Chương 2 - 2
Khái quát về việc khai khẩn thời Pháp thuộc ở Nam kỳ

Sau đây vài con số, gọi là để chỉ dẫn lúc người Pháp cai trị đến cuối năm 1929, rút  phần lớn từ tài liệu do viên chức Pháp soạn ra. Lúc bấy giờ, việc thống kê đã tương đối  chính xác, ranh giới các tỉnh đã cố định, chỉ trừ giai đoạn sơ khởi. Tuy nhiên, có nhiều việc  ghi trên giấy tờ, trên nghị định nhưng không áp dụng đúng mức hoặc bị méo mó (trường  hợp những nghị định cho khẩn đất, trường hợp Nhà Băng Canh nông cho vay), hoặc những  báo cáo chánh thức căn cứ vào tài liệu do hương chức thời xưa sưu tầm về dân số, sản lượng.
— Dân số vào năm 1873: 1 500 000 người.
Đất đã khai thác: 600.000 mẫu tây làm ruộng và 90.000 mẫu tây vườn tược, hoa màu  phụ (dừa, cau, thuốc, mía, bắp...)
— Dân số vào năm 1929: 4.500.000 người (tăng gấp ba lần).
Đất đã khai thác: 2.440.000 mẫu tây làm ruộng và 170.000 mẫu trồng bắp, mía, dừa, thuốc, đậu... (trong số này kể luôn 87.000 mẫu trồng cây cao su). Ngoài ra, còn vườn cây ăn  trái từ 12.000 đến 15.000 mẫu.
Như vậy riêng về ruộng nương, diện tích tăng gấp 4 lần, sau khoảng 60 năm thực dân  cai trị.
— Đường giao thông vào năm 1929:
Quốc lộ (gọi là lộ Đông Dương): 1.013 km
Liên tỉnh lộ: 1.083 km
Tỉnh lộ 1.728 km
Tổng cộng: 3.824 km, ngoài ra còn 3.243 km hương lộ xấu và nhỏ, lắm khi mùa mưa  không dùng được.
— Kinh đào (kinh xáng múc hoặc đào tay): 1.664 km
Miền Đông Nam kỳ đất cao, nhiều rừng, là khu vực đa canh. Miền Tây Nam là khu  vực độc canh.
Đất miền Đông đại khái chia ra 150.000 mẫu làm ruộng, hơn 80.000 mẫu trồng cao su,  7.5000 mẫu trồng mía, 800 mẫu vườn tược, đậu, thuốc (trong tỉnh Gia Định), 600 mẫu trồng  gòn ở Thủ Dầu Một, 450 mẫu trồng cà phê (trong đó 300 mẫu ở Thủ Dầu Một), lại còn vài  vườn tiêu ở Bà Rịa.
Đất miền Tây Nam dành ưu tiên cho ruộng lúa, chiếm khoảng 2.400.000 mẫu trong  tổng số đất có trồng tỉa của miền này là 2.460.000 mẫu, tức là 97 % diện tích trồng trọt,  ngoài ra nên kể thêm khoảng 20.000 mẫu vườn cây ăn trái.
Ruộng lúa miền Tây Nam đứng hàng đầu, chiếm 92 % diện tích trồng tỉa của Nam kỳ,  và là 37 % diện tích của toàn lãnh thổ Nam kỳ. Mức sản xuất ước định như sau:
Mùa 1924—1925: 22.270.000 quintaux
Mùa 1925—1246: 19.900.000
Mùa 1926—1927:
Mùa 1927—1928: 28.239.500
Mùa 1928—1929: 21.500.000
Tính đổ đồng, mỗi người ăn từ 175 đến 219 kg mỗi năm, ngoài ra còn dùng để nấu  rượu, nuôi gia súc. Số dư đem xuất cảng. Lúc trước Miến Điện là nước xuất cảng lúa đứng  đầu thế giới nhưng từ năm 1925, Nam kỳ lại dẫn đầu. Gạo Nam kỳ kém phẩm chất hơn gạo  Miến Điện vì quá nát, nhiều tấm.
Về cao su, tuy phát triển mạnh nhưng chỉ có 1,9 % của tổng số sản xuất trên thế giới.
Năng xuất lúa còn kém, đất tốt thâu hoạc 1.600 kg lúa mỗi mẫu, đất trung bình và đất  xấu từ 400 kg đến 600 kg, thua xa các nước khác. Lúc bấy giờ, ở các tỉnh miền Hậu giang  chưa biết phân hóa học là gì.
ảnh hưởng của kinh đào
Trước khi Pháp đến, những vùng thuận lợi có sông rạch đều làm ruộng rồi. Trong thời  cai trị của người Pháp, có thêm hai việc lớn:
— Đào kinh thêm ở những nơi có thể làm ruộng được, tạo đường giao thông chuyên chở,  rút bớt nước lụt, rút bớt phèn.
— Vài giống lúa sạ được canh tác có kết quả ở những nơi mực nước lụt quá cao là loại  lúa thường (lúa cấy) không sống nổi.
Việc đào kinh cứ gia tăng từ năm 1880:
1880—1890 đào 2.110.000 thước khối đất. Năm 1890, diện tích ruộng là 932.000  mẫu, tăng 169.000 mẫu, so với thời đàng cựu.
1890—1900 đào 8.106.000 thước khối. Năm 1900, diện tích ruộng là 1.212.000 mẫu,  tăng 280.000 mẫu so với năm 1890.
1900—1910 đào 27.491.000 thước khối đất. Năm 1910, diện tích canh tác là 1.542.000 mẫu, so với năm 1900, tăng 331.000 mẫu.
1910—1920 đào 66.104.000 thước khối đất. Năm 1920, diện tích canh tác là 1.953.000 mẫu, tức gia tăng 410.000 mẫu so với năm 1910.
1920—1930 đào 72.042.000 thước khối. Diện tích canh tác năm 1930 là 2.452.000  mẫu, so với năm 1920, tăng thêm 499.000 mẫu.
Nhìn qua thì thập niên đầu (1880—1890) đến thập niên chót, số thước khối đất phải đào để khẩn thêm một mẫu ruộng là 12 thước khối, rồi tăng lên đến 28, đến 83, rồi phải 161, đến mức 144 thước khối.
Như vậy có nghĩa là trong tổng quát, càng ngày việc đào kinh càng tốn kém hơn. Năm  1890, muốn khai thác một mẫu đất mới, chỉ cần đào 12 thước khối. Năm 1930, muốn khai thác thêm một mẫu đất phải đào đến 144 thước khối, hơn 10 lần.
Hiện tượng trên đây có thể giải thích:
— Trước khi người Pháp đào kinh xáng đã có một số đất ruộng khá tốt, có năng xuất  cao sẵn rồi, không đào thêm một thước khối đất nào nữa thì cũng có dư lúa để bán ra ngoài.
— Diện tích đất hoang chỉ có giới hạn, càng đào kinh thì diện tích ấy càng thu hẹp lại.
— Tới mức chót, có đào thêm kinh nơi đất quá xấu thì diện tích ruộng canh tác cũng không tăng bao nhiêu. Người khẩn đất không thích đến, làm ăn thưa thớt, không như trong  đợt đầu tiên đào kinh qua vùng đất tốt.
Hơn nữa, việc sản xuất lúa gạo đòi hỏi nhiều yếu tố khác, ngoài yếu tố thuần túy kỹ thuật: vay mượn vốn để làm mùa, quy chế cho trưng khẩn, giá cả trên thị trường quốc tế.
Tính đến năm 1930 thì những tỉnh có đất phù sa tốt như Bến Tre, Chợ Lớn, Gia Định,  Gò Công, Mỹ Tho, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng đã khai thác xong, kể luôn những phần đất giồng ở Long Xuyên, Châu Đốc, Tân An, Sa Đéc. Trong các tỉnh này chỉ còn  lại chừng 150.000 mẫu đất chưa trồng tỉa ở vùng Đồng Tháp, vùng Láng Linh và phụ cận  tỉnh lỵ Hà Tiên là nơi đất quá phèn.
Từ năm 1880, các tỉnh trù phú như Bến Tre, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Mỹ Tho,  Trà Vinh, Vĩnh Long đã khai thác xong trên diện tích hơn phân nửa diện tích canh tác vào  năm 1929, tức là ở các tỉnh nói trên việc khẩn hoang xúc tiến rất chậm, trong khoảng 50  năm người Pháp cai trị chỉ tăng chừng 40 %.
Cũng từ năm 1880, các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Tân An, Hà Tiên, Sa Đéc tính đến  năm 1929, tăng thêm 3/4 so với diện tích canh tác cũ, đối với các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ  thì tăng 2/3.
Khi mới chiếm cứ, thực dân chỉ chú trọng vào phần đất tốt, đông dân, có sẵn đường  giao thông ở miền Tiền giang. Các tỉnh này xem như giải quyết xong từ năm 1910 tổng số là 651.000 mẫu, đến năm 1930 tổng số là 705.000 mẫu.
Từ năm 1910 trở về sau, thực dân mới chú ý các tỉnh ở xa, hoặc đất xấu hơn thuộc  Châu Đốc, Long Xuyên, Tân An, Sa Đéc, phía Đồng Tháp. Diện tích đã canh tác ở các tỉnh  nói trên cộng lại như sau:
1910 241.000 mẫu
1920 399.999 mẫu
1930 534.000 mẫu
Các tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng cũng phát triển từ năm 1910 về sau:
Cần Thơ
1910 132.000 mẫu
1920 202.000 mẫu
1930 205.000 mẫu
Sóc Trăng
1910 176.000 mẫu
1920 188.000 mẫu
1930 212.000 mẫu
Việc đào kinh đã thúc đẩy công tác khai khẩn ở hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng từ năm  1890 đến 1920. Riêng về tỉnh Cần Thơ, khoảng 1900 đến 1920, có hơn 350 km kinh đào  thêm nối qua Rạch Giá và Sóc Trăng.
Lúa sạ giúp khai thác phần đất bấy lâu bỏ hoang, nhờ đó mà Châu Đốc có thêm 90.000  mẫu, Long Xuyên 47.000 mẫu (năm 1929).
Trường hợp đặc biệt ở Bạc Liêu, Rạch Giá
Đây là khu vực nhờ đào thêm kinh mà diện tích canh tác gia tăng với những con số  hùng biện nhứt. Đời Tự Đức, ít ai chịu tới làm ăn, lý do chánh là đất quá phèn, đường giao  thông chuyên chở khó khăn và quá xa Sài Gòn. Hầu hết mấy con sông lớn vùng này đều đổ  ngược qua phía vịnh Xiêm La.
Mãi đến năm 1897 (trường hợp Bạc Liêu) và năm 1916 (trường hợp Rạch Giá) mới có  đường xe nối liền với Sài Gòn, trong khi đường xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho đã có từ năm 1883.  Việc đào kinh xáng giúp các vùng Bạc Liêu và Rạch Giá bán lúa nhanh và có giá hơn trước,  đồng thời đất ráo phèn, nước bớt sâu dễ cày cấy hơn. Diện tích canh tác của hai tỉnh này gia tăng như sau:
1880 20.000 mẫu
1890 83.000 mẫu
1900 136.000 mẫu
1910 265.000 mẫu
1920 405.000 mẫu
1930 600.000 mẫu
Ruộng hai tỉnh này chiếm 1/4 trong tổng số diện tích làm ruộng của toàn cõi Nam kỳ.
Ngay khi vừa đào xong những con kinh đầu tiên, dân tứ xứ tới cất nhà, làm ruộng mà  nhà nước khỏi cần giúp đỡ về vốn liếng, gia súc, hoặc cây lá gì cả. Họ đến cánh đồng bao la giữa Hậu giang và vịnh Xiêm La, mạnh ai nấy chiếm, nấy cấm ranh. Chỉ trong 3 năm  (1927—1930) họ tự động chiếm 17.000 mẫu. Việc chiếm hữu này xảy ra:
— Do những nông dân nghèo ở các tỉnh miền trên đến lập nghiệp. Họ muốn làm chủ  phần đất tương đối đầy đủ để nuôi sống gia đình.
— Do những người đem vốn lớn từ các tỉnh khác đến, họ mướn dân địa phương cắm  ranh, khẩn hoang đợt đầu tiên cho họ rồi họ gom lại, trở thành đại điền chủ.
Rồi tình trạng hỗn loạn, tranh chấp, tham nhũng lại xảy ra. Nhiều người có uy thế,  nhìn xa và rành luật lệ đã nộp đơn tại Sài Gòn xin trưng khẩn, vì trên bản đồ những phần  đất này vô chủ. Khi thấy đất khai thác xong, bắt đầu có huê lợi thì họ đến địa phương để  tranh chấp với những người thật sự khai khẩn (nhưng không có giấy tờ).
Nhà nước phàn nàn rằng dân đã tự động chiếm đất công thổ, không có cách gì ngăn được. Nhưng một số thân hào nhân sĩ, hội đồng, cai tổng hoặc đại điền chủ ở những tỉnh  khác thì lại vui mừng vì rốt cuộc, những vùng đất này rơi vào tay họ. Một số người Pháp  cũng lợi dụng tình thế để lập đồn điền. Nhà nước lại xúc tiến việc đạc điền, để ghi vào bộ và  đánh thuế. Dân địa phương nổi lên tranh chấp, ngăn cản những kẻ chiếm đoạt đang mướn  chuyên viên đến đo đạc. Hoặc dân địa phương dùng khí giới bén mà ngăn chận những người  tự xưng là “chủ đất hợp pháp” đến đòi thâu lúa ruộng. Hoặc họ tự đứng đơn tập thể, kéo  nhau đến Tòa bố (tòa Hành chánh tỉnh) để ngồi lì, hoặc tự vệ một cách tuyệt vọng.
Luật lệ về trưng khẩn
Nhiều luật lệ về trưng khẩn đất ruộng ra đời, ban đầu thể thức dễ dãi, lần hồi thì siết  lại thêm khó khăn. Xin lược kê những nghị định căn bản, với nét chánh:
— Những nghị định năm 1864, 1871 và 22/8//1882: ngoại trừ những đất đã canh tác rồi  hoặc đất thổ cư (đặc biệt là đất thổ cư ở Sài Gòn, Chợ Lớn) thì đất công thổ cho trưng khẩn  không, tức là không bán lại bằng tiền. Muốn khẩn thì làm đơn, ghi diện tích, ranh giới, rồi  đóng thuế. Những nghị định trên không nêu điều kiện là bắt buột người trưng khẩn phải khai thác, không được bỏ đất hoang (về sau, nghị định 15/10/1890 bổ túc chi tiết này). Tham  biện chủ tỉnh được quyền cho trưng khẩn những sở đất nhỏ dưới 20 mẫu (nghị định  9/6/1886 rút lại còn 10 mẫu).
— Nghị định 15/10/1890 bắt buộc phải canh tác trong thời gian là 5 năm cho xong và  định rằng nhà nước có quyền lấy lại đất khi có nhu cầu công ích (đào kinh, đắp lộ...)
— Nghị định 10/5/1893 định rằng đất trưng khẩn không được ăn dài theo mé kinh, mé  sông rạch quá 1/4 của chu vi sở đất (tránh trường hợp người tham, chỉ khẩn đất phía mặt  tiền kinh rạch, đất mặt tiền thì luôn luôn có giá hơn đất ở hậu bối).
— Nghị định 27/1/1896 quy định những lố đất đã xin tạm khẩn mà người thừa kế không nhận làm chủ, trường hợp đất quá xấu, thì phải hoàn trả lại để nhà nước ấp cho kẻ  khác.
— Nghị định 13/10/1910 lần đầu tiên quy định đất công thổ được tư nhân trưng khẩn  phải bán theo giá thuận mãi, đặc biệt là đất trồng cao su. Nhà nước chánh thức bán đất  công thổ cho dân.
Nghị định của phủ toàn quyền ngày 27/12/1913 và của Thống đốc Nam kỳ ngày  11/11/1914 định rằng đất ruộng chỉ cấp với điều kiện là đem đấu giá công khai hoặc theo  thể thức thuận mãi. Không bao giờ cấp cho không (khỏi mua) những sở đất trên 300 mẫu  như trước kia đã làm. Việc trưng khẩn đất trên 1.000 mẫu phải do phủ Toàn quyền Đông  Dương cho phép.
— Nghị định của phủ Toàn quyền ngày 26/11/1918 bổ túc nghị định 27/12/1913: những  người trong một gia đình chỉ có thể xin cấp cho không (khỏi mua) một lần dứt khoát tối đa  là 300 mẫu mà thôi. Chỉ có thể xin cấp cho không một lần thứ nhì là 300 mẫu, nếu đã canh  tác xong ít nhất là 4/5 của sở đất cấp cho không lần trước. Và đương sự không được quyền  xin cấp cho không một lần thứ ba.
— Nghị định 4/10/1928 quy định chặt chẽ việc khẩn đất, tuyệt đối cấm không được  chiếm đất công thổ theo kiểu tiền trảm hậu tấu, làm ruộng rồi sau đó mới khai xin vào bộ.  Cũng vì nghị định này mà số người xuống Rạch Giá, Bạc Liêu để lập nghiệp phải giảm bớt,  họ chẳng còn cơ hội khai khẩn nơi nào họ thích, dành quyền ưu tiên như trước kia.
— Nghị định 25/6/1930 quy định những vùng còn cho phép và những vùng không còn  cho phép trưng khẩn. Đại khái, sau khi áp dụng nghị định này thì chỉ có khoảng 150.000  mẫu ở Bạc Liêu và 80.000 mẫu ở Rạch Giá là còn được phép cho trưng khẩn mà thôi, lẽ dĩ nhiên, chỉ còn loại đất phèn, đất nước mặc quá thấp và xấu, thiếu kinh thoát thủy.
Hậu quả của những nghị định trên là tạo ra một thực tế bi đát. Người Pháp cho rằng  họ cố ý phát triển chế độ tiểu điền chủ mà thôi nhưng trong thực tế, đại điền chủ lại phát triển.
Luật định rằng những phần đất 10 mẫu mà tham biện chủ tỉnh có quyền cấp phát (gọi  nôm na là đất công nghiệp) không được phép bán trong thời gian tạm khẩn, chỉ 3 năm sau  khi chánh thức làm sở hữu chủ, chủ đất mới được bán cho người khác. Nhưng thực dân lại  cố ý dung túng việc cho vay nặng lời, khiến người tiểu điền chủ không đủ vốn canh tác  mang nợ, vốn lời chồng chất đến mức giao phần đất công nghiệp của mình cho kẻ khác để  trừ nợ.
Một số viên chức thực dân đã bào chữa cho rằng chế độ đại điền chủ ở Nam kỳ, đặc biệt  là ở các tỉnh miền Tây lần hồi tự nó suy sụp: về lâu về dài, không còn đất trống để khẩn  thêm và gia đình người đại điền chủ lại đông con, đất chia ra mãi đến đời cháu nội thì chỉ còn là từng mảnh nhỏ!
Nhà nước có tổ chức những nhà băng Canh nông nhưng trong thực tế chỉ một số nhỏ điền chủ vay được, họ đem về cho tá điền vay lại với tiền lời cao hơn. Người Chà Chetty cũng  cho vay với tiền lời theo luật định (năm 1930, phỏng định họ cho điền chủ Nam kỳ vay  khoảng 30 triệu đồng) nhưng người được vay phải chịu tiền lời cao, trên giấy tờ ghi đã nhận  một ngàn đồng mà thật sự chỉ nhận có 900.
Điền chủ cỡ nhỏ, luôn cả điền chủ cỡ lớn thường thích vay bạc lúa (lấy bạc lúa) của thương gia Hoa kiều vì thủ tục giấy tờ gần như không có, lấy tiền rồi đến mùa thì đong lúa  trả lại. Thương gia Huê kiều đưa tiền ra mua lúa khi chưa tới mùa, với giá rất thấp so với  giá thị trường lúc gặt hái. Họ thâu lợi nhiều nhưng họ khéo đối xử với chủ điền. Tùy giá thị trường do họ tiên đoán, tùy sản nghiệp của ông điền chủ (con nợ), tùy sự tín nhiệm trong  quá khứ mà họ cho vay nhiều hay ít. Nét đặc biệt là trong việc cho vay này là nếu con nợ  giựt thì họ không cho vay nữa, gần như chẳng khi nào họ truy tố hoặc nhờ pháp luật tịch thu đất đai. Trường hợp vay tiền của Chà Chetty hoặc của nhà băng Canh nông thì trái ngược lại: ăn lời rất ít nhưng khi thất hẹn thì đất đai bị tịch ký.
Về địa tô (lúa ruộng) thì giống như thời đàng cựu, thực dân Pháp không đưa ra luật lệ nào cả, chủ điền cứ thỏa thuận với tá điền. Giá biểu địa tô cao thấp tùy theo đất tốt xấu, tùy  theo “lòng nhân đạo” của chủ điền. Nhưng ta có thể nắm lấy nguyên tắc: chủ điền đã tính  toán thật kỹ để đến khi lúa chín, bằng mọi cách, họ thâu 80 % sản lượng mà tá điền gặt hái  được. Tá điền chỉ còn đủ lúa để mua sắm quần áo, ăn chơi trong mấy ngày Tết, ra giêng là bắt đầu vay nợ mới. Nhiều chủ điền tỏ ra nhân đạo, thâu địa tô rất thấp nhưng bắt buộc tá  điền phải vay thêm tiền mặt và lúa để ăn với tỷ lệ lời quá cao.
Xin miễn đề cập đến việc tổ chức cho vay của nhà nước vì bấy giờ trong thực tế, người  điền chủ bực trung không hưởng gì ráo. Cũng như xin bỏ qua việc khuyến nông, việc nghiên  cứ về kỹ thuật trồng tỉa, cùng cách tổ chức quan sát khí tượng mà trên báo cáo về mặt chính  quyền thì rất “tiến bộ”, đầy đủ. Vào năm 1930, chừng 30 máy cày trong vòng thí nghiệm ở  các điền của người Pháp. Lưỡi cày, vòng gặt, nọc cấy, cây bừa cào, cách thức trị định trâu bò  nếu được cải tiến chút ít so với thời Tự Đức thì hoàn toàn do người Việt bày ra mà thôi.
Trong tổng số đất đai trồng tỉa ở Nam kỳ là 2.700.000 mẫu, người Việt đứng tên làm  chủ được chừng 2.400.000 mẫu, tức là 8/9 diện tích. Trong đất đai trồng tỉa, nên chia ra:
— Đất trồng cao su: 80.000 mẫu của người Pháp, người Việt chỉ có 5.300 mẫu.
— Đất làm ruộng: người Pháp đứng bộ 243.000 mẫu tức là hơn 1/10 diện tích tổng quất  trồng lúa, con số này kể luôn đất của người Việt nhập Pháp tịch ; người Pháp chánh gốc  đứng bộ khoảng 150.000 mẫu.
Các bảng thống kê nêu con số hơi khác nhau về chi tiết, nhưng đại để các tỉnh Rạch  Giá, Bạc Liêu, Cần Thơ là nơi tập trung đại điền chủ vì là đất mới.
Vựa lúa miền Nam thành hình trong hoàn cảnh mới
Đời Gia Long, vùng sản xuất lúa gạo nhiều nhứt của đất Gia Định nói chung là vùng  Gò Công, thuộc trấn Định Tường.
Khi người Pháp đến, trung tâm điểm của vựa lúa di chuyển lần hồi về miền Tây Nam.  Muốn có lúa gạo thặng dư để xuất cảng, cần hai điều kiện:
— Diện tích canh tác rộng.
— Dân số địa phương ít, mức tiêu thụ tại chỗ không cao.
Sau đây là vài con số về diện tích canh tác của từng tỉnh. Thời Pháp thuộc, việc phân chia ranh giới các tỉnh không đồng đều, tỉnh thì quá lớn, tỉnh thì quá nhỏ. Số lượng đất đai chỉ là chỉ dẫn, vì đất tốt xấu khác nhau.
Năm 1873:
Chợ Lớn 37.340 mẫu (tỉnh Chợ Lớn gồm Cần Đước, Cần Giuộc là nơi sản xuất lúa  tốt và nhiều)
Mỹ Tho 34.238
Vĩnh Long 28.784
Gò Công 28.146 (Gò Công là tỉnh có diện tích tổng quát rất nhỏ nhưng đứng hạng  tư về đất canh tác, tức là vẫn còn giữ vị trí bực nhứt).
Năm 1900:
Sóc Trăng 158.439 mẫu (đứng đầu Nam kỳ)
Cần Thơ 124.588
Trà Vinh 120.419
Mỹ Tho 91.748
Năm 1930:
Rạch Giá 358.900 mẫu (đứng đầu Nam kỳ)
Bạc Liêu 330.030
Sóc Trăng 212.909
Cần Thơ 205.000
Long Xuyên 186.049 (đa số lúa sạ, gạo xấu)
Mỹ Tho 154.662 (dân đông đúc, một phần lúa sạ phía Đồng Tháp)
Trà Vinh 152.000
Theo P. Bernard, mấy tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh là vựa  lúa thật sự của Nam kỳ để xuất cảng. Năm tỉnh nói trên gồm 966.000 mẫu ruộng, những  năm bình thường cung cấp hơn phân nửa tổng số lúa xuất cảng của Đông Dương. Các tỉnh  ấy xuất cảng 986.000 tấn. Dân số trong hiện tại (ở các tỉnh vừa kể, khoảng năm 1930) phỏng chừng 1.130.000 người, tính đổ đồng mỗi mẫu ruộng là 1,15 người và mỗi mẫu ruộng  xuất cảng được một tấn.
Theo bác sĩ Trần Như Lân thì buổi bình thường trước khi xảy ra kinh tế khủng hoảng,  Nam kỳ và Cao Miên mỗi năm xuất cảng 1.300.000 tấn gạo; trong số này có 200.000 tấn gạo  của vùng Battambang (Cao Miên) và 900.000 tấn của miền Hậu giang.
Nhiều tài liệu đề cập đến việc đào kinh xem là yếu tố quan trọng để vựa lúa thành hình với các chi tiết kỹ thuật. Xin ghi lại vài nét chánh:
— Vùng Cần Thơ đào từ 1890 đến 1900: kinh Trà ết, kinh Xà No, kinh Long Mỹ,  Bassac (gọi nôm na là kinh Lái Hiếu); từ 1900 — 1920: kinh Thốt Nốt qua Giồng Riềng,  kinh Thới Lai, Ô Môn, Xuân Hòa, Phong Điền, Cái Răng, Trà Lồng, kinh Cái Vồn...
— Vùng Sóc Trăng: đào từ 1890 — 1900: kinh Bocquillon, kinh Saintenoy...; từ 1900 —  1920: kinh Phụng Hiệp, Sóc Trăng (1905), kinh Maspéro (1911), kinh Cái Trầu  (1914—1917), kinh Quan lộ, Nhu Gia (1925), kinh Cái Trầu qua Chàng Ré (1917), kinh Nàng Rền (1911), kinh Tiếp Nhựt (1911)...
Một phần lớn kinh do xáng đào từng chặn, sửa chữa nới rộng và vét tới vét lui nhiều  lần; một số kinh thì đào tay, bắt dân làm xâu. Tỉnh Rạch Giá được ảnh hưởng tốt nhờ mấy  con kinh đào từ Cần Thơ và Sóc Trăng ăn qua.
Để nhiên cứu vựa lúa Hậu giang cũng là vựa lúa quan trọng của Nam kỳ và Việt Nam,  chúng tôi chọn ba tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu và Cần Thơ.
Rạch Giá và Bạc Liêu là hai tỉnh rất mới mà việc khai khẩn vẫn chưa hoàn tất mãi đến khi người Pháp rời xứ Nam kỳ. Nghiên cứu hai tỉnh này, ta thấy rõ việc làm của người  Pháp và những nét đặc biệt của vùng đất rộng người thưa mà vùng Tiền giang không có.
Tỉnh Cần Thơ điển hình cho sự sung túc của Hậu giang, nơi gọi là thủ đô miền Tây, với  nhiều đồn điền của Pháp. Một phần đất của Cần Thơ đã được khai khẩn từ thời Minh  Mạng, Tự Đức. Cần Thơ là nơi người Việt chiếm đa số, phong tục thuần tục, nước ngọt, đất  tốt, đường giao thông thuận lợi về Sài Gòn, với vùng Ngả Bảy (Phụng Hiệp), một quận  thành hình nhờ việc đào kinh thời Pháp thuộc.