Chương 5

Vũ Sinh chào ông ra trước. Anh phóng mô-tô qua cổng thành nghe tiếng xe của ông đuổi theo sau.
Từ lúc anh về báo tin cho tới khi đoàn văn công xuất hiện. Cả trường xôn xao như chờ đợi ngày hội lớn. Các đại đội cắt nhau làm vệ sinh từng khu vực, sắp sửa lại giường chiếu, phòng khách, quét sạch đường váo trường, rải lớp sỏi trắng lên, tưới tắm mảnh vườn hoa con con trước sân và trồng thêm mấy chậu cúc vàng dọc hàng hiên nhà khách. Ban quản lý thì bàn nhau thịt con lợn nào trong chuồng và làm những món gì bữa trưa, bữa chiều, nấu cháo hay đổi bánh làm phở cho diễn viên ăn sau khi biểu diễn?... Háo hức nhất là đám thanh niên. Họ vui sướng vá hồi hộp ra mặt. Từ ngày vào trường, ngoài mấy buổi xem phim, họ chưa hề được tham dự một cuộc vui nào lớn, ngoại trừ mấy trò vặt như đánh tú- lơ-khơ bôi râu, đánh cờ ca-rô, tam cúc...
Chín giờ sáng ngày thứ ba, Ðoàn văn công quân khu xuất hiện. Một chiếc xe trở diễn viên đi trước, rồi chiếc xe tải trở sân khấu, phông màn, đèn điện với các thứ cồng kềnh khác theo sau. Họ làm sân khấu rất nhanh, với sự giúp đỡ của các chàng học viên hạ sĩ quan trẻ trung, lực lưỡng. Sau đó, đám nữ diên viên được tắm rửa, giặt giũ trước để về nhà nghỉ. Họ khép cửa phòng, đám nam diễn viên cùng những người làm công tác hậu đài mới vắt khăn, vắt áo ra giếng.
Vũ Sinh thấy trong cái tập thể nhỏ bé đó, những người đàn bà và những cô gái được chiều chuộng như ở trong một gia đình mới. Cử chỉ của những người đàn ông trong đoàn đánh thức trong anh nỗi thèm khát chập chờn. Hình như anh cũng muốn được chiều chuộng người đàn bà nào đó, được đưa tay cho cô vịn khi nhảy qua rãnh, được múc nước đổ vào chiếc thau tráng men cho cô rửa mặt, được chờ đợi cho tới khi cô đã thay áo quần, vào phòng ngủ mói lo việc tắm rửa của cá nhân mình...
Những ý nghĩ của anh chỉ mình anh biết. Còn tới bữa cơm chiều, buổi chiêu đãi chính thức của trường với đoàn, anh lại bận làm việc với một cán bộ huấn luyện trên trường của bộ về. Cuối cùng, chỉ còn tới buổi biểu diễn. Như những người đàn ông trẻ trung tự do khác, anh hồi hộp khi được ngắm nhìn những gương mặt xinh xắn với nhiều hy vọng run rẩy. Biết đâu, trong những gương mặt xinh đẹp đó, sẽ có một gương mặt mãi mãi là của mình?... Quãng đời đơn chiếc của một người đàn ông chưa toại nguyện về tình yêu, biết bao lần niềm hy vọng đó bay đến?...
ánh sáng rực rỡ của hai chùm đèn lớn bật lên khiến mọi người lóa mắt. Vũ Sinh cũng phải cúi xuống chờ người làm hậu đài quay máng đèn che sáng, anh mới dám ngửng lên. Luồng ánh sáng chói lọi chiếu lên sân khấu. Làm tuyết nhung đỏ bắt sáng, nhóng nhánh. Lát nữa, hai tấm màn nhung kia sẽ kéo sang hai bên, và giữa khoảng trống tràn ngập thứ ánh sáng chói chang đó, những diễn viên sẽ xuất hiện. Hẳn là họ phải có một sức chống đõ dạn dầy mới có thể chịu nổi những tia phóng mãnh liệt của hai chùm đèn lớn... ý nghĩ đó khiến Vũ Sinh bùi ngùi. Anh rút thuốc, châm lửa hút.
- Nữ diễn viên quân khu nổi tiếng là xinh đấy. Còn khá hơn các cô Ðoàn Tổng Cục Chính Trị cơ.
Hiệu phó, một tiểu đoàn trưởng ngồi bên Vũ Sinh hích anh, nói thì thầm. Vũ Sinh gật đầu. đúng lúc đó hồi chuông điện kêu reng reng báo hiệu giờ mở màn. Người giới thiệu bước ra sân khấu trong bộ váy áo gọn gàng có thắt lưng, kiểu trang phục riêng cho những nữ diễn viên phục vụ quân đội. Cô còn rất trẻ, hơi dại khờ nên cách nói cứng cỏi, khó thu phục người xem. Họ chỉ tán tưởng gương mặt xinh tươi, căng đầy sinh lực và đôi bím tóc ngoe nguẩy như hai bím tóc một con búp bê lớn.
Màn đồng ca nhiều bè đệm với dọng lĩnh xướng nam trầm hùng hồ trình bầy ca khúc Du Kích Sông Thao mở đầu trương trình. sau đó mấy tiết mục đơn ca nam, đơn ca nữ. Rồi múa Tây Nguyên, Chàm Rồng và Cà Tu.
Sau hai tiết mục múa, người giới thiệu thứ hai bước ra sân khấu. Khác hẳn cô búp bê trước, người con gái này có một thân hình rắn chắc nhưng thanh mảnh, mái tóc đen dày óng ả đổ xuống lưng. Ðôi mắt cô mênh mông, hơi buồn. Cô cúi đầu chào khán giả với nụ cười đằm thắm và cất giọng nói. Cũng những câu chữ ấy, cũng những thứ văn chương tầm thường chỉ để trình bày vắn tắt nội dung một bài ca, nhưng với giọng nói dịu dàng, ấm áp của cô, người xem cảm thấy mình bị lôi cuốn vào một thế giới sau những âm thanh ấy. Một thế giới phong phú, rực rỡ nhưng hẳn sẽ vương vất nỗi ưu tư. Chưa bao giờ, người ta hoan hô diễn viên giới thiệu nồng nhiệt như vậy. Chắc chắn khán giả bị sắc đẹp, sự duyên dáng thầm lặng và vô cùng mãnh liệt của cô mê hoặc. Những tiếng hoan hô kéo dài khiến người con gái phải ra chào lần nữa. Rồi cô hối hả bước vào để những diễn viên tốp ca nam trình bày tiết mục của họ.
Vũ Sinh cũng như những người khác nghe bài hát vói một tâm trạng hối hả, gấp gáp. Ai cũng như cầu mong cho nó chóng kết thúc để được nhìn người nữ diễn viên giới thiệu và nghe giọmg nói dịu dàng, mê hoặc của cô. Khi cô bước ra sân khấu lần này, không phải trong bộ váy áo quân phục mà trong tấm áo dài màu cam mềm mại, đám đông bật lên một tiếng ồ ồ... kinh ngạc. Rồi tràng sấm vỗ tay vang khắp nơi, giòn giã, kéo dài như một vòngâm thanh bao vây sân khấu. Người thiếu nữ nghiêng mình cảm tạ. Cử chỉ của cô toát lên vẻ khiêm nhường, lóng biết ơn chân thực, lại xen lẫn cả nỗi buồn thầm kín của sự từng trải. Dường như trong ánh mắt đang nheo cười đó, hàm chứa một ý nghĩ trần tục: "Rồi đêm nay sẽ qua, những tiếng vỗ tay kia sẽ tắt, người diễn với người xem sẽ chia xa, các anh ở lại và tôi đi nơi khác, tôi sẽ có các buổi diễn mới, những người hâm mộ nồng nhiệt mới. Rồi với thời gian tôi sẽ già đi. Có một cô gái lạ bước lên sân khấu, vòng hào quang mới lạ trên đầu... Lúc đó tôi ở dâu nhỉ?... Và lúc đó, các anh có còn nhớ đến tôi như nhớ đến một cái tên?...
Vũ Sinh giật mình vì những ý tưởng miên man trong óc não. Cha anh là một thầy đồ kiêm nghề bốc thuốc. Ngoài những giờ thăm bệnh, bào chế thuốc ông ngồi ngâm thơ của Lý Bạch, Ðỗ Phủ, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ. Ông cắt nghĩa cho đứa con trai từng câu từng chữ trong những bài thơ mình yêu thích từ khi nó mới lên năm tuổi. Vũ Sinh không nhớ được chọn vẹn thơ. Nhiều lắm, anh chỉ nhớ được đôi câu gợi cảm nhất:
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương...
Nhưng tính đa cảm và ưu tư của ông cụ đã truyền sang anh như một căn bệnh qua máu huyết. Anh không nghe những cô gái trên sân khấu đang hát gì. Họ cười gì và họ giơ tay nhí nhảnh chỉ trỏ gì đó xuống đám đông khiến các tràng trai trẻ cười phá lên vì khoái trá. Anh cứ theo đuổi mãi những ý nghĩ mà đôi mắt đen mênh mông và giọng nói huyền bí của người nữ diễn viên giới thiệu đã gợi lên. Cứ như vậy cho tới tiết mục kịch nói, những âm thanh chỉ lướt qua óc não Vũ Sinh như làn gió. Anh mải mê nhìn người nữ diễn viên kỳ lạ, bị chi phối bởi sự tò mò và muôn ngàn ý tưởng nảy sinh ra khi đoán biết cô. Tấm màn nhung đỏ bỗng dưng khép lại. Vũ Sinh chưa kịp hiểu vì sao thì hiệu phó vỗ đét một cái váo đùi anh:
- Khá thật, khá qúa... Văn công quân khu mình không thua đoàn Tổng cục Chính trị tý nào.
Vũ Sinh ầm ừ.
Tiểu đoàn trưởng rút thuốc đưa cho anh:
- Làm điếu thuốc đã. Chờ họ bày phông cảnh, chuẩn bị cho vở kịch. Vở này được huy trương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm ngoái đấy.
- Thế à... Tôi không chú ý theo dõi báo.
Vũ Sinh đáp qua loa. Anh đưa mắt nhìn quanh. Ðám học viên được thỏa mãn đang tươi cười chọc ghẹo nhau, tán tỉnh tươi hơn hớn. Mắt họ liếc lên tấm màn nhung đỏ buông trước sân khấu với vẻ chờ đợi háo hức. Một cơn gió mạnh thổi ào ào qua khung trời. Tiếng những rặng thông và bạch đàn liễu trên đồi reo vi vút. Vũ Sinh bỗng thất hơi lạnh và hắt xì hơi và chợt nhớ bỏ quên mùi xoa ở phòng ngủ. Anh bảo tiểu đoàn trưởng hiệu phó ngồi bên:
- Tôi phải về nhà lấy khăn tay.
Thiếu tá ngạc nhiên:
- Lấy khăn xong thì cậu làm cách nào len vào cho được?... Ðông thế này cơ mà?... Mượn tạm khăn cậu nào vậy.
Vũ Sinh nhìn quanh, ngần ngừ. Nhưng rồi anh lắc đầu, cương quyết:
- Thôi, không vào được thì đứng vòng ngoài. Ai lại đi mượn khăn tay, phiền chết.
Anh khẽ đập tay lên vai một học viên ngồi phệt trên cỏ, chỉ cho cậu ta chiếc ghế dành cho mình rồi lách ra ngoài. Về phònh lấy khăn tay, uống nước xong, Vũ Sinh chưa tới bãi xem vội mà lại vòng ra cửa doanh trại xem bộ phận gác.
- Hôm nay cậu nào phải gác chắc hậm hực lắm đây. Cả năm mới có một lần... - Anh nghĩ.
Qủa nhiên, khi anh chưa tới chòi gác đã có tiếng kêu mừng rỡ:
- Thủ trưởng, sao thủ trưởng lại ra đây ạ?...
Vũ Sinh cười.
- Ra xem các cậu gác có nghiêm không?... Cậu nào đấy? Ðỏ à?...
Học viên nói như hét:
- Vâng ạ...
Rồi ngoẹo đầu ngoẹo cổ:
- Báo cáo thủ trưởng, kỳ này về phép, rứt khoát em ra ủy ban huyện xin đổi tên thôi.
- Sao?
- Dứt khoát em phải đổi tên thôi. Tên là Ðỏ mà số đen sì. Cả năm mới được một lần xem văn công thì lại trùng phiên gác.
Vũ Sinh cười.
Ðỏ nói tiếp:
- Em toàn phải đứng dỏng tai lên. Coi như thằng mù nghe hát vậy. Mà sao thủ trưởng còn đứng đây. Thủ trưởng vào đi chứ... Sắp hết kịch nói rồi. Vở này được huy trương vàng cơ đấy...
Ðại úy Vũ Sinh bảo:
- Này, tôi gác cho. Cậu vào mà xem.
Ðỏ ngơ ngác:
- Thủ trưởng bảo gì cơ ạ?
Vũ Sinh cười, đáp rành rẽ:
- Nói gì nữa? Tôi gác cho. Tôi xem nửa trước, cho cậu xem nửa sau. Như vậy là công bằng nhé: Cậu nghe hát, còn tôi thì nghe kịch.
Ðỏ vỡ lẽ, nhảy cẫng lên:
- úi giời ơi, thủ trưởng nói thật chứ ạ?... Thế thì nhất em rồi. Số em đúng là đỏ thật. Ðen trước rồi đỏ sau...
Cậu ta dúi cây súng cho Vũ Sinhrồi cắm đầu chạy vào bãi diễn. Một mình anh đứng trong bóng tối. Anh thèm thuốc nhưng kỷ luật không cho phép người lính được hút thuốc trong giờ gác. Vũ Sinh đành đứng yên, đưa mắt nhìn bầu trời. Từ những vì sao li ti mờ nhạt tới các ngọn cây lắc lư sau mái nhà. Vẫn chưa thấy vở kịch bắt đầu biểu diễn. Phía sân khấu, tiếng ồn ào của đám khán giả vẳng tới tai anh. Khu doanh trại che khuất nên anh hoàn toàn không thể nhìn thấy vật gì ngoài quầng sáng hắt lên bầu trời. Sau vùng ánh sáng màu cam nhạt đó, vài cây thông trên ngọn núi sát kề doanh trại in bóng đến im lặng vào đêm. Những cơn gió thỉnh thoảng lại thổi tới, gần như gió heo may, mát mẻ, lay động cây cỏ và lòng người. Người đàn ông trẻ đứng trong chòi gác, vừa nhớ thấp thoáng những vần thơ thuở nhỏ cha anh đã dạy anh, vừa nhìn quãng đời vô vị vừa qua, vừa hé mở những tia hy vọng và theo đuổi dòng liên tưởng mà cô diễn viên kỳ lạ đã khơi dậy... Các ý nghĩ trong anh lộn xộn, thoát tới thoát đi. Lúc dó, có bóng người bước đến:
- Ai? Ðứng lại.
Vũ Sinh quát khẽ, nhưng giằn giọng.
- Tôi, diễn viên trong đoàn văn công quân khu. Báo cáo đồng chí cho tôi ra đồi một lát.
Bóng người đáp lại rắn rỏi mạch lạc đúng tư cách một quân nhân. Vũ Sinh đứng lặng. Những ngón tay anh lắm cứng khẩu súng. Anh nhận ra người giới thiệu tiết mục đã khiến mình nảy ra bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu phỏng đoán tò mò...
Người thiếu nữ chờ đợi một lát, cất tiếng hỏi:
- Báo cáo đồng chí, tôi đi được chứ?
Vũ Sinh chợt nhớ ra, đáp:
- Ðồng chí có thể đi được. Nhưng phải trở về trước giờ biểu diễn kết thúc.