Chương 10

Lại một đêm không ngủ được, cô lăn lộn ngồi lên bật đèn. 2g30, vuốt mái tóc, kẹp cao tận đỉnh đầu, cô rời phòng ngủ, bước lại bên chiếc mũ độc nhất, mở ra lấy một tập hồ sơ và một cuốn sách nhiều màu sắc đi ra bàn.. Cô mở tập hồ sơ, bên ngoài có hàng chữ “Khoáng sản, lâm sản miền Trung. Tiềm năng kinh tế và kế hoạch phát triển đến năm 2000”. Cô đọc kỹ để ghi vào đầu, thỉnh thoảng dùng bút đỏ gạch đít một số câu. Ba giờ rưỡi sáng, cô xếp tập hồ sơ lại, lấy giấy trắng viết một bức thư.
Việt Nam 3g30 ngày …
Kính gởi luật sư Samuel Roffe,
Thưa luật sư! Tôi viết thư này, trước muốn biết về công việc làm ăn và sức khỏe của ngài có tốt đẹp không?
Sau báo cho ngài biết rõ về Rhys Krau, hai người mà ngài đã giới thiệu với tôi.
Thưa luật sư Samuel Roffe kính mến!
Ông Rhys Krau có yêu cầu tôi giúp ông ấy nghiên cứu tiềm năng khoáng sản miền cao nguyên Trung bộ Việt Nam và có dự án liên kết đầu tư với nhà nước Việt Nam về việc trồng rừng và bảo vệ rừng. Những dự án ấy đều đem lại lợi ích cho cả hai bên, nên tôi vô cùng sung sướng nhưng lại khiến ông ấy buồn, vì từ chối làm trợ ký cho ông. Ông Rhys Krau đã về nước bốn tháng nay chưa trở lại, khiến tôi lo ngại cho ông ấy, không hiểu đã xảy ra điều gì. Thưa luật sư Samuel Roffe! Nếu vì lý do khách quan nào khiến ông Rhys Krau bỏ dự án liên kết trồng rừng tại Việt Nam, thì giữa chúng tôi còn một tình bạn, tuy sơ giao nhưng không kém phần mật thiết, qua sự giới thiệu của ngài.
Vậy nếu ngài biết tin gì về ông ấy, hoặc có gặp, xin nhắn với ông ấy gọi cho tôi theo số điện thoại …
Thưa luật sư kính mến! Năm năm rồi ngài chưa thăm lại Việt Nam, tôi thì không đủ điều kiện qua Anh quốc thăm ngài nhưng lòng tôi hằng mong nhớ và tri ân ngài. Người đã dạy dỗ tôi, giúp tôi thành đạt trong cuộc sống. Trước khi gác bút, tôi xin gởi đến ngài lời cầu chúc ngài và gia đình được hạnh phúc, sức khỏe.
Kính thư.
Trần Thanh Thiên.
Bỏ lá thư vào bì, cất hồ sơ vào tủ, Thanh Thiên nhìn đồng hồ, mới bốn giờ, cô uể oải lên giường, thả người xuống, mắt lơ đãng nhìn lên con thạch sùng chắc lưỡi than thân. Quá khứ lại trở về trong cô …
Nếu Đông có cuộc sống vững vàng, cô đã không là Thanh Thiên hôm nay. Ngày ấy, nhìn Đông đi làm thuê, vác mướn không một lời than thở, cô đã khóc âm thầm. Đồng tiền! Một thứ giấy lộn tanh tưởi, đã đày đọa biết bao người, trong đó có Đông. Cô không còn thanh thản trong cái nghèo của mình. Sợ hãi ngày mai đen tối, cô tự vạch cho mình tương lai, phải làm gì cho có tiền. Việt Nam qua bang giao kinh tế, với cô là sự kiện hàng đầu. Cô lao vào việc tự học, học ngoại ngữ, học địa lý, học kinh tế qua sách báo nước ngoài tại thư viện. Học, học, học ngày đêm. Thế rồi cái tương lai trong đầu cô trở nên rõ ràng, khi cô gặp ông Hoan, một luật sư chuyên về kinh tế người Úc. Cô làm hướng dẫn viên cho ông hai tháng, đi khắp Việt Nam. Thời gian gần gũi khiến ông quý mến người con gái Việt Nam không nhan sắc này.
- Thanh Thiên! Lương cô một tháng bao nhiêu?
- Lương nhà nước hơn 80 ngàn cộng tiền thưởng của khách khoảng 200 nghìn, nghĩa là 20 Mỹ kim.
Người luật sư già lắc đầu lia lịa:
- Cái đầu cô bỏ phí quá, cô có muốn nhiều tiền không?
- Lúc xưa thì tôi trả lời không.
- Tốt lắm, thế cô có bao giờ nghĩ về tương lai đất nước này, trong đó có phần cô?
- Có và tôi mong có một người thầy lỗi lạc dạy tôi về thực tế trên thương trường như ông vậy.
- Thương trường mỗi nước, mỗi châu đều khác nhau. Cô muốn học, tôi không từ chối dạy nhưng phải có điều kiện.
- Tôi bằng lòng bất cứ điều kiện nào.
Người luật sư già hóm hỉnh đưa ngón tay lên:
- Đừng bao giờ hứa hẹn, nếu đối phương chưa nêu rõ điều kiện, đó là bài học đầu tiên để moi tiền khách hàng, hiểu không?
Ông Hoan dạy cô mọi kinh nghiệm ông trải qua trong đời, khuyên cô khi tiếp cận với khách, phải biết đưa miếng mồi thích hợp bởi thị hiếu kinh doanh người châu Á, châu Âu, châu Mỹ khác nhau.
Ngày ông trở về nước, cô tiễn ông ra tận phi trường, mời ông ghé thăm Việt Nam lần nữa, ông cười:
- Tôi sẽ trở lại để đòi điều kiện mà cô từng hứa.
Ông chưa trở lại, cô đã có người thầy mới, một luật sư người Anh tên Samuel Roffe, rồi một luật sư khác, người Hoa quốc tịch Singapo ông Lương Kiện. Đến viên luật sư người Mỹ trẻ tuổi nhất và là con Chồn tinh trong thương trường thế giới Hanche William. Cuối cùng là bà Anna Ronche người Pháp quốc tịch Ý, lấy chồng là một tay trùm ngành dầu mỏ vùng Trung Đông quốc tịch Israel.
Trong suốt ba năm, nếu Đông nhọc nhằn trong việc kiếm tiền bằng sức lao động, ở tù, thất nghiệp thì Thanh Thiên vừa làm vừa học, không kể chi sức khỏe bản thân mình. Có những đêm giật mình thức giấc bên bàn học, nhìn vào gương thấy vẻ hốc hác tiều tuỵ của mình, cô tự hỏi “Để làm gì? Có ích chi đâu?” Nhưng rồi cô vẫn học, điên cuồng học. Ông Hoan qua Việt Nam lần thứ hai, lần này khảo nghiệm cô học trò rất kỹ, xong chấm điểm:
- Tốt, kiếm tiền được rồi.
Và ông giới thiệu người khách đầu tiên, một người Hoa quốc tịch Úc, kinh doanh hàng tiểu thương công nghiệp mỹ nghệ. Lần đó, cô kiếm được 2000 đô la (Úc). Ôm gói tiền cô đến gặp ông thầy đầu tiên. Ông đếm cẩn thận, rồi cười:
- Cái thằng “keo” nhỉ, 2000 Mỹ kim kia. Nửa tháng lương một chuyên gia kinh tế là 2000 Mỹ kim, nhớ chưa?
Rồi ông nheo mắt:
- Tỷ lệ hoa hồng là 0.1% một khách hàng, thỏa thuận nhé!
Cái tỷ lệ ấy Thanh Thiên thanh toán rất sòng phẳng cho bất kỳ người thầy nào giới thiệu khách hàng đến. Riêng tiền dạy học không ai nhận và cô ghi khắc điều ấy vào tim. Cũng cái đêm đầu tiên, cô cầm trong tay 2000 đô la Úc, Đông đến tìm cô, thấy anh cô hỏi ngay:
- Có việc làm chưa Đông?
Đông cười buồn:
- Chẳng ai nhận một kẻ bị thải hồi làm chi cả.
- Đông đến chắc có chuyện?
- Tường Vi đau, cô ấy cứ gọi Thanh Thiên mãi.
Thanh Thiên thất sắc, cô tự trách mình vô tình. Không kịp thay áo, cô qua nhà Đông. Làm vợ bao năm, trải qua bao cực khổ bên chồng, Tường Vi vẫn vậy, trẻ con, yếu đuối. Cô khóc vùi trong tay Thanh Thiên:
- Em chết mất.
- Đau thì uống thuốc, đừng nói bậy em!
- Anh ấy khổ vì em quá nhiều.
- Vợ chồng tình sâu nghĩa nặng.
- Chị ơi! Có cách gì giúp anh Đông đỡ khổ, em thật không đành.
Thanh Thiên muốn nói “biết chồng cực khổ, sao không cùng san sẻ” nhưng nhìn lại Tường Vi, cô đành thở dài. Nó sinh ra mang số phận loài hoa tầm gửi chẳng thể nào khác. Cô ôm Tường Vi vào lòng:
- Em đừng lo, Đông rất có tài, sớm muộn gì Đông cũng có một tương lai rực rỡ.
Cho tới khi Tường Vi thiếp ngủ, họ mới nói chuyện với nhau:
- Đông tìm việc ở cơ sở tư nhân đi, cần gì phải nhà nước.
- Có vài chỗ nhưng lương ít quá.
- Để Thanh Thiên tìm dùm, có gì báo Đông biết.
- Đồng, Đổng cũng nói vậy. À, Đồng nó chuyển nhiệm sở từ Củ Chi về, “cậu” biết chưa?
- Cậu ấy có nói, còn Đổng ù đang tập sự đạo diễn.
Cả hai bật cười, đồng nói:
- “Cậu” biết không …
Đông đưa tay:
- Cậu nói trước đi.
- Mình nghĩ tới tấm thân tròn ục Đổng ù loay xoay trên sàn diễn, nên không nhịn được cười.
- Mình nghĩ y như “cậu”.
Cả hai phì cười, thế đó, đến tư tưởng họ cũng giống nhau, nhưng dòng đời lại chia đôi ngã. Rất nhiều đêm Thanh Thiên tự hỏi, có phải vì trời không cho cô đẹp hay đôi mắt của đàn ông chỉ thích nhìn những sắc màu?
Đông không tìm việc làm nhưng lại có người đến mời đi làm. Ông ta trạc ngoài 50, sang trọng trong trang phục, bình dân trong cách nói chuyện:
- Thú thật với anh kỹ sư, tui có tiền mà chữ nghĩa kém, nghe họ xúi khôn, xúi dại mới bỏ tiền mở trung tâm tin học gì đó rồi thuê người coi nó. Hổng biết nó làm ăn gì mà cứ kêu máy hư, kinh doanh lỗ hoài. Có người nói anh giỏi lắm, nên muốn nhờ anh kéo nó lên dùm. Bọn người cũ tôi đuổi hết rồi, chỉ cần lấy lại vốn cho tôi, cái trung tâm đó tui nhượng lại giá rẻ.
Nhóm bốn người đến tham quan cơ sở ấy, đi theo họ có một chuyên gia về vi tính. Suốt ngày họ làm việc kiểm tra, còn ông chủ cứ đau đáu cặp mắt nhìn theo từng người.
- Sao Đông? – Thanh Thiên hồi hộp hỏi bạn.
- Khó khăn nhưng mình thích.
Đồng sếu vừơn gật gù tán vào:
- Cơ hội ngàn năm có một, dù khó khăn cũng phải cố gắng vượt qua.
Đổng ù lạc quan hơn cả:
- Lên hương rồi, nhào vô đi Đông.
Khi Đông trả lời đồng ý, ông chủ trung tâm tin học làm ngay hợp đồng, có luật sư phụ trách pháp lý. Điều kiện nêu trong hợp đồng giản dị nhưng không kém phần cam go.
Nguyên văn như sau:
Ông Lê Văn Đông, toàn quyền tuyển chọn nhân viên, quy định tiền lương, bảo trì máy móc. Trong thời hạn 5 năm, mỗi năm chia 4 quý, đúng ngày cuối tháng 1 quý, đến luật sư phụ trách hợp đồng nạp tiền thu được của trung tâm. Nếu trong 5 năm, ông Lê Văn Đông hoàn thành việc thu hồi vốn (Số vốn đã nêu rõ, có kèm theo chứng từ), ông được quyền mua lại trung tâm tin học Tương Lai với giá thoả thuận, trả lần trong 5 năm tiếp theo, được giảm 20% nếu trả 1 lần. Nếu ông Lê Văn Đông không hoàn thành việc thu hồi vốn trong 5 năm, sẽ bị thải hồi không điều kiện và trung tâm tin học Tương Lai được công khai bán đấu giá, mà không phải chịu điều kiện gì trước ông lê Văn Đông.”
Đông hoàn thành bản hợp đồng trong 4 năm với 16 tiếng làm việc mỗi ngày, với ngày 3 bữa cơm và sinh hoạt phí cho Tường Vi, ngoài ra không có nhu cầu nào. Ông chủ trung tâm giữ đúng lời hứa, bán lại trung tâm cho Đông theo lối trả dần trong 5 năm. Ngày nộp tiền đầu tiên, ký xong giấy tờ, Đông đi bộ 12 cây số về nhà, vì trong túi anh không còn một đồng. Anh có biết, có người bạn gái cũng đi theo anh 12 cây số đường để chia xẻ cùng anh?
oOo
Tường Vi ngắm mình trong gương, chiếc Mini màu vàng cắt 8 mảnh xéo, ôm gọn lấy thân hình nàng. Ta thật trẻ trung, xinh đẹp như tuổi đôi mươi. Ta làm sao thua sút nó, dù cho nó có từ nơi đâu về. Cali, hừ! Cali chẳng phải đất thánh, con nhỏ gánh nước mướn ngày xưa, dù có trát vàng lên mặt đất, cũng không bén gót chân mình.
Cười với mình trong gương, Tường Vi xách bóp đầm ra ngoài, đọc lại lần nữa mảnh giấy viết cho chồng xong, cô ung dung khóa cổng ra phố. Thong dong bước chân trên con đường, Tường Vi nghĩ đến cô bạn mình. Nhóm 5 người ít ai biết Hoa, cô ở xóm khác, thỉnh thoảng cô mới ghé thăm Tường Vi, vì nhờ cô, Hoa mới biết chữ.
Hoa theo người yêu vượt biên, được định cư ở Cali và trở về quê hương sau 10 năm. Con nhỏ gánh nước mướn, giờ được gọi là Việt kiều. Với vẻ ngoài sang trọng hào nhoáng, biết lái xe hơi, biết nhảy đầm, hút thuốc, còn nói tiếng tây như gió và búng tay gọi chồng thay 2 tiếng "anh ơi". Con nhỏ ở tận Cali mà chuyện gì bên này cũng biết. Nó biết chuyện Tường Vi bên này có chồng là giám đốc trung tâm vi tính, biết chuyện Tường Vi có nhà mới rời bỏ xóm nghèo. Nó nói ông cha quê mùa của mình tới xin số điện thoại Tường Vi và sau đó gọi cô ra đón nó ở phi trường.
Buổi gặp mặt có nhiều điều đáng nhớ, bởi ai cũng tự hài lòng về mình và tình bạn càng khắng khít ở buổi gặp lần sau. Té ra thế giời bên ngoài thật muôn vàn sắc vẻ, chớ không tịch mịch như căn nhà và Đông. Té ra tình yêu chưa phải là tất cả trên đời. Tại sao ta không có quyền được tình yêu và được thêm nhiều thứ khác? Anh ấy bây giờ đã thành đạt, đã có đầu tư của người nước ngoài, nếu ta xuất hiện bên anh ấy, có gì xấu hổ đâu?
Tường Vi cười một mình vẫy chiếc xích lô vừa trờ tới. Cô lên ngồi đọc tên nhà hàng nổi tiếng. Bạn cô mời cả hai vợ chồng ăn cơm tối, nhưng cô muốn có một đêm cho mình giữa chốn phồn hoa. Nên khi Đông gọi về, nói phải ở lại trung tâm làm việc, cô không nói gì cả. Chiếc xe dừng lại trước một nhà hàng. Tường Vi xuống xe trả tiền, cô choáng ngợp trước hai người âu phục thẳng nếp, cúi mình thật thấp đón chào cô:
- Hello Tường Vi!
Hoa vừa bước xuống trong bộ đầm ngắn củn sặc sỡ với dáng vẻ nhún nhảy kệch cỡm, nắm tay Tường Vi thân thiết:
- Ổng đâu mà Tường Vi đi một mình?
- Ảnh bận lắm, tối nay phải làm đêm.
Hoa bĩu môi, tay kéo Tường Vi vào căn phòng đông đặc người:
- Bận gì cũng phải đưa vợ đi chớ, cái khoản này đàn ông xứ mình thua xa ba thằng nước ngoài.
Những bộ quần áo sang trọng, muôn màu sắc, những mùi nước hoa trộn vào không gian. Tiếng cười nói, chúc tụng khiến Tường Vi choáng váng. Cô thấy gương mặt vợ chồng Hoa mờ ảo và tai nghe loáng thoáng lời giới thiệu, tiếng xì xào, và những bàn tay lần lượt nắm lấy tay cô. Khung cảnh này Tường Vi chưa quen, nhưng cô không muốn Hoa và bạn bè “nó” nhìn thấy mình lúng túng, ngại ngùng. Nụ cười luôn nở trên môi đầy e lệ, với câu nói xã giao “Hân hạnh được biết cô, chào cô”, “Chào ông! Hân hạnh được biết ông”, “Vâng! Cảm ơn ông, chồng tôi rất bận”. Tường Vi khiến mọi người chú ý qua vẻ đẹp dịu dàng e lệ. Chồng Hoa mời khách ngồi vào bàn, đứng lên nói lời khai mạc, tiếng vỗ tay rền vang và tiếng sâm banh nổ dòn. Tường Vi ngồi bên Hoa, nụ cười e ấp trên môi, mắt cô lướt nhanh qua từng người. Cô chợt sửng sốt khi bắt gặp gương mặt ấy. Hắn là bạn của Hoa ư? Hắn cũng đang nhìn cô, mắt đăm đắm màu nâu vàng rực rỡ, viền môi nhếch lên một nửa nụ cười. Hắn đêm nay không lè phè chút nào, mà thật tuyệt vời trong bộ veston sọc xanh mờ trên nền xám trắng. Chắc hắn nhìn ra cô từ lâu và khi thấy cô nhìn mình sửng sốt, hắn mỉm cười, đặt ly rượu xuống bàn bước lại. Hắn đứng trước cô lịch sự, hào hoa qua cái nghiêng mình rất thấp nói điều gì đó. Cô lúng túng, Tạo cười:
- Tường Vi, ông Jim nói hân hạnh gặp lại cô.
- Hân hạnh gặp ông nơi đây.
- Ông ấy muốn mời cô qua bàn, Tường Vi! Nhận lời đi, Jim là tổng giám đốc của anh đó.
Mặt cô ửng hồng. Ôi! Qua đó có ích gì, có nói và nghe được gì đâu chớ nhưng cô cũng gật đầu. Jim tươi cười đưa tay mời, Tường Vi bước đi. Cái bàn Jim ngồi không có ai ngoài hắn và hắn khiến cô sửng sốt bằng câu nói từ đôi môi, một câu nói tiếng Việt hoàn toàn:
- Đêm nay bà xinh đẹp quá!
- Ông! Ông …
- Xin bà đừng ngạc nhiên và giữ bí mật này hộ tôi được không?
- Vâng được! - Tường Vi ngẩn ngơ buột miệng.
Hắn khẽ lắc đầu, mỉm cười, cầm ly rượu nho trao tận tay cô:
- Chúc mừng buổi gặp gỡ.
Hắn uống cạn ly mình và ánh mắt hắn khiến Tường Vi cũng uống cạn ly rượu. Cô nghe đầu óc lâng lâng ngay khi chất rượu chạy vào cơ thể. Jim tươi cười đổi lối xưng hô tỉnh rụi:
- Tạo nói cô là bạn của vợ anh ta?
- Vâng! Hồi ấy tôi thường dạy Hoa học chữ.
- Bao năm gặp lại, cô thấy Hoa thế nào?
- Có vẻ sang trọng, nhiều tiền.
Jim thoáng trên môi nụ cười khó hiểu, Tường Vi tò mò:
- Tạo làm ở công ty ông?
- Ồ không! Công ty của dòng họ Edward.
- Tạo nói ông là tổng giám đốc.
- Là con trai của bà tổng giám đốc. Công ty có nhiều chi nhánh trên thế giới, nên đôi khi tôi đến thanh tra thay mặt mẹ tôi.
Tia mắt Tường Vi không dấu nổi vẻ ngưỡng mộ, cô háo hức:
- Và bây giờ ông muốn hùn vốn với chồng tôi?
Lại thoáng trên môi Jim nụ cười khó hiểu:
- Vâng! Cô có vui lòng?
Tường Vi tỏ ra là một phụ nữ đức hạnh.
- Quyền quyết định là ở chồng tôi, anh ấy vui là tôi vui.
Jim hỏi mà như không nghe câu trả lời. Người ta bày thức ăn đầy bàn. Tường Vi e ngại, cô chưa ăn món Tây bao giờ. Jim như hiểu điều đó hắn soạn dao nĩa bày trước, cách ăn và trải khăn ăn xuống đùi. Tường Vi làm theo. Cô học rất nhanh, Jim nhìn cô thích thú:
- Thay mặt chủ nhân mời cô!
Tường Vi ăn nhỏ nhẹ, Jim ăn rất ít, hắn ăn cho có ăn, vẻ uể oải như loài báo hoa no mồi và trong bữa ăn hắn không nói chuyện. Cái bàn của hắn và Tường Vi, trừ người hầu bàn đứng một góc, không có ai đi lại kể cả vợ chồng chủ nhân. Buổi tiệc diễn ra khá nhanh và khách mời thật sự vui vẻ khi đi qua phòng nhảy kế bên. Jim đưa tay mời, Tường Vi đứng lên, hơi lảo đảo và tâm hồn bay bổng. Hai ly rượu đang phát huy tác dụng, cô đẹp huyền ảo dưới ánh đèn, cô lả đi trong tay Jim.
- Tường Vi, tôi mời cô bản này.
Tường Vi nghe hồn chơi vơi nhưng cô chưa say:
- Jim! Tôi không biết nhảy.
Hắn hơi dừng lại, nhíu đôi mày rậm:
- Ông Đông không cho cô ra ngoài ngoại giao sao?
Tường Vi khoát tay, cười lớn:
- Ồ! Chồng tôi chưa bao giờ cấm đoán tôi điều gì, là tôi không thích thôi. Làm sao ra ngoài xã hội khi anh ấy đi làm thuê, vác mướn như một thằng cu li chính hiệu. Tôi cũng có tự ái đàn bà chứ.
Jim thật sự sửng sốt. Hắn dìu cô ra ngoài lan can của khu dancing:
- Giám đốc trung tâm vi tính mà là cu li?
Tường Vi cười khúc khích:
- Chuyện cách đây 8, 9 năm kìa. Khắp cái khu chợ cải ai không biết mặt gã chở rau cải thuê tên Đông Cù chứ. Còn trung tâm vi tính ấy à? Chưa phải là của ảnh đâu. Ảnh còn nợ họ 3 năm và họ bỗng dưng biến mất tiêu. Ông biết không, một ngày qua đi là một ngày tôi lo sợ, sợ mình lại trở thành vợ gã cu li thuở nào.
Ánh mắt trong veo ngây thơ thuở nào biến mất trên mặt Tường Vi, chỉ còn lại vẻ lờ đờ muốn ngủ. Và cô bộc bạch nỗi lòng mình theo hơi men đã thấm:
- Ôi! Vợ thằng cu li cũng chưa đáng sợ, ngày ấy hàng trăm cặp mắt nhìn tôi như chế nhạo “mày là vợ một thằng tù”. Vậy đó, tôi trốn cuộc đời từ thuở biết yêu, vì mình chẳng là gì trong xã hội. Rồi tôi trốn cuộc đời vì chồng tôi chưa công danh, tiếp đó tù tội, tiếp đó … hơn 10 năm rồi, vì lẽ này, vì lẽ kia, tôi luôn trốn tránh. Cho tới hôm nay … tôi không trốn nữa, vì đã có ông bên anh ấy. Nếu người ta trở về, tôi vẫn là vợ ông giám đốc. Tôi đã có quyền bước vào cuộc đời này Jim ạ!
Hơi men ngấm sâu vào trong máu Tường Vi, cô muốn ngủ thiếp trong một vòng tay. Cô cảm nhận vòng tay này khác lạ ở mùi nước hoa quyến rũ đầy chất đàn ông và cô thiếp đi trong tay Jim. Qua ánh đèn mở ảo, hắn nhìn cô đăm đăm, như muốn tìm trong thân thể diễm kiều mảnh mai kia một điều gì đó hắn chưa hiểu được. Rồi bỗng dưng hắn nhếch môi cười, bồng xốc Tường Vi trên tay rảo bước đi nhanh về hướng thang lầu.
Trong lúc ấy, Đông lo lắng bồn chồn, cầm mảnh giấy vợ để lại, anh đi ra đi vào. Tường Vi không nói dự tiệc ở nhà hàng nào khiến anh bối rối. Vợ anh chưa từng bước vào chốn đông người và anh tự trách mình đã không về để nàng phải đi một mình. Bứt rứt, Đông đi lại máy điện thoại, anh nhấn số, cầm máy:
- Thanh Thiên ngủ rồi à! Xin lỗi.
- Có chuyện gì hả Đông?
- À không! Tường Vi đi dự tiệc của cô bạn gái bên Cali về nhưng cô ấy không để địa chỉ lại, nên mình không biết phải đón ở đâu. Mà bây giờ 12g đêm rồi.
- Mình tới ngay, ta chia nhau đi kiếm nhé.
- Đừng... Thanh...
Thanh Thiên đã bỏ máy. Đông bần thần tự trách mình. Sao ta hồ đồ vậy? Chuyện gì cũng gọi cô ấy, nửa đêm rồi cô ấy lại đến đây. Ta luôn là cái nợ của cô ấy sao? Lạ làm sao, đến điều nhỏ nhặt nhất ta đều san xẻ cho người không phải là vợ mình. Đông đưa tay vỗ trán "Mày nghĩ gì vậy? Đồ điên khùng!". Đông đi ra sân nhà, anh mở cửa, Thanh Thiên chạy xe vào. Đông hỏi ngay:
- Thanh Thiên mua được xe rồi à?
Thanh Thiên hỏi ngay chuyện chính:
- Có biết cô bạn nhà ở đâu không?
Đông vỗ trán cố nhớ, rồi lắc đầu:
- Không nghe Vi nói tới. Đông cũng lấy làm lạ sao Vi có bạn, mình lại không biết.
Thanh Thiên gật đầu vẻ nghĩ ngợi. Cô sực nhớ:
- Đông nè, hồi đó ở xóm bên kia đường có con nhỏ gánh nước thuê, thường đến nhà nhờ Vi dạy học chữ, nghe nói cô ấy vượt biên và định cư ở Cali. Cô ấy cũng vừa hồi hương.
Đông sốt ruột:
- Vậy tới thử xem.
- Nhưng cô ấy ở khách sạn chứ không về nhà.
- Lại thế nữa. À! Người nhà chắc biết địa chỉ khách sạn.
- Vậy mình đi.
Họ chưa kịp cho xe ra cổng, ánh đèn xe đã quét vào sân. Đông mở toang hai cửa và sửng sốt khi thấy Jim bồng xốc Tường Vi bước xuống.
- Jim!
- Bà chủ uống quá say, tôi mạn phép đưa về.
Hắn đặt Tường Vi vào tay Đông, ánh mắt ngó Thanh Thiên có vẻ gì giễu cợt, tò mò. Cô sa sầm nét mặt gay gắt:
- Tường Vi không biết uống rượu, ông phục cho cô ấy uống say à?
Hắn nhún vai:
- Tại sao tôi phải làm như vậy? Cô Thanh Thiên, cái mà cô nghĩ họ không biết, thật ra họ biết nhiều hơn cô tưởng đấy. Coi chừng và đừng bao giờ tưởng mình thông minh.
Đông đã bồng Tường Vi vào nhà. Thanh Thiên bực bội lườm Jim, cô đi vào bếp, làm nước chanh, ướp khăn lạnh đi vào phòng Tường Vi. Cô thấy Tường Vi ngồi dậy mắt nhìn cô lom lom rồi cười như nắc nẻ:
- Chị đó à? Sao lúc nào chị cũng ở bên chồng tôi vậy? Lúc xưa thì được, còn bây giờ tôi cấm chị. Ảnh là của tôi rõ chưa?
Mặt Thanh Thiên nhợt đi, Đông tái mặt nạt nhỏ:
- Tường Vi! Em say thật à? Chị Hai em mà!
- Chị Hai! - Tường Vi cười lớn - Hai tiếng em gọi là bức tường ngăn cách tuyệt diệu phải không anh? Anh à! Anh làm sao hiểu chị Hai bằng em chớ?
Tường Vi lại cười, tiếng cười dòn dã làm Đông rối loạn. Tiếng cười như nhát dao đâm vào con tim ứ máu của Thanh Thiên. Cô run lên và lý trí lên tiếng nhắc nhở "Thanh thiên, mày đã câm lặng và phải mãi mãi câm lặng, bởi đó là Tường Vi, một đứa con gái luôn sống bên bờ vực chết, bởi đó là..."
Thanh Thiên đặt ly nước chanh và cầm chiếc khăn để lên bàn phấn, cô đi ra cửa. Đông đứng lên, Tường Vi kéo tay chồng:
- Anh đi đâu chớ, lại chạy theo chỉ à? Lúc nào anh cũng bỏ em đi, tại sao, tại sao chớ?
Tường Vi khóc nức, rũ xuống thiếp đi, miệng ú ớ lảm nhảm. Đông để vợ nằm xuống, anh chạy ra ngoài. Thanh Thiên đang cho xe ra cổng, Đông gọi lớn, bương theo:
- Thanh Thiên!
Anh ghì chiếc xe lại, qua ánh đèn đêm trên nền trời xa thẳm, qua ánh đèn quét vệt dài giữa bóng tối, Đông chết lặng, thấy mắt người bạn gái đẫm nước mắt. Chuyện gì? Chuyện gì vừa xảy ra trong đời anh? Đông run lên:
- Thanh Thiên! Em đừng khóc, có bao giờ em khóc? Tường Vi say mà, cô ấy không biết mình nói gì đâu.
Thanh Thiên gật đầu nói như máy:
- Không có gì, em về đây.
Cô vọt xe đi, Đông ngơ ngác, tay anh run từng hồi không rõ tại sao. Anh đứng mãi cho tới khi có bàn tay đặt lên vai anh.
- Jim! - Đông ngỡ ngàng.
Hắn ngậm điếu thuốc nghiêng bên môi, ánh mắt soi mói tận cùng người đối diện:
- Tôi vừa chợt hiểu kẻ điên rồ không phải là mình. Nào anh bạn Đông Cù thân mến, hãy vào chăm sóc cô vợ búp bê của mình. Có lẽ đêm nay anh sẽ biết nhiều điều hay đấy. Tạm biệt.
Xe Jim khuất dần trên đường vắng, còn mỗi Đông trơ vơ, đêm tối nuốt chửng Đông.
Còn lý trí anh đang vùng lên vượt qua điểm mờ mịt của tâm linh, còn lẫn khuất một bóng hình.