Chương 2

- Duyên nầỵ..
Duyên giật mình, giọng mẹ gọi sao nghe hơi là lạ không giống như mọi hôm. Duyên đang đưa tay vuốt ve con mèo Nguyễn Thị, đặt tên Nguyễn Thị vì nó chỉ là một con mèo hoang, lạc loài ngoài đống rác đầu đường, được Duyên tội nghiệp nhặt về, Quốc họ nguyễn nên Duyên đặt con mèo cũng họ Nguyễn. Giá là ngày xưa thì con mèo cũng được một cái tên âu tây hoặc Nina hoặc Lola gì gì đó rồi. Bây giờ ư, đến thánh thần có bảo cũng không thèm những cái thứ tên lai căng ấy nữa. Hay nhỉ, tình yêu thật nhiệm màu, biến đổi được tất cả.
Cả nhà đều ngạc nhiên khi nghe Duyên chọn cái tên kỳ lạ như vậy nhưng Duyên đã giải thích là tại con mèo thuần túy Việt Nam, chỉ biết và thích ăn rau muống, ngửi mùi cá kho chứ nghe sữa với pho-mát, hay bơ đều quẩy đuôi bỏ đi.
Nghe mẹ gọi mình, Duyên ngước lên, ngừng tay đang vuốt con mèo làm con mèo cũng ngừng, không sung sướng chạy điện rù rù trong cơ thể nữa. Con mèo quay đầu nhìn Duyên như muốn biết lý do, sao đang làm cho tôi vui mà lại ngừng đi như thế.
- Mẹ gọi con?
- Ban sáng có bà đốc Linh đến để xin dạm con cho cậu Ấn, bác sĩ mới ra trường ở Mỹ về, con của Thiếu Tướng Thành đấỵ.. Nghe đâu cậu ấy là...
Duyên giật mình ngỡ rằng nghe lầm, đang nằm mơ, cô gái hất mái tóc sang bên một cách bực bội hội chặn ngay:
- Mẹ bảo gì cơ?
- Cậu ấy thông minh lắm, thi đâu đỗ đó, gia đình thật là phúc đức, ông bà thiếu tướng lại là chỗ danh giá, không phải cái thứ "ắt đơ", lính khố xanh khố đỏ còn lạị..
Duyên cúi đầu cắn môi suy nghĩ, mẹ mà cũng biết những cái trò ấy sao, không gian bỗng như quay tít, tất cả bàn ghế, nhà cửa, cái gì cũng quay. Duyên đưa tay nắm lấy bờ ghế, biết rằng mình không mơ, những lời mẹ vừa nói là sự thật, có con mèo làm chứng.
- Con đã có ý định lấy chồng đâu mẹ, để cho con được sống thanh thản vài năm... Mà cái nhà bà ấy là ai vậy hở mẹ?
- Bà khách hôm nọ đến đây vào một buổi chiều hôm con đi chơi đâu về ấy, con quên rồi sao?
- À, cái con mụ thầy bói đọc bài vanh vách, nói oang oang vỡ cả cửa kính nhà người ta ấy chứ gì.
Bà Mỹ Hưng cau mặt, lần thứ nhất bà nghe con gái dám nói những lời vô lễ, bà tỏ vẻ không bằng lòng.
- Đừng có ăn nói bậy bạ vô phép vô tắc, con gái lớn rồi, phải biết ý tứ.
Từ suốt buổi sáng hôm nay lòng bà tưng bừng mở hội, vui còn hơn cả những khi buôn hàng trúng mối lớn. Đợi mãi mới có một lúc rỗi rãi mà nói cho con gái nghe, phản ứng của Duyên làm cho người mẹ ngỡ ngàng, tưởng rằng Duyên nghe xong chắc cũng sẽ vui lắm.
Thảo nào, từ lúc đi học đàn về thấy mẹ cứ nhìn mình mà tủm tỉm cười, muốn nói gì rồi lại thôi không nói, cả bố Duyên cũng vậy cứ nhìn chằm chằm vào mặt, rồi hai ông bà lại nhìn nhau, mỉm cười với nhau. Thế mà Duyên cũng không đặt câu hỏi, xem như chẳng có gì, cũng không thèm thắc mắc... Mà Duyên còn biết thắc mắc gì nữa, ngoài Quốc ra, cái tên Nguyễn Kinh Quốc sao nghe dễ thương quá vậy. Nếu sau nầy Duyên là vợ của Quốc thì những đứa con trai cũng sẽ mang cùng một tên với bố, không ai còn tìm ra được một cái tên khác ý nghĩa hơn. Hợp với thời đại, với tình trạng đất nước hơn đáng cho một thằng con trai hơn, nhất là khi những đứa con trai ấy lại là con của Duyên và Quốc. Là người Việt Nam.
- Con biết không, con lớn rồi, cha mẹ nào cũng chỉ mong nuôi con cho khôn lớn để dựng vợ gả chồng, làm rạng rỡ mày với họ hàng với làng nước. Nhất là khi nhà người ta lại là chỗ trâm anh thế phiệt, cậu ấy lại có chức phận, bằng cấp, còn trẻ mà đã đỗ đạt ra bác sĩ... Đâu cậu ấy định về hành nghề một thời gian rồi sẽ sang Đức học thêm chuyên môn khác nữa cơ đấy, lấy thêm bằng cấp nữa.
Duyên nghe mẹ nói rặt cái giọng tuyên truyền đứng hẳn về phe bên kia. Trời đất như đang kéo mây, một thứ mây đen u ám, mây báo tin đại hồng thủy, tin tận thế, tiêu diệt. Duyên đứng lên nói rất khẽ mắt không nhìn mẹ, giọng buồn buồn, liệu người mẹ có hiểu.
- Mẹ để cho con còn suy nghĩ...
Vào đến phòng riêng Duyên gục ấp mặt xuống gối, chẳng buồn, chẳng khóc. Không gian như đóng băng, cả nước mắt cũng đóng thành băng mất rồi chăng, cảm giác kỳ lạ, thênh thang, chơi vơi. Tự hỏi phải làm gì để đối phó với cái thằng cha bác sĩ yêu quái báo đời nầy đây. Sao bỗng nhiên lại hiện đến, phá rối cuộc sống đang bình yên, đang đầy hoa lá của người ta.
Nằm suy nghĩ một lúc, cuối cùng cô gái quyết định sẽ đến nhà người yêu, sớm mai để báo cái tin động trời nầy cho Quốc biết và hỏi ý kiến chàng trai phải làm gì. Duyên sẽ năn nỉ xin Quốc viết thư về Huế, bảo mẹ vào đi hỏi Duyên cho Quốc, hỏi để đấy, không cưới vội cũng chẳng sao. Thế là sẽ chặn hết đường mấy cái lão kỹ sư, bác sĩ ở Pháp, ở Mỹ về. Thì ra người đàn bà hôm nọ, con mụ thầy bói ấy là bà đốc Linh, thảo nào mà cái mặt thật dễ ghét, mới thấy cái dáng là Duyên đã có cảm tưởng ghê ghê, xám xịt rồi, không ưa được rồi. Trực giác thật hay, nào Duyên có biết gì đâụ..
- Bày đặt, số với tướng, vượng phu ích tử là cái quái gì, kệ người ta có được không...
Duyên lẩm bẩm giọng bực tức, biết vậy thì hôm ấy Duyên nện giày cồm cộp cho thật du côn, mất dạy, xấc xược, đi vào không thèm hỏi thèm chào ai cả. Có lẽ như thế lại yên thân, bây giờ khỏi phải thắc mắc bận bịu.
- Ghê, dễ ghét.
Duyên nói như nói với một người thứ hai ở đâu đấy. Biết nhà mình có của lại là con gái cưng nên nàng nghi ngờ tất cả những sự mối lái. Người ta nhắm vào cái gia tài trước chứ làm gì có tình yêu.
Duyên khép mắt định thần một lúc, tiếng sáo của Quốc như đang vang lên đâu đây, tiếng sáo dìu dặt như ôm ấp, như quyện quanh gian phòng. Tiếp theo là giọng nói thật trầm ấm của thằng con trai Duyên khe khẽ ca, tưởng chừng như có tiếng sáo đang đệm theo bài Tịch Dương Tây Trầm...
... Mặt trời lặng, chìm về hướng Tây, Ta hỏi mặt trời lặng người ta yêu ở nơi nàọ..
Duyên rùng mình không ca nữa, sao lời ca nghe cũng buồn như tiếng sáo của Quốc mỗi khi chàng thổi một mình mà Duyên đã đến bất chợt và dừng lại nghe trộm bên ngoài thật lâu. Hai giọt nước mắt bây giờ mới chịu rời ra khỏi mi, chảy lăn dài xuống gối, Duyên không biết có phải mình đang khóc.
Tiếng dép của bà Mỹ Hưng nhẹ nhàng đi vào, mẹ Duyên là một người đàn bà cương quyết, muốn gì cũng phải được. Trong gia đình bà nắm hết quyền hành, chỉ huy tất cả mọi việc. Ông bố chỉ là cái máy gật, khỏi cần suy nghĩ lo lắng gì cả, vì bà vợ đã suy nghĩ hộ, lo lắng hộ cho cả nhà. Cái gì cũng thế, nếu không tu bổ lau chùi thì lâu ngày nó không làm việc được nữa, từ thân thể con người đến cái cày cái cuốc, hay cái bàn, cái ghế. Ngày giờ nay hầu như ông hết biết suy nghĩ, nếu không may bà vợ chết đi, chắc ông chỉ còn cách chết theo, hình như đã có nhiều trường hợp như thế, chứ chẳng phải vì thương yêu như mọi người tưởng lầm, thi vị hóa ra đấy thôi.
Mỗi lần có việc gì mà nhờ đến ông là y như việc ấy hỏng bét. Biết ông không có tay buôn bán làm ăn, số ông là số thân cư thê, nhờ vợ, bao nhiêu thầy bói đều bảo, tuy vậy tuổi bà lại phải dựa vào tuổi của ông mới nối cơ đồ, đấy cũng là do miệng thầy bói mà thứ thầy bói thì ai cũng biết, chỉ cần dúi vào tay vài chục, nói khẽ vài câu thì việc gì mà quẻ chẳng vanh vách nói theo ý mình.
Nghe thế nên bà Mỹ Hưng rất chiều chồng, chẳng để cho ông phải làm gì cả. Theo bà thì trong nhà có người đàn ông cũng như trong nhà có bàn thờ Phật, thờ Chúa, chẳng ma qủy nào nó dám vào.
Việc của ông là ăn xong thì mua báo về nghiên cứu mấy tên cầu thủ quốc nội và quốc tế anh nào đá hay, anh nào giữ gôn tồi. Xứ nào có ngôi sao cừ nhất thế giới và ngày giờ nào gặp để đá bóng ăn giải với nhau. Câu chuyện của ông cao siêu nhất và đượm mùi quốc tế là ở chỗ ấy. Hết cầu thủ thì xoa mạt chược, một thứ giết thì giờ thanh nhã, nhất là khi mà các bạn chơi toàn là những ông nầy bà kia.
Bà Mỹ Hưng chỉ cần đến ông chồng mỗi khi đi ăn đám giỗ, đám cưới, đám tang, để ra đường có đôi có đũa với người ta. Ông có tài pha trò trong đám tiệc nên mọi người đều hài lòng. Đám nào cũng cố mời cho được ông bà Mỹ Hưng, không những số quà cáp hậu hĩ mà câu chuyện lại rộn ràng, như vậy mới hên, mới may mắn.
Biết mẹ đang vào, nhưng Duyên vẫn nằm yên, áp má xuống gối không cử động, mắt gián vào gáy những quyển sách trên tủ. Những quyển sách nầy được vào nằm đây là từ khi Duyên quen với Quốc. Trịnh trọng, nghiêm trang, chứ không phải loại tiểu thuyết để tiêu khiển, để giết thì giờ như ngày xưa Duyên vẫn hay đọc. Quốc thường bảo thì giờ qúy lắm, sao lại nỡ giết nó đi và Duyên nhận thấy Quốc có lý.
- Duyên, sao như con có gì không vui hả.
Duyên nghe giọng mẹ mới chịu ngồi dậy, kê gối vào thành giường để tựa lưng, biết trước cuộc đối thoại nầy sẽ không ngắn, có thể nhiều gay cấn, giận hờn, đứa con gái chưa hề làm mẹ buồn bao giờ từ thuở bé hai mẹ con vẫn biết nhường nhịn, hòa hợp nhau.
Duyên là nguồn vui của mẹ, có thể nói ba phần tư lẽ sống của bà mẹ ấy là đứa con gái. Mấy cậu con trai cũng được yêu, nhưng yêu làm sao bằng đứa con gái út, đứa con cầu tự. Đứa con mà từ lúc sinh ra đến tuổi biết đi chẳng bao giờ rời cánh tay mẹ, mặc dầu trong nhà có đến năm bảy người hầu kẻ hạ. Vì Duyên mà người mẹ phải lo xây dựng cơ đồ để rồi phải nay đi lễ mai đi chầu. Đã có lần nghe cha giảng rằng ông nhà giàu khó được lên xứ thiên đường. Thì thôi vậy, dầu có không được lên hẳn xứ thiên đường, ở lưng chừng cũng chẳng sao miễn con gái của bà có một số hồi môn to lớn, bảo đảm suốt cả cuộc đời đến cả đời cháu, đời chắt nữa càng tốt.
Đồi với nhà thờ, với cha, với các dì, các mẹ, bà Mỹ Hưng là một thứ con chiên tốt, và có lần được nghe nói đời bao giờ cũng có những trường hợp đặc biệt, tức là biết đâu bà cũng sẽ được lên xứ thiên đường rồi sẽ còn phù hộ cho con cháu.
Duyên không phải là không biết rõ những sự kiện những tình tiết và những ước mong của mẹ. Cô gái kê gối cho mình và kê luôn cả cho phía mẹ ngồi được thoải mái, tất cả mọi cử chỉ cô gái đều làm rất lặng lẽ, chờ đợi, chờ đợi một cơn bão tố chăng? Một sự phản đối tiêu cực không hiện thành lời mà chỉ hiện lên một vài khi trong ánh mắt.
Người mẹ cảm thấy sự chống đối ấy nhưng vì không có lý do gì vững chắc nên bà chỉ xem như là một sự ngúng nguẩy thông thường như tất cả các cô gái đang ở vào hoàn cảnh nầy mà thôi.
- Con không bằng lòng người ta sao? Chưa thấy mặt mũi, chưa biết gì về người ta cả mà đã chê à?
- Chưa thấy mặt thì mẹ bảo con bằng lòng sao được... ít nhất mẹ cũng phải để cho con... thời buổi nầy mà...
Duyên ngập ngừng chưa biết dùng chữ gì cho khỏi bị mắng là hỗn, nhưng cũng phải tìm một lý do nào để hoãn binh, để còn bàn bạc hỏi ý kiến Quốc. Bà Mỹ Hưng trở lại vui vẻ, tưởng gì chứ vì chưa thấy mặt nên con gái bà mới ngúng nguẩy, chỉ có mỗi một lý do ấy thì dễ quá, chẳng sao. Tuy ngày xưa thời bà còn con gái thì hai bên bố mẹ cứ xem đôi tuổi rồi bàn bạc với nhau, đâu vào đó rồi mới nói cho con gái biết, mà cũng nên ông nên bà, con đàn cháu đống cả. Thời nay đi học đi hành, các cô các cậu mới đâm ra lắm trò bày vẽ ra nhiều chuyện như thế.
- Người ta xin hôm nào đến thăm nhà mình đấy, mẹ hẹn đến chủ nhật nầy nó là ngày tốt, ngày mão, trực thành, hợp với tuổi của con, cậu ấy tuổi mùi, tam hợp, thật là duyên trời định. Lại gặp ngày nghỉ con nhớ không đi chơi đâu cả nhé, chỉ đi lễ sớm rồi về ngay thôi.
Duyên nghe mẹ nói một hồi mà trong lòng ngao ngán, nàng chỉ nhếch mép im lặng. Hình ảnh Quốc lúc gần lúc xa, giọng mẹ mà có lúc Duyên như đang nghe giọng Quốc nói chồng lên, cũng có một lần Quốc mở quyển lịch ra giảng cho Duyên nghe về cái trực và hành và sao.
- Hôm ấy lại là sao Khương, trực thành, mẹ đã đã xem kỹ lịch...
Giọng của Quốc vang lên như muốn lấp giọng mẹ, thì ra âm thanh trong đầu, trong lòng, có thể lấn át cả tiếng bom nổ bên ngoài, có người bảo thế mà Duyên cứ cười, cho rằng họ đã tưởng tượng... Sao Khương thuộc về đông phương, gồm bốn sao, hình nó hơi cong như cái cung, Duyên biết không, nó lại còn nằm trong khối Thanh Long...
Hôm ấy Duyên nghe Quốc giảng về lịch và sao, mà rồi cũng chẳng nhớ gì cả, Quốc bảo rằng Thanh Long còn là một tên của Thái Tuế mà theo mấy ông thầy bói, Thái Tuế là xấu lắm... Giá Duyên biết rõ hơn nàng sẽ mang ra mà giảng cho mẹ nghe rằng sao Khương nằm trong sao Thanh Long mà Thanh Long là tên riêng của Thái Tuế... chắc mẹ sẽ nể Duyên lắm, biết đâu bà sẽ sợ mà không dám chọn ngày ấy, nhưng không chọn ngày ấy thì bà sẽ chọn ngày khác.
- Con biết không gia đình người ta toàn là bậc khoa cử...
Thấy Duyên im lặng, người mẹ ngỡ là cô gái đang suy nghĩ, bà cần phải giảng giải thêm... nhà người ta trâm anh thế phiệt, mình vào làm dâu nó cũng vẻ vang, vừa có miếng lại vừa có tiếng, thời buổi nầy không phải dễ... Nghe đâu hồi cậu ấy chưa về mà đã bao nhiêu đám con nhà giàu đánh tiếng mối mai. Nhưng rồi người ta cũng nào có thiếu thốn gì người ta cũng kén nơi nào phúc đức song toàn, lấy vợ lấy chồng bao giờ cũng phải xem gia thế, nhà cửa, họ hàng, vì còn có ảnh hưởng đến con cháu về mai hậu.
- Theo mẹ thế nào là phúc đức song toàn?
Câu hỏi của Duyên làm người mẹ cụt hứng, bà khựng lại một lúc, con bé ngày nay đi học đi hành rồi dám cãi lại mẹ, vặn vẹo tra khảo, nhưng chẳng sao, bà phải lợi dụng mà giảng dạy, trứng làm sao mà khôn hơn rận được. Nếu không lợi dụng mà uốn nắn ngay thì rồi đây lấy chồng người ta sẽ mắng cho là con nhà mất dạy.
- Thì như nhà mình đấy, con xem người ta qua bao nhiêu năm chiến tranh khổ sở mà gia đình ta cứ phây phây, các anh cũng học hành ra, mẹ với cha cũng làm ăn nên nổi, con thì khôn lớn xinh đẹp...
- Thế là phúc đức song toàn saọ..
Duyên nhếch mép mỉm cười, trời bên ngoài đang nắng bỗng kéo mây rồi đổ mưa. Ô hay sao trời lại mưa, mưa để làm gì, có phải để dằn vặt những ai đang yêu mà không được yêu trả, hay mưa để đày đọa những ai cô đơn bắt phải cô đơn thêm, hay để làm sũng ướt những vạt áo những mái tóc của khách bô hành chưa tìm ra mái trọ. Duyên nhất định không chịu nhận cái định nghĩa tầm thường ở trong các tự điển, ảnh hưởng từ ngày quen với Quốc chứ hồi trước Duyên đâu có như thế. Duyên muốn cho mưa một định nghĩa riêng biệt khác. Trời mưa là vì trời buồn, có gì u uất mà không gầm thét lên được. Nhất là giọng mưa trích lịch, rơi từng giọt, từng giọt, vỗ lên mái nhà, lên ngọn cây, lên tâm tự.. mưa vào độ nửa đêm, nghe buồn làm sao?
Quen nhau từ gần một năm, từ gần một năm nay cuộc sống như nhung lụa, Duyên đã hoàn toàn thay đổi, ai gặp Duyên trước và gặp lại hôm nay chắc sẽ ngỡ rằng đó là hai cô gái khác nhau. Ngay cả đến lối nói lối nhìn Duyên cũng bị ảnh hưởng của Quốc.
Nhưng tại sao từ gần một năm nay Quốc chưa hề nói đến vấn đề hỏi cưới hoặc sống chung trong tương lai gì cả. Hình như cũng chưa bao giờ Quốc nói yêu Duyên, chỉ một vài cái nhìn một vài hành động hay cử chỉ đã thay thế lời nói cho hai người mà thôi. Những cái nắm tay thật chặt, trao cây sáo con ướt thơm mùi môi qúy cho nhaụ.. Như thế cũng đủ lắm rồi. Các bạn đều gọi Duyên bằng Lộng Ngọc, Duyên vui vẻ đón nhận cái tên mới ấy. Người ta còn gọi ông bà Mỹ Hưng là Tần Mục Công, ai cũng ngạc nhiên thấy Quốc chịu yêu Duyên, tin rằng kỳ nầy Tiêu Lang sẽ cưới Lộng Ngọc hai người sẽ cưỡi hạc tím với rồng xanh bay ra ngoại quốc hưởng tuần trăng mật. Các bạn Quốc đã chuẩn bị áo quần để đi ăn cưới, mà đám cưới chắc là phải to phải đông phải làm chấn động cả Sài Gòn. Những đứa ganh tỵ cứ chửi thầm... cái thằng bé thế mà khôn, nơi nào cũng chê, đám nào cũng không chịu nhưng đến cái rương vàng nầy thì nhảy bổ vào ngay. Thật là oan cho Quốc, mà chỉ có mình Duyên hiểu và vì hiểu nên lại càng qúy kính mến Quốc hơn. Giá mẹ Duyên cũng từng yêu thì dễ cho Duyên hơn nhưng người đàn bà nầy chắc chưa bao giờ biết đến cái động từ ấy, ngoài mấy con số triệu với vạn ra mà thôi. Duyên ngập ngừng suy nghĩ rất lâu mới tìm được ra một lời để nói với mẹ.
- Mẹ bảo thế nhưng ngộ nhỡ người ta không yêu con thì sao, hai luồng điện không gặp nhau.
Bà Mỹ Hưng bật cười thành tiếng.
- Con tôi nói chuyện thật đến là ngớ ngẩn, sao lại không yêu con được, bao nhiêu đám rồi mà mẹ thấy không xứng đáng nên mẹ gạt đi đấy chứ. Từ cả ba bốn năm nay rồi ấy chứ...
Đến lượt Duyên bật cười, thương hại lập luận đơn giản của mẹ. Cứ có người đến hỏi là yêu sao, quả như thế, người đàn bà nầy sinh vào một thế hệ không cần tình yêu, như vậy mà nói một tiếng hốt vào bạc vạn bạc triệu thì lạ thật. Thì ra tình cảm và tiền bạc ở hai hành tinh khác nhau.
- Thế ngộ như con không yêu người ta thì sao? Con đã yêu người khác rồi thì sao, trái tim nó cũng có lý trí của nó chứ...
Bà Mỹ Hưng ngơ ngác nhìn con gái như không tin không hiểu, hay trí óc người mẹ từ chối không muốn hiểu, muốn nghe đến những lời quái dị ấy. Hẳn con gái bà là thứ trẻ con nhai lại, nghe ai nói gì ở ngoài đường thì về cũng bắt chước lý luận, cãi bướng cho hay vậy thôi. Hẳn vì còn bé chưa hiểu thấu cái tầm quan trọng của hôn nhân, còn tưởng mình bé bỏng lắm, cãi để trêu mẹ, đấy cũng lỗi tại bà cứ xem Duyên như trẻ con, không bao giờ mang chuyện người lớn ra mà bàn bạc.
Duyên chờ xem ý mẹ ra sao nhưng chẳng thấy mẹ nói gì, cô gái hỏi vặn lại một lần nữa.
- Hở mẹ...
- Cái gì con?
- Thì con vừa hỏi mẹ đấy, nếu con...
- Con đừng đùa, đây là chuyện người lớn quan trọng, để con xem, gặp người ta con sẽ thương ngay, lớn rồi, đừng có trẻ con nữa. Con gái mười hai bến nước, gặp được bến trong, bến tốt mà không ghé vào thì rồi về sau chỉ gặp toàn bến đục, có muốn ghé cũng khổ một đời.
- Mẹ tin rằng cái tên nầy là bến trong đó sao?
Duyên hỏi mẹ tiếp theo một tiếng cười gằn, người mẹ cau mặt. Thật quả chưa bao giờ có sự xung đột giữa hai mẹ con như lần nầy.
- Sao con lại gọi cậu ấy là tên nầỵ.. hỗn
- Ô hay, đã có gì đâu mà mẹ...
Duyên rơm rớm nước mắt chực khóc, sao những lúc nầy lại không có Quốc bên cạnh để che chở cho Duyên. May quá, tình hình đang đến giai đoạn tranh đấu gay cấn thì có khách đến đặt hàng. Bà Mỹ Hưng vội vã đứng dậy bối lại túm tóc đã có vài đám bạc trên đầu, xỏ chân vào dép đi ra nhà ngoài, bỏ mặc đứa con gái một mình với câu tục ngữ: con gái mười hai bến nước.
- Thật là cổ lỗ.
Duyên hằn học mà chẳng biết hằn học ai.
- Anh Quốc.
Duyên vừa bước chân vào nhà Quốc là đi thẳng đến chỗ cái ghế da bỏ trống, ngồi xuống ngay. Nơi nầy là nơi Quốc thường ngồi đọc sách cho Duyên nghe, giảng cho Duyên về sao, về hoa, về trà. Lần nầy không đợi mời Duyên như không còn sức lực nào nữa, trông Duyên phờ phạc, nhất là giọng gọi, nghe như tiếng kêu cứu của con chim nhỏ bị chim lớn đuổi bắt. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy không có một điểm son phấn nào trên mặt cô gái.
Quốc đang ngồi ở bàn trước tờ giấy trắng, sửa soạn viết thư cho mẹ. Thấy Duyên đến, thằng con trai vui hẳn lên, gạt tờ giấy sang bên không viết nữa, mới có hai chữ thưa mẹ ở đầu giấy chưa có giòng nào. Quốc dậy sớm hơn mọi khi, uống đến ấm trà thứ ba rồi. Đêm nay sao Quốc nghe nôn nao bồn chồn trong lòng, nằm mãi không ngủ lại được nên mới ba giờ sáng Quốc đã dậy đun nước trà uống, rồi đọc sách tìm tài liệu viết được một vài trang lại phải ngừng, thiếu một quyển sách nữa để tham khảo.
Nghĩ lan man đến tương lai đến đất nước, đến những người đi trước và những người đi sau. Tự hỏi phải làm gì cho cuộc sống đừng trở thành vô ích, vô nghĩa. Xấu hổ vì thấy tuổi chồng chất mà chẳng làm ra trò trống gì có ích cho nhà, cho nước. Hay là xin ra ngoại quốc học thêm, mà học ngành gì đây, học cái gì thực tế. Quốc không muốn giống một số thanh niên, lúc học xong trở về lại bất mãn vì không có đất dụng võ, và biết bao nhiêu thanh niên đã chọn nơi khác làm quê hương, lấy ngay cả người đàn bà xứ ấy làm cái gạch nối, nương thân.
Duyên đến thực đúng lúc, ban nãy có một phút chàng trai tự hỏi mình, giờ nầy có gì đến để làm ta vui ngay được, và chàng đã tự trả lời giá có Duyên bên cạnh. Nhưng không hẹn trước vã lại còn sớm quá, Duyên đến sao được, thế mà Duyên lại đến thăm mình, thật đúng lúc còn gì hơn.
- Anh Quốc...
Giọng đứa con gái hốt hoảng không bình thản ngọt ngào như lệ thường. Quốc ngạc nhiên nhìn kỹ lại thấy Duyên hơi xanh, chàng đứng dậy bước lại gần ngồi lên bờ ghế đưa tay vuốt mái tóc lòa xòa của Duyên. Chưa biết phải mở đầu câu chuyện bằng cách nào Duyên cứ ngập ngừng mãi mới tìm được một câu hỏi để đi vào vấn đề.
- Anh thương em không?
Quốc gật đầu chàng chưa hề thổ lộ cảm tình với ai bằng lời nói, cho rằng cái gì nói lên, viết lên tức là đã đặt một tầm giới hạn cho cái ấy.
- Anh thương em anh làm sao cứu em...
Quốc cau mặt ngạc nhiên.
- Duyên, Duyên nói gì lạ vậy, anh không hiểu, có gì mà anh phải cứu em.
Cô gái gục đầu mình vào đùi Quốc ở ngay bên tay ghế, vừa ngang với tầm cúi mặt của mình, cắn mạnh vào lưng bàn tay mình để nén bớt nghẹn ngào. Biết nói thế nào với Quốc. Duyên bỗng cảm thấy lo sợ, từ ngày quen nhau yêu nhau, Duyên chưa bao giờ nghe Quốc có ý định cưới vợ, thế mà bây giờ lại do chính Duyên nói ra trước, biết đâu Quốc sẽ từ chối.
Thỉnh thoảng nghe ai đám cưới thì Quốc chỉ nói một câu ngắn, họ sung sướng quá nhỉ chẳng phải thắc mắc gì cả. Chinh Duyên cũng chưa đặt thành vấn đề, nhận thấy cuộc tình còn nguyên vẹn quá, chỉ sợ những ý nghĩ thực tế làm ố hoen làm sứt mẻ đi chăng.
- Anh Quốc ơi, mẹ giết em, mẹ muốn em phải lấy chồng.
Quốc nghe như một luồng gió tuyết thổi tạt vào tim, chàng khựng lại một lúc, bàn tay ngừng vuốt mái tóc. Duyên chờ đợi phản ứng của Quốc xem chàng sẽ nói câu gì để giải quyết vấn đề nầy, nhưng sáu mươi giây chậm rãi qua trên cái đồng hồ, Quốc vẫn ngồi yên.
- Anh tính sao, em khổ quá rồi, suốt đêm qua em không ngủ, chỉ mong gặp anh để anh tính giùm em.
Quốc đưa tay vuốt mái tóc Duyên như chàng vẫn hay làm, không nói một lời nào, im lặng, trước những sự kiện xảy đến quá đột ngột, Quốc chẳng biết phải nói gì, xử trí cách nào.
- Sao anh không gửi thư về thưa với mẹ vào đi hỏi em để chúng mình được sống mãi với nhau, em chỉ muốn là của anh, làm vợ anh...
Quốc cắn môi lắc đầu thở dài, một tiếng, hai tiếng. Duyên lắng tai chờ đợi, hy vọng Quốc sẽ nói lên một câu gì tỏ sự đồng ý, ít nhất cũng có một lời hứa hẹn cho Duyên an lòng.
- Nghe đâu cái thằng cha ấy nó học ở Hoa Kỳ về, đỗ bác sĩ, con của ông Thiếu Tướng Thành... Cái ông Thiếu Tướng mà vẫn nổi tiếng là... là
Tưởng nói đầy đủ chi tiết để Quốc có thể quyết định dễ dàng hơn, không ngờ câu trả lời của Quốc như một lát búa bổ vào đầu, làm Duyên choáng váng muốn oà lên khóc.
- Em nên nghe lời mẹ, đừng làm mẹ buồn..
- Anh nói sao, anh bảo em... anh không thương em...
Câu hỏi tức tưởi, chứng tỏ sự thất vọng, khổ sở, Duyên không còn kiềm chế được nữa, cô gái để mặc những giòng nước mắt rơi xuống má.
- Không phảị.. Nhưng khó kiếm được một nơi xứng đáng, anh tầm thường, không có bằng cấp, địa vị, làm sao cưới nổi em. Gia đình em sẽ không bao giờ chấp nhận một thằng bất tài vô nghề như anh.
- Sao vậy? Anh nói gì lạ vậy, anh cho rằng gia đình và em cần phải chạy theo những cái bề ngoài đó sao?
- Không phảị.. mà dầu có phải như thế cũng là lẽ thường, vả lạị.. anh chắc anh không bao giờ đủ sức đưa hạnh phúc lại cho ai cả. Anh dính vào ai thì chỉ có làm khổ người tạ.. vì thế nên anh...
- Thế nếu em nhất định không lấy chồng mà cứ sống mãi như thế nầy với anh thì anh có muốn không?
Duyên chờ đợi một cái gật đầu, một sự thỏa thuận, nếu chàng có không muốn nói lên thành tiếng rằng mình đồng ý, để khẳng định cái quan niệm ích kỷ và có thể gọi là hèn nhát trốn bổn phận của mình. Duyên chờ đợi, hy vọng, nhưng Quốc suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu.
- Không, anh không thể ích kỷ, Duyên cần phải được hạnh phúc.
- Mẹ em đủ sức...
Quốc vẫn lắc đầu, hơi cau mặt. Duyên biết mình lỡ lời, Quốc rất nhiều tự ái, mà Quốc trốn bổn phận thì nói thác ra thế chứ Quốc đâu có đến nỗi thiếu thốn gì. Thế nhưng tại sao yêu người ta mà lại không chịu cưới người ta. Quả là một nhân vật phức tạp. Đã có vài người nói cho Duyên biết về cái tính lừng khừng của Quốc và Duyên không phải là người con gái thứ nhất đã phải khóc vì cái tính lừng khừng nầy. Duyên không tin, từ mấy tháng nay Duyên vẫn nuôi mộng sẽ là vợ Quốc, sẽ mang tên Quốc, và các con mình sau nầy cũng sẽ có những tính nết, những hiểu biết riêng biệt giống bố. Chúng nó cũng sẽ mang cái tính yêu thiên nhiên, cảm thông với cỏ cây, với gỗ đá, với loài vật như hệt bố.
Thực tế quả đã mỉa mai. Hai người ngồi im lặng một lúc khá lâu, Duyên khóc ướt đẫm cả vạt áo, cả hai cái khăn tay, trong lúc Quốc chỉ biết thở dài.
Có người bảo Quốc hơi dở người, kỳ quái. Duyên chẳng thấy gì là kỳ quái, mãi đến hôm nay Duyên mới hiểu. Ý định cãi lại mẹ, cứ nhất quyết sống vậy chờ một ngày nào Quốc thay đổi quan niệm đang lảng vảng trong đầu, nhưng tại sao Duyên bỗng thấy chán chường. Sự thất vọng từ từ xâm chiếm tâm óc, cơ thể nghe như cũng bải hoải, hết còn muốn bất cứ một cái gì.
Thất vọng khi thấy với một người mà mình đã mang trao tất cả, đặt bao nhiêu tin tưởng hy vọng, xây bao nhiêu mộng, thế mà người ấy lại không trả lại đúng giá với sự chờ đợi của mình.
Cô gái buồn bã nhìn đồng hồ rồi đứng lên nói rất khẽ, mở ví lấy kính đen mang lên mắt để dấu nét buồn nản đang rực lên trên ánh mắt.
- Em phải về, muộn rồi, em nói dối là đi nhà thờ có một lúc.
Mà muộn thật, ánh nắng đã lên cao, tô đậm vườn cây bên ngoài. Đi dưới mấy rặng cây, ngang qua những khóm cúc, khóm mẫu đơn, có Quốc song song bước bên cạnh mà sao hai bàn tay không tìm đến nhau như những lần trước. Duyên ngước nhìn lên mấy cành cây cao, nói với chúng nó trong tâm trí: "Thôi thế là vĩnh biệt tụi bây, chủ tụi bây không thương tao, tình không đủ cho tao. Từ nay tao sẽ không bao giờ còn được ngồi dưới bóng mát của tụi bây nữa. Tao sẽ không được đón những chiếc lá vàng của tụi bây gửi tặng lên mái tóc, lên bờ vai. Sẽ không được nhìn tụi bây thay lá thay hoa năm nay năm tới. Không được nhìn tụi bây khép nép khi mưa về, tụi bây sẽ không làm quạt cho tao, làm dù cho taọ..
Quốc không giữ Duyên, chính chàng cũng không hiểu nổi mình, làm sao người khác có thể hiểu được. Hình như có một bàn tay huyền bí nào đã ngăn chặn cuộc đời chàng lại, không cho xây hạnh phúc với bất cứ ai, lần nầy cũng như bao nhiêu lần trước. Tuy nhiên chưa có người đàn bà nào đã được Quốc yêu trả như chàng đã yêu Duyên. Chàng đã mất nhiều thì giờ để thay đổi người con gái ấy, từ một cô nữ sinh học trường Pháp, rất mơ hồ trong ý niệm về đất nước, về phong tục cổ truyền. Kể cả quan điểm thế nào là một quốc gia, sự cấu tạo, sự xây đắp... Duyên đã trở thành một thiếu nữ thuần túy Á Đông... Cả một sự hóa thân từ giai đoạn con sâu bò lết sang giai đoạn con bướm mang đôi cánh rực rỡ tha hồ tung bay khắp nơi để mở rộng tầm hiểu biết. Ngày giờ nầy Duyên đã biết rung động trước một áng văn một bài thơ của quê hương, biết cảm thông trước một sáng tác hội họa, biết thưởng thức một chén trà, biết lắng nghe một bản cổ nhạc, thế nào là Nam Ai miền Trung và thế nào là Nam Ai miền Nam. Tại sao lại có nhịp được gọi là nhịp trống và tại sao lại được gọi là nhịp mái trong những bản nhạc cổ ấy. Tại sao lại phải lên giây quả phụ mới diễn tả nổi và những nghệ sĩ nào đáng cho chúng ta phải ngừng tất cả mọi công việc để lắng nghe lúc họ trình tấu một bản cổ nhạc. Ngày giờ nầy Duyên đã biết nhìn khóm cây hay một gốc cổ thụ bằng đôi mắt trìu mến, không hờ hững dẫm bước đi qua như mọi người hay như cô Duyên của ngày xưa.
Phải bao nhiêu lâu mới huấn luyện được một người đồng điệu với mình, mà điểm chính là người ấy thông minh, đủ tư cách để đón nhận thì sự huấn luyện mới mang lại kết quả vừa nhanh chóng vừa tốt đẹp. Ngày nay Duyên đã trở thành một thiếu nữ quân bình, đón nhận được cả hai luồng văn hóa, xứng đáng để trở thành một người vợ, một người mẹ cho những đứa con Việt Nam trong tương lai.
Thế mà sao Quốc lại không giữ người con gái ấy lại với mình, làm bạn đồng hành trên nẻo đời đầy cạm bẫy và gai góc, Lộng Ngọc và Tiêu Lang đã biết tìm nhau trong giấc mơ, để rồi đưa giấc mơ tạo thành sự thực. Còn Quốc sao lại dẫn sự thực tốt đẹp hôm nay bắt biến thành một giấc mơ. Sao Quốc lại từ chối một cách dại dột cái hạnh phúc nhung gấm nầy?
Quốc không thể nào tự giải thích với chính mình, chỉ biết rằng chàng cũng khổ sở, quằn quại, ê chề. Hình như có một vì sao nào, một vì sao cô quạnh đơn côi đã bám chặt lấy cuộc đời, hướng dẫn lấy lối đi. Mấy ông thầy tử vi bảo rằng cung mệnh của chàng toàn bị những văn xương những hoa cái những gì gì nữa đóng vào, mà tất cả đều nói lên sự cô đơn, độc hành cô đơn một cách vô lý. Không phải vì định tội mà vì cái tính dễ ghét không chịu ai. Ngày xưa nghe thầy bói nói, Quốc chỉ cười nhưng cũng phải chịu là đúng, để rồi vẫn không thay đổi và hôm nay lại chứng minh thêm một lần nữa.
Ngày ấy đến, Duyên khóc mấy đêm liền, nhưng khóc làm gì, khóc thương xót ai đây? Mẹ Duyên vẫn tiếp tục sửa soạn các thứ trà nước, bánh trái đắt tiền, mua từ ngoại quốc về để đón ông bác sĩ. Ông rể tương lai khả kính, khả qúy của mình, và ngày ấy đang đến hôm nay.
Ấn tự lái xe lấy, mặc bộ quần áo mầu xám nhạt thắt chiếc cà vạt đỏ thẫm bộ quần áo khéo may, khéo cắt, đúng thời trang vừa vặn với khổ người nhanh nhẹn, gọn gàng. Bên cạnh Ấn là Thiếu Tướng Thành ngồi trước với con trai đằng sau xe là bà Thiếu Tướng và người đàn bà hôm nọ đã đến xem mặt Duyên mà cô gái không hề chờ đợi.
Xe ngừng trước cổng biệt thự, hai người ở ăn mặc sạch sẽ ra mở cửa để Ấn cho xe đi thẳng vào trong sân. Cả xóm chạy ra xem đều khen ông Thiếu Tướng không hách dịch, quan cách, có kẻ ganh tỵ đã thầm thì với nhaụ.. Gớm thì chỉ có tụi nhà giàu chúng nó mới tìm đến nhau, chứ thứ đồ con mình thì chẳng có đứa nào nó thèm rớ đến.
Cũng có những người đứng ngây ra nhìn và ước mơ, kiếp nầy cố tu để đến kiếp sau sẽ được sung sướng như thế. Tất cả đều đồng ý rằng ông Thiếu Tướng nầy khá bình dân, không có sĩ quan cận vệ, không dùng công xa.
- Ối dà thì cũng tiền của dân cả...
- Tiền của quan thầy chứ dân đâu mà dân.
- Quan thầy viện trợ cho thằng dân mà tại các ông ấỵ..
- Im đi, nhìn vào kia kìa, ối dà lộng lẫỵ..
Người ta cố chen để nhìn và những lời phê bình được hạ trầm giọng.
Ấn đã trông thấy Duyên một lần ở tiệm sách Xuân Thu ở đường Tự Do rồi nên mới bắt bà cô đến xem mặt chứ đã là một thanh niên tân tiến, từng du học ở nước ngoài nhiều năm. Đâu phải thứ cổ lỗ u mê mà ai bảo sao nghe vậy, nhắm mắt đi hỏi vợ vì cái gia tài hay số của hồi môn. Hôm ấy Ấn gặp cô gái đang đứng chọn sách, tình cờ hai người đứng trước mặt nhau cách cái bàn sách báo ngoại ngữ. Chàng sững cả người nhìn theo Duyên từng cử chỉ khá lâu mà Duyên mải đọc nên không chú ý. Ở ngoại quốc về, Ấn đang buồn vì thấy chưa tìm ra được một bóng dáng nào khả dĩ làm thỗn thức được mình.
Gặp cái hình ảnh nầy như bắt được trân châu trong đám sỏi. Khi Duyên vừa ngước lên, trông thấy Ấn đang nhìn mình cô gái vội vàng bước nhanh đến quầy trả tiền sách rồi ra đường, có xe nhà đã chờ sẵn, rồi biến mất.
Ấn đã nhanh trí nhờ ông thiếu úy tùy viên mở cuộc điều tra, nhìn số xe và đi hỏi sở công lộ nên đã biết ngay sau đó. Ấn cũng đã mấy lần lái xe đi ngang qua nhà mà chẳng bao giờ được gặp lại người con gái đã có sức thu hút mình như thế. Bực tức, Ấn nói với bà cô, tả sơ hình giáng, nơi gặp và nhất là sự kiện cô gái đi xe có tài xế làm cho bà cô yên lòng và đã chiều ý thằng cháu qúy ngay, sau khi xem ngày giờ hợp tuổi của Ấn.
Tất cả những sự ấy đã phối hợp với nhau khá chặt chẽ nên mới đưa đến ngày hôm nay, nhưng chú bé Định Mệnh vẫn nghịch ngợm, ngày Ấn gặp Duyên là ngày mà Duyên đang bước chân vào nẻo thần tiên, thiên thai của tình cảm, là ngày Duyên và Quốc cũng vừa gặp nhau, quen nhaụ..
Chủ và khách niềm nở chào đón, một đằng có danh và một đằng có của. Phòng khách nhà ông bà Mỹ Hưng lộng lẫy chẳng kém gì phòng khách nhà một tổng trưởng sang trọng. Trang hoàng lối nửa cũ nửa mới, mỗi chiếc ghế chiếc bàn đều như muốn gào lên cái giá tiền vĩ đại mà nó còn được ghi đâu đây.
Bà Mỹ Hưng mặc chiếc áo tơ mầu nâu có thêu chữ phúc chữ lộc. Hôm nay xem như làm một buổi lễ sơ kiến mà thôi, chưa gọi là vấn danh nạp thái bỏ trầu gì cả. Biết vậy nhưng bà đã bắt ông Hưng cũng như tự mình phải ăn mặc thật chững chạc. Bao nhiêu tư trang phải phô ra, ít nhất cũng phải những gì qúy giá nhất cho người ta thấy, ông có danh thì tôi đây cũng có tiền, mà đời bây giờ thì lắm khi tiền lại hơn danh. Có tiền rồi thì tha hồ mua tiên, mua đến cái chức trời gì mà chẳng được.
Dụng ý của bà Mỹ Hưng là muốn cho người ta thấy rằng nếu tôi bằng lòng gả con cho ông cũng là hân hạnh cho ông lắm chứ cái thứ Tướng Tá thời nhiễu nhương nầy thì đâu có khó khăn gì.
Chờ đến mãi cuối tuần trà bà Mỹ Hưng mới cho người vào gọi con gái ra. Duyên hơi bực mình, đóng chặt cửa phòng để khỏi phải nghe những lời chuyện mà hẳn mỗi câu, mỗi chữ đều mang nặng sự tính toán, cân nhắc. Một cuộc đấu tài, đấu trí, đấu lưỡi, chẳng ai muốn bị ai đánh hạ giá.
Có những phút Duyên thoáng muốn lẻn ra đi, sang nhà láng giềng trốn cho mẹ bực mình chơi, nhưng lại sợ bị mẹ giận. Mắng thì mẹ không bao giờ mắng nhưng mẹ buồn hay mẹ giận là Duyên sợ nhất. Thôi thì ở đấy mà chịu trận vậy. Duyên nhất định không trang điểm, không muốn cho người cảm giác rằng mình đang như con lợn chờ mang ra bày hàng, hay là "Tôi đang chờ anh". Hình ảnh Quốc còn rõ rệt quá, thắm thiết quá, Duyên không chờ ai cả.
Đợi người nhà vào gọi hai lần Duyên mới ngại ngùng bước ra, cố ý làm cho mình xấu bớt đi một tí, xấu một cách dụng tâm cơ, bố cục vững chắc. Không thèm son phấn rực rỡ, chỉ đánh qua một lớp phấn trắng mỏng trên làn da mặt hơi bàng bạc, hơi có vẻ liêu trai, nhất là với mái tóc đen lòa xòa, với đôi mắt hơi thâm quầng vì những trận khóc đêm, đã thế cô gái còn cố ý chọn bộ quần áo lụa ngà, một thứ lụa rất mịn, rất hiếm, dệt bằng thứ tơ tầm nuôi đặc biệt thứ tơ mà ngày xưa người ta dùng để xe giây đàn. Bộ quần áo đã mặc một lần đến nhà thăm Quốc và được Quốc gọi là Người Lụa của Anh, chân Duyên mang đôi hài cũ mầu nâu nhạt có thêu đôi phượng trắng thanh tao.
Toàn người như một bức tranh của người họa sĩ rất yêu hương mà lại có được học qua về nghệ thuật tây phương. Ăn mặc như thế nầy, Duyên biết chắc là mẹ sẽ không hài lòng, nhưng Duyên đang buồn, diện quá vào coi sao được, sự mâu thuẫn sẽ quá rõ rệt. Vả lại diện vào cho lắm thì chẳng khác gì con lợn quay được phết thêm nước bóng vàng vào để chiêu khách. Duyên nghĩ như thế, chẳng biết có đúng hay không, có bao giờ Duyên đi mua lợn quay đâu mà biết, đấy chỉ là một ý nghĩ do Duyên tìm thấy so sánh với mình. Nói ra mẹ nghe được chắc mẹ sẽ cằn nhằn, cho là vô duyên.
Duyên còn định nếu có dịp sẽ nói ngay với Ấn rằng, tôi chẳng yêu anh đâu, tôi yêu người khác rồi, anh cưới tôi chỉ là cưới cái xác mà thôi, anh là kẻ đến muộn, chịu được như thế thì chịu không thì đi tìm người khác.
Vừa bước vào gặp ngay cái nhìn của Ấn, Duyên bật lên một tiếng Á nhỏ rồi cắn môi thật chặt, để dấu những gì đang cuồn cuộn sóng trong tâm tư. Lạ lùng đến thế nào, thì ra Ấn là cái anh chàng đã nhìn mình chằm chằm độ nọ làm Duyên phải vội vàng bỏ chạy ra khỏi hiệu sách để trốn cái nhìn kỳ lạ ấy. Ghê thật, nhưng Duyên không muốn cho Ấn biết mình đang nghĩ gì.
Không ngờ cục diện lại đổi hẳn như vậy tưởng Ấn một loại đàn ông tự mãn, tự túc hoặc lấc cấc, láo xược ỷ thế ta đây con ông lớn, lại học hành cao. Không ngờ Ấn khác hẳn.
Sau một vài cái cúi đầu lí nhí, chào không thành tiếng, Duyên hơi gật đầu rất nhẹ chào Ấn, người sẽ là kẻ thù của mình, sẽ là chồng của mình, phải làm thế nào để sống cho đẹp với người thù đây. Cả mấy đôi mắt đổ dồn vào cô gái mỗi người nhìn với một ý nghĩ khác nhau, hai người đàn ông thì chú trọng đến cái nhan sắc, hai người đàn bà thì chỉ cốt xem tướng. Ông bố, ông Mỹ Hưng rất hài lòng thấy mình đã sinh ra được con gái qúy, bà Mỹ Hưng thì cau mặt ngay vì thấy con gái không chịu diện, mặc chiếc áo mầu rượu vang đỏ, bà đã bắt ủi máng lên với đôi vòng kim cương cũng để sẵn trong ngăn kéo. Tay cũng chẳng mang lấy một chiếc nhẫn. May mà bà đã mang hộ nữ trang cho cả hai mẹ con, nếu không chắc người ta sẽ nghĩ rằng nhà bà chỉ có cái vỏ bên ngoài để lòe, chứ những dịp như thế nầy không diện vào thì đợi đến lúc nào mới diện.
- Đấy các bà xem cháu nó có dại dột không, đã bảo nhà có khách con lấy cái áo tơ mầu vàng đã chọn rồi, mặc vào cho nó sạch sẽ vui vui một tí, thế mà đi móc đâu cái bộ áo cũ ra mặc. Lớn mà như vậy đấy, rồi sau nầy chẳng biết còn làm ăn ra sao với người ta.
Bà đốc Linh nhanh nhẩu bênh vực ngay cô cháu dâu tương lai mà bà đã xem tướng xem tuổi từ hôm trước.
- Ấy như vậy mới là hay, mầu mè hoa hòe hoa sói quá nó lại mất hay, tôi chịu như vậy đó phải không chị Thiếu Tướng.
Bà Thiếu Tướng gật đầu, bà còn mải chờ xem cô gái lúc nói chuyện có khít hai hàm răng lại không. Nghe bảo cô nào mà lúc nói cứ khít đôi hàm răng là người đanh ác lắm, lại còn những điểm nốt ruồi mà bà đã từng được một vị thầy tàu dưới Chợ Lớn dạy cho. Cô nào có nốt ruồi ở đuôi mắt tay phải là loạn ái, về sau có thể lừa chồng, nếu nốt ruồi ở đuôi mắt trái lại là thiện sầu và cũng nhiều bạn trai. Bà không muốn con dâu thuộc vào loại ấy.
Duyên biết là người ta đang xem tướng mình, chỉ hơi cắn môi, làn môi không thèm thoa son, tha hồ cắn. Cô gái đến chỗ ghế có đặt bình hoa Trường Kiếm Lan, đưa tay vuốt từng chiếc lá. Mỗi chiếc lá quả có giống một lưỡi kiếm. Duyên chợt muốn phì cười vì bỗng nhớ đến Quốc. Nhà Quốc có đôi bảo kiếm từ đời ông tổ để lại, chàng rất kiêu hãnh vì đôi kiếm đi đâu cũng chỉ lo sợ quân gian phi vào lấy mất. Chàng đặt cho hai cái tên là Phi Dương và Hàm Quang. Hỏi Quốc tại sao lại không là Mạc Gia hay Can Tương, Thái A với Long Tuyền thì chàng trả lời rằng tại nói đến tên những thanh kiếm kia thì ai cũng biết, người Việt Nam mà chẳng đọc đến những cái tên ấy. Phải tìm tên nào lạ hơn người ta mới không biết đến, Hàm Quang là một thanh kiếm mà người xưa cho là: Thị chi bất khả kiến, tức là nhìn mà không thấy, kinh vật nhi vật bất giác, xuyên qua vật thể mà chính cái vật thể ấy không biết... Với Duyên thì nàng chỉ nhớ rằng Hàm Quang là một trong ba thanh bảo kiếm của đời nhà Ân còn Phi Dương là cây thần kiếm. Duyên muốn Quốc giảng hơn nữa cho mình nghe nhưng lúc nào gặp nhau cũng vội vàng, có bao nhiêu chuyện phải nói, và Duyên tin rằng còn thì giờ, sau nầy mình làm vợ Quốc tha hồ bắt chàng kể. Có lần Quốc đã định giảng về các kiếm phái, và sáu luật chính về kiếm thuật cho Duyên nghe nhưng hôm ấy có khách đến gọi cửa, hỏi Quốc, mà khách là nhà xuất bản dục Quốc đưa bản thảo nên Duyên đành phải chịu thua. Những người sống bằng tác phẩm thì nhà xuất bản bao giờ cũng ưu tiên hơn cả vợ con, dầu họ có đủ sống, hay có giàu sang rồi cũng thế. Duyên không ngờ định mệnh đã chơi ác với mình, có lẽ rồi đây chẳng bao giờ mới được biết đến các kiếm phái với kiếm thuật là gì nữa.
Chợt buồn rồi chợt vui, Duyên lại bỗng nhớ cái giọng Quốc người Trung mà giả vờ giọng Nam cầm thanh kiếm tuốt ra khỏi vỏ vung lên múa mà ca chữ nào cũng sai: "Phang phang cho tui tút lữi gưm dàng", hôm ấy Duyên về đến nhà nửa đêm thức dậy còn phì cười.
Hôm nay, nếu không đang bị ở vào cái hoàn cảnh "bày hàng" khoe của nầy thì chắc Duyên cũng sẽ bắt chước Quốc, giả vờ đóng vai kép, tuốt kiếm ấy để cười chơi. Hết rồi, từ nay Duyên phải làm người lớn.
Đầu óc suy nghĩ mông lung, biết mình đang là một minh tinh đệ nhất đặc biệt, đang đóng vai chính của một vở tuồng, đóng một cách lơ đễnh, không cần khán giả, trái hẳn với hoàn cảnh những cô gái khác. Tuy vậy tự biết tài mình rồi, nên ăn chắc là thế nào cũng sẽ được những tràng vỗ tay hoan nghênh. Duyên ngầm biết qua những cái nhìn ấm áp, trìu mến, ngưng đọng thật lâu lên từng đầu ngón tay đang vuốt mấy chiếc lá của mình.
- Cháu thi xong tú tài rồi đấy phải không?
Ông Thiếu Tướng hỏi thăm muốn để được nghe cái giọng của con dâu tương lai, vì ông rất thích giọng người nào nói êm tai, chỉ sợ giọng the thé hoặc ngỗng đực thì vô phúc. Theo sự nhận định của các chuyên viên nghiên cứu về thú vật thì chúng nó ưa chuộng âm trầm mà sợ những âm the thé. Hình như cả thảo mộc cũng thế.
- Dạ, cháu vừa thi đỗ xong năm nay đấy ạ, cháu đỗ những hạng ưu cơ đấy. Các bạn cháu cứ rủ cháu sang Pháp học nữa, hay là sang Mỹ sang Thụy Sĩ gì đó nhưng tôi có mỗi một mình cháu nên cũng còn phân vân.
Bà Mỹ Hưng nhanh nhẩu đỡ lời con gái làm ông Thiếu Tướng hơi thất vọng vì vẫn chưa nghe được giọng nói của Duyên, cô bé chỉ có lí nhí mấp máy môi, chứ chẳng nói thêm lên tiếng nào.
- Thôi, thôi con gái không nên cho đi xa một mình.
Bà Thiếu Tướng, bà mẹ chồng tương lai vội cản ngay, làm như Duyên đã là con dâu con nhà bà rồi. Vừa thấy Duyên là bà chịu liền, con nhà giàu, học trường tây từ thuở nhỏ mà dáng dấp sao lại có vẻ thuần túy dịu dàng, cứ y như là người trong chuyện cổ. Gia đình thì chỉ có giàu thôi, mà sao lại sinh ra được một thứ con gái có cái tác phong qúy phái, tưởng chừng như cành vàng lá ngọc, trâm anh thế phiệt từ mấy kiếp. Đúng là trời để dành cho con trai bà chứ từ trước đến nay, ngay cả con ông Tổng Thống bà cũng không màng vì xem tướng thấy không được thanh tú. Hơn nữa, Duyên được sinh trưởng và lớn lên trong đám tủ chè, sập gụ, cẩn xà cừ, về sau có làm dâu nhà bà cũng sẽ không thấy sự chênh lệch, bà chỉ sợ con trai đi ngoại quốc khênh về một bà Mỹ hay bà đầm cỡ trung lưu thì rồi sẽ không biết giữ gìn những chiếc lọ cổ, chiếc Chóe Khang Hy, Càn Long, công trình bà đi lùng kiếm, mua về để bày biện, nhà nầy cũng chẳng thiếu gì, thật là môn đăng hộ đối. Tuy rằng ông Mỹ Hưng thì làm sao bằng được ông Thiếu Tướng nhà bà. Kể ra đồng tiền cũng thật có ích, thảo nào ta bảo có tiền thì mua tiên cũng được, nhà nầy chỉ nhờ tiền mà mua được cả cái giáng dấp đài các cho cô con gái, để đến nỗi con trai bà mới thấy mà đã mất ăn mất ngủ.
Ấn nhìn Duyên không rời, từ lúc có Duyên bước vào, gian phòng như sáng rực lên, mặc dầu những phút chờ đợi cũng thật là trác tuyệt, lắm khi Ấn như muốn kéo dài thêm, muốn cho Duyên khoan bị mời ra đã, mặc dầu trong lòng lại nóng như đốt lửa, chỉ mong Duyên ra ngay cho mình được nhìn. Gần sáu tháng chưa có dịp gặp lại. Trông Duyên còn xinh hơn trước, chắc hẳn vì vui chăng. Cô gái nào được chồng đi hỏi mà chẳng kiêu hãnh, chẳng vui. Đôi mắt Duyên hơi thâm quầng, trông có vẻ huyền bí nầy không phải do những hộp sơn xanh sơn xám mà ngày giờ nầy các cô đã tha hồ trét lên. Ấn đâu có ngờ rằng cái vẻ đẹp liêu trai u ẩn huyền bí nầy là do nước mắt tạo nên, các cô gái nào muốn có vẻ đẹp liêu trai của Duyên hôm nay thì cứ yêu đi, rồi khổ đi, rồi khóc đị.. Duyên nghĩ thầm như thế, nhưng hãy coi chừng khi đã lên tuổi gần ba chục thì lại không có quyền làm liêu trai nữa, vì cái chất ma quái của tuổi mười bảy mười tám toát từ thân thể ra đã bị thời gian cướp mất rồi, lúc ấy mà dại dột cứ thức đêm với khóc là trở nên cằn cỗi hơn, xấu đi ngay, chứ đừng tưởng.
Duyên nhờ ở vào cái tuổi ma quái nầy nên hôm nay không cần phải phấn son rực rỡ như mọi người, tuy rằng nếu có tô trét đến mấy cũng chẳng ai dám nói gì. Cô gái đã chơi một nước cờ cao tuyệt vời, Ấn bị choáng váng vì cái sự không trang điểm nầy.
Gặp Ấn, Duyên thở dài thoát nạn, Ấn đẹp trai, có học thức lại có giáng con nhà không phải thứ vai u thịt bắp, không có cái tướng phàm phu của thứ người mới sang, mới giàu, mà Quốc hay gọi là tân phú ông, phú bà.
Duyên cúi đầu, lắng nghe những cảm giác của mình, biết rằng mình không chê Ấn, không thất vọng. Cảm giác đầu tiên như thế là qúy lắm rồi. Tuy chưa có tình ý gì, chưa quên Quốc đâu, làm sao mà quên được, nhưng bước thứ nhất mà không ác cảm là đối phương có thể xem như đã thắng được hai phần ba trận tuyến.
Mấy hôm nay Duyên tự tranh đấu với mình, lắm khi cái ý nghĩ uống cho hết một ống thuốc ngủ để ngủ không dậy, cứ lảng vảng trong tâm trí. Làm như thế bắt Quốc phải ân hận và phải nhớ mình suốt đời, theo nhà phân tâm học Freude, đấy là sự trả thù người kia. Nhưng mẹ Duyên thì sao? Mẹ đâu có làm gì đáng để phải chịu sự hình phạt đau khổ nầy, nghĩ lại thấy thương mẹ chắc mẹ sẽ khổ ghê lắm, mẹ dám bỏ hết mà chết theo. Thôi Duyên không nỡ bất hiếu đến như thế, mẹ có lỗi gì mà đày đọa mẹ. Một mình Duyên khổ chưa đủ hay sao mà kéo cả nhà vào.
Thế là hết, Duyên quyết định để phó mặc cho định mệnh, cho cha mẹ muốn làm gì thì làm, xem ngày định lễ hỏi, lễ cưới, thách bao nhiêu nghìn lá trầu bao nhiêu buồng cau, hộp bánh, Duyên không cần biết. Chỉ có một lần Duyên tỏ ý kiến là bắt mẹ phải đòi cho được thứ Quan Thiết Âm, cả hương lẫn sắc cơ, biết rằng Quốc sẽ không bao giờ uống cái trà đám cưới nầy dẫu có mang đến biếu, nhưng Duyên cũng vẫn bắt mẹ thách cho bằng được. Mà với ông Thiếu Tướng thì có đến gan rồng tim Phụng cũng có thể mua được huống hồ là cái thứ ấy chỉ cần xuống Chợ Lớn bảo với hàng trà một tiếng là xong.
- Nghĩa lý gì cái xác không hồn mà tiếc.
Đó là câu nói thầm thì tự an ủi của Duyên. Bà con trong họ nội, họ ngoại đều xuýt xoa khen là bà Mỹ Hưng có phúc. Thời buổi loạn lạc trai thiếu gái thừa nầy, con gái vừa mới lớn lên không cần phải chăng bẫy gì cả mà có người con nhà tử tế, có bằng cấp, địa vị, lại đẹp nết đẹp người đến xin cưới ngay thì còn gì đáng ước mơ hơn.
- Chuyện người ta con cầu tự mà lại.
Đấy là câu trả lời đơn giản của bà mẹ, vì bà chẳng biết giải thích thế nào khác, mặc dầu theo đạo của Chúa thì không có quyền tin những chuyện kiếp với nghiệp, nhưng người đàn bà ấy vẫn mơ hồ tin rằng có một sự huyền bí thiêng liêng từ đâu đến mà con người tầm thường không thể hiểu.
Duyên cười ngặt nghẹo khi nghe một mẩu chuyện, hẳn do từ một kẻ ác ý đặt ra, tuy cũng có căn cứ vào vài ba điểm thật. Chuyện một gia đình có năm cô con gái kế nhau, cô nào cũng xinh đẹp giỏi giang, riêng cô chị lớn xinh nhất, nhưng lại ác nhất. Cả nhà đều cầu mong cho có ai đến rước cô đi mà đợi mãi chẳng anh chàng nào dám liều lĩnh.
Khổ một nỗi ở xứ ta, cứ phải cô chị đi rồi mới dám nói chuyện gả cô em, người mẹ cũng lo sợ rằng để các em đi trước thì cô chị già mất. Trong gia đình từ trên xuống dưới đều bực mình với cái tính nết gắt gỏng, ganh tỵ của cô chị, nên đã hùn nhau vái ông địa con gà, cầu xin cho có ai sinh phúc, phát tâm. Vái cả mấy tháng trời mà chẳng thấy ai đến rước, chúng phải tăng số gà lên đến hai con, ba con, lên đến năm con gà rồi mà cô chị vẫn phòng không, vẫn ác, và vẫn ganh tỵ với các em.
Bà mẹ nóng ruột, một đêm thức giấc bà mặc áo dậy đốt hương ra đứng giữa trời mà khấn vái, cũng để cầu xin cái vấn đề ấy. Có kẻ bảo rằng đã lắng nghe được lời đối thoại giữa bà mẹ và ông địa.
- Lạy ông địa thiêng liêng xin ông phù hộ run rủi cho con Hai nhà tôi nó kiếm được tấm chồng tử tế, vợ chồng chúng tôi xin cúng tạ ông Địa con gà.
Ông Địa trả lời:
- Ứ ừ, cả lũ tôi tớ em út trong nhà nó hùn nhau vái đến cả năm con gà mái tơ rồi, thèm ăn muốn chết, mà ta còn không phù hộ nổị..
Bà mẹ giật mình ngượng ngùng mặc cả.
- Vậy thì chúng tôi xin cúng ông Địa con heo quay xin ông Địa run rủi.
- Heo mấy ký? ông Địa hỏi.
- Xin cúng con heo cỡ 15 ký.
- Ừ, cỡ đó mà đặt dưới chợ Cũ, bảo nó làm da cho dòn thì ăn được lắm... Nhưng bây giờ dẫu vợ chồng bà có hối lộ đến con bê thui ăn với nước mắm gừng chắc ta cũng xin chịu, khó lắm.
Bà mẹ buồn rầu hỏi lý do tại sao. Ông Địa trả lời. Tại tính nó khắc nghiệt với người ăn người làm nên chúng nó oán, và tiếng lành đồn xa. Chúng nó có cực khổ mới tới xin ở với mình. Nuôi chúng nó mà đày đọa, mắng chửi không cho ăn đủ mặc đủ, bắt làm việc quần quật từ sáng đến tối, chúng thù nên mối thù mỗi ngày một chồng chất, tích lũỵ..
Bà mẹ giật mình từ trước đến nay vẫn tưởng con Hai là ngoan ngoãn nhất đạo đức phúc hậu nhất. Nhưng bà tự thấy rằng dịp may hiếm có mấy thuở mà gặp được ông Địa, bà phải cố hỏi thêm vài câu vớt vát.
- Vậy chứ nếu như người có chồng có con rồi mà ác thì sao?
- Thì đến đời con cháu nó phải chịu trả chứ dễ gì...
Ai nghe câu chuyện cũng bò lăn ra cười, biết ngay là một sự bịa đặt chứ làm gì có cuộc đối thoại ly kỳ ấy. Duyên cũng đã được một trận cười, tiếc rằng câu chuyện nầy Duyên mới được nghe. Giá nghe trước thì Duyên đã mang kể lại với Quốc rồi. Hẳn người kể cho Duyên nghe là để gián tiếp khen tặng cô gái ngoan và hiền, mẹ khỏi vái ông Địa mà vẫn có chồng, và Duyên không bị người ăn người ở nó thù oán.
Tiễn Duyên đi rồi, Quốc trở vào ngồi gieo mình xuống cái băng đá dưới gốc cây nhãn ở ngoài vườn. Những khóm lá đong đưa, đón gió ở trên đầu, tiếng xào xạc nhè nhẹ nhắc nhớ lại những buổi hai đứa ngồi cạnh nhau nói chuyện. Quốc định chạy theo Duyên gọi nàng lại và hẹn, khất vài hôm cho mình suy nghĩ, nhưng chiếc xe tắc xi đã đi lẫn vào trong đám rừng xe, rừng người đông đảo, chẳng biết xe nào với xe nào. Định là một chuyện chứ Quốc vẫn đi trở vào sân, nghĩ rằng mình không thể đủ sức đưa một cuộc sống gấm lụa đến cho ai cả. Nếu cưới Duyên, Quốc sẽ làm khổ nàng, biến nàng thành một thứ bà Đồ, bà Tú tầm thường. Duyên sẽ không chịu nỗi và Quốc cũng sẽ ân hận. Hạnh phúc sẽ biến thể, tan rả, thì thôi thà cứ giữ đến đây, cho tình sẽ ngưng đọng ở điểm nầy, như hạt cao trong lòng đóa Lan tinh khiết và mong manh, mỗi lần nhớ lại chỉ có toàn những kỷ niệm đẹp. Cũng như người yêu của ông Vua Hán Đế, "Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng". Người xưa làm gì hẳn cũng đã có cân nhắc, và Quốc rất đồng ý với bà Lý Phu Nhân ấy. Khi hình ảnh đã tàn tạ xấu xí thì còn cho người yêu nhìn thấy làm gì cho nó xóa phai những hình ảnh đẹp từ trước.
Trưa rồi. Muộn rồi, tuy trong vườn nhờ có nhiều cây nên không khí vẫn mát mẻ, gió dìu dìu khỏi cần quạt. Quốc bảo thằng bé ở dẹp bữa cơm trưa, khỏi phải dọn vì chàng không ăn.
Thế là từ nay Quốc mất Duyên. Tất cả mọi báu vật đều chỉ ở với người trong một quãng thời gian nào đó rồi phải đổi chủ, nếu người nầy thiếu tài cán, thiếu đức độ. Đành vậy, biết đâu như thế nầy lại hơn, mất khi chưa được, tình còn nguyên trinh, như thế sẽ bắt ta bâng khuâng suốt đời.
Quốc thờ thẫn đi vào lấy cây sáo ra thổi. Vô tình hay cố ý chàng thổi lên khúc dạo của bài thơ Hạng Vũ Biệt Ngu Cơ, quả thật lời thơ có gì nghe ảo não; Ngu Cơ ôi thôi hết rồi giấc mộng nguy nga!
Quốc không muốn tin nhảm nhưng hình như có gì báo trước sự không lành. Chợt nhớ lại những lần thổi sáo cho Duyên nghe, có hôm Duyên đã kêu buồn rồi gục đầu vào vai Quốc thổn thức. Duyên dặn Quốc:
- Em muốn những điệu sáo u ẩn nầy chỉ dành cho em anh đừng bao giờ thổi những điệu nầy cho một người đàn bà con gái nào khác nghe nữa cả. Anh có hứa với em không?
- Hứa.
Quốc chỉ trả lời có một chữ, nhưng với chàng thì một chữ cũng mang tầm quan trọng như một lời nguyện dài. Ngay lần đầu, Quốc đã kể cho Duyên nghe giấc mơ của Lộng Ngọc, chàng đã phân tích kỹ càng, dùng cả phương pháp phân tâm của thời đại ra để giảng giải về giấc mơ ấy. Vì Lộng Ngọc chơi sáo, mê sáo, và chỉ ước mong được gặp người đồng chí hướng với mình nên một đêm mới nằm mơ thấy Tiêu Lang. Quốc còn giảng cho nghe thế nào là tiêu và thế nào là địch, vì chữ sáo là chữ của ta, mà xứ ta thì ít người chịu phân biệt các thứ nhạc khí tre ấy. Quốc còn đưa cho Duyên xem những quyển sách nói về tre, có vẽ thứ tre nào đã chế ra ống tiêu cho Lộng Ngọc. Thứ tre mang tên Giang Nam Trúc.
- Thế là em may mắn hơn Lộng Ngọc, em không chơi sáo mà em vẫn gặp được Tiêu Lang, phải không anh...
Giọng Duyên hôm ấy nghe thật nũng nịu, rất dễ thương làm cho Quốc cảm thấy ngây ngây say. Hôm nay chỉ có mình Quốc ngồi đây, thổi sáo cho mấy gốc cây nghe, tiếng sáo như khóc, như than, như oán, như hờn, tố cáo nỗi buồn u ẩn của thằng con trai. Mất Duyên rồi, Quốc sẽ làm gì, thổi sáo cho ai nghe đây. Có lẽ không bao giờ Quốc còn gặp lại Duyên nữa, và không bao giờ Quốc còn có thể yêu một cô gái nào khác. Vì Quốc vẫn yêu Duyên, mặc dầu đánh mất người yêu chỉ vì cái tính lừng khừng, không cương quyết, sợ bổn phận của mình. Tim người đâu phải là cái máy mà chỉ việc cho dầu mỡ vào rồi nổ máy hay lên giây là chạy.
- Duyên Duyên.
Quốc gọi tên người yêu, nhớ lại tất cả từ nụ cười ánh mắt, mái tóc. Tình yêu thật phức tạp, sao lại gặp nhau làm gì? Sao lại yêu nhau làm gì? Thà cứ như ngày xưa, chẳng gặp ai cả mà cũng chẳng yêu đương gì cả, tuy vậy Quốc vẫn mang ơn Duyên. Nhờ cô gái chàng đã sống được một quãng thời gian thật đẹp, thật đậm đà. Thượng Đế chỉ ban cho như hé chút ánh sáng trong cuộc đời âm u của con người có một lần rồi thôi. Ai may mắn thì quãng thời gian ấy được kéo dài một vài tháng một vài năm, nếu không thì chỉ một vài tuần hay một vài ngày.
Những buổi trời mưa cô quạnh mà được người yêu đến thăm, mang cho mấy bông hoa cắm vào lọ để gây thêm chút ấm cúng. Những buổi hai đứa khoác áo mưa lang thang ra ngoại ô, dừng lại ở những cái quán tranh nghèo nàn, ngồi nhìn nước từ con lạch dâng lên, trông theo những cành củi khô, những cụm bèo được gió cuốn, trôi xuôi theo giòng nước. Nhìn những người đánh dậm ngâm mình dưới nước với cái lưới trong tay đang bì bõm mong đợị..
- Ô hay nước lên từ lúc nào mà mình không trông thấy anh Quốc nhỉ?
Duyên ngơ ngác hỏi Quốc, từ thuở bé Duyên chưa bao giờ gặp thiên nhiên, sống trong lòng thiên nhiên. Duyên cũng như một số đông các cô gái của thời buổi nầy, lớn lên trong sự giả tạo, máy móc mà thôi. Vì thế nên bỡ ngỡ trước thiên nhiên không hề biết yêu thiên nhiên. Từ độ quen với Quốc mới bắt đầu nặng tình với cỏ cây, biết mùa nào có hoa gì, có rau gì. Xứ ta có những cây rau thần như Bạc Hà Tử Tô, cây nào cũng vừa là rau vừa là thuốc cấp cứu. Tất cả những bài học không mất tiền ấy đã biến Duyên thành một hạt ngọc qúy. Tiếc rằng hoàn cảnh đất nước và sự gò bó của gia đình không cho phép Quốc đưa Duyên vào rừng, hoặc vào các miền đồng quê, lang thang trên các bờ ruộng, đó mới là những nơi để mở rộng tầm suy tư, kiến thức của con người sau những thời gian ngồi với sách vở.
Dầu sao, Quốc cũng tự hào đã thay đổi được Duyên hướng nàng vào một con đường mà Quốc cho là nên đi.
Có những buổi sáng Duyên đến thăm Quốc, mang theo một gói xôi lúa mua ở ngoài chợ. Quốc pha trà rồi hai người ngồi ăn sáng với nhau ở dưới gốc nhãn, trên phiến đá mát rượi, thật đơn giản mà thật đậm đà. Quốc thích món xôi lúa nên Duyên biết ở góc chợ có hàng bán xôi ngon nhất, nàng tự dậy sớm đi mua, mang đến cho Quốc. Miền Trung cũng có, nhưng không bằng, từ độ quen nhau Duyên tập ăn cay, bây giờ ăn gì mà thiếu ớt là Duyên chê ầm lên, cho rằng vô vị, nhạt nhẽo.
Làm quen với nhau như thế, tập tành hướng dẫn cho nhau như thế mà để cho mất nhau một cách dễ dàng nhanh chóng, không hờn giận không có lý do. Lỗi tại Quốc, đã từ chối một cách ngu muội vòng hoa hạnh phúc mà người ta mang tròng vào cổ mình. Quốc đã hối hận sao không xin Duyên chờ mình, chính cô gái có đưa ý kiến ấy ra, và Quốc đã từ tạ.
Nhưng một thời gian là bao lâu? Rồi sao nữa? Quốc tự đặt câu hỏi với mình mà vẫn không trả lời được. Thế thì người con gái đi lấy chồng là phải.
Đêm nay Quốc mang cả hộp trà Tước Thiệt đặc biệt của người bạn Trung Hoa vừa gởi sang biếu ra uống. Tiếc rằng không có Duyên để cùng thưởng thức. Tập cho một người biết phân biệt trà thế nào là ngon hay dở, thứ nào đặc biệt ở điểm nào, thế nào gọi là thượng phẩm, trung phẩm... Đâu có phải dễ gì, có những người độn căn. Cả hàng năm trời tập tành cũng như mới lần thứ nhất, cái lưỡi chỉ quen với những chất phàm tục, cho uống lá tre hay trà thượng hạng cũng thế thôi. Với Duyên, mới có sáu tháng mà nàng đã khá thành thạo. Hai ba ngày không gặp là đến thăm Quốc, việc thứ nhất là xin một chén trà. Hôm nào được chàng cung pha cho một ấm trà mới thì reo mừng như ngày hội.
Đêm nay và có lẽ là mãi mãi, Quốc sẽ chỉ uống trà một mình. Cho đứa bé ở đi ngủ, Quốc sẽ tự đun nước lấy, sẽ xem sức mình uống được bao nhiêu ấm trà. Xem mình có thức nổi đến suốt sáng, thức để ngồi nhìn thời gian qua trong bóng đêm. Chàng trai muốn đánh dấu kỷ niệm một đêm buồn trong cuộc đời của người chưa hề biết buồn vì tình bao giờ.
Tại sao Duyên lại phải lấy chồng? Tại sao cô gái nào cũng chỉ khư khư một vấn đề là thằng chồng. Phải có thằng đàn ông đi lè kè bên cạnh mới chịu được.
Nghĩ quanh nghĩ quẩn, biết rằng mình hoàn toàn vô lý, lỗi ở Quốc cả. Tại sao từ trước đến giờ, chàng không chịu chuẩn bị con người để sẵn sàng làm chồng, làm cha. Nghĩ đến chữ cha, Quốc nghe một cảm giác là lạ, giá có con chắc Quốc sẽ yêu con lắm, sẽ đội nó lên đầu cả ngày. Nhất lại là con của hai đứa, chàng và Duyên. Quốc sẽ chọn cái tên nào thật đẹp để gọi đứa con gái đầu lòng. Tên gì nhỉ? Một loại hoa chăng? Hoa gì? Hoa Cúc, Bạch Phượng Vỹ chăng, gọi cả ba chữ, cấm ai lười gọi chỉ độc một chữ nghe chẳng ra cái gì cả, người nào gọi một chữ, sẽ bị Quốc sửa lưng ngay, mất cảm tình.
Trời bên ngoài có lúc sáng hẳn như đang vào mùa trăng, có lúc lại sầm tối kéo dài khung cảnh âm u, chắc đang bị một áng mây dầy nào chắn ngang không chịu rời. Quốc đã thức trắng đêm để suy nghĩ, tiếc rằng ý nghĩ cuối cùng cũng vẫn là sự sợ sệt trốn tránh bổn phận. Quốc không thế nào đưa hạnh phúc đầy đủ lại cho Duyên, hay bất cứ một người đàn bà nào khác. Tại sao? Chính Quốc cũng chịu không giải thích được. Phải cần đến một nhà phân tâm xem họ giải thích ra sao. Thế nào họ cũng bắt đào sâu trong tiềm thức, trong quá khứ, họ cũng quay lui quay tới những ngày thơ ấu, mối cảm tình giữa mẹ và con... rắc rối. Quốc chẳng bao giờ muốn tìm hiểu.
Tưởng thức suốt đêm để kiếm lối thoát, rốt cuộc vẫn là ý nghĩ của phút ban đầu. Hôn nhân cũng hệt như một sự nhảy xuống sông, người biết bơi thì khỏi sợ, người không biết bơi thì nhắm mắt nhảy, nếu không liều mà cứ ngừng nhìn trước nhìn sau thì chỉ thấy dòng nước cuồn cuộn chảy, tất sẽ sợ hãi mà không còn can đảm nhảy xuống nữa.
Ngày đám cưới được tổ chức cực kỳ chu đáo trong một quãng thời gian kỷ lục về sự gấp rút, ai không biết sẽ tưởng như đó là một thứ đám cưới chạy tang. Sự thực chỉ vì vấn đề hợp tuổi hợp mệnh hay gì đó, nhất là sợ bà cố của ông rể không được nhìn mặt cháu dâu, người ta nuôi hy vọng nếu cưới ngay thì may ra sang năm sẽ có chắc chiu và sẽ được gọi là "ngũ đại đồng đường" đó là sự có phúc nhất đời. Bà cụ cố tuy còn mạnh, còn đi đứng được, nhưng dầu sao cũng là một thứ ngọn đèn trước gió. Gia đình bà Mỹ Hưng đành phải nhượng bộ trước những lập luận sắc bén ấy, và đám cưới được tiến hành như một ngày đại hội.
Quốc không được mời mà chỉ nhận một tấm thiệp báo tin mừng, chữ vàng in trên nền giấy đỏ. Thứ chữ nổi, đắt tiên, ai cũng muốn sờ lên mặt chữ xem nó nổi đến đâu. Có được mời chắc Quốc cũng chẳng đến. Duyên biết như thế. Người con gái khi đề tên chàng lên phong bì gởi đi.
Quốc cầm tấm thiệp báo tin, có cảm tưởng mình đang cầm bàn tay của người yêu, chàng hiểu Duyên không mời vì biết chàng sẽ không đến. Đến để làm gì, để nhìn người ta hạnh phúc, để nhìn cái chỗ mà đáng lẽ phải là của mình. Sự mỉa mai lên đến tột độ, chịu làm sao nổi. Nhưng Quốc không buồn, không giận không trách, tất cả đều lỗi ở mình, có chết cũng đáng chứ sao lại trách ai.
Hôm ấy Quốc ngồi trước bàn, cầm cây sáo lên thổi một bài, thổi lại khúc dạo tức tịch của bài thơ xưa. Giọng sáo hôm nay sao nghe bi thương nghẹn ngào, mà nào phải Quốc cố ý gò gẫm, thì ra thế, bây giờ Quốc mới thấu triệt cái ý của Nguyễn Du, mới hiểu tâm trạng của nàng Kiều. Lòng đang vỡ nát thì làm sao mà giọng sáo không lâm ly. Nghe chừng như trong tiếng sáo có những tiếng tức tưởi, nếu có một người thứ ba nào sành âm nhạc mà nghe được hay không cần phải biết âm nhạc, ngay cả gỗ đá cũng có thể đoán hiểu được tâm trạng của người nghệ sĩ.
- Nghệ sĩ.
Quốc thầm thì với mình, cười gằn tự mĩa ta mà nghệ sĩ gì, đến cái tiếng nghệ sĩ Quốc cảm thấy mình không xứng đáng. Quốc nào có làm được gì để tô điểm xã hội, Quốc có làm đẹp lòng ai đâu, thi sĩ viết lên những áng thơ, nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc, còn Quốc, đến ngay người mình yêu mà cũng không dám làm vừa lòng người ta, để cho người ta phải bỏ đi lấy chồng.
Quốc đặt ống sáo xuống bàn, ngồi lặng yên nhìn ra ngoài trời, cố hồi ức lại những giờ phút mà chàng và Duyên đã sống cạnh nhau, lắng hết tâm tư để nhớ lại giọng nói nũng nịu của nàng.
- Anh hứa nhé, đừng thổi riêng cho một người đàn bà nào nghe nữa.
- Một ý nghĩ chợt lóe ra trong đầu óc, không dám suy nghĩ thêm, Quốc như điên cuồng cầm cái sáo nâng lên cao rồi đập mạnh xuống bàn. Một tiếng vỡ rạn, Quốc nghe tim mình lặng đi trong khoảnh khắc, có phải là tiếng vỡ của chính cuộc đời chàng hay không?
Buồn rầu nhìn những đường nứt trên cây sáo, thương cây sáo hay là thương cuộc đời mình.
- Anh đã giữ lời hứa với em đó, Duyên thấy không?
Quốc thầm thì như có Duyên đang ở trước mắt, đưa tay ra mở ngăn kéo lấy điếu thuốc lá châm lửa hút, không cần kiểm soát những cử chỉ của mình. Từ nay không những chỉ đàn bà mà ngay cả trời cũng không bao giờ còn được nghe tiếng sáo của Tiêu Lang nữa.
Quốc nhìn cây sáo thương nó, nhưng trong lòng cảm thấy yên ổn, cây sáo đã giúp cho Quốc, thay Quốc đền tội. Không có Duyên, không được thổi sáo, đó là sự trừng phạt mà Quốc tự xử lấy mình.
Một trang tình sử viết bằng giọng sáo vừa được lật qua.
Từ nay thề không yêu ai nữa, không cho phép một hình ảnh nào được lọt vào tim. Dẹp bỏ hết, bỏ tất cả, vì tất cả đều vô nghĩa, tất cả đều nhắc lại hình ảnh của những tháng ngày gấm lụa đã qua và sẽ không bao giờ còn có thể trở lại.
Từ nay ư? Đàn bà đối với chàng là một thứ nấm độc, một thứ nọc rắn độc, tất cả đàn bà đều là con cháu của rắn, đệ tử của rắn, trừ Duyên Duyên, nhưng Duyên đã thoát ra khỏi địa cầu của chàng.
Người con gái ấy lên xe hoa mà tâm tư hỗn loạn, hoang mang. Mấy hôm nay có thể là sau hôm từ giã Quốc ra về Duyên đã bước vào một cuộc sống hoàn toàn xa lạ với chính mình, như người đang ở quả đất mà chợt bị đưa lên một hành tinh khác, không hề được chuẩn bị. Duyên không về nhà chồng với lòng ngập tràn hạnh phúc như những cô dâu khác, nhưng người con gái đã hài lòng với sự quyết định của mình.
Cha mẹ vui, họ hàng, anh em mọi người đều vui, nhất là Ấn, người đàn ông ấy quả đã là trịnh trọng lúc bước chân vào đời, xem hôn nhân là một trong những vấn đề quan trọng nhất, một đại sự không bừa bãi, dễ dãi như một số thanh niên khác. Ấn có lý, trong khi ấy thì Duyên chỉ xem cuộc hôn nhân nầy như là một sự đi vào cõi chết, chất dần mòn, khỏi cần độc dược, khỏi bắt ai ngờ vực, oán trách.
Ấn đi đón vợ như người đi vào Thiên Thai, Duyên không tìm được một lý do nào để chê trách người đàn ông ấy. Ấn đã làm đủ mọi cách để đẹp lòng người vợ sắp cưới của mình. Chàng là mẫu người lý tưởng mà tất cả các thiếu nữ đều đang mơ ước được gặp, được yêu, đợi chờ, xây đắp cái nhân vật nầy trong những đêm thao thức.
Bảo rằng Duyên buồn cũng không đúng mà bảo Duyên không buồn cũng sai Duyên như người mất hồn, lúc bước lên xe hoa, mãi nghĩ vẩn vơ chắc là đang du hồn đi đâu đó, vô ý đập trán vào cửa làm cả mấy cô phụ dâu hốt hoảng chỉ sợ hỏng cái nhan sắc, nhưng Duyên không thèm đau, có lẽ da thịt đã trở thành chai đá cũng như tâm hồn người chăng?
Vào thánh đường, được bố cặp tay dẫn từ ngoài cửa chậm rãi bước, theo nghi thức Âu Tây và Tôn Giáo, lớp voan mỏng kéo dài lê thê đằng sau có mấy đứa bé cầm đuôi cũng mặc lễ phục trông hệt như màn đám cưới trong các phim ảnh Âu Mỹ. Mọi người đến dự đều trầm trồ nhất là các cô gái và các bà mẹ, không tránh được sự ghen tỵ, ước mơ.
Tiếng đại phong cầm từ trên cao vang xuống nghe như tiếng nhạc của các vị thiên thần gửi về chúc mừng cuộc nhân duyên lý tưởng.
Lúc đứng lên, lúc qùy xuống, bên cạnh Ấn, trước mặt cha, nghe lời đọc kinh, dặn dò, nhìn theo bàn tay cha làm phép, Duyên hoàn toàn như sống trong mộng, không hề nhớ lấy một câu dặn dò nào của cha.
Tất cả đều ngỡ ngàng mới lạ, một câu hỏi luôn luôn vang lên trong đầu óc sao những sự kiện nầy lại không xảy ra với Quốc? Bên Quốc? Giá Quốc chịu thì Duyên đã cương quyết từ chối, dầu mẹ có giận hờn, dầu Ấn có là con trai ông trời, có ôm trong túi cả chục tấm bằng cấp, có hoàn hảo, có lý tưởng đến mấy, Duyên cũng sẽ cố gạt rạ.. Nhưng Quốc đã từ chối, tự ái của người con gái bị tổn thương, chỉ trong có mấy tiếng đồng hồ, lý trí đã vùng nhảy lên, đánh bạt tình cảm, bò tù tình cảm tiêu diệt tình cảm.
Bên cạnh lòng tự ái của người con gái bị từ chối còn có bà mẹ, người mẹ mà Duyên yêu qúy, rất không muốn làm trái ý bao giờ. Một vài lần Duyên khóc vì tức, vì giận Quốc, nhớ những ngày còn sống gần Quốc. Bao nhiêu kỷ niệm để nhớ, từ khung cảnh, tiếng sáo, giọng nói trầm trầm miền Trung, những lời, những câu rất ngắn, rất ít, nhưng rất súc tích, bao hàm nhiều ý nghĩa.
Các chuyên gia về âm thanh đã nhận định rằng giọng trầm, ngay cả giọng đàn và các nhạc cụ khác đều dễ ghi sâu đậm vào tâm tư con người hơn là những giọng thanh, the thé, chỉ có làm choáng váng, thoáng qua lớp da bên ngoài mà thôi, đúng như thế chăng? Cố nhiên là không nên cố ý gò gẫm, cái gì thái quá cũng làm phản tác dụng. Có phải vì cái giọng của Quốc cũng trầm trầm dễ gợi cảm. Đã ghi sâu vào Duyên đó chăng?
Nhiều đêm chợt thức giấc, Duyên bỗng nhận thấy mình đang hành động rất ngu ngốc, mang cả cuộc đời ra mà đùa. Duyên muốn dậy lén mở cửa ra đón xe đến nhà Quốc, giá đêm không có giới nghiêm. Duyên thù ghét cái gọi là giới nghiêm ấy làm sao. Duyên muốn tìm Quốc, gục trong lòng chàng để khóc, rồi ở luôn với chàng, không về nữa. Bỏ hết, bỏ cái đám cưới đã gửi hằng trăm tấm thiệp mời, bỏ mấy buổi tiệc đã đặt, bỏ những chiếc áo dài đang nằm chờ ở hiệu, bỏ những món nữ trang đắt tiền, qúy giá... Duyên muốn gào tên Quốc, muốn khóc thật to, cho thấu đến tai Quốc bắt chàng phải đến tìm mình, ôm mình vào lòng, dỗ dành, thì thầm bằng cái giọng trầm ấm quen thuộc ấy "... Anh đang ở cạnh em đây, ở bên em mãi mãi suốt đờị.." Trời, nếu được nghe Quốc nói lên những lời ấy, thì có phải chết ngay sau đó, biến thành đá hoặc hóa ra tro ngay Duyên cũng rất vui sướng được đánh đổi.
Thần Thánh đâu, Phật đâu, Chúa đâu, những vị thần linh đâu, sao chẳng ai động lòng, chẳng ai nghe những lời cầu khẩn chẳng ai thương Duyên. Những ý nghĩ nầy đã được gói ghém, nén chặt trong những tiếng khóc ấm ức, nghẹn ngào, tức tưởi giữa đêm khuya. Tiếng khóc đã thức giấc người mẹ dậy làm bà hốt hoảng đi chân đất, tóc xõa tung, không kịp mặc thêm áo, cứ thế chạy sang phòng con gái. Tra vặn năn nỉ mãi, Duyên mới chịu khai, nghĩ rằng còn gì nữa mà phải dấu. Giờ phút nầy mọi sự đã xong cả rồi, nước đã đun sôi, dao to bản, dao thọc huyết đã được kề tận cổ lợn, chỉ còn chờ bàn tay của người đồ tể vung lên, Duyên vẫn ví cuộc đời mình hôm nay chỉ là một sự giết con lợn của nhà hàng thịt mà thôi. Hay là nói cho văn hoa hơn thì gọi là tội nhân đã được bịt mắt, trói tay, đang cột ở bãi pháp trường chờ đúng giờ để hành quyết.
Bà Mỹ Hưng nghe con gái kể lể mà bàng hoàng, thật là phúc nhà bà còn dày còn ấm, nếu để muộn thêm vài tháng chắc mọi sự sẽ điên đảo, trái hẳn với lòng mong mỏi, với cái công trình nuôi dưỡng xây dựng. May mà cái thằng đàn ông ấy nó còn chút lương tâm đạo đức, bà đâm ra mang ơn hắn, người như vậy mới là quân tử, biết rút lui để chỗ nhường kẻ khác, chịu nhận rằng kẻ khác ấy hơn mình. Gặp cái lũ lưu manh tiểu nhân thì giờ nầy chắc không yên, chẳng mất tiền cũng mất cả danh tiếng. Liệu nó đòi đến giá nào để nó mới chịu tha cho, không làm xấu, phá phách. Biết bao nhiêu đám cưới tan rã cũng chỉ vì những mối tình đầu, tình đuôi quái ác ấy. Những mối tình mà các bậc cha mẹ không bao giờ được cái hân hạnh can dự vào, và có thể đang từ người thân nhất trở thành người thù số một.
Người mẹ không ngờ, cứ tưởng con mình là thiên thần, là con nai tơ, là một thứ pha lê tinh khiết, một khối bạch ngọc qúy giá, một thiên hạ đệ nhất nữ đồng trinh, ai ngờ, con nai tơ đã dám thủ trong mình một thứ bom nổ tai hại đến như thế, may mà trời còn xót thương nhà bà.
Buổi lễ rước dâu, Duyên mặc áo gấm mầu hồng, đầu mang khăn vành giây xanh, dáng dấp đoan trang của một bậc mệnh phụ trẻ, mỗi bước đi đều có tám cô dâu phụ đi theo như đàn bướm lượn chung quanh một đóa hoa trân qúy để bảo vệ cho hoa.
Duyên có cảm giác rõ ràng là mình đang đóng tuồng, đóng vai cô dâu chỉ một lúc đó thôi, khán giả đến xem khá đông đảo. Tí nữa màn sẽ hạ, đèn sẽ tắt, khán giả sẽ ra về, Duyên sẽ cởi phấn son, cởi chiếc áo tuồng, rửa mặt xuống sân khấu. Hệt như lúc đóng kịch ở nhà trường mỗi độ nghĩ hè mà thôi. Sau đó lại mặc bộ quần áo hằng ngày, việc trước nhất là sẽ chạy đến tìm Quốc, kể cho chàng nghe những cảm giác của mình lúc mở màn, đóng màn, lúc được hoan hô, lúc được chiêm ngưỡng.
Sao người đi bên cạnh, ngồi bên cạnh trên xe hoa lúc nầy lại không phải là Quốc. Hình ảnh Quốc bị nhòa phai, những mầu sắc nhảy múa, quay cuồng, chập chờn trong những tấm áo của các cô phù dâu, các bà đi họ, mầu hồng gấm của chính mình cộng với cái mầu gấm xanh của áo chú rể.
Trông Ấn có vẻ yêu đời, nét sung sướng tràn ngập lộ hẳn ra mặt, người ta vẫn nhận thấy những kẻ đang hạnh phúc thường có vẻ đần đần, thỉnh thoảng Duyên lại đưa mắt liếc nhìn Ấn để xem mặt đần đó như thế nào, riêng phần mình thì nhất quyết là Duyên không thể nào đần được.
Đoàn xe Hoa Kỳ đón dâu đi từ nhà ông bà Mỹ Hưng chậm chạp đến tư dinh của ông thiếu tướng Thanh. Đoàn xe đã làm cản trở sự lưu thông, nhưng mọi người đều sẵn sàng tha thứ, tình hình lắng dịu, chẳng có trận chiến nào cấp bách cho binh lính phải đổ quân gấp, phải cần ưu tiên, nên mọi người đều vui vẻ dẹp sang bên, tránh đường cho đoàn xe đám cưới.
Vì đám cưới sang trọng quá, cô dâu xinh đẹp quá, đôi lứa vừa xứng quá, người ta còn muốn đoàn xe đi chậm hơn để được ngắm cô dâu. Nghìn năm một thuở, mấy khi mà Sài Gòn được một dịp xem hát tuồng không mất tiền mua vé như thế nầy. Có người chịu bỏ tiền ra tổ chức buổi lễ, phải là tay cự phú, đây lại những hai tay cự phú hợp lại để mà tổ chức một buổi hội cho đồng bào cùng xem. Một cái đám cưới cũng như một cái đám ma, đều làm sống và nhét tiền vào túi một số người, tiền bạc cần phải luân chuyển, và đấy là những cơ hội cho nó luân chuyển. Nào nhà hàng ăn, thợ may, thợ uốn tóc, hàng giày, hàng hoa, hàng bánh, hàng vàng... Nếu không có những cái đám cưới nhà giàu tổ chức thường xuyên như thế nầy thì bán cho ai. Không những chỉ riêng nhà cô dâu, hay chú rể mới phải tốn tiền mà tất cả quan khách đến dự đều phải mua sắm.
Xe cô dâu được cài bao nhiêu là bông hoa, lần đầu tiên mà người ta gọi đúng với cái tên xe hoa của nó, lệ thường chỉ có lơ thơ vài cành, với vài khúc lụa, đám cưới con gái của ông bà Mỹ Hưng lấy con ông thiếu tướng Thanh không như thế. Chiếc Mercedes tự động của bố chồng mua tặng con trai và con dâu là thứ xe kiểu mới nhất, dân Sài Gòn cũng mới thấy lần thứ nhất.
Trong số người đứng nhìn đoàn xe đi qua, có cả Quốc, chàng tự biết mình không đủ cao cả, không đủ triết nhân để nằm nhà, uống rượu say cho quên, như người xưa đã làm. Chàng chỉ là người, còn tầm thường, còn muốn được nhìn người yêu trong khung cảnh đặc biệt ấy, nhìn một lần cuối. Quốc cũng chen chân, cũng nghếch cổ để xem cho rõ mặt cô dâu như mọi người.
- Ta mất nhau rồi sao, ta mất nhau thật rồi saọ..
Câu hỏi mà Quốc tự nói một mình, rồi chợt thấy không đúng, Quốc mất Duyên chứ nàng đâu có mất chàng, Quốc muốn làm một hành động gì để trừng phạt thể xác mình, tinh thần bị trừng phạt rồi vẫn chưa đủ thể xác cũng phải bị hành hạ nữa mới đúng, phải bị cào cấu, đánh đập, phải bị đóng đinh vào mặt, vào tay cho đáng cái tội làm mất người yêu.
- Xe cô dâu, xe cô dâụ.. xem mặt cô dâu kìa tụi bay ơi, ối dà đẹp như tiên...
- Tiên chưa chắc đã đẹp bằng ấy chứ...
- Chuyện, cứ trét tiền vào là cái cột nhà cháy cũng phải đẹp.
- Cô dâu chú rể đội rế lên đầụ.. a ha a hạ..
Quốc lắng nghe những lời phê phán của dân chúng, có lúc chàng không đồng ý, chỉ muốn mắng vào mặt họ ngay. Duyên của chàng đẹp đâu cần phải trát tiền vào.
- Kia kìa, ối dà nom chú rể bảnh ra phết...
Tiếng hét bên tai của một người đàn ông làm Quốc giật mình, cái anh chàng nầy lại chỉ nhìn chú rể mới lạ chứ. Nhưng trông chú rể cũng khá hiên ngang, như quan ông với quan bà của thời xưa. Mặt Duyên, Quốc không nhìn thấy, nhưng chàng thấy rõ Ấn, trông anh chàng chói lòa cả hạnh phúc. Chiếc áo gấm và chiếc khăn đội đầu làm thay đổi tác phong con người, mặc âu phục chắc Ấn cũng đẹp trai như thế.
Quốc thở dài bâng khuâng, càng hay. Ấn quả là xứng đáng, hai người trông thật đẹp đôi, trời làm họ ra cho nhau, lấy nhau là phải. Nếu mặt Ấn mà thô bạo, cục cằn, chắc Quốc sẽ còn khổ sở hơn, giận mình hơn.
Duyên phải có một tấm chồng bệ vệ như thế mới xứng đáng. Bằng cấp tiền tài, danh vị, những thứ ấy mới có thể đưa lại hạnh phúc cho người đàn bà, chứ mấy tiếng sáo với cái con người ương ương gàn gàn như Quốc thì mang lại gì được cho ai.
Quốc quyết định xin đi ra ngoại quốc du học, tuy biết trước rằng cũng chẳng học gì, học đời chăng, Quốc còn tha thiết gì nữa đâu, ngày chưa quen với Duyên, chàng còn có cây sáo làm tri kỷ, giờ nầy cây sáo cũng chỉ là một vật kỷ niệm, xác còn đó mà hồn đã bay theo đoàn xe đám cưới rồi. Quốc đi cho quên những hình ảnh đến quấy rối cuộc sống, những hình ảnh đẹp, nhưng Quốc không được quyền ấp yêu nó nữa.
Tiệc trà, lễ cưới, lúc đón họ nhà trai, lễ trao nhẫn ở nhà thờ, lúc lên xuống xe hoa, luôn luôn có thợ ảnh chạy sát theo để chụp ảnh, để quay phim, để thu hình. Trong tất cả số trăm nghìn tấm ảnh ấy, tấm ảnh nào trông cô dâu cũng có vẻ xa vời, đăm chiêu. Đến người vô tình nhất cũng phải chú ý, tại sao cô dâu không chịu cười, dầu chỉ là một cái nhếch mép nhẹ. Nhìn ảnh Duyên, mọi người đều băn khoăn, đẹp như thế, đầy đủ như thế, sang trọng như thế và nhất là có được một tấm chồng lịch sự như thế, mà sao trên mặt lúc nào cũng như phảng phất nét buồn, một chút gì vấn vương, thầm lặng.
Từ hôm ấy, từ độ đến nhà Quốc nói với chàng về bảo mẹ đi hỏi mình để khỏi mất nhau, nhưng đã bị Quốc từ chối, thế là hết. Duyên buồn, giận, tự ái bị tổn thương nên không tìm gặp lại Quốc nữa. Quốc cũng cố dằn, tránh mặt, không dám tạo cơ hội, chỉ sợ con người mình sẽ làm chướng ngại cho cuộc tình Duyên quá tốt đẹp ấy.
Biết chắc rằng nếu mình tìm đến, chỉ cần một câu thôi, là Duyên sẽ bỏ hết để trở lại làm người yêu ngoan ngoãn, bé nhỏ của mình. Quốc đâu có quyền làm như vậy.
Trong khi ấy thì Duyên vẫn chờ, mỗi ngày tuy bận rộn, nào đi chọn hàng may áo, thử áo, đi chọn nhẫn cưới, thử nhẫn với Ấn và bà mẹ chồng, cộng với trăm nghìn công việc khác cần thiết cho một cô gái sắp về nhà chồng... Thế mà đêm đêm Duyên vẫn mơ ước rằng có một hôm nào Quốc tìm đến Duyên, hoặc cho Phi Lan đến mời Duyên, để gặp Duyên, để bảo với Duyên rằng chàng hạ lệnh cho nàng phải ngừng tất cả mọi sự sửa soạn, mua sắm để trở về với chàng như cũ...
Đời sẽ đẹp biết mấy, chắc là Duyên sẽ ngoan ngoãn phục tòng, mặc dầu biết rằng đây là chuyện người lớn sẽ gặp nhiều trở ngại, có thể mất cả gia đình vì bố mẹ sẽ từ, không nhận mình nữạ.. Nhưng mãi đến ngày cưới cũng không hề có một tin tức gì của Quốc, cũng không gặp Phi Lan. Hình như Phi Lan giận Duyên rồi. Có đêm mơ ngủ, thấy Quốc tìm đến, có đêm lại mơ thấy Quốc chết, tất cả những giấc mơ ấy chỉ là kết tinh của sự chờ đợi ban ngày mà thôi.
Bà mẹ chồng, một vị phu nhân bệ vệ, từ thuở bé sống trong sự giàu sang. Trời bất công chăng? Sao cưng ai thì cưng đủ mọi cách, đã giàu sang lại hạnh phúc, có cậu con trai học hành đỗ đạt, đi nhắm được cô dâu cũng lại bậc nhất về đủ mọi mặt của cái đất Sài Gòn ô hợp nầy.
Nhưng phải có thế mới giải thích được cái thuyết của nhà Phật rằng là cái gì cũng có căn duyên và nhân quả, tại người ta gieo nhân lành nên giờ nầy người ta gặt quả lành. Nhìn dáng dấp của Duyên, bà mẹ chồng tin chắc rằng cô gái nầy sẽ không để cho giòng họ nhà bà tuyệt tự. Các ông thầy tướng đã giảng sơ qua cho cách thức làm sao nhìn tướng các cô gái. Tướng dạy rằng, nhìn các cô trước nhất là nhìn cái nhân trung, chỗ từ mũi xuống môi, nếu ở nhân trung mà có những vết đỏ hồng như tơ nhện là người con gái ấy không trinh chính. Sau đó phải xem con mắt có phải là tròng đen bé mà chỉ nhìn thấy hai bên tả hữu và cả bên dưới đều có mầu trắng, đó cũng là loại bất chính, thần suy khí đoản, không nên kết bạn nữa chứ đừng nói đến chuyện cưới về làm con là dâu.
Hôm đi xem mắt, bà đã chú ý, ngoài ra lại còn cái dáng đi, phải thế nào để được gọi là đài các, khi thấy cô gái hội đủ mấy điều kiện bà mới chịu ngồi lại, chứ không là đã nháy mắt ra hiệu với chồng con bắt về, mặc dầu cô em chồng đã đến xem mặt trước. Ngoài ra những sự kiện ấy, bà cũng mong được cái tiếng khen nhà có phúc, ngũ đại đồng đương nên mới xin cưới gấp. Vả lại, lấy vợ phải lấy liền tay, thời buổi nầy ai dám nói trước được ngày mai có gì sẽ xảy ra.
Hai ông bà Mỹ Hưng cũng không mong gì hơn, bố mẹ nào chẳng thích nhìn con nên đôi nên lứa, ai chẳng thích làm đám cưới, mặc dầu tốn kém, vất vả. Mọi người đều mơ ước đóng cái vai trò ông sui bà sui, mặc áo nhung, áo gấm, toe toét đi ra, đi vào để đón hai họ. Cái thiên tính làm diễn viên vẫn được tiềm tàng, ủ ấp trong lòng mọi người, vì cuộc đời chỉ là một vở kịch dài và nhận sống với đời là nhận ra đóng trò trên sân khấu.
Lý do cái đám cưới được tổ chức gấp là thế, những kẻ rỗi mồm miệng quá nhiều, chúng nó mà chơi, gửi dăm ba cái thư nặc danh nói điều kia tiếng nọ thì còn mệt. Người mẹ đã ngấm ngầm kiểm soát, bao vây cô con gái, không dám để Duyên đi mua sắm một mình, sợ gặp lại Quốc, sự ngăn chặn không phải là vô ích và không có lý.
Không thấy Quốc tìm gặp mình, ngỡ là Quốc cố quên mình và biết đâu, đã quên mình, đã có người khác thay thế, nên Duyên cũng yên tâm, bớt dằn vặt khổ sở. Mặc cho mọi sự được tiến triển một cách dễ dàng mau mắn.
Muốn đi đến đâu thì đến, ra sao thì ra. Thấy bố mẹ vui vì sắp có dịp ra sắm tuồng trên sân khấu nên Duyên cũng được an ủi một phần nào.
Ngồi trên xe hoa, Duyên cố nhìn ra hai bên đường xem có thấy Quốc nhưng người đi xem dông quá và bên cạnh mình là đấng trượng phu khả kính. Duyên không nỡ nói lên một câu gì, một hành động, hoặc cả một cử chỉ gì để có thể làm thắc mắc người đàn ông ấy. Ngay cả một tiếng thở dài Duyên cũng phải kiềm chế nó, không tự cho phép mình được buông thả, mặc dầu lắm khi dồn ép quá, buồng phổi như chực nổ tung ra và Duyên chỉ muốn được tự do bật lên tiếng khóc, hay là gào tên Quốc một lần cho đỡ khổ.
Không được, từ nay Duyên không có quyền nghĩ đến Quốc nữa, từ nay nàng là vợ của Ấn, là bà bác sĩ Ấn, Duyên thường bắt gặp mình thầm thì khấn lạy Chúa cho con quên được người ấy.
Lời cầu nguyện đã đến tai đã được Chúa nghe rồi chăng?
- Sao em thở dài? Em có gì không vui? Em có gì không hài lòng. Sao tấm ảnh nào trông em cũng đăm chiêu? Em cười xinh quá mà em không chịu cười lấy một lần cho anh...
Ấn quàng tay qua vai vợ sau khi đã kéo tấm áo khoác, cài lại cúc áo cho Duyên. Tấm áo nhung đen, được Duyên khoác hững hờ lên vai chứ không mặc hẳn vào, mầu nhung đen nổi bật lên bộ quần áo mầu hồng nhạt của Duyên mặc hôm nay, tà áo nhè nhẹ thỉnh thoảng lại bay vượt ra khỏi tấm áo khoác. Ấn rất chịu lối trang điểm, ăn mặc của vợ, thích cả lối suy tư rất đặc biệt của Duyên, nghe Duyên nói chuyện. Ấn thích thú tìm thấy ở vợ một tâm hồn thâm trầm sâu sắc, mà chàng không hề chờ đợi. Từ trước Ấn chỉ quen với loại con gái nhà giàu học trường Tây, cái gì cũng rập theo khuôn mẫu Âu Tây bây giờ gặp một cô gái hoàn toàn khác biệt mà những điểm văn minh Âu Tây lại cũng chẳng thiếu kém chẳng thua sút ai, đó mới là đáng qúy.
Nhưng tại sao trong ánh mắt Duyên lúc nào cũng toát ra một nét u buồn ẩn náu, kín đáo. Nét u ẩn ấy lại càng tăng thêm vẻ đẹp huyền bí, thêm phần quyến rũ, lại càng làm cho Ấn say mê, vì suốt những năm du học ngoại quốc chỉ gặp toàn lai căng hoặc chính cống toàn loại nhan sắc bộc lộ, khiêu khích kêu gọi. Vợ chàng không thế, Duyên đã chinh phục Ấn ngay từ đầu với lối trang điểm thuần túy nầy.
Hai vợ chồng chọn Đà Lạt để hưởng tuần trăng mật. Trước Duyên muốn đòi ra Huế nhưng nghĩ lại không dám liều. Ra xứ ấy Duyên sẽ bị cào cấu dằn vặt, vì những lời kể lể của Quốc. Duyên sẽ nhớ đến Quốc nhiều hơn và sẽ không tránh khỏi làm buồn người chồng khả kính của mình. Duyên tuy chưa có thể nói rằng yêu chồng nhưng kính và trọng chồng, không muốn chàng phải thất vọng vì mình. Đà Lạt lại được cái thời tiết lành lạnh có dịp để mặc những tấm áo nhung áo len mỏng, có dịp để tìm nhau hơn.
Hai vợ chồng sánh vai chậm rãi bước đi trên bờ hồ Xuân Hương, Ấn đi thật sát, chàng có một cảm giác lâng lâng dễ chịu, muốn nói lên một câu gì để tạ ơn số mệnh, mà ngập ngừng không nói lên lời.
Ấn mãi mê nhìn mặt hồ lăn tăn gợn sóng vì những làn gió nhẹ, gió còn làm đong đưa mấy cành liễu mấy rặng cây trồng quanh ven hồ. Loài người đặt ra sự đi hưởng tuần trăng mật thật là hợp lý, ở hoàn cảnh Ấn nếu cưới nhau xong mà bắt phải đi làm việc ngay chắc chàng sẽ điên lên mất, và chắc chắn rằng năng xuất sẽ sút kém, trên cương vị bác sĩ thì sự khám xét bệnh trạng hẳn cũng bị ảnh hưởng.
Thấy Duyên vẫn bước đều đều, mắt lơ đãng đưa nhìn về phía chân trời xa, cái nhìn không định hướng, Ấn hơi bất mãn.
- Em như có gì buồn sao em không nói?
Bị bắt quả tang, bị hỏi dồn dập vào thế khó khăn. Duyên gượng cười, cắn môi cho khỏi bật lên tiếng thở dài, tố cáo cái tâm trạng u ẩn của mình. Vừng trán hơi cau lại, đôi mắt bỗng trở nên xa vời hơn, lờ đờ hẳn đi, như muốn tìm một hình ảnh để bám víu, tìm lối thoát. Làm sao bây giờ? Hay là thú thật với Ấn. Trước ngày cưới Duyên đã đi xưng tội, có mặc cảm rằng mình mang tội với chồng, nhất là biết chồng đang dành cho mình một thứ tình nóng bỏng, nguyên trinh. Hình như Ấn chưa bao giờ yêu ai như yêu Duyên hôm nay, trong khi ấy thì Duyên đã trao tất cả linh hồn mình cho một người đàn ông khác. Dầu đó là một thứ tình trong trẻo, khiết trinh, chẳng gợn mảy may phàm tục, tội lỗi để lễ giáo có thể lên án. Thế mà cái mặc cảm tội lỗi vẫn không ngừng ám ảnh.
Vào xưng tội, sau khi cha đã biết chắc là con chiên của cha rất xứng đáng nhưng cha cũng bảo là phải đọc kinh thật nhiều, rồi thời gian và tình yêu của chồng, của con, sẽ xóa mờ cái hình ảnh kỷ niệm tội lỗi ấy.
Hay là hôm nay, nhân dịp nầy Duyên thú thật cả với chồng để cởi bỏ cái gánh mặc cảm đeo đẳng trên vai, may ra như thế mới bớt ray rứt, may ra có nói lên một lần thì ban đêm Duyên sẽ bớt nghĩ đến Quốc, bớt bị dằn vặt. Ấn tốt quá, chân thành quá, Duyên không muốn mang tội ngoại tình trong tư tưởng nhưng theo Duyên thì có thể còn nặng hơn thứ ngoại tình bằng hành động, thể xác. Duyên đã đọc cái tác phẩm độc đáo của văn hào Goethe nói về sự ngoại tình trong tư tưởng ấy và nàng rất lo ngại. Chỉ sợ rằng quả thật như thế, và sau nầy nếu những đứa con ra đời mà lại sẽ có những nét phảng phất giống người yêu cũ thì chắc Duyên sẽ còn bị sự dằn vặt ám ảnh đến suốt đời. Tình yêu, hình như là tội lỗi, người nào bước chân vào đời là đã bị định tội từ trước khi đến ngưỡng cửa của cuộc đời, vào đời, tất thế nào cũng phải gặp một lần yêu. Mới lý luận có thế mà Duyên đã muốn ngạt thở. Trong khi nhiều người có thể sống bình yên với những tội lỗi đeo đẳng, Duyên không có quyền như thế. Tại sao? Ai bắt buộc?
Hai người vẫn tiếp tục bước, trước mắt là cả một cánh đồng thiên thai, cánh đồng hạnh phúc đang chờ đón. Đi thật chậm để chứng tỏ rằng mình biết nhận thức cái hạnh phúc mà Thượng Đế đã dành ban riêng cho những đứa con cưng, và hai đứa nầy là con cưng nhất của Thượng Đế. Duyên chợt nhếch mép cười vì ý nghĩ của mình.
Gió từ mấy đồi thông thổi về, mùi hương tùng chi, Ấn thở mạnh muốn đón nhận tất cả những làn không khí trong lành nầy cho nó tích trữ vào hai buồng phổi. Chàng muốn Duyên cũng thở mạnh như mình để cho hai vợ chồng cùng mạnh khỏe, cùng hít chung một thứ diệp lục tố trong lành mà ngày nay đã trở thành một thứ xa xỉ phẩm trên các nước văn minh.
- Em thở mạnh đi.
- Anh.
Ấn ngạc nhiên, giọng vợ nghe như có gì hốt hoảng như tiếng những loài thú non gọi mẹ để cầu cứu trong những ngày đầu chập chững.
- Gì em?
- Em có chuyện nầy muốn nói với anh.
- Chuyện gì, em nói đi, anh đây.
- Đáng lẽ em phải nói với anh từ trước, ngày chúng mình mới biết nhau, ngày anh đến hỏi gia đình em, để đến bây giờ mới nói, em thật có lỗi, anh tha cho em.
Duyên ngừng lại, chờ đợi ở chồng một cử chỉ, một hành động gì để giúp nàng thêm can đảm. Đã nói đến đây rồi, Duyên không thể bỏ dở nửa chừng, tin rằng chồng không phải phường tiểu nhân bệnh hoạn. Ấn cau mặt cắn môi thoáng một chút lo âu, chàng vừa muốn nghe lại vừa không muốn vợ nói thêm nữa, sợ sự thật là một cái gì có thể làm tan vỡ mối tình trong trắng của mình. Duyên tiếp theo:
- Nếu không nói thì em cảm thấy mỗi ngày tội lỗi em càng nặng thêm, để cho em nói may rạ..
- Trời, có gì mà quan trọng thế, thôi em đừng nói nữa, anh chấp nhận tất cả.
- Không anh cứ để em nóị.. Trước khi gặp anh...
Ấn đưa tay ra nắm lấy đôi vai của vợ, trong một thoáng mà trí tượng tượng chàng vùng lên làm việc hơn tất cả các thứ máy điện tử, ở trên thế giới, hình ảnh những người bác sĩ giải phẫu, những cô y tá... Chàng không muốn nghe thêm, nhưng thấy thái độ của chồng, Duyên càng thêm quả quyết, nếu không nói, nếu ngừng ở đây tất sẽ có sự hiểu lầm đổ vỡ.
- Trước khi gặp anh em đã yêu một người. Mối tình rất thanh khiết nhưng khi anh đến thì người ấy rút lui ngay, khuyên em nên lấy chồng vì tự thấy mình không đủ sức mang lại hạnh phúc...
Ấn thở phào thoát nạn. Từ nãy đến giờ tim chàng muốn ngừng đập, chỉ có thế mà Duyên cho chàng một phen khiếp vía.
- Chỉ có thế mà em làm anh gần đứng tim đó em biết không?
Duyên cúi mặt, nhìn mấy đầu ngón chân mình ở mũi giày, im lặng một lúc mới nói tiếp theo.
- Em vẫn thấy có mặc cảm...
Ấn kéo vợ đứng lại, nhìn sâu vào đôi mắt, tay chàng tìm tay Duyên nắm chặt. Sự thú tội của vợ càng làm cho chàng yêu và qúy vợ hơn. Có khối người con gái cũng yêu trước khi lấy chồng, yêu dưới đủ mọi hình thức mọi khía cạnh mà đến khi về với chồng còn đi mướn bác sĩ thẫm mỹ tiếp tay dối trá chồng mà họ có thấy gì mặc cảm đâu. Duyên, vợ chàng mới thật là lương thiện, thuần túy và hiền thục.
- Chuyện qua rồi, em thắc mắc làm gì, miễn ngày giờ nầy anh biết em là của anh, yêu anh, thế là đủ, nhất là em... yêu anh.
Ấn ngừng, Duyên ngước mắt nhìn chồng, biết chồng không đặt vấn đề tư tưởng nặng bằng vấn đề thể xác, thôi thế cũng hay. Gặp cái dân khó tính thì, thế xác hay tinh thần cũng ghen lại càng thêm bực. Người ta bảo ghen là một chứng bệnh, một biến chứng của mặc cảm và ích kỷ, người không mặc cảm thì có ghen cũng vừa phải thôi. Với loại người có cả hai thứ thì đối phương chỉ có chết mới thoát.
Ấn thông minh lại không mặc cảm, không ích kỷ, có thế Duyên mới chịu nổi. Duyên như vừa trút được một gánh nặng lên vai người khác.
Hai vợ chồng đưa nhau đến một hiệu ăn như đã dự định, hiệu ăn phải có âm nhạc, và nhạc phải là thứ nhạc nào chứ không phải loại nhạc xập xoẽng làm điếc tai và đau dạ dày hại cho sự tiêu hóa. Ăn xong Ấn có ý định sẽ đưa vợ vào hộp đêm khiêu vũ, trăng mật phải khác những năm tháng thường ngày chứ.
Hiệu ăn quả thật là dễ chịu, người ta để nhạc bối cảnh Việt Nam thật nhẹ để câu chuyện tăng thêm ý vị, ánh sáng huyền ảo, mơ hồ như ánh trăng treo đâu đây. Đang ăn ngon lành Duyên bỗng giật mình tái mặt. Nàng ngồi chỗng đũa lặng người, tiếng sáo mở đầu cho bài Con Thuyền Không Bến sao nghe giống hệt như giọng sáo của Quốc.
- Ăn đi chứ em, sao ban nãy ở ngoài hồ kêu đói.
Duyên ngượng cười, nàng không dám nói lý do, chỉ dối bảo rằng mình hơi chóng mặt. Cố gắng hết sức Duyên mới ăn xong bát cháo cho chồng bớt lo lắng. Giọng sáo tiếp tục ám ảnh và Duyên đành phải bảo chồng thôi hãy trở về phòng trọ ngủ sớm, chàng cũng không cần thấy phải đi chơi. Vũ trụ thâu tóm hết vào trong ánh mắt vợ, Ấn đâu cần phải ra tìm bên ngoài, ở đâu có Duyên là thiên đường của Ấn ở đấy. Còn Duyên trái lại, nếu bây giờ ra sàn nhảy mà tiếng sáo quái ác ấy cứ tiếp tục ám ảnh,theo dõi, thì liệu có đủ sức mà đóng kịch thêm mấy tiếng đồng hồ nữa không. Duyên không muốn đóng kịch, không nỡ đóng kịch.
Đêm khuya rồi, Duyên vẫn còn thao thức, đợi lúc Ấn tắt đèn và khi biết chồng đã ngủ, giờ phút nầy, Duyên mới dám để cho mình tự do suy nghĩ, chồng còn thức là Duyên còn phải tỏ ra vui vẻ, tỏ ra mình có mặt ở đây.
Hình ảnh Quốc thật là quái ác, cứ hiện về vào những lúc mà Duyên không muốn. Duyên rùng mình lại nghĩ đến hai chữ "affinité elective" của văn hào Goethe. Nhưng Duyên không muốn tin, nhà văn chỉ bịa ra vậy thôi nhà văn nào mà chẳng thích thêu dệt để cho tác phẩm thêm ý vị, hấp dẫn. Duyên cố không muốn tin, Goethe cũng chỉ là một nhà văn như tất cả mọi nhà văn. Cái "hóa hợp lực" ấy cũng chỉ sản phẩm của tượng tượng trong lúc sáng tác. Trên phương diện y học, có sách bảo rằng cái gọi là hóa hợp lực nầy chỉ có tác dụng, trong một vài trường hợp đặc biệt... Nhưng biết đâu, trường hợp của Duyên chẳng là một trường hợp đặc biệt.
Tại sao tiếng sáo quái ác ấy lại trở về với Duyên đúng hôm nay, là ngày mà Duyên muốn quên, muốn giải thoát mình ra khỏi những hình ảnh, âm thanh xích xiềng nầy, nó đã xiềng xích chằng chịt tâm hồn Duyên từ bao nhiêu lâu nay, đến bao giờ mới tha.
Từ ngày lấy chồng, hai tuần rồi Duyên tránh nghe âm nhạc, tránh nghe ngâm thơ và nhất là tránh tiếng sáo, tránh những loại bài như Thiên Thai, Con Thuyền Không Bến, Hòn Vọng Phụ.. Nhất là khúc Hạng Vũ Biệt Ngu Cơ. Cả những lúc buồn, muốn hát nghêu ngao, Duyên cũng phải dằn lại vì sợ tự bắt gặp mình trong kỷ niệm với những bài như bài Tịch Dương Tây Trầm mà Quốc đã dạy cho mình từng câu. Tất cả những âm thanh ấy, như những lát gươm lúc nào cũng chĩa vào Duyên hăm dọa, chỉ chực nhào vào tâm tư Duyên mà cào cấu đâm chém cái vết thương chưa thành sẹo, vẫn còn tươi máu.