Chương 7: Sinh nở

Sinh nở là một sự kiện lớn của đời người, trước hết là đối với người mẹ, người cha, sau đó là đối với những thành viên khác trong gia đình và bạn bè thân thiết. Nói đến kinh nghiệm sinh nở của mình, hiếm có bà mẹ, ông bố nào không thấy xúc động.
"Khi đẻ thì không khó, nhưng nó thiếu tháng nên phải nuôi lồng kính một tháng trời. Suốt một tháng chị vắt sữa chị cho nó bú, cả nhà chạy ra chạy vào bệnh viện trông nom. Đến lúc nó về nhà được rồi thì mừng lắm. Chị vẫn bón cho nó từng giọt sữa vì nó vẫn còn yếu chưa bú ti được. Anh nhà chị trông nó suốt ngày đêm, bắt chị phải đi ngủ cho lại sức. Lúc bú được, thằng bé dứt ti chị đau lắm, chảy cả nước mắt, nhưng mà sung sướng vì nó bú được em ạ. Bây giờ thì nó lớn bằng này đây (chị chỉ đứa con trong nôi độ 2 tuổi). Nuôi được thằng bé mới thấy nó đúng là một công trình thế kỷ của chị, của anh, của cả cả gia đình chị đấy em ạ".
(Lan, 28 tuổi)
"Vợ tôi thì đẻ dễ. Đẻ ở Phụ Sản. Tôi cứ chạy qua chạy lại ở cửa sổ phía sau phòng đẻ để xem. Lo lắm, con đầu mà, chẳng biết vợ mình trong đó ra sao, đẻ có đau, có khó không. Có lúc tôi thấy cô ấy cứ nằm im như ngủ trong khi mấy bà xung quanh bà thì rên, bà thì la. Mình bảo không biết đẻ kiểu gì. Cuối cùng mới biết là nàng không đau nhiều, lúc đau thì nàng rặn, hết cơn rặn nàng mệt quá lăn ra ngủ. Hình như có mỗi bà ấy là thế hay sao ý. Con bé được 3 kg, con đầu thế là cũng được lắm rồi".
(Cường, 28 tuổi)
Vậy đấy, mỗi cuộc sinh nở là một chặng đường vất vả của người phụ nữ, cũng là lúc người chồng và người thân trong gia đình có biết bao hồi hộp, lo lắng. Sự hồi hộp lo lắng bắt đầu từ khi đang mang thai và càng gần ngày sinh nở càng tăng. Cả nhà đoán già đoán non bé sẽ là trai hay gái, cầu trời phật cho đẻ được an bình. Một cặp vợ chồng lo lắng đến nỗi...
"Trước hôm sinh bọn này phải đi “xả trí”. Ngồi ở nhà cứ nghĩ ngợi: “không biết có thế này, không biết có thế kia?” mệt hết cả người. Thế là hai đứa rủ cả một lũ bạn đi ăn thịt chó, rồi đi hát karaoke cho nó quên lo. Người ta cứ bảo buồn cười, có một anh dẫn một chị bụng to như sắp bung ra đi ăn thịt chó. Ăn xong về là hôm sau bà ấy đẻ".
(Trung, 33 tuổi)
Chương này dành cho các cặp vợ chồng sắp sinh con, cho những người thân, những người bạn sẽ góp phần chăm sóc người phụ nữ cùng em bé, hy vọng giải đáp được phần nào những lo âu hồi hộp của các bạn. Tất nhiên nếu bạn không liên quan, mà đơn giản chỉ tò mò về việc sinh tạo một con người, có lẽ bạn cũng sẽ tìm thấy một vài điều lý thú ở chương này.
1. Chuẩn bị cho việc sinh nở
Nơi sinh nở tốt nhất là bệnh viện sản khoa, nhà hộ sinh, sau đó là các trạm y tế, bởi những nơi này có bác sĩ, y sĩ hoặc nữ hộ sinh có kỹ thuật, có thuốc men, dụng cụ để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Vẫn biết rằng việc sinh đẻ là tự nhiên, nhưng trên thực tế, sinh đẻ không ở cơ sở y tế khá nguy hiểm, gây ra đa số các trường hợp tử vong. Bạn thử tưởng tượng nếu bị băng huyết sau khi đẻ mà không có điều kiện để cấp cứu thì bạn sẽ ra sao?
Khi đi sinh ở cơ sở y tế, hai bạn cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết như quần áo (trong đó có khăn và tất để phòng lạnh), đồ vệ sinh (đò lót, băng vệ sinh, giấy vệ sinh, khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng), đồ của bé (khăn, tã, áo lọt lòng), tiền, sách báo giải trí, và đừng quên đồ ăn nước uống cho mẹ bé khi mẹ bé cần ăn uống.
Nếu thực sự đường sá quá khó khăn, không thể đến cơ sở y tế, các bạn hãy mời cán bộ y tế hoặc bà đỡ giỏi đến giúp sinh tại nhà. Bố bé cần phải sắp sẵn nhiều khăn, tã, nhiều nước (nước nóng và nước nguội đều đã đun), kéo đã luộc để triệt trùng, chuẩn bị giường sạch sẽ và trải khăn sạch trên giường để mẹ bé nằm đẻ. Ngoài ra còn cần chuẩn bị phương tiện vận chuyển để nếu đẻ khó thì có thể đưa mẹ bé đến cơ sở y tế ngay.
Quá trình chuyển dạ thông thường
Bắt đầu chuyển dạ
Khi bắt đầu chuyển dạ cũng là lúc bạn cần đến ngay cơ sở y tế (hoặc mời bác sĩ, bà đỡ đến nếu bạn sinh ở nhà). Vậy lúc nào bắt đầu chuyển dạ?
Dấu hiệu quan trọng nhất là đau bụng từng cơn tăng dần. Đó là khi tử cung bạn co bóp càng lúc càng thêm mạnh, các cơn co trở nên dài hơn, mạnh hơn, lặp lại nhanh hơn. Một hiện tượng thường gặp nữa là âm đạo ra chất nhầy màu hồng. Đây chính là nút chất nhầy đóng kín cổ tử cung bạn trong những tháng mang thai. Khi chuyển dạ, nó rơi ra cùng vài giọt máu từ mao mạch cổ tử cung đang mở nên có màu hồng. Nhiều bà mẹ vỡ ối khi chuyển dạ. Nếu vỡ ối, bạn thấy âm đạo ra nước, có thể nước ào ra nhiều, cũng có thể chỉ rỉ nước nhẹ nhàng. Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy đau, mỏi nhừ vùng thắt lưng.
Thông thường, cuộc chuyển dạ đẻ kéo dài khoảng 5-18 giờ với con đầu, có thể nhanh hơn với con sau. Bạn trải qua ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Cổ tử cung mỏng đi và mở ra.
Giai đoạn này kéo dài vài tiếng. Tử cung bạn co bóp, khiến cổ tử cung mỏng đi và mở dần ra, cuối cùng đủ rộng cho đầu bé lọt (khoảng 10 cm). Đây thường là giai đoạn dài nhất và khó khăn nhất trong chuyển dạ. Các cơn đau ban đầu ngắn và cách xa nhau, sau cùng lúc càng dài, càng liên tục. Lúc khó khăn nhất thường là cuối giai đoạn này, khi cơn đau chỉ hai, ba phút đã lặp lại, và kéo dài đến một phút hoặc hơn. Ở bên trong, bé ép mạnh xuống, khiến bạn không chỉ đau bụng mà lưng dưới và tầng sinh môn cũng có thể đau tức. Dịch âm đạo ra nhiều. Chân bạn có thể đau, run rẩy. Bạn có thể nóng hoặc rét, mệt bã người, buồn ngủ. Một số phụ nữ buồn nôn và nôn trong thời gian này.
Trong khi cổ tử cung đang mở, điều quan trọng là không được rặn. Nếu bạn rặn quá sớm, cổ tử cung có thể bị phù, bé sẽ khó ra. Khi cảm thấy muốn rặn, bạn hãy há miệng để thở, nằm sấp chổng mông cho dễ chịu, đừng rặn. Hãy cố gắng một chút, mỗi cơn đau lại giúp bạn sớm nhìn thấy mặt con. Khi mới bắt đầu chuyển dạ, chưa khó chịu nhiều, bạn hãy nói chuyện, thư giãn, đi lại cho dễ chịu. Bạn nên ăn cho có sức, nhưng hãy tránh đồ khó tiêu. Khi các cơn co trở nên liên tục, mãnh liệt, dứt mỗi cơn bạn hãy thở sâu để lấy bình tĩnh và tiếp nhận thêm ôxy. Bạn cần đi tiểu thường xuyên (dù không mót), đừng để bàng quang đầy sẽ cản đường em bé. Nếu đã vỡ ối, bạn nhớ đừng cho gì vào trong âm đạo để tránh nhiễm khuẩn.
Giai đoạn 2: Rặn đẻ
Khi thấy cổ tử cung mở trọn vẹn, cán bộ y tế hoặc bà đỡ sẽ nói bạn bắt đầu rặn đẻ. Tại các cơ sở y tế hiện nay, phụ nữ sinh nở ở tư thế nằm ngửa trên bàn đẻ. Cũng có một số tư thế khác giúp người mẹ rặn đẻ dễ dàng hơn như quỳ hoặc ngồi tựa vào người khác, nhưng ở nước ta còn chưa phổ biến.
Nếu là con đầu, giai đoạn này kéo dài khoảng một tiếng. Cơn sau thì nhanh hơn. Cơn co tử cung lúc này đều đặn, mạnh nhưng thường không đau nhiều như khi trước. Mỗi cơn co bạn lại muốn rặn. Hãy rặn mạnh và đều. Hãy kêu rên nếu muốn. Sau mỗi cơn co, bạn hãy nghỉ và thư giãn để lấy sức. Cán bộ y tế hoặc bà đỡ giúp và hướng dẫn bạn. Một số phụ nữ khi rặn đẻ có tiểu tiện hoặc đại tiện một chút (nếu ruột và bàng quang căng). Điều đó là tự nhiên, nếu có xảy ra bạn đừng ngại ngùng gì cả.
Đầu bé từ trong tử cung di chuyển dần ra âm đạo. Mỗi cơn co và rặn, bé nhích thêm một chút. Khi bé ra gần đến cửa âm đạo, bạn có thể sẽ phải chờ cửa âm đạo giãn. Vài cú rặn mạnh nữa, đầu bé chui ra ngoài, rồi đến cả thân người. Bác sĩ hoặc bà đỡ hút nhớt, lau sạch người bé, kẹp và cắt rốn. Bé cất tiếng khóc chào đời.
Giai đoạn 3: Sổ rau
Sau khi bé ra đời, tử cung bạn còn co bóp, rau bong ra khỏi thành tử cung và được đẩy ra âm đạo. Nhiều phụ nữ cho biết lúc này không cảm thấy tử cung co hay đau nữa, hoặc chỉ đau ngâm ngẩm như khi hành kinh. Bạn rặn tiếp để đẩy rau ra ngoài. Cán bộ y tế nhẹ nhàng đỡ rau ra. Nếu rau bong không hoàn toàn, cán bộ y tế sẽ can thiệp để lấy hết rau ra cho bạn.
Vậy là bạn đã hoàn thành một sứ mệnh cao cả. Gia đình bạn có thêm một thành viên mới.
Chăm sóc bà mẹ và em bé
Mách nhỏ với bố bé
Lúc mẹ bé chuyển dạ là lúc bạn rất xúc động, có thể lúng túng không biết phải làm gì. Bạn chớ lo lắng, có rất nhiều việc bạn có thể làm để giúp vợ mình.
Khi đang chờ đẻ, bạn hãy khích lệ mẹ bé. Hãy quạt mát, lấy nước, xúc cơm cho cô ấy ăn, vỗ về, ôm ấp, nắm tay, hãy xoa lưng, làm mọi việc khiến cô ấy cảm thấy dễ chịu. Bạn hãy nhắc nhở cô ấy nghỉ ngơi, đi tiểu thường xuyên. Ở cơ sở y tế, bạn hãy là người giúp việc đắc lực, liên hệ với các cán bộ y tế khi cô ấy cần giúp đỡ. Nếu sinh ở nhà, bà đỡ có thể còn cần bạn giúp một tay trong việc đỡ đẻ nữa. Sau cuộc sinh nở, dù gia đình có người giúp, bạn cũng nên nhận vị trí chủ đạo trong việc chăm sóc hai mẹ con vì vai trò người chồng, người cha của bạn không ai thay thế được.
Xin kể các bạn nghe một câu chuyện chúng tôi được chứng kiến. Trong phòng sau sinh ở một bệnh viện phụ sản có hai cặp bố mẹ. Một bên là chị Hằng, anh Tuấn. Bà ngoại vào giúp đỡ, chăm sóc chị, còn anh chẳng làm được việc gì. Chị tủi thân:
"Chồng gì mà vô tâm quá. Bà thì đi làm, đến trưa nấu cơm mang vào, đêm lại vào đây ngủ cùng, mà ông ấy còn làu bàu: “Sao bà không nghỉ luôn để chăm mình nhỉ?”. Còn ông ấy thì thỉnh thoảng mới đảo vào, ngồi một lúc thì chán, thấy con ị thì chạy đi mất. Rõ là trẻ con".
Anh Tuấn phân bua:
"Không phải đâu, anh cũng muốn giúp lắm chứ. Nhưng anh vào đây thì cũng chẳng biết phải làm gì, nên anh ngại".
Nhìn nét mặt anh thì rõ là người quý vợ con thật, nhưng phải công nhận là anh đoảng quá. Giá anh biết thể hiện cái tình thương yêu ấy thì... Giường bên cạnh là chị Bình anh Lê. Hai vợ chồng quấn quýt bên đứa con mới sinh hai ngày, trông thật cảm động. Chị bảo:
"Bà buôn bán bận nên chỉ có hai anh chị ở đây với nhau thôi. Anh ấy phải lo tất. Anh còn mang truyện vào đây đọc cho chị nghe cho vui nữa".
Khi anh đi ra ngoài, mọi người trong phòng khen anh thật biết thương vợ thương con. Tối hôm ấy, chúng tôi gặp riêng anh. Anh nói:
"Chăm vợ chăm con cũng là do cái cách nghĩ của người ta đấy. Vợ chồng anh cưới nhau ba năm rồi mới đẻ. Bọn tôi chơi bời cũng dữ lắm. Mình chơi nhiều nên mọi người cứ nghĩ là mình không làm được gì. Những cái việc như giặt tã trẻ con ai chả ngại. Nhưng là con mình thì mình phải làm thôi. Mình nghĩ đó cũng là cái vui chứ, vì nó là con mình mà".
Và anh nở một nụ cười sung sướng mãn nguyện.
Anh Lê quả là một người chồng, một ông bố tuyệt vời, đã gắng công tìm hiểu để cảm thông được với người vợ mang thai, để biết cách chăm sóc hai mẹ con khi sinh nở.
Chăm sóc mẹ bé
Sau khi sinh, mẹ bé cần được nghỉ ngơi và chăm sóc đặc biệt để phục hồi sức khoẻ. Mẹ bé cần ngủ thật nhiều cho lại sức, dù có rất muốn thức trông con cũng nên thức ít thôi, bố bé hãy đảm nhiệm việc này.
Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng đối với mẹ bé. Chế độ ăn của mẹ bé cần đủ chất dinh dưỡng để mẹ bé hồi phục sức khoẻ và để có sữa cho con bú, bạn cần tiếp tục theo chế độ như khi mang thai nhưng nên ăn nhiều hơn.
Vệ sinh cũng rất quan trọng. Mẹ bé sau khi sinh nên sớm tắm bằng nước nóng cho sạch sẽ. Sản dịch còn tiếp tục ra, mới đầu nhiều và chủ yếu là máu tươi, sau đó giảm dần và chuyển sang màu nâu, rồi nhạt màu dần và hết hẳn (thường khoảng 4 tuần sau khi đẻ). Bạn hãy dùng băng vệ sinh để thấm. Bạn cần rửa âm hộ bằng nước sạch, đã đun sôi, cũng có thể pha thuốc rửa vệ sinh phụ nữ. Để tránh nhiễm trùng, bạn không nên rửa bên trong âm đạo; dùng loại băng đặt trong âm đạo hay giao hợp.
Sau khi sinh, tử cung co rút để trở về trạng thái trước khi có thai, có thể đau một chút. Cái bụng to sẽ ngót đi trong vài tháng. Mẹ bé có thể tham khảo một số động tác thể dục để giúp cơ bắp săn chắc. Những ngày đầu sau khi sinh, bạn co duỗi cẳng chân, mắt cá chân nhẹ nhàng, hóp bụng vào khi thở ra. Khi đã khỏe thì tập các động tác: Đang nằm thì kéo đầu và nửa người trên dậy đến hết mức, hoặc đang ngồi thì ngả lưng nằm xuống (không chống tay). Những động tác này rất tốt cho cơ bụng. Dần dần, bạn có thể tập các động tác mạnh.
Sinh được đứa con yêu dấu là điều thật sung sướng, nhưng mẹ bé và bố bé cũng thấy lạ lẫm, chưa quen con. Tuy nhiên, sau vài ngày chăm bẵm bé, mẹ bé và bố bé sẽ cảm thấy dạt dào tình mẫu tử, phụ tử. Sau khi sinh, tính tình mẹ bé đôi lúc có thể khó chịu chút xíu do thay đổi hoóc môn trong cơ thể, do mệt mỏi, phải thức dậy ban đêm khi bé khóc. Bố bé cần luôn ở bên mẹ bé và bé để chia sẻ, chăm sóc và thương yêu.
“Bao giờ thì có thể quan hệ tình dục?” là một câu hỏi của nhiều cặp vợ chồng mới sinh con. Hai vợ chồng bạn cần phải kiêng quan hệ tình dục trong sáu tuần sau khi đẻ để tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng việc quan hệ tình dục còn phụ thuộc vào tốc độ hồi phục của người vợ. Chính người vợ sẽ quyết định đã đến lúc hay chưa tuỳ theo cảm nhận về sức khoẻ của mình. Khi bắt đầu quan hệ tình dục, hai bạn cần phải nhẹ nhàng hơn trước. Thêm nữa, âm đạo có thể khô hơn bình thường nên nếu giao hợp, người vợ cần phải thật sự thoải mái và ham muốn, người chồng phải âu yếm, kích thích vợ thật nhiều.
Các bạn cũng phải bắt đầu tránh thai. Việc mang thai lúc này rất hại cho sức khoẻ người phụ nữ. Có thể các bạn nghe nói đang cho con bú thì không thụ thai, điều đó không đúng. Việc cho con bú có tác dụng ức chế rụng trứng, nhưng chỉ khi đủ ba điều kiện: bé chưa được 6 tháng, mẹ bé cho bé bú hoàn toàn, chưa hành kinh trở lại.
Em bé mới sinh
Những bạn có con lần đầu đừng lấy làm lạ khi thấy đứa con mới sinh của mình trông không mũm mĩm trắng trẻo như nhiều em bé mà bạn thường nhìn thấy. Em bé mới sinh thường có nhiều điểm ngồ ngộ, nhưng rồi bé sẽ đổi khác từng ngày. Đầu bé thường hơi nhọn do sức ép của đường sinh. Đỉnh đầu bé mềm do các xương sọ chưa gắn liền nhau. Mắt bé ít mở, có thể hơi húp, có lúc trông như hơi lác. Lưỡi bé còn ngắn. Trong vài ngày đầu, nhiều bé (cả bé trai và bé gái) có ti căng phồng và rỉ ra chút dịch trông như sữa, cơ quan sinh dục trông hơi to, cơ quan sinh dục của bé gái đôi khi tiết ra một chất dịch hay máu. Đó là do tác động của hoóc môn mẹ. Một chút cuống rốn còn nằm lại trên bụng bé trong vài ngày rồi tự rụng. Chân bé thường cong do hồi trong bụng mẹ bé nằm cuộn tròn. Có thể bé còn một chút lông tơ nhưng chúng sẽ rụng dần. Nếu trên người bé còn chút chất gây (chất bảo vệ da bé trong tử cung mẹ ) thì cũng có thể lau sạch dễ dàng. Một số bé có vết màu xanh ở lưng dưới hoặc ở mông, khi lớn lên sẽ hết. Em bé của các bạn trông đã rất dễ thương nhưng sau một hai tuần bé còn xinh xắn hơn nữa, và bé sẽ lớn lên nhiều theo tháng ngày.
Bé khi mới sinh còn non nớt, cần được ủ ấm và nằm bên cha mẹ, cần được theo dõi để đảm bảo hoạt động bình thường. Khi bế ẵm và vệ sinh phải thật nhẹ nhàng cho đến khi bé được vài tháng tuổi.
Có một số em bé yếu ớt do đẻ non hoặc nhiễm bệnh, cần được chăm sóc đặc biệt, được đưa vào nằm trong lồng kính. Nếu không có lồng kính, bố hoặc mẹ bé có thể ủ ấm cho bé bằng cách mở vài cúc áo cổ, đặt bé vào trong và ôm bé sát da mình.
Một số điều cần biết về việc cho con bú
Cho bé bú sữa mẹ
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của bé. Bé tiêu hoá và hấp thụ sữa mẹ dễ hơn sữa bò, nên bé bú mẹ ít bị táo bón hơn. Sữa mẹ có nhiều chất kháng thể bảo vệ bé chống các bệnh nhiễm khuẩn. Vì vậy, những bé bú mẹ ít bị ốm hơn, đặc biệt là ít bị viêm phổi và tiêu chảy (những bệnh nguy hiểm đối với bé). Cho bé bú cũng có ích cho mẹ bé vì động tác mút vú của bé kích thích cơ tử cung co, giảm chảy máu sau khi đẻ, và cũng giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng. Một điều nữa là bé bú mẹ sẽ được gần gũi mẹ, được mẹ luôn âu yếm, yêu thương. Điều đó rất tốt cho sự phát triển thể lực và tinh thần của bé.
Cho con bú là bản năng của các bà mẹ, nhưng chúng tôi vẫn muốn nhắn nhủ mẹ bé đôi điều:
Sữa non (sữa tiết ra trong tuần sau đẻ, màu vàng nhạt, đặc sánh) là thức ăn tốt nhất cho bé. Sữa non không những chứa nhiều chất dinh dưỡng mà còn mang nhiều kháng thể và bạch cầu để bảo vệ bé chống lại nhiễm khuẩn và dị ứng. Sữa non có tác dụng xổ nhẹ, tống phân su ra nhanh, làm bé không vàng da. Mẹ bé hãy cho bé bú sữa non càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh (trong nửa giờ đầu sau khi sinh), và chỉ cho bé bú sữa này, không cho ăn hay uống thêm bất cứ thứ gì để bé tận dụng toàn bộ nguồn sữa non của mẹ. Cho bé bú sớm, mẹ bé sẽ nhanh cầm máu và sữa xuống nhanh hơn.
Khi cho bú, mẹ bé hãy bế bé sát vào lòng sao cho đầu, thân mình bé thằng hàng để bé được thoải mái, bú được lâu hơn. Chính bản thân mẹ bé cũng nên ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái. Cách cho bú đúng là cho bé ngậm sâu vào quầng vú, miệng bé mở rộng, môi dưới của bé trề ra, cằm chạm vào vú mẹ, má bé căng phồng. Như vậy, bé sẽ mút được nhiều sữa hơn, và cũng kích thích vú mẹ tiết sữa nhiều hơn.
Trong 6 tháng đầu sau đẻ, mẹ bé hãy cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, không cho bé ăn hoặc uống bất cứ cái gì khác, kể cả nước trắng, vì sữa chứa đủ nước cho bé rồi. Muốn bé nhận đủ sữa và chóng lớn, mẹ bé hãy cho bú bất kỳ khi nào bé ọ ẹ muốn bú, cho bú đến khi bé no và tự rời vú. Bé càng bú nhiều càng kích thích vú mẹ sản xuất nhiều sữa, nhất là khi mẹ cho bé bú vào ban đêm.
Làm thế nào để có đủ sữa cho bé bú?
Khoảng 90% các bà mẹ có khả năng sản xuất đủ sữa cho con, kể cả bà mẹ sinh đôi. Đa số các trường hợp thiếu sữa chỉ là do con bú không đúng cách và cho bú không thường xuyên. Muốn có đủ sữa, mẹ bé hãy cho bé bú ngay sau đẻ, cho bé bú thường xuyên theo nhu cầu của bé, cho bú nhiều vào ban đêm, và giúp bé ngậm vú đúng cách như đã nói ở trên. Mẹ bé hãy ăn uống tốt và giữ tinh thần thoải mái; điều này có lợi cho việc tạo sữa.
Làm gì khi mẹ bé bị căng tức sữa hoặc nứt núm vú?
Căng tức sữa là do mẹ bé cho bú không thường xuyên hoặc không đúng cách khiến sữa không ra được. Mẹ bé hãy chườm nóng vú, dùng tay vắt sữa và cố gắng cho bé bú thường xuyên, đúng cách. Nếu vú bị tắc tia sữa hoặc sưng đỏ, đau, mẹ bị sốt, hãy đi khám để điều trị.
Nứt núm vú thường xảy ra do bé bú không đúng cách, bé chỉ ngậm núm vú, không ngậm sâu vào quầng vú mẹ. Chỗ nứt dễ nhiễm nấm khiến mẹ bé rất đau khi cho bú. Mẹ bé phải cần tiếp tục cho bú và cho bú đúng cách để bé được đảm bảo dinh dưỡng, để mẹ bé không bị đau tức và mất sữa. Khi bắt đầu bú, bé thường mút mạnh hơn, mẹ bé hãy cho bé bú bên không đau trước. Nếu quá đau mới nên vắt sữa cho bé uống. Thường thì chứng nứt đầu vú sẽ tự khỏi. Riêng đối với các trường hợp bé bị nhiễm nấm, miệng bé có tưa dày màu vàng, mẹ bé và bé hãy cùng đến bác sĩ để chữa.
Cho bé ăn bổ sung và cai sữa như thế nào?
Sau 6 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ, bé cần ăn thêm thức ăn khác. Hai bạn hãy cho bé ăn thêm bột, rau, hoa quả, thịt... Cho bé ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều. Bé sẽ quen dần.
Mẹ bé nên cho bé bú ít nhất là đến 1 tuổi. Nếu có thể, hãy cho bé bú đến 2 tuổi hoặc lâu hơn. Khi cai sữa, hãy theo phương pháp cai dần dần: Tập cho bé ăn các thức ăn khác, khi bé đã quen ăn và ăn được nhiều, hãy cho ăn trước khi cho bú, cho bú ít bữa dần, sau bỏ hẳn. Làm vậy sẽ khiến bé dần dần bớt hào hứng bú, khi bị cai sữa hẳn sẽ đỡ nhớ, đỡ khóc, còn vú mẹ tiết sữa ít dần đi, không bị tức sữa.
Còn nếu không cho bú sữa mẹ?
Có một số trường hợp do tình trạng sức khoẻ hoặc do điều kiện làm việc của mẹ mà bé phải bú sữa bò. Nếu vậy, bố mẹ bé hãy tìm loại sữa phù hợp với số tháng tuổi của bé, pha sữa theo đúng chỉ dẫn, đừng bao giờ cho thêm nước hoặc thêm đường. Các dụng cụ pha và bình sữa phải thật vệ sinh (như luộc nước sôi, rửa bằng nước đã đun sôi). Nước pha sữa phải là nước sạch đun sôi. Hai bàn tay pha sữa phải thật sạch. Khả năng chống bệnh của bé còn yếu lắm, vệ sinh sẽ là vô cùng quan trọng.
Các vấn đề phức tạp đối với việc sinh nở
Bạn không cần quá lo lắng về sinh nở vì đa số các bà mẹ đều sinh nở một cách tự nhiên và an toàn, điều kiện ở các cơ sở y tế ngày càng được cải thiện. Tuy vậy, chúng tôi cũng xin trình bày các điều kiện sức khoẻ cần cẩn trọng và các trường hợp khó khăn trong sinh nở, để nếu rơi vào trường hợp đó, các bạn biết cách xử trí và vững tâm.
Một số tình hình sức khoẻ cần chú ý
Mẹ bé nên khám thai thường xuyên để cán bộ y tế theo dõi tình hình sức khoẻ và thai nghén. Bạn cần chú ý đặc biệt và nhất thiết phải sinh nở tại cơ sở y tế nếu phát hiện ra các vấn đề sức khoẻ dưới đây:
- Bệnh tim, hen phế quản, huyết áp cao: Cán bộ y tế sẽ theo dõi sức khoẻ cho bạn và cho thuốc điều trị, quyết định cách sinh nở và cấp cứu nếu có nguy hiểm.
- Mang vi rút viêm gan B: Bé mới sinh phải được tắm rửa sạch máu của bạn và tiêm chủng trong vòng 12 tiếng sau khi sinh để tránh bị nhiễm.
- Mụn rộp sinh dục hoặc sùi mào gà: Cần mổ đẻ để tránh lây cho con
Nếu bạn đã từng đẻ khó, phải mổ đẻ, sinh con so khi trên 35 tuổi, sinh con dạ khi ngoài 40 tuổi, hoặc đã sinh 4 lần trở lên, bạn cũng cần sự chăm sóc đặc biệt.
Một số trường hợp khó khăn trong sinh nở
Trong sinh nở có một số trường hợp đòi hỏi sự can thiệp của cán bộ y tế. Vì vậy, tốt nhất là sinh ở cơ sở y tế. Còn đối với người sinh tại nhà, nếu người mẹ, gia đình hoặc người đỡ đẻ thấy một trong hiện tượng sau thì cần chuyển ngay đến cơ sở y tế:
- Rỉ ối trên 6 tiếng mà không đẻ.
- Các cơn đau chuyển dạ kéo dài hơn 12 tiếng.
- Ngôi thai bất thường như ngôi ngang, ngôi trán, ngôi ngược, ngôi mặt.
- Sốt cao.
- Phù nặng đột ngột, đau đầu, chóng mặt, mờ mắt.
- Co giật.
- Dây rốn sa xuống phía dưới thai nhi.
- Cơn đau đẻ dừng lại, huyết áp tụt thấp.
- Chảy máu nhiều khi chuyển dạ.
- Rau không bong sau khi đẻ.
- Chảy máu nhiều sau khi đẻ.
- Trong những ngày sau đẻ, sản dịch có mùi hôi, hoặc người bị sốt.
Ngoài ra, các trường hợp sau cũng nhất định cần đến cơ sở y tế, không sinh ở nhà: chuyển dạ khi thai chưa đủ tháng hoặc thai đã già tháng mà không chuyển dạ, các trường hợp sinh đôi, sinh ba, trường hợp có chỉ định mổ đẻ từ khi khám thai.
Các thủ thuật y tế thường dùng trong hộ sinh
Cắt tầng sinh môn
Là rạch một nhát nhỏ ở tầng sinh môn (chỗ giữa cửa âm đạo và hậu môn) để tạo đường cho bé ra. Thủ thuật này được thực hiện khi cửa âm đạo không giãn đủ cho bé đi ra, hoặc cửa âm đạo chưa giãn đủ mà bé cần ra nhanh vì đang trong tình trạng nguy cấp, hoặc cần tránh tình trạng nguy cấp.
Bạn sẽ không thấy đau khi cắt vì các cơ vùng này đã căng đến mức tê đi rồi. Nhưng khi khâu thì bạn hãy yêu cầu tiêm thuốc tê để dễ chịu hơn. Vết cắt sẽ lành trong khoảng hơn một tuần, tuy nhiên nó có thể làm bạn khó chịu khi giao hợp trở lại. Muốn tránh cắt tầng sinh môn, bạn hãy tập co giãn các cơ vùng âm hộ từ khi mang thai. Bạn co cơ ở vùng âm hộ lại như khi nhịn tiểu, rồi giãn ra, rồi lại co lại, lại giãn ra... Trong khoảng vài tuần trước khi sinh, bạn tập như vậy ngày vài lần.
Phoocxep
Phoocxep là một dụng cụ gồm hai thìa kẹp hình cong, dùng để giúp đưa em bé ra ngoài khi bé đã ra đến giữa hoặc ngay cửa âm đạo mà người mẹ không còn sức để rặn, hay cần phải đưa bé ra ngay vì suy thai. Bác sĩ áp hai cái thìa vào hai bên đầu bé rồi kéo bé ra ngoài. Khi phoocxep, mẹ bé được gây tê. Em bé có thể sẽ có vết bầm nơi kẹp, nhưng những vết này một thời gian sau sẽ mất đi.
Giác hút
Giác hút là áp vào đầu bé một dụng cụ hình chén nối liền với máy hút chân không, hút kéo em bé ra ngoài. Thủ thuật này chỉ sử dụng trong trường hợp mẹ bé không đủ sức rặn, với điều kiện mẹ không có bệnh kèm theo (bệnh tim, cao huyết áp...) và bé không bị non tháng, không suy thai.
Mổ đẻ
Mổ đẻ là một cuộc đại phẫu thuật rạch mở ổ bụng và tử cung để đưa bé ra ngoài, chỉ được thực hiện trong bệnh viện và bởi bác sĩ có kinh nghiệm. Mổ đẻ là cần thiết trong một số trường hợp như xương chậu mẹ bé quá hẹp, bé bị bệnh, không nên đẻ qua đường âm đạo; mẹ bé bị bệnh lây qua đường tình dục (nếu đẻ có thể lây cho bé) hoặc bị huyết áp cao, bệnh thận. Mổ đẻ cũng cần thiết khi ngôi thai khó đỡ, sức khoẻ người mẹ đòi hỏi phải đẻ khi chưa đến kỳ, cổ tử cung chưa sẵn sàng cho việc chuyển dạ, hoặc không kịp kích thích chuyển dạ, rau bong non, rau tiền đạo, sa cuống rốn, chuyển dạ không tiến triển, mẹ và bé ở tình trạng nguy cấp...
Nếu mổ đẻ, bạn không đau như đẻ thường, vì đã được tiêm thuốc mê hoặc thuốc tê (tất nhiên khi mổ xong, thuốc hết tác dụng, vết mổ sẽ đau nhiều). Nếu là thuốc tê thì bạn vẫn tỉnh táo, người ta dựng một tấm màn để bạn không nhìn thấy việc phẫu thuật. Em bé sẽ được ẵm ra từ bụng bạn.
Kích thích chuyển dạ
Bạn được kích thích chuyển dạ nếu thai già tháng (quá 42 tuần), sắp suy thai mà chưa chuyển dạ, vỡ ối sớm hoặc tình trạng sức khoẻ đòi hỏi đẻ khi chưa chuyển dạ. Bác sĩ truyền oxytocin cho bạn để kích thích tử cung co bóp. Nếu trong khi truyền, thai có biểu hiện suy hoặc có nguy cơ đối với mẹ thì phải mổ lấy thai ngay. Việc kích thích chuyển dạ cần bác sĩ có kinh nghiệm ở bệnh viện lớn.