng biết đâu mình sẽ trở thành đồ bỏ đi thật. Bình thường cô vẫn luôn dịu dàng với người yêu, nên tự nhiên lại phải tỏ ra cương quyết thực chẳng dễ chút nào. Mà bản thân cô cũng bị lôi kéo lắm chứ. Thật là tiến thoái lưỡng nan. Câu chuyện có thể đi theo nhiều hướng.
Rất có thể Đức và Hằng cùng đi đến hôn nhân. Họ bước vào cuộc sống vợ chồng với bao bỡ ngỡ. Thiên hạ nói chồng là chủ gia đình, quyết định mọi việc, lo kinh tế, còn vợ thì chủ yếu là lo việc nhà, chăm sóc con cái, coi sự nghiệp của chồng hơn sự nghiệp của mình. Hằng lo hầu hết mọi việc trong nhà. Buổi đầu, Đức cũng giúp vợ nhưng sau có người hàng xóm chê là “anh hầu vợ”, khiến anh ngượng, nên thôi. Hằng nghĩ đến những hoài bão của mình, rất muốn phấn đấu, nhưng liền được mọi người nhắc nhở: “Đàn bà mà ham công việc là thiếu nữ tính, không giữ được chồng đâu”. Chị lo lắng, rồi cũng quên dần những ước vọng của mình vì đã bắt đầu sinh con, chăm con thì còn đâu thời gian nữa. Chị thầm ghen tị với sự vô lo vô nghĩ, sự thành đạt của chồng, nhưng chẳng bao giờ nói ra, sợ gia đình sứt mẻ.
Cuộc sống cứ trôi qua, Hằng bận bịu ở nhà, Đức dành nhiều thời gian ở cơ quan, với bạn bè. Bản tính tốt, nhưng vì bạn bè lôi kéo, anh dần dần ham rượu bia, thậm chí cả chơi bời trai gái. Anh tặc lưỡi: “Không có tật nào thì không phải là đàn ông”. Chị cố khuyên giải chồng không được thì giận, nhưng đành chịu đựng, vì mọi người vẫn nói: “Phụ nữ là phải vị tha”. Nếu anh đi yêu người khác thì chị phải lo làm đẹp, chiều anh để giữ gìn “hạnh phúc”. Chị thầm nghĩ nếu là chị làm việc đó thì đã bị tất cả mọi người lên án.
Đó là nếu họ cưới nhau. Còn nếu mọi chuyện không mấy tốt đẹp, chẳng hạn Hằng đã “trao thân” cho Đức nhưng hai người không thành hôn, thì có thể mỗi người sẽ một đường. Đức sẽ tấn công một cô gái khác, được cô ấy yêu và chăm sóc. Còn Hằng thì khi yêu lần sau sẽ phải nghĩ đến đau đầu: “Mình có nên nói với anh ấy là mình không còn toàn vẹn không nhỉ?”. Và người yêu cô được xã hội trao cho cái quyền phán xét cô, mặc dù chưa chắc anh đã là một người “trong trắng”.
Vậy đó, đời sinh ra hai đứa trẻ, để rồi chúng có hai cuộc sống khác nhau chỉ vì một là trai, một là gái. Nhiều người bảo là do số phận. Nhưng số phận này do đâu mà có? Chẳng phải ông trời nào quy định, mà chỉ là do các quan niệm xã hội nhào nặn mà nên. Nếu các quan niệm xã hội khác đi thì Đức và Hằng có thể trở nên hai con người với suy nghĩ khác, vai trò khác, tức là số phận của họ thay đổi hẳn.
Mỗi chúng ta có thể có cuộc sống khác với hai nhân vật này, nhưng đều bị ảnh hưởng bởi các quan niệm trình bày trong câu chuyện. Trong hơn 70 triệu người Việt Nam, tất nhiên có rất nhiều người yên ổn trong cái vai trò xã hội giao cho họ, chẳng bao giờ phàn nàn hay muốn sống khác đi, những quan niệm đó đã ăn sâu vào nhận thức của họ. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng có vô số người phải ngày ngày chịu đựng cái cuộc sống không theo mong muốn thực sự của mình, và còn nhiều người sống vượt ra khỏi cái khuôn khổ định sẵn. Những quan niệm “ngược dòng” không phải là hiếm, rất nhiều bạn trẻ đã tâm sự với nhau những suy nghĩ tiên tiến của mình:
"Em thích một cô gái thông minh, nhanh nhẹn, vì đâu cứ phải dịu dàng nhỏ nhẹ mới là con gái. Một số bạn gái cứ tưởng nhỏ nhẹ, hiền dịu mới là nữ tính nên cố tỏ ra như vậy, nhiều khi đến mức thụ động, không chịu suy nghĩ, ai nói gì cũng dạ vâng. Có khi mình suy nghĩ khác nhưng để tỏ ra dịu dàng họ cũng ừ đại đi. Em nghĩ người phụ nữ dịu dàng vẫn có thể là người biết hài hước, nói chuyện thông minh, yêu say đắm và tỏ tình trước. Em ghét nhất những bạn gái hỏi cái gì cũng “em không biết”. Nhiều khi người thụ động có thể biến thành người giả dối".
(Tùng, 19 tuổi)
"Người yêu em làm khoa học. Anh ấy rất thông minh và hiểu biết nên em rất phục. Làm khoa học không phải là nghề kiếm được nhiều tiền, và em cũng không lấy thế làm điều quan trọng. Khi đi chơi, đứa nào có tiền thì trả thôi. Mà anh ấy hiền lành lắm, không phải là người tháo vát, giải quyết được mọi chuyện nhưng anh ấy rất yêu quý và tôn trọng em".
(Hương, 20 tuổi)
"Sách nào cũng viết là phụ nữ phải chiều chồng, phải ăn mặc cho tinh tươm, rồi phải biết đối xử tinh tế. Cứ theo sách báo viết thì phụ nữ chẳng là gì cả. Cái gì xảy ra cũng do lỗi của phụ nữ. Mất trinh cũng tại chúng ta nhẹ dạ, chồng chê thì tại chúng ta không khéo léo. Buồn nhất là khi chồng đi ngoại tình thì xã hội cũng lại lên án phụ nữ là không biết giữ. Ghen tuông thì bị chê là nóng nảy, mất nữ tính. Gia đình tan nát thì phụ nữ lại bị chê cười là không biết hy sinh, chịu đựng để con cái phải chịu cảnh bơ vơ".
(Lan, 17 tuổi)
"Ai cũng biết là thuốc lá thì có hại, không những hại mình mà hại người khác nữa. Nhưng con trai rất khổ, không thể nào không hút. Mà hút rồi thì sinh nghiện, bỏ rất khó. Người yêu mình thì lo cho mình. Mình thì cố gắng đánh răng thật kỹ trước khi gặp cô ấy, không hút khi có cô ấy ở bên. Nhưng sau này lấy nhau rồi thì không biết thế nào".
(Thắng, 22 tuổi)
"Bạn không biết chứ con trai nhiều khi cũng nhát lắm. Tôi chẳng biết tỏ tình thế nào, run lắm. May mà bạn gái tôi bạo. Chúng tôi đi xem phim, tôi chẳng xem gì. Tôi chỉ muốn nói gì với cô ấy mà không nói được. Thế mà cô ấy biết, cô ấy giúp tôi, cầm lấy tay tôi. Tôi vừa sung sướng vừa thấy như trút được gánh nặng".
(Phương, 27 tuổi)
Mỗi con người đều là tổng hoà của nhiều phần tính cách. Dù là nam hay nữ thì cũng không ai chỉ có cương hay chỉ có nhu, mà cương nhu thường hoà trộn. Xã hội hiện đại công nhận rằng mỗi người đều có quyền làm chủ bản thân và mưu cầu hạnh phúc, không phân biệt địa vị xã hội hay giới tính. Chúng ta hãy cởi bỏ những định kiến cũ kỹ để mỗi cá nhân có thể phát triển hết tiềm năng của mình, thực sự làm người tự do, và cũng để hai giới học ở nhau những điều tốt đẹp, để mối quan hệ giữa 2 giới thêm yêu thương, chân thành và tôn trọng.
Thanh niên nhìn nhận về tình dục trước hôn nhân
Các nước phương Đông, trong đó có nước ta, vốn coi trọng sự tiết dục, coi tình dục chỉ là việc trong hôn nhân, thanh thiếu niên nam nữ còn “trong trắng” không được phép quan tâm đến. Tuy vậy, hiện nay đã có các cuộc tranh luận sôi nổi, thể hiện nhiều quan điểm đa dạng về vấn đề này.
Phải nói rằng đòi hỏi không quan hệ tình dục trước khi lập gia đình nay đã có nhiều phần được nới lỏng. Nhưng đối với phái nữ, những quan điểm coi trinh tiết là chuẩn mực đạo đức, thậm chí là thước đo giá trị người con gái còn khá nặng nề:
"Nếu đêm tân hôn biết vợ mình đã mất trinh thì chỉ có thánh nhân mới không có ý nghĩ khó chịu. Cho dù vợ mình sẽ giải thích sao đó nhưng để mình thông cảm thì cũng khó lắm. Cả một trăm thằng con trai thì tôi đảm bảo có tới chín chín thằng nhận thức như tôi".
(Tuấn Anh, 25 tuổi)
"Em nghĩ trinh tiết của người con gái rất quan trọng. Cái trinh là quý báu nhất. Không giữ được nó thì mình là đồ bỏ đi rồi".
(Liên, 23 tuổi)
Cũng có bạn nam đòi hỏi phụ nữ phải giữ trinh tiết, không phải quan điểm đạo đức mà vì ghen, vì sợ mình không phải là người duy nhất được yêu thương trong cuộc đời người phụ nữ:
"Người đến sau sẽ ghen muôn đời với người đến trước vì họ luôn nghĩ phụ nữ không thể quên được mối tình đầu".
(Thanh, 19 tuổi)
Một số bạn nam còn có quan điểm khá ích kỷ:
"Khi yêu thì anh nào cũng muốn có quan hệ tình dục với bạn gái mình, nhưng dù thế nào đi nữa, bọn con trai tụi em cũng chỉ lấy một cô gái trinh trắng con nhà lành về làm vợ thôi".
(Phước, 21 tuổi)
Nghe vậy thì có vẻ bất công và không tôn trọng phụ nữ quá, phải không bạn? Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng tôi gặp những phụ nữ bày tỏ sự bất bình của mình:
"Em giữ gìn trinh tiết. Nhưng nhiều khi cũng buồn vì mình không biết người con trai của mình có trinh bạch không, hay đã từng trải rồi. Nghĩ thì cũng thấy ghen".
(Bằng, 23 tuổi)
"Khi người phụ nữ không còn trinh trắng nữa thì bị coi là người bỏ đi, nếu giấu được thì tốt, nhưng rất khó giấu. Nếu mà mọi người biết được thì chúng ta không được ai thông cảm, đa số sẽ nghĩ ta là đồ hư hỏng. Em hiểu rằng việc đó không có gì là xấu xa nhưng xã hội đã vây kín chúng ta bằng những lời đàm tiếu, khinh rẻ, chúng ta sẽ không sống nổi trong đó. Phụ nữ là người mang niềm vui đến cho toàn nhân loại nhưng họ luôn phải chịu những đắng cay".
(Hương, 20 tuổi)
"Em thấy chán nhất là khi chúng ta phải cầu xin sự tha thứ của một người chồng mà chúng ta không biết gì về sự “trong trắng” của họ trước khi đến với chúng ta. Thật là buồn cười nếu anh ta là một kẻ hư hỏng mà lại có quyền khinh rẻ chúng ta. Tất cả chỉ vì anh ta là đàn ông, còn chúng ta là đàn bà".
(Linh, 23 tuổi)
Nếu bạn đau khổ vì những yêu cầu về trinh tiết, một số bạn khác có thể sẽ an ủi bạn phần nào. Họ là những người có quan niệm tân tiến hơn. Một bạn nữ tâm sự:
"Theo em, cái quan trọng nhất là người ấy có xứng đáng để mình hy sinh hay không. Em sẽ rất hạnh phúc nếu được trao sự trinh trắng cho người em yêu, cho dù sau này có lấy nhau hay không em cũng không ân hận".
(Thuỷ, 22 tuổi)
Các bạn nam cũng có thể có những suy nghĩ rất có lý có tình:
"Chuyện tình dục trước hôn nhân bị xã hội phản đối rất nhiều. Nhưng sự phát triển xã hội tất yếu đưa đến chuyện đó. Mình nghĩ thế cũng có lý thôi, vì ngày xưa người ta lập gia đình sớm, lúc mười mấy tuổi, nên cái nhu cầu ấy nó cũng ít, bây giờ thì mọi người học, làm ăn, lấy chồng lấy vợ muộn hơn. Tôi nghĩ nếu thực sự yêu và muốn cưới thì cũng chả có vấn đề gì".
(Vũ, 24 tuổi)
"Theo mình, chuyện trinh tiết không quan trọng lắm. Người ta bảo: “Yêu nhau củ ấu cũng tròn”. Mình nghĩ là yêu một người thì mình trọng những cái mà người ta đang có, còn những cái đã xa rồi không phải là cái lớn. Theo mình, cái quan trọng không phải là về sinh lý còn trinh hay không còn trinh, mà chữ trinh với mình có nghĩa là sự chung thuỷ, tức là khi đã yêu nhau thì phải chung thuỷ với nhau".
(Chí, 23 tuổi)
Còn chúng tôi, những người viết cuốn sách này có quan niệm rằng, giá trị của một con người không thể nào chỉ nằm trong một chữ trinh, quan điểm "người con gái mất trinh là đồ bỏ đi" là sự đánh giá cực đoan và thiếu tôn trọng. Chúng tôi cũng cho rằng nếu đòi hỏi trinh tiết ở nữ giới mà không đòi hỏi điều đó ở nam giới thì thật không công bằng, đó chính là trọng nam khinh nữ.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là cứ bước vào tình yêu là nên có quan hệ tình dục. Tình dục là một quan hệ đặc biệt, đòi hỏi bạn phải có những bước trưởng thành và những quyết định đúng đắn.