Chương 7

Có một dòng nhựa nóng bò vào các huyết quản của tôi, trong khi trí não trở nên lạnh buốt. Tôi mường tượng thấy một mái lều cô lẻ trên đồi, dưới kia là dòng sông vắng...
Thiên hạ hay nói đến người đàn bà lý tưởng. Tôi chẳng biết Hoa có phải người lý tưởng của tôi hay không, nhưng tôi đã yêu cô hết thời niên thiếu. So với đám gái làng, cô thuộc loại xinh. Hơn nữa, cô lại được chiù. Vợ chồng ông Tiến không có con trai, chỉ có hai cô gái. Con nhà nông, nhưng cả Hoa lẫn Hòa đều không phải chăn trâu, cắt cỏ. Họa hoằn, các cô mới ra ao vớt bèo cho mẹ rải chuồng lợn, hoặc cắp giỏ theo đám bạn gái hội cá ở ao đình. Ông Tiến dạy Hoa đánh đàn. Cây đàn măng-đô-lin reo tính tang những chiều rỗi rãi: "Đây đó, đây trong rừng, đây cánh đồng, kìa bao phóng khoáng..." Mái tóc đen như than đổ nghiêng xuống má mỗi khi cô ngồi gảy đàn. Da cô mịn như là, ánh lên nâu nâu hồng hồng ngon như ổi chín. Hoa học dưới tôi một lớp. Bọn trẻ làng chế. "Thằng Quân mà lấy con Hoa. Mang thai tám tháng đẻ ra thuồng luồng". Không biết ai dạy bọn nó. Câu hát làm tôi sợ. Trong trí não chúng tôi, thuồng luồng là loài yêu quái chuyên làm hại dân lành. Tôi hết đuổi đánh lại van xin tụi bạn, nhưng chúng không tha. Một lần, thằng đầu xỏ gọi tôi lại:
- Này Quân, mày muốn chúng ông thôi chế không?
Tôi gật đầu:
- Muốn.
Thằng trùm nhe răng cười:
- Nếu thế, tí nữa con Hoa đi qua đây, mày phải ném vào lưng nó một nắm cứt trâu...
Tôi sững sờ. Thằng trùm bĩu môi:
- Ông biết ngay mà. Mày yêu nó. Mày muốn cưới nó làm vợ.
Tôi cãi yếu ớt:
- Đâu nào?
Thằng trùm bảo:
- Nếu mày không yêu nó, mày phải ném vào lưng nó một nắm cứt trâu thật to. Hễ mày không ném, chúng ông cứ đặt vè, lại còn lấy than vẽ mày với nó lên sân đình nữa...
Sân đình... Cái sân gạch mênh mông, suốt ngày người lớn và trẻ con qua lại... Tôi toát mồ hôi hột, nói:
- Ném thì ném, sợ gì...
Thằng trùm bắt tất cả núp sau bụi chuối. Hoa đang đi trên đường tới chỗ chúng tôi. Chắc mẹ nó sai đi trả cái chảo rang bánh phồng khoai. Tay cầm chiếc chèo, Hoa vừa đi vừa khe khẽ hát, mắt liếc đôi chích chòe đang hót nhịp trên ngọn tre. Thằng trùm lấy đầu gối thúc vào đít tôi:
- Kìa, mày?
Mặt tôi nóng ran, không biết vì sợ hãi hay tủi hổ, tôi cúi xuống, bốc một nắm cứt trâu tươi, ngay sát bụi chuối, dang tay ném thẳng vào người Hoa. Nắm cứt trâu tới trúng ngực áo trắng của nó thành một bãi nhoe nhoét bắn lên vai và cổ con bé. Thằng trùm và bọn trẻ cùng rú lên cười.
Tôi đứng ngây thộn nhìn Hoa. Con bé, sau khi hét lên một tiếng hãi hùng, kịp đưa mắt qua bụi chuối, nơi bọn trẻ nhảy cỡn lên reo hò, và nhận ra thủ phạm. Nớ nhìn thẳng vào mắt tôi một tích tắc, rồi òa khóc và bỏ chạy. Cái nhìn ấy, làm bỏng mặt tôi đến bây giờ... Đã có một ngọn gió u hoài, thổi từ thời thơ ấu, từ kỷ niệm nhục nhã ấy đến hôm nay. Nhưng dẫu sao, chúng tôi cũng đã yêu nhau. Hoa nhút nhát. Tôi sợ hãi. Vả chăng, tôi lại là một thằng bé nghèo, mồ côi mẹ. Tôi luôn luôn sợ hãi... Tôi nhớ không nguôi cái đêm chúng tôi đi qua cánh đồng. Lúa sắp chín, uốn câu. Bờ cỏ lút giữa những mảnh ruộng thơm ngát. Hoa đi trước, tôi theo sau. Hoa nhủ:
- Anh viết thư luôn nhé.
- Anh sẽ viết thư luôn.
- Anh đi khắp nơi, thiếu gì người. Rồi anh sẽ quên em.
- Không, anh chỉ có em thôi.
Hoa ngoái dầu lại, cười. Vì thế vấp ngã. Đang đà bước, tôi ngã chồm lên cô. Trời tối, trăng hạ tuần chưa lên, sao khuất lấp trong mây. Nhưng tôi thấy rõ gương mặt Hoa kề dưới cổ tôi, khuôn ngực phập phồng lọt dưới vòng tay tôi... Tôi choáng váng, xây sẩm mặt mày, lần đầu tiên thân thể chúng tôi gần gụi đến thế. Lần đầu tiên tôi thèm muốn điên cuồng... Tôi đã là một thằng trai. Chuyện thầm kín giữa đàn ông và đàn bà như một trái cây chín đong đưa ngay trước miệng. Tôi là bạn thân của Biền, tôi biết cuộc tình của nó với cô Vinh chèo có cặp mắt lá dăm và bộ đít cong như đít bọ ngựa. Có lẽ đây là cơ hội đầu tiên tôi có thể trở thành đàn ông một cách toàn vẹn. Nhưng tôi nghe Hoa thì thào:
- Đừng anh...
Tay cô vẫn đặt trên ngực tôi, môi cô vẫn kề môi tôi trong nụ hôn mê man. Khi chúng tôi ngừng lại để thở, cô nói với tôi, lần này rành mạch hơn:
- Đừng anh... Chúng mình chưa cưới. Bố mẹ sẽ đánh đuổi em nếu mà...
Thân xác tôi cuồng lên như ngọn triều điên dại, nhưng trí não tôi thoáng qua hình ảnh một người đàn bà trẻ, bụng chửa vượt mặt, cắp nón lủi thủi trên đường... Tôi đi …và Hoa sẽ là người đàn bà bị xua đuổi!? Người con gái tôi yêu lơi lả!? Tim tôi đau nhói. Tôi ghì riết Hoa. Vừa thương vừa thèm muốn. Hoa nói:
- Bao giờ... bao giờ mình cưới?...
- Tiếng cô rời rạc, hổn hển.
Tôi xiết chặt hai vai cô:
- Phải, mình sẽ cưới...
Hoa nép vào ngực tôi. Cử chỉ đó khiến tình thương trong tôi trào lên. Tôi kéo cô ngồi dậy:
- Anh sẽ về phép... một ngày gần nhất. Chúng mình sẽ làm một lễ cưới, đời sống mới, đơn giản.
Hoa đáp:
- Vâng.
Tôi vuốt ve hai cánh tay cô:
- Em chờ anh chứ?
Hoa khẽ gật đầu:
- Em chờ anh...
Mười năm qua. Hồi âm "Em chờ anh" rung trong tôi những con sóng xa vời. Giờ, tôi trên đường ra ngọn đồi xóm trại. Cuối cùng, người con gái tôi yêu cũng vẫn bị xua đuổi, nhưng không phải vì lầm lỗi với tôi...
Mặt trời đã lặn từ lâu, không có trăng. Sao mờ. Tôi đã chọn thời khắc thuận tiện nhất, lẩn tránh mọi gặp gỡ, dò hỏi. Tôi lén lút đi. Đường ngoằn ngoèo qua đồng, dọc theo những bờ mương. Bốn xung quanh lúa ngan ngát mùi hương quá vãng. Tiếng côn trùng rỉ ran yếu ớt, khác hẳn ngày tôi ra đi. Thuốc trừ sâu đã diệt chúng, cũng như bom đạn làm tiêu tan những luồng sinh khí siêu nhiên. Không còn nghe thấy tiếng đập cánh của cào cào, cà cuống. Không còn bắt được những con muỗm muỗm nõn nường. Cả lũ chim đêm cũng lìa xa cánh đồng, tìm góc trời nào đó...
Tôi vén quần lội qua dòng mương, đề tới cánh đồng cỏ giáp xóm trại. Xóm này, hồi tôi còn ở nhà chỉ lơ thơ vài túp lều tranh. Giờ, cớ dễ tới hai chục nóc nhà. Chó sủa râm ran từ sau những bụi tre chưa kịp kết lũy, trông lụn vụn. Thoáng mùi hoa móng rồng đưa... Tôi ngại gặp người quen nên đi vòng quanh xóm. Phải nửa giờ nữa tôi mới đến giải đồi phía sau.
Đó là giải đồi trơ trụi, mọc toàn cỏ lau, cỏ cứng và cây hắc bà. Xưa, tôi chưa bước chân tới. Có một lối mòn lách qua những vườn ớt, vườn cà, những khu ruộng dứa. Mắt đã thuộc bóng đêm, tôi mò mẫm theo. Lối mòn vượt qua gò đất nhỏ, tới ngọn đồi hình bát úp. Dưới chân đồi, dòng sông lặng lờ chảy. Trong đêm, trông như mảnh gương màu thiếc, có vẻ cám dỗ kinh rợn như vẻ đẹp của một nữ ma đầu. Thoảng mới có tiếng cá quẫy. Tôi trèo lên đồi, tin chắc đó là nơi Hoa ở. Leo đến gần đỉnh mới thấy lều. Nó im lìm trên nền trời đêm. Không ánh lửa, không tiếng động. Tôi ném một hòn sỏi, hy vọng có tiếng chó sủa đáp lại.
Tiếng chó sủa cũng không! "Chẳng lẽ Hoa đã trốn đi đâu?" Tôi nghĩ nhưng tôi vẫn tin là cô ở trong gian lều tối tăm đó. Cô ấy không thể trốn đi đâu được. Bụng chửa vượt mặt. Không có giấy giới thiệu của chính quyền, không có hộ khẩu... chưa kể là không có tiền dắt lưng. Tất thảy những điều kiện buộc con người không thể tìm lối thoát.
Chân tôi vấp phải một cái cọc. Cây cọc tre đóng xuống đất đồi, có sợi dây thép buộc lên chóp lều. Người đàn bà chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp tới. Tôi bước qua mấy luống sắn, cây mọc ngang bắp chân, qua mảnh sân lát lỏng chỏng vài viên gạch vỡ tới khuôn cửa. Liếp cửa chống một cây sào xiêu vẹo.
- Hoa ơi...
Tôi cất tiếng gọi. Dù rất khẽ, tiếng vọng vẫn âm vang trên khu đồi. Không có tiếng trả lời.
- Hoa ơi, Hoa...
Tôi gọi lần thứ hai, da diết. Rồi tôi lắng nghe những hồi âm tan vẳng trong không gian. Bóng đêm và hoang vắng bao phủ quanh tôi. Tiếng gọi của tôi cô đơn quá! Tôi bước thêm một bước:
- Hoa... trả lời anh đi i i...
- Hoa oa oa...
Tới đó, một giọng khẽ khàng, ráo hoảnh cất lên:
- Anh đến đây làm gì?
Tôi sững lại một giây. Rồi tôi hướng theo tiếng nói, bước vào lều:
- Hoa ơi...
Hai tay tôi quờ quạng dò đường hệt như thằng mù.
Chợt tiếng quát:
- Đừng vào!
Tiếng quát tuy khẽ nhưng gay gắt. Tôi dừng lại:
- Sao lại thế, Hoa...
Lặng yên.
Tôi nhào vào khoảng tối phía trước, nơi vừa phát ra giọng nói khô cằn, lỗ mãng, giọng nói vô cùng xa lạ với giọng nói cô gái tôi yêu. Giờ, tôi nhận thấy bóng người trải dài trên chiếc giường hoặc chõng đặt ở góc lều. Tôi bước thêm hai bước, xô tới. Tay tôi chạm vào cái bụng căng phồng, ấm nóng...
- Đừng!
Người đàn bà hét lên, đẩy tay tôi ra. Cùng lúc ấy, bật lên tiếng khóc. Tôi rờ rẫm ngồi xuống mép chõng, tay sờ thấy những nan tre nhẵn nhụi. Tôi quàng tay qua hông cô:
- Hoa... em bình tĩnh...
Người đàn bà nấc lên, rồi, như cơn lũ tràn, khóc nức nở dồn dập, hết cơn này tới cơn khác... không sao ngừng lại được. Tôi nằm xuống bên Hoa, ôm tấm thân nóng rực, run bần bật như đang sốt. Những sợi tóc cô vướng trên mặt tôi.
Chúng có mùi chua của mồ hôi. Trong đêm, tôi im lặng vuốt ve cô. Từ gương mặt ướt đẫm, xuống cần cổ gáy, bờ vai mảnh... Tôi tránh không chạm tới cái bụng kềnh càng của Hoa, đoán chắc nó sắp tới ngày sinh nở. Có như thế, tôi chờ Hoa khóc cho hết nước mắt, cho hết cơn oan khổ mười năm... Thời gian trôi qua một cách trì đọng trong tiếng rỉ ran thưa thớt của côn trùng, trong âm vang mơ hồ của dòng sông... Rồi tiếng gà canh một dừng dả. Tôi lau nước mắt cho người đàn bà:
- Nín đi em...
Hoa vẫn còn nức nớ, tuy nhiên, chừng như vơi bớt cơn đau, cô thở đều đặn hơn. Tôi dỗ:
- Nín đi em. Chúng mình đều lớn rồi... Ngày anh đi, anh mười tám. Giờ, anh sắp sang tuổi hai mươi chín. Tóc đã có sợi bạc.
Hoa úp mặt vào cổ tôi. Một tay cô lùa vào tóc lôi. Tôi cầm tay cô, vuốt nhẹ:
- Em cũng sang tuổi hai mươi bảy rồi. Các cụ bảo Tam thập nhi lập...
Không hiểu Hoa nghĩ gì, cô lắc đầu và tiếp tục vuốt tóc tôi. Tôi nói tiếp.
- Chúng mình không còn ở tuổi trẻ con...
Hoa lại lắc đầu. Và cô vẫn im lặng ve vuốt tóc tôi.
Tôi nói:
- Chúng mình không có lỗi... Em không có lỗi... Anh cũng không cớ lỗi... Điều quan trọng hơn cả là... anh yêu em...
Tôi nắm tay Hoa.
Cô lại khóc nức lên, rung chuyển toàn thân. Hai cánh tay nóng hổi quấn chặt lấy tôi.
- Em đừng khóc... Hãy nghe anh nói...
Tôi lắp bắp. Tôi không còn nói mạch lạc được. Tôi ôm người đàn bà trong vòng tay, xiết bao gần gũi và vô cùng xa lạ, vừa thương yêu, vừa nghe xa xót. Tôi kinh hoảng nhận thấy mỗi lúc, những cám giác trái ngược đó càng lớn hơn, căng rõ rệt hơn trong tâm hồn mình.
Tôi ghì chặt Hoa, vùi mặt tôi trong mặt cô, trộn tóc tôi vào tóc cô, áp ngực tôi vào ngực cô... Tôi muốn lấp đi khoảng trống ngăn cách của mười năm. Tôi muốn chôn vùi dĩ vãng.. Môi chúng tôi tìm nhau. Nụ hôn điên dại mặn vị nước mắt. Da thịt tôi tìm da thịt cô, trong ước muốn điên dại được hòa nhập. Trí tưởng tượng của tôi căng ra, để phục hồi những cảm giác đã phai mờ trong khoảng thời gian nhòa nhạt... cánh đồng... bờ cỏ đầm hương... cơn ngây ngất đầu tiên... ước muốn ngày hôn lễ...
Một tia chớp lóe lên niềm đam mê đau đớn. Tôi thấy đầu tôi như u mê đi, các giây thần kinh nhức nhối. Tôi nhắm thật chặt đôi mắt lại, để đêm đen dầy đặc hơn, thẳm sâu hơn, mịt mùng hơn, xóa nhòa các ý nghĩ, các cảm giác, các hồi ức và chỉ còn tràn lên duy nhất ngọn triều nhục cảm... Tôi nhắm thật chặt đôi mắt lại...
Gà gáy sang canh!
Tiếng gà gáy làm không gian rung rinh, rạn vỡ. Tôi đoán chừng Hoa đã ngủ say. Tôi ngồi dậy, ra khỏi lều. Vành trăng lạc loài như móng tay quỉ sứ cắm trên nền trời. May thay trong túi áo tôi còn vài điếu thuốc nhàu nát.
Tôi móc chúng ra, vuốt thẳng từng điếu một, châm lửa hút.
Mùi khói thuốc khiến tôi tự trấn tĩnh. Tôi nhìn làn khói trắng bay lơ lửng, tan hòa trong đêm. Đêm an bình. Nhưng nơi chân trời, những ngọn mây tím nứt nẻ gợi lại chân trời của những bãi chiến trường nồng nặc máu và khói súng.
Cảnh tượng quen thuộc tái sinh, cộng với tiếng ngáy của người đàn bà trong lều vẳng ra khiến óc não tôi lạnh giá. Tôi rít từng hơi thuốc dài, nhìn vào khoảng trời mông lung để tìm lại một cánh đồng thơm ngát, nơi chúng tôi mê man trong những nụ hôn đầu, tâm hồn sáng rực lên bởi hình ảnh của ngày hôn lễ với đôi gối trắng tinh, thêu những con bồ câu bạc...
Nhưng tôi đã đến với người đàn bà đầu tiên ở một ngọn đồi miền Trung, một người béo nần lên như khúc dồi, nhễ nhại mồ hôi, dâm đãng!
Còn Hoa... với ai đó, cái kẻ tôi không muốn hỏi tên, tác giả đứa bé nằm trong bụng...
Tất cả, không thể quên đi, không thể đánh mất, không thể đổi thay. Người ta không sửa chữa được quá khứ. Không có cách nào bắt dòng sông quay lại nguồn nước ban đầu, từ khe núi vọt ra, mát lạnh và trong suốt. Dòng sông đã qua các bờ bến, các thành phố, nó chở theo rác rến và bùn nhơ...
Tôi lắng nghe, thấy tiếng ngáy của Hoa đều đặn hơn, mạnh hơn... Ngày mai, tôi biết làm sao?... Tôi sẽ lại lén lút tới đây, trong bóng tối?... Có thể tránh được mọi người nhưng không thể tránh được chính tôi. Ngày mai, tôi biết chắc tôi không còn yêu thương dào dạt như hôm nay vì, trong lần ân ái thứ hai, cái bụng kềnh càng của Hoa sẽ nhắc nhở tôi cái ám bóng kẻ tình địch và tố cáo rằng giấc mộng đẹp nhất giữa chúng tôi không còn nữa.
Bác Hưởng tổ chức một bữa cỗ tiễn tôi, nhân thể thông báo tin anh Lương sắp sửa lên chức. Họ hàng, láng giềng, người nào người nấy tươi cười hê hả. Cỗ mặn bảy món, cỗ chay ba bốn bát lại thêm xôi gấc đỗ xanh như cỗ cưới hạng nhất ngoài phố.
- Nhà bác Hưởng phúc to bằng cái đình, chẳng mấy chốc cậu Lương lên cấp tướng!
- Tôi biết mà, dòng họ Lê đời nào cũng có người nên danh nên giá. Thời bình làm đến chức thượng thư, thời loạn ngồi đến ghế súy. Mỗi làng chỉ được một dòng họ cũng đủ vẻ vang rồi!
- Bao giờ anh Lương về làng, ông bà phải ngả bò khao.
- Tôi sẽ đút lót cánh trên huyện cho nó dòng điện về. Thắp được mươi cái bóng đèn trăm "oắt” thì cứ gọi là lóa mắt!
Ông Biên ngồi góc trong cùng, lặng lẽ nghe mọi người bàn tán. Vẻ mặt ông kín bưng.
Xung quanh, người ta rót rượu òng ọc. Cốc nâng lên rồi đặt xuống. Đũa gắp liên tục. Những gương mặt đỏ rực như say nắng. Nào tướng, nào tá, nào úy... những danh từ nở như pháo trong dòng miên man của giấc mơ chung, niềm khao khát chung. Ông Biên không ăn uống gì, nhâm nhi từng hột lạc. Mọi người quên ông. Có lẽ, ở một bữa tiệc khác ông sẽ là nhân vật chính...
Nếu đám đông cần tới một thủ lĩnh dạy họ trồng lúa, trồng mầu, nuôi gia súc. Nếu đám đông cần tới một bậc huynh trưởng dạy họ biết làm một người chồng biết thương yêu, một người cha khoan dung biết dẫn dắt. Nếu đám đông cần một người bạn lớn dạy họ biết thưởng thức mọi cung bậc của đời sống, biết chắt giọt rượu nồng ấm vào tiết xuân sang, biết ngắm nhìn ngọn lửa ngày đông giá, biết tận hưởng hương vị của sen hạ, cúc thu... Vâng, nếu vậy... Nhưng ngày đó chưa tới.
Giờ, ông thu mình trong một góc yên lặng, lắng nghe. Tôi nhớ tới cánh đồng bảng lảng sương bay, đêm chúng tôi trò chuyện cùng nhau. Nỗi buồn dâng trong tôi, tan hòa cùng men rượu.
Có ai đó huých rất mạnh vào vai tôi:
- Mai lên đường, phải vui lên cho có khí thế chứ anh Quân?
Tôi quay lại: Một cái miệng ngoạch ra cười, bóng lọng.
- Vâng, chào đông chí Lý.
Ông Lý ngồi ghé bên phản:
- Nào, dịch vào... Tôi thay mặt anh em địa phương cạn một cốc rượu với vị sĩ quan quân đội nhân dân. Mong rằng đồng chí sẽ làm cho làng Đông tiến vẻ vang.
- Thưa đồng chí, tôi không dám.
Ông Lý quay lại:
- Sao lại không?
Tôi cười:
- Báo cáo, tôi không được như anh Lương. Tôi kém...
Ông Lý bảo:
- Đồng chí phải có tinh thần quyết thắng. Ta đã có truyền thống anh hùng. Lại có duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác làm vũ khí. Cái gì mà ta không thắng?...
Tôi đáp:
- Vâng. Mời đồng chí lên đũa.
- Tôi ăn mâm ngoài kia rồi. Vào nói chuyện với đồng chí cho vui. Tiện thể cảm ơn cuộc gặp gỡ hôm trước.
- Có gì mà cảm ơn.
- Có chứ! Các đồng chí ở chiến trường về, người thực việc thực. Có các đồng chí, công tác tuyên truyền của Đảng thắng lợi rực rỡ hơn. Đợt này, hai mươi tám thanh niên tình nguyện làm nghĩa vụ quân sự. Bên thôn Hạ, dân số đông gấp rưỡi Đông tiến mà chỉ có bảy người ghi tên tình nguyện thôi!
Bác Hưởng vào mời mọi người uống chè. Chè Thái, bác Hưởng gái tự ướp sen, thơm đáo để. Các mâm khác tiếng đũa bát vân va nhau lách cách. Tôi cáo từ bác Hưởng ra về. Bác gái bảo đến tối sẽ sang nhà tôi chơi, để gửi thư và quà cho Lương.
Mãi gần nửa đêm, khách mới ra về. Tôi mò ra xóm trại thăm Hoa. Cô ngồi ở sân chờ tôi, tóc rũ xuống lưng đen như đêm tháng chạp. Tôi đưa cho Hoa ít tiền phòng ngày sinh nở. Cô khóc hoài, khóc mãi. Tôi bảo Hoa:
- Em nín đi. Anh đã khóc, cũng chứng kiến nhiều người khóc. Mà toán là lính, những người dày dạn với chuyện tử sinh. Anh muốn em đừng khóc nữa. ít nhất cũng để cho anh cảm thấy đôi phút yên vui...
Hoa không nín mà lại khóc òa lên, nức nở từng cơn như bi đòn oan. Tôi ngồi im, bực tức. Đàn bà là cái giống quái gì không biết. Chẳng hiểu họ ra sao... Một lát, tôi cố ôn tồn:
- Nghe anh này, khóc cũng không được ích gì đâu...
Hoa vùng đứng lên chạy vào trong lều. Cô vật mình xuống chõng.
- Hoa, anh bảo...
Tôi chạy theo Hoa.
Một cây cọc đập vào mặt tôi, giữa sống mũi! Khoảng tối phía trước bỗng nảy ra những vòng tròn ngũ sắc, đom đóm bay loạn xạ. Đứng giữa lều, tôi ôm mặt đau điếng, hai thái dương nhức buốt lên tận đỉnh đầu. Cùng với cảm giác đau đớn, một cơn hung dữ chồm lên.
Tôi kinh hãi vì nhận thấy mình đang ở trong trạng thái say máu chiến: Thù hận, thèm chém giết, khao khát hủy diệt... Luồng khí nóng bốc bừng bừng trong tim, thiêu đất óc não. Tôi nắm cây cột, định giật xuống. Chợt tôi hình dung thấy cả mái lều sẽ sập theo. Ngày mai, khi tôi lên đường người đàn bà bụng mang dạ chửa kia sẽ làm gì với đống tre pheo tranh nứa ngổn ngang?...
Tôi dừng tay lại, và càng kinh hoảng vì nỗi khát thèm hủy diệt cứ cháy bừng bừng trong tôi như ngọn lửa tưới dầu, không thể dập tắt. Hai bàn tay tôi co quắp lại vì chúng thèm muốn bóp chặt một cần cổ nào đó, thèm xóc lưỡi lê vào một tấm thân nào đó, thèm khạc lửa liên thanh vào một tiêu điểm nào đó... bất cứ vật gì liên quan tới cõi đời khốn khổ này, liên quan tới những mất mát của tôi, liên quan tới những sức mạnh vô hình dày vò, đày đọa tấm thân và tâm hồn rách nát của tôi...
- Trời ơi, trời ơi là trời i i...
Hoa rên rỉ. Cô vẫn không ngừng khóc. Mắt tôi mở trừng trừng hướng về phía người đàn bà. Toàn thân tôi căng như sợi dây dàn lên hết cỡ. Chỉ một tích tắc, chỉ nửa tích tắc nữa thôi nó sẽ đứt. "Thế là hết... Không còn gì tồn tại". Một ý tưởng rạch ròi, buồn thảm tới. Nó tới chậm chạp, uể oải tựa hồ một con trăn no bụng trườn trên đám lá khô, tìm chỗ ngủ. Và bỗng nhiên, ý tưởng đó khiến cơn hung hãn trong tôi tắt ngấm. Cả những cảm xúc, cả những dự tưởng cũng tắt theo. Tôi biết tôi không thể nói một lời an ủi, hay có một cử chỉ khích lệ người đàn bà. Thậm chí, tôi chẳng thể tới ngồi bên cô. Tôi không thể làm gì hết... Tôi bỗng hoang vắng như một nhà ga bị loại bỏ. Tôi bỗng trơ trọi như mỏm đá nhô giữa làn nước biển. Tôi bỗng chán nản và cạn kiệt sinh khí như một lão già trụy lạc đã quá tuổi tám mươi ngồi nhìn những mảnh vỡ sau bữa tiệc túy lúy của cõi đời... Tôi quay lưng bước khỏi lều.
Cuộc chia tay không lời chào, không lời hẹn.
Đêm tối thui. Lũ chó xóm Trại sủa ầm ĩ.

Truyện Tiểu Thuyết Vô Đề Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 !!!3462_8.htm!!! Đã xem 246330 lần. --!!tach_noi_dung!!--


Chương 8

--!!tach_noi_dung!!--
Tôi mơ thấy một chàng trai có gương mặt vui vẻ dắt tôi qua cánh đồng tường vi. Mặt trời đã lên nhưng sương trắng chưa tan bay lang thang như ước vọng của kẻ si cuồng. Bốn bề xung quanh, hương nồng đậm, hoa tường vi nở mê man cho tới tận chân mây. Hai chúng tôi im lặng, mài miệt bước đi. Chợt một tiếng gọi dóng dả khiến tôi bừng tỉnh:
- Quân, dậy mau không thì mày sẽ chậm tàu!
Chật vật lắm tôi mới kiếm được một chỗ ngồi... Ngay trên đầu tôi, đung đưa đôi chân to như chân voi và dơ dáy của một cô buôn chuyến. Cô ta mắc võng ngay toa tàu, rồi cứ nằm há miệng ngáy, mặc cho kẻ qua người lại. Con tàu thời chiến giống bát cơm chộp giật trong cơn đói lầm than, khốn cùng. Tàu chỉ đỗ ở ga xép năm phút. Khách đi tàu chen lẫn nhau, đạp lên những bãi phân lổn nhổn rác và đá, đạp lên các túi xách, ba-lô, sọt đựng hàng, đạp cả lên lưng và chân nhau... Người ta cố phải tìm được một chỗ ngồi, dù trên ghế hay dưới sàn đầu toa, nước tiểu tràn lênh láng bốc mùi khai lợm. Những chiếc ghế gỗ cứng, long lở, nhem nhuốc vết dao cứa và nhựa hắc ín. Ở cửa: cái còn, cái mất, phủ đầy bụi lẫn muối than. Tàu sơn loang lổ màu rêu ngụy trang.
Một người đàn ông gày gò, mặt đen nhẻm, huých tôi vào sát thành toa:
- Nhờ anh tí nhá.
Ông ta ghé mông ngồi xuống đồng thời đặt kê nửa chiếc bao tải nặng trĩu lên đùi tôi:
- Thông cảm tí nhá.
Tôi nói:
- Việc gì khó, tôi sẵn sàng giúp ông. Nhưng đi đường dài, mà đặt bao tải nặng như cùm sắt thì làm sao chịu nổi?
Ông ta nhăn nhó:
- Bát. Toàn bát ăn cơm. Để dưới sàn vỡ mất.
Tôi bảo:
- Phải tìm cách thu xếp chứ?
Ông ta lắc đáu quầy quậy:
- Anh thông cảm, vỡ mất, ở vùng tôi, bom phá vỡ hết. Nhiều nhà phải ăn cơm bằng gáo dừa!
Tôi dịu giọng:
- Yên trí, tôi sẽ giúp ông.
Thương lượng với mấy cô buôn chuyến, tôi xếp được tải bát giữa những cuộn chiếu cói và sắn khô. Người đàn ông sung sướng nhoẻn miệng cười. Hai hàm răng trắng làm sáng bừng gương mặt gầy choắt, đen như nhọ than.
Ông ta thở phào:
- May quá là may.
Đoạn, rút trong túi dết ra một ổ bánh mì khô cứng, ông ta bẻ làm đôi mời tôi:
Làm một miếng cho đỡ đói lòng.
Tôi lắc đầu:
- Cảm ơn, tôi vừa ăn cơm no.
Người đàn ông hể hả, cầm bánh ăn. Miếng bánh mì đã có vết mốc. Tôi nhìn những lằn gân nổi chằng chịt trên cổ ông ta, cả hai bàn tay khô khẳng như rê duỗi... Trong chiến trường, có lúc đói trắng mắt, đói rã xương, mà lại có lúc thực phẩm dồi dào, ngập đũa ngập bát. Nhưng cái đói bình thường của người dân hậu phương là thứ đói triền miên vô tận!
Thấy tôi nhìn, người đàn ông nói vồn vã:
- Tôi hãy còn cái bánh nữa trong túi, anh ăn nhá?
Tôi vui vẻ đáp:
- Không, tôi nhìn cái mụn ruồi trên cổ ông. Nó giống hệt mụn ruồi của bố tôi.
Người đàn ông cười hề hề, đoạn cúi xuống cẩn thận nhặt từng mẩu bánh vụn rơi trên đùi, bỏ vào miệng. Xong xuôi, ông ta khoanh tay trước bụng, nhắm mắt ngủ. Chỉ một lát sau, tiếng ngáy đã cất lên đều đặn.
Con tàu thét lên hồi còi dài, nhưng vẫn chưa chuyển bánh. Cô buôn chuyến nằm võng trên đầu tôi nói mê:
- Trả tiền tao ngay... Không cho khất được. Biết phiên chợ sau mày còn hay bom nó cắt hộ khẩu rồi... Trả tao...
Cô ta nói rành rẽ khiến đám buôn chuyến xung quanh phì cười.
Tàu rú hồi còi thứ hai. Một nhân viên hỏa xa bước vào toa:
- Yêu cầu đồng bào lùi ra... yêu cầu lùi ra...
Anh ta nói liên tục:
- Dẹp cho tôi một lối đi, yêu cầu...
Đám khách xô đẩy nhau, dạt sang hai phía, nhường đường cho anh ta. Một việc miễn cưỡng. Tuy nhiên, bộ đồng phục ngành hỏa xa, chiếc mũ kê-pi mới và chiếc túi giả da đeo bên hông khiến tấm thân lom khom của anh ta cũng có phần nào oai vệ. Phía sau anh ta, hai người đàn ông bước theo. Cả hai đều to béo, nhưng một người lùn, một người cao. ông lùn đeo kính gọng vàng, ông cao đeo kính cận dầy như trôn chén.
- Nào, nào... dẹp vào... dẹp vào lấy lối...
Người nhân viên hỏa xa tới dãy ghế đối diện với dãy ghế tôi ngồi. Ở dó, đã có hai hành khách đi từ ga nào chẳng rõ. Khi tôi lên tàu, họ đang ngủ, đầu ngoẹo vào nhau, mũ cối úp lên mặt. Cả hai đều mặc quân phục cũ. Chàng nhân viên hỏa xa đập vào vai họ:
- Dậy, dậy....
Hai thanh niên bừng tỉnh, giương những con mắt đỏ kè nhìn xung quanh. Khi nhận ra người đứng trước mặt, họ bỗng ngồi thẳng lên. Người nhân viên hỏa xa nói lạnh lùng:
- Yêu cầu cho kiểm tra vé.
Cả hai thanh niên đều giữ khư khư mũ cối trước bụng, người nọ đưa mắt nhìn người kia. Cả vẻ mặt lẫn toàn thân họ toát ra vẻ khúm núm:
- Dạ... thưa đồng chí... dạ...
Người soát vé nhắc lại:
- Yêu cầu cho kiểm tra vé...
Hai người đàn ông đeo kính vẫn im lặng quan sát từ đầu bỗng cùng lên tiếng:
- Thôi thôi...
Nhân viên nhà ga bảo hai thanh niên:
- Về phòng vé giải quyết.
Đoạn, anh ta quay lại cúi dầu một cách lễ phép nói:
- Xin hai đồng chí cho ý kiến: ngồi đây có được không?
Người đàn ông lùn gật đầu:
- Được
Chàng nhân viên hỏa xa nói tiếp:
- Dạ, có cần gì xin các đồng chí tìm tôi tại phòng vé. Tôi sẵn sàng phục vụ.
Người đàn ông lùn gật đầu:
- Được rồi.
Nhân viên hỏa xa nói:
- Tôi xin phép được đi ạ?....
Vì phải cúi xuống nói với người lùn một cách kính cẩn, trông bộ dạng anh ta hệt như thằng gù có bướu lưng. Người đàn ông lùn sẵng giọng:
- Được rồi, cần gì tôi sẽ báo...
Anh chàng nhân viên hỏa xa cúi đầu chào lần nữa rồi Hai người đàn ông không cớ hành lý gì đáng kể, ngoài một chiếc túi du lịch cỡ nhỏ chắc đựng đồ ăn. Không ai dám ngồi chen thêm vào ghế của họ. Những con người béo múp, trắng như đế nhốt lâu ngày trong bao diêm trở thành bậc chúa tể vô danh giữa đám đông.
Người ta bắt đầu liếc nhìn họ một cách rụt rè, hoặc sợ hãi, hoặc muốn lấy lòng. Ngay đám buôn chuyến trâng tráo là thế cũng không dám thản nhiên buông những lời thô tục. Không khí trong toa tàu bớt ồn ĩ hẳn đi... Có một thứ quyền lực không tên khống chế mọi người!
Con tàu rít lên hồi còi thứ ba, xô lắc rồi chuyển bánh. Hai người đàn ông tựa dầu vào thành toa, nhìn nhau. Ông lùn đeo kính gọng vàng cười ha hả:
- Thấy chưa? Cậu đã thấy chưa?...
Người cao lớn gật dầu, im lặng với vẻ như chờ đợi.
Người lùn nới tiếp:
- Cuộc đời không nhàm chán, mịt mù như văn chương, báo chí của các cậu. Chỉ bước lên toa tàu này mươi phút đã rõ.
Người đàn ông đeo kính cận nói:
- Chính vì muốn thấy rõ nên tôi mới theo cậu đi chuyến tàu chợ này. Chưa chi vợ tôi nó đã đe: - - - Liệu đấy, đem rệp về nhà thì tôi tống khứ!
Người đàn ông lùn cười:
- Vợ là kẻ thù không chính thức của mọi người đàn ông ha... ha... ha... Nhưng chúng ta không thể loại bỏ. Bây giờ trở lại vấn đề cậu quan tâm.
Người đàn ông cao lớn hỏi:
- Nội dung và hình thức.
Người đàn ông lùn gật đầu:
- Chính thế. Tôi khỏi cần bố trí diễn các tiểu phẩm làm minh chứng. Trước mặt chúng ta, vừa mới đây đã xảy ra một ví dụ hiển nhiên. Cậu hãy nhớ lại: Hai thằng trốn vé tàu gọi cậu nhân viên hỏa xa là đồng chí. Cậu nhân viên hỏa xa cũng gọi chúng ta là đồng chí. Nhưng thực chất mối quan hệ thứ nhất là mối quan hệ giữa những kẻ phạm pháp với người thừa hành pháp luật. Mối quan hệ thứ hai là quan hệ đầy tớ với ông chủ. Nói rõ thêm: cậu nhân viên kia chỉ là đầy tớ của đầy tớ chúng ta... Đúng chưa?... Vậy danh từ đồng chí là cái vỏ. Một hình thức chứa đựng những nội dung khác biệt nhau: Xét phương diện ngữ-nghĩa, đó là sự ngụy trá, - Xét phương diện lịch sử, đó là sự thích ứng, - Xét phương diện thực tiễn, đó là một mánh khóe của các nhà cai trị.
Người cao lớn đưa tay sửa gọng kính, lắc đầu:
- Trong xã hội văn minh, người ta phải tìm cách khắc chế sự bất-tương-đồng giữa hình thức và nội dung.
Người đàn ông lùn nhìn vào mặt bạn, lại cười ha hả:
- Cậu ngây thơ thật! Không phải lúc nào chúng ta cũng cần đến một xã hội văn minh.
Người đàn ông cao lớn nói:
- Tôi không hiểu.
Người đàn ông lùn diễu cợt:
- Tôi không hiểu... tôi không hiểu... Đừng nói câu đó khi tuổi ngoại ngũ tuần. Văn minh là con đường cực nhọc. Chúng ta lại thiếu thời gian. Cuộc đời chúng ta ngắn ngủi. Phải tìm kiếm vinh quang bằng con đường khác.
Người đàn ông cao lớn nhăn mũi:
- Cậu có những ý tưởng tàn nhẫn.
Người đàn ông lùn cười:
- Phẩm chất đầu tiên cần thiết cho các nhà cầm quyền là tàn nhẫn. Cậu giống như đàn bà, duy cảm bệnh hoạn!
Người cao lớn nói:
- Tôi giống tôi.
Người lùn vẫn cười:
- Cậu thấy con đà điểu chưa'!... Khi gặp ác thú tiến đến, nó rúc đầu vào cát. Nó tưởng cát sẽ khắc chế dược hiện thực.
Người đàn ông cao lớn bảo:
- Nhưng chúng ta đã ra đi vì lý tưởng.
Người đàn ông lùn gật đầu quả quyết:
- Đúng. Đó là sự thực không thể chối cãi...
Rồi ông ta lại cười.
Lần này tôi thấy rõ hàm răng ông ta ám khói thuốc vàng vàng, lại hơi chìa ra phía trước. Mũi ông ta tẹt, hai lỗ mũi trống hoác. Có lẽ vật giá tri nhất trên con người ông ta là chiếc gọng kính bằng vàng nguyên chất. Sức chinh phục lớn nhất ở ông ta là cái vẻ tự tin pha lẫn diễu cợt chớt nhả của một thằng ôn con lõi đời. Ông ta nói tiếp:
- Tôi và cậu, và nhiều người khác nữa, chúng ta đã ra đi vì lý tưởng. Nhưng đó là những ý nghĩ năm mười bảy tuổi. Vào lứa tuổi năm mươi, nó chỉ là những kỷ niệm mốc meo. Lý tưởng đó, đơn giản là bánh thánh phát cho lũ trẻ vị thành niên. Muốn chúng mặc áo thầy tu, mặc áo lính hay áo cảnh sát quốc gia cũng chỉ cần dùng bấy nhiêu từ.
Người đàn ông cao lớn nói:
- Không ít người nghĩ như thế. Nhưng...
Người đàn ông lùn cắt lời:
- Danh từ cũng như mọi vật: có lúc nảy sinh, có lúc lụi tàn.
Người đàn ông cao lớn hỏi:
- Vậy năm tôi với cậu rời Quảng trị ra đi, cái gì nảy sinh, cái gì đã lụi tàn?
Người đàn ông lùn đáp:
- Hồi ấy chúng ta mười lăm tuổi, tâm hồn và cách mạng đều tươi non. Suốt cuộc hành trình, chúng ta luôn miệng hát bài Đồng Chí.. Gì nhỉ?... "Quê hương anh nước mặn đồng chua. làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá..." Lời hay tuyệt, phải không? Nhưng qua thời gian đó, nó đã trổ bông kết trái. Giờ, tới lúc lụi tàn. Đó là qui luật. Cách mạng cũng như tình yêu, có nảy sinh, có thối rữa. Nhưng cách mạng thối rữa nhanh hơn ái tình...Đồng chí…. Khi thực chất mối quan hệ giữa những người cùng tham dự vào một trận tuyến không còn là đồng chí nữa thì các nhà cầm quyền cần phổ biến danh từ ấy một cách rộng rãi và ầm ĩ hơn... Đó chính là bổn phận của các cậu các nhà văn hóa và giáo dục cao cả. Người ta trả lương cho các cậu chính vì lẽ đó.
Ông ta ngửa cổ lên cười. Rồi rút một điếu thuốc, châm lửa hút. Người đàn ông cao lớn ngập ngừng:
- Có những hạt nhân có lý trong điều cậu nói... Nhưng mà...
Người đàn ông lùn cướp lời:
- Nhưng mà không chịu nổi, đúng không?...
Ông ta cười tiếp. Hình như ông ta có điều gì vui vẻ lắm và cuộc chuyện trò chỉ là cái cớ để bùng nổ nhưng trận cười vô tiền khoáng hậu. Tới lượt người đàn ông cao lớn châm thuốc. Hai người thi nhau thả khói. Họ im lặng hồi lâu.
Trong toa chỉ còn vài người đàn ông cùng tôi theo dõi câu chuyện. Đám đàn bà buôn chuyến đã há hốc mồm ra ngủ. Tiếng bánh sắt nghiến trên đường rầy buồn tẻ vô cùng. Chợt người đàn ông lùn hỏi:
- Cậu có đem bia theo không đấy?
Người kia gật đầu:
- Có. Đã khát rồi à?
Người đàn ông lùn lắc đầu:
- Không. Tí nữa ta uống.
Người cao lớn mỉm cười:
- Đã muốn đi tàu chợ xem dân chúng sống ra sao mà lại còn phải đem theo đồ hộp!?
Người đàn ông lùn cười xúyt xoa:
- Tôi yếu bụng. Trình độ vệ sinh ăn uống của dân ta ở vào loại man rợ nhất nhì thế giới. Nước lã ở các nơi bên Tây Âu sạch hơn nước lọc giải khát đóng chai và hộp ở bên ta.
Người đàn ông cao lớn cười mát:
- Cậu thật mâu thuẫn! Vừa muốn hưởng tiện nghi của nền văn minh vừa không muốn thiết chế một xã hội văn minh!?
- Thiết chế một xã hội văn minh là việc khó. Nhưng bảo đảm đời sống văn minh cho một nhóm người là việc dễ. Tôi đã bảo cậu rằng văn minh là con đường gai góc, tốn phí thời giờ lại phải chia xẻ quyền lực. Đối với một dân tộc ấu trĩ như dân ta, tìm cho họ một tôn giáo thích hợp, dẫn dắt họ đến lễ đài vinh quang bằng con đường ngắn nhất, dễ trăm lần hơn dạy họ văn minh...
Người đàn ông cao lớn nheo mắt:
- Cậu trắng trợn thế?...
Người lùn cười hề hề:
- Sự thật nào mà không trắng trợn?... Cậu cứ thử đặt điạ vị của cậu, vào vị thế của một ông vua... Lúc ấy, cậu sẽ khoái đứng trên lễ đài duyệt binh hơn lọ mọ trong triều đình để tìm kiếm các phát minh về một giống lúa mới hay một qui trình sản xuất mới. Đấy, cái nền văn minh của cậu bắt buộc các ông vua phải lọ mọ trong triều, phải gặp gỡ ve vuốt lũ trí thức gàn dở, kiêu ngạo... Còn đứng trên lễ đài, cờ xí rợp trời, lưỡi lê tuốt trần sáng lóe, súng đại bác gầm thét... đó là niềm thụ hưởng tối cao của quyền lực, - tiền bạc, và ái tình cũng không sánh được... Cho nên, chúng ta cần tôn giáo...
Người đàn ông cao lớn nói:
- Thế mà ít nhất cũng dăm bảy lần tôi nghe cậu trích dẫn câu nói của Lê-nin: Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.
Người đàn ông lùn cười cợt:
- Cậu đến lạ! Tôi là giáo sư. Khi đứng trên bục giảng, tôi phải giảng bài đúng yêu cầu. Bọn sinh viên chúng cần ăn những thứ thực phẩm ấy, cũng như cần học thuộc lòng danh từ lý tưởng... Chúng ta không phải bọn chíp hôi... Vả lại, đừng cố chấp. Nếu đúng tôn giáo là thuốc phiện thì chúng ta cần thứ thuốc phiện ấy hơn ai hết.
Người bạn đồng hành lắc đầu:
- Đến thế là cùng...
Người lùn nhìn bạn, vẻ ái ngại:
- Cậu luôn luôn là một thằng học trò... Nhưng có lẽ tôi thích cậu cũng chính vì điều đó. Thế cậu tưởng rằng chúng ta là những kẻ vô thần hay sao?... Không phải thế! Khi chúng ta đập phá đình chùa miếu mạo, ấy là để dọn chỗ treo ảnh Mác, là để tạo đựng hình ảnh một tân-chúa cho đám đông. Cậu có nhớ những cuộc chỉnh quân, chỉnh huấn năm 52-53 không? Chúng có khác gì những buổi lễ xưng tội ở nhà thờ? Trong đó con người tự hành xác, tự dằn vặt sám hối để lương tâm thanh sạch, để được tiến đến gần đấng chí tôn... Bây giờ cũng thế, tôi cũng đã dự những buổi kiểm điểm và kỷ luật đảng viên. Mác đã hiển thánh và trở thành tấm gương đạo đức.
Tới đó, ông ta bật ra vài tiếng ho. Người bạn đồng hành lặng im. Rồi hai người cùng châm thuốc hút... Nhả vài hơi khói, người đàn ông lùn nheo mắt nhìn bạn:
- Cậu đọc kỹ tiểu sử Mác chưa?
- Chưa, chỉ một đoạn a-văng pờ-rô-pô (avant-propos) trong cuốn "Gia đình thần thánh" thôi.
- Cố nhiên... Cố nhiên... Muốn cho Mác hiển thánh thì phải xóa đi mọi dấu vết của đời thường... Tôi, thì tôi đã tới tận ngôi nhà sinh ra Mác, tôi ký tên trên các bảo tàng về Mác, tôi đến đặt vòng hoa trên nghĩa trang Mác tại Anh... Ngửng nói, ông ta nghiêng đầu ngửa mặt nhìn người bạn. Mắt ông ta nheo lại, ánh lên nụ cười ranh mãnh. Cái gọng kính vàng lóng lánh dưới tràng mày thưa. Người đàn ông cao lớn quay sang nhìn, ông ta nói tiếp:
- Tất nhiên, chân giá trị của một vĩ nhân không đặt ởphạm trù đạo đức cá thể... Nhưng mà, nói cho vui, cậu có biết về phương diện sinh hoạt, cá nhân Mác là người thế nào không? Đó là một thằng lùn trụy lạc. Từ thời sinh viên đã mò xuống các xóm nhà thổ chơi điếm. Đặc biệt, Mác rất thích đám con gái di-gan. Nói theo ngôn ngữ của Lép-tôn- tôi, đó là một thằng cha đi hoang không biết mệt. Đoạn đời sau của Mác, nhiều người biết: lão ngủ với cô đầy tớ, đẻ một đứa con. Khi Mác chết, Gien-ni đã tha thứ và công nhận đứa con ngoài hôn thú.
- Ha ha... ha ha... ha...
Ông ta cười rũ rượi. Người bạn đồng hành cũng cười.
Họ thi nhau lấy khăn tay thấm nước mắt. Rồi họ châm điếu thuốc thứ ba, tiếp tục hút.
Tôi ngồi im. Lưng tôi lạnh toát. Một cơn choáng váng xâm chiếm óc não tôi. Tôi có cảm tưởng như mình đang đi trên một cây cầu, trong chớp mắt nó hóa thành sợi dây và bên dưới là vực thẳm. Tôi lén lút đưa mắt nhìn người đàn ông đeo kính gọng vàng lần nữa. Ông ta đang chun mỏ thả khói thuốc, đầy vẻ mãn nguyện. Ánh mắt ông ta như còn tiếp tục cười cợt. Hai khóe mép nhếch lên vui vẻ nhưng mỉa mai... Tôi hiểu, những điều ông ta nói là sự thật...
Tôi bỗng hình dung ông ta là tay phù thủy, vê cục bột thành một hình nhân, đặt lên bệ thờ, rồi ông ta phà ra luồng hơi phù phép. Hình nhân thằng lính kèn bằng bột hóa thành vị thần linh oai nghi, vĩ đại. Trước thần linh ấy, ngàn triệu người xì xụp quì lạy, khấn vái. Ngàn triệu cặp mắt ngước nhìn khiếp hãi, cuồng si. Ngàn triệu sinh linh chờ đợi một tín hiệu là nhất loạt nhảy vào bể dầu sôi hay hỏa ngục... Trong ngàn triệu người ấy có tôi, có tất thảy những người máu thịt thân thiết của tôi... Và ông ta, gã phù thủy thấp lùn mũi tẹt, ngồi ở hậu cung vừa nhả khói thuốc vừa tủm tỉm cười.
- Báo cáo...
Tiếng nói giật giọng khiến tôi sửng sốt!
Tôi quay lại, thấy một anh chàng bận quân phục, đeo băng đỏ đang đứng trước mặt hai người đàn ông.
Anh ta dằn từng liếng:
- Có người đến báo rằng hai ông đã xúc phạm Các- Mác, vị lãnh tụ vĩ đại và đã bôi nhọ chủ nghĩa xã hội của chúng ta.
Người đàn ông lùn lập tức đứng bật dậy, ưỡn ngực quát:
- Ai, ai tố cáo?
Mặt ông ta đanh lại, không còn vẻ bỡn cợt mà trở nên nghiệt ngã:
- Ai?
Ông ta quát lại lần thứ hai, dõng dạc, khinh bỉ. Anh chàng cảnh vệ quay lại phía sau... Hẳn kẻ tố cáo đã nhanh chân lủi mất. Anh ta đứng đần độn, mặt đỏ lựng, ấp úng:
- Có người đã tố cáo... Dứt khoát có người đã...
Người đàn ông lùn rút trong túi áo một mảnh giấy, chìa cho chàng cảnh vệ:
- Đây đọc đi.
Một cuốn sổ nhỏ có bìa cứng màu đỏ, các góc hơi quăn lên. Tôi biết đó là tấm hộ chiếu ngoại giao, loại các ông lớn thường dùng. Anh chàng cảnh vệ run run đỡ lấy cái báu vật biểu hiện quyền uy, mắt như lạc khỏi tròng. Anh ta đọc rất nhanh, và, đọc xong, mặt tái xám.
Người đàn ông mỉm cười, rút lại cuốn sổ nhỏ trên hai bàn tay thô kệch của anh ta, bảo:
- Chính chúng tôi là những người đưa chủ nghĩa Mác vào Việt nam. Chính chúng tôi dạy cho nhân dân, trong đó có bản thân anh, hiểu thế nào là chủ nghĩa Mác. Cho nên, người bảo vệ chủ nghĩa Mác trước tiên là tôi chứ không phải là anh. Rõ chưa?
Chàng thanh niên cúi gằm mặt xuống. Tôi nhìn rõ những hạt mồ hôi đọng trên hai thái dương của anh ta lớn dần lên.
Người đàn ông lùn nói tiếp:
- Tôi bỏ qua cho anh lần này... Lần sau còn hành động hồ đồ như thế, anh sẽ được đưa tới nơi cần thiết.
Anh chàng vẫn cám mặt xuống sàn tàu. Người đàn ông lùn giật giọng:
- Đi đi!
Ông ta ưỡn ngực, chắp tay sau đít, mặt hầm hầm khủng bố đến nỗi chàng cảnh vệ ngã dúi dụi vào đám hành khách. Đi tới gần cửa toa anh ta mới dừng thẳng lên được. Tức khắc, anh ta biến mất.
Người đàn ông lùn ngồi xuống. Vẻ cau có, nghiệt ngã trên mặt ông ta tan biến. Ông ta quay sang người bạn, nháy mắt cười vui vẻ nói:
- Cậu thấy chưa?...Dân mình ngu lắm. Phải có tôn giáo dẫn dắt và phải có ngọn roi để dạy dỗ họ.
--!!tach_noi_dung!!--

Hiệu đính, sửa chính tả: Thất Sơn Anh Hùng
Nguồn: VNthuquan
Được bạn: mọt sách đưa lên
vào ngày: 2 tháng 7 năm 2004

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--