Nhận xét tổng quát

Đồng bằng sông Cửu Long, Ménam và Irraouaddi là ba trung tâm sản xuất lúa gạo, có  dư để xuất cảng, quan trọng nhứt trên thế giới. Việt Nam, Xiêm, Miến Điện gồm đa số dân sống bằng nghề nông. Ba quốc gia này liên ranh, nằm trong khu vực gió mùa với những nét  lớn giống nhau:
— Lãnh thổ phát triển lần hồi từ Bắc xuống Nam.
— Biết làm ruộng cấy ở đồng sâu, nhờ đó mà sản lượng đạt mức cao so với ruộng tỉa ở  đất khô.
— Mức sống thấp kém.
Nam tiến không phải là mãnh lực huyền bí của riêng dân tộc Việt Nam. Những dân  tộc chịu ảnh hưởng ấn độ vẫn đạt được kỹ thuật cày sâu cuốc bẫm không kém nước ta. Việc  tôn thờ rắn thần và rồng để cầu mưa, vài môn giải trí như thả diều, trai gái đối đáp nhau  nào phải chỉ xảy ra ở Việt Nam.
Dân Việt gặp dân Miên vốn có nền văn hóa cổ kính khá cao. Vào thế kỷ 13, người Miên  đã tìm ra giống lúa và dẫn thủy nhập điền thích ứng giúp họ thâu hoạch 3 hoặc 4 vụ trong  một năm. Cuộc Nam tiến của người Xiêm, người Miến Điện gặp hoàn cảnh khá tốt về địa lý,  hai con sông Ménam và Irraouaddi thuận lợi cho việc thông thương, trong khi Hồng Hà và sông Cửu Long có nhiều thác đá. Từ hạ lưu sông Hồng, dân Việt len lỏi theo mấy cánh đồng  nhỏ bé dọc theo bờ biển Đông nhiều giông tố để lần hồi đến hạ lưu sông Đồng Nai, sông Cửu  Long.
Tuy là đặt chân trên đất Cao Miên nhưng đối thủ đáng nể của người Việt đi khẩn  hoang lại là người Xiêm đang nuôi tham vọng đô hộ vùng Vạn Tượng, Cao Miên và Mã Lai.  Xiêm quốc lúc bấy giờ đang thời hưng thịnh, với tướng giỏi, quân sĩ có kinh nghiệm về chiến  đấu đường bộ và đường thủy.
Người Việt đã giữ được thế chủ động trong hoàn cảnh gay go.
Khi đặt chân ở đồng bằng sông Cửu Long, nước Việt bị chia cắt từ sông Gianh, công  trình khẩn đất và giữ đất lúc đầu chỉ do một số dân từ Quảng Bình trở vào gánh vác. Bấy  giờ, ưu thế của người Việt khong là kỹ thuật canh tác cao, nhưng là ưu thế về tổ chức chính  trị và quân sự. Bộ mấy hành chính khá hoàn hảo đã giúp chúa Nguyễn theo dõi được tình  hình ở những địa phương xa xôi, quân đội có thể tập trung khá nhanh khi cần thiết. Đơn vị xã hội nhỏ nhất là thôn ấp đủ khả năng tự trị, các tổ chức đồn điền có thể tự quản trị về  kinh tế và an ninh.
Quân đội Xiêm hùng mạnh, nhưng đi xa thì mất hiệu năng. Nước Cao Miên bấy giờ  quá suy nhược, vua chúa kém năng lực chỉ biết cầu viện với ngoại bang, dân chúng thì ly  tán: người Xiêm thường lùa bắt từng loạt dân Cao Miên đem về xứ họ để làm nông nô phục  dịch.
Vua chúa Việt Nam thúc đẩy việc khẩn hoang vì những lý do sau đây:
— Mở rộng địa bàn thống trị, đất rộng, dân giàu thì kinh đô được bảo vệ chu đáo hơn.
— Thuế điền và thuế đinh gia tăng nhanh chóng.
— Nạn đói kém được giảm thiểu, nơi này thất mùa, nơi kia bù lại, ít có nguy cơ nội loạn.
— Dân số gia tăng, thêm lính tráng, thêm dân xâu.
Bộ Đinh và bộ Điền tiêu biểu cụ thể cho nhân lực, tài lực. Với binh sĩ giữ gìn bờ cõi và trấn áp nội loạn, với tiền bạc và nhân công làm xâu, vua chúa tha hồ phung phí, sống xa hoa, xây đắp cung điện lăng tẩm, ưu đãi người trong giòng họ, mua chuộc quan lại, để ngôi  vị được ổn định, chống các âm mưu ly khai ở địa phương.
Về phía dân chúng, khẩn hoang là việc tích cực, không phải là hưởng thụ, thụ động,  chờ thời vận.
° Phải có yếu tố thiên nhiên tương đối thuận lợi, đất quá thấp thì lúa dễ bị ngập, quá  cao thì gặp nạn thiếu nước. Từ nơi cư trú đến thửa ruộng, đường đi phải gần để khỏi phí thì  giờ lui tới, lúa đem về nhà không mất nhiều công lao và phí tổn chuyên chở.
° Đủ nước ngọt để uống, nấu cơm và cho trâu bò uống.
° Gia đình đủ vốn liếng, đủ lúa gạo ăn trong khi chờ lúa chín. Lại còn quần áo, tu bổ  nhà cửa, thuốc uống, trầu cau, lúa gạo để nuôi heo gà, ghe xuồng, nông cụ. Thêm vào đó,  còn yếu tố xã hội vì làm ruộng đòi hỏi sự hợp quần cần thiết:
— Sức một người, một gia đình chỉ có giới hạn. Một khoảnh ruộng ở giữa tư bề đất  hoang thì hoa mầu sẽ bị chim chuột từ các vùng lân cận tập trung lại phá nát. Năm bảy gia  đình góp sức canh tác liên ranh nhau thì sự tổn thất vì chim chuột được giảm thiểu.
— Mùa cấy tuy là co giãn, xê xích mươi ngày nhưng nằm trong thời gian quy định. Cấy  quá sớm, thiếu nước, cấy quá trễ, cây lúa mọc không kịp nước mưa. Mỗi người chỉ có thể cấy  chừng 4 mẫu tây trong một mùa mà thôi, đàn bà lo cấy ở nơi này thì đàn ông lo dọn đất ở  nơi kia. Dọn đất cấy quá sớm, cỏ mọc trở lại, trì hoãn thì nước trong ruộng lên cao, không  dọn đất được. Lúa chín mà gặt trễ chừng năm bảy ngày là hư hao.
Phát cỏ, cấy lúa, gặt lúa đòi hỏi sự tập trung nhân công, mướn hoặc đổi công, theo lịch  trình không được bê trễ. Phải nhờ người lân cận hoặc ở địa phương khác đến. Ngay trong  một khoảnh đất nhỏ, mặt đất chưa bằng phẳng, nơi cao nơi thấp, việc đắp bờ, tát nước vẫn  là công trình của nhiều người.
Vùng định cư để khẩn hoang cần liên lạc với vùng phụ cận dễ dàng để giải quyết vấn  đề nhân công. Trong một ấp, nhà này không được ở quá xa nhà kia. Gần thôn ấp, phải có  nơi bán tạp hóa, có người cho vay, người tiêu thụ lúa. Việc sanh đẻ, cưới hỏi, may chay đòi  hỏi các phương tiện tối thiểu. Nhà cửa, tính mạng người dân phải được bảo vệ, chống trộm  cướp, loạn lạc. Lại còn nhu cầu học vấn, nhu cầu về tâm linh với đình, chùa, miễu, hát  xướng.
Đơn vị tối thiểu về xã hội vẫn là một làng.
Khẩn hoang đòi hỏi nhiều yếu tố căn bản. Khẩn hoang ở đồng bằng sông Cửu Long là cuộc vận động lớn, toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa.
Vua chúa quy định chính sách điền địa, thuế khóa, quân dịch và thưởng phạt. Tùy nhu  cầu mà có khi quân sĩ, lưu dân và tù nhân phải đóng đồn, lập ấp, cày cấy ở nơi mất an ninh.  Đất kém mầu mỡ, khó canh tác nhưng chính quyền lại cưỡng bách đến định cư. Có những  giai đoạn, những khu vực mà chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc khẩn hoang, nhưng cũng có  lúc người dân được dễ dãi. Nhiều vùng đất tuy người Cao Miên chưa chánh thức nhượng cho  ta nhưng dân ta đã đến khẩn hoang, hoặc ngược lại, đã nhượng từ lâu nhưng vẫn còn hoang  phế.
Cuộc vận động phối hợp quân sự, chính trị và kỹ thuật này có thể chia ra từng thời kỳ:
1) Từ các chúa Nguyễn đến những năm cuối đời Gia Long: Khai khẩn vùng đất phù sa tốt, đất giồng ven sông, đất cù lao theo nhu cầu phát triển xứ Đàng Trong, phục quốc và củng cố quốc gia.
Còn lại các vùng nước ngập sâu vào mùa mưa, đất quá phèn, rừng Sác. Vùng người  Miên tập trung, trên nguyên tắc thì để nguyên vẹn (Rạch Giá, Sóc Trăng, Trà Vinh, Châu Đốc).
Thành lập các trấn Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Vĩnh Thanh.
2) Từ cuối đời Gia Long tới cuối đời Minh Mạng: Khai khẩn phía hữu ngạn Hậu  Giang, nối qua vùng đồi núi Thất Sơn, vì nhu cầu xác định biên giới Việt Miên. Khai khẩn vùng đồi núi, vùng đất thấp, canh tác những lõm đất nhỏ mà cao ráo, giữa  vùng nước ngập lụt.
Thành lập tỉnh An Giang, tách ra từ trấn Vĩnh Thanh.
3) Từ đời Thiệu Trị tới đời Tự Đức: Khai khẩn những điểm chiến lược, nhằm đề phòng  nội loạn ở phía Hậu Giang, chánh sách đồn điền được thúc đẩy mạnh.
Thực dân Pháp đến, nhằm mục đích bóc lột nhân công rẻ tiền, và xuất cảng tài nguyên, đã thực hiện được vài việc đáng kể:
1) Cho đào kinh để chuyên chở lúa gạo, giúp giao thông vận tải được dễ dàng, đồng thời  rút bớt nước vào mùa lụt từ Hậu Giang ra Vịnh Xiêm La. Vùng đất phèn, tạm gọi là phù sa mới, không còn bị nước ngập quá cao. Việc chuyên chở sản phảm về Sài Gòn ít tốn kém hơn  trước.
Thành lập các tỉnh mới: Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, vùng này trở thành  nơi dư lúa gạo, nhờ dân ít mà mức sản xuất cao. Khai khẩn rừng tràm và đồng cỏ.
2) Thúc đẩy việc làm ruộng sạ, nhờ chọn các giống lúa thích hợp hơn, giúp vùng đất  thấp ở Long Xuyên, Châu Đốc và Đồng Tháp Mười canh tác được. Còn lại là vùng rừng Sác  Cần Giờ, rừng Đước Cà Mau, vùng than bùn U Minh, vùng đất quá nhiều phèn chung  quanh Hà Tiên và Đồng Tháp Mười.
3) Lập đồn điền cao su ở miền Đông.