Chương 3

Cái đói tấn công tôi khiến hai đầu gối bủn rủn, mồ hôi vã ướt đầm lưng. Hai hôm nay, tôi đi lòng vòng như bị ma ám giữa một thung lũng um tùm cây môn thục. Sớm nay lại đi vã mồ hôi. Cuối cùng tôi thấy trước mặt bụi môn có ba hòn đá tảng ở điểm xuất phát.
Nghỉ nửa giờ, tôi tìm đường ra theo hướng khác. Đi ròng rã hơn hai tiếng nữa, vào đúng ngọ lại thấy lù lù ba hòn đá tảng với bụi môn thục ấy. Không còn hồ nghi gì nữa, giữa thung lũng hoang lạnh này có hồn ma!
Tôi đặt ba-lô trên một hòn đá tảng, sục sạo xung quanh. Từ lối mòn lan sang hai bên, mọc dầy đặc thứ cỏ leo hoa tím, lá có ánh bạc. Dây cỏ đâm ngang đâm dọc, dai hơn dây thừng, quấn quít với những loài gai lùn và dương xỉ. Tôi rút dao phạt những đám gai lơ lửng ngang đầu, phòng loài rắn lục. Từ đám gai ấy, chúng có thể phóng tới làm một cú mổ trong nháy mắt và thế là toi đời.
Quanh quẩn mãi, chỉ gặp loài gai và cỏ leo. Khoảng tiếp giáp giờ Mùi, một làn gió âm u thổi từ phía bắc tới. Trong hơi gió như có tiếng vi vu của sáo tre sáo trúc. Tôi nổi da gà đứng khựng lại giờ lâu, mồ hôi lạnh lưng áo. Rồi định thần, tôi nhìn lại cây cỏ bốn xung quanh. Tất cả xanh um, tĩnh lặng. Tôi đi về phía bắc. Chừng hơn một trăm bước, chân tôi gặp đám môn thục vĩ đại. Chúng cao gấp đôi thứ môn thục thường, cỡ chừng gần hai mét, che lút đầu người. Mỗi cuống môn lớn gấp đôi bẹ chuối, xanh bóng. Dọc lá quận thành gốc, cỡ bằng gốc chuối ngự. Kích thước khổng lồ của chúng làm tôi e ngại. Dường như chính từ trong bóng râm ướt át, u tối của chúng, làn gió lạnh lẽo kia đã được phát sinh... Tôi vung dao, chặt rào rạt. Những dọc môn ngã rạp xuống. Chừng non nửa thước, hiện ra những tảng đá lớn, màu trắng xám, xếp một cách công phu.
Theo bức tường đá, tôi lần lần phạt trụi đám môn thục vây quanh. Đám rừng môn ngã xuống, hiện ra một chiếc nhà quàn bằng đá tảng. Các tảng đá lớn nhỏ, góc cạnh được sắp xếp chồng khít lên nhau làm thành bốn bức tường khép kín, một cái hộp không đáy và không nắp.
Giữa bốn vách đá là tấm võng dù mắc sang hai cây dồi ở hai đầu. Trên võng, một bộ xương người nguyên vẹn, trắng rợn, sạch như lau! À, người anh em... hóa ra người anh em đã giữ chân tớ lại... Tôi lầm rầm khấn. Cái đầu lâu hoác miệng như cười. Hai hàm răng trắng, đều tăm tắp, đủ ba mươi hai chiếc. Đó phải là hàm răng của một chàng trai. Chắc anh ta cũng đã bị lạc nhiều ngày, cũng như tôi, không thế nào thoát khỏi cái thung lũng ma quái này, bị sương khói bốn phương chập chùng vây hãm.
Khi mọi cố gắng đã tan rã, mọi hy vọng đã tàn lụi, chàng vẫn còn một hy vọng cuối cùng: Hy vọng giữ được bộ hài cốt của mình. Chàng không muốn các loài thú xâu xé thân xác, chàng muốn lưu lại, dù một chút bóng dáng thảm thê, vì hình hài nguyên vẹn mà cha mẹ chàng đã tác tạo ra.
Tôi tin rằng chàng đẹp hơn tôi, khỏe mạnh và ý chí hơn tôi. Nếu không, với hơi tàn của kẻ sắp chết đói, người lính này đã không thể tự xây cho mình một nhà quàn kiên cố, công trình kiến trúc để cho kẻ hậu thế phải ớn lạnh sống lưng:
- Người anh em ơi, tớ biết người anh em ở đây quạnh hiu lắm. Tớ biết cuộc sống trong cái thung lũng khốn nạn này chẳng ra gì... Đằng ấy cũng như tớ, khi ra đi không hình dung được con mèo nào sẽ đón đợi số phận...
Làn hơi lạnh quẩn quanh trên mặt đất khẽ lùa qua hai nách, qua gáy tôi. Nghe vi vút mơ hồ tiếng sáo của một chiều thôn dã:
"Trăng đã lên ngang đồi...
Dòng sông ngập ánh trăng soi
Đàn bò thong thả qua nương lúa ơi hò... "
Ôi, âm nhạc diệu vợi... Hai hàm răng trắng nhởn của cái đầu lâu ngoác ra cười. Xương tay, xương chân xếp thẳng băng như nặn bằng thạch cao trong phòng thí nghiệm trường phổ thông trung học. Lão quản lý thấp bé, mặc bờ-lu trắng, gườm gườm nhìn lũ học sinh chúng tôi, qua hai tròng mắt kính tròn xoe: "Các trò cẩn thận, không được sờ vào hiện vật. Hãy ghi nhớ các vị trí trong bộ xương người: Xương đầu, xương tay và xương chân... Trò Quân, anh không được ngọ nguậy, cái xương bánh chè bên trái đã bị lớp 6E làm vỡ năm ngoái..."
Đấy là lần thứ nhất tôi thấy bộ xương người. Và giờ là lần thứ hai. Xương thạch cao dễ vỡ. Xương người thật khỏe chắc hơn.
Bố mẹ chúng ta đã sản sinh được những tạo vật đáng giá! Tôi nhìn từ đầu xuống chân bộ xương người trải dài trên tấm võng ni-lông, hình dung tới một chàng trai: Anh lịm dần trong cơn đói, trong trạng thái tàn lạnh khi máu khô cạn trong các huyết quản, như một thứ keo, đọng dần dần chất mủ đặc tanh của cái chết, và luồng khí nóng của sự sống đi qua nó bị nguội đi, màu hồng chuyển sang máu xám. Chắc chắn vào khoảnh khắc đó những giấc mơ sẽ trôi qua như cuộn hình trong cây đèn kéo quân: giấc mơ an bình, giấc mơ thù hận, giấc mơ ấu thơ, giấc mơ tình ái... đó sẽ là bữa ăn cuối cho kẻ tử tù, niềm an ủi cuối cùng của người lính rủi ro. Tới lúc chất mủ tanh hôi của cái chết lấp đầy các huyết mạch, những giấc mơ kia sẽ lụi tàn.
Từ đấy bắt đầu bữa tiệc của các loài thú. Trước hết là chim ưng, kên kên và quạ. Thứ hai đến các loài kiến, các loại bọ, các loại dòi. Sau cùng, mưa rừng sẽ hoàn thiện nốt công trình phá hủy, phần sót lại của cơ thể tan hòa thành phân loãng tưới xuống đám môn thục khiến chúng lớn vụt lên, trở thành loài thực vật ăn thịt người kiêu hãnh và vĩ đại! Bộ xương trắng sạch bong nhìn tôi như cười: "Tớ còn nguyên vẹn đấy chứ?... Thật là tuyệt phải không người anh em?" Tấm võng ni-lông cũng còn nguyên vẹn. Nền văn minh nhựa dẻo của con người trong các thập kỷ này cũng tuyệt diệu. Tôi thầm thì: “ Người anh em ơi, ngả nào đằng ấy cũng đã phải chịu cảnh đơn côi. Hãy cho tớ ra đi... Tớ còn nhiều việc phải làm. Một thằng trai trẻ đang mắc chứng điên. Nếu họ tống nó vào trại điên thì rồi đời... Vả lại, tớ còn ông bố và thằng em. Nghe nói nó cũng đã tòng quân, chẳng hiểu sống chết ra sao... Người anh em sống khôn chết thiêng, hãy chứng cho lòng thành của chiến hữu...”
Khấn xong, lòng tôi nhẹ nhõm. Tôi chắc vong linh kia đã thấu cho mình. Nhưng chân tôi vẫn nặng như đeo đá, không thể nhấc nổi. Tôi đập đập vào hai cẳng chân lạnh buốt, thầm nghĩ: "Còn một cái gì đó... Chắc hẳn còn vấn vương gì đó..." Và tôi chợt hiểu rằng chàng trai đã tự kiến tạo cho mình một cái chết sang trọng như thế hẳn là phải gửi gấm lại những lưu vật.
Tôi ngồi thụp xuống, vạch cỏ, chặt dây. Chỉ dăm phút sau, thấy lộ ra một nấm mộ nhỏ xếp bằng đá nằm dưới võng, từ chiếc đầu lâu dọi thẳng xuống. Tôi ném đi lần lượt từng viên đá rồi tôi đào. Đất rất mềm, lưỡi dao ăn ngọt lịm. Hồi đào ước chừng nửa mét dài, nửa mét rộng, căn theo độ lớn của chiếc ba-lô. Đào sâu ba gang thì vấp lớp nhựa xám. Tôi khoét rộng ra bốn xung quanh rồi lôi bọc ni-lông lên. Chúng được chằng kỹ bằng dây ni-lông, nút chặt không thể cởi. Tôi dùng dao cắt vụn, mở gói vải nhựa ra. Bên trong còn ba lớp vải nhựa nữa mới tới ba-lô. Ba-lô còn nguyên, mùi vải hăng sực như vừa được lôi ra từ một chiếc rương gỗ. Một khẩu liên thanh báng gập với hai băng đạn rưỡi, đạn chưa rỉ. Tôi mở ba-lô, sửng sốt vì cùng với làn hơi xám bay lên, lơ lửng điệu nhạc của tre trúc:
" Dòng sông ngợp ánh trăng soi
Con diều đứt dây nơi lưng trời
Gió, gió ơi thổi bên kia đồi... "
Hệt như có gã trai làng ngồi thổi sáo bên bờ đê, vào lúc chiều chạng vạng. Tôi kéo rộng nắp ba-lô, nhặt được mảnh bìa, viết nguệch ngoạc dòng chữ: "Đồng chí nào nhặt được ba-lô, xin cố gắng mang về cho mẹ tôi, bà Đào thị Lý, 68 tuổi, thôn Em Mơ, xã Phùng... Xin cảm ơn."
Bên dưới có ba bộ quân phục, một Thu-đông, hai Xuân-hè. Giữa các lớp quần áo giấu cây sáo trúc, thứ trúc quí, vàng màu tơ tằm, bóng như gương. Sau rốt là cuốn nhật ký. Nhật ký lính chiến, long bìa, rách gáy, nhiều vết hoen. Trang đầu dán tấm ảnh một thiếu phụ quê mùa, vẻ nhút nhát, nét khá xinh. Trang sau là một chàng trai mười tám, mười chín, mặc quân phục mới, cười toe toét, mắt ánh lên niềm hăm hở. Tấm ảnh đó hệt như tấm ảnh tôi chụp ngày tòng quân, cái ngày long lở vì tiếng trống giục giã và chói lọi màu cờ, cái ngày lũ trai trẻ chúng tôi ngây ngất trước lúc lên đường, đăm đăm tìm kiếm hình ảnh của chính mình nơi chân trời.
Nơi ấy, ẩn hiện trong lớp khói là gương mặt những người anh hùng hân hoan và kiêu hãnh, ngực lủng lẳng từng dãy huân chương...
Tôi ngồi bệt xuống, sục tay vào lớp áo quần mát lạnh.
Cơn đói bắt đầu gào réo khiến tôi hoa mắt. Từng bầy đom đóm sặc sỡ bay lượn như những đóm lửa pháo hoa, thứ pháo hoa tởm lợm... Tôi gục đầu xuống gối, nhắm mắt lại, cố nghĩ tới một việc gì đó thật trọng đại, thật vui tươi, một kỷ niệm thật êm đềm... Nhưng, cuối cùng, vẫn hiện lên trong óc não hình ảnh (ra xôi trắng với nửa cái chân giò luộc, một rá bún với bát mắm tôm...) Cơn mơ thực phẩm! Tôi đã lây cái bệnh tồi tệ của thằng Lũy.
Chất cường toan sủi bọt trong dạ dày tôi, cắn rút từng tế bào, ăn mòn mỗi đường gân, mỗi thớ thịt. Trong bụng, nhói lên những cơn co bớp liên hồi. Tôi cong lưng, thở dốc từng hồi và dần dà nằm ngửa xuống lúc nào không rõ. Kéo một tấm áo che đầu, tôi chìm vào giấc ngủ.
Như thế, thời gian đi lẳng lặng, xa xa, như tan dần thành khói. Lúc chập chờn tỉnh, tôi có cảm giác một bàn tay ai đó nhẹ nhàng ve vuốt bên má... Mở mắt, tôi thấy mình nằm gối đầu lên chiếc ba-lô của người đã chết, tấm áo thu-đông trùm đầu lạnh toát sương, ba-lô của tôi ném ngay dưới chân. Trên đầu tôi vẫn bộ xương trắng im nguyên nằm trong tấm võng.
Nắng đã lên đặt trên má tôi bàn tay ấm áp, sự sống vuốt ve êm dịu. Tôi ngắm những dây cỏ leo trong suốt như thủy tinh giữa buổi rạng đông. Tôi nhìn giải mây hổ phách phía dưới vầng mặt trời, bỗng nổi lên nỗi thèm khát.
Nắng nhuộm một màu hồng đắm đuối. Thân thể tôi nóng dần, máu trào lên tim như ngọn triều, phấp phỏng. Tim tôi cũng đập phấp phỏng, nuối tiếc, tưởng chừng như chỉ qua buổi sáng này nó không bao giờ còn đập. Tôi chợt hiểu nỗi thèm muốn ám ảnh tôi: Tôi thèm sống... Tôi không hiểu những gì chờ đợi tôi, nhưng tôi thèm sống. Như con trâu bị thương trong cuộc chọi, tưởng đã cắm sừng vào đất bãi, chợt vùng lên lao vào hiệp mới, tôi ngồi dậy sảng khoái vì niềm khát sống gia tăng sức mạnh trong tôi với ngọn đũa của thần linh...
Ngồi bật dậy nên đầu tôi va vào chiếc đầu lâu đau điếng. "Ôi chao, người anh em cục đầu tớ đau làm vậy?" Tôi nhăn nhó nghĩ thầm và bắt đầu thu xếp hành trang. Cuốn nhật ký của người đã chết rơi xuống, lật trang, ngẫu nhiên hiện trước mắt tôi dòng chữ lớn nguệch ngoạc:
- Mẹ ơi... Mẹ ơiii...
Thốt nhiên, tâm linh tôi bật lên tiếng kêu đồng điệu, tiếng kêu làm thung lũng chao đảo rung rinh, làn sóng âm vang tới tận chân trời. Mẹ ơiii... Nơi chân trời lãng đãng khói sương vầng mặt trời bỗng nhòa nước mắt.
"Mẹ ơi, con sắp chết... Chắc con không về với mẹ được chẳng có ai lợp lại mái nhà...!"
Tôi đọc tiếp dòng chữ ngoằn ngoèo trong cuốn nhật ký. Bộ xương kia cũng như tôi, những gã trai chưa vợ. Chưa người đàn bà nào thay thế được hình bóng mẹ trong tim... Chúng tôi vẫn chỉ là những thằng bé con...
- Mẹ ơiii...
Tôi lại thấy nụ cười tươi, mái tóc dài, mùi mồ hôi lẫn mùi thơm quen thuộc.
Đặt cuốn nhật ký giữa lớp áo quần tôi gấp lại cho chúng phẳng phiu. Tôi lấy chiếc khăn mặt cuốn cây sáo trúc cẩn thận rồi xếp tất cả vào ba-lô. Còn sợi dây dù dài, tôi cột chặt chiếc ba-lô của người đã khuất vào lưng ba-lô của mình. Khẩu tiểu liên báng gập nằm phơi trên tấm vải nhựa với các băng đạn. Nắng sớm chiếu vào lấp lóe. Tôi xách khẩu súng lên: “Mẹ kiếp, thằng chó đẻ nào làm ra cái thứ này... nặng như cối đá..." Tôi thầm nghĩ, ước lượng: "Họ bảo súng này có bảy cân, sao giờ mình thấy như một tạ! Lại còn đạn nữa chứ... Có ngậm sâm cũng chẳng tha được của quỷ này." Tôi lẳng khẩu súng sang bên phải, thuận chân đá đám đạn sang bên trái.
Chỉ vài tháng nữa, tất cả sẽ vùi dưới rừng môn thục. Lại một rừng môn thục mới trên đám cây thối rữa, trên mảnh đất thấm đẫm chất thối rữa của da thịt người. Chúng sẽ lại gieo xuống thứ bóng râm nhớt nhát, lạnh lẽo và thổi qua thung lũng ngọn giờ âm u của tử thần.
Thôi, chào nhé...
Tôi đứng trước võng, nhìn bộ xương sạch bóng, ba mươi hai chiếc răng đều tăm tắp, nguyên vẹn. Đầu lâu không cười mà ngoác miệng ra như mếu... “Thôi đằng ấy ráng chịu vậy. Đời mà, biệt ly là chuyện thường. Tớ sẽ mang những vật kỷ niệm này giao tận tay mẹ. Nếu rủi bà cụ không còn nữa tớ sẽ đem đến trước mộ, làm lễ chiêu hồn, cúng siêu linh. Tớ sẽ đọc nhật ký của đằng ấy cho vong nghe, không sót một dòng nào để vong được hởi lòng mát dạ... Chúng mình là những thằng con vô tích sự, làm khổ mẹ khi mẹ còn sống, chỉ an ủi được các hồn ma...”
Tôi chụp mũ lên đầu ra đi. Đi một mạch tới quá trưa, vượt khỏi thung lung tới vùng đồi bao la, mọc các loài gai nhỏ, cây chổi và cây chạc-chìu. Đến đây bắt đầu phải chịu gió Lào, thứ gió khô khan, tàn nhẫn hút kiệt cả mồ hôi lẫn nước bọt.
Không ngụm nước, không hạt cơm, chân bước bồng bềnh như trong mây... Cứ thế tôi mải miết qua không biết bao nhiêu ngọn đồi. Mắt mờ đi, cổ họng sưng, nóng bỏng, tôi lê bước như kẻ mộng du. Vào lúc mặt trời đã chìm một nữa sau giải đồi xa, tôi chợt nhìn thấy một khuôn cửa hầm hình chữ A bên khóm chuối. Không còn đủ hơi để cất tiếng gọi, tôi thu hết tàn lực, lảo đảo tới miệng hầm, nằm vùi xuống đó...