Chương 6

Nhà bếp đem cho tôi cơm nắm, xôi nếp với muối lạc. Chắc theo lệnh của vị sư phó. Đào Tiễn theo chúng tôi đi tới nửa cây số, ông ta nắm chặt tay tôi, mắt ươn ướt:
- Đồng chí nói chuyện với vợ tôi... và...
- Xin đồng chí yên tâm.
- Thôi lên đường bình an nhá.
Rồi ông ta quay lưng đi, cái đầu chúi về phía trước, điệu bộ cung cúc của những kẻ tận tụy bẩm sinh. Chờ ông ta đi một đoạn, tôi bảo Biền:
- Đi thôi.
Hai chúng tôi lặng lẽ đi, đi mãi cho tới khi khuất hẳn những trái đồi trơ trụi, những mái lán cheo leo với những hàng cỏ gai lưa thưa đâm lên chân trời. Rồi chúng tôi qua những mảnh nương hẹp của dân trong vùng, trồng toàn một thứ sắn còi cọc, thân cây bé bằng chiếc đũa. Non một giờ sau, chúng tôi đến một cánh rừng. Yên trí không còn cặp mắt thứ ba nào nữa, tôi cởi trói cho Biền. Lằn dây dù thắt thành vệt tím bầm trên cổ tay. Tôi ôm nó, nước mắt chảy dài trên má.
Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới lại khóc... từ ngày mẹ tôi khuất núi: “Bãi tha ma làng ngổn ngang những lỗ huyệt cũ và mới, những mảnh ván thối mục, những đám gai cào cào ma, gai trinh nữ... Tôi ngồi rúc trong bụi chuối cổ thụ cuối nghĩa điạ ôm đầu khóc. Họ hàng thân quyến không tìm được tôi. Bận mọi việc tang ma bối rối, mọi người bỏ mặc tôi ra về. Tôi đã khóc. Khóc một lần cho tuổi thơ côi cút. Khóc một lần cho người đàn bà tôi yêu hơn cả thế gian. Tôi khóc no, từ lúc mặt trời ngang đỉnh núi cho tới khi lửa ma trơi lập lòe khắp nghĩa địa, lơ lửng trên các ngọn dứa dại và gai cào cào ma... Bấy giờ tôi mới mò về làng. Năm đó tôi lên tám.
Hai mươi năm qua, giờ tôi mới lại khóc. Nước mắt Biền nhỏ ướt nóng vai tôi. Nó cũng cố nuốt đi tiếng nức nở. Hai chúng tôi âm thầm khóc như thế giờ lâu... Rồi tôi bảo:
- Ngồi xuống đây.
Chúng tôi ngồi bệt xuống rừng trải đầy những lá mục lẫn loài dương xỉ lăn tăn như vảy ốc. Những vệt nước mắt chảy dài trên má Biền đục ngầu bụi đỏ.
Tôi hỏi:
- Giờ mày định sao?
Biền lặng im. Tôi nói tiếp:
- Mày biết vì sao tao mò được tới đây không?... ông Lương ra lệnh đấy.
Biền chau mày:
- Chắc ông Hào hay ông Liệt nói chuyện.
Tôi hỏi lại:
- Giờ định sao?
Biền cúi đầu lau nước mắt vào ống tay áo. Tôi bảo:
- Hay mày về làng mà cưới vợ. Con Vinh chèo chắc chẳng đợi đâu nhưng thiếu gì con gái trẻ. Đàn bà thời chiến, cưới một lúc ba đứa cũng không sao.
Biền lắc đầu. Tôi khuyến khích:
- Tao sẽ lo cho mày giấy chứng thực tình trạng tinh thần không ổn định, cần giải ngũ.
Biền lại lắc đầu. Tôi phân giải:
- Hay mày sợ người ta chê cười?... Về mặt chính trị, chỉ mấy thằng đào ngũ mới nhục. Còn mày, đau ốm, bệnh hoạn, nếu không coi là vinh thì cũng bình thường. Đứa nào lấy mày, nó khắc dần dà hiểu rõ. Lúc ấy, chỉ lo nó sẽ ôm khư khư lấy mày như giữ hũ vàng ròng.
Biền nói:
- Tao chịu thôi.
Tôi gắt:
- Chịu cái gì?
Biền ấp úng:
- Về làng bây giờ... không biết nói năng ra sao... không biết...
Nó cúi mặt xuống, một đường gân đỏ chạy rần rần từ sơn căn lan sang bên trán và thái dương. Nhìn gần mới thấy da nó không còn tươi rói như xưa, lấm tấm những lỗ chân lông đen, những vết sẹo gai cào và sẹo trứng cá. Dưới mi mắt, thịt đã hơi chảy.
Tôi bảo:
- Nói năng gì? Cứ cày sâu cuốc bẫm mà sống, cần gì phải nói?
Biền đáp:
- Nhưng mà... tao nghĩ mãi rồi... không thể được...
Tôi lặng im. Tôi hiểu. Con gà chết tức vì tiếng gáy.
Cùng một lượt ra đi, nay Lương đã ngấp nghểnh cán bộ quân đoàn, đeo hàng cấp tá. Ngang ngược chày bửa như tôi cũng được phong hàm đại úy từ ba năm nay. Chỉ nó vẫn là thượng sĩ... Lại thêm cái án tâm thần. Nó không thể bỏ cuộc về làng, chí ít cũng để tránh điều tiếng. Và... sau nữa... lẩn lút trong những thèm khát của nó... Tôi biết chắc rằng ở đâu đó sâu kín nhất trong tâm hồn ngây dại của gã trai quê, sừng sững một khải-hoàn-môn mộng tưởng... Nó chẳng thể bỏ cuộc. Thà nó rúc ở xó xỉnh nào đó, không ai biết tới trên mặt trận mênh mông trùng điệp này... Nó chờ đợi ngày chiến thắng, khi bước chân rầm rập của đoàn quân bước qua khải-hoàn-môn... Tới lúc ấy, nó lẻn bước theo. Hoặc giả, nó sẽ trở về làng, mượn ánh sáng của thắng lợi để trang hoàng cho cái lịch sử nhỏ mọn và buồn tẻ của bản thân.
Tôi bảo:
- Thôi được, tao sẽ gửi mày sang đơn vị thằng Húc. Một đơn vị đặc nhiệm có kí hiệu M.035.
Biền ngẩng lên:
- Đặc nhiệm à?... Nhiệm vụ gì đây?
- Chính tao cũng chưa rõ. Chỉ nghe nói thôi. Nhưng thằng Húc, đại đội trưởng là chỗ quen biết từ lâu... Giờ, tao đưa mày lên F. Rồi từ đó làm thủ tục...
Biền nói:
- Thế thì tao yên tâm... Cơm đâu mày, lấy ra ăn không tao đói.
Tôi bỏ túi thực phẩm, nhìn nó xăm xắm ăn... Tôi thương tiếc gã má hồng môi đỏ ngày xưa, đã từng gánh trăm gánh lúa mỗi ngày, đã từng gác chân lên chân tôi để ước ao chuyện tình ái giữa các thần linh, với tâm hồn trong trắng và hùng vĩ...
Khi tôi đặt chân lên đồng bằng tỉnh Thanh, trời bỗng đổ mưa rào. Bốn phương trắng xóa. Có lẽ đó là nước mắt nhớ thương của mẹ tôi dưới mồ đã hiển hiện về. Những người qua đường ngạc nhiên thấy tôi đi lừng lững dưới mưa, không áo, không mũ. Thân thể và tâm hồn tôi đầm nước.
Lính tráng bao giờ cũng thêu dệt trong tưởng tượng mọi cảnh mặn nồng về ngày trở lại. Quê hương, tóm gọn trong hai từ ấy là tất cả những gì anh đã từng hít thở, từng ôm ấp, từng thờ phụng. Nhưng tôi không còn tình cảm ấy. Mẹ tôi chết từ lâu. Cha tôi, với tôi luôn luôn là người xa lạ.
Tôi nhớ không nguôi ngày xách bọc áo quần đưa mẹ lên chùa đẻ. Cơn đau quằn quại khiến mẹ tôi gục mặt xuống đất đầu tóc lấm lem bụi cát và cỏ khô, mồ hôi ướt đẫm tấm lưng, cái bụng nở phồng như bụng ếch nhô lên dưới vạt áo vỏ dà...
Trong những lời kêu la, có lần mẹ thét: “ối anh ơi, anh ở đâu mà để mẹ con tôi khổ sở thế này... Anh ơi i i..." Tôi biết mẹ gọi tên một người đàn ông nào đó. Người ấy là cha tôi.Từ hôm ấy, tâm hồn non dại của đứa bé lên năm ngóng chờ. Ngóng chờ, một chút tò mò xen lẫn chút tự hào, xen lẫn chút ganh tị. Cái người tôi gọi là cha ấy chắc được mẹ yêu hơn cả tôi...
Tuy thế, mỗi khi bọn trẻ hàng xóm hoạnh hoẹ, tôi thường giơ ngón tay cái lên: “Sư nhà mày, cứ chờ đấy nhá... bố ông về rồi biết tay… Vỗ lộp độp lên ngang hông, tôi bảo: “Bố tao đeo súng lục ở đây này này... Rút ra bắn: “pằng pằng” sáu viên liền, chết từ ông bà mày đến anh chút chi chít của mày nữa...”
Thằng Quang em tôi mới đầy tuổi, bám đít tôi nghe thế cũng bập bẹ: “pằm pằm” theo.
Em Quang tôi được một tuổi rưỡi thì hòa bình. Làng tôi ở, thuộc vùng tự do nên các đêm vui được tố chức liên miên. Những đoàn người nắm tay nhau mê man nhảy múa bên đống lửa:
"Thắm thiết tình Việt-Trung-Sô.
Đế quốc nghe một nỗi lo
Lo vì tình người lao động... "
Rồi một tối nhá nhem, người đàn ông tôi mong đợi đã về: Một chú bộ đội vác ba-lô, đội mũ bọc vải, người nồng nặc mùi thuốc lào và mồ hôi. Mẹ kêu lên, chạy vào buồng ôm mặt khóc. Chú bộ đội chạy vào theo:
- Mình nín đi, mình...
Hai anh em tôi nắm chặt tay nhau, đứng ngơ ngẩn ở ngưỡng cửa. Lát sau, mẹ vùng chạy ra:
- Quân ơi, Quân... bế em vào chào bố...
Mẹ thắp đèn. Chú bộ đội tay bế thằng Quang, tay níu vai tôi:
- Ra đây với bố...
Mùi mồ hôi và thuốc lào lạ hoắc. Tôi dằng khỏi tay ông. Ông nhìn tôi cười:
- Lạ hả?... Bố bận đi đánh giặc. Lại đây rồi bố con mình làm quen nhau...
Lúc ấy, vẻ mặt ông dễ chịu.
Tối, nhà tôi chật khách. Mẹ tôi nấu ba ấm chè xanh, bày năm bảy kẹo lạc. Anh bộ đội đã trở về. Tiếng cười râm ran từ tối đến nửa đêm. Hai anh em tôi ngủ rồi, khách còn ngồi chuyện dòn như pháo...
Ba bốn hôm sau mẹ tôi lại khóc. Nhưng không khóc vì sung sướng. Lúc ấy đã xế chiều. Hai người ngồi đối mặt nhau qua chiếc bàn kê giữa đôi tràng kỷ trúc. Mặt bố tôi hầm hầm, ông cầm chiếc bật lửa gõ cành cạch xuống bàn.
Mẹ tôi vừa quệt nước mắt lã chã rơi, vừa nói:
- Đường xa như thế, bọn lính bên tề đi vơ vẩn luôn, tôi mới nhờ chú ấy đưa một đoạn...
Bố tôi đập cái bật lửa xuống:
- Thôi đi i
Mẹ tôi òa nức nở:
- Khốn khổ thân tôi thế này...
Thằng Quang nằm trong lòng mẹ bỗng thức giấc nhỏm dậy. Mẹ tôi vừa lau nước mắt vừa dỗ dành nó. Trong lúc cặp mày bố tôi chau lại thành vết đen trên tinh mũi, hai mép ông rung rung, tôi len lén bước lại gần mẹ nắm vạt áo. Mẹ ghì đầu tôi vào lòng, hôn hít, nước mắt mẹ rơi đầy mặt tôi:
- Quân ơi, mẹ con mình khốn khổ chưa?... Lúc đói khát, lúc qua sông vượt cạn chỉ thui thủi một mẹ một con, đồng xu dính túi không có... Nay tưởng tới lúc yên lành thì sự lại sinh.
Tôi không biết nói gì. Tôi vuốt ve hai bên má ướt đẫm của mẹ. Bố tôi hầm hầm bước ra sân. Tôi nhìn theo ông, vụt tan biến chút cảm tình cỏn con vừa nhen nhúm. Lúc ấy, với tôi, ông là một gã khổng lồ độc ác, một lực lượng hùng vĩ nhưng chỉ đáng để căm thù.
Những cuộc cãi vã ngày một nhiều hơn. Mẹ tôi khóc nhiều hơn. Dần dà, mẹ không nức nở mà chỉ ngồi lặng thinh, nước mắt âm thầm chảy. Tôi đã nhiều lần thấy dòng lệ câm lặng khi mẹ ngồi cời lửa, khi mẹ ngồi sàng gạo, khi mẹ nhổ cỏ vườn. Mắt mẹ thờ thẫn nhìn đâu đó... Trái tim nhỏ của tôi run lên. Nhưng tôi bất lực. Dẫu sao tôi cũng chỉ là một thằng bé con chưa tròn bảy tuổi.
Qua năm sau, mẹ tôi mất sau trận cảm hàn. Người ta bảo tại mẹ tôi tham việc quá. Nhưng tôi không chiụ tin điều đó. Trong trí nhớ nguyên vẹn của tôi, có một người đàn bà xinh đẹp mặn mà, tiếng cười lanh lảnh. Một người đàn bà trong bất kỳ cơn khốn cùng nào cũng giữ được gương mặt nhẫn nại, tươi rói. Người ấy yêu thương chúng tôi không mệt mỏi. Người ấy cho chúng tôi sinh lực nồng ấm không mệt mỏi. Càng cho lại càng đầy...
Người ấy đã chết, đã bắt đầu sự chết khi hai vệt lông mày của bố tôi nhíu trên tinh mũi, khi cái bật lửa có bánh xe khoá của ông gõ cành cạch xuống bàn. Sự chết được hoàn tất sau mười tám tháng não nề, dài dặc, cuộc hành trình qua những dòng nước mắt.
Từ ngày mẹ tôi chết, bố tôi sống như cái bóng. ông nuôi hai chúng tôi, chăm sóc vừa phải như mọi người bố nhưng ơ hờ. Có lẽ ông cảm thấy giữa ông và tôi, đứa con trai lớn, có mơ hồ một bóng đen thù hận. Tôi không cãi ông, không trái lời ông nhưng không khi nào nhìn vào mắt ông.
Ba năm sau ông lấy vợ, một cô gái già ba mươi tư tuổi, người đòn đòn như con cá rô đực. Hình như họ chẳng yêu đương nhau cho lắm. Được năm năm, không có con chung, dì ghẻ tôi bỏ lên thành phố buôn chuyến. Năm ấy tôi mười sáu.
Người làng kể cho tôi nghe chuyện cũ: Bố tôi cả ghen nên mất trí.
Hồi em Quang tôi bảy tháng, mẹ tôi không biết vay ai gạo mà sống nên đành gửi con cho hàng xóm, liều mạng vượt vào vùng tề tìm ông bà ngoại. Đường xa nguy hiểm, bọn cướp thì ít nhưng tụi lính đểu thì nhiều. Mẹ tôi nhờ chú Quyến đi theo. Chú Quyến ở cuối làng, mồ côi, nghèo rớt mồng tơi nhưng được cái sáng dạ và biết chơi tay thước. Chú đưa mẹ tôi tới giáp Rãnh rồi quay lại. Chuyến ấy mẹ tôi được ông bà ngoại trợ cấp kha khá tiền. Về làng, mẹ đãi chú Quyến ba gánh thóc... "Đàn bà, một nách hai con, đứa ấp đứa bú, cấy cày không được, những lo ăn lo mặc đã quắt cả gan, còn hơi sức đâu mà đú đởn... Chẳng qua vì lão Hán, anh họ bố mày vay thóc không được nên đặt điều phá chơi..." Chuyện kể thủng thẳng như mái tranh ngày mưa nhỏ giọt. Sau này, tôi nghiệm rằng mọi tội ác và sự đểu giả của con người đều diễn ra một cách bình thản, đủng đỉnh như mưa nhỏ từ mái tranh...
Năm tôi mười tám tròn, nhập ngũ, bố tôi bảo: "Trước khi đi, mày có ra đồng thắp hương cho mẹ hay không?" Tôi chợt bùng cơn uất đáp: “Không!” Mặt bố tôi tái xám. ông cười gằn, lẳng lặng cầm cây cuốc mỏng ra nạo cỏ vườn. Tôi nhìn cái lưng gù gù của ông, tự hỏi: “không hiểu cơn gió nào đã đẩy mẹ tôi vào tay ông, để đến nông nỗi tủi hờn như thế. Mẹ tôi vốn gốc dân Hà nội. Ông ngoại tôi dạy tiểu học. Bà ngoại là thợ thêu. Hai anh em tôi giống bố một cách khốn khổ. Đến nỗi thấy thằng con trai nào giống mẹ là tôi lại thèm.
Đêm hôm ấy, tôi mua hương hoa ra bãi tha ma làng. Nghĩa địa lập lòe lửa ma trơi. Gió thổi những đóm lửa ma phiêu diêu, lúc tung bông lưng trời, lúc là là trên cỏ. Tôi đặt hoa rồi cắm hương trước mộ. Cả nắm hương cháy đỏ như than trong lò. Tôi nhìn những ngọn cỏ leo phơ phất trong ánh lửa tím hồng, mơ tưởng thêm một lần úp mặt vào mái tóc nồng mùi hương như lá xả...
Khi tôi ra về, một bóng đen lù lù làm tôi giật thốt! Bố tôi đứng cách tôi vài bước chân, núp sau bụi dứa hoang. Tôi không nói gì cả. Ông cũng lặng im. Cho đến tận sáng hôm sau, khi tiếng trống làm náo loạn làng xóm...
Tôi đến làng lúc trời nhá nhem. Kéo sụp mũ xuống trán, tôi đi thẳng về nhà, cầu trời khấn phật đừng gặp ai. Tôi đang đau bụng muốn chết! May thay, đường làng vắng teo. Lũ trẻ đã dong trâu về chuồng và mọi nhà đang xáo xác chuẩn bị bữa cơm tối. Nhà tôi tối om. Bố tôi chưa thắp đèn.
Đặt ba-lô xuống gốc cau, tôi chạy thẳng ra cầu tiêu ở ngoài vườn. Lối đi vẫn như cũ. Cây cối vẫn như cũ. Tôi bước lên mấy cái bậc cầu tiêu, thoáng có cảm giác như mình vẫn còn là thằng bé mười năm trước. Lát sau, xong xuôi, tôi vào giếng múc nước rửa. Trong nhà, có tiếng bố tôi quát vọng ra:
- Con nhà Si tắm phải không?
Tôi im lặng, tiếp tục thả gầu xuống. Tiếng gầu xúc nước lõm tõm vọng lên. Bố tôi làu bàu:
- Đúng là đồ giặc cái! Cứ ầm ầm như thế thì đến lở cả giếng nhà người ta ra...
Nghe giọng nói, tôi biết bố tôi đã yếu đi nhiều. Ngày xưa, ông không làu bàu như thế. Có thể, thay vì mắng chửi, ông sẽ lẳng lặng đi ra bợp cho con bé hàng xóm một cú long óc.
Rửa mặt xong, tôi lại gốc cau lấy ba-lô rồi vào nhà. Bố tôi đang ăn cơm, không đèn không lứa. Tôi hỏi:
- Bố ăn cơm à?
Ông quay ra, ngưng một phút rồi hỏi:
- Quân phải không? Mày mới về?...
- Vâng, con vừa về.
Giọng tôi vang khắp mấy gian nhà. Tôi hỏi thêm:
- Sao bố không thắp đèn lên?
- Có mấy con nhộng với bát canh, thắp đèn làm gì cho muỗi?
Tôi ngồi xuống phản. Bóng tối ngập tràn mắt tôi. Một gợn sóng chua cay trong tim trào lên. ông ấy là bố tôi. Hồi mẹ tôi còn sống, kinh tế gia đình một tay mẹ nắm: Phần nhà ngoại viện trợ, phần mẹ xoay sở vừa làm vườn, vừa làm ruộng, vừa chung vốn đi buôn với mấy người bạn gái...
Từ ngày mẹ tôi mất, cảnh nhà lụn bại dần. Bố tôi không phải là loại người có đầu óc. Cả đời, ông ấy chỉ cày khi bốn nhà xung quanh rủ ông cày, chỉ giồng khoai tây khi cả làng đã giồng khoai tây... Đi theo voi, hít được bã mía. Thứ nhẫn nại của đám người như thế, không mấy hơn sự nhẫn nại của con bò... Nhưng ông ấy là bố tôi...
- Bố buồn cười nhỉ! Sống dầu đèn, chết kèn trống...
Tôi gắt. Bố tôi ngồi lặng thinh lúc lâu, rồi đáp:
- Nhà hết dầu mấy hôm rồi. Tao chưa được lĩnh lương hưu.
A... Tôi sực nhớ món tiền còm trả cho anh cán bộ thời kháng Pháp. Tôi hỏi:
- Lương bố bây giờ được bao nhiêu?
- Cũng đủ mua được sáu lít dầu.
- Thôi, bố ăn cơm xong, con sang bên bác Hưởng mượn cây đèn.
Tôi chải lại dầu, bước qua hàng dậu sang nhà Lương. Nhà anh đang ăn cơm, sáu bảy người xúm xít quanh mâm, trên đầu treo cây đèn ba dây bóng thủy tinh lau muội trong suốt ánh sáng ấm, khác hẳn thứ ánh sáng của đèn nê-ông ngoài thành phố.
Bác Hưởng trai thấy tôi, tíu tít sai con cháu lấy thêm bát đũa, rót rượu. Bác gái xăng xở chạy quanh nói nói cười cười. Tôi phải trình bày kỹ lưỡng là tôi đã bị ép mua mấy quả trứng thiu trên ô-tô thế nào, bị đau bụng ra sao... hai ông bà mới chiụ ngồi im. Cả nhà mắt sáng rực hau háu nhìn vào miệng tôi, chờ đợi. Lương là con trưởng, được cả bố mẹ lẫn các em kính nể. Mặc dầu vắng mặt, anh vẫn là linh hồn của gia đình họ Lê.
Tôi bắt đầu kể về Lương... Lúc ấy, lục tục bên hàng xóm có người kéo sang. Rồi người nọ gọi người kia, chỉ mươi phút sau, cả làng đã tụ tập đông đủ. Bố tôi cũng sang, ông ngồi ngoài thềm với mẹ con chị Si. Bác Hưởng sai đốt thêm hai cây đèn nữa. Cả trong nhà lẫn ngoài sân sáng choang. Tôi đứng giữa vòng vây, lần lượt trả lời câu hỏi của mọi người.
Từ mặt trận bên Đông sang mặt trận bên Tây. Từ chiến trường A qua chiến trường B, chiến trường C, chiến trường mang mật danh X... Chuyện tôi biết, chuyện tôi nghe kể, chuyện tôi mường tượng ra. Mặt trận mênh mông trải trên còi đất, số phận con người cũng mênh mông trong các bước thăng trầm... Ở làng này, lính tráng rải khắp nơi, chẳng nơi não thiếu mặt.
Mười hai giờ rưỡi đêm, khách khứa mới chịu về hết.
Một mình tôi ngồi với bác Hưởng giữa sân. Bác Hưởng bảo:
- Bố mày dạo này lẩn thẩn rồi... Không chiụ làm ăn gì cả suốt ngày ngồi nhìn ngọn cau, không thì lại ra bãi tha ma.
Tôi nói:
- Sao bỗng dưng ông cụ dở chứng ra như vậy?... Năm ngoái, thằng Quang viết thư cho cháu báo tin ông cụ vẫn cày cấy bình thường.
Bác Hưởng sửng sốt nhìn tôi. Trí não tôi chợt tê buốt. Ông già cúi xuống, lấy thanh đóm gạt mãi chiếc nõ điếu. Tôi im lặng chờ đợi. Cuối cùng, ông nói:
- Có nhẽ ở mặt trận cháu không biết. Em cháu đã có giấy báo tử rồi... Giấy báo tử đến xã hồi tháng năm...
"Thế là hết!..." Tôi cười nhạt. Rồi tôi đứng lên:
- Bác cho cháu mượn cây đèn.
Tôi xách cây đèn ra về. Ông già bước theo đến bờ dậu:
- Mai bác sang.
Tôi đáp:
- Vâng.
Vào nhà, tôi đặt cây dèn lên bàn thờ. Rồi, tôi bó gối ngồi nhìn đăm đăm cái đốm lửa vàng vui vẻ kia như một kẻ mất trí. “Thế là hết... hết hẳn..." Trí não tôi lặp lại. Một tiếng vang âm u như tiếng vang trong hậu cung chùa. Tôi chợt nhận thấy hai tay tôi run lên. Rồi cả hai cánh tay, hai chân. Sau cùng, toàn thân tôi run bần bật như đang bị hành hạ bởi con sốt ác tính. Tiếng thét rợn hồn trong cơn sinh nở của mẹ vụt xé trong tôi. Cái chậu sành sóng sánh nước. Bàn chân đỏ hỏn của đứa em trai quẫy đạp... Quẫy đạp… Nó mất công quẫy đạp như thế để làm gì?... Cuối cùng, cái chết đã nhặt nó đi, như nhặt mảnh giẻ rách vương trên nẻo đường lắm bụi...
- Pho pho pho... Phi pho, phi pho...
Bố tôi bắt dầu cất tiếng ngáy. Cằm ông trễ xuống, râu đã bạc, ánh đèn chấm một vệt bóng trên chóp mũi.
- Phi pho, phi pho pho...
Giờ thì ông ngáy vang như sấm. Chỗ xương vai nhô lên thụt xuống đều đều theo nhịp thở. Gương mặt ông lấp trong bóng tối. Giấc ngủ an nhiên. Ngọn lửa vàng nhảy nhót không ngừng, đùa dỡn, xoay bồng bềnh làn ánh sáng ấm áp trong không gian quạnh hiu của mấy gian nhà, cái bàn thờ rộng rỉnh, phủ bụi, lờ mờ bóng mấy cây giá nến đồng với cái đỉnh đen ám khói, một nhành hoa giấy trong cái cốc, bẩn thỉu vì muội lửa và vì dán gặm... Tôi nhìn không rời ngọn lửa đèn... ngọn đèn mượn nhà người khác...
- Phi pho... phi pho pho....
Tiếng ngáy đổ hồi. Toàn thân tôi vẫn run lên, không ngừng run lên trong cơn bức xúc. Chưa bao giờ tôi run đến như vậy. Lính tráng lẫn các cấp chỉ huy gọi tôi là "Quân lý".
Anh em nửa sợ nửa khoái. Cấp trên nửa gờm nửa ghét. Hiểm nguy, đói khát, máu chảy... tất cả đã no nê đến tận cùng...
Chưa bao giờ tôi run như thế. Tôi kinh hoảng vì thấy như cơ thể tôi sắp chồm lên - như con hổ vồ mồi, sắp nhào xuống - như con rái cá vọt xuống nước, sắp làm điều gì đó... mà tôi cũng không thể biết... Tôi không nhìn ngọn đèn mà cúi nhìn xuống chân tay mình, kinh hoảng vì chúng tựa như tay chân ai đó, không kiểm soát được...
- Phi pho... phi pho pho...
Tiếng ngáy lại dội lên lần nữa... Lần này, cây kim trên cán cân đã lệch sang bên phải. Tôi chồm đến phản:
- Bố...
Ông cụ ú ớ. Tôi đập vào vai bố tôi, gọi dồn dập:
- Bố dậy... bố dậy ngay...
Tôi không hiểu vì sao tôi làm như vậy. Nhưng nếu không làm như vậy, chắc tôi sẽ điên. Hoặc tôi sẽ cởi trần truồng cắm cổ chạy ra cánh đồng, hoặc tôi sẽ vác dao chặt hết hàng cau trước nhà, hoặc tôi sẽ đạp đổ bức thành để lấp giếng. Có lẽ đó là sự lựa chọn theo bản năng:
- Bố ngồi dậy cho con hỏi...
Ông cụ ngồi dậy, đưa tay dụi mắt. Mắt ông đỏ kè. Bố tôi thuộc loại người u mê trong giấc ngủ. Những ông già khác không như thế. Họ thường ít ngủ, tỉnh táo, dường như trong chặng cuối, năng lượng sống của họ dồn tụ lại các giác quan. Họ muốn thâu nhận mọi tín hiệu của cuộc đời trước khi từ giã nó...
Bố tôi ngáp liền bốn năm cái, rồi bảo:
- Đưa tao cái điếu cày.
Tôi đem chiếc điếu lại cho ông. Bố tôi rít một hơi thuốc dài, rồi hỏi:
- Chuyện gì thế?
Tôi nhìn mặt ông. Nó như bức tường, không phản chiếu điều gì. Một vẻ cù lì thâm căn cố đế. Chân tay tôi vẫn run bần bật. Phải tự chế ngự lắm tôi mới giữ được một giọng nói bình thường:
- Giấy báo tử của em con đâu?
Ông cụ ngồi im vài giây. Rồi bố tôi đứng lên, đi đến bàn thờ, rút dưới chân cây giá nến đồng bên trái một chiếc phong bì mang lại cho tôi.
- Đây!
Chiếc phong bì nhẹ bỗng trên tay tôi. Loại phong bì cẩu thả gập bằng giấy xấu, hồ dán lem nhem ngoại mép, sờ nham nháp vì bụi.
Bố tôi lại ngồi xuống phản, vớ cây điếu.
Tôi bảo:
- Bố hút như thế đủ rồi... cho con hỏi chuyện đã.
Ông cụ ném thanh đóm xuống phản:
- Hỏi gì thì hỏi đi.
Tôi thấy ruột đau căn cắt... Tôi hỏi:
- Sao bố lại bình thản như thế?
Bố tôi cau mày hỏi lại tôi:
- Thế mày bảo tao phải như thế nào?...
Tôi im lặng. Có lẽ ông cụ không bao giờ hiểu điều tôi muốn nói. Chúng tôi mãi mãi là những kẻ xa lạ với nhau. Như hai mảnh dầm trong hai cánh đồng, không đòng mương, con lạch nào nối lại. Quang đã chết. Sợi dây liên lạc cuối cùng giữa chúng tôi đã đứt...
Tôi nói:
- Con nghĩ, bố phải hiểu vì sao thằng Quang vào bộ đội?
- Thế mày?... mày vào bộ đội vì cái gì?
- Con làm nhiệm vụ với đất nước.
Bố tôi cau có:
- Dễ thằng Quang nó không nghĩ được như mày?
Tôi nói:
- Gia đình ta chưa có ai góp phần xương máu trong chiến tranh chống Mỹ. Con là đứa con lớn, con phải đi... Nhưng thằng Quang lại khác. Nó học toán giỏi thứ nhì trong tỉnh và vẫn ước ao theo nghề điện toán... Dạo ấy, con đã viết thư về...
Bố tôi cắm cảu:
- Thư từ gì, tao không biết.
- Bố có biết nhưng giờ bố không chịu nhận.
- Mày vu vạ cho tao hả?....
- Không. Con đã nhận thư thằng Quang. Nó viết rằng nó muốn đi học điện toán nhưng bố động viên nó đi bộ đội. Bố bảo:” Thời chiến, chỉ đi bộ đội mới có tương lai...” Họp chi bộ, bố xung phong ghi tên động viên một trăm phần trăm con cái lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Lúc nhận thư nó, con đang ở Tà chống.
Bố tôi cắm mặt xuống nhìn cái nõ cày. Tôi nói tiếp:
- Con đã viết thư về ngay cho em Quang... Nhưng chắc đường giao liên tắt... Nó đã lên đường...
Bố tôi vẫn đăm đăm nhìn cái nõ cày, bàn tay trái lần sờ thanh đóm. Tôi nói thêm:
- Không ai có được trí nhớ ghê gớm như nó... Nếu không, nó có thể trở thành một người...
Bỗng dưng, tôi không thể nói được nữa. Phần vì tôi nghẹn ngào, phần khác tôi bỗng hiểu nói với bố tôi là việc vô nghĩa... Tôi bỏ dở câu chuyện, đi ra sân.
Dãy cau giăng hàng đứng trong đêm như những chiếc bóng thân ái, u sầu. Tôi ngồi xuống thềm đá... “Em ơi...” Hình dung lại cái bóng nhỏ lũn cũn của nó ngày thơ ấu, những ngày cơ cực, nó đeo lấy cổ tôi như một con ếch và chúng tôi lẵng nhẵng tha lôi nhau từ vệ đường, gốc ổi cho tới sân đình. Tại sao nó lại tuân thủ người cha cộc cằn thiểu trí như cha tôi?... Cái thằng bé ngay từ phút chào đời đã quẫy đạp dữ dội khiến nước trong chiếc chậu sành bắn tung tóe?... Thế là hết... Tất cả đã quá muộn." Bức thư rủi ro của tôi nằm mắc ở chặng đường nào đó khi gặp cơn mưa lũ, hoặc bi vứt bỏ ở một binh trạm vô danh khi người giao liên hy sinh. Đã quá muộn, cái ước mong khôi phục lại sự hưng thịnh của gia đình, dòng giống. Em trai tôi thông minh, nó có thể trở thành một con người xứng đáng trong xã hội an bình... Tất cả đã được quyết định vào một khoảnh khắc, khi người cha giơ cánh tay lên trong cuộc họp chi bộ: "Tôi xin xung phong động viên một trăm phần trăm con cái lên đường...” Toàn bộ gia sản ký cược vào canh bạc binh đao!
Hóa ra, con người dù đầu óc tối tăm đến đâu cũng không chịu từ bỏ dục vọng. Bố tôi muốn xí phần vinh quang trong bữa tiệc chiến thắng ngày mai...
Gà gáy canh một. Con gà trống siêng năng nào từ xóm trại gáy vọng vào. Sau đó, gà trong làng nhất loạt hòa tấu theo. Một ngôi sao xanh lợt nhấp nháy làm tóa ra những tia sáng màu mạ non. Tôi nhớ mẹ điên cuồng. Hàng cau làm tôi nhớ mẹ diên cuồng. Những chiều lãng đãng, hoa cau cải xuống thềm, mẹ tắm cho tôi trong chiếc chậu đồng sóng sánh thứ nước thơm hương bưởi. Nếu mẹ tôi còn, cuộc đời sẽ khác.
Một khi tôi đã đi bộ đội, Quang sẽ ở nhà.
Với người mẹ, không có thứ vinh quang nào sánh bằng sự tồn tại của đứa con, không có thứ giáo lý nào cao cả bằng việc làm cho con hạnh phúc. Nhưng ở làng này, quyền uy thuộc người cha. "Thời chiến, đi bộ đội có tương lai hơn cả..." Bố tôi đã kết luận!
- Cúc cù cu cu cu …
Gà gáy canh hai. Lần này, từ xóm tôi lan ra khắp làng.
Ngôi sao màu lá mạ đã biến khỏi chân trời, thay vào đó là làn khói nhè nhẹ bay vì cơn gió xua đuối. Hàng cau khẽ rì rầm xoa dịu nỗi đau của tôi và làm mờ cái ý định vừa nảy sinh: “Dù định tự hủy hoại thân mình..” Có lẽ, sẽ còn một cái gì đây... Tôi cô độc. Nhưng tôi mong muốn tôi sẽ tìm được một cái gì đấy, sau những mất mát...
Sáng hôm sau, bà Nhàn mang đến một thúng quà: Nào xôi nào chuối, nào bánh gai, bánh cốm. Tôi vừa ngủ được một giờ đồng hồ, bố tôi đã đánh thức dậy:
- Dậy, bà Nhàn sang kia kìa... Đội cả thúng gạo chắc...
Mắt tôi cay xè. Bà Nhàn đon đả từ ngoài sân:
- Anh Quân đã dậy chưa đấy?... Tôi quấy quả đây...
Tôi thèm ngủ nhưng phải ngồi dậy tiếp khách. Tôi nói:
- Bác Nhàn đem lễ sang ăn hỏi chắc? Tiếc là cháu không phải con gái đồng trinh!
Bà Nhàn cười tít:
- Có đáng gì đâu?... Xôi chuối để anh ăn sáng. Còn bánh cốm bánh gai, nhân thể tôi đặt cưới con Thoa. Sáng ngày kia, mời cả bố con sang dự.
Tôi sửng sốt:
- Con Thoa mà lấy chồng!?
- Nó mười tám rồi còn gì?... A, mười tám tuổi ta, mười bảy tuổi tây. Nhưng nhà trai muốn cưới thì tôi cho cưới.
- Kinh thật! Hồi cháu với thằng Biền đi, nó còn trèo lên cổ cháu chơi trò cưỡi ngựa.
Bà Nhàn gật đầu:
- Kinh chứ sao không kinh? Tháng, năm, thấm thoát thoi đưa mà. Anh soi gương mà xem, vết chân chim đầy hai đuôi mắt rồi đấy! Lần này về, có cưới vợ không tôi góp trăm cau?
Tôi cười:
- Bác hãy lo cưới vợ cho thằng Biền trước. Biết đâu sang năm nó chẳng đùng đùng về phép?
- Chẳng phải lo. Nó cứ đặt chân đến đầu làng là tôi khắc lo xong mọi chuyện.
Tôi hỏi:
- Cô vinh chèo làng Xuân viễn à?
Bà Nhàn bĩu môi:
- Các cậu cứ tưởng bở! Nó lấy chồng tám năm nay, tay bồng tay bế lại còn lẵng nhẳng hai đứa nữa sau lưng.
Tôi cười:
- Đẻ gì mà khiếp thế!
- Tám năm bốn đứa con có gì mà khiếp? Tướng con ấy mắn như gà ri: đít cong chân ngắn, đẻ cho hết trứng cũng ngót nghét hai chục... Nhưng tiếc gì nó? Cả anh, cả thằng Biền cứ về làng vơ tay trái cũng được dăm cô... Nhưng thôi, chuyện vợ con hãy gác lại đã, tôi sốt ruột quá, chẳng thấy thằng Biền viết thư về...
Tôi bảo:
- Cháu vừa gặp nó cách đây mười một ngày...
Mắt bà Nhàn sáng rực:
- Thế à! Phúc đúc quá! Nó có nhắn gì tôi không?
- Nó vội quá không viết thư kịp. Nó gửi lời cho cháu, mong hai bác và cả nhà bình an.
Mũi bà đỏ huẩy, hai tròng mắt đã rân rấn nước:
- Nó mong cả nhà bình an!... Thực là người leo cây lo cho người đứng dưới gốc. Chúng tôi mong nó bình an mới phải, nó ở nơi mũi tên hòn đạn, biết sống chết lúc nào?
Bà sụt sịt, lấy khăn tay lau mũi. Tôi pha trò. Rồi mô tả cảnh tượng đời sống chúng tôi: Có gian khổ nhưng luôn luôn vui, cơm ăn áo mặc không thiếu thứ gì, lại có văn công văn nghệ lưu động phục vụ các mặt trận... Tóm lại, tất cả những khía cạnh tươi sáng nhất của cuộc sống thời chiến...Bà Nhàn nghe một lúc, tỏ vẻ an tâm. Bà xếp bánh trái lên bàn, te tái:
- Tôi đi chợ đây. Tối, anh sang uống rượu với ông Biên nhà tôi nhé... ông ấy dặn anh nhất thiết phải sang chơi.
- Vâng, cháu cũng muốn gặp bác trai.
Bà chào bố tôi rồi cắp thúng đi.
Tôi ngủ lại. Khoảng sáu giờ chiều tôi mới thức giấc.
Tựa hồ kẻ lặn dưới nước lâu vừa ngoi lên, tôi hít thở hoài hoài làn không khí nhẹ bỗng nơi làng thôn. Mọi thứ hương của cỏ cây, hoa trái hòa trộn với mùi xú uế, mùi bùn, mùi súc vật tạo thành thứ mùi quen thuộc, thú mùi đã tẩm đẫm vào tôi từ thuở ấu thơ.
Bố tôi hỏi:
- Mày ăn cơm không, tao nấu?
- Con đã hẹn sang nhà ông Biên.
- Thế thì tao cũng sang cụ Chấn ăn tiết canh cháo lòng. Nhà cụ ấy hôm nay ngả lợn.
- Vâng.
- Khóa cửa rồi hãy đi. Chìa khóa đem qua nhà cụ Chấn cho tao.
- Nhà có gì nữa mà phải khóa?
- Dạo này hay có trộm vặt. Mâm thau, nồi, xoong nó cũng lấy.
Thế thì con cũng đi luôn. Bố khóa cửa mà giữ lấy chìa.
Tôi đi trước. Bố tôi kì cạch khóa rồi đi sau. Chúng tôi cùng đi một đoạn đường nhưng chẳng ai nói với ai một lời nào. Rồi bố tôi rẽ vào nhà cụ lang Chấn. Tôi đi thẳng đến nhà ông Biên.
Tòa nhà ông Biên khang trang vào loại nhất làng. Thềm năm bậc lát đá, hiên rộng có hàng cột đỡ. Ở căn nhà ngang, ông vượt lên hai gian gác, đổ mái bằng, chạy những đường hoa văn tỉ mỉ trông vui mắt. Lúc tôi đến, cơm nước đã sẵn sàng, đèn thắp sáng choang.
Bà Nhàn trách:
- Anh sang chậm thế, suýt nữa tôi bắt con Thoa đi đón.
Tôi cười, tạ lỗi:
- Cháu ngủ quên.
Lúc ấy, một cô bé má hồng, mắt đen nhanh nhánh đứng ôm cây cột bên hàng hiên, ngước lên:
- Anh Quân trông lạ ghê!
Tôi quay lại, chưa kịp nhận ra ai thì bà Nhàn đã nói đón:
- Con Thoa đấy... Chào anh chưa?
Thay vì chào, cô bé lè lưỡi ra. Tôi bật cười:
- Mày vẫn nghịch thế mà hai ngày nữa đã lấy chồng rồi
Thoa đỏ bừng mặt, cười khanh khách:
- Nghịch là một việc, lấy chồng là một việc chứ anh?... Thiên hạ thích lấy em thì em cho nó lấy...
Lúc ấy, ông Biên bước ra:
- Vào đi anh Quân...
Ông bảo tôi, đoạn quay lại mắng con:
- Con ranh này, lại dám trêu anh Quân... Hỗn...
Thoa nháy mắt với tôi rồi chạy biến ra ngõ. Lúc ấy, tôi mới nhận thấy nó đã thành một thiếu nữ, xinh đẹp không ngờ! ông Biên dắt tôi lên mâm rượu, chỉ có hai ông bà và tôi. Đám con cái dọn mâm riêng, ăn dưới nhà ngang. Bà Nhàn rót rượu ra ba cái chén sứ trắng nõn:
- Rượu thuốc đấy anh Quân ạ. Các anh uống thì tốt lắm.
Ông Biên liếc bà:
- Thế bà uống có tốt không?
Họ nhìn nhau đồng lõa, cùng cười. Không trách đám đàn bà trong làng ghen lồng lộn với bà Nhàn! Riêng việc bà cứ ngồi sánh vai với chồng uống rượu tiếp các loại khách, từ bậc lão trượng xuống hàng con cháu đã đủ cho mấy người đàn bà suốt đời ngồi ăn vụng, uống lén dưới bếp phải tím ruột bầm gan.
Hôm ấy cuối tháng nên bà Nhàn thịt hai con vịt. Làm hai cử tiết canh. Một con vịt hầm hạt sen, một con luộc chấm muối giã tỏi. Con nào con nấy ngót nghét ba cân. Rau thơm để tràn ra cả vành mâm. Loại trừ thứ chén sứ uống rượu và loại bát thường dùng, mâm cỗ ấy khiến tôi nghĩ là mâm cỗ đãi Trí Thâm hoặc Lý Quỳ tái sinh!
Ông Biên bảo:
- Anh Quân dùng tay nhé. Nhà tôi thích ăn thế cho tiện. Kí ca kí cách chặt tốn thì giờ mà nước thịt chảy ra ăn mất ngon... Nào, bà nó dùng đi... Anh Quân dùng đi... đừng
khách khí...
Nói đoạn, ông vặt cánh con vịt luộc, chấm muối, ăn ngon lành.
Chuyện của chúng tôi lan man từ việc làng sang việc nước. Không thấy ông Biên hỏi gì tới thằng con trai. Ông có mười sáu đứa con, sáu trai, mười gái. Biền là con trai trưởng, ngày đẻ cu cậu, ông ngả con lợn ngót tạ đãi họ hàng. Tôi xa nhà đã lâu nên nghe hai ông bà kể chuyện về những người lân bang, họ mạc cứ như nghe kể chuyện cổ tích. Chuyện đang dòn thì ông Lý, bí thư đảng ủy xã đi vào:
- Chào cả nhà. Chào người chiến sĩ anh hùng từ mặt trận trở về...
Lại vẫn là bà Nhàn tụt xuống phản, te tái ra đón khách:
- Chào bác Lý, mời bác vào uống rượu.
Ông Biên vẫn ngồi như bụt mọc trên phản, miệng nói:
- Mời bác Lý vào đây.
Tôi thấy mặt ông Lý tối sầm lại khoảnh khắc, có vẻ bất mãn. Rồi ông cười được ngay:
- Vui vẻ quá!
Tôi nói:
- Mời bác xơi chén rượu.
Ông Lý bảo:
- Không khách khí gì đâu nhưng có cuộc họp quan trọng của đảng ủy xã đang đợi tôi... Anh Quân, mười năm nay anh mới về làng, tôi muốn mời anh tới nói chuyện với các đảng viên, sau đó với dân làng.
Tôi đáp:
- Cháu có học nghề nói chuyện bao giờ đâu?... Tụi cháu là lính, ăn no vác nặng...
Ông Lý tợp ngụm rượu, thò tay vặt cái tỏi vịt, đoạn cười hề hề:
- Chính thế mới hay đấy... Cánh cán bộ tuyên huấn của Đảng nói mãi rồi. Giờ, các anh nói dân họ tin hơn. Đề nghị anh phổ biến những tin thắng trận để động viên bà con có khí thế tiến công vào vụ mới...
Đến đó, ông ngừng lại để gặm cái tỏi vịt. Tôi nói:
- Hôm nay cháu trót nhận lời làm khách của bác Biên. Vừa kíp nhấc chén rượu lên, chưa nói được chuyện gì... Bác biết, cháu với Biền là bạn...
Ông Lý gật dầu:
- Biết, tôi biết... Thế tôi hẹn anh tối mai nhá?
Tôi đáp:
- Bác Lý thông cảm cho. Cháu chỉ biết đánh giặc, không biết thuyết giảng.
Ông Lý uống nốt chén rượu, giơ tay:
- Yên trí, yên trí... tôi sẽ làm việc trước với anh về cái đề cương... Cốt nhất là phải thông qua cái đề cương.
Tôi góp ý:
- Hay cháu đứng ra chào bà con, rồi bác nói?
Ông Lý ậm ừ:
- Để tôi nghiên cứu đã...
Lúc ấy, ông Biên bóc miếng lườn vịt to tướng bỏ vào bát ông Lý:
- Bác dùng tự nhiên.
Bà Nhàn róc chén rượu đầy:
- Rượu thuốc đấy bác Lý ạ... Bắc đùng tốt lắm...
Đoạn, cả hai ông bà cùng ngừng lại, chờ ông bí thư xã ăn uống. Tôi thấy ngượng nên nhấc chén lên cùng uống với ông. Chẳng còn chuyện gì để nói. Ông bí thư xã ăn xong cái lườn vịt, quẹt đũa lau miệng đứng lên:
- Tôi vội lắm, kiếu các vị nhá... Anh em ban thường vụ đang chờ. Anh Quân cứ nghĩ kỹ đi, phương án nào tối ưu thì ta thực hiện...
Ông Lý xuống sân, bà Nhàn chạy theo chào với:
- Bác Lý đi họp ạ ạ...
Cái bóng ông bí thư xã khuất dần trong quầng đèn.
Ngày chúng tôi nhập ngũ, ông đọc bài diễn văn động viên lính mới hùng hồn. Hồi ấy, tôi thấy ông oai vệ. Giờ, ông nhỏ bé hẳn đi... Mười năm trôi qua...
Ông Biên rót cho vợ chén rượu rồi cười khẩy:
- Chưa thời nào đám hào lý mất tư cách như thời này...
Bà Nhàn gạt đi:
- Ông nói làm gì chuyện ấy, mất vui...
Ông Biên trầm ngâm:
- Thời xưa, cứ mười người là phải có bảy tám người là con nhà tử tế, có lễ nghĩa. Muốn làm bậy cũng còn sợ nhục. Bây giờ, đa phần là bọn phong học cương thường đạo lý. Họ học luân lý Mác-lê. Cướp vườn cướp ruộng nhà người ta cũng là theo sách Mác. Lột quần vợ người ta mà ngủ cũng là vì lợi ích của đấu tranh giai cấp...
Bà Nhàn giật áo chồng:
- Thôi đi, đừng dây với bọn họ. Tay dao tay thước trong tay đám ấy cả, họ muốn làm gì ta mà không được?...
Bà vặt chiếc cánh bỏ vào bát ông:
- Cánh con vịt này nơm những mỡ, ông nhắm đi.
Chúng tôi nói sang chuyện mùa màng, đồng đất. Tàn bữa rượu thì cậu Bảo, con trai út ông Biên bước lên thềm:
- Bố ơi, đêm nay bố hay là con ra trông vịt cho anh Bình?
Ông Biên đáp:
- Tao đi. Chúng bay lo sửa soạn bài vở rồi mà ngủ sớm.
Đoạn, ông quay sang bảo tôi:
- Lâu lắm anh mới về làng, đêm nay ra ngủ đồng với tôi. Ta tha hồ nói chuyện.
Rồi ông bảo vợ:
- Bà pha cho tôi ấm chè, ủ vào giỏ. Rót bình rượu với nướng con mực nữa nhé...
Bà Nhàn tụt xuống phản:
- Có ngay đây ông ạ...
Chờ bà sắp xếp xong mọi thứ, chúng tôi ra đi. Nửa giờ sau mới tới nơi. Khi tôi trông rõ túp rạ nhọn hình chữ A, cũng là lúc vang lên giọng “Oà Oà” của một thiếu niên:
- Bố à?
- Tao đây. Đói bụng chưa con?
- Cũng kha khá bố ạ... Ai đi với bố vậy?
- Anh Quân, mày không nhận ra ư?
Từ trong túp lều, một bóng đen lao ra. Một chàng trai chạy tới ôm chầm lấy tôi:
- Anh Quân… uân...
Tôi đứng lặng trong hai cánh tay rắn chắc, nồng ấm của nó, tưởng như vòng tay em trai mình. Rồi, tôi nâng mặt nó lên và nhận ra thằng Bình, trên con Thoa một tuổi:
- Mày lớn thế ư?...
Bình cười ngượng nghiu, rồi nói:
- Anh gặp anh Biền em không?
- Có gặp.
- Anh ấy thế nào?
Cũng như tao đây này. Già hơn tuổi chúng mày... (và đùa thêm:) Mà cũng chẳng ai cho đi chăn vịt để... bán trộm trứng!
Bình cười hưng hức, dúi đầu vào vai tôi. Ngày trước, tôi và Biền đi chăn vit, thường bán vụng trứng cho mấy mụ buôn chợ huyện để lấy tiền mua kẹo, dầu chải tóc và thuốc bôi trứng cá. Bình đi theo, thường được chia vài đồng. Nó lấy tiền ấy mua nịt cao su và dây thung làm ná bắn chim...
Ông Biên bảo nó:
- Về ăn cơm không đói.
Bình nói:
- Em về đây, mai anh Quân phải chơi với em cả ngày đấy nhá.
Nó đi dọc theo bờ mương và chẳng mấy lúc biến vào bóng đêm. Trời đẫm sương, lành lạnh. Chúng tôi ngồi trong lều, nhìn chân trời nhủ nhòa mây nước, nghe tiếng vạc xào xạc trên mặt đầm. Ông Biên rót chè nóng ra chén. Chúng tôi lặng lẽ uống, hết chén này tới chén khác. Lúc lâu sau, ông Biên nói:
- Thằng Biền ra sao?
Tôi lặng im. Ông nói tiếp:
- Tôi biết là có chuyện, nếu không, nó đã gửi thư về.
Anh nói cho thật. Thằng Biền làm sao?
- Bác đừng lo. Biền còn sống.
- Tôi không phải như những người cha khác, thúc con ra chiến trường: “Một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực”. Tôi cũng chẳng ích kỷ, hèn nhát, xui con đào ngũ. Nước có ngoại xâm, dù đứt ruột cũng phải cho con ra đi.
- Vâng.
- Sáng qua bà Nhàn về kể chuyện lại. Tôi lặng thinh. Anh nói với mẹ thằng Biền như vậy là tốt. Đàn bà cũng như con trẻ, ưa điều nói dối hơn là chịu sự đắng cay. Nhưng tôi là bố nó...
Trong ánh sao, tôi thấy ông hướng gương mặt cương nghị về phía trước. Bóng tối che khuất đôi mắt sáng và xếch như mắt quan võ Tàu, nhưng tôi biết nó đang đăm đăm nhìn khoảng hư không, với những tia sáng lạnh lùng. Trước một người cha như thế, không còn cách nào khác. Tôi uống nốt chén chè rồi bắt đầu kể chuyện...
Đêm trôi. Cánh đồng yên tĩnh, xột xoạt tiếng cỏ lay. Thi thoảng có vài tiếng vịt các cạc trong đàn quây bên lều. Tôi cũng không còn nhận ra tiếng nói của mình. Đấy như là giọng nói của một kẻ xa lạ, bình thản, một cái máy hát vô hồn xướng lên những cảnh đắng cay cùng một giọng như bản tụng ca. Tôi vừa kể chuyện, vừa đằm mình trong giấc mộng phiêu bạt của quá vãng, từ ngày lên năm tuổi nghe tiếng súng nổ đì đọp nơi chân trời khói lửa tới năm hai mươi nhăm tuổi, lội qua những thung lũng nhầy nhụa thịt và bùn... Suốt quãng thời gian ấy, có một thằng tôi đang sống, có một thằng tôi đứng bên lề cuộc đời, ngơ ngác nhìn gió bão đi qua... và... ngắc ngoải đợi chờ...
Ông Biên chợt hừm một tiếng trong họng:
- Nó không nói gì nữa?
Tôi đáp:
- Thưa vâng. Nó rất buồn.
- Tại sao nó không chịu giải ngũ?
- Biền không chiụ... Cháu nghĩ là tại nó ngại anh em làng xóm...
- Phải, nó thương chúng tôi. Không ai không sợ miệng đời mai mỉa?
- Thưa vâng.
- Nó sống kham khổ ở vùng ấy đã bao lâu?
- Cháu nghe ông sư phó nói lại là ngót nghét sáu năm.
- Khổ thân con tôi, trai đương thì hơ hớ... Anh Quân này, lũ dân thường như chúng ta, chịu cực đủ điều, bóp miệng bóp mồm, bóp cả đến con c... Tụi tướng lĩnh nó có khổ như thế đâu? Ra Bắc vào Nam, đâu đâu chúng nó cũng có đàn bà. Ngày xưa thì là phi là thiếp, giờ thì các đồng-chí-nữ phục vụ! Trò đểu, thời nào cũng giống nhau là thế!
- Vâng.
- Biết vậy mà có ai dám nói đâu?... Như tôi, ngang ngược bậc nhất làng này cũng phải kéo anh ra đồng trò chuyện. Kiếp dân đen, miên man cơ khổ. Bao nhiêu người chết đi, từ cụ Đề, cụ Phan tới ông Nguyền Thái Học... Bao nhiêu sinh linh mới đổi được lá cờ độc lập. Nhưng bọn thực dân da trắng cút đi thì lại mọc lên bọn cường hào, ác bá da vàng!?
- Vâng.
- Nhưng ta hiểu riêng với nhau thế thôi, anh Quân nhé... Chớ để cho ai biết. Anh em, họ hàng, bè bạn bây giờ rình mò tố cáo nhau còn hơn chồn cáo. Thời này, gương mặt người cũng biến dạng đi, không còn giống cái mặt người...
Tiếng một con vịt trời cô lẻ rơi trong đêm. Mặt đầm xa ánh lên gợn bạc. Làn sương mỏng trên cánh đồng bay bảng lảng khiến tôi rùng mình vì lạnh. Tôi nói:
- Năm nay có lẽ rét sớm, bác nhỉ?
Ông Biên gật đầu:
- Rét lắm đây. Hoa màu sẽ hỏng vì sương muối.
Im lặng một lát, tôi nói:
- Cháu nhớ mẹ cháu quá.
- Tôi hiểu. Tội nghiệp cho anh. Bà ấy đẹp cả nết lẫn người. Trời già cay độc.
Ông Biên thở dài...
Hơi sương ẩm ướt làm nhờn mắt tôi...
Hồi lâu, ông Biên nói:
- Hay anh cưới vợ đi? Tôi với bà Nhàn sẽ đứng ra lo liệu.
Tôi lắc đầu:
- Cháu còn đi.
Ông Biên nói:
- Kiểu này, chiến chinh chưa biết đến bao giờ mới hết... Đừng chờ.
Tôi nói:
- Chẳng để làm gì bác ạ. Lại đèo bòng thêm khổ cho người đàn bà.
- Anh gàn lắm... Chớ nghĩ thế. Đàn bà không có ai rờ đến cũng khổ chẳng kém gì chờ đợi! Cứ cưới rồi gieo cho nó đứa con, mình có kẻ nối dõi tông đường mà nó có đứa bế ẵm... Lợi cả đôi.
Tôi lắc đầu:
- Cháu chịu.
Ông hỏi:
- Bận trước, tôi vẫn thấy anh hay cập kè với đứa nào ấy nhỉ? A... cô Hoa... Tôi nhớ rồi: Cái Hoa là chị cái Hòa, nhà ông Tiến... Tưởng ai. Đám ấy tôi khuyên anh nên quên đi. Hỏng rồi!
- Cô ấy đã lấy chồng?
- Lấy chồng thì đã tốt phúc! Loanh quanh hai ba đám, lão Tiến gàn, thách cao dao bầu, không chịu gả... Đến năm ngoái, ủy ban xã lấy nó lên chạy việc vặt. Được đầy năm thì cái bụng ễnh ra. Chẳng ai chiụ nhận, con bé cũng không chiụ khai. Vợ chồng lão Tiến xấu hổ, đánh đuổi con bé đi... Giờ nó túp mái lều trên ngọn đồi trọc, gần xóm trại, ngoài bờ sông ấy...
Tôi rùng mình. ông Biên bảo:
- Lạnh hả... Ta uống rượu cho ấm người.
Ông lấy bình rượu với con mực nướng bày lên cái bát sắt tráng men. Ngọn đèn hột lạc treo ở góc lều tỏa ra thứ ánh sáng mờ đục. Ông Biên rót hai chén rượu đầy. Chúng tôi uống cạn một hơi.