Chương 2 - 1
Nghĩa quân thất trận và nông dân mất ruộng

Thực dân Pháp gây xáo trộn toàn diện cho việc khẩn hoang ở miền Nam, mạng sống  người dân không được bảo đảm, nói chi đến mùa màng, đất ruộng. Thực dân không dung  túng hạng dân lậu như hồi cựu trào. Đất ruộng cũng thay đổi chủ. Giới quan lại, nho sĩ bị phân hóa, một số ít theo thực dân Pháp nhưng chỉ được chúng xài lúc ban đầu, vắt chanh  rồi bỏ vỏ. Một số khác thì giữ thái độ tùy thời, tự biện hộ là minh triết bảo thân. Nhưng ở  miền Nam, thực dân đưa ra miếng mồi khá ngon là khẩn đất, cơ hội tốt cho ông nhiêu, cậu  ấm trở thành điền chủ để rồi rảnh rang uống rượu ngâm thơ, công kích vu vơ, chán đời lúc  về già. Một số đông cố ý lẩn tránh, không hưởng bất cứ ân huệ nào của tân trào, sống nghèo  với nghề dạy trẻ, hốt thuốc, coi quẻ diệc, dạy đờn ca, về thôn xóm mà vui với điền viên, mơ  đời Nghiêu Thuấn, biết vinh biết nhục, tuy nhiên sinh kế khó khăn khiến cho các ông phải lâm vào cảnh “chỉ nhện lăng nhăng, cò vướng cánh ; bãi lau lẩn bẩn, cá quên sông”. Nho sĩ  dùng võ lực kháng Pháp nổi danh là Thủ khoa Huân, đáng danh chí sĩ ; chiến sĩ văn hóa là ông Đồ Chiểu. Liều mạng đến mức gàn là ông Cử Trị, ông Nhiêu Phang. Thiên hộ Dương là  điền chủ. Trương Định coi việc đồn điền, cũng là điền chủ. Nguyễn Trung Trực là nông dân,  dân chài (anh chài Lịch).
Thoạt tiên, thực dân lúng túng, chưa tìm ra thể thức cai trị thích hợp: Việt Nam là dân có trình độ văn hóa khá cao và có nét độc đáo khác hơn các thuộc địa “da đen” ở Phi  Châu. Thực dân cố ý dùng chánh sách:
— Đồng hóa về mặt hành chánh để dễ cai trị, sửa đổi lề lối làm việc cùng là cách soạn  thảo công văn, cách thâu thuế, dự trù thuế, cách giam giữ, cách đấu thầu, tức là sắp đặt bộ  máy hành chánh quan liêu mới thay cho những thủ tục quan liêu cũ.
— Bảo vệ những tệ đoan phong kiến, gọi cho ra vẻ sang trọng là bảo vệ văn hóa dân  tộc: Duy trì hủ tục ở thôn quê, đình làng xôi thịt, các ông hương chức làng vẫn tha hồ bầu  cử lẫn nhau trong phe phái, duy trì chế độ bắt dân làm xâu, “xá bẩm” các quan to quan nhỏ.  Tham biện chủ tỉnh Pháp được gọi là quan Lớn trong công văn, với lời lẽ sợ sệt của người  dân thời đàng cựu (trăm lạy quan Lớn, xuống phước cho con dân nhờ). Không quy định giá biểu mướn ruộng, chủ điền muốn cho mướn giá nào tùy theo lòng nhân đạo. Nhưng điểm đáng chú ý hơn hết trong lúc đàn áp các phong trào chống đối là dùng luật bổn xứ tức là luật Gia Long, với những biện pháp vô nhân đạo: tra tấn công khai, kẻ tòng phạm bị kết tội như chánh phạm, tru di tam tộc (bắt vợ con, cha mẹ của tội nhân). Quan Thống đốc được  đón rước theo nghi lễ ngày xưa dành cho vua hoặc cho quan kinh lược với bàn hương án.
Ba nhân vật đắc lực nhứt
Lúc đánh chiếm và bình định xứ Nam kỳ Lục tỉnh, thực dân đã may mắn gặp được ba  tên tay sai độc ác mà chúng dung túng lúc ban đầu. Đành rằng nếu kẻ này không làm Việt  gian đắc lực thì còn kẻ khác, nhưng phải nhìn nhận rằng chính vì bọn này mà phong trào kháng Pháp bị suy giảm nhiều. Đó là Lãnh binh Tấn, Tổng đốc Phương, Tổng đốc Lộc.
Khi Pháp đánh thành Sài Gòn (1859), cả ba đều còn trẻ: Lộc 20 tuổi, Phương 18 tuổi,  Tấn 22 tuổi.
Lãnh binh Huỳnh Công Tấn
Trước là tay chân của Trương Định chống Pháp ở Gò Công, bị Pháp bắt cung khai mọi việc và lập công lớn là dẫn quân Pháp bao vây “Đám lá tối trời” để giết chủ cũ. Tấn cũng  tham gia trận bao vây đảo Phú Quốc để nhìn mặt và bắt Nguyễn Trung Trực. Nói chung thì  Tấn không nuôi tham vọng lớn, chỉ có khả năng giới hạn, Pháp xài Tấn để gìn giữ vùng Gò Công và Bến Tre là nơi Tấn từng lui tới nhiều, am hiểu nhân dân và địa thế. Tấn lãnh trách  nhiệm dọ thám, theo dõi những người kháng Pháp, lợi dụng địa vị để bắt bớ người này tha  lỏng người kia, lẽ dĩ nhiên là vì tư lợi. Tấn làm giàu nhờ tổ chức sòng bạc, chiếm đất, bắt  dân làm xâu phục vụ cho việc làm ăn riêng tư. Quan Tham biện (người Pháp) ở địa phương  chán ngán lối làm việc luông tuồng và thất nhân tâm vì Tấn lấn quyền. Thực dân phong cho  chức lãnh binh của lính mã tà, tức là chức vụ quân sự cao nhứt trong một tỉnh thời đàng  cựu. Về sau, thực dân không phong chức này cho ai nữa vì ở thuộc địa, quyền chỉ huy quân sự nằm trong tay người Pháp, chẳng qua là sự khích lệ lúc ban đầu để Tấn hăng hái hoạt  động. Tấn là người thất học, quê mùa nên ngây thơ đến mức dám chê bai, tố cáo đến quan Giám đốc Nội vụ lề lối cai trị của quan Tham biện Pháp ở hạt Bến Tre: “bởi quan Tham  biện chúng tôi xưa là quan coi binh chưa từng biết việc dân cho nên ra việc quan, làm thì làm bậy, nói thì chẳng thông lý sự bằng dường như kẻ ngu si dốt nát”. Tấn lại lập công, tố cao: “Chúng tôi nghe bà con hai cậu (con Phan Thanh Giản) những người làm giặc trốn ở  trong làng Bảo Thạnh nhiều lắm”. Quan Giám đốc Nội vụ (directeur de líintérieur) phẫn nộ,  trách mắng và tìm cách đổi Tấn về miền Đông Nam kỳ, nhưng Tấn lại được chút tín nhiệm  nhờ qua Cần Giuộc bắt phó Đốc binh đàng cựu là Bùi Duy Nhứt đang hoạt động chống Pháp  với danh nghĩa Tham biện toàn hạt (bắt năm 1869). Thời kỳ bắt giết bừa bãi đã qua, Pháp muốn chiêu an và Tấn lọt vào “mê hồn trận”. Pháp cho một tay sai khác là huyện Vĩnh tố  cáo Tấn về tội lạm quyền, Tấn tự bào chữa bằng cách tố lại sự lạm quyền của huyện Vĩnh.  Sau cùng, Tấn chết năm 37 tuổi, vì bịnh, trong chiếc ghe hầu trên đường Gò Công Sài Gòn.
Tổng đốc Đỗ Hữu Phương
Sanh quán ở Chợ Đũi, Pháp chiếm Sài Gòn, Phương trốn lánh lên Bà Điểm chờ thời.  Khi thành Chí Hòa thất thủ, nhờ cai tổng Phước ở Bình Điền dẫn ra trình diện với Francis  Garnier bấy giờ, làm Tham biện hạt Chợ Lớn. Lãnh phận sự dọ thám và kêu gọi những  người khởi nghĩa ra hàng. Về mặt quân sự, Phương rất khôn ngoan, chỉ tham gia vài trận  đánh cho Pháp tin cậy: trận đánh Ba Điểm, lúc bấy giờ lọt vào tay cậu Hai Quyền (con  Trương Định) vào tháng 7/1866, vài ngày sau, truy nã tới Bến Lức. Tháng 11/1867 cùng Tôn Thọ Tường đi Bến Tre để chiêu dụ hai cậu trai con ông Phan Thanh Giản; tháng 6/1868  xuống Rạch Giá dẹp loạn Nguyễn Trung Trực, tàu mắc cạn, nghĩa quân đóng đồn ở Sóc  Suông (gần chợ Rạch Giá) chống cự mãnh liệt, Phương và bọn mã tà gần 200 người đã hết  đạn nhưng vẫn cố thủ để chờ viện binh. Tháng 7/1868 được làm Đốc phủ sứ ở Vĩnh Long,  góp phần truy nã nghĩa quân khi tên phó tổng ác độc ở Vũng Liêm bị giết.
Năm 1878, qua Pháp dự hội chợ Quốc Tế, năm 1881 gia nhập Pháp tịch, và lại qua  Pháp chơi, thăm các con đang du học, hai lần vào những năm 1884 và 1889. Là một trong  những người đề xướng việc thành lập trường Nữ trung học ở Sài Gòn. Xin chép vài chi tiết  liên quan đến việc đàn áp của Phương để chứng minh rằng tuy lọt vào tay Pháp nhưng ở  vùng Chợ Lớn, phong trào chống Pháp vẫn mạnh:
— Bắt quản Thiện và quản Việt ở Lò Gốm.
— Năm 1866, có cuộc khởi loạn ở vùng Chợ Lớn (nên hiểu là tỉnh Chợ Lớn), Nguyễn  Văn Hoan bị bắt. Năm 1867, xảy ra nhiều vụ ám sát cũng ở Chợ Lớn, Pháp gọi Phương đến  để cho thêm tài liệu và điều tra.
— Năm 1871 và 1875, có khởi nghĩa ở Phước Lộc (Cần Giuộc), Phương ra công dọ thám.
— Năm 1873, Phương trình cho thực dân danh sách một số lãnh tụ kháng Pháp, sắp  khởi loạn ở các tỉnh miền Tây. Cuộc khởi loạn này do Trần Tuân điều khiển từ Khánh Hòa.
— Năm 1879, tố giác kịp thời âm mưu khởi loạn của nhóm Thiên Địa Hội ở Sóc Trăng.
— Năm 1881, cùng với một cha sở ở Lương Hòa (Tân An) kịp thời tố giác âm mưu khởi  loạn ở Long Hưng, Lộc Thành và ở vùng Thất Sơn.
— Năm 1878, điều khiển việc sửa con kinh Nước Mặn, bắt dân ở tổng Lộc Thành Hạ làm xâu, dân vùng này nổi tiếng là cứng đầu.
Nhiệm vụ quan trọng của Phương vẫn là dọ thám vùng Chợ Lớn, Cần Giuộc và Tân  An. Về mặt chánh quyền, trước tiên làm hộ trưởng (bấy giờ, thành phố Chợ Lớn chia ra làm  20 hộ); năm 1868 Phương trình cho thực dân danh sách những người đáng tin cậy có thể  làm chức hội tề. Năm 1872, được chỉ định làm hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn. Năm  1879, làm phụ tá cho Xã Tây Chợ Lớn. Như ta biết, Chợ Lớn là nơi tập trung thương gia  Huê kiều, Phương không bỏ qua cơ hội để làm giàu, giải quyết mọi “áp—phe” giùm cho  thương gia, đãi tiệc viên chức Pháp, làm trung gian lo hối lộ. Nhờ vậy mà làm giàu nhanh  chóng, uy thế lên cao đến mức quan Toàn quyền Paul Doumer khi vào Nam còn ghé nhà Phương ăn uống, có lẽ nhờ dịp này mà được quan Toàn quyền cho khẩn trưng sở đất ruộng  lớn đến 2223 mẫu tây. Trong lúc dọ thám, Phương tỏ ra khéo léo, tránh gây thù oán công  khai, nhờ đó mà so với Lãnh binh Tấn và Tổng đốc Lộc, bề ngoài thấy như là Phương hiền  lành, cứu người này, bảo lãnh người kia.
Nhưng trời bất dung gian đảng, Phương bị mất tín nhiệm vì đã bảo lãnh, xin chứa chấp để theo dõi Thủ khoa Huân trong nhà. Suốt khoảng 3 năm (sau khi bị đày ở Cayenne  rồi được ân xá), Thủ khoa Huân biết lợi dụng hoàn cảnh để liên lạc với những Huê kiều theo  Thiên Địa Hội ở Chợ Lớn và tới lui vùng Tân An để cổ súy, tổ chức cuộc kháng Pháp. Chuyện vỡ lỡ ra, tưởng chừng Phương mang họa. Bấy lâu ngoài Thủ khoa Huân, Phương đã  từng bảo lãnh nhiều người mà thực dân Pháp không tin cậy cho lắm. Kẻ thù của Phương là  Tổng đốc Lộc thừa dịp này làm núng, đưa điều kiện là giam lỏng Phương trước khi dẹp loạn  Thủ khoa Huân. Nhưng rốt cuộc, Phương vẫn ung dung, càng mau giàu thêm và được thang  Tổng đốc — nên hiểu là Tổng đốc hàm — vì theo quy chế quan lại bản xứ do thực dân ở Nam kỳ bày ra, chỉ đến ngạch đốc phủ sứ là hết.
Tổng đốc Trần Bá Lộc
Đây là tay sai đắc lực số một, vượt hẳn hai nhân vật trên: háo thắng, ham địa vị, ưa  tàn sát theo lối phong kiến. Khi Pháp chiếm thành Mỹ Tho, Lộc sốt sắng tìm cơ hội bèn tản  cư với chiếc ghe chở đầy tiền kẽm (tiền của ai?), đến trình diện với Cha Marc, bấy giờ cha sở này kiêm luôn chức tham biện. Năm 1861, ngay sau khi xin việc, Lộc được cấp cho căn nhà lá, gia nhập lính mã tà rồi lập công lên cai, lên đội. Ngoài thời giờ làm lính, Lộc còn lãnh  trách nhiệm giữ kho lúa cho nhà nước và được quan tham biện cho ân huệ là đem cơm dư của lính về nhà mà nuôi heo. Nhờ hăng hái điềm chỉ và bắn giết, năm 1865 làm huyện, ngồi tại Cái Bè để canh chừng vùng Đồng Tháp. Cái Bè là vị trí chiến lược trên Tiền giang, có thể  đi thẳng lên Cao Miên. Bấy giờ một số quan lại đàng cựu gom về Bình Cách, Thuộc Nhiêu,  Cai Lậy, lập đồn để liên lạc với Thiên Hộ Dương trong bưng. Lộc đánh quân sĩ đàng cựu ra khỏi Cai Lậy rồi cuộc tấn công đại quy mô của Pháp diễn ra, Lộc đóng vai trò quan trọng,  đánh từ Cần Lố để nối với mấy cánh quân khác đánh từ đồn Hữu (phía Bến Lức) và đồn  Tiền (phía Cai Lậy). Năm 1867, thăng làm phủ rồi năm sau góp công đánh đuổi và bắt sống  Tổng binh Bút khi ông này đánh vào toán quân Pháp trú đóng tại Sa Đéc (đình làng Tân  Qů Đông). Lộc coi huyện Tân Thành (Sa Đéc), sau được gọi về Cái Bè, thăng đốc phủ sứ  (15/8/1868). Bấy giờ ở Rạch Giá, Nguyễn Trung Trực khởi nghĩa, tỉnh lỵ này bị tái chiếm,  Nguyễn Trung Trực chạy ra đảo Phú Quốc. Pháp kéo binh bao vây đảo. Lộc dùng thủ đoạn  cố hữu là bắt giết thân nhân những người trong cuộc. Nguyễn Trung Trực phải ra mặt để  cứu sống những người bị bắt làm con tin. Lộc lãnh trách nhiệm điều tra rồi trình cho Pháp danh sách 170 người liên can với Nguyễn Trung Trực.
Từ 1868 tới 1871, Lộc góp phần giảy vây đồn Cái Bè, bấy giờ bị bốn ông Long, Thận,  Rộng, Đước tấn công (bốn ông này đều bị Lộc giết). Rồi đến vụ tham biện Vĩnh Long là Salicetti bị giết khi đến Vũng Liêm đàn áp cuộc khởi loạn: Lộc đụng với nghĩa quân ở Láng  Thé, gồm đa số là người Miên, cuộc chiến khá sôi nổi, nhiều phen tưởng chừng Lộc thua trận nhưng sau rốt nhờ khí giới tốt nên thắng.
Năm 1875, lại nổ lực dẹp cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Huân, có Phủ Đức tiếp tay để  chận phía cửa Tiểu (đề phòng Thủ khoa Huân trốn theo đường biển). Lộc ruồng vùng còn  lại, Thủ khoa Huân bị bắt gần Chợ Gạo. Trận này Pháp giao trọn quyến bắn giết nên lính  của Lộc ruồng các lùm bụi, đến mức nai, chồn, cọp chạy tán loạn vào xóm.
Năm 1878, dẹp cuộc khởi loạn của Ong và Khả ; hai vị này toan đánh thình lình chợ  Mỹ Tho. Năm 1883, đàn áp cuộc khởi nghĩa của người Miên ở Trà Béc (Cao Miên).
ở miền Trung bấy giờ Mai Xuân Thưởng nổi lên, Pháp dẹp không nổi nên nhờ bàn tay  gian ác của Lộc. Lộc mộ 1050 lính mã tà, đem về thành Ô Ma (Sài Gòn) tập dượt rồi đến  chiến trường thi hành thủ đoạn bắt thân nhân của Mai Xuân Thưởng và của những người  theo quân khởi nghĩa. Lộc tỏ ra hách dịch, làm việc lấn quyền các sĩ quan Pháp ở địa phương. Lúc hành quân, Lộc dùng con dấu “Thuận Khánh Tổng đốc”, tức là Tổng đốc của  hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa. Khi xong việc, về Cái Bè vẫn thích dùng con dấu ấy. Lộc lại đề nghị với Pháp tách hai tỉnh này ra khỏi Trung kỳ, nhập vào Nam kỳ vì chính quân sĩ Nam kỳ (tức là của Lộc) đã ra tay dẹp loạn, nhưng đề nghị này khó thi hành!
Về già, Lộc đau ung thư bao tử nhưng vẫn hăng hái ra tài “kinh bang tế thế”. Loạn lạc  không còn, Lộc ra tay chỉnh trang vùng Cái Bè. Học được phép đo đạc nên đem áp dụng,  phóng mấy con lộ ở chợ này. Lộc lại xin bắt dân xâu để đào kinh trong vùng Đồng Tháp, ban đầu đào thử (kinh bề ngang rộng 3 mét), nhưng lại bắt dân xâu đợt nhì nới rộng ra 10 mét,  nối liền từ Bà Bèo tới Rạch Ruộng (1897) gọi là kinh Tổng đốc Lộc (thực dân cho phép đặt  tên). Lộc trở thành người điền chủ lớn nhứt của tỉnh Mỹ Tho khi mua lại cù lao Năm Thôn  và đất ở cù lao Rồng.
Tóm lại, Lộc đóng vai tích cực trong việc đàn áp các phong trào Thiên Hộ Dương,  Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân, Mai Xuân Thưởng. Pháp dung túng cho Lộc làm  những việc dã man, vô nhân đạo mà chúng không muốn làm, sợ mang tiếng xấu về chúng.  Nhưng được chim thì treo ná, thực dân lần hồi tỏ ra lạnh nhạt đối với kẻ đã quá sốt sắng với  nhiệm vụ — lỗi thời. Pháp cho người nói xấu công khai rằng chức Tổng đốc của Lộc là bất  hợp lệ, chỉ dùng ở Trung kỳ chớ không dùng ở xứ thuộc địa, do đó phải sửa lại là “Tổng đốc  hàm” (honoraire). Lại còn chức vụ Khâm sai mà Lộc đã tự phong khi in thiệp chúc Tết năm  1888. Lộc cho rằng Khâm sai là chức vụ hợp pháp, vì ông ta thừa lịnh quan Thống đốc Nam  kỳ ra ngoài Trung dẹp giặc, nhưng có người tố cáo rằng Lộc tự xưng Khâm sai của triều đình Huế, với dụng ý làm loạn về sau.
Lộc thích đánh giặc với đạo quân riêng lúc ban đầu gồm hơn 100 người nhưng về già,  thực dân chỉ để cho 5 người lính hầu mà thôi.
Một chi tiết đáng chú ý là vào năm 1868, Lộc đã đi “bắt quân làm ngụy ở phía Trà Đư”  đem về Châu Đốc nộp cho quan tham biện. Đây là những người thuộc nhóm Bửu Sơn Kỳ  Hương ở Thất Sơn.
Lời phê của các quan tham biện giúp chúng ta hiểu rõ thái độ của thực dân. Đại khái, họ biết Lộc tàn ác nhưng họ xài trong thủ đoạn dùntg người và luật lệ bổn xứ để đàn áp người bổn xứ: “Một viên chức quá kỹ lưỡng, quá tận tâm trong vài trường hợp”, “không cẩn  thận trong việc dùng phương tiện, nhưng lại đạt mục đích chắc chắn”. Lộc sanh tật uống  rượu, tánh tình thay đổi rõ rệt. Ba năm trước khi chết, Lộc được viên tham biện Mỹ Tho phê như sau: “Người ta có thể phàn nàn lão già này về những hành động ác độc lúc trước đã trở  thành chuyện huyễn hoặc, khó tin, nhưng tôi cho là trong hàng ngũ viên chức bổn xứ hiện  nay khó tìm được một người biết kính bề trên, dám tận tụy với chính nghĩa của nước Pháp  bằng ông ta”.
Tình trạng xáo trộn về gia cư, tài sản
Trong giai đoạn khá dài, dân chúng chịu cảnh ly tán, kẻ lương thiện có thể bị vạ lây. Chỉ cần bị tình nghi là bị tù, bị đày ra Côn Nôn hoặc Đại Hải (đảo Bourbon) hoặc qua tận  Mỹ Châu, ở thuộc địa Pháp nổi danh ma thiêng nước độc: xứ Cayenne (gọi là Cai Danh  quận). Hoặc qua tận đảo Antilles sát Nam Mỹ Châu, hoặc qua nhà tù ở Toulon.
Ngoài chuyện nhắm mắt cho bọn Việt gian bắt giết, tống tiền và hăm họa, thực dân  còn ngang nhiên phán quyết những bản án hành chánh (jugement administratif) theo đó,  tham biện chủ tỉnh được quyền đề nghị bỏ tù, đày ra Côn Đảo hoặc các lãnh thổ ngoại thuộc  Pháp những người chỉ bị tình nghi, vu cáo là làm loạn nhưng chưa tìm được bằng chứng gì  cụ thể. Thống đốc Nam kỳ hoặc Giám đốc Nội vụ (directeur de líIntérieur, lúc đầu dịch ra chữ Nho là Lại Bộ thượng thơ), xét lại rồi chuẩn y. Một dịp cho bọn Việt gian địa phương  tha hồ báo cáo để giựt ruộng vườn nhà cửa.
Thoạt tiên, bọn tham biện chủ tỉnh bắt bớ tù đày quá nhiều, đến mức ba tháng sau (23/11/1868), đô đốc Ohier gởi văn thư khiển trách viên tham biện hạt Vĩnh Long đã lạm  dụng. Ngày 9/3/1875, Duperré ra lịnh dứt khoát rằng tài sản của những người bị lên án phản loạn đều bị tịch thâu, tiền bán tài sản này dùng trợ cấp cho gia đình bọn lính mã tà tử  trận lúc đi ruồng bố. Nhưng năm sau, ngày 25/8/1876 lại có lịnh: tài sản của bọn phiến loạn  đem bán ra, thay vì đem thưởng cho kẻ tố giác thì lại thuộc về nhà nước ; nhà nước tùy  trường hợp mà thưởng riêng. Trong thực tế, ruộng đất do con của Trương Định làm chủ đã  bị bán đấu giá từ năm 1869, nhưng không ai ra mua. Kinh nghiệm vụ khởi loạn Thủ khoa Huân cho thực dân biết rằng một số không ít hương chức hội tề làm việc cho Pháp đã tán trợ trực tiếp hoặc gián tiếp những người làm loạn. Do đó, đô đốc Nam kỳ ký nghị định số  123 ngày 20/5/1875 quy định từ rày về sau làng nào làm loạn hoặc đồng lõa với loạn quân thì bị xóa tên, giải tán, sáp nhập qua làng lân cận, tài sản của hương chức hội tề bị tịch  thâu, hương chức hội tề bị quản thúc ở tỉnh xa. Nghị định ngày 25/5/1881 ban hành quy chế thổ trước (indigénat) theo đó tham biện chủ tỉnh được quyền xét xử bỏ tù trong vài trường  hợp, khỏi cần đưa qua tòa án (gọi nôm na là ở tù bố, tức là ở tù theo lịnh của tòa Bố, lúc Pháp mới qua, có quan Bố chánh như thời đàng cựu, nhưng là quan Bố người Pháp). Bộ  Thuộc địa tán thành việc bắt giam một số đông người mà không cần truy tố ra tòa, để đề  phòng cuộc khởi loạn mà thực dân được tin là sắp bùng nổ ở Mỹ Tho vào năm 1883, cho đó  là áp dụng quy chế thổ trước. Đồng thời, Bộ cũng cho phép thống đốc Nam kỳ được quyền  câu lưu trong thời hạn nhứt định những phần tử bị tình nghi, và ân xá họ khi nào thấy  thuận lợi (5/9/1884).
Đối với người Tàu, Bộ Thuộc địa tán thành biện pháp mà Thống đốc Nam kỳ áp dụng để trừng phạt những người theo Thiên Địa Hội ở Sóc Trăng (1/9/1882) theo đó nạn nhân bị trục xuất về Tàu, tịch thâu tài sản. Bang Triều Châu ở Sóc Trăng phải xuất tiền trả lương  cho bọn lính mã tà do nhà nước tuyển thêm để giữ an ninh trong tỉnh, đồng thời Bang này  phải chịu phạt nếu trong hàng ngũ Thiên Địa Hội lại có người trong Bang gia nhập.
Việc kháng Pháp ở Nam kỳ Lục tỉnh khá rầm rộ, thực dân và tay sai đã dẫm nát  những vùng gần tỉnh lỵ đến tận thôn xóm hẻo lánh. Dân chúng hăng hái vì bấy giờ triều  đình Huế hãy còn. Họ đặt hy vọng vào sự can thiệp của triều đình. Đi theo Pháp thì sợ về  sau sẽ bị trừng trị. Việc Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông với hiệp ước 1862 không làm cho  dân chúng tuyệt vọng. Họ sẵn sàng tản cư qua ba tỉnh miền Tây. Ngay sau hiệp ước 1862,  trong bức thư trả lời cho nguyên soái Bonard đề mùng 6 tháng 8 âm lịch năm Tự Đức thứ  15, ông Phan Thanh Giản tỏ thái độ đứng đắn về việc giải giới những người còn cầm khí giới  ở ba tỉnh miền Đông. Những người này được ông Phan gọi là dân mộ nghĩa (mộ nghĩa nhân) ; ông viện cớ là “già nua và bất tài” nên chưa thể nào thực thi chuyện tước khí giới đám dân mộ nghĩa ấy được. Việc ấy, nhà cầm quyền Pháp ở ba tỉnh miền Đông cứ ra lịnh  kêu gọi những người quản suất quân nghĩa dõng.
Sau khi mất ba tỉnh miền Tây, dân chúng vẫn tiếp tục chiến đấu. Dân ở nông thôn dời  chỗ nhiều lần, xa sanh quán, họ hàng thất lạc, thay tên đổi họ để khỏi bị tập nã. So với cõi  Bắc kỳ và Trung kỳ, làng mạc miền Nam bị phá tán nhiều hơn, ngoài mục đích bình định,  thực dân còn nhằm hủy hoại văn hóa ; thành lũy bị san bằng trăm phần trăm tại Sài Gòn  cũng như ở các tỉnh, gia phả không còn, người có căn cư trở thành lưu dân, đất ruộng đổi  chủ. Sau khi hạ thành Chí Hòa, thực dân muốn giữ các tổ chức đồn điền như cũ để việc sản  xuất lúa gạo không bị đình trệ và việc cai trị ít bị xáo trộn. Nhưng đến ngày 22/8/1861, lại  giải tán vì đồn điền là cơ sở chống đối mạnh mẽ.
Vài thí dụ điển hình
Vào cuối năm 1868, đô đốc Ohier ba hành quyết định số 473 ra giải thưởng cho những  ai bắt nộp những lãnh tụ kháng Pháp gồm 11 người với giá 1000 quan mỗi người: cậu Hai  Quyền (con Trương Định) bấy giờ cỡ 25 tuổi ; Hàn Lâm Phu ; Tổng binh Thành ; ấp Quyền  (phó của Trương Định) ; Nguyên soái Thân (người đã đánh đồn Mỹ Tho) ; Tổng binh Hinh ;  Tổng binh Cách ; cậu Tư, cậu Năm (hai con của Phan Thanh Giản), Tổng binh Thành (gốc ở  Thất Sơn, trước đấy có ở Rạch Giá) ; phó Nguyên soái Dương (vượt ngục Mỹ Tho năm 1867,  hiện đang ở Ba Động).
Tổng binh Thành mà thực dân hài rõ gốc ở Thất Sơn chính là nhân vật quan trọng  thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương (đức Cố Quản).
Hàn lâm Phu, không rõ là ai (trong nguyên văn không bỏ dấu).
Và 2 người với giá 500 quan: Đốc binh Sắc, Đề đốc Đạo (trước đấy, Đạo ở Mỹ Tho).
Quyết định nói rõ là lính hoặc viên chức bổn xứ hữu công có thể lên cấp bực, ngoài tiền  thưởng. Các viên cai tổng, hương chức hội tề nếu có hành động cản ngăn việc truy tầm,  không sốt sắng tập nã sẽ bị trừng phạt theo luật đàng cựu (lois annamites). Vào dịp khởi  nghĩa Thủ khoa Huân, thực dân Pháp cố ý phá tan cơ sở nông thôn đến tận gốc rễ, khủng bố luôn những ai sống dưới sự cai trị của chúng nhưng còn thái độ úp mở. Cả một vùng rộng  lớn từ Tân An, từ vùng Chợ Gạo đến sát chợ Mỹ Tho, dài theo Tiền giang phía rạch Gầm  đều chịu họa lây. Đồng bào nhân dĩ Mỹ Tho, Chợ Gạo đã hết lòng ủng hộ cuộc khởi nghĩa này với sự tán trợ của hương chức hội tề.
Chủ tỉnh Mỹ Tho được quan Thống đốc cho xuất ra 6550 quan để trả những chi phí về cuộc hành quân chống Thủ khoa Huân là 4481 quan, tiền còn lại thì dành trợ cấp cho vợ  bọn lính tử trận. Nhưng thực dân không mất gì cả, lại có lời cho ngân sách khi ra lịnh phạt  những người đã tham gia khởi nghĩa nhưng không ra đầu thú và trình diện kịp thời, phạt  bằng tiền theo quyết định của Thống đốc Nam kỳ ngày 5/7/1875. Và Thống đốc Nam kỳ  cũng trừng phạt 47 làng trong tỉnh Mỹ Tho đã gián tiếp hoặc trực tiếp ủng hộ Thủ khoa Huân (quyết định ngày 5/7/1875) tổng số là 53700 quan, lẽ dĩ nhiên, hương chức làng gánh  chịu và dân làng phải chia sớt để khỏi bị rắc rối.
Lúc hành quân và truy nã, thực dân còn tịch thâu được 1515 quan, Hương chức hội tề  ở hai làng Song Thạnh và Bình Dương đã góp cho quân khởi nghĩa 387 đồng (trị giá 2147  quan) là tiền do làng thâu thuế được ; nhà nước ra lịnh bồi thường bằng cách tịch thâu và bán tài sản của hai vị hương chức hội tề làng Song Thạnh có tham gia khởi nghĩa (đã bị giết), số tiền còn lại thì một ông hương chức hội tề làng Song Thạnh và 5 ông ở làng Bình  Dương phải bồi thường cho đủ, các người này lẽ dĩ nhiên là bị cách chức.
Vào tháng 9, cũng năm 1875, Thống đốc Nam kỳ ra quyết định phạt hương chức làng  Mỹ Đức, tỉnh Châu Đốc về tội cho phép một người “phản loạn” từ Mõ Cày (Bến Tre) đến trú ngụ mà không bắt buộc kẻ lạ mặt phải xuất trình giấy của địa phương cũ cho phép thay đổi  nơi cư trú.
Nhóm người muốn “tạo lập đời” theo quan niệm tôn giáo tụ họp lần hồi đến Thất Sơn  hẻo lánh, có cọp beo nhưng xa khu vực thực dân kiểm soát, lại được ưu thế là gần biên giới  Việt Miên. Tuy nhiên, những làng tân tạo này vẫn bị thực dân đến quấy rối: vùng An Định  ở núi Tượng bị phá xóm, đốt chùa về tội lập Hội kín.
Đầu năm 1872, vùng rạch Cái Tàu (ven rừng U Minh Hạ) tuy là thưa thớt, nghèo nàn,  làng xóm chưa thành nền nếp nhưng hai anh em Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự đã khởi  nghĩa, giết được lính mã tà. Đỗ Thừa Tự có lần ẩn lánh ngoài khơi vịnh Xiêm La, tận hòn  Sơn Rái nơi thảo am của thầy Đước: người tu hành ở cheo leo ngoài biển khơi vẫn nặng lòng  vì nước. Về sau, hai anh em họ Đỗ bị bắt và xử tử, nghĩa quân thì bị đày. Tham biện Rạch  Giá xử họ trong phiên tòa gọi là “tòa án bổn xứ”, chính ông ta làm Chánh án. Tên chủ tỉnh  Benoist nổi danh là tàn ác (và thích khảo cứu) đã “nhân danh dân chúng nước Pháp” mà  buộc tội và tuyên án đúng “luật An Nam” theo đó “người làm loạn bị xử trảm, kể luôn những bọn đồng lõa, không cần phân biệt tội nặng nhẹ giữa chánh phạm và tòng phạm”.  Tuy nhiên, viên chủ tỉnh cho ân giảm đổi án tử hình ra 20 năm lưu đày (trường hợp Phạm  Tấn Trì). Một can phạm cũng trong vụ khởi nghĩa này là Võ Văn Trước, người làng Đông  Thái bị xử lưu đày chung thân.
Nay hãy còn nhiều danh tánh can phạm do thực dân xử theo biện pháp cao hứng, tùy  theo sự tố cáo với tang chứng mơ hồ. Họ là chiến sĩ vô danh, đa số bị lưu đày từ thanh niên  đến kẻ già nua, từ kẻ thất học đến kẻ đậu tú tài, ngụ ở làng mạc vùng Mỹ Tho, Tây Ninh,  Bà Rịa, Cao Lãnh, Tân An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc, Gò Công, Thủ Dầu Một, Long  Xuyên, Vĩnh Long, Châu Đốc, Bến Tre. Thân nhân của họ nhờ các quan địa phương chuyển  đơn kêu nài. Trường hợp ông Võ Văn Tòng từng làm đội quản (lãnh bằng cấp để khởi nghĩa)  bị bắt vào cuối năm 1864, vừa bị đày ra Côn Nôn một tháng là chết bịnh ; ấy thế mà 15 năm  sau, vì gia đình chưa hay tin nên con là Võ Văn Toán lại làm đơn xin ân xá vì cha đã thọ án được 15 năm rồi! Trường hợp của ông tú tài Trần Văn Trà bị đày qua Cayenne, vợ làm đơn  xin ân xá, xin giảm án quá nhiều lần mà không được chấp thuận, mặc dầu có tri phủ Tôn  Thọ Tường đứng ra làm tờ bảo lãnh với quan trên: “Như ông còn hồ nghi sự gì thì xin khi tha nó ra rồi dạy nó phải ở tại Sài Gòn sau nó còn làm sự gì quấy quá thì tôi cũng xin chịu  tội chung với nó”.
Vụ ông Quản Hớn giết phủ Ca ở Hóc Môn được xử tại Gia Định vào 12/9/1885 gồm 37  người lãnh án, trong đó 14 người bị lên án tử hình. Cũng năm 1885 này, ở Cao Miên phong  trào chống Pháp lên cao.
Người Miên ở Hà Tiên và người Việt hợp tác nhau đánh Pháp vài trận, quân khởi nghĩa gom đến trăm người ở vùng Mũi Nai (chợ Hà Tiên) và Rạch Vược, Ba Hòn.
Vấn đề lưu dân ở Sài Gòn
Sự khủng bố ở thôn quê khiến nhiều người mất công ăn việc làm, kéo lên Sài Gòn, Chợ  Lớn và vùng ngoại ô nhưng họ chưa thích ứng được với hoàn cảnh sinh sống mới. Do đó,  thực dân gặp nhiều khó khăn trước phong trào mà chúng gọi là “lưu manh, du côn” Sài Gòn.  Từ năm 1864, đô đốc Lagrandière ra quyết định bắt buộc những người Việt cư trú ở Sài Gòn  phải ghi tên vào bộ vì nhiều vụ cướp bóc (?) xảy ra từ lâu, hạn 8 ngày không đến làng để  khai lý lịch và ghi tên vào bộ thì bị phạt từ 5 đến 10 quan và ở tù từ 8 ngày đến hai tháng.  Non hai tháng sau có lịnh nghiêm nhặt hơn: xét bắt những người Việt hiện đang cư trú  chung quanh thành Sài Gòn cũ và vùng rạch Thị Nghè, luôn cả người Tàu ; ai có giấy tờ của  làng cũ thì bị đuổi trở về, ai không căn cư, chẳng làng xã nào nhìn nhận thì bị nhốt để chờ  ngày đày ra Côn Đảo hoặc đảo Bourbon. Thực dân đề phòng gắt gao vì được tin sắp có khởi nghĩa tại Sài Gòn. Mãi đến năm 1875, vùng ngoại ô Sài Gòn vẫn chưa yên tịnh, một tay sai đắc lực của thực dân từng điềm chỉ những người cầm đầu khởi loạn lại bị giết bỏ xác gần  chùa ở ranh giới ba làng Tân Thới, Bình Hưng và Bình Hưng Đông ; thống đốc Nam kỳ ra  lịnh phạt hương chức hội tề ba làng nói trên về tội không phát giác kịp thời và giấu nhẹm ;  tiền phạt cộng chung là 1000 quan, trong đó 500 quan xuất ra trợ cấp cho gia đình nạn  nhân. Đến năm 1887, quan tham biện hạt thứ 20 (sau đổi lại là tỉnh Bình Hòa rồi đổi là  tỉnh Gia Định) báo cáo tỉ mỉ hơn, nhận định rằng thành phần bọn bất hảo gồm nào thợ thất  nghiệp, lao công Việt và Tàu, bọn đánh xe ngựa, bọn làm bồi cho Tây đang thất nghiệp,  đông đảo nhứt là bọn lưu dân từ khắp các tỉnh Nam kỳ tựu về tìm phương kế sinh sống.  Bọn này thường tỏ ra ngạo mạn, bất phục tùng luật pháp. Vì có lịnh không cho áp dụng quy  chế thổ trước tại quận Gia Định nên viên chức không còn khả năng trừng trị họ. Họ cứ ung  dung làm điều sai quấy, hễ bị bắt là 24 giờ sau họ được thả ra, theo luật định. Năm 1899,  tình hình ở tỉnh Gia Định và ngoại ô Sài Gòn thêm bi đát hơn. Du đãng tụ tập ở Bà Điểm  Bà Quẹo để lộng hành, chỉ huy bọn nài ngựa ở trường đua, cầm đầu bọn ăn trộm ở Hòa  Hưng ; hương chức làng Hòa Hưng không dám hó hé. Én cướp đánh tại làng Bình Sơn, trên  sông Sài Gòn, có tên cướp xăm mấy chữ “anh hùng nhứt xứ”. Tổng đốc Phương nhận định  rằng từ năm 1895 việc du côn ngày càng thêm, hiệp với bọn Thiên Địa Hội mà hà hiếp dân  sự, ai giận ai thì mướn nó đánh phá, muốn được cử làm hội đồng, cai tổng thì mướn du côn  coi chừng, ai không bỏ thăm cho phe thì chận đánh, ở nhà quê, du côn lại nhà giàu mượn  tiền 50, 30 đồng, ai thưa với làng thì nó đốt nhà, mượn không bao giờ trả, chẳng ai dám tố  cáo. Bọn du côn hăm he hương chức làng rằng nếu bắt chúng, sau khi ở tù về, chúng giết  chết. Bắt thì tòa theo luật Lang Sa không cầm tù lâu. Bởi vậy, chẳng ai dám bắt, trở về tụi nó sẽ dữ hơn. Nếu tòa phạt năm bảy ngày, cả bọn góp tiền mướn thày kiện lãnh ra. Tổng  đốc Phương yêu cầu đày bọn du côn đi làm xâu vào dịp mở đường xe lửa Lang Bian, du côn  thứ dữ thì phạt một năm tù, thứ vừa thì phạt sáu tháng, làng xã phải kê khai tên tuổi bọn  du côn trong làng.
Năm 1901, bọn du côn đánh nhau giữa ban ngày, cách tòa Bố Gia Định có 500 thước,  đánh nhau mà không bao giờ thưa gởi tới cò bót. Tại sòng bạc ở Gò Vấp, lính mã tà phải xin  lỗi bọn du côn chứa bạc vì đã trót đến xét bắt. Mỗi xứ đều có anh hùng riêng, đường  Monceaux, vùng Đất Hộ, Phú Nhuận, vùng Bình Hòa, vùng Gò Vấp. Nổi danh nhứt là bọn  Ba Thiên và Sáu Thắm, chúng hẹn nhau đến Lăng Cha Cả hoặc ngả tư Phú Nhuận mà so  tài, theo luật giang hồ. Du côn ở Đất Hộ mà quan cầu thì bị du côn Phú Nhuận hành hung.  Bên trong vấn đề trừng phạt bọn du côn là cuộc tranh chấp về quyền hành giữa các tham biện chủ tỉnh và các cơ quan tư pháp vào năm 1901—1902. Nha Tư pháp Đông Dương muốn  áp dụng luật pháp, chống những bản án hành chánh mà tham biện các tỉnh bấy lâu đã lạm  dụng để đày ra Côn Đảo những kẻ mà quan làng không thích, mặc dầu không bằng cớ. Các viên chức hành chánh thì cho là nếu căn cứ vào luật pháp thì làm sao bắt bọn du côn được?  Điển hình nhứt là lập luận của tham biện tỉnh Gia Định bảo rằng dân thuộc địa chỉ sợ sức  mạnh của người Pháp mà thôi, không nên đối xử bình đẳng vì dân du côn xem việc ở tù  sướng hơn là sống ở ngoài đời. Và làm sao trưng được bằng cớ cụ thể để buộc tội, khi bọn du  côn ăn thề, kết nghĩa với nhau trong quán rượu chớ không ghi trên giấy trắng mực đen.
Phong trào gọi là “du côn Sài Gòn” vào đầu thế kỷ gồm những thành phần như sau:
— Bọn bất lương, đâm thuê chém mướn, không lý tưởng gì cả.
— Một số người theo Thiên Địa Hội muốn tạo khu vực ảnh hưởng riêng để làm ăn, nắm  độc quyền về bến xe, chứa cờ bạc.
— Một số nông dân mất cơ sở làm ăn ở thôn quê, lên thành phố nhưng chưa thích ứng  được với hoàn cảnh mới, họ vẫn giữ óc tự tôn cho rằng xã hội nông nghiệp đàng cựu đẹp hơn  xã hội mà người Tây phương đặt trên đầu dân ta. Họ có tinh thần chống Pháp.
Mãi đến đệ nhứt thế chiến, “anh chị” ở Sài Gòn Chợ Lớn còn là đề tài lưu truyền trong  dân gian. Những áng thơ bình dân, những người mù nói thơ đờn độc huyền vẫn ca ngợi  Năm Tỵ, Sáu Nhỏ, Sáu Trọng hoặc tiết tháo của thày Thông Chánh, cậu Hai Miên mặc dầu  thực dân tìm cách ngăn cấm.
Bến Nghé Sài Gòn trong sanh hoạt mới
Trong khi vùng ngoại ô Sài Gòn chưa bình định xong thì thực dân chánh thức cho phép  tàu ngoại quốc vào thương cảng Sài Gòn mua bán (22/2/1860). Năm 1860, có 246 chiếc tàu  máy và thuyền buồm của các nước Ñu Châu và của Trung Hoa tổng cộng sức trọng tải là 63299 tonneaux, đã ăn 53939 tonneaux gạo trị giá khoảng 5184000 quan và các sản phẩm  linh tinh khác trị giá một triệu quan. Đồng thời hàng hóa nhập cảng vào Sài Gòn trị giá ước  lượng một triệu quan, cộng thêm 500 000 quan á phiện để tiêu thụ trong xư.
Đây là năm mđầu mà thương cảng mở cửa, xuất cảng hơi nhiều vì gạo từ năm trước  còn ứ đọng lại, thành Sài Gòn mất nên ghe bầu từ ngoài Trung không vào ăn gạo như trước  được. Năm 1861, mức xuất cảng gạo sụt, năm 1862 lại sụt hơn vì ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa  của Trương Định ở vựa lúa quan trọng miền Nam lúc bấy giờ là Gò Công. Nhưng năm 1862  lại xuất cảng thêm 1 200 000 quan cá khô của Cao Miên, do thương cảng Sài Gòn.
Ba loại gạo mà giới xuất cảng chuộng nhứt là gạo Gò Công, rồi đến gạo Vĩnh Long; gạo  sản xuất từ Sóc Trăng, vùng Bãi Xào (gạo Ba Thắt) thì được giá trên thị trường Trung Hoa hơn.
Ngày 16/6/1865 đô đốc Roze cho phép thành lập Ű ban nghiên cứu phát triển Canh  Nông và Kỹ nghệ ở Nam kỳ, bốn tháng sau ủy ban ra tạp chí chuyên môn, dành nhiên cứu  các loại sản phẩm nông nghiệp và kỹ nghệ mà Nam kỳ có thể phát triển trong tương lai, nhằm giúp đường hướng cho bọn thực dân làm ăn.
Ngoài ra, nhiều tờ Công báo cũng ra đời từ 1862, 1865, đáng chú ý là bọn thực dân ở  Sài Gòn chia phe nhóm, ra báo Pháp ngữ công kích lẫn nhau như “Líindépendant de Saigon,  Ere Nouvelle...” và công kích luôn chính sánh của Thống đốc. Tờ Gia Định Báo ra vào tháng  4/1865 bằng chữ quốc ngữ nhằm mục đích phổ biến thông cáo, nghị định đến các làng các  tổng.
Năm 1865, dân đinh trong bộ ở 3 tỉnh miền Đông là 35 778 người, năm 1866 được  39369 người, một phần do sự đăng bộ của đám dân ậu, một phần là những người chạy giặc trở về trình diện để bảo vệ đất đai ruộng vườn cho khỏi mất. Năm 1867, Pháp đánh chiếm  ba tỉnh miền Tây, nhờ đó mà dân số Nam kỳ được thêm khoảng 477000 người (kể cả nam  phụ lão ấu), diện tích ruộng đất tăng thêm khỏang 123000 mẫu tây và nhiều huê lợi khác chừng ba triệu quan.
Năm 1883, đường xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho bắt đầu hoạt động, hãng Tàu chạy sông ra đời vào 1883, gọi nôm na là tàu Mỹ (xuất phát từ Mỹ Tho, rồi từ đó nối về Sài Gòn bằng xe  lửa) hoặc tàu Nam Vang vì chạy tới kinh đô chùa Tháp.
Thoạt tiên, để thử phát triển các giống lúa, thảo mộc và gia súc, thực dân cho lập nông  trại làm thí điểm do nhà nước tài trợ tại khu đất Ô Ma ăn lên đồng Tập Trận rộng hơn 50 mẫu, trồng một mẫu lúa giống đem từ Miến Điện nhưng thất bại, còn dư là để cho cỏ mọc, thử nuôi ngựa giống. Cũng năm 1885, Ű ban thành lập “Viện Bảo tàng thuộc địa” hoạt  động lai rai, thu lượm những mảnh tượng đá xưa, sưu tập cây cỏ ngoài Côn Đảo, trồng cây  kỹ nghệ và vài trăm loại thảo dược đem về từ Thượng Hải. Riêng về cây cà phê, từ năm  1873, Thống đốc Nam kỳ khuyến khích, trợ cấp cho những người Pháp thử trồng tỉa.
Dưới mắt một số thực dân và sĩ quan hải quân Pháp thì vùng Sài Gòn (không kể vùng  Chợ Lớn ngày nay) giống như quê hương của họ ở xứ Normandie, họ khen ngợi vùng Chợ Quán và vùng Gò Vấp, nơi dân Việt định cư lâu đời, có vườn tược, mỗi nhà đều có hàng rào  bằng cây tươi, với đường xá quanh co nối liền xóm nhỏ, bên đường là cây cổ thụ che mát.
Thực dân nghĩ đến việc thiết kế thành phố, và trong việc “làm đẹp” thành phố, họ cố ý làm cho đất Sài Gòn mất vẻ cổ kính mà dân Việt đã tạo được từ 170 năm qua. Nhà và đất có bằng khoán, cứ đóng thuế thổ cư rồi đều mặc nhiên bị truất hữu theo quyết định của đô đốc,  chỉ huy quân lực khiêm chức thống đốc ký ngày 20/2/1862. Đất chia từng lô bán bằng bạc  con ó (không nhận trả bằng tiền kẽm), tất cả nhà cửa, vườn tược trên lô đất đều bị bán luôn.  Nếu chủ đất đấu không kịp giá thì có thể xin bồi thường với người đấu giá được, muốn khiếu  nại phải xuất trình toa vé xác nhận sở phí cất nhà trước kia, nếu có.
Luật lệ tàn ác này khiến nhiều gia đình cố cựu ở vùng Sài Gòn phải mất nhà, mất đất  vì họ không đủ tiền để đấu giá cho kịp bọn thực dân và bọn cường hào đang có tiền, chưa nói tới một số đông người đã chạy giặc không dám về trình diện. Để cho những người mất đất  tạm thỏa mãn, nhà nước ra quyết định ngày 6/5/1862 dành vùng đất giữa kinh Tàu Hũ,  rạch Ong Bé và rạch Ong Lớn cho những người bị mất đất phía Sài Gòn và khuyên những  người chủ đất ở vùng Rạch Ong nên khiếu nại trong vòng 30 ngày: những người mất đất ở  Sài Gòn lại trở thành kẻ thù của người mất đất ở Rạch Ong. Ngày 2/2/1863, để xẻ đường lộ  và phòng kinh đào ở vùng Sài Gòn, thực dân ra lịnh ai có mồ mả của thân nhân phải hốt cốt  trong vòng 15 ngày.
Phía Chí Hòa, Hòa Hưng, Phú Thọ xưa kia là làng xóm trù mật mà dân đã tản cư từ  khi Nguyễn Tri Phương cho đắp thành Chí Hòa (ăn từ Chí Hòa đến tận Bà Quẹo). Phần đất  này lại chia ra từng lô từ 20 mẫu đến 35 mẫu, bán hoặc cho mướn dài hạn, chỉ dành riêng  cho người Pháp mà thôi.
Vùng bên kia sông, thuộc Khánh Hội và Thủ Thiêm cũng phân lô, bán từ năm 1861.  Mấy chợ nhỏ ở mé sông Sài Gòn ngày xưa bị dẹp bỏ, dành cất phố xá và công sở. Quyết định  ngày 12/8/1864 cho phép cất một nhà chợ ở đầu cầu Ông Lãnh, công việc không trôi chảy như ý muốn, mãi đến tháng 6/1874 chợ này mới cất xong. Một số đất tốt được cấp vô điều  kiện cho thân hào nhân sĩ hữu công vào năm 1873 để cất nhà. Tháng 8/1880, cho đấu giá đất thổ cư Chợ Lớn và Bình Tây, đa số người mua được là Huê kiều và ấn kiều.
Thể thức mà người Pháp dùng bấy giờ là cho đấu thầu mọi dịch vụ, quan lại tha hồ  tham nhũng và thương gia giỏi chạy áp phe thì làm giàu nhanh chóng.
Thương gia Pháp và Đức kiều tha hồ làm mưa làm gió, nào là đấu giá xây cất đồn bót,  dinh thự ở Quy Nhơn, ở Bắc kỳ, Hải Phòng, cung cấp mùng mền cho bọn lính sơn đá, đèn  thắp ngoài đường, thức ăn cho lính, cho tù, cho bệnh viện, nhứt là cung cấp vôi, xi măng,  cây, ván, gạch. Người Trung Hoa nhiều thế lực nhứt là Wang Tai. Lại còn nhiều dịch vụ đấu  thầu khác mà người Trung Hoa chiếm ưu thế: khi chiếm ba tỉnh miền Tây vừa xong, công  ty Hoa kiều Ban Hop nắm độc quyền về bán á phiện ở ba tỉnh này (28/8/1867). Và số tiền kẽm thu thuế của dân cũng được Hoa kiều đấu giá mua lại: Công ty Tang Keng Sing và Ban Hop mua 90000 quan tiền kẽm ở kho bạc Sa Đéc (1868), mua luôn 120000 quan ở Mõ Cày, 25000 quan ở Mỹ Tho. Hoa chi góp chợ, bến đò ở Sài Gòn và các tỉnh thường lọt vào tay  người ấn.
Từ 1861, riêng vùng Chợ Lớn, Pháp cho đấu thầu hoa chi sòng bạc, quy định là mười  sòng, cuối năm ấy lại áp dụng cho vùng Sài Gòn, năm sau (1862) cho toàn ba tỉnh miền  Đông. Người Trung Hoa rành về tổ chức sòng bạc nên nắm độc quyền khai thác. Người  Trung Hoa được ưu đãi, vì đã giúp đắc lực để xuất cảng lúa gạo và phân phối các sản phẩm  nhập cảng. Không nên chê trách dân Nam kỳ thuở ấy không biết nắm độc quyền to lớn này,  ta nên thấy rõ vấn đề: người Trung Hoa đã tạo lập hệ thống buôn bán từ khi mới khẩn  hoang, lập chợ cù lao Phố, chợ Sài Gòn. Dầu cho người Việt muốn tranh thương thì cũng  chẳng tài nào làm nổi. Huê kiều ở Chợ Lớn dính líu với các nhóm tài phiệt ở Tân Gia Ba. Và những Huê kiều chuyên mua lúa gạo ở Tân Gia Ba đến Chợ Lớn lại được phép thành lập  một bang riêng, với ít nhiều tánh chất tự trị. Người Huê kiều có vốn lớn đem từ ngoại quốc  sang mà tung khắp hang cùng ngõ hẻm. Để cờ bạc, thưởng thức nhan sắc của ca nhi, họ  được phép thành lập nhà “xẹc” riêng để giải trí, bàn chuyện đầu cơ, chuyện lo hối lộ với bọn  Pháp hoặc là buôn lậu. Hàng chục nhà “xẹc” khác trở thành nơi tụ tập riêng của từng tổ  hợp: nào của người Phước Kiến, của Nhóm thương gia Huê kiều ở Tân Gia Ba, Thương gia  chuyên mua bán lúa gạo, Nhóm thương gia chuyên mua lúa gạo Quảng Đông, Thương gia  Huê kiều ở Chợ Lớn hoặc Thương gia Huê kiều ở Chợ Lớn thuộc quốc tịch Anh... Họ cất  chành trữ lúa, mỗi nhóm giữ quyền lợi riêng, hoặc lập nhà máy xay lúa, mua ghe chài.
Luật lệ về công thổ
Danh từ công thổ chỉ những loại đất còn hoang, hoặc có chủ khai khẩn rồi bỏ phế trở  thành vô thừa nhận. Ngày trước, đất là của Vua. Người Pháp đến, xác nhận ruộng đất là của Thuộc địa, mặc nhiên nhà nước làm chủ tất cả đất đai trong toàn cõi thuộc địa, muốn là sở hữu chủ phải có sự chấp nhận về mặt pháp lý của Thống đốc Nam kỳ, ở tỉnh thì chủ tỉnh  là người được ủy quyền của quan Thống đốc trong phạm vi nhỏ.
Nhiều nghị định liên tiếp ra đời rồi điều chỉnh lại vì sự thi hành không trôi chảy như ý. Đại khái, nghị định 30/3/1865 và 29/12/1871 định rằng nhà nước sẽ đo đạc, điều tra về đất đai để lần hồi cho dân khẩn. Những điền chủ cũ có ghi tên trong địa bộ hồi đời Tự Đức phải trình diện để khiếu nại trong vòng 3 tháng để từ ngày dán yết thị tại địa phương và  đăng trên Công báo, quá thời hạn trên thì đất ấy thuộc về nhà nước, xem là công thổ. Nhà  nước bán theo giá thuận mãi với giá là 10 quan mỗi mẫu tây. Riêng những ngừười hữu công  với nhà nước, đất có thể cấp không.
Người dính líu đến việc chống Pháp, trong điều kiện ấy làm sao dám trình diện? Một  số đất có chủ lại trở thành công thổ. Những người không dính dấp gì tới quốc sự cũng bị thiệt thòi quyền lợi, họ tiếp tục đệ đơn khiếu nại mặc dầu thời gian ba tháng niêm yết đã  trôi qua. Họ không biết chữ, hương chức làng lắm khi giấu giếm bảng yết thị đó để thủ lợi, hoặc người chủ đất tản cư qua vùng khác, khi hay biết thì về quá trễ (châu tri của Giám đốc  Nội vụ ngày 7/5/1879). Trong tờ phúc trình lên Hội đồng quản hạt đề ngày 11/10/1881 của  Giám đốc Nội vụ thì cách chức khẩn đất hiện hữu quá rắc rối. Trước kia, thời đàng cựu hễ  ghi tên vào bộ điền, đóng thuế là làm chủ đất. Theo luật mới, khi khẩn trưng 10 mẫu đất  xong, muốn làm chủ thiệt thọ thì phải mua với giá 10 quan mỗi mẫu và nộp bản đồ (gọi nôm  na là bông đồ) đo đạc chính xác theo phương pháp mới và được quan Thống đốc chuẩn phê.  Như vậy là bất lợi cho dân và cho nhà nước, nhà nước thiếu nhân viên chuyên về khám đạc  (gọi nôm na là họa đồ, kinh lý) để đi khắp các tỉnh các làng; tiền vốn vẽ bản đồ, tiền in tờ  bằng khoán lại cao hơn giá bán 10 quan mỗi mẫu. Nghị định năm 1878 cho phép dân khẩn  đất được miễn thuế bốn năm đầu tiên nên người nghèo vào đơn xin trưng khẩn quá nhiều.  Nay cứ đặt ra điều kiện dễ dãi, hễ ghi tên vào bộ điền, chịu đóng thuế là coi như đã làm  chủ, nhưng người khẩn đất chỉ được miễn thuế trong năm đầu mà thôi, năm sau phải đóng  đủ. Tờ phúc trình này cũng khuyến cáo các tham biện chủ tỉnh không nên cấp những lô đất  to hơn 20 mẫu, đề phòng nảy sinh ra giai cấp đại điền chủ.
Năm 1885, nhìn chung là ít ai chịu khẩn đất với diện tích rộng hơn 20 mẫu (đa số dân nghèo đều làm đơn xin trưng khẩn dưới 10 mẫu) vì sợ đóng thuế không nỗi. Kẻ nào xin  khẩn sở đất to là nhắm vào đất tốt để đầu cơ, bán lại. Từ năm 1882 đến 1885 số đất được  dân xin khẩn là 9055 mẫu.
Về công điền, tên tham biện Nicolai đã làm tờ phúc trình dứt khoát để tước đoạt không  cho hương chức làng hưởng quyền hạn rộng như xưa. Nicolai trình bày:
— Theo nghị định 29/10/1871 và 22/8/1882 hễ phần đất nào không ghi vào địa bộ với sở  hữu chủ rõ rệt thì phải theo quy chế đất công thổ. Trước khi người Pháp đến, hương chức  làng có quyền đối với đất hoang trong địa phận họ cai trị, quan Bố chánh chỉ can thiệp khi  đất ấy đã có người canh tác nhưng người ấy không đóng thuế hoặc đóng thuế ít so với diện  tích. Hương chức làng ngày xưa được quyền gọi dân tới khẩn, bắt buộc họ làm đơn, vẽ bản đồ sơ sài rồi chịu thuế.
Nicolai nhắc lại những nguyên tắc của nghị định 1871:
— Đất hoan, chưa vô bộ, chỉ có quan Thống đốc Nam kỳ mới được phép cho trưng khẩn,  bán hoặc đổi.
— Chỉ có tham biện chủ tỉnh, thừa ủy quyền của Thống đốc Nam kỳ mới được phép quy  định ranh giới công thổ.
— Đất nào có chủ thời đàng cựu, nhưng sau ba tháng truyền rao trên Công báo mà chủ  không nhìn nhận, hoặc thiếu bằng cớ cần trưng ra khi nhìn nhận, thì sẽ không được tranh  chấp nữa và trở thành công thổ. Tóm lại, công thổ (đất hoang, vô chủ trong địa phận mỗi  làng) không phải là đất của làng, dẫu là về mặt tinh thần, tượng trưng. Hương chức không  có quyền cấp đất hoang, hoặc cho dân tạm khẩn hoặc cày cấy tạm. Quyền ấy là của tham  biện chủ tỉnh, thay mặt cho nhà nước. Bấy lâu vì chưa hiểu nguyên tắc ấy, nhiều nơi hương  chức còn tự ý cấp đất hoang. Quan Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định 2/1/1892 để  ngăn cản tình trạng trên.
Với sự quy định ấy, thôn xóm chỉ còn tự trị về mặt hình thức mà thôi, vì trong thực  chất, hương chức làng chẳng còn quyền hạn gì đối với đất đai bỏ hoang cả. Ngay đến sở đất  gọi là công điền của làng, phải được nhà nước thừa nhận thì mới là hợp pháp.
Tình hình các tỉnh dưới mắt người Pháp
Tài liệu vào thời người Pháp mới đến tuy dồi dào nhưng phiến diện, chỉ là sự nhận xét  và báo cáo chủ quan của vài viên chức nặng óc thực dân. Xin lược kê đôi ba tài liệu, gọi là chỉ dẫn mà thôi:
— Báo cáo của Paul Vial, Giám đốc Nội vụ vào tháng 9/1865: tỉnh Mỹ Tho ở vào  ải địa đầu (Vĩnh Long, bấy giờ thuộc quyền triều đình Huế) chia ra bốn hạt tham biện, mỗi hạt do người Pháp trực tiếp trông coi, dân làng đã tự động chống quân làm loạn. Tháng rồi,  4 lãnh tụ trước kia theo Trương Định bị bắt và giết ở phía Gò Công, do người bổn xứ giết  (nên hiểu là bọn theo Pháp như lãnh binh Tấn).
So với năm rồi, diện tích làm ruộng tăng thêm 50 phần trăm. Dân ở Sài Gòn và Biên  Hòa tăng thêm, đó là dân hồi cư. Tỉnh Biên Hòa được khả quan từ khi lập đồn Bảo Chánh,  một số dân miền Thượng giúp đỡ Pháp để chận loạn quân từ Bình Thuận đột nhập. Người  Thượng theo Pháp vì dư đảng của Trương Định đối xử vụng về với họ.
Tỉnh Sài Gòn (Gia Định) không còn loạn quân nhưng bọn cướp còn đánh phá ghe  thuyền di chuyển lẻ tẻ. Có chừng 20000 ghe thuyền lớn nhỏ chở chuyên hàng hóa, phân nửa số này di chuyển thường trực. Vial đề nghị cho tàu máy đi tuần theo sông rạch, mỗi tàu chỉ cần 2 người Pháp, 6 tên lính mã tà là đủ. Trước kia, chợ quan trọng ở nơi xa, nước cạn, vì  vậy bọn giặc Tàu Ô khó khuấy rối, bây giờ cũng vì nước cạn mà tàu máy khó tới (phải chăng  muốn ám chỉ vùng Ba Cụm lừng danh). Gần sông Vàm Cỏ (có lẽ Vàm Cỏ Tây) còn một nhóm  7 người Tagal và một số loạn quân ẩn náu, trước sau gì chúng cũng bị dẹp (đây là lính Tagal  từ Phi Luật Tân qua đánh ta lúc trước). Vial nhận định rằng quan lại thời đàng cựu hống  hách với dân ; nạn nhân của chế độ cũ là những điền chủ và thương gia giàu có. Hai hạng  này được Pháp chú ý trọng dụng. Vial khen ngợi họ hăng hái hoạt động và có óc thực tế, họ  sẽ giúp người Pháp thâu phục nhân tâm.
á phiện đem cho nhà nước hoa chi 1 200 000 quan mỗi năm. Vial cho rằng người bổn  xứ đã hút trước khi Pháp đến, á phiện không hại gì cả, nếu hút có độ lượng. Đề nghị nên  tiếp tục cho hút vì dân Trung Hoa hút khá nhiều nhưng vẫn giữ được đức tánh cố hữu là hăng hái, siêng năng.
Hoa chi sòng bạc thâu được 400 000 quan vào năm rồi nhưng gây xáo trộn ở làng xóm.  Hương chức làng vì mê cờ bạc nên ăn cắp công quỹ và ăn hối lộ. Nông phu đánh bài, trẻ con  cũng vậy, sanh nạn trộm cắp. Đề nghị dẹp hoa chi cờ bạc, nếu cần thì chỉ cho phép mở sòng  bạc tại Sài Gòn mà thôi.
Về thuế bến thì tàu Pháp và tàu Tây Ban Nha hưởng ưu tiên khỏi đóng. Đề nghị nên  bỏ thuế này cho tàu buôn bán các nước khác, để thương cảnh thêm tấp nập.
Gạo tăng giá 5 lần lúc hơn trước, nhờ xuất cảng được.
Ruộng làm nhiều vì lúa bán cao giá. Ruộng canh tác lậu thuế quá nhiều, có đến phân nửa diện tích trốn thuế. Vài năm nữa, nếu đo đạc xong, thuế điền sẽ thâu được gần bằng hai  mà khỏi cần tăng giá biểu thuế. Vial cho rằng giá biểu thuế điền còn quá thấp.
Số dân công làm xâu trị giá 1 triệu quan mỗi năm. Với số bạc mặt tương đương, chưa  chắc mướn được nhân công để đào kinh, đắp lộ như người Pháp đã làm (đây là việc cưỡng  bách làm xâu thời đàng cựu mà người Pháp duy trì).
Giá đường, non 1 quan 1 kí lô. Dầu phộng, 60 quan 1 tạ dầu, dầu dừa 8 quan 10 lít,  cau khô bán qua Trung Hoa (?) từ 60 đến 80 quan mỗi tạ...
Điền chủ bổn xứ cho tá điền vay ăn lời từ 5 đến 10 phân mỗi tháng, tá điền phải chịu  điều kiện là dùng hoa màu thu hoạc được để thế chân. Thông lệ là tháng 7 dương lịch năm  tới là trả điền vay, tới tháng 1 dương lịch năm tới là trả gấp đôi. Vial nhận xét thêm về mức sống và trình độ văn minh của dân Nam kỳ: khá cao, sang trọng, mỗi chợ đều có đủ thứ  nghề, nào là dệt chiếu, nào trại mộc, lò đặt rượu, nhà dệt, lò nhuộm. Trại hòm hoạt động  mạnh, hòm (quan tài) hạng thường nbán 30 quan, mỗi năm sản xuất từ 20 đến 20 ngàn cái tức là trong 3 tỉnh miền đông Nam kỳ xài 1 000 000 quan về hòm, người Việt chú trọng đến  cái hòm của mình từ khi còn sống.
Về tiền tệ, Vial nêu vài chi tiết đáng chú ý:
Một quan tiền kẽm gồm 600 đồng, ăn 1 quan tiền Pháp.
Một quan tiền kẽm đời các vua sau này cân nặng từ 1 kí lô 10 đến 1 kí lô 1, trong khi tiền kẽm đời Gia Long cân nặng hơn: từ 1 kí lô 20 đến 1 kí lô 25. Trong quan tiền kẽm  thông dụng, có khoảng 5/7 là tiền đời Gia Long.
Bạc nén, mỗi nén nặng 374 g (10 lượng) nhà nước nhận khi thâu thuế với giá là 74  quan 61, nhưng bạc nén đem ra chợ đổi được từ 95 đến 100 quan tiền ta, hoặc từ 16 đến 20  đồng bạc con ó.
Một nén vàng, mà Vial cho là ít khi thấy xài, cân nặng khoảng 336 g, dân xài với giá từ 1400 đến 1500 quan, kho bạc nhà nước nhận xài với giá chính thức là 1050 quan.
Đồng bạc con ó lúc đầu khó xài trong dân gian, một đồng con ó đổi 3 quan mà thôi, phổ  biến rất chậm. ở thôn quê chưa thấy xài. Thời ấy vì xài nhiều thứ tiền khác nhau nên có  nạn đầu cơ tùy theo mùa, có thể đem lợi cho bọn người chuyên đổi tiền.
— Báo cáo của Paul Vial ngày 17/9/1867: giúp thấy sơ qua tình hình 3 tỉnh miền  tây vừa bị Pháp chiếm từ 20/6 tức là non 3 tháng trước. Mục đích của viên Giám đốc Nội vụ này là tìm hiểu nguyện vọng, giải thích cho dân hiểu thiện chí của người Pháp. Mặt khác,  thử nghiên cứu cách thức thâu thuế điền bằng tiền mặt, thay vì thâu bằng lúa như thời  đàng cựu.
Theo Vial, lúc trước ở 3 tỉnh miền Tây có từ 4 đến 5000 lính đàng cựu, nay chỉ cần  tuyển chọn 900 người là đủ dùng vào việc trị an (bớt tốn công quỹ để nuôi lính). Nên tuyển chọn lính mã tà trong gia đình dân có bộ (khá giả), được bảo đảm hơn là lựa trong đám lưu  dân. Vial xuống tàu ngày 31/8/1867 (từ Mỹ Tho) với 25 lính mã tà từ Gò Công gởi qua tăng  cường cho Trà Vinh, trước đó có 50 lính mã tà đã đến Trà Vinh rồi. Tới Bến Tre, Vial còn  thấy di tích của dinh phủ Hoằng Trị thời đàng cựu đã bị bắn sập từ 1862, quan tham biện làm việc trong căn nhà lá, tiếp tay với tham biện là hai quan huyện: một là cựu cai tổng ở  Gò Vấp, một là tay phú hộ ở Gò Công. Tham biện Bến Tre lúc bấy giờ là Champeaux. Theo ý kiến Champeaux thì dân Bến Tre sẵn sàng đóng thuế bằng tiền. Champeaux thắc mắc về sự hiện diện của một số quan lại cựu trào đang cư ngụ dưỡng già tại Bến Tre, xem như là những phần tử có hại cho an ninh (chắc ám chỉ những người ở Ba Tri như ông Đồ Chiểu?)  Tàu đến vàm rạch Cầu Ngang. Cách chỗ tàu đậu chừng 4000 thước, quân sĩ đang giao chiến  với loạn quân, lát sau, Pháp tái chiếm Cầu Ngang. Đêm đến, Vial ngủ tại Cầu Ngang, được  biết rằng tất cả dân làng đều theo bọn phiến loạn. Từ ngày 28/8, tại làng Tân Lập, dân nổi  loạn giết một thư kỳ và 3 lính mã tà. Một tốp Cao Miên chừng 200 người tới xin quy thuận  và điềm chỉ bọn cầm đầu phản loạn gồm chừng 54 tên nhưng bọn này đã trốn mất. Đến  Vĩnh Long, bấy giờ dân đang còn lo sợ, chợ Vĩnh Long có đường sá lót bằng gạch vụn. Chợ  Sa Đéc rộng rãi và náo nhiệt. Viên tham biện Sa Đéc mách cho Vial biết: huyện Phong Phú  (Ô Môn, Cần Thơ) ở quá xa, cần lập tại đó một hạt tham biện. Phong Phú là vùng giàu có  nhưng chưa kiểm soát được. Vial đi từ Sa Đéc qua Rạch Giá theo rạch Lấp Vò, ở chặng đầu,  thấy dân đông, sung túc. Ra Hậu giang, đến Đông Xuyên (tức là Long Xuyên ngày nay),  thấy cù lao trên sông có nhiều rẫy mía khá tốt. Vial tiếp tục hành trình qua Rạch Giá theo  kinh Núi Sập (Thoại Hà), kinh nhiều cỏ, tàu khó chạy vì chân vịt tàu thường bị vướng, muỗi  quá nhiều, không thấy nhà cửa ở hai bờ kinh. Sáng ngày 9/9 đến Rạch Giá, khúc gần chợ, bề  ngang rạch chừng 30 đến 40 thước, hai bên đầy nhà cửa và ghe xuồng. Nước chảy mạnh, tại  vàm biển ngoài những ghe cỡ nhỏ còn có một chiếc goélette (Vial muốn nói loại tàu buồm  Hải Nam?) trọng tải chừng 80 tonneaux của người Tàu ở Kampot đến đậu từ 3, 4 tháng rồi, chờ khi thuận gió sẽ rời bến.
Vàm Rạch Giá cạn, vì vậy đã cho cắm mấy hàng nọc dài ra biển để hướng dẫn cho tàu  khỏi rướn lên bãi bùn. Quân sĩ và tham biện Rạch Giá ngụ trong đồn cũ thời cựu trào, tu bổ  khéo léo, mỗi góc đồn chừng 80 mét (đồn này không đầy một năm sau là bị Nguyễn Trung  Trực đốt rụi). Tư thất tham biện lợp lá, còn tốt. Dinh tham biện ở hữu ngạn Rạch Giá, trên  giồng cao, nhiều cát, gần đấy có xóm nhà và vườn cây ăn trái. Thời cựu trào, người Tàu ở  đây có quyền hạn nhiều (ít nhiều tự trị) phỏng định chừng 800 người, khó tin cậy, đề nghị  tăng cường cho Rạch Giá vài người lính Pháp.
Mấy ông cai tổng ở Cà Mau (bấy giờ, Cà Mau thuộc về hạt tham biện Rạch Giá) đang  gom mấy khẩu thần công thời cựu trào đem về đồn. Tại Cà Mau, có 20 lính mã tà nhưng xin  thêm 120 lính nữa để tăng cường. Hạt Rạch Giá ruộng ít, dân ít, nếu bắt thêm 100 lính thì dân chịu không kham, không như ở Sa Đéc và Vĩnh Long nơi dân đông hơn. Người Cao  Miên ở Rạch Giá đông gần bằng người Việt Nam, có nuôi bò nhưng không phải nuôi để ăn  thịt. Vial muốn cho lính và viên chức Pháp ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá được  ăn thịt bò đầy đủ.
Trở về Đông Xuyên (Long Xuyên) để xuồng Ba Xuyên, từ vàm rạch Ba Xuyên đến chợ  Sóc Trăng tốn 10 giờ vì nước cạn. Tàu chạy được một khoảng, khoảng còn lại phải đi ghe.  Trên đường tới Sóc Trăng có nhà thờ Công giáo nhỏ, chợ Sóc Trăng nhiều gạo, gạo ngon và  bán thật rẻ, nhiều ghe từ Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho, Chợ Lớn đến mua. Lính mã tà ở Sóc Trăng gồm một số ở Hóc Môn đổi tới nên khi gặp ông phủ Trần Tử Ca (cùng đi với Vial) thì  họ quá mừng, họ nhớ nhà, tới đây 25 người, đã chết 3 người. Sáu năm về trước, người Miên  Sóc Trăng đã nổi loạn chống cựu trào, từ đó về sau họ thù hằn người Việt. Ông phủ U là  người Miên hợp tác với Pháp. Lúc ở Sóc Trăng, Vial được tin gởi về cho biết lính mã tà ở Cà Mau vừa bắt được bá hộ Chương, người cầm đầu phản loạn bấy lâu. Chuyến về, Vial được  phủ Trực cho biết: có con rạch đi tắt từ Mỹ Tho đến Trà Vinh, đó là rạch Lách Cần Thay (nay là Chợ Lách). Vial cho biết: các tham biện mà ông ta gặp đều đồng ý là nên giải tán  hẳn các đồn điền đàng cựu, đất ruộng thì giao trả lại cho làng cũ vì đa số dân đồn điền theo  phe làm loạn trong thời gian qua. ở tỉnh Sài Gòn (Gia Định), việc giải tán đồn điền đã thi hành có kết quả từ 1861.
Hình ảnh miền quê dưới mắt một người Việt
Năm 1894 ông Dương Tế Mỹ làm chức kinh lịch (lettré, một chức vụ khong quan trọng  chuyên phiên dịch những giấy tờ chữ Nôm, chữ Nho ra quốc ngữ) gởi về Nam kỳ Soái phủ  một tờ trình, góp vài ý kiến để cải cách xã hội, đề tháng 10/1894. Bấy giờ, Dương Tế Mỹ đã  nghỉ việc, cư ngụ tại làng Minh Đức, tỉnh Trà Vinh. Xem qua, ta hiểu phần nào bộ mặt của miền quê hồi cuối thế kỷ 19. ý kiến của ông Mỹ có thể tóm tắt như sau:
— Nạn đánh me lan tràn, người Huê kiều làm chủ sòng mà thủ lợi, việc đánh me được  nhà nước hợp thức hóa để thâu hoa chi. Vì cờ bạc mà sanh nạn trộm cắp, con nít 12 tuổi  cũng biết đánh me. Đề nghị nhà nước ta nên kiểm soát nghề nghiệp và lý lịch của dân cho  kỹ hơn.
— Bọn làm bồi cho Tây sống lưu động, là bọn du đảng nguy hiểm. Nên nhốt bọn chúng
— Nên mở mang tiểu công nghệ cho dân có thêm công ăn việc làm, nên phát triển trồng  bông vải.
— Yêu cầu nhà nước đừng đánh thuế rượu đế (rượu nếp nấu theo phương pháp cổ  truyền). Người Tàu chịu đóng thuế, đặt rượu nếp bán lại cho dân, mấy nhà máy rượu ấy bỏ hèm: hèm là thứ mà dân ta dùng nuôi heo rất tốt. Để bù vào thuế rượu, nhà nước có thể  tăng thuế thân hoặc thuế điền. Hồi đàng cựu, ai muốn nấu rượu thì cứ tha hồ, nhờ đó mà  dân nhậu thưởng thức nhiều thứ rượu nếp với hương vị độc đáo khác nhau, chẳng khác nào  rượu nho bên Pháp gồm nhiều loại. Người Hoa kiều nắm độc quyền lập nhà máy đặt rượu  nên dân chỉ thưởng thức có một thứ rượu mà thôi. Hễ được tự do đặt rượu dân có thể tìm  thứ rượu ngon theo sở thích mà uống. Nếu nhà nước bỏ thuế rượu, sẽ có chừng 15 phần  trăm dân chúng được nhờ, họ xay nếp đặt rượu bán, lấy hèm để nuôi thêm heo; do đó, giá  thịt heo sẽ rẻ.
— Có đến 3/4 dân chúng mang tật cờ bạc.
— Mấy ông cai tổng ở Trà Vinh đã thật sự trở thành tai họa lớn cho dân. Mỗi lần bầu cử  cai tổng, nhiều người dám tốn 1000 hoặc 2000 đồng để lo hối lộ với quan trên hoặc bày tiệc mua chuộc cảm tình trước. Tuy tốn kém lớn nhưng trong năm đầu tiên, các ông lấy được vốn  và thêm lời, tiền thâu vô phỏng định từ 2500 đến 3000 đồng với chi tiết như sau:
° Nhận lễ vật của dân và của làng vào dịp Tết: 120 đồng.
° Nhận lễ vật của dân vào ngày mùng 5 tháng 5: 120 đồng.
° Nhận của hương chức làng, mỗi tháng khi hương chức đến hầu là 80 đồng.
° Nhận hối lộ của hương chức khi làng lập bộ thuế đinh và thuế điền, khai thêm khai bớt cho nhẹ thuế: 300 đồng.
° Cho chứa cờ bạc, mỗi tháng thâu 50 đồng.
° Én hối lộ rải rác khi đi thăm các làng: 200 đồng.
° Bắt dân làm công nhựt, tức là làm xâu cho cá nhân: làm ruộng, phát cỏ vườn, đào  mương vườn, chèo ghe thí công.
° Én hối lộ khi xử kiện, 700 đồng một năm. Ai lo tiền nhiều là thắng kiện.
° Chứa chấp bọn ăn trộm, chia tiền bạc với chúng.
° Cướp đoạt ruộng đất của dân để cho mướn lại.
lại.
° Ai muốn làm đám giỗ phải làm đơn, muốn được phép phải lo tiền.
° Bọn tay sai của cai tổng (biện, người chạy giấy) tha hồ tống tiền hương chức, hưởng  huê hồng riêng là 17 phần trăm. Bọn này trở nên giàu có.
° Vài viên cai tổng có từ 10 đến 15 bà vợ, tất cả đều do các ông trợ cấp.
° Cai tổng thường lạm quyền, khám xét thơ từ của dân hoặc tờ trát của quan trên gởi  về làng.
— Đề nghị cho các ông cai tổng đổi vùng để bớt những tệ đoan nói trên...
Mười phần thế nào cũng có tám chín hoặc hơn nữa. Đây là tiếng nói của một viên chức  thân Pháp, tuy còn máu phong kiến nhưng bất mãn, vì thực dân đã tỏ ra “phong kiến hơn  phong kiến” với hình thức giả hiệu tự do, bình đẳng, bác ái. Đáng chú ý là chuyện cướp đoạt  ruộng đất.
Trường hợp một vụ người Việt cướp đất của người Việt
Tài liệu rút từ bản báo cáo của đốc phủ sứ Trần Tử Ca, đề ngày 29/11/1869 (hai năm  sau khi mất ba tỉnh miền Tây), xảy ra ở tỉnh Vĩnh Long. Phủ Ca là người tận tụy với người  Pháp, về sau bị giết ở Hóc Môn, ấy thế mà vẫn bất bình và can thiệp không được. Người bị  tố cáo là cai tổng Nguyễn Văn Dõng thuộc tổng Bình Chánh, huyện Vĩnh Trị, tỉnh Vĩnh  Long (Vũng Liêm), năm trước loạn quân còn hăng hái hoạt động. Phủ Trực được thực dân  tinh cậy giao cho huyện này.
Tổng Dõng xin với phủ Trực cho mộ 30 người để làm lính giữ trật tự trong vùng, nhưng  lại dùng số người này để phục dịch việc riêng tư.
Bấy giờ phủ Trực cho khai con kinh tại Bưng Trường, hai bên bờ đất tốt, phát cỏ rồi  cấy là xong, khỏi cày. Phủ Trực truyền cho dân lậu ở các làng cứ đến đó mà khẩn đất, sau  ba năm thì nộp thuế, lập làng mới, giống như thời đàng cựu. Dân lậu kéo đến làm ruộng,  lập được 3 tổng, tính hơn 20 làng (mỗi làng 10 tên dân, khẩn ruộng 20 mẫu). Một số dân  khác cũng tới con kinh này vì đất ở quê quán quá xấu, họ làm ruộng thêm, lấy huê lợi đem  về đóng thuế ruộng ở quê quán.
Vì là cơ hội để khẩn đất nên số lính mà tổng Dõng đã mộ trước kia bèn trốn tới kinh  này làm ruộng, gia nhập vào các làng mới lập. Tổng Dõng kêu nài, phủ Trực lần sau chỉ cấp  cho 5 người tùng giả, do dân làng nạp (tùng giả là người sai vặt, cận vệ của cai tổng hoặc hương chức làng, theo quy chế xưa, có ăn lương tượng trưng).
Tổng Dõng quá khôn, nhân cơ hội này làm đơn đến tham biện chủ tỉnh, xin khẩn riêng  đất hoang 20 mẫu (tức là diện tích quy định cho một làng), phần đất này giáp Bình Thắng  thôn (Đông), Bình Thọ thôn (Tây), Thạnh Mỹ thôn (Nam), Long Khánh thôn (Bắc). Đơn  được chấp thuận, phủ Trực đã chỉ rõ ranh giới phần đất như trên cho tổng Dõng biết.
Vì mẹ chết nên phủ Trực nghỉ phép ba tháng, thừa cơ hội ấy, tổng Dõng trở thành vua một cõi, từ sở đất vừa được phép khai khẩn ông ta lấn ranh qua thôn Bình Thắng phía Đông, lấn 150 mẫu dành cho bà con bên vợ làm.
Tổng Dõng bèn dâng đơn lên quan phó tham biện mà tố cáo: Vì có đào kinh mới nên  dân đã bỏ làng do ông vừa lập mà đi, xin quan trên ra lịnh cho dân trở về làng cũ. Quan phó  tham biện chấp thuận và cho Dõng một tờ trát để đuổi dân. Dân mới làm ruộng đang lúc bắt mạ (gieo mạ) nên do dự, không chịu về, Dõng bắt họ mà đóng trăng (một thứ gông làm  bằng ván khoét) và đánh đập.
Đỗ Hữu Phương (sau này là tổng đốc Phương) bấy giờ là đốc phủ sứ ở tại chợ Vĩnh  Long lo việc dẹp loạn, bèn thâu lại lịnh đuổi ấy giao cho phủ Trực vừa mãn thời gian nghỉ phép, trở lại nhiệm sở. Bấy giờ dân làng Bình Thắng giáp ranh đất của Dõng lại đâm đơn tố  cáo Dõng về tội lấn đất làng họ. Phủ Trực đòi Dõng tới, nhưng Dõng lánh mặt rồi đi thẳng  lên tỉnh mà tố cáo phủ Trực với phó tham biện.
Trở về, tổng Dõng khoe với dân rằng phó tham biện dạy làng Bình Thắng phải thường  cho ông ta mỗi công đất là 8 giạ lúa và 8 quan tiền; ruộng 1638 công (tức là non 150 mẫu  mà Dõng đã lấn ranh) bồi thường với giá 10944 quan, năm sau đất tốt hơn, phải bồi thường  đến 13680 quan.
Bấy giờ (có lẽ phủ Trực làm hậu thuẫn bên trong vì khi cho đào kinh, ông ta đã có tham vọng chiếm đất), dân làng Bình Thắng tố cáo Dõng 13 khoản, làng Long Hội tố cáo 27 khoảng, làng An Hội tố cáo 21 khoản. Quan tham biện giao cho phủ Ca xét xử. Phủ Ca đến  huyện Vĩnh Trị, hai làng khác tố cáo thêm. Và khi đến làng Bình Thắng lại nhận đơn tố cáo  khác. Tổng Dõng không chịu đến để giáp mặt với làng. Phủ Ca đành đến Mân Thít (nguyên  văn ghi là Mơn Thích) gặp tổng Dõng.
Cuộc điều tra của phủ Ca cho thấy rõ tổng Dõng phạm vào các tội:
Chiếm làng Bình Thắng 150 mẫu, chiếm của làng Bình Thọ hơn 100 mẫu. Dõng còn  mượn tiền bạc, lúa gạo của làng và của dân 512 quan mà không trả. Nhưng tham biện Vĩnh  Long chỉ cho phép phủ Ca xử vụ chiếm đất làng Bình Thắng mà thôi, các khoản khác đều bỏ qua. Phủ Ca đề nghị tịch thâu cây súng riêng của Dõng, đày Dõng lên Sài Gòn hoặc Trảng  Bàng một năm “để sửa mình”. Phủ Ca cho biết thêm là Dõng lợi dụng những người “theo  nghịch” mà Dõng tha tội cho, sau khi thông dâm với mẹ của tội nhân, và bắt tội nhân làm  đày tớ riêng. Lại còn bắt dân làm đày tớ riêng cho vợ bé, bắt hương chức làng đóng thuế cho  phần đất của anh vợ. Ai muốn được cử hương thân, hương hào phải lo hối lộ mỗi người 5  quan, bằng không thì đánh 40 hoặc 50 roi, và nhiều khoản khác.
Sự việc kết thúc ra sao? Ai phải ai quấy? Điều chắc chắn là bọn theo Pháp thời bấy  giờ giành giựt quyền lợi, ăn thua nhau và dựa vào những gốc to là bọn Pháp. Bọn Pháp sử  dụng dân bản xứ trong việc trừ nội loạn và đồng thời cũng thích ăn hối lộ. Chỉ tội cho người  dân chịu oan khổ, nào quan tây, quan ta, tốn công khẩn hoang ; luật lệ, nghị định của các  quan Thống đốc chỉ là hình thức.
Điển hình một vụ người Pháp lập tiểu quốc ở cù lao Năm Thôn:
công ty Taillefer
Trước khi chiếm ba tỉnh miền Tây, nhà nước đã kêu gọi người Pháp nên mua đất  ruộng vì là dịch vụ có lời nhanh chóng, thí dụ như ruộng ở làng Bình Lập (Tân An) vào 1865  mỗi mẫu (ha) đem lại lợi tức 140 quan mỗi năm, nhưng bán chỉ có 100 quan mỗi mẫu. Thực  dân tiên đoán: gạo xuất cảng dễ và cao giá nên nhứt định giá ruộng sẽ tăng lên. Khi trước  mỗi mẫu đem lại lợi tức từ 30 đến 40 quan, nhưng từ khi hương cảng Sài Gòn mở cho tàu  buôn ngoại quốc vào, giá gạo tăng gấp bốn lần hồi đàng cựu.
Một trong những người Pháp lạc quan, táo bạo nhứt trong vụ làm ăn về ruộng đất là Taillefer. Vốn là sĩ quan hải quân, từng tham gia chiến trận. Ông ta xin phép nghỉ không ăn lương, dành thời giờ mà khai thác nông nghiệp. Cha của Taillefer làm dân biểu bên  Pháp, nhà giàu, có vườn nho. Vào cuối 1864, Taillefer đệ trình với viên Tổng tham mưu  quân đội viễn chinh ở Sài Gòn một dự án. Bấy giờ là giai đoạn quân sự nên nhà binh nắm  rất nhiều quyền hạn. Taillefer muốn dẫn thủy nhập điền để làm ruộng mỗi năm hai mùa,  nhờ đó mà mức sản xuất lúa gạo sẽ tăng gấp đôi. Kinh Bảo Định (nối từ chợ Tân An đến chợ  Mỹ Tho, Vàm Cỏ Tây đến Tiền Giang) có thể chọn làm địa điểm, kế hoạch tiến hành như sau:
— Đắp đập chận hai đầu kinh này, lấy nước ngọt tát lên ruộng, dùng 3 máy chạy bằng  hơi nước (mỗi máy 50 mã lực); chạy mỗi ngày 12 giờ là tát được 486000 thước khối.
— Mỗi mẫu tây chỉ cần 1000 thước khối nước là đủ làm ruộng. Nếu trừ hao nước bốc hơi  là 10 phần trăm, cứ 10 ngày, máy chạy 1 lần là đủ. Ai có đất hai bên bờ kinh thì cứ đào  mương mà hứng nước vào ruộng, trả lại cho công ty mỗi mẫu và mỗi mùa lúa là 100 quan.
— Việc tát nước vào mùa nắng giúp mỗi năm làm được hai mùa, nước dưới rạch tát lên  có sẵn phù sa là thứ phân quá tốt, dân khỏi tốn tiền mua phân bón ruộng. Lần hồi sẽ khai thác thêm, áp dụng cách tát nước bằng máy này khắp cánh đồng bao la giữa Cao Miên và Sài Gòn!
Thoạt tiên, kế hoạch được chú ý, nhà cầm quyền nhờ các viên tham biện tìm thử ở  Trảng Bàng, Tây Ninh hoặc Mỹ Tho một sở đất liền lạc rộng khoảng 1000 mẫu để thực thi, nhưng tìm không ra.
Kế hoạch đẹp đẽ trên giấy tờ bị dẹp qua. Nhưng Taillefer không thối chí. Khoảng 1866,  lại lập một công ty lấy tên là công ty Trồng Tỉa và Dẫn Thủy ở Nam kỳ, hoạt động chừng 5 năm là phá sản luôn, gây bao nhiêu thắc mắc cho nhà nước. Taillefer muốn lập một tiểu  quốc ở cù lao Năm Thôn (Mỹ Tho) trên Tiền giang mà ông ta chiếm trọn, (ngoài ra, còn  khẩn đất ở Tân An 189 mẫu đất, lập một đồn điền khác).
Đất ở Tân An và ở cù lao Năm Thôn mà Taillefer trưng khẩn không phải là đất hoang,  nhưng là giựt của dân.
Vốn của công ty là 300 000 quan.
Cù lao Năm Thôn là vùng trù phú nhứt nhì của sông Tiền giang, khai khẩn từ hồi  chúa Nguyễn, nổi danh nhờ huê lợi ruộng, trồng cau dừa, trồng dâu nuôi tằm. Trước khi  thực dân đến, đã lập xong 5 thôn (vì vậy mà gọi là Năm Thôn). Cù lao bỏ hoang vì dân chạy  giặc (nên nhớ đây là vùng sát bên Cái Bè, nơi Tổng đốc Lộc trấn đóng). Mãi đến 6 năm sau,  chỉ có 8 gia đình trở về xin lãnh phần đất mà trước kia họ làm chủ, viên tham biện cho  phép. Số đất được dân nhìn nhận trở lại có 36 mẫu mà thôi.
Taillefer đến, thoạt tiên trưng khẩn một lô 300 mẫu tây, nhà nước cấp cho bằng khoán.  Rồi xin khẩn trọn cù lao nhưng nhà nước đưa ra giá quá cao nên việc không xong. Khi làm  bá chủ phần lớn cù lau này (trong thực tế là chiếm trọn), Taillefer đến gặp số người đã hồi cư, họ hứa sẵn sàng bán đất cho y (36 mẫu vừa kể trên) sau khi họ có bằng khoán. Tạm  thời, họ sẵn sàng mượn tiền của công ty để làm ăn. Lẽ dĩ nhiên công ty hài lòng, muốn làm  ruộng mà thiếu dân thì sao thực hiện được. Điều đáng chú ý là trước khi cấp cho Taillefer lô  đất to này, nhà nước đã niêm yết suốt ba tháng trong tỉnh Mỹ Tho nhưng mấy người chủ  đất cũ chẳng ai ra tranh cản (không dám tranh cản thì đúng hơn).
Taillefer trở nên hống hách, công khai tuyên bố rằng cù lao này thuộc trọn quyền sở  hữu của y, dân ở trên cù lao bị đối xử như tá điền, như cu—li. Lại còn quả quyết rằng nhà nước không được quyền lập lại làng xóm như thời đàng cựu, vì lập làng là phải bớt ra mộ số đất để làm công điền.
Việc bóc lột bắt đầu. Trước tiên, lập một nhà máy xay lúa. Để có đủ lúa cung cấp cho  nhà máy hoạt động, y bèn mua lúa đứng (lúc lúa gần chín) của dân trên cù lao, với giá rẻ. Đây là hình thức cho vay gọi là “cho bạc lúa”. Lại còn cho vay bạc ăn lời với tỷ lệ lời cao, không thua mấy ông điền chủ thời đàng cựu (50 phân một năm). Và cho vay cắt cổ: một  người nọ vay nợ 250 quan, phải trả vốn và lời trong 5 tháng với tiền lời 50 phần trăm. Đồng  thời con nợ phải ký giấy để cố miếng đất trị giá 1000 quan, không trả được số bạc nói trên  thì phải chịu mất đất.
Taillefer còn mơ ước viễn vông là loại bỏ trung gian Huê kiều trong việc mua lúa. Y cho  người đem tiền đến các chợ phụ cận mua lúa về, với triển vọng là sẽ mua ghe chài mà chở  lên Sài Gòn, bán thẳng ra ngoại quốc sau khi xay tại cù lao. Từ cù lao Năm Thôn, y dòm ngó  qua Sóc Trăng, toan cạnh tranh mua lúa ở Hậu giang và lập chành trữ lúa, lại yêu cầu quan tham biện Sóc Trăng cho bắt dân địa phương làm xâu để cất chành lúa tại chỗ thí công cho  y, nhưng đơn bị bác bỏ.
Y nhập cảng thẳng từ bên Pháp một số nồi niêu, soong chảo, vải bô, khăn mu soa, luôn cả rượu chát (do gia đình bên Pháp sản xuất) để bắt buộc dân trong cù lao mua lại hoặc đổi lúa mà họ canh tác được. Đây là bắt chước người Hoa kiều dùng hàng hóa đổi lúa, nhưng  hàng hóa của y đổi lại không có giá trị thực tiễn đối với dân.
Thấy việc làm ruộng không được khả quan như dự định, bèn đặt kế hoạch trồng cây va—ni để chế bột thơm gia vị, trồng bông vải, trồng dâu nuôi tằm, trồng mía.
Hằng ngày, áp dụng chế độ cai trị riêng: sáng và chiều, cho đánh trống, các gia trưởng  trong đám tá điền phải tập họp để điểm danh, như ở trại lính. Dân trên cù lao chỉ phải đóng  địa tô cho y và khỏi đóng thuế cho bất cứ ai cả. Khi gặp chuyện thắc mắc, y viết giấy đòi dân  tới văn phòng mà khoát nạt, tự xưng là “ông quan ba”, ai làm sái quấy cứ phạt tiền và phạt  vài chục roi, như quan thời đàng cựu.
Đến năm 1868, theo lời y, dân thêm đông đảo, già trẻ bé lớn chừng 1200 người. Y cho  lập hai làng, canh tác chừng 250 mẫu, những làng này không được quyền có đất công điền.
Nhưng việc gì phải đến lại đến. Vào năm 1868, mùa màng thất bát, đa số dân trên cù  lao trốn qua đất liền mà ở để giựt nợ; những người lãnh tiền để mua lúa cung cấp cho nhà máy xay cũng biệt tích.
Y làm đơn thưa với tham biện và tòa án Mỹ Tho, nhờ xét xử bọn giựt nợ và bọn không  chịu đong lúa ruộng. Trong thời gian khai thác cù lao, y tỏ ra hách dịch, khinh thường bọn  quan lại người Pháp ở địa phương nên đây là dịp tốt để họ trả thù: những con nợ đều được  xử trắng án, vì y đã ăn lời quá cao hơn luật định. Y làm đơn thưa với Thống đốc Nam kỳ,  nhưng viên chức đi điều tra bèn tố cáo ngược lại. Y tự biện hộ rằng cho vay nặng lời là để bù  trừ những vụ giựt nợ. Y ăn hiền ở lành, vì nếu ác độc thì đã bị dân nổi loạn giết rồi! Y khoe  khoang đã phát thuốc thí, giúp dân chúng bớt bịnh hoạn. Theo y, phải dùng biện pháp mạnh đối với dân bổn xứ vì họ là bất hảo.
Sau cuộc điều tra, nhà cầm quyền cho phép lập trở lại trên cù lao 5 làng như trước, với  công điền. Taillefer nổi giận cho rằng người “An Nam” nhờ y giúp đỡ lập nghiệp, nay lại  muốn đuổi y ra khỏi cù lao thay vì mang ơn.
Rốt cuộc công ty phá sản, vì nhà nước thực dân không muốn dung túng trường hợp lập tiểu quốc mà tư nhân kinh doanh nắm trọn quyền về quân sự, hành chánh và tư pháp. Về  nhân tâm, chính Taillefer cũng nhìn nhận là có một số tá điền giựt nợ rồi trốn đi làm ăn cướp hoặc theo phiến loạn.
Người vui mừng nhứt khi thấy công ty phá sản là tổng đốc Lộc. Lộc thèm thuồng cù lao  phì nhiêu này từ lâu nhưng không dám tranh giành. Lộc liền mua đấu giá phần đất của  Taillefer khẩn (dân ở cù lao thời đàng cựu phải chịu mất đất luôn). Lộc chết, giao lại cho con  là Trần Bá Thọ, và Thọ lại tự tử vì khai thác lỗ lã lúc sau này trên cù lao.