Chương 16

Vương Thi hỏi tôi:
- Bố ơi, thành phố An Hải này sao nhiều người sống ngoài vỉa hè vậy?
- Ôi do nếp sống Mỹ hóa gây ra cả con ạ. Họ quen hưởng thụ rồi, bây giờ không quen lao động nên đành bán cả nhà cửa đi để đổ vào lỗ miệng.
- Nhưng con nghe mọi người bảo đó là đám dân kinh tế mới về đấy bố?
Tôi trả lời cho qua chuyện:
- ừ cũng có thể.
- Vậy sao trong tiểu thuyết Làng vui của bố, chính sách giãn dân thành phố, chính sách kinh tế mới thành công rực rỡ cơ mà. Cuộc sống ở vùng kinh tế mới tổt đẹp như bố tả trong sách, sao người ta cứ bỏ về thành phố kìn kìn, nằm vỉa hè đi bới rác sống là sao?
- Ôi thế mới là những quân dại con ạ. Họ thèm một tí điện thôi... Thiếu không khí xô bồ bát nháo phố thị, họ không sống được, thà làm ăn mày ở vỉa hè còn hơn là anh phú nông dưới quê. Làng mới sướng bắt chết đi mà họ không chịu ở. Bố cũng chịu, chả còn hiểu tâm lý cái đám thị dân này nữa.
- Con chả tin. Không ai bỏ chỗ sướng đi vào chỗ khổ cả. Bạn con nói đùa: họ, những người dân kinh tế mới từ Làng vui của bố mày về đó. Con đau nhói trong lòng.
Nó chưởi bố mình thâm hiểm như vậy mà vì đuối lý, mình đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
- Thôi, nó nói gì kệ nó con ạ. Làng vui của bố viết ra từ 1978, lúc đó kinh tế mới sướng lắm. Còn bây giờ là năm 1982, phong trào kinh tế mới đổ bể rồi thì liên quan gì đến cuốn tiểu thuyết của bố nào? Bố viết văn chỉ để phục vụ một giai đoạn cách mạng, giai đoạn sau lại có cuốn khác, lo gì.
- Thế bây giờ bố có dám viết một cuốn truyện về dân kinh tế mới ngủ vỉa hè đầy ra không?
- Bố chịu. Vả lại, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ có quyền viết về cái tốt đẹp. Ngoài ra bố còn làm tổng biên tập báo văn nghệ, bận lắm, chẳng còn thời gian viết dài hơi đâu.
- Con chả hiểu ra sao bố ạ. Bố cho phép con nói thật nhá. Thời nay những cái giả tạo thì được khen, được trọng dụng. Ví như cuốn sách Làng vui của bố vậy, con thấy chả thật một tị, toàn bịa khiếp lên được ấy.
- ấy, văn học là hư cấu mà con. Hư cấu là hư cấu cái hình tượng, nhưng phải trên cơ sở cuộc sống, phải trung thành với hiện thực.
- Bố làm như con không hiểu gì về lý luận văn học ấy. Chả gì con cũng là giáo viên dạy văn cấp hai nhá. Có đứa bạn độc mồm dạy chung với con rêu rao rằng bố cái Vương Thi chỉ là bồi bút.
Tôi giận tái mét mặt lại, tức sôi máu quát:
- Đứa nào, con nào dám bảo một nhà văn cách mạng như tao là bồi bút hả? Quân phản động, xích cổ nó lại chứ ăn nói vô tổ chức thành quen đi.
- Này, bố đừng nóng nhá, tên đứa đó là mọi người đấy. Ai đọc sách của các bố mà không phì cười vì sự tô hồng quá đáng. Văn chương của các cụ với lý luận là viết về cái hiện thực sắp có, sẽ có hơn là viết về cái hiện thực đang có. Mà cái xã hội thiên đường tốt đẹp sẽ đến kia thì cóc có ai biết, cũng chẳng có cơ sở nào để nó đến một cách cụ thể. Thành ra văn chương của các cụ đa phần thường ngược lại cuộc sống hôm nay.
Tôi nạt con gái:
- Thôi im mồm đi. Mày lại hùa theo chúng nó nói bậy rồi. Giữ mồm giữ miệng không vạ vào thân đấy con ạ. Chuyên chính vô sản đừng có mà đùa.
- Con cóc sợ. Bố có nhớ hồi xưa ngoài Bắc ở tỉnh X. khi con theo bố về chơi không, lại có cả bài ca hố xí hai ngăn phát trên làn sóng trên đài phát thanh tỉnh đấy. Quan niệm văn nghệ phục vụ dung tục như vậy là một cách để xóa bỏ văn nghệ bố ạ. Đến khi cấp trên phát động phong trào hạn chế sinh đẻ, thì trên tờ báo tỉnh, lại có bài thơ của một nhà thơ chuyên làm thơ thời sự là bài Người đặt vòng hạnh phúc. Rồi lại thấy xuất hiện trên loa công cộng bài hát Bài ca thuốc ngừa thai. Bố còn nhớ chứ. Con chịu thôi, văn nghệ văn gừng cứ vậy, chẳng qua chỉ là trò hề.
Tôi thu quân:
- Thôi chuyện của bố, không việc gì đến con.
- Vì những việc của bố, ảnh hưởng đến danh dự của con.
Đấy, các bạn có thấy bây giờ lớp trẻ nó chả còn coi ai ra gì nữa không, chúng phủ nhận tất tần tật. Chúng chẳng hiểu gì cả. Vì cuộc sống là cuộc sống, còn văn học lại là văn học, hai cái là hai phạm trù khác nhau như đàn bà không thể là đàn ông và ngược lại. Chúng cóc có hiểu được phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là gì, là vẽ ra xu hướng của hiện thực chứ không phải dựng dậy hiện thực, giúp con người nhìn thấy tương lai trước khi nó được biến thành hiện thực. Đấy là đôi cánh của quy luật được gọi là phương pháp hiện thực lãng mạn cách mạng. Gần đây, con Vương Thi đã xin trường được một phòng nhỏ ở riêng. Còn anh ruột nó là thằng Trần Văn Văn hiện đã tốt nghiệp đại học, đã tót sang nhà bố vợ tương lai là ông giám đốc một sở lớn để ở cho sướng. Thỉnh thoảng hai đứa con mới ghé về thăm bố mẹ. Thằng Văn ít nói chuyện với tôi, chỉ hay rù rì với mẹ. Nó cho tôi đã suốt đời làm khổ mẹ nó. Bốn thành viên trong gia đình tôi đều ông chẳng bà chuộc. Con cái không còn tin tưởng và kính trọng bố mẹ nữa. Bố mẹ với con cái cũng chỉ là mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, kẻ thống trị và người bị trị. Thành thử gia đình không ra gia đình, cơ quan chẳng phải cơ quan. Từ khi được làm phó giám đốc trường đảng tỉnh Sơn Giang, Ruộng lấy quyền lực làm lẽ sống, làm tình yêu. Cô đang hết sức tích cực để khóa tới trở thành tỉnh ủy viên và biết đâu lại còn có khả năng vào thường vụ tỉnh ủy. Người ta đang cần những nhân vật nữ vào các chức vụ quan trọng mà. Ruộng sống như một ni sư đã diệt dục, tập trung hết những năng lượng thừa vào nỗi đam mê quyền hành. Vì đường công danh của mình và hai đứa con đã lớn, Ruộng phải cắn răng, mím môi, thót bụng lại để cố tạo ra hình ảnh của một gia đình nề nếp, có tổ chức quy củ, có văn hóa và hơn nữa là có hạnh phúc. Một hạnh phúc giả tạo trong một gia đình giả tạo. Ruộng hoàn toàn yên tâm về cái khoản gái trai của ông chồng nhà văn bất lực, coi như đã chấm dứt từ lâu. Cô không còn cần phải cảnh giác cách mạng làm gì nữa trên cái mặt trận tình tang nem chả này. Có nhiều lúc Ruộng bảo tôi: anh bị vậy mà hóa hay, mà mẹ con em được nhờ. Nhưng lý trí vẫn thuần là lý trí. Tôi biết rằng nhiều đêm Ruộng đã trăn trở đến quằn quại rồi ngồi dậy khóc thầm. Tội nghiệp Ruộng, cô đang ở giai đoạn cuối cùng của tuổi hồi xuân. Người đàn bà trong Ruộng đêm đêm thức dậy đòi hỏi quyền lợi, đòi được xác lập, được khẳng định, được đốt cháy và thăng hoa cái nhiệt lượng dư thừa của thân xác. Cứ tưởng người cán bộ, người lãnh đạo trong cô đã chiến thắng, đã làm chủ được thân xác mình. Cứ tưởng rằng khi có quyền lực, cô được sung sướng và mãn nguyện. Té ra, đêm đêm về nằm trong một mái nhà với một ông chồng hình nhân, một ông chồng hờ, cô lại thấy thảm thương cho cái số mình sao gặp nhiều oan trái buồn tủi đến thế. Mặc dù cô biết người chồng mình hồn vía chưa từng thuộc quyền sở hữu của cô. Cô cũng biết người tình địch của mình đã chết. Nhưng bằng tiên cảm của người đàn bà, Ruộng biết lòng dạ tôi vẫn cứ rối bời vì cái hình hài đã thành cát bụi. Tôi biết, đôi khi Ruộng thấy con người chính trị trong mình chẳng qua chỉ là một con người giả, chỉ là một âm bản của đời sống mình thôi. Còn con người thật của cô lại nằm ở những khao khát, những đòi hỏi bình thường, được yêu, được hạnh phúc. Khi tự mình phải đối diện với mình, tôi biết cô thấy mình cô đơn một cách kinh hãi. Tất cả không có gì bù đắp được sự hụt hẫng của một người đàn bà không được yêu. Tôi thương vâ an ủi cố nhiều nhưng làm sao giải tỏa được cho bản thân cô. Tôi không còn đốm lửa dù nhỏ nào để sưởi ấm chưa nói đến sự đất cháy giùm cô. Tôi người chồng của cô, người làm cô bất hạnh, chung quy cũng chỉ là một kẻ bất hạnh. Tôi phải vác bao nhiêu niềm vui giả tạo, hạnh phúc giả tạo như vác thập giá đến nơi hành hình. Trong toán học, hai cái dấu âm cộng lại thành dương. Nhưng trong đời sống, hai kẻ bất hạnh cộng lại chẳng thể biến thành hạnh phúc được.
Giờ đây, tôi chỉ là một tảng băng biết làm tổng biên tập tờ báo văn nghệ tỉnh. Sau cuộc họp giao ban hàng tuần, ông Hai Kỷ, phó ban tuyên huấn mời tôi lại:
- Tôi có cà phê thứ thiệt, cà phê chồn Buôn Mê Thuột ông nội ơi. Vừa uống, ta vừa bàn một số công việc được chứ?
- Tất nhiên. Tôi trả lời.
Chúng tôi lên lầu, vào phòng làm việc của Hai Kỷ. Hai Kỷ pha cà phê, đem ra cả đĩa bánh ngọt, một bao thuốc ngon. Chúng tôi vừa uống vừa bàn công việc. Ông rút từ trong cặp ra một tờ báo, đưa cho tôi. Thì ra là tờ Văn học ngày nay. Hai Kỷ bảo tôi:
- Ông thử đọc bài thơ bốn câu ở trang mười coi. Thật là một phát súng bắn vào những nguyên tắc bất di bất dịch của chúng ta.
Tôi mở trang mười. Trời ơi, số tôi sao suốt đời chạy trời không khỏi nắng, đi đâu cũng gặp cái núi lửa này. Thơ của Trần Khuất Nguyên trời ạ.
Bài thơ thứ nhất có tựa đề là Thương con vạc:
Đừng trách con vạc
Sao mày ăn đêm
Chao ôi đồng đất
Ban ngày như nêm.
Bài thơ thứ hai của Trần Khuất Nguyên có tựa đề là Lời cái thớt:
Số phận cho ta làm mặt thớt
Kể gì thịt cá nát đời nhau
Sinh ra là để người ta chặt
Ta chỉ ăn toàn những vết dao.
Tôi đọc đi đọc lại đến thuộc lòng, thầm bảo bụng: bố khỉ, thơ hay thật. Trong thâm tâm không phải tôi không phục tay Trần Khuất Nguyên, cái kẻ mới mười lăm tuổi năm 1964, tại công viên thị xã X., đã từng phủ nhận cuốn Lúa reo của tôi viết về hợp tác xã. Cái tay mà trước giải phóng, đầu năm 1975, tôi còn gặp ở chiến khu lúc anh ta là chính trị viên đại đội trinh sát.
Một số anh em nhà văn chúng tôi, luôn luôn đoán ý lãnh đạo để viết, không có cái nghênh ngang của lớp nhà văn như tay trinh sát này. Nói chung, những người cầm bút thế hệ chúng tôi và thế hệ trước đó, luôn luôn sợ hãi, mặc cảm trước kẻ cầm quyền. Rằng chỉ có những người lânh đạo chính trị mới là cộng sản thứ thiệt. Còn chúng tôi, tuy mang danh đảng viên đấy, nhưng chỉ là những con sứa, những thân phù du biết mang thẻ đảng, không dám đấu tranh, dám sống chết vì sự thật. Tôi là kẻ dù ít nhiều cũng có biết võ vẽ học thuyết của Hê-ghen. Tôi hiểu rằng, một ngòi bút, hơn nữa một nền văn học sinh ra chỉ cốt để khẳng định, để khen ngợi, tô hồng hiện thực dù hiện thực kia có hoàn thiện hoàn mỹ trăm phần trăm đi nữa, thì sự khằng định, sự khen ngợi, sự tô hồng ấy không còn là khẳng định, khen ngợi và tô hồng nữa. Bởi vì, sự khẳng định chỉ có thể là khẳng định, chỉ có thể được tin tưởng, được xác nhận khi nào ngòi bút kia, nền văn học kia học được cách phủ định. Chúng ta, buồn thay, luôn luôn đọc ra rả như ve sầu ngày hạ rằng: sự vật bao giờ cũng được cấu thành bởi các mặt đối lập thống nhất. Nhưng nhãn quan chính trị, nhãn quan kinh tế, nhãn quan văn hóa văn nghệ của chúng ta hỡi ôi, bao nhiêu năm, chỉ nhìn sự vật có một chiều thuận với ý chủ quan của mình, còn chiều nghịch kia của sự vật, chúng ta cố tình làm lơ, coi như nó không có, không còn. Chúng ta hô hoán lên rằng: chủ nghĩa xã hội không còn mâu thuẫn, không còn bi kịch, không có cái ác, chỉ rặt toàn thiện mỹ mà thôi. Sự vật, chính là thế giới khách quan tồn tại ngoài ý muốn con người, vẫn cứ tiếp tục phát triển trong quá trình vận động giữa các mặt đối lập thống nhất của nó, mặc xác các thứ lý thuyết một chiều ấu trĩ đầy duy tâm chủ quan của chúng ta. Trong sự hình thành nhân cách của con người, từng giây phút là các cuộc ác đấu âm thầm giữa thiện và ác, đúng và sai, tốt và xấu, hèn nhát và quả cảm để tự khẳng định tồn tại. Mỗi con người còn thế, huống hồ là cả một đất nước, một dân tộc, sao lại bảo không còn cái ác, cái xấu, không còn đối kháng nữa? Quan niệm về thế giới như vậy, nhìn nhận về sự vật như vậy mà dám vỗ ngực tự xưng là mác xít được ư? Chưa hết, người ta còn tuyên bố đã nam được chân lý tuyệt đối khách quan. Đến ngay Mác và Lênin, những thiên tài sáng tạo ra học thuyết cộng sản cũng chưa từng dám tuyên bố huênh hoang đến thế. Chân lý, khi đã nắm bắt được rồi thì nó không còn là nó nữa. Chân lý hay là khát vọng hướng thiện không cùng của con người, vươn lên nắm bắt cái vô cùng của thế giới. Không một con người nào, một tập thể người nào độc quyền về chân lý cả. Chân lý cũng như khí trời, như ốc-xy, là tài sản của mọi người trên hành tinh bé nhỏ và quá lắm chuyện của chúng ta. Con người muốn thống nhất với chính bản thân mình và thống nhất với nhau, cần phải được mâu thuẫn, được đối lập, được tranh luận, cần biết nghe bằng nhiều lỗ tai và cái quan trọng là phải trừ khử ngay cái thói kiêu ngạo coi mình là ông trời. Có như vậy, chân lý mới có cơ tồn tại và mỉm cười với chúng ta. Vừa đọc đi đọc lại hai bài thơ bốn câu của Trần Khuất Nguyên, tôi vừa ngẫm nghĩ những điều trên. Chúng ta kể cả tôi, xưa nay chỉ quen nhìn nhận và phân tích sự vật có một chiều thuận với ý muốn chúng ta. Đến khi cần phải lật ngược vần đề lên một chết là đã sợ phạm húy, phạm vào những giáo điều cứng nhắc mà người đại diện của nó là ông Hai Kỷ đang người pha trà trước mặt tôi. Nhưng tôi lại chưa có gan nói thẳng những ý nghĩ mình với người khác bởi vì tôi hèn, tôi sợ bị quy là phản động. Hỡi ôi, tôi được sinh ra đâu phải để làm cái loa của kẻ khác, bản nháp của kẻ khác. Tại sao tôi không thể có nhận xét riêng, ý kiến riêng của mình về các vấn đề? Tôi đang ở trong trận đồ bát quái của chủ nghĩa giáo điều, liệu có còn cơ hội thoát ra được nữa không? ôi chao, chả lẽ tôi cứ phải nói, phải viết ngược lại với lòng mình cho phù hợp với đôi tai và đôi mắt của cấp trên. Ông Hai Kỷ, người ba mươi năm làm công tác tuyên huấn hỏi tôi:
- Sao nhà văn, ông thấy hai bài thơ này thế nào?
Tôi trả lời chung chung cho đỡ thẹn với lòng mình:
- Tôi thấy nó không ổn.
- Ông hữu khuynh rồi đó Ba Hưng. Sao lại không ổn. Thương con vạc và Lời cái thớt là khẩu khí của đứa ngông cuồng, không cần biết dọc ngang nào biết trên đầu có ai nữa. Khi kẻ bị lãnh đạo quên mất chỗ đứng của nó thì nó bắt đầu quậy. Thằng cha Trần Khuất Nguyên, một thằng con nít mà gan cùng mình, dám thách thức với những nguyên tắc bất di bất dịch của chúng ta.
Tôi bênh:
- Tôi nghĩ hắn không dám thách thức chúng ta đâu. Chúng ta quên rằng trong phạm trù của hai từ chúng ta, bao hàm cả tay Trần Khuất Nguyên này nữa. Theo như tôi biết thì cậu ta cũng là đảng viên, từng đi chống Mỹ, từng bị thương khá nặng, sao lại nỡ đẩy nó vào hàng đối lập với chúng ta?
- Ôi, anh ngây thơ quá đấy Ba Hưng. Tôi nghĩ một người duyệt bài vở mà thiếu chỗ đứng, thiếu lập trường giai cấp như anh thì rồi số phận tờ báo văn nghệ tỉnh sẽ ra sao đây? Như thế này mà anh còn tính bênh vực nó nữa hay sao? Anh có biết tờ tuần báo Văn học ngày nay giờ ra sao chưa? Số báo in hai bài thơ này đã bị thu hồi. Tay tổng biên tập bị kiểm điểm toé khói, có thể mất chức. Cơ quan quản lý văn hóa văn nghệ vừa gởi công văn đi khắp nơi, kể cả tỉnh ta đòi khai trừ Trần Khuất Nguyên ra khỏi đảng, khai trừ ra khỏi hội viên hội nhà văn Việt Nam. Thường vụ tỉnh ủy vừa họp bốn cuộc họp về hai bài thơ của thằng trời gầm đất lở này. Thường vụ đã chỉ thị cho sở văn hóa thông tin, nơi Trần Khuất Nguyên công tác phải kiểm thảo nghiêm túc hắn. Sáng hôm nay thằng Nguyên đang bị quần nhừ tử đấy ông Ba Hưng ơi. Tôi lạnh toát xương sống. Đừng có đùa với kỷ cương thép của tổ chức. Hai Kỷ dùng chuyện Trần Khuất Nguyên để đánh tôi trúng huyệt: ấy là nỗi sợ hãi bị kỷ luật, bị khai trừ, bị thanh trừng, bị tù đày của cả đời tôi từ vụ viết cuốn Vượt bão phụ họa cho cải cách ruộng đất ngày xưa. Bởi vì nỗi sợ tận cùng gan ruột của tôi vẫn là cuốn nhật ký viết hồi sau cải cách ruộng đất, hiện nay vợ tôi đang giữ để làm áp lực cột tôi lại với cô ấy. Tôi không còn con đường nào khác ngoài việc từ bỏ ý định bảo vệ Trần Khuất Nguyên. Nghĩa là tôi phải phụ họa, phải đứng về phía Hai Kỷ để giữ vững cái ghế tổng biên tập tờ báo văn nghệ tỉnh của mình. Tôi bảo Hai Kỷ:
- Nếu quả con ngựa non háu đá này có ý xỏ xiên chúng ta thì nên dạy cho hắn biết thế nào là lễ độ, cho nó chừa cái thói ngông nghênh đi.
Hai Kỷ thông báo: Tôi nói nhỏ cho anh biết, bên bảo vệ văn hóa đã có đầy đủ hồ sơ về Trần Khuất Nguyên. Họ định bắt nó đấy nhưng còn hơi do dự. Dù sao, tên Nguyên này cũng từng đi chống Mỹ, là thương binh, đảng viên, là nhà thơ trẻ có tiếng hiện nay. Muốn bắt hắn còn phải để ý đến dư luận, tới sự thu phục nhân tâm của đám văn nghệ sĩ chế độ cũ nữa ông ạ.
Tôi hùa theo: - ừ phải rồi. Chúng ta không nên lấy quyền hành để đẩy một số anh em văn nghệ nào có thiếu sót, có viết chút gì đó lệch lạc sang thành đối lập với đảng. Cách mạng cũng cần phải biết nghe bằng nhiều lỗ tai.
- Thôi đi ông Ba Hưng. Các bố văn nghệ hay bênh nhau lắm. Bắt Nguyên thì chưa tới lúc nhưng phải làm ra lẽ cho hắn sợ. Khi chúng ta đang cải tạo xã hội chủ nghĩa thì hắn lại tung ra bài thơ ỡm ờ Thương con vạc. Anh thừa biết con vạc là biểu tượng cho cái gì rồi chứ. Vạc chính là những âm mưu đen tối, những bọn đi đêm làm các nghề bất chính như trộm cắp, gái điếm, bọn gián điệp phá hoại rình mò trong bóng tối. Vậy mà thằng Nguyên này dám tuyên bố thương con vạc, rồi dạy chúng ta đứng nên trách con vạc nữa. Chúng ta không chỉ trách, không chỉ căm giận lũ mặt người da vạc mà sẽ còn bắt sạch những loài ăn đêm. Còn bài Lời cái thớt của hắn nặng hơn nữa ông ạ. Xã hội ta là một xã hội trên dưới một lòng, lãnh đạo hòa với nhân dân như cá hòa với nước. Vậy mà hắn dám đặt một cái thớt trong mối quan hệ thiêng liêng giữa dân và đảng. Vậy thớt là gì? Về mặt tu từ, tôi đã tra ba bốn cuốn từ điển. Thớt là cái dụng cụ bằng gỗ để làm đòn kê cho công cuộc chặt thịt, chặt cá. Đơn giản như vậy thì cần gì thằng nào phải làm thơ. Hần bảo ai là mặt thớt hả ông Ba Hưng? Ai, hắn bảo ai chỉ ăn toàn những vết dao nào? Đủ rồi, chúng ta cần sự ngọt ngào, cần sự khẳng định, ngợi ca cơ. Chúng ta không cho phép bất cứ ai nhân danh bất cứ thứ gì để châm chọc, chỉ trích hoặc vặt lá tìm sâu xã hội tốt đẹp của chúng ta.
Nghe Hai Kỷ phân tích thơ, tôi buồn quá. Người ta đã học được cách suy diễn hết sức chủ quan trước hình tượng văn học, chụp cho bài thơ những cái mũ kinh khủng mà nó không hề có. Người ta cố ý tước bỏ tính biểu tượng của văn học theo kiểu vặt trụi hết lá cây, không muốn văn học được nói nhiều nghĩa, được mang yếu tố thâm thúy của tư tưởng, được phép khái quát hóa và điển hình hóa. Nếu tất cả các thời đại, các xứ sở đều phân tích thơ kiểu ông Hai Kỷ này, chắc chắn văn học đã biến mất khỏi mặt đất. Thế giới sẽ không còn những thiên tài ván học nữa nếu như tư tưởng và tâm hon con người cũng bị kiểm duyệt, bị lục soát theo kiểu các trạm thuế của ta khám xét hành trang khách đi đường. Chúng ta sẽ còn là những kẻ mắc bệnh sợ ma, nếu vẫn quan trọng hóa quá đáng tác dụng của một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết nào đó có vấn đề khi nó tung ra ngoài xã hội. Văn học mà không có vấn đề, không dám đặt trước các vấn đề cho con người và xã hội thì còn coi là văn học được ư? Chẳng ai chú ý đến hai bài thơ bé nhỏ như hai con kiến của Trần Khuất Nguyên, nếu như tờ báo không bị thu hồi, nếu như không có những bài đánh, những chỉ thị trị tác giả của nó. Và lập tửc, hai con kiến kia sẽ biến thành hai con voi dư luận. Nhưng đau buồn thay, tôi lại không nói được những suy nghĩ của mình về hai bài thơ này, tôi phải cần biết cách phụ họa cho Hai Kỷ:
- Nghe anh phân tích tôi mới thấy dễ sợ thật.
- Vậy thì tôi yêu cầu anh lên tiếng trên báo văn nghệ tỉnh về hai bài thơ phản động này.
Tôi hiểu yêu cầu này của ông ta chính là lệnh.
Tôi ôm cái lệnh ấy cùng tờ 'Văn học ngày nay về tòa soạn. Kiếm một người để đánh đồng nghiệp trên báo theo lệnh tổ chức thời nay thật không khó khăn gì. Tôi đưa hai bài thơ này và ý đồ của Hai Kỷ cho một nhà phê bình nhờ ông viết đánh. Nhà phê bình này đã có lúc từng khen thơ Nguyên hay trên báo. Ông nhận lời viết bài trong thời hạn rất ngắn. Sau hai tuần, bài đánh Trần Khuất Nguyên được in ra kèm theo việc in lại hai bài thơ bốn câu. Số báo được bán chạy, bán hết trong hai ngày. Từ trước tới nay, tờ báo của tôi ế quá, người ta mua về để gói đồ hơn là đọc. Tòa báo lỗ quá, đành phải bán tiêu chuần giấy trắng đi để kiếm lời mà sống. Nhờ hai bài thơ bị nhà phê bình K. đánh, tờ báo bán chạy không ngờ. Tôi đề nghị nhân cơ hội này làm kế hoạch B, cho in thêm năm nghìn số báo nữa để phát hành rộng rãi ra cả các tỉnh bạn. Lại bán chạy như tôm tươi. Chúng tôi lời một số tiền lớn. Anh em cán bộ biên tập và phóng viên trị sự báo hí hửng như Ngô được vàng. Tôi họp tòa soạn ăn mừng thắng lợi, tiếp tục mời các cây viết phê bình trong ngoài tỉnh tham gia đánh tiếp hai bài thơ của Trần Khuất Nguyên. Đích thân tôi mời bốn nhà phê bình khác. Họ nhận lời viết trong một ngày đêm. Số báo tiếp được in ra tới sáu nghìn bản. Nhưng than ôi, khi báo phát hành chẳng có ma nào mua cả. Người ta chỉ tò mò muốn biết hai bài thơ bị đánh, còn ai đánh, đánh sao thì người ta chẳng cần. Tòa soạn chúng tôi bị một cú thua lỗ trời kêu. Tôi nhận được thông báo của đảng ủy sở thông tin văn hóa: Trần Khuất Nguyên đã bị khai trừ đảng, bị cách chức phó phòng văn nghệ xuống thành nhân viên thường. Trần Khuất Nguyên, nhà thơ thương binh chuyển ngành, từng có ba bốn tập thơ được xuất bản, từng đạt được nhiều giải thưởng về thơ đã bị cấm in thơ trên phạm vi toàn tỉnh Sơn Giang và toàn quốc. Ngay đến các tuyển tập, Nguyên cũng bị gạt tên. Tay phó tổng biên tập của tôi vốn là nhà thơ và tay tổ trưởng tổ thơ của báo mừng lắm. Hạ được một địch thủ như Trần Khuất Nguyên, may ra họ mới có dịp nổi tiếng. Mỗi ngày, họ ngồi lại với nhau quanh quán cà phê của báo văn nghệ tỉnh, hí hửng thông báo cho nhau về nỗi bất hạnh mà nhà thơ liều mạng kia đang phải chịu. Những đàn em của hai anh làm thơ này thì thụp thông báo cho họ những hoạt động của Nguyên. Một buổi tối, đám thơ trẻ tập hợp quanh Hoàng Thi và Vũ Điệu, người tổ trưởng thơ của báo tại tòa soạn. Họ mời tôi tham gia một buổi đọc thơ có nhậu. Tôi hiểu đây là bữa tiệc mừng của họ khi đối thủ thơ số một bị hạ. Một thi hữu có tên là Dạ Lạc, cao to, trang trẻo, để ria con kiến, mắt ti hí, nói giọng eo ẻo như tuồng lại cái, lè nhè:
- Báo cáo các anh, đây là một tin em mới nhận được. Các anh hẳn biết cô ca sĩ Lâm Tuyền chứ?
- Biết, diễn viên múa chuyển qua hát, vợ thằng Nguyên chứ gì.
Hoàng Thi lên tiếng. Tay Dạ Lạc tiếp:
- Hết là vợ rồi. Lâm Tuyền vừa bế đứa con trai đến ở với thằng Tư Mộng bán chợ trời. Thà làm vợ bé cho kẻ mánh mung còn hơn làm vợ một thằng nhà thơ điên.
Hoàng Thi chêm vào:
- Chuyện này tao biết lâu rồi. Con Lâm Tuyền tướng tá bốc lửa như vậy, thằng Nguyên ốm nhách, sức mấy đáp ứng nổi. Con kia thì ưa ăn diện, nay nhà hàng, mai du hí bám vào thằng Trần Khuất... Khuất gì tụi bây... Khuất Điên ạ... Đúng, bám vào thằng Khuất Điên mà chết đói à? Sẽ còn phải đi thăm nuôi dài dài nữa chứ? Thằng cha này, tao dám cá với tụi bây không trước thì sau cũng tù.
Một gã làm thơ bé choắt, lấc ca lấc cấc, tên là Hữu Thân kể:
- Đám đàn em phục tài tay Khuất Nguyên giờ bỏ rơi hắn hết trơn. Hắn cô đơn lắm. Vợ nó bỏ đi, đếch thèm ly với chả dị. Em giả bộ đến chơi để an ủi hắn. Hắn tưởng thật, cảm động lắm, mời em ở lại ăn cơm. Cơm của hắn thì trời cũng ngán, chỉ có nửa bó rau muống luộc chấm tương ớt, nuốt không vô. Em yêu cầu hắn đọc thơ, hắn lắc đầu, Khuất Nguyên mà không đọc thơ thì còn gọi là Khuất Nguyên được chăng? Em khích hắn rằng anh là thiên tài nhưng hắn vẫn câm như hến. Thằng cha sợ hết mẹ nó hồn vía rồi. Sáng qua chủ nhật, em tà tà thả xe đạp ra bờ hồ ngoại vi thành phố hóng mát, chợt thấy Trần Khuất Nguyên đội cái mũ rách, mặc bộ đồ bộ đội xơ mướp người như tượng gỗ trên một hòn đá. Lưng hắn dựa vào gốc cây, mắt hắn mở trừng trừng không chớp. Em bèn rón rén núp vào một gốc si cổ thụ bên cạnh, ngầm theo dõi nhà thơ coi hắn giở trò gì. Trời ơi, các anh biết hông, hắn lầm rầm đọc thơ như kẻ cầu kinh vậy. Em hết sức dỏng tai ra nghe coi hắn có đọc thơ phản động không để ghi chép về còn báo cáo mấy chú mấy anh. Nhưng hắn đọc toàn những bài thơ thương nhớ đồng đội đã hy sinh trong rừng. Em nghe câu được câu không. Một mình đọc thơ cho mình nghe mà tới có cả tiếng đồng hồ. Hình như hắn đang cầu cứu vong hồn đong đội xưa. Hắn đọc xong một tua thơ bèn gọi bao nhiêu tên người. Rằng Hùng, Tuyến, Chính, Hoan, Danh, Lùng, Mậu... ơi. Hắn gọi tới mấy chục tên em không nhớ hết. Hắn cứ độc thoại rì rầm như nói chuyện với ma vậy. Hắn còn quơ tay lên làm các động tác hệt như đang tranh luận với ai một điều gì. Em ớn cả da gà. Hay là thằng cha này nhìn thấy ma, đối đáp với ma? Rồi hắn cúi đầu xuống như mặc niệm. Hắn cảm động điều gì không biết mà gần như là ứa nước mắt ra vậy. Rồi bất thần hắn hát lên khe khẽ các chú các anh ơi. Hắn hát bằng cái giọng ồ ề nhừa nhựa như linh hồn cơm nguội cất thành âm thanh ấy. Hắn hát tùy hứng theo những giai điệu cực kỳ linh tinh tự đặt, lúc nghiêm trang, lúc hết sức dông dà cà chớn. Sau đó, em thấy hắn gục xuống rồi im lặng. Thì ra hắn ngủ ngồi các anh ơi. Em rón rén đến sau lưng hắn quan sát. Trên đầu tóc hắn, lòi ra ở cái phần nón bê rê rách là một vệt sẹp trang ởn, nghe đâu hồi đánh vào Sàigòn, hắn bị thương nặng ở ngã ba Xuân Lộc. Nước da hần tái mét như bị thiếu ăn. Em tính đánh thức hắn dậy để chọc chơi nhưng nghĩ thế nào, cứ để yên cho hắn ngủ. Thằng cha Nguyên này cần phải gặp những người trong giấc mơ để được an ủi, để cầu cứu và để tìm lối thoát cho đời mình.
Cả đám nhậu lặng im sau khi Hữu Nhân kể xong câu chuyện về nỗi bi ai của đối thủ họ đang bị. Tôi cũng thấy mủi lòng quả. Nhưng tôi, một tổng biên tập báo, không thể bênh vực một người làm thơ phản động được. Tôi bèn bít miệng bằng một miếng tim xắt khá to, đoạn tráng miệng bằng một ly rượu thuốc.
Đoàn Như, một gã chừng ba mươi tuổi, dạy học và sống bằng nghề làm thơ thời sự. Đoàn Như có lúc đã là vệ tinh của Trần Khuất Nguyên, nay Nguyên thất thế, hắn theo về Hoàng Thi và Vũ Điệu, hắn cần phải có câu chuyện làm quà nên góp thêm một chuyện về Trần Khuất Nguyên:
- Báo cáo các anh. Em là kẻ từng chơi với Nguyên, em biết. Thứ nhất, hắn là thằng rất dễ tin người. Phải công nhận hắn yêu thơ vào loại siêu hạng, hắn là cây đuốc lúc nào cũng cháy đùng đùng. Thầy điều quấy là hắn phản đối ầm ầm như sóng bể. Cái hôm đồng chí trưởng ban tuyên huấn giảng chính trị nói về khuyết điểm của nền kinh tế. Ông hay dùng chữ chúng ta sai lầm thế này, chúng ta sai lầm thể nọ... Trần Khuất Nguyên xin phát biểu liền, hắn đốp chát: tại sao các đồng chí lãnh đạo cao cấp làm sai không chịu nhận, rằng chúng tôi sai lầm thế này, chúng tôi sai lầm thế nọ lại đổ cho chúng ta, cho tất cả mọi ngưởi. Như vậy, có nghĩa là các đồng chí ấy không dám chịu trách nhiệm, trốn tránh trách nhiệm. Chức vụ, quyền hạn, bổng lộc thì của tôi, của chúng tôi, cái hay cái đúng thì thuộc về chúng tôi, còn cái dở cái sai thì tất cả quần chúng phải chịu trách nhiệm. Đồng chí trưởng ban tuyên huấn không đủ lý cãi lại, đứng ì ra một hồi rồi lờ đi, coi như cái thằng láo lếu Trần Khuất Nguyên chưa hề có trên đời. Các anh thấy hắn ngổ ngáo bợm trợn chưa nào? Thời buổi này, đã làm thơ làm thẩn lại còn dám cả gan vuốt râu hùm, mó dái ngựa, chết là phải. Hôm qua, em gặp hắn đi bộ từ sở về nhà. Em hỏi xe đạp đâu không đi, hắn trả lời, con vợ bán hết đồ theo trai rồi. Bây giờ hắn đói rách lắm. Bây giờ, hắn thường ra bờ hồ giả bộ câu cá để trốn tránh cuộc đời.
Hoàng Thi phải ngắt lời Đoàn Như:
- Thôi, mặc xác hắn. Dại thì chết. Ai lại đi làm thơ về con vạc, về cái thớt như vậy. Đấy thớt đấy, tha hồ cho hắn ăn toàn những vết dao.
Đêm ấy tôi không sao ngủ được, cứ mở mắt là lại thấy Trần Khuất Nguyên. Cho đến lúc thiếp được đi rồi, ngủ được chết đỉnh rồi, tôi lại mơ thấy anh lính trinh sát kia ngồi đọc thơ cho những đồng đội đã chết. Té ra, trong tôi dường như vẫn còn tồn tại một Trần Khuất Nguyên.