Phần 7: Sự hình thành giới tính

Sự hình thành giới tính
Nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng, họ giáo dục con cái nhiều nhất vào những lúc giảng giải, trách móc hoặc mắng mỏ chúng. Thực tế thì việc giáo dục có hiệu quả cao nhất chính vào những lúc ta không nghĩ rằng ta đang giáo dục con.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, trong tình dục, môi trường xã hội và những hành vi của chúng ta có sự tác động rất lớn đối với đời sống tình dục của con cái sau này. Các nhà nghiên cứu tình dục đều thống nhất rằng trong sự phát triển tình dục, môi trường gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là khi con còn thơ ấu, và vào lúc cha mẹ thậm chí còn chưa có ý thức là mình đang giáo dục con.
Tuổi ấu thơ có tác động rất lớn đối với sự nảy sinh những trục trặc, bệnh tật trong sinh hoạt tình dục sau này. Vào thời kỳ mà não còn đang phát triển, trẻ em rất bị thương tổn thần kinh và tinh thần. Đây chính là thời kỳ trẻ em cần cần được tắm trong tình yêu thương, trìu mến và mọi sự thuận lợi. Nếu nó không được tiếp nhận được toàn bộ sự phong phú của tình cảm thì sau này nó sẽ không chia tình cảm với bất kỳ ai. Trẻ em chưa biết nói mình cần gì, nhưng lại biết cảm thụ mọi chuyện rất chính xác. Nó cảm thụ mọi chuyện qua hành vi của cha mẹ, qua toàn bộ bầu không khí trong gia đình. Nó biết mọi người trong gia đình cư xử với nhau ra sao, vị trí của từng người trong gia đình như thế nào.
Trong giáo dục con trẻ, nhiều khi ta giáo dục quá ít, cũng có khi lại rơi vào tình trạng quá nhiều. Trong thực tế, sự ngăn chặn, cấm đoán đã từng tạo ra sự phát triển không tốt cho nhiều đứa trẻ.
Từ 1 đến 1 tuổi rưỡi, đứa trẻ cảm nhận được giới tính của nó. Nó lờ mờ nhận ra nó thuộc giới nam hay nữ. Đó cũng là thời kỳ em bé gái đồng nhất mình với mẹ và em trai đồng nhất mình với bố. Với em bé, cha mẹ bao giờ cũng khuôn vàng thước ngọc, là người đánh giá đúng nhất mọi hiện tượng của môi trường xung quanh. Vì vậy, ngay từ bé, cần phải giúp trẻ ý thức được một điều quan trọng về giới tính: “Con là con trai nên phải dũng cảm, không được khóc nhè vì những chuyện vặt”. “Con là con gái nên phải ngoan, không được khóc nhè…”. Những lời khuyên răn, những hành vi của người lớn sẽ từng bước ảnh hưởng tới ý thức của em bé về vị trí, vai trò của chúng trong đời sống. Lên hai tuổi, ý thức này đã được hình thành. Lên ba tuổi thì ý thức về vai trò của nó đã định hình, không thể đảo ngược được. Sau thời kỳ này, từ khi lên 4 tuổi, nếu trẻ không ý thức được rằng mình là con trai hay con gái thì chắc chắn là trong tâm sinh lý của chúng đã có chuyện gì bất ổn, rất đáng lo ngại.
Thiên nhiên vốn rất thông thái. Không thể lấy món quà giới tính mà tạo hóa ban cho em trai đặt vào tay em gái, và ngược lại…. Không nên kiềm chế hoặc thủ tiêu giới tính của trẻ em theo kiểu nhào nặn một em bé gái thành một em bé trai mà mình đang thiếu. Một ông bố không may đã có 7 đứa con gái thì đừng nghĩ là trong 7 cô gái ấy thể nào cũng có một cô mang tính khí con trai. Và một bà mẹ đã có 3 cậu con trai cũng đừng hy vọng rằng một trong 3 sẽ ngoan ngoãn, dịu dàng như con gái. Khi con ở tuổi ấu thơ, không nên cho chúng biết nỗi thất vọng của mình khi chúng ra đời. Em bé gái sẽ mang nỗi mặc cảm tội lỗi rất vô lý, sau này sẽ thiếu tự tin trong cuộc sống nếu biết rằng mình được sinh ra trái với ý nguyện của cha mẹ về một đứa con “nối dõi tông đường”. Giới tính của trẻ, dù là con trai hay con gái, đều không liên quan gì tới ý chí của nó, cũng như hoàn toàn độc lập với nguyện vọng của cha mẹ. Vì vậy, sẽ rất đáng trách khi ta vô tình bẻ gãy lòng tự tin và bản lĩnh của con ngay từ khi nó mới ra đời.
Chúng tôi xin dẫn ra đây hai trường hợp:
Một sĩ quan quân đội thích mình có một tiểu đội con trai, nhưng buồn một nỗi là chỉ sinh được một, và là một cô gái. Anh ta không thể nào chịu nổi sự “vô lý” ấy. Khi cô gái vào tuổi trưởng thành, lẽ ra phải cho con gái biết người đàn ông cần cao thượng và tế nhị với phụ nữ ra sao thì anh chỉ cho con gái mình biết người đàn ông sẽ mừng ra sao khi vợ sinh con trai. Lớn lên, mặc dù là người trí thức, cô vẫn luôn thất bại trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống gia đình. Cô thường xuyên kiếm chuyện, gây sự với chồng. Có lẽ cô muốn xem chồng cô xử sự có giống bố mình không.
Một cặp vợ chồng đã có 3 con gái và chị vợ lại mang thai. Họ do dự rồi tặc lưỡi: Biết đâu đứa cuối cùng này lại là con trai. Ở nhà hộ sinh, sau khi nghe bà đỡ thông báo là con gái, đức ông chồng không muốn nhìn mặt con. Sau đó, mặc dù con gái út đã có cái tên rất đẹp, ông vẫn thêm dấu vào, gọi nó bằng tên con trai. Cô út là đứa con duy nhất được ông bố cho đi xem bóng đá. Cô được phép cùng bố chữa xe máy. Khi cô đi chơi về, nếu người ngợm bẩn thỉu thì ông bố rất mừng: “Nó chẳng phải là đứa con gái hay làm đỏm!”. Lên 17 tuổi, cô vẫn chưa rành những chuyện vệ sinh phụ nữ. Bà mẹ vội chạy đi gặp bác sĩ để tìm cách làm cho con gái út mình lên phụ nữ một tí. Các bác sĩ bất lực. Cuối cùng, cô vẫn lấy chồng, có con, nhưng là một người mẹ rất “dở đời”. Cô cư xử với mọi người và giải quyết mọi chuyện rất đàn ông.
Cũng có rất nhiều người lớn lên trong một hoàn cảnh khắc nghiệt, phải trải qua một tuổi thơ cay cực nặng nề, nhưng họ lại không bị trục trặc gì về tâm lý giới tính. Vì sao? Vì con người không phải ai cũng như ai. Có những quy luật chung, nhưng mỗi người lại có những đặc tính cá nhân riêng biệt. Vì vậy mà những tác động của ngoại cảnh tới mỗi người cũng rất khác nhau, cái gây tác hại ở người này lại vô hại ở người khác. Tất nhiên chúng ta không biết chính xác được cái gì đối với đứa trẻ của mình là vô hại. Vì vậy, tốt hơn là ta đừng tiến hành thử nghiệm, đừng đi lệch quy luật chung.
Trong con mắt của người lớn, trẻ em như một sinh vật trung tính. Nhưng tính chất trung tính này ở bé gái và bé trai cũng khác nhau rất sớm. Ở bé trai, quy luật “đực tính” bộc lộ khá sớm. Các cậu hay đập phá đồ chơi. Chưa tới 3 tuổi, các cậu đã biết lựa chọn đồ chơi cho phù hợp với phái mày râu. Còn các cô bé gái thường giữ gìn đồ chơi của mình tốt hơn và không tham gia các thứ trò chơi “hoang dã” kiểu con trai.
Chúng tôi có cảm giác là hiện nay, người ta ít quan tâm tới vấn đề giáo dục gia đình. Những phẩm chất đàn ông, phẩm chất phụ nữ truyền thống đang “di tản” đi tới nơi nào không rõ. Các chàng trai trẻ hôm nay và ngay cả chúng ta cũng không được giáo dục để biết trước một sự thật là: Chính người vợ tương lai của mình cũng sẽ phải đi làm, cho nên bản thân mình cũng phải gánh vác một phần công việc nội trợ và giáo dục con cái.
Đặc tính quan trọng của người đàn ông thời nào cũng vậy, là tính tích cực, lòng dũng cảm, tính bền bỉ, ngoan cường… Nếu như chúng ta khuyến khích những đức tính đó thì khi giáo dục con trai chúng ta cũng cần những biện pháp cứng rắn. Ở một số gia đình khá giả, ít con, các cậu con trai gần như không vấp phải một sự thiếu thốn, trở ngại nào. Họ gần như không có những tình huống thử thách. Thế rồi dưới khẩu hiệu nghe rất hợp tai như “giáo dục bằng tình cảm”, “mỗi thời mỗi khác”, chúng ta đã vô tình cản trở, thậm chí thủ tiêu ở trẻ tính tích cực, tính ngoan cường, tinh thần vượt khó (những đặc tính tất yếu, khu biệt giới tính đàn đông). Đối với việc giáo dục các cô gái, tình hình cũng chưa phải khá hơn. Ở các gia đình phong lưu, cha mẹ thường chỉ quan tâm tới vấn đề học vấn của con, lo sao cho con học giỏi mà quên mất việc phát triển cho cô tính nhạy cảm, sự dịu dàng, đức hy sinh, lòng kiên trì, khả năng nội trợ (những đặc tính của một bà mẹ ở bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới).
Chúng ta không giáo dục con cái cho một cấu trúc gia đình có 2 ông bố, 2 bà mẹ mà cho một cấu trúc gia đình một vợ một chồng. Ở đó, bằng những đặc trưng giới tính, người đàn ông và người đàn bà bổ sung cho nhau, cùng xây dựng tổ ấm. Ở đó, người đàn ông là chỗ dựa cho vợ mình và người đàn bà là điểm tựa tình cảm, là “bến cảng của tình yêu thương”. Vì vậy, những đặc tính truyền thống của người đàn ông, đàn bà càng được phát triển bao nhiêu thì con cái càng thành công bấy nhiêu trong công việc tổ chức cuộc sống gia đình, trong nghề nghiệp cũng như trong giao tiếp xã hội về sau.