Chương 6

Đông mở mắt, nghe tay mình tê điếng, anh nhìn xuống, Tường Vi gối đầu trên tay anh, mặt áp vào ngực anh, thân hình mảnh mai săn cứng quấn lấy thân thể anh trông thật quyến rũ. Đông tỉnh hẳn, để nhớ đêm qua anh về nhà trong tâm trạng vui vẻ và hơi ngà ngà. Anh ghì lấy vợ xin lỗi vì để cô ở nhà một mình. Tường Vi không hờn lẫy như mọi hôm, cô chăm sóc anh, cởi giầy áo, lau mặt và pha nước chanh đưa tận miệng chồng.
Một chút hơi men, khiến Đông thấy vợ thật khêu gợi trong chiếc áo ngủ cột dây hờ hững. Anh yêu vợ náo nức, mạnh mẽ, nàng đáp ứng anh nồng nhiệt, tình tứ. Anh thỏa mãn từ tâm hồn đến thể xác, ôm ghì nàng thì thào lời cảm ơn rồi ngủ say.
Trời sáng chưa nhỉ? Không gian im lìm quá! Đông nhìn đồng hồ, mới 3 giờ sáng, Tường Vi trở mình rời Đông, anh nhẹ nhàng để đầu vợ kê vào gối, rón rén rời phòng ngủ, sang phòng tắm. Đông tắm nhanh, khoác lên người chiếc áo choàng mùa hè, anh vào bếp. Cơm, thức ăn không còn một tí, khiến anh ngạc nhiên. Pha ly cà-phê sữa, anh ra đổ cặn vào thùng rác và nhìn thấy thức ăn lẫn lộn những mảnh chén đĩa bể.
Bưng ly cà-phê ra ngồi trước hiên nhà, Đông mãi bâng khuâng về thái độ của vợ mình. Không phải lần đầu tiên Vi đập phá. Anh thường gặp cô, nước mắt đọng mi, ngủ còn nức nở. Anh không giận cô đập phá, anh thông cảm nỗi cô đơn và tình yêu nàng dành cho anh. Tường Vi không thích giao tế, nên cô ghen với cả cái bóng của chồng. Yêu vợ, Đông câm lặng. Anh biết, có giải thích cô nghe về chuyện một người chồng và sự nghiệp ngoài xã hội cũng vô ích. Cô chẳng bao giờ nghe, cô chỉ muốn anh yêu chìu dỗ dành. Đêm nay cô không hờn lẫy, cũng chẳng bắt anh dỗ dành. Cô yêu anh và muốn anh yêu cô, cô rất tình tứ ngọt ngào. Chuyện gì xảy ra vào tối qua?
Tính độ lượng là điểm nổi bật nhất của anh nhưng Đông không phải là không sâu sắc ý tứ. Tường Vi thật lạ trong đêm nay khiến Đông nghĩ ngợi. Hớp ngụm cà-phê, châm thuốc hút, Đông lơ đãng đi ra cổng nhà, hương dạ lý thơm nồng khiến Đông nhớ đến Thanh Thiên. Cô bạn anh thích dạ lý, có lần Đông hỏi tại sao (Hồi ấy trừ Đồng còn học Y, tất cả đã ra trường). Thanh Thiên cười:
- Vì nó giống mình.
- Giống cái gì?
- Đông tìm hiểu coi.
Đông có rảnh đâu mà tìm hiểu, anh đang sốt vó tìm việc làm và kiếm tiền cưới Tường Vi. bạn bè cùng nhóm trừ Thanh Thiên nhà đủ ăn, Đồng, Đổng, Đông đều nghèo. Mấy năm đại học của họ đều tự lực cánh sinh, họ làm đến quên ăn, ngủ, nhưng đó đều là những nghề tạm bợ. Ra trường rồi, mảnh bằng là kết quả bao năm công sức, chẳng lẽ bỏ xó. Vậy mà bỏ xó thật. Đông được bổ nhiệm tuốt Long Xuyên. Anh bỏ nhiệm sở ngay, làm sao ở đó khi còn cha mẹ già và Tường Vi? Vậy là buổi sáng đi bỏ báo, chiều tối dạy kèm, có giờ rảnh thì đi xin việc. Lý lịch Đông không có vấn đề gì, con nhà vô sản mà, nhưng hộ khẩu cắt về Long Xuyên mất tiêu. Vậy là một công dân chân chính, một sinh viên xuất sắc đại diện cho tương lai đất nước trở thành dân lậu ngay trên mảnh đất anh sinh ra và lớn lên.
Đông buồn nhưng không lời than oán, anh miệt mài làm việc và đi xin việc, cho đến ngày ba anh bệnh nặng phải đưa đến nhà thương. Ung thư, hai tiếng đó như sét đánh ngang tai Đông, niềm mong mỏi được phụng dưỡng cha mẹ già lịm tắt. Đông đã gục trong tay Thanh Thiên và người cha đã ra đi trong đêm mưa gió trong vòng tay đứa con trai và tiếng khóc gào của vợ hiền. Đám ma ấm cúng nhờ dân xóm nghèo thương nhau, đùm bọc, nhưng món nợ khi cha đau ốm Đông còng lưng mang nặng trên vai. Đông làm việc bất kể ngày đêm, không từ nan việc nào có danh giá hay không danh giá, anh không một lời than thở với bạn hay người yêu. Anh còm cõi, ốm nhom, Tường Vi chỉ biết khóc. Mỗi Thanh Thiên lặng lẽ theo anh, lặng lẽ cùng nỗi trăn trở của anh. Anh nhớ mãi buổi sáng hôm ấy, vác đến sọt cải cuối cùng chất vào chiếc ba gác, anh ngước lên dùng tay áo chùi mồ hôi trên mặt, đã thấy Thanh Thiên đứng đó tự bao giờ. Mắt cô long lanh nhưng Đông không thấy nước mắt rơi, để biết rằng cô khóc. Đông lúng túng, cô đi lại gần:
- Gần xong chưa Đông? – Cô hỏi thật bình thản.
Đông nhẹ nhõm:
- Xong rồi, để Đông chở qua chợ An Đông rồi đưa Thanh Thiên về.
- Thế Đông còn làm gì nữa không?
Đông ầm ừ, chợt thấy mắt bạn nhìn mình nghiêm nghị, anh đành nói:
- Mình lên ngã tư Hàng Xanh bửa mấy khối củi, nhanh thôi.
- Đông chở mình đi với Đông không?
Trên chiếc ba gác này âý à? Làm thế nào khác, vả lại Thanh Thiên đâu có ngại. Vậy là chàng kỹ sư lái xe ba gác chứa 10 sọt cải và cô bạn gái ngồi phía sau qua chợ An Đông, xong lại chở nhau tuốt lên Hàng Xanh bửa củi thuê. Hôm đó Đông làm thật lẹ, vì anh bửa củi ra là Thanh Thiên ôm xếp vào đống gọn gàng. Lúc đưa tiền công, bà chủ trêu:
- Vợ xấu vợ mình, vàng đó cháu, chu choa, cổ tốt nết quá chừng – Đông suỵt lia lịa, mắt liếc chừng Thanh Thiên, cô tảng lờ như không nghe thấy. Trên đường về, Đông ghé qua hãng đồ nhôm, chất một xe chở ra chợ Bình Tây, xong anh mới trả xe rủ Thanh Thiên đi uống nước mía. Cô không mở lời thương hại anh, chỉ hỏi:
- Gần hết nợ chưa Đông?
- Má Đông lại bệnh, nếu không đã trả hết rồi.
- Đông làm lao động nặng phải nghỉ ngơi điều dưỡng nhiều, tối đừng đi dạy thêm nghe Đông.
- Số tiền dạy thêm cũng đỡ một phần.
Cô gật đầu ra vẻ hiểu, lại hỏi:
- Còn buổi chiều?
- Đông đi thâu tiền báo xong qua kho Khánh Hội vác hàng, 17 giờ Đông đi học thêm Anh văn rồi ghé chợ ăn tối. 19 giờ rưỡi dạy kèm tư gia.
- Giá có nhiều mối dạy kèm Đông đỡ cực hơn.
Anh cười:
- Bây giờ sinh viên dạy kèm đông hơn học sinh muốn học, Đông có một chỗ là may lắm rồi. Thằng Đồng bữa nay thành thợ giặt ủi chuyên nghiệp rồi kìa. Tụi học nội trú nhà giàu, thấy nó giặt đồ sạch, bèn thuê nó giặt, bữa nay nghe nói đắt lắm, nó mới rủ Đông tạm thời bỏ học Anh văn đi giặt đồ với nó.
Thanh Thiên im lặng nhìn xuống ly nước mía, một lúc hỏi bạn:
- Đông có đi xin việc làm không?
Đông nhún vai:
- Không đi nữa. Nơi nào cũng hỏi lý lịch, hộ khẩu, rồi thì cũng “xin lỗi” đồng chí, phải ưu tiên gia đình cách mạng. Thôi! Cái số phải làm cu li thì cứ vậy đi. À! Còn Thanh Thiên có việc chưa?
Cô gật đầu, Đông hớn hở:
- Hoan hô, vậy hôm nay Thanh Thiên đãi.
Cô chẳng những đãi nước mía, còn đãi Đông ăn cơm 4 món ở chợ Bình Tây. Anh cứ hít hà mãi, nói Thanh Thiên sang quá cỡ thợ mộc.
Từ đó chẳng hiểu sao Đông luôn gặp vận hên mỉm cười. Chẻ củi thì được thêm tiền công gấp đôi, còn có được củi vụn về chụm. Chở rau cũng được tăng thêm lương, có rau ăn, lâu lâu bà chủ gởi chục trứng gà, lon sữa bồi dưỡng. Ông chủ nhà có con học kèm thì la lối:
- Sao thầy kỳ dzậy? Họ dạy ít giờ thua thầy mà tiền lấy gấp đôi, như vậy hóa ra tôi bóc lột thầy à?
Vậy là Đông trả hết nợ, còn chuộc được chiếc xe đạp đi. Anh về ôm Tường Vi nhảy cỡn trước mặt 3 người, Đồng, Đổng hét:
- Tình yêu muôn năm!
Còn Thanh Thiên, cô lặng lẽ nhìn họ mỉm cười, tay ngắt từng cánh hoa dạ lý thả đầy mặt đất. Hoa dạ lý nhà cô ngát hương bên hai kẻ yêu nhau, bên tình bạn chân thành…
Đông ngừng bước nhìn xuống, những cành dạ lý đầy mặt đất như đêm xưa. Tim Đông đập thình thịch, Thanh Thiên! Cô ấy đã đến đây, đó là lý do khiến Tường Vi thay đổi, cô là người duy nhất khiến Tường Vi biết vâng lời chớ không là anh hay bất cứ ai.
Anh còn nhớ buổi sáng tháng 9 mẹ anh trở bệnh, bà gọi anh lại, khuyên anh lập gia đình để bà yên lòng nhắm mắt. Anh ôm mẹ than:
- Má à! Con phải lo cho má, thì giờ, tiền bạc đâu mà nghĩ đến chuyện đó.
- Con cãi lời, má chết không nhắm mắt.
- Má! Mới giáp năm ba thôi mà.
- Ngộ biến phải tùng quyền thôi con à, má nghĩ không ai trách con đâu. Căn nhà phải có bóng đàn bà, đàn ông có vợ mới nên thân.
Đông buồn lo rạc người, làm cả ngày chạy tiền thuốc cho mẹ không đủ, tiền đâu cưới vợ chớ? Anh càng không dám nói với mẹ điều đó.
Buổi tối lúc Thanh Thiên qua thăm, mẹ anh nhắc lại, liếc Thanh Thiên anh dạ nhỏ. Người mẹ như hiểu lòng con liền nói:
- Hồi ba con còn chạy xích lô, có dành dụm được một số tiền, ổng dặn má không được xài tiền đó, để dành cưới vợ cho con. Má không dám trái lời, cứ bỏ trong gối cất. Con lấy ra lo việc đi.
Số tiền khá lớn, quấn bọc ny-lông bỏ trong gối. Đông cầm tiền nước mắt rưng rưng, Thanh Thiên khuyên:
- Đàn ông không nên khóc, Đông khóc bác gái đau lòng lắm. Vầy nghe, sáng mai Đông qua nói với Tường Vi, mình sẽ nhờ má đứng lo lễ cưới. Cùng cảnh nghèo, mình nghĩ đủ lễ nghi nhưng đơn giản được rồi.
Thanh Thiên về, mẹ nắm tay anh nói:
- Giá con cưới Thanh Thiên, má yên lòng hơn. Tường Vi xinh đẹp, hiền hậu nhưng yếu đuối, không công ăn việc làm, sợ ngày sau con khổ.
- Làm trai phải nuôi vợ, lập sự nghiệp chớ má.
Không ngờ Tường Vi phản kháng, viện lẽ mình còn nhỏ và hai bên cha mẹ mới qua đời chưa đủ 3 năm. Đông năn nỉ, Tường Vi khóc:
- Em còn nhỏ dại, làm vợ sao được, có bề gì chịu sao nổi lời đàm tiếu xóm giềng.
- Tường Vi! Anh vì chữ hiếu, chớ đâu dám ép em, má anh gần đất xa trời.
Tường Vi nguây nguẩy từ chối, rồi khóc lóc nằm vùi. Đồng ù chạy qua méc Thanh Thiên. Cô ngẩn ra vẻ không tin. Mẹ cô nói:
- Con qua khuyên Tường Vi đi, kẻo rồi suốt đời ân hận.
Cô qua hỏi, Tường Vi cũng nói như vậy. Lần đầu tiên trong đời Đông thấy Thanh Thiên nổi giận. Cô nói, mắt quắc lên tóe lửa:
- Thôi đi! Không phải lúc nào nước mắt cũng giải quyết được vấn đề. Tôi hỏi cô, cô có yêu Đông không?
Tường Vi lấm lét khi nghe nàng gọi cô xưng tôi liền gật đầu nói "có".
Thanh thiên chua chát:
- Có phải đối với cô chỉ cần yêu là đủ. Yêu cho tới già, tới chết. Cô ngoài 20 rồi, yêu Đông từ năm 17 và cô từng nói Đông là hơi thở của cô. Cô sống chết chỉ một mối tình. Ba năm yêu nhau chưa thể cưới nhau sao?
Tường Vi bệu bạo:
- Em còn nhỏ dại, sợ làm vợ sẽ khổ thêm cho anh ấy.
Thanh Thiên hứ lạnh lùng:
- Còn nhỏ dại mà lại biết yêu, có đúng là tình yêu?
Tường Vi la lớn:
- Em yêu anh ấy!
- Vậy theo cô yêu là gì?
Tường Vi ngơ ngác, Đồng, Đổng nháy nhó Đông. Thanh Thiên nhìn Tường Vi như muốn soi thấu tận cùng tâm tư cô gái:
- Yêu là sự đồng cảm giữa hai tâm hồn, cô chưa đồng cảm với Đông vậy chưa phải là cô yêu Đông. Yêu là cùng nhau san sẻ hoạn nạn, vui buồn. Yêu là phải hy sinh, cao thượng. Cô lúc nào cũng cao thượng, hy sinh? Ngày mẹ Đông sắp qua đời, niềm mong ước của bà là thấy Đông thành gia thất. Đông muốn trả hiếu cha mẹ chỉ trong giây phút này, mà cô lại đỏng đảnh từ chối. Cô nghĩ coi, đó có phải là tình yêu cô dành trọn cho Đông?
Thanh Thiên nói như quan tòa hạch tội, Đông sững sờ bối rối còn Tường Vi khóc ngất. Chưa hết, Thanh Thiên bồi tiếp:
- Thầy là người nhân đức đôn hậu. Tôi vì cảm ơn giáo dục, mới hứa cùng thầy chăm lo cho cô tới khi thành gia thất. Nếu cô là con gái thầy mà không học được chút nào đức độ của thầy thì từ nay đừng chị em gì hết. Kể như tôi phụ lòng thầy, kể như tôi chưa từng biết cô.
Cô bỏ đi ra cửa, Đồng, Đổng chạy theo. Tường Vi mặt xám ngắt, đầm đìa nước mắt chạy theo:
- Chị ơi! Đừng đi, em xin lỗi chị, em bằng lòng làm đám cưới.
Cưới nhau hai tháng mẹ Đông qua đời. Đám cưới xong nhà Đông hiu quạnh, hai vợ chồng ngồi ta thán thì Thanh Thiên ghé qua. Cô khơng còn vẻ lạnh lùng khắc bạc, ôm Tường Vi dịu dàng xin lỗi và tặng một chiếc đồng hồ. Cái đồng hồ, Tường Vi cất ít khi đeo. Đông hỏi, cô nói sợ đeo hoài hư mất vật kỷ niệm. Tháng ngày tân hôn dù nghèo nhưng hạnh phúc và Đông nhớ mãi trong ngày cưới, đến đêm động phòng lúc nào bên anh cũng thoảng mùi dạ lý ngát hương…
Anh cúi xuống nhặt cành dạ lý nằm cô đơn trên đất. Loài hoa bé nhỏ, ngát hương trong đêm với màu sắc kiên cường. Anh vụt hiểu vì sao người bạn gái yêu hoa dạ lý. Thanh Thiên! Thanh thiên! …