Còn có tên (Tình Đời)
Tập 1

Mỹ Phương dừng xe trước cánh cổng đầy hoa tigôn quấn quít. Mấy nhánh hoa hồng hình trái tim như nghịch ngợm kéo tóc cô, cô ngước lên, gỡ chúng ra khỏi đầu mắng yêu:
- Tụi mi là một lũ phá phách, ngày nào cũng làm rối tung tóc của người ta lên. Nhưng vì ta thấy tụi mi dễ thương nên ta tha cho tụi mi đó nha.
Tiếng đàn ông sau cánh cổng cùng với tiếng mở chốt lách tách:
- Con về, sao không gọi cha mở cổng cho, còn ở đấy cằn nhằn gì vậy hả?
Mỹ Phương reo lên:
- Cha! Sao biết con về mà mở cổng đúng lúc vậy?
Ông Vinh cười:
- Cha có quả cầu mầu nhiệm mà, ngồi trong nhà, cứ xoay nó là biết con đang làm gì thôi.
Mỹ Phương dẫn xe qua cổng, luyến như sáo:
- Vậy cha thử nói cho con nghe đi. Từ sáng đến giờ, con gái của cha đang làm gì?
- Ờ... ờ... thì... nhéo cho con nít khóc để phát kẹo dỗ chúng nín, sau đó sẵn dịp thủ lại một cái cho vào miệng... Sau đó...
Mỹ Phương giậm chân:
- Cha! Cha ghẹo con vậy là không tốt đó nha. Cha đoán người ta làm chuyện mờ ám không thôi.
- Nếu không có như vậy, sao lúc con vừa về tới cổng lũ tigôn chúng níu đầu con chứ?
- Nữa rồi. Cha chuyên môn nghe lén chuyện của con, cha thuộc thành phần "hết sức nguy hiểm" rồi đấy.
- Chưa đâu, vì cha chưa hề đọc nhật ký hay thư riêng của con. Cha là một người cha hoàn toàn đáng tin cậy đấy, con gái ơi! Thôi, vào chẩn bị ăn cơm. Cha chờ con về, đói muốn xót cả ruột. Hôm nay cha làm rẫy, cuốc trúng một con thỏ rừng, đem vào nấu rượu chát cha con mình ăn chơi.
Mỹ Phương xoay lại nhìn cha, cô tròn mắt nghi ngờ:
- Hình như cha đang nói dóc thì phải à nha?
Ông Vinh cười xoà:
- Chuyện gì con cũng không tin cha cả. Vậy chứ con tin có thịt thỏ ăn không đây?
Mỹ Phương lắc đầu:
- Có lẽ là... đậu hủ chiên nấu rượu chát, cha hả?
- Lầm to rồi con gái ơi. Con vào bếp xem đi, có thịt thỏ đàng hoàng, còn có thêm tay đầu bếp giỏi nữa đấy.
- Ai vậy cha?
- Ậy! Vào xem thì biết ngay mà.
Mỹ Phương dựng xe trên thềm nhà. Cô đoán ra được là ai rồi. Chắc có lẽ Sam, một người bạn của cha, tuy anh ta chỉ hơn cô khoảng năm, sáu tuổi là cao. Vậy mà Sam chơi với cha rất thân, hai người thường rủ nhau gieo trồng cùng loại hao mầu, cùng thời vụ. Khi thu hoạch, họ lại rủ nhau đem ra chợ bán. Những lúc rảnh rỗi, cha và Sam hay đi săn thú trong rẫy. Sam biết nướng thịt, biết uống rượu. Sam rắn rỏi phong sương như cây rừng. Với Mỹ Phương, Sam dịu dàng cũng như cha. Sự có mặt thường xuyên của anh ta trong nhà không làm cho Mỹ Phương cảm thấy khó chịu, bởi anh ta rất khéo léo trong mọi công việc, anh ta đã giúp cha con cô rất nhiều điều. Có anh ta, nhà càng thêm ấm cúng.
Mỹ Phương chun mũi hít một hơi dài, mùi món thịt do Sam lục đục xào nấu trên bếp lửa quả thật là hấp dẫn. Cha không nói dối cô, có thịt thỏ ăn thật rồi. Mỹ Phương nói to:
- Anh Sam nấu gì vậy?
Sam quay lại, mặt anh cười rất tươi:
- Thịt thỏ. Phương rửa mặt rửa tay đi, anh dọn lên là vừa đấy.
Ngon tuyệt cú mèo. Nấu với rượu chát hả?
- Không. Nấu cari.
- Vậy thì đê? Phương đi mua bánh mì về chấm với cari nha?
- Anh có mua rồi đấy Phương. Phương chỉ có việc thưởng thức thôi.
Mỹ Phương nói với nụ cười chúm chím:
- Vậy là nhất anh Sam rồi. Thảo nào cha của Phương chẳng thích anh Sam.
Sam vuốt mũi mình:
- Làm anh nổ mất tiêu cái lỗ mũi rồi đây nè Phương ơi!
Nãy giờ ông Vinh đứng nơi ngưỡng cửa bếp. Nghe Sam và Mỹ Phương nói qua nói lại, ông lặng lẽ cười. Toàn là hảo ý cả, rất tốt!
Một cơn gió phất qua, rồi thêm một cơn gió nữa, mạnh hơn tí xíu, mây đen kéo tới làm bầu trời có màu xám chì. Có lẽ sắp mưa. Hôm qua đài báo cơn áp thấp gần bờ biển Việt Nam, tất nhiên là sẽ không thể nào tránh khỏi những trận mưa dai dẳng và rét mướt. Thế này mà ngồi ăn cari nóng với bánh mì càng ngon tuyệt chư sao.
Sam nhắc nồi cari ra khỏi bếp, đặt lên bàn. Anh nói:
- Để cháu đi che chuồng gà cho chú, không khéo trận mưa lạnh này làm cho chúng cúm mất.
Ông Vinh cười:
- Thôi, để chú lo, chỉ cần hạ mấy tấm liếp và đóng cửa chuồng là xong. Bên nhà cháu thì sao?
- Mẹ cháu có thể lo được, chú ạ.
- Coi chừng bà cụ sợ giông gió.
- Mẹ cháu tuy già nhưng khoẻ lắm, mẹ cháu dũng cảm hơn cả cháu nữa đấy.
Ông Vinh xoay người đi qua trại gà, còn nói vói lại, tuy biết chắc thế nào Sam cũng theo sau lưng:
- Nhớ để dành phần thịt thỏ cho bà cụ nhá Sam.
- Vâng, cám ơn chú Vinh.
Hai người đàn ông hì hục ngoài chuồng gà, trong khi Mỹ Phương thay đồ ngắn rồi cắt nhỏ mấy ổ bánh mì sắp vào dĩa, soạn chén đuã... Chẳng hiểu sao họ lâu trở vào vậy kià, gần mười lăm phút. Mưa tuy nhỏ nhưng đan dầy đặc và lạnh giống như mưa phùn gió bấc, rất lạnh, thế mà cha với Sam biệt dạng.
Lo lắng, Mỹ Phương chạy ra cửa, bắt hai bàn tay lên miệng làm loa, gọi lớn:
- Cha ơi!
- Gì la lớn ghê vậy Phương? Cha đây chứ đâu mà hoảng thế hả?
Tiếng cha bên cạnh làm Mỹ Phương giận dỗi:
- À! Thì ra hai người định hù con. Có cần chơi xấu với nhau như vậy không chứ?
Ông Vinh rồi Sam, thêm một bóng người nữa bước qua gian trại vào căn nhà bếp. Ông Vinh nói:
- Ai thèm chơi xấu con? Cha với Sam không biết đói sao, chỉ tại chúng ta có khách thôi.
Mỹ Phương vừa kịp nhìn thấy người lạ mà cha gọi là khách. Anh ta cao hơn Sam một cái đầu, trắng trẻo, sạch sẽ, tươm tất với chiếc áo chemise "chặt" gọn trong "thùng", tuy anh ta ướt như... chuột lột vậy.
Anh ta gật đầu chào Mỹ Phương, trong khi ông Vinh bảo:
- Đây là con gái của tôi. Chào anh đi Mỹ Phương.
Ông Vinh vào phòng lục lạo, lấy ra bộ pyjama mới và chiếc khăn lông, trao cho ông khách:
- Cậu vào nhà tắm, tắm rửa thay tạm quần áo của tôi đi nha. Cậu đừng ngại, tôi tuy lớn tuổi nhưng khỏe mạnh lắm, không có bệnh truyền nhiễm đâu mà sợ.
Ông khách đỡ lấy các thứ trên tay ông vinh:
- Cháu đã làm phiền bác nhiều lắm rồi, đâu dám hỗn xược như thế. Cháu xin bác.
- Ừ. Cậu nói dài dòng coi chừng cảm lạnh thì nguy đó nha. Thay quần áo nhanh lên đi, sau đó dùng món thịt rừng đạm bạc với chúng tôi cho vui.
Anh ta đi vào nhà tắm theo hướng dẫn của ông Vinh. Sam im lặng, có lẽ như anh không vui vì vị khách không mời mà đến này. Lặng lẽ, Sam múc thịt ra tô rồi ngồi chống tay nhìn mưa. Ngoài trời, mưa vẫn cứ rơi rơi. Ở xứ rừng đèo heo hút gió này, chỉ có dân cam phận như Sam, như cha con ông Vinh mới có thể đủ sức bám vào thôi. Dân thành phố như cái gã đàn ông có bề ngoài lịch sự trắng trẻo trí thức kia làm gì có thể chịu đựng nổi nắng gió, cuồng phong, mưa bão ác nghiệt của miệt rừng này chứ. Thế mà hắn từ thành phố, sống sung sướng, đầy đủ tiện nghi chẳng chịu, lại lặn lội lên rừng tìm đất lập nghiệp. Hắn có bao nhiêu hơi sức mà bày đặt đèo bồng, trừ phi hắn dày dạn sương gió như Sam naỳ...
Sam còn nghĩ ngợi mông lung, anh chàng dân thành phố đã trở vào, trông anh ta hơi bị chật chội trong bộ quần áo của ông Vinh. Sam nhìn cử chỉ từ tốn, nhẹ nhàng sang trọng của anh ta rồi nhìn lại bắp chân tay cuồn cuộn rắn rỏi của mình. Đúng là hắn khác Sam một trời một vực. Sam nhìn trộm Mỹ Phương. Trong ánh mắt cô có vẻ gì đó như ngưỡng mộ hắn. Sam chợt buồn... nhưng anh chẳng biết mình buồn vì cái gì nữa. So với Mỹ Phương, Sam biết chắc mình như gà so với Phụng. Mỹ Phương có học, Mỹ Phương xinh xắn, Mỹ Phương lại là cô giáo dạy trường mẫu giáo của xã này. Còn Sam, Sam chỉ biết cách cầm lưỡi cày, lưỡi cuốc, quanh năm dầm mưa dãi nắng. Được làm bạn với ông Vinh và Mỹ Phương là điều vinh hạnh cho Sam rồi, làm gì Sam dám đèo bồng mơ tưởng chứ.
Ông Vinh chỉ vào chiếc ghế:
- Mời cậu ngồi, dùng chút trà cho ấm người rồi hãy ăn cơm. Ở đây mưa rừng dai dẳng lắm, hay là cậu cứ ở lại nhà tôi đi, còn thưà chỗ cho cậu mà. Bây giờ cũng đã quá ngọ rồi còn gì?
Chàng trai xoay ly trà nóng trong tay, cảm kích:
- Cháu ngại làm phiền bác...
- Ôi! Đã lỡ làm phiền rồi thì cứ làm phiền luôn đi. Nói cho vui thôi nha, có gì đâu mà phiền. Chúng tôi ở đây rất buồn, lâu lâu được tiếp khách cho ấm nhà ấm cửa. Cậu thấy đó, cách nửa cây số mới mọc một cái nhà, như trong hoang mạc, cậu ạ.
Chàng trai phì cười trước câu nói chân tình của gia chủ. Ông Vinh hấp háy mắt như đang cao hứng:
- Ở lại nhà tôi đi. Ngày mai, tôi tình nguyện dẫn cậu đi xem mấy lô đất họ vừa kêu giá bán, đất trống có, đất phủ cây có, đất nào giá nấy mà. Tôi là Thô? Địa ở đây đấy, không nói dóc cậu đâu. À! Lúc nãy cậu bảo cậu tên Văn phải không? Hình như cái tên của cậu có vẻ quen quen...
Văn, tên anh khách thành phố cười nửa miệng rất có duyên:
- Dạ, được vậy thì hay cho cháu quá.
Ông Vinh quay qua Sam:
- Ca? Sam nữa, Sam sẽ giúp cậu.
Sam làm thinh. Nhưng ông Vinh bận nói, đâu để ý tới Sam. Với ông, Sam lúc nào cũng hiền như cục đất vậy.
Chàng trai tên Văn lịch sự cười với Sam:
- Mình nhờ cậu nhé, Sam?
Sam buộc lòng, nhưng với giọng nhát gừng:
- Cũng được thôi.
Sau đó, họ quây quần bên mâm cari thỏ. Đúng ra đây là thỏ của trại Sam nuôi. Lúc này hiếm bắt được thỏ rừng, bởi người ta phá cây trồng rẫy hoặc cây công nghiệp nên thú rừng bỏ đi cả. Dù thịt loài thỏ rừng ngon hơn thỏ nhà, nhưng nói là thịt rừng thì cảm giác thưởng thức sẽ thú vị hơn thôi.
Ông Vinh gắp thịt vào chén cho Văn. Văn ăn rất tự nhiên, không lo sợ hay giữ gìn gì nhiều. Bởi anh biết đặc tính dân nông thôn không dối trá gian xảo. Văn biết họ tiếp đãi anh vì niềm vui, vì sự hiếu khách, có lẽ họ chẳng toan tính vụ lợi gì đâu mà lo. Trước khi lên đây, cha Văn đã nói như vậy rồi mà. Mục đích Văn lên đây là tìm cho cha khu đất để ông lui tới giải trí, sau những giờ làm việc mệt nhọc căng thẳng. Mua được dất, Văn sẽ cho lập trang trại ngay, mô hình trang trại đã được vẽ sẵn trong đầu óc của Văn rồi. Hiện nay, trang trại đang là một hình thức cải tiến nông thôn. Làm giàu cho nông thôn, góp phần làm giàu đẹp đất nước, lúc nào cũng là mơ ước của một chàng kỹ sư như Văn.
Sam im lặng ăn, không nói gì cả. Thái độ của Sam hôm nay rất khác thường, có lẽ Sam mặc cảm nhiều hơn là buồn. Sự xuất hiện của chàng trai thành phố này đã khiến cho một chút tự ti trong lòng Sam nỗi dậy, nhưng Sam tuyệt nhiên không cảm thấy ganh tỵ, bởi tính Sam vốn an phận mà.
Sam ăn xong, phu. Mỹ Phương thu dọn chén bát ra sau rồi xin phép đi về. Viện cớ hôm nay mưa gió, Sam phải về cho bà cụ đỡ lo. Tuy trời còn khá sớm, mới có hai giờ chiều, nhưng ngoài trời rất tối tăm rét mướt vì trận mưa lạnh lẽo này.
Ông Vinh bảo Sam lấy áo đi mưa, nhưng anh nói không lạnh rồi lấy xe đạp ra cổng. Ông Vinh nhìn theo Sam, lo lắng:
- Không khéo thằng Sam cảm lạnh mất.
Văn ngập ngừng:
- Thưa bác, anh Sam...
Không chờ chàng trai hỏi hết câu, ông Vinh đã vội nói:
- Sam là láng giềng của tôi, nhà hắn ở lô đất phía dưới con đường cậu đi lúc nãy. Chúng tôi rất thân nhau, hôm nay mưa bão nên hắn về sớm đấy. Nếu có nắng, Sam ở chơi đến năm, sáu giờ chiều. Trại của Sam chỉ trồng cao su, hắn làm lụng từ nửa khuya đến mười giờ sáng là hết việc rồi, cậu ạ.
- Có lẽ anh ấy giỏi lắm?
- Rất giỏi nữa là khác. Cậu mua được đất rồi, nếu cần công nhân, có thể nhờ Sam đấy, vừa giỏi, vừa tốt bụng lại hiền.
- Cháu xin vâng lời bác.
- Ờ, cậu chẳng có quen biết ai ở xứ này sao?
- Dạ, cháu có quen một người là bà con xa của cha cháu, cứ ngỡ ông ấy còn ở đây, nào ngờ khi lên đến hỏi ra ông ta đã bán đất và đi xứ khác. Lúc vào đây, cháu định xin bác cho trú mưa một lúc rồi quay về Sài Gòn, nào ngờ cơn mưa dai dẳng quá. Nếu không nhờ bác giúp dỡ và cô Phương đây cho một bữa cơm, có lẽ cháu chết dọc đường mất.
Văn nhìn Mỹ Phương, ánh mắt anh thật ấm. Có lẽ đó là ánh nhìn tự nhiên của Văn, nhưng Mỹ Phương cảm thấy mất tự nhiên. Cô lúng túng đáp:
- Thưa, đâu có gì quan trọng. Chúng tôi chỉ đem thêm chén đữa thôi mà, thức ăn rất đạm bạc.
Văn cười. Nụ cười chàng trai dân thành phố sao duyên lạ.
- Cô Phương thật khiêm nhượng. Ở sào Gòn chắc gì có món ngon như ở đây.
- Anh khiêm nhường thì đúng hơn. Xứ rừng đèo heo hút gió làm sao sánh được với Sài Gòn. Người dân Sài Gòn chỉ cần làm ra tiền nhiều thì muốn gì được nấy, đâu chỉ một món thỏ rừng nấu đơn sơ như vậy chứ?
- Dù sao thì ở mỗi nơi cũng đều có đặc điểm của nó. Những điều ở đây thừa thãi mà Sài Gòn lại hiếm hoi. Chẳng hạn như chú và cô Phương đây vui lòng cho một kẻ lỡ đường như tôi ở trọ, còn Sài Gòn, chỉ còn một điều là co ro dưới mái hiên, hay vào nhà lồng chợ thịt, cá mà ngủ thôi.
Mỹ Phương tròn mắt, dù cô đã có nghe rất nhiều người bảo dân Sài gòn vô tình và hay nghi kỵ kẻ lạ mặt.
- Có thuyện dó thật sao?
- Có chứ. Vì thế cho nên người ta lập ra quán trọ, Phương ạ.
Họ chợt im lặng. Văn nhìn đám lửa ấm bập bùng trong bếp và nghe tiếng mưa rơi rỉ rả ngoài hiên. Ông Vinh lo lắng, chẳng biết Sam về có bị cảm lạnh hay không. Còn Mỹ Phương, cô nghĩ đến câu nói của Văn rồi đâm ra lo sợ... dù sao Văn cũng là người xa lạ đối với cha con cô mà, bây giờ lỡ hứa cho người ta trọ lại nhà cho hết đêm nay rồi. Nếu bảo yên tâm thì Mỹ Phương không thể nào yên tâm được. Còn trở mặt đuổikhéo, có lẽ Văn sẽ ra đi, nhưng như vậy thì Mỹ Phương đâu nỡ. Thôi thì cứ mặc cho ông trời lo liệu vậy. Một gã đàn ông thành phố như Văn, dưới cơn mưa áp thấp lạnh và tầm tã này, làm sao anh ta đủ sức vượt bốn, năm chục ký lô mét đường rừng cho nổi chứ?
Mỹ Phương nhìn trộm Văn. Anh ta vẫn trầm ngâm thả hồn theo mưa ngoài hiên...
Mỹ Phương cảm thấy da mặt mình râm ran nóng: Tự dưng lại đi lo cho anh ta, kỳ thật đấy!
MỸ Phương ngồi chống cằm nhìn trời. Trời hôm nay không mưa, lại là chủ nhật, Mỹ Phương rất rảnh. Bởi chủ nhật thì cô không phải đến lớp, và chủ nhật cũng là ngày mà Văn hay trở lại đây. Văn đã thỏa thuận sang nhượng được bốn héc - ta đất, trang trại này trước kia người chủ cũng ở Sài Gòn, anh ta trồng bốn héc - ta cây cao su, thu hoạch mủ được năm năm. Sau đó vì tham lợi trước mắt, anh ta đã thẳng tay cho đốn hạ gần ba nghìn cây cao su để bán gỗ, ôm tiền về Sài Gòn mua một chiếc Toyota. Khu đất giờ trống như ngày ông Vinh mới đặt chân lên vùng này, chỉ có điều nó trống đúng nghĩa, chứ không lô nhô rừng chồi hoang dại như lúc đó. Cũng may, Văn có tâm nguyện lập trang trại, hy vọng ngày mai mảnh đất sẽ phủ màu xanh trở lại.
Sam đi qua chỗ Phương ngồi, anh cố đi thật khẽ cho cô khỏi giật mình. Từ lúc có chàng trai thành phố ấy lên miền đất này, Sam nhận thấy Phương thay đổi rõ ràng. Phương hay thả hồn mơ mơ mộng mộng đâu đó trên tàn cây, ngoài vườn hay một góc sân. Phương làm dáng hơn, môi Phương đều đặn tô son, má Phương đều đặn thoa phấn, có khi Sam bắt gặp Phương chăm chú tỉa đám lông mày của cô hàng giờ. Sam thở dài. Có lẽ Phương đã bắt đầu mơ người con trai thành phố ấy rồi cũng nên! Thật lòng Sam chỉ xem Phương như một cô em gái. Còn gã con trai thành phố đó toát lên cái vẻ gì như sang sang, quý quý, kiểu kiểu, cách cách mà đối với Sam, anh ta chắng thể gần gũi được. Anh ta giống như cây kiểng quý, không như chú Vinh và Sam. Chú Vinh và Sam rằn rói như cây rừng, quen chịu sương chịu nắng. Còn Mỹ Phương, Mỹ Phương có thích hợp với anh ta không. Sam cảm thấy lo lắng, lo lắng như người anh trai lo lắng cho đứa em gái dại khờ của mình.
- Anh Sam!
Sam giật mình vì tiếng kêu của Mỹ Phương. Anh xoay lại:
- Có chuyện gì không Phương?
- Ư.....
Mỹ Phương đỏ mặt một lúc, sau đó nói:
- Thấy anh Văn có lên không?
Sam lắc đầu nói thật tình:
- Không có.
Mỹ Phương nói bâng quơ:
- Trưa rồi, sao ảnh không lên kìa?
- Anh đâu có biết.
- Mọi hôm, sáng chủ nhật là anh Văn lên tới. Tuần rồi, Phương gởi ảnh mua một số sách đọc, ảnh hứa chắc lắm mà?
-............
- Anh Văn hiền ghê đi hả, anh Sam?
- Ờ, thì hiền.
- Chủ nhật tuần rồi, ảnh cho ba một túi trà gừng, một túi trà khổ qua, uống ngon lắm. Anh Sam có uống không?
- Ơ...... có.
- Nếu một chút nữa anh Sam thấy anh Văn có lên, nhớ cho Phương hay nha. Đừng để anh Văn nhìn thấy Phương ăn mặc bê bối như thế này, ánh cười chết.
- Có tuần anh Văn đi xe Dream, có tuần đi bằng chiếc Phuture, khó phân biệt lắm. Phương ở trong nhà, anh với chú Vinh ngoài rẫy, làm sao báo động cho Phương được?
Mỹ Phương cười:
- Ờ há! Em thật đúng là chúa lẩn thẩn, chỉ cần mình đi thay ngay quần áo bây giờ là tiện rồi. Vậy mà em cũng không nghĩ ra được, rõ là mụ mị cả đầu óc mất thôi.
Sam buồn buồn:
- Anh thấy Phương tươm tất lắm rồi.
- Ồ! Không đâu. Anh Sam là người nhà, nhìn Phương bê bối quen mắt nên không nhận ra điểm bê bối cẩu thả của Phương. Anh Văn thì khác, nhìn Phương bây giờ, ảnh sẽ chê cười Phương ngay. Dân Sài Gòn người ta luôn chuộng việc ăn mặc đẹp, Phương không để cho anh Văn thấy Phương luộm thuộm đâu.
- Cũng tốt thôi. Anh Văn là khách, mình cần giữ phép lịch sự với ảnh.
- Anh Văn tuy là dân thành phố, có học thức, nhưng ảnh dễ hòa đồng lắm. Anh Văn rất hiền và rất tốt, anh Sam đừng phân biệt anh Văn nha?
- Anh đâu dám nghĩ ngược như vậy. Câu đó phải để anh nói với ảnh mới đúng, kẻ đứng ra phân biệt phải là anh Văn. Còn anh, anh cách xa ảnh như trời với vực, ảnh trên trời, còn anh dưới vực, con sùng dưới đất sao dám phân biệt ngôi sao trên trời. Phương nói vậy, anh Văn nghe được, ảnh cười cho.
Phương tròn mắt nhìn Sam:
- Hôm nay sao anh Sam lý luận dài dòng quá vậy?
- Anh làm gì biết lý luận, anh nói chuyện thường thôi. Nhưng anh là anh, còn anh Văn là anh Văn, mỗi người có điểm riêng, chỉ xin Phương đừng đem anh ra so sánh với anh Văn thôi.
- Ai so sánh anh với anh Văn hồi nào đâu? Vả lại làm sao có thể so sánh được....
Câu nói của Mỹ Phương làm trái tim Sam nhói đau. Sam luôn biết mình là ai rồi, vậy mà nghe Mỹ Phương nói, Sam lại bất chợt đau nhói lòng. Giá mà Mỹ Phương đừng nói gì, có lẽ hay hơn. Chàng trai thành phố đó như con công, để Sam là chú gà xấu xí và ngờ nghệch cạnh con công cao sang xinh đẹp. Nếu không có sự xuất hiện của Văn, có lẽ tình cảm Mỹ Phương dành cho Sam sẽ vẫn mãi đơn giản như nắng, như gió, như mưa của xứ rừng này. Còn bây giờ, dù muốn dù không, cũng đã ít nhiều thay đổi rồi, Phương bận nhìn ngắm ánh hào quang. Với cô, Sam có lẽ chỉ là một cái bóng thôi. Sam cần gì phải tự ti trước mặt Phương làm gì cho uổng công.
- Anh Sam nghĩ gì vậy hả?
Sam giật mình, anh lắc đầu nguẩy nguậy:
- Đâu có, anh nghĩ gì đâu?
- Phương thấy mặt anh Sam tối lại đấy.
- Làm gì có. - Sam chối.
Sau đó, anh ra hè lấy chiếc cuốc vác thẳng ra rẫy. Ngoài ấy, chú Vinh đang hì hục đào xới một luống đất. Chú với Sam hùn hạp nhau trồng một héc - ta ớt sừng. Kỳ này, hai chú cháu làm ăn lớn đấy. Bữa trước đặt ra kế hoạch, Sam hào hứng là vậy, sao bây giờ cảm thấy nẫu cả ruột gan. Giá mà đừng có gã con trai thành phố ấy xuất hiện trong ngôi nhà này, có lẽ Sam sống rất vui vẻ, rất vô tư, rất yêu đời. Không có anh ta, chẳng ai quấy động cuộc sống vốn dĩ êm đềm này. Không có anh ta, Phương đi dạy về, sẽ tíu tít kể cho chú Vinh và Sam nghe rất nhiều chuyện vui về đám học trò nhí của cô. Bây giờ thì hết rồi. Phương lúc nào cũng nghĩ đến Văn, dù Phương chưa hiểu gì về Văn cả.
Chú Vinh ngẩng đầu lên nhìn Sam.
- Sao sáng nay không qua uống trà, Sam?
Sam bỏ cuốc khỏi vai:
- Bận bện lại tấm liếp cho bà cụ, đêm qua gió nhiều, gió "đánh" te tua luôn.
- Mùa này là vậy đấy, không nổi cơn giông lốc là may rồi. Nhớ năm trước, một cơn lốc đi qua nông trường, phá tan hoang hàng chục héc - ta cao su đang kỳ cho mủ. Đúng là tai ương khó lường.
Sam âm ừ cho qua chuyện. Bây giờ thiên tai khủng khiếp ấy chẳng còn làm trái tim anh rung động nữa. Anh nhìn xa xa, những mảng nắng vàng và trong như tinh đang trải trên màu xanh của cây của lá. Lạ thật! Anh chỉ xem Phương như là một cô em gái, vậy mà nghĩ đến gã con trai thành phố ấy chiếm lấy tình cảm của Phương, anh nghe lo lắng không chịu được. Nếu nói để ý Phương, Sam ngàn lần không dám. Phương như sao trời, còn Sam tự ví mình như chú giun đất, làm sao với tới được. Và Sam, suốt đời Sam phải im lặng trước Phương. Sam chỉ ước mong một điều: Phương có yêu người con trai nào, phải chọn lựa cho kỹ, đừng để mai này đau khổ vì tình yêu là Sam cảm thấy yên tâm rồi.
- Sam!
Tiếng gọi của chú Vinh làm Sam giật mình. Sam "dạ" lớn:
- Dạ, chú gọi cháu.
- Làm gì như kẻ mất hồn vậy Sam?
- Cháu có sao đâu?
- Chú có cảm tưởng như mình đang độc thoại đấy Sam.
- Cháu vẫn đang lắng nghe lời chú nói đây mà.
- Thật không? Hay là để hồn tận đâu đâu?
- Có nghe mà. Chú nói vụ giông lốc trên nông trường cao su năm ngoái chứ gì?
- Ừ, quả là đáng sợ.
- Nếu chúng đi qua đây, mình sẽ gặp tai họa. Rõ ràng là tai họa đang tới gần mà.
- Sam! Tại họa nào? Đừng có nói gở chứ Sam.
Sam giật mình. Đâu có phải anh muốn nói cơn giông lốc, mà anh đang nghĩ ngợi, hay đúng hơn là bị ám ảnh bởi gã con trai thành phố kia. Sam lo sợ tai họa đổ ập lên đầu cô gái ngây thơ Mỹ Phương, bởi gã con trai ấy có cái nhìn ngọt như đường mật, lời nói của gã còn ngọt ngào êm ái hơn gấp mấy lần, chỉ cần gã nói với ta một câu thôi, cũng đã cảm thấy trái tim hơi xiêu xiêu rồi còn gì.
Nhưng làm sao chú Vinh hiểu được trong lòng Sam đang nghĩ gì. Chú cứ nghĩ Sam đang...... trù ẻo cho cơn giông lốc kinh khủng ấy đi qua đây để gieo sự tàn phá hủy diệt. Chú la lên:
- Đừng có ước điều xấu chứ Sam. Cháu còn nhớ mấy chục ngàn gốc cao su bị gió vặn chéo như người ta vắt nước khô cho quần áo mới giặt không. Vặn xong, bứt gốc quẳng ra xa, còn gì là cây cối hoa màu chứ?
Sam chép miệng:
- Tốt hơn hết là chú đừng có nhắc đến chuyện đó nữa.
Họ im lặng, không khí im ắng vọng rõ tiếng chim hót, tiếng gió và tiếng xe bò cộc cạch tận ngoài đường cái. Họ chợt lặng người khi nghe một tiếng động vừa lạ vừa quen. Đó là tiếng của một chiếc xe hơi, êm êm, lạ lẫm, ngây ngây cả người.....
Chú Vinh vụt sáng mắt:
- Có lẽ Văn lên, hôm nay là chủ nhật đấy Sam. Hôm nay đi bằng ô - tô.
Mặt Sam tối lại:
- Lại chuẩn bị đãi khách nữa rồi.
- Cháu nghĩ xem, Sam. Gà rô ti, hay xé phay trộn gỏi ngon?
- Sam nhát gừng:
- Thứ nào cũng ngon cả.
Tiếng xe du lịch càng ngày càng gần, rồi tiếng xe dừng, tiếng mở cửa và đóng cửa. Đúng là Văn rồi.
Chú Vinh chống cuốc nhìn Sam:
- Nghỉ một bữa đi Sam, vào nhà chơi với cậu Văn cho vui.
-..........
- Để chú rủ tay Văn ở chơi đêm nay mình tổ chức đi săn thú cho vui. Dân thành phố rất thích mấy trò ở đây lắm.
- Tùy chú. Có cần làm thịt gà, vịt gì, cháu phụ cho một tay.
- Vậy thì tốt rồi.
-........
- Không hiểu sao chú cảm thấy rất thích cậu Văn. Cậu ấy hiền lành và lịch sự dễ mến, Sam nhỉ?
- Dạ.
- Trong nhà có Mỹ Phương, chắc con bé đã đón tiếp cậu Văn. Mình với cậu ấy thật là có duyên tự thuở nào, tự dưng cho cậu ấy trú mưa rồi quen thân nhau luôn. Hay, Sam nhỉ?
Sam cảm thấy bực trong bụng. Cha con họ đua nhau tâng bốc tên công tử thành thị đó, biết hắn có tốt không chứ? Chú Vinh kỳ thật! Lâu nay chú nổi tiếng là khuôn phép với con gái, chẳng hiểu sao tự dưng lại sinh ra dễ dãi như vậy. Vì thấy Văn giàu chăng? Sam cố bác bỏ ý kiến đó. Sam không tin chú Vinh là một kẻ "trọng phú khinh bần, tham vàng bỏ ngãi". Chú Vinh đã từng là thần tượng của Sam trong cách đối nhân xử thế. Có lẽ cái vẻ "đạo đức giả" của hăn đã chinh phục được trái tim ngây thơ của họ. Với Sam thì hắn đừng có hòng!
Mỹ Phương đang đứng cạnh Văn. Văn mặc quần kaki màu xám nhạt, áo sơ - mi cộc tay sọc nhã nhặn, trông Văn vừa đẹp trai, vừa trí thức. Toàn con người của Văn đều toát lên cái nét thành thị đến dễ thương. Mỹ Phương mạc bộ lụa hồng, giống như một tiểu thư khuê các. Mỹ Phương trắng trẻo chứ không ngăm đen như phần đông con gái ở đây, bởi Mỹ Phương mới theo cha về xứ rừng này chừng vài năm nay thôi. Mấy năm trước, cha cô gởi cô học
ở Mỹ Tho, có lẽ vì thương cha nên Mỹ Phương chấp nhận về an phận nơi xứ rừng heo hút này. So với Mỹ Tho, xứ rừng này chỉ hơn được ở chỗ nó yên vắng quanh năm suốt tháng thôi, ngoài ra chẳng có gì để lôi cuốn một cô gái quen sống nơi phố thị dông đúc ồn ào như Phương cả.
Thấy Văn, ông Vinh bước nhanh nhanh hơn, đến nỗi bỏ Sam xa cả một khoảng cũng chẳng thèm chú ý đến Sam. Ông Vinh đến bên Văn, cười tươi:
- Cậu Văn mới lên. Hôm nay, bên ấy có ai làm không?
Văn gật đầu chào ông Vinh, chào Sam rồi nói:
- Thưa có, chú ạ. Họ làm đông lắm, đào lỗ để chuẩn bị đặt cây "tum".
- "Tum" mua ở đâu?
- Dạ, bên nông trường.
- Cậu mua "tum" làm gì cho mắc, sao không bảo nó mua hạt về đập rồi ươm, năm sau kêu vài tay kỹ sư đến ghép cành. Năm nay có một giống mới ít bệnh lại cho mủ nhiều lắm đấy.
Văn cười:
- Thì cũng mấy tay kỹ sư bên nông trường khuyên cháu mà.
- Chủ yếu là để bán "tum" thôi, Văn ạ.
- Phải chi cháu hỏi chú trước thì hay quá. Bây giờ lỡ đặt cọc rồi, làm sao?
- Nhiều không?
- Dạ, ba mươi phần trăm, nhưng bỏ thì kỳ.
Họ say sưa cuốn vào câu chuyện làm ăn rồi. Mỹ Phương đứng cạnh Văn, trở nên thừa thãi. Nhận ra sự thừa thãi của mình, Mỹ Phương phụng phịu nói:
- Để ba với anh Văn nói chuyện đi, con vào bếp làm cơm.
Văn không để ý đến vẻ phụng phịu của Mỹ Phương, anh bảo:
- Thôi khỏi đi Phương. Anh có mua vịt quay, thịt xá xíu và bánh mì, ít lon bia cho chú với anh Sam, nước ngọt cho Phương đây, chỉ phiền Phương chặt thịt một chút thôi.
Văn nói xong, đi đến xe, mở cửa lấy túi xách căng phồng trao cho Mỹ Phương. Mỹ Phương đỡ lấy, rồi trao Sam. Sam đem vào nhà. Chỉ có Sam là nhìn thấy Văn chẳng có chút ý tứ riêng tư với Mỹ Phương. Sam thở ra nhè nhẹ. Chắc là Sam hồ đồ nghĩ xấu cho Văn thôi. Sam nhủ lòng mình nên xét đoán mọi việc từ từ và khách quan hơn đối với Văn mới phải.
Văn vào nhà một chút, sau đó anh rủ chú Vinh sang trang trại của anh. Đến trưa họ về, dẫn thêm mấy người làm công của Văn, hay nói đúng ra họ là hai người quản lý. Họ bày tiệc ăn uống vui vẻ, sau đó Văn xin phép ra về. Chẳng thấy Văn có vẻ gì để ý đến Mỹ Phương. Nếu có, đêm nay Văn phải lưu lại nơi xứ rừng này rồi.
Nhìn Mỹ Phương phụng phịu, Sam lại cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Nếu Văn có yêu Mỹ Phương, anh chàng cũng phải có thời gian để tìm hiểu. Như vậy là Sam yên tâm, càng quen lâu mới có thể hiểu rõ gốc tích ngọn nguồn của người ta, sẽ làm Phương suy nghĩ chín chắn hơn. Được nhìn thấy Phương hạnh phúc đàng hoàng là Sam toại nguyện rồi. Đêm nay Sam sẽ ngủ yên. Chẳng hiểu tại sao Sam lại lo cho Phương? Phương đâu phải là em gái của Sam, vậy thì anh lo cho cô là vì cái gì chứ?
Hôm nay trang trại chú Vinh rộn rịp hẳn lên. Sam, Mỹ Phương, mấy người nhân công bên trang trại của Văn đang quây quần bên nhau gà vịt đang nhổ lông, họ chuẩn bị đãi khách thành phố. Sam làm đầu bếp, ngày chưa lên đây, Sam nấu ăn cho một quán nhậu dưới Bình Dương, anh nấu khéo lắm.
Văn nhờ họ làm hộ thức ăn. Hôm nay bên trang trại của Văn khai trương nhà máy ép mủ, họ muốn mở một cơ sở sản xuất gia công phù hợp với vùng này, bằng nguồn nguyên liệu sẵn có. Chuyện làm ăn thật chứ không phải hạng tìm đất nông thôn vui thú điền viên như Sam nghĩ. Họ đầu tư với qui mô khá lớn. Chú Vinh vui như chính công việc của chú vậy, bởi đương nhiên Văn xem chú Vinh như người thân, và mọi việc chú tự nguyện đứng ra cáng đảng giúp Văn.
Thức ăn nấu xong thì họ sang đến gia đình Văn, đi trên một chiếc Toyota đời mới hai mươi bốn chỗ rộng thênh thang, giống như cảnh nhà trai đến xem mắt cô dâu vậy. Sam ham vui, quên cả việc xét nét họ. Ở xứ rừng này, chỉ cần vui là đủ rồi, chẳng ai nệ công cán mình bỏ ra, và hôm nay đúng là không khí vui tươi lẫn mới lạ thật, toàn là dân thành phố sang trọng cả.
Khi họ bước xuống xe, ai cũng ngắm người đàn bà xinh đẹp có lẽ là mẹ Văn, bà ta rất đẹp, như một đóa hoa mãn khai.
Ông Vinh tái mặt, nhưng cố trấn tĩnh lại mình. Trời ạ! Tại sao số phận trớ trêu đến như vậy chứ? Hai mươi năm, ngỡ chìm vào quên lãng, nay đột ngột gặp lại cố nhân. Quả là một điều khó xử cho ông Vinh, bởi gặp lại bà ta, tức là nợ gặp oan gia.
Bà ta đã kịp nhìn thấy ông Vinh. Biết không thể tránh, ông Vinh gật đầu chào:
- Thưa bà chủ mới lên.
Mỹ Phương đỏ mặt. Cô vịn sau lựng cha, nói nhỏ:
- Cha! Đừng có hạ mình như vậy. Cha đâu phải là người làm công của họ, chúng ta chỉ quan hệ với tính cách láng giềng thôi mà.
Bà Lệ tiến đến trước mặt ông Vinh, nghiêng đầu nhìn ông, môi mím lại với điệu bộ của một bà chú thật sự, nói:
- Là chú đấy à?
- Vâng, thưa bà, là tôi đây.
- Trái đất tròn lắm chú Vinh nhỉ?
Bà Lệ nói với nụ cười nửa môi, mỉa mai. Ai cũng nhìn thấy nụ cười mỉa mai của bà ta, họ ngạc nhiên vì mấy câu đối đáp lạ đời giữa bà Lệ với ông Vinh.
Ông Vinh cúi mặt:
- Vâng, thưa bà. Trái đất tròn lắm và ông trời lúc nào cũng hành sự công bình cả.
- Chú khỏi cần phải rào đón. Tôi gặp chú hôm nay là do tình cờ thôi. Ai biết hai mươi năm qua, chú trốn ở cái nơi khỉ ho cò gáy này đâu chứ?
Ông Vinh bối rối:
- Xin bà chủ gác lại giùm chuyện đó. Tôi hứa sẽ nghe lời dạy dỗ của bà. Nhưng mà bây giờ có mặt cậu Văn với đông đảo mọi người, xin bà thương giùm con gái tôi, no hoàn toàn không biết gì cả về chuyện đó.
- Ừ.......ừm, cũng được. Nhưng tôi muốn đặt điều kiện.......
- Dạ, tôi hứa nghe bà nói mà.
Mỹ Phương không hiểu được mấy câu đối thoại ấy. Họ nói gì mà cứ úp úp mở mở, nhưng trong mấy câu úp mở đó, có lẽ cha cô lép vế hơn bà ta, cha của cô toàn nói những câu năn nỉ. Tại sao vậy chứ? Chẳng lẽ trước đây cha của cô có mắc nợ bà ta?
Văn nói với mẹ:
- Mẹ à! Có chuyện gì thì gác lại, sau hãy bàn nha? Chắc là mẹ với chú Vinh đây quen nhau rồi, vậy thì càng dễ nói chuyện chứ sao.
Bà Lệ gắt:
- Không cần phải dạy khôn mẹ. Chuyện mẹ làm, mẹ đã tính toán được trong đầu rồi. Xem như hôm nay con lo cho trang trai của con đi. Còn mẹ, mẹ có chuyện cần làm rồi.
- Trang trại của gia đình, chứ sao lại của con?
- Chuyện đó, cha con các người biết với nhau đi.
Văn kêu khẽ với vầng trán cau lại:
- Mẹ nói gì thế?
- Về hỏi cha cậu đấy.
Bà Lệ nói xong, đến ngồi vào bộ salon gỗ giữa nhà, mở xắc tay, lấy chiếc quạt trầm phe phẩy. Mọi người nhìn nhau, lắc đầu ngao ngán.
Văn vịn vai chú Vinh:
- Chú tha lỗi cho cháu nha. Vì cháu mà chú bị hoạ lây. Chú với mẹ kế cháu quen làm sao vậy? Hình như giữa chú với mẹ cháu có chuyện gì đó mâu thuẫn nhau, phải không?
Ông Vinh gật đầu:
- Có. Không giấu gì cậu, trước kia tôi là người làm công của mẹ cậu.
Mỹ Phương lay mạnh tay cha:
- Cha! Sao con không nghe cha kể chuyện đó?
- Con đừng có nóng. Cha không muốn kể, bởi nếu con biết chuyện cha mắc nợ mẹ cậu Văn, con buồn thêm mà cũng chẳng giúp gì được cho cha. Cha khôNg vô liêm sĩ đến nỗi mắc nợ rồi chạy trốn như lời mẹ cậu Văn nói. NhưNg đó chỉ là tùy cơ ứng biến thôi. Cha định lập nghiệp, để dành tiền, sau đo đem trả cho bà ấy, nhưng hiện nay thì số tiền cha dành dụm chưa tới đâu là đâu cả. Ngày xưa, cha làm công cho mẹ cậu Văn, mắc số nợ rất lớn, nếu bán cả trang trại này, chắc vẫn còn thiếu đấy, Mỹ Phương.
Giọng Mỹ Phương muốn khóc:
- Nhưng mà là nợ gì mới được chứ?
- Văn! Cậu hãy nghe tôi giải thích một lời. Ngày Mỹ Phương còn bé, mẹ nó mắc chứng bệnh ung thư, bà chủ đã cho tôi vay tiền để chạy chữa cho mẹ con Phương. Sau khi mẹ con Phương chết, số nợ đã chất chồng, tôi nghĩ mình làm công mãn đời cũng không trả nổi, cho nên mới tạm thời lánh đi. Và tôi lên xứ này khẩn đất hoang, lập nghiệp, mong có ngày đủ tiền trả lại cho mẹ của cậu. Nhưng sở nguyện chưa thành, đã xui khiến gặp lại mẹ của cậu. Chắc là tôi phải bán trang trại mất, cậu ạ!
Mỹ Phương kêu lên:
- Cha! Nếu làm như vậy, cha sẽ mất trắng tay. Tuổi già trắng tay, làm sao cha sống nổi, tiền lương của con, không đủ cho cha con mình sống đâu. Hay là cha thử nghĩ cách khác xem sao?
Văn buồn buồn:
- Mẹ tôi bảo sẽ đặt điều kiện gì đó với chú, chú chờ xem mẹ tôi muốn gì? Tôi sẽ giúp chú mà, chú Vinh. Tôi sẽ đề nghị mẹ tôi xóa đi khoản tiền lãi. Còn vốn, chắc chú sẽ thanh toán nổi, trong khoảng thời gian thanh toán có thể là năm năm hoặc mười năm.
Ông Vinh lắc đầu:
- Tôi không chắc mẹ của cậu đồng ý chuyện đó, bởi bà mới là người có quyền đặt điều kiện, cậu ạ.
- Còn pháp luật, pháp luật sẽ bênh vực quyền lợi cho chú.
- Cậu dám đem pháp luật ra chống với mẹ cậu sao hả? Dù sao cậu cũng là con của bà ấy mà?
Văn lắc đầu:
- Không. Tôi không phải là con của bà ấy. Mẹ tôi chết rồi, sau đó thì cha tôi chấp nối với bà ấy. Chú làm công cho gia đình tôi, chú không biết điều đó sao?
Ông Vinh gõ gõ trán:
- Phải rồi. Tôi đã nhớ ra cậu, cậu là cậu Văn. Thảo nào, hôm mới gặp, nghe cậu nói tên, tôi cảm thấy ngờ ngợ như là đã quen ở đâu rồi. Tôi vào làm công cho gia đình cậu sau khi mẹ cậu mất, tôi không biết bà ta là mẹ kế, bởi lúc nhỏ bà ta rất cưng chiều cậu.
- Là vì gia tài của cha tôi thôi. Đến bao giờ bà ấy nắm được tài sản của cha tôi, lúc đó sẽ lộ hẳn bộ mặt đạo đức giả.
- Xem ra cậu cũng có nỗi khổ.......
- Cha tôi không phải là kẻ nhu nhược.....
- Tôi biết ông chủ rất rõ mà.
- Trang trại này là của cha tôi, vấn đề tài chính của gia đình hoàn toàn do cha tôi điều khiển. Vì thế, buộc lòng bà ấy phải đối xử đàng hoàng với tôi.
-.............
- Nhưng cha tôi không độc tài. Bà ấy vẫn làm chủ tài khoản riêng và tự do sử dụng theo ý mình.
-.........
- Và chú là nạn nhân của cách sử dụng đồng tiền do bà ấy làm chủ. Tại sao ngày xưa chú không mượn tiền của cha tôi?
- Tôi là người làm công mà cậu. Ông với bà, ai chẳng là chủ của tôi. Kẻ làm công như tôi, sao biết chuyện tài chính trong gia đình của chủ được?
- Chú hãy chờ xem điều kiện của mẹ tôi đặt ra đi, rồi tìm cách giải quyết nha. Dù tôi quen chú chưa lâu, nhưng tôi rất mến chú. Tôi sẽ giúp chú, chú Vinh ạ.
- Cảm ơn cậu Văn.
Sau bữa ăn, bà Lệ nói với ông Vinh:
- Tôi muốn đem Mỹ Phương về Sài Gòn, con bé sẽ giúp việc cho tôi. Công việc quản lý tư gia, con bé chắc thừa khả năng đấy chứ?
Ông Vinh cắn răng:
- Không. Tôi sẽ bán trang trại này cho bà để trừ nợ. Còn thiếu bao nhiêu, cha con tôi sẽ tiếp tục trả cho bà trong một thời gian nữa. Tôi không thể để con gái tôi làm công cho bà.
Bà Lệ cười khẩy:
- Trang trại của ông chưa đáng một phần ba số vàng ông vay mượn tôi. Tôi không ưng thuận giải đáp đó đâu.
- Nhưng nếu bà bắt con gái tôi làm công để trừ nợ, chẳng lẽ nó phải làm cho bà cả đời sao?
Bà Lệ cười, nụ cười nham hiểm:
- Không cần phải làm việc cho tôi cả đời đâu. Tôi chỉ cần Mỹ Phương một thời gian thôi. Sau đó, tôi sẽ để cho con bé tự do lựa chọn công việc của nó. Còn phần nợ chưa trả hết, lúc ấy tôi sẽ giảm bớt cho chú, được chưa?
Văn kêu lên:
- Mẹ cần Mỹ Phương làm gì chứ? Có cần gì quản lý? Trong nhà chỉ đơn giản là công việc bếp núc giặt giũ, đã có chị bếp lo liệu rồi. Con nghĩ mẹ nên xóa nợ cho chú Vinh, dù sao đó cũng đâu phải là số vàng mẹ đã thật tế bỏ ra cho chú ấy vay, mà đó là gồm cả số lãi mẹ tính với lãi suất cắt cổ người ta. Mẹ tỏ ra nhân đạo chút xíu để đức lại cho thằng Quang đi nha.
Bà Lệ trừng mắt nhìn Văn:
- Im đi. Văn! Mày lên mặt dạy khôn tao nhiều lắm rồi đấy, tao không muốn nghe nữa đâu. Với tao, chỉ có hai điều kiện: một là con Phương phải theo tao về Sài Gòn, hai là cha của nó phải trả toàn bộ số vàng, cả vốn lẫn lời trong hai mươi năm nay.
- Mẹ làm một việc thất nhân tâm như vậy, hậu quả sẽ khó lường đấy. Mỹ Phương đang có công ăn việc làm đàng hoàng, cô là một cô giáo. Nơi xứ rừng xa xôi này rất cần những người như Mỹ Phương, mẹ không có quyền ép buộc cô làm theo ý mẹ. Mẹ nghe con khuyên một câu đi, gia đình chúng ta giàu có thừa thãi, cần gì phải làm khổ cha con chú Vinh vì số tiền đó chứ?
- Mày nên nhớ kỹ, đây là tiền rút ra từ tài khoản của tao, không phải tiền do quyền quản lý của cha con mày, nghe rõ chưa? Hai mươi năm, với số vàng hai mươi lượng, sẽ tăng lên là bao nhiêu, luật vay trả, mày rõ chứ Văn?
Văn lắc đầu. Bà Lệ không phải là mẹ ruột của anh, cũng khó thuyết phục lắm. Nếu cha anh biết chuyện này, ông cũng không thể chi trả thay cho chú Vinh, bởi mẹ kế Văn quá cố chấp, còn số nợ chú Vinh mắc bà ta thì lại quá lớn.
Bà Lệ hất hàm:
- Sao, chú Vinh?
Ông im lặng, bà Lệ buộc ông vào con đường sống không được mà chết cũng không xong, bán trang trại, cha con ông trắng tay, chỉ mới có trả được có một phần tư số nợ thôi, nợ vẫn chất chồng nợ. Đã gọi là nợ thì phải trả, nếu bà Lệ đem khế ước vay nợ của ông ra pháp luật thì tình trạng càng tồi tệ hơn, ông phải gánh thêm một tội danh khác là lừa đảo tài sản công dân.
Mỹ Phương mím môi, cô nói:
- Cháu đồng ý điều kiện của bác, cháu sẽ theo bác về Sài Gòn. Nhưng nói trước là cháu chỉ đồng ý làm những việc lương thiện, việc nào bán rẻ lương tâm, cháu không làm.
Bà Lệ gật gù:
- Được. Rất có bản lĩnh. Cháu đúng là người tôi đang cần. Tôi hứa không sai khiến cháu làm điều gì sai trái đâu. Đừng sợ. Chỉ giúp tôi một việc nhỏ thôi.
Văn cau mặt:
- Có phải mẹ định dùng Mỹ Phương làm......
Văn nói chưa hết câu, bà Lệ đã đưa tay lên chặn lời anh:
- Ê! Đó không phải là việc của cậu nha, yêu cầu đừng xen vào. Kể từ giờ phút này, Mỹ Phương là người của tôi rồi đấy.
Mỹ Phương rưng rưng nước mắt:
- Bác cho cháu mấy ngày để làm thủ tục nghỉ việc và bàn giao công việc cho người khác. Cháu không thể bỏ ngang để đi được.
- Có trách nhiệm lắm. Tôi hứa sẽ không bạc đãi cháu đâu, đừng lo!
Ông Vinh bối rối:
- Mỹ Phương! Con đừng quyết định vội vàng như vậy. Hãy chờ cha suy nghĩ tìm một cách lưỡng toàn đi con. Cha không muốn con đi Sài Gòn đâu.
- Cha ơi! Nếu con không đi, cha phải bán trang trại. Trang trại là tâm huyết, là hoài bão cả đời của cha, cha không thể phá tan. Còn con, con chấp nhận công việc của bác Lệ. Bác chỉ cần con một thời gian thôi, sau đó thì cha sẽ trả cho bác ấy hết số nợ, và cha con ta lại cùng sống bên nhau trong trang trại thân yêu này mà cha.
Ông Vinh nhỏ nước mắt, ông khẽ giơ hai bàn tay lên rồi hạ xuống một cách bất lực. Mỹ Phương nói đúng. Con gái ông đã chọn giải pháp "êm đẹp" nhất. Đành vậy thôi. Hy vọng Văn sẽ để ý săn sóc chút ít cho Mỹ Phương. Với ông, Văn rất tốt, anh đã mấy lần hứa giúp ông rồi kia mà.
Mỹ Phương lau mắt cho cha, cô dịu dàng an ủi ông:
- Cha! Xin cha đừng có khóc. Con đi làm thay cha trả nợ cho người ta. Con lớn rồi, tự lo liệu được mà, và con biết đâu là đúng, đâu là sai. Cha ở nhà có anh Sam lo lắng. Con khôNg muốn nhìn thấy cha buồn đâu.
Ông Vinh ôm vai con gái. Gục đầu vào tóc con, ông nghẹn ngào kêu lên:
- Con ơi! Chính cha đã làm khổ con, con ngây thơ vô tội của cha.
- Đó đâu phải là lỗi của cha mà là vì tình thương cha dành cho mẹ. Con là con, con nghĩ mình phải có trách nhiệm cùng cha gánh vác. Con không còn là trẻ con đâu, cha ạ.
Ông Vinh nghẹn ngào im lặng. Bao nhiêu năm cha con xa nhau, mới được trùng phùng một khoảng thời gian ngắn ngủi. Bây giờ lại cha một nơi, con một nơi, con đem thân đi cho người ta sai khiến để trừ nợ, cha sống hiu hắt đêm ngày lo lắng, chẳng biết con mình có bị thiên hạ bạc đãi hay không.
- Cha à! Đừng khóc nữa. Con thấy có gì để khóc đâu. Dù cha mắc nợ bác Lệ, nhưng con đi làm cho bác ấy, bác ấy cũng phải đối xử với con đàng hoàng và có nguyên tắc. Cha không cần lo lắng gì cả.
Bà Lệ rời khỏi cửa, sau khi phán một câu:
- Ba ngày nữa, tôi trở lại rước cháu đi nhé Phương.
Văn im lặng. Anh biết không thể can thiệp được công việc của bà Lệ, tuy nhiên trong lòng anh đẩy lên một nghi vấn. Có phải bà Lệ đem Mỹ Phương về đấy là vì Quang không? Nếu thế thì anh phải đứng ra bảo vệ cô, nhất định Văn không để cho Quang hại đến Mỹ Phương. Liệu bà Lệ có làm gì được Quang khi trong tay bà có Mỹ Phương. Quả là một sự tính toán hết sức ích kỷ, phần thiệt thòi sẽ nghiêng về Mỹ Phương nếu Văn thật sự đoán đúng ý đồ của mẹ kế. Với bà Lệ, Văn đâu còn lạ gì nữa chứ?
Bin...... bin..... bin......
Tiếng còi xe bóp inh ỏi ngoài cổng khiến chị bếp quýnh quáng cả lên. Chị nói:
- Chết cha rồi! Cậu ba về, để tôi đi mở cửa. Cô Phương đảo giùm mấy cái đùi gà nha.
Phương gật đầu, ngừng tay lặt xà - lách, cô đến bên chảo gà rô - ti. Chị bếp lật đật chạy ra mở cổng cho xe "cậu Ba" vào sân. Phương nghĩ bụng: Chẳng hiểu "cậu Ba" ra thế nào mà khiến cho chị bếp sợ quýnh lên như vậy?
Phương về đây đã ba ngày, chỉ thấy trong nhà có ông Hưng, bà Lệ, Văn và chị bếp, chẳng thấy nhân vật nào có tên là "cậu Ba" cả. Vậy thì "cậu Ba" là ai? Là em trai bà Lệ chăng?
Phương đảo đùi gà, gắp mấy chiếc vàng ươm ra đặt trên dĩa, lấy lồng bàn úp lại. Chị bếp sắp trở vào, Phương chờ hỏi xem "cậu Ba" là ai thì nghe tiếng huýt sáo vang vang ngoài thềm, rồi một gã con trai cao lớn đi thẳng vào bếp. Thấy Mỹ Phương, hắn sựng lại một chút để nhìn, tia nhìn của hắn ánh lên vẻ bất ngờ, hắn nói:
- Cô là ai vậy?
Phương hất mặt:
- Ông là cậu Ba đấy hả?
- Sao lại gọi tôi là cậu Ba?
- Nếu không chịu nhận mình là cậu Ba thì tôi gọi ông bằng từ khác vậy?
Hắn thích thú cười vang:
- Được, gọi thử nhau nghe xem nào?
- Ông ngáo ộp!
Hắn chắc lưỡi như thằn lằn:
- Ai cha! Một cái tên hách xì xằng đấy. Cô là ai? Là cháu chị bếp dưới quê mới lên à? Trông cô, biết ngay không phải dân Sài Gòn rồi.
- Đúng, tôi là dân nhà quê đấy.
- Có bản lĩnh, có cá tính lắm! Ít con gái quê nào thích nhận mình là con gái quê. Mấy cô gái quê lên Sài Gòn, lập tức xoay một trăm tám chục độ ngay. Còn cô, áo bà ba, tóc kẹp, cô "định giả dạng thường dân" đấy chứ gì, cô bé?
- Ông nói vậy là có ý gì?
- Là nhìn cô bé chẳng quê chút nào.
Chắc lại là một mưu mô gì đó của mẫu hậu tôi nữa rồi đây?
- Nói chuyện khó hiểu quá.
- Cô nói đi. Cô là ai?
Chị bếp đi vào, nhìn Mỹ Phương rồi nhìn Quang. Trông chị có vẻ gì đó như lo lắng, ánh mắt chị trao cho Mỹ Phương có ý như ngầm bảo cô nên cảnh giác hắn. Nhưng Mỹ Phương đã nghênh mặt thách thức:
- Tôi là tôi. Được chưa?
- Ai chẳng biết cô là cô. Nhưng cô từ đâu đến? Tên gì? Ai mời cô đến đây? Đến để làm gì?
- Ông có quyền gì cật vấn tôi?
Hắn cười lớn:
- Quyền làm chủ nhà.
- Ông là chủ nhà, vậy mà người lạ đến ở trong nhà ba, bốn ngày ông không biết. Còn không xấu hổ!
- Cô bé to gan! Cô chỉ có trách nhiệm trả lời mấy câu tôi hỏi thôi. Nói!
- Không nói thì ông làm gì nào?
Hắn trợn mắt:
- Thì tôi sẽ........ ăn hết dĩa gà rô - ti kia, cho cô nhịn luôn.
- Làm như tôi tham ăn như ông vậy. Rõ đáng xấu hổ!
Hắn đến bàn, bốc một chiếc đùi gà rô - ti, nhai tỉnh bơ, sau đó, quẳng cái xương vào thùng rác, quay lưng:
- Cho cô bé nợ mấy câu trả lời đó nhé. Hôm nay cô gặp may đấy, vì "cậu Ba" đi xa về mệt, chứ nếu không thì phải "vừa khóc, vừa khai".
Nói xong, hắn bỏ đi. Chị bếp nhìn Mỹ Phương:
- Là cậu ba Quang đấy cô Phương. Cả nhà, ai cũng sợ cậu ấy cả, ai cũng chiều ý cậu ấy. Lúc nãy, thấy cô trả lời với cậu Quang, tôi sợ muốn chết.
- Hắn làm gì đến nỗi ai cũng sợ vậy?
- Cậu ta "quậy" lắm.
- Quậy như thế nào?
- Cô sống lâu lâu trong nhà này tự nhiên sẽ biết thôi.
- Điển hình như là chuyện gì? Hắn nhậu quậy hay hít heroin?
- Đâu có mấy vụ heroin. Hắn quậy dữ lắm, làm cho cả nhà tưng tửng theo hắn luôn đấy. Cô liệu hồn nha. Không biết vì lẽ gì hắn không mắng mỏ cô, có lẽ hắn thấy cô đẹp, nhưng nếu hắn cho rằng cô đẹp, cô càng nguy hơn.
- Tôi không sợ đâu. Tôi là tôi, hắn là hắn, hắn dám làm gì tôi chứ?
- Hắn nguy hiểm lắm, cô đừng nói liều nha, cần phải "đề cao cảnh giác" hắn. Hắn muốn gì, bà chủ chiều nấy vì hắn là con cưng của bà chủ. Không phải như cậu Văn, vì cậu Văn là con bà vợ trước. Cậu Văn lại hay cãi ý bà chủ, nhưng bà chủ không dám nói là vì cậu Văn rất giỏi, cậu Văn thay cha quản xuyết tất cả việc điều hành công ty của gia đình này. Còn cậu ba Quang thì ôi thôi! Họ hành cho đã rồi ở không, ăn chơi, một tay phá của đấy, vậy mà bà mẹ vẫng cưng chiều. Năm trước, bà thuê một cô gái về đây phục vụ mỗi mình cậu Quang. Chịu không nỗi, cô ta phải bỏ đi.........
Mỹ Phương nghe có một luồng gai óc chạy dọc theo sống lưng, lo lắng hỏi:
- "Phục vụ" là sao?
- Là cô chăm sóc mỗi mình cậu Quang, dọn phòng, chăm sóc khi say rượu, có khi hắn say cả đêm........
- Cô ta phải chăm sóc cả đêm sao?
- Tất nhiên rồi, và Quang đã làm gì đó...... ai mà biết được chứ?
Mỹ Phương mím môi, cô trợn mắt la lên:
- Không đời nào tôi chịu làm chuyện đó đâu. Bà ấy không có quyền ép buộc tôi phải chăm sóc hắn cả đêm khi hắn say rượu. Đàn ông say là một nỗi kinh hoàng đối với tôi.
Chị bếp hoảng quá, đưa tay kéo tay Mỹ Phương:
- Cô làm ơn nói nhỏ nhỏ một chút cho tôi nhờ. Cô phản ứng như vậy, bà chủ biết tôi mách lẻo, bà ấy đuổi tôi, tôi lấy gì sống đây?
Mỹ Phương thấy tội nghiệp chị bếp, cô hậm hực:
- Tôi sẽ dạy cho hắn biết "thế nào là lễ độ". Hắn không gặp may rồi.
Chị bếp thụt vai, thè lưỡi:
- Ai cha! Phải chi tôi đừng có tật mách lẻo thì hay bết mấy. Lỡ nói với cô rồi, tôi cảm thấy hối hận quá.
- Tôi không làm liên lụy chị đâu, đừng lo.
- Nhớ đừng khai tôi ra nha. Nhưng nếu cô không chiều chuộng cậu Quang, cô sẽ bị bà chủ đuổi việc đấy.
- Đuổi càng tốt.
- Chưa nghe người nào làm việc mà mong chủ đuổi như cô cả. Bộ........ nhà cô túng lắm sao? Xem cô, không ai nói cô thuộc hạng làm thuê như tôi. Tướng cô sang, mặt mũi cô xinh xắn sáng sủa, chắc là cô phải có học thức.
- Tôi cũng có học đôi chút.
- Đôi chút là lớp mấy?
- Lớp mười hai thôi.
- Vậy là có học thức rồi. Cô nên vào mấy công ty xin làm kế toán là hơn. Vào đây mang tiếng con sen, chị bếp chỉ dành cho bọn lao động nghèo thất học như tôi thôi. Cô đi bây giờ còn kịp mà?
Mỹ Phương lắc đầu:
- Tôi không muốn đi.
- Trời đất! Cô chịu phục vụ cậu ba Quang sao hả? Hay cô thấy cậu ta đẹp trai rồi đâm ra "mết" cậu ta rồi? Đẹp trai nhưng rất nguy hiểm, ăn chơi khét tiếng, đào hoa lừng lẫy đó, cô ơi.
Mỹ Phương cắn môi. Đúng là Quang đẹp trai thật, hắn cao ráo, đô con, dáng hắn như tài tử đóng phim. Nếu chị bếp không kịp thời cảnh giác, có lẽ Phương đã dại dột...... mơ đến đôi mắt đa cảm và cặp môi dày dễ yêu, cùng sóng mũi cao thanh của hắn rồi đấy. Ôi! Một kẻ đẹp trai đáng ghét. Mặc kệ cái dáng vẻ thu hút đến chết người của hắn đi. Phương nhủ lòng: Lúc nào cũng phải luôn ghi nhớ lời cảnh giác của chị bếp: "Hắn là một gã đàn ông nguy hiểm".
Đang lúc Mỹ Phương suy nghĩ vẩn vơ về Quang thì bà Lệ xuất hiện ngay cửa nhà bếp. Bà nói:
- Quang đã về. Cháu bắt đầu công việc nhé?
Mỹ Phương giật bắn người, nhưng kịp trấn tĩnh mình. Cô không có quyền từ chối chuyện gì cả, bởi cô đã hứa với bà ta rồi mà.
- Thưa cháu phải làm gì đây?
- Đơn giản thôi. Cháu làm ơn sửa soạn nệm giường cho Quang, giúp giùm nó mấy việc nó yêu cầu. Chỉ làm việc nào có liên quan đến Quang thôi, ngoài ra cháu được tự do.
Đúng như lời chị bếp nói. Trời ạ! Có ngày tên quái ấy say xỉn rồi bắt cô săn sóc....... sáng đêm như lời chị bếp nói thì cô phải làm gì để tự bảo vệ lấy mình đây?
- Thưa bác, phòng của cậu Quang ở đâu ạ?
Bà Lệ cười, nụ cười nham hiểm hết sức.
- Trên lầu. Cháu lên khỏi cầu thang, quẹo trái, bỏ ba phòng là đến phòng riêng của Quang.
- Còn những phòng kia thì sao?
- Tôi đã nói với cháu rồi mà. Không liên quan tới Quang thì cháu không cần chú ý đến.
Mỹ Phương cắn môi:
- Vâng, cháu đi ngay đây ạ.
- Xem nó cần gì nhé? Quang mới đi xa về, có lẽ nó hơi mệt......
- Vâng.
Mỹ Phương rời nhà bếp, cô đi lên cầu thang. Ngôi biệt thự rất rộng, qua cầu thang là một dãy phòng với hành lang dài hun hút, chẳng hiểu họ cất nhà như thế để làm gì? Những kẻ nhiều tiền lắm bạc đúng thật là khó hiểu!
Mỹ Phương đứng lại, hít sâu một hơi không khí cho lồng ngực căng ra để lấy can đảm. Cố lên Mỹ Phương, đừng colám thỏi sắt nóng chảy trong lửa, mà hãy thành thép rắn. Thép rắn, nhớ chưa Phương?
Thu hết can đả, Mỹ Phương gõ cửa đúng căn phòng bà Lệ đã chỉ. Bên trong, tiếng Quang vọng ra:
- Vào đi.
- Ông đang làm gì trong đó vậy?
Tiếng hắn tinh quái:
- Tôi mặc quần áo đàng hoàng.
- Ông đừng có đùa với tôi nha. Tôi khôNg phải là thứ dễ đùa đâu đấy.
Mỹ Phương la lên, hắn cười vang một cách thích thú:
- Sao nổi nóng vô cớ vậy, cô bé?
- Ai là cô bé chứ? Phải gọi cho đàng hoàng một chút.
- Bắt lỗi như một bà cụ non. Được để tôi gọi cô là bà ngoại vậy.
- Ê!.......
Hắn bật chốt cửa, đứng sừng sững ngang lối ra vào nhìn Mỹ Phương. Cái nhà của hắn thu hút đến chết người. Mỹ Phương tránh tia nhìn của hắn:
- Ông tránh đường cho tôi vào dọn giường, nệm. Sau đó hãy bảo cho tôi biết là ông cần gì đấy nhá?
Quang quay mặt vào trong, nói:
- Dọn giường, nệm là sao?
- Là quyét, giũ, làm cho sạch. Biếc chưa?
- Chúng đâu có dơ bẩn gì mà phải "quét, giũ, làm cho sạch"?
- Ông muốn gì đây?
- Cô bé lạ chưa, tự dưng lên kiếm người ta để gây sự. Xa nhà, nhớ vú mẹ, ghiền quá chịu không nổi, kiếm người gây sự cho đỡ ghiền đấy hả?
- Ê! Ông đừng có nói bậy nha.
- Nhìn mặt cô bé, còn thấy rõ mấy chữ "vinamilk" trên trán, búng hai má văng ra hai bình sữa đầy.
Mỹ Phương tức, đổ quạu:
- Có tránh ra không thì bảo?
Quang khoanh tay, nhướng nhướng mắt nhìn Phương đầy vẻ thích thú:
- Cô bé có quyền gì đòi "xâm nhập gia cư bất hợp pháp" thế? Tôi không quen cho con gái vào phòng riêng của mình.
- Tôi không phải là loại con gái đòi vào phòng riêng của ông. Tôi là người làm công, mẹ của ông phân công tôi lên đây dọn phòng cho ông. Thậm chí nếu ông cần bữa ăn tối tại đây, tôi sẽ sẵn sàng phục vụ ông thôi. Tôi thích công việc được trôi chảy, chỉ có vậy.
Hắn nheo mắt, trêu già:
- Nếu chỉ có vậy, tôi cần gì cô. Tôi chỉ cần mua mấy con robot phục vụ là được rồi. Cô nói chuyện thiếu tình cảm quá đi, cô bé ơi.
- Ê! Ông đang ám chỉ điều gì đấy hả? Quang lắc đầu cười. Đúng là một cô gái ngộ nghĩnh, rất hung dữ, lần đầu tiên, Quang gặp được một cô gái có tính cách như vậy. Thú thật, con gái đối với Quang như những món đồ hắn có trong túi vậy. Chưa cô nào tỏ ra cứng đầu với hắn cả, một là vì Quang đẹp trai, con nhà giàu, xài tiền như công tử Bạc Liêu, hai là vì Quang đào hoa. Người ta bảo số đào hoa rất khổ, Quang chẳng thấy gì cả, chỉ thấy hoàn toàn vui vẻ vì con gái quanh hắn thôi.
- Làm gì ông cười? Có gì đáng cƯời chứ?
Quang cố nín cười, nói:
- Cho tôi nói lời tạm biệt, được không? Cô bé à! Hôm nay tôi muốn được nghỉ ngơi, hiện tai tôi không cần gì cả, cô bé chịu khó chờ ngày mai đi nha. Đừng có trợn mắt nhìn tôi như vậy chứ? Chẳng lẽ điều tôi vừa nói làm cho cô bé ngạc nhiên lắm sao? À! Mấy tuổi, tên gì, còn đi học hay nghỉ rồi, kiếm tiền đóng học phí phải không? Ngày mai tiếp tục làm quen nha. Bye.
Quang nói xong, đóng nhẹ cửa cho khỏi gây tiếng động. Hình như hắn ta mệt mỏi lắm, và cũng hình như hắn ta không muốn làm mất lòng Mỹ Phương.
Mỹ Phương đứng ngấn ngư một lúc trước cánh cửa đóng kín kia rồi quay xuống nhà.
Hắn thật sự cũng không đến nỗi nguy hiểm như lời chị bếp nói. Nhưng Mỹ Phương đâm ra nghi ngờ hắn giả vờ, nghĩa là cọp giả nai đó thôi. Hắn làm bộ chẳng chú ý gì đến cô, biết đâu hắn đang tính toán một kế hoạch để vờn cô như mèo vờn chuột. THế nào hắn cũng làm bộ say rượu để bắt cô chăm sóc hắn suốt đêm. Eo ơi! Nếu hắn làm như vậy, cô biết sao để thoát khỏi hắn đây? chẳng lẽ cô đem chuyện nghi ngờ bậy bạ này nói cho Văn nghe. Nói điều đó, kẻ phải xấu hổ trước chính là cô. Bởi Quang chưa làm gì hại đến cô, cô đã nghĩ ra một chuyện để nghi ngờ hắn. Làm sao Văn biết được chị bếp đã hù dọa Mỹ Phương chuyện gì. Mỹ Phương đã trót hứa với chị bếp là không liên lụy đến chị ấy rồi, giờ nói ra, Mỹ Phương đâu phải là quân tử.
Bà Lệ còn ở đó, thấy Mỹ Phương ba hỏi:
- Cháu làm xong công việc rồi chứ? Quang có cần gì không?
Mỹ Phương lắc đầu:
- "Cậu ba" bảo mệt cần nghỉ ngơi, đã đóng cửa ngủ rồi, thưa bác.
- Gọi anh Quang được rồi, gọi "cậu Ba" nghe kỳ lắm. Thôi, tùy ý nó. Cháu lo phụ dọn cơm ăn đi nha, Quang nó không gọi thì cháu cứ nghỉ ngơi.
- Vâng.
Bà Lệ nói xong, bỏ lên nhà. Nói như vậy có nghĩa là hắn có quyền gọi cô bất cứ lúc nào sao? Ai cha! Mỹ Phương có cảm tưởng mình là miếng mỡ treo trước miệng mèo vậy. Đúng là cô đang làm một chuyện khá mạo hiểm, cô có khả năng chống nổi hắn không? Lo lắng, cô ngồi chống tay nhìn dĩa đùi gà vàng ngậy, chợt liên tưởng đến hắn. Biết đâu hắn sẽ...... thanh toán mỏng cô như cái đùi gà lúc nãy. Ôi! Phải chi chị bếp đừng tiết lộ về hắn với cô, có lẽ đêm nay cô đỡ phải phập phồng lo sợ hơn.
Mỹ Phương ơi!
Tiếng Văn gọi. Anh khệ nệ ôm mấy túi xốp, vừa đi vừa gọi tên "Mỹ Phương". Đang giúp chị bếp nhặt rau, nghe tiếng Văn gọi, Mỹ Phương mừng rỡ "dạ" lớn. Chẳng hiểu từ bao giờ, Văn đã là chỗ dựa của cô. Trong nhà này, cô chỉ tin tưởng có mỗi mình Văn, lúc nào Văn cũng có mặt ở nhà là xem như cô an tâm lúc đó. Văn ra khỏi nhà, cô cảm thấy trống vắng ngay.
Mỹ Phương chạy đến bên Văn:
- Anh Văn mua gì nhiều vậy? Đưa Phương xách phụ cho?
Văn trao cho Phương xách bớt một túi. Chiếc túi căng phồng, khá nhiều đồ đạc trong đó, Phương lén nhìn vào. Ôi chao! Toàn là đồ dùng của con gái. Văn mua cho ai vậy kìa, Văn đâu có em gái?
Văn cười tươi:
- Anh mua cho Phương, đem lên phòng cất đi mà xài, trong đó có đủ mọi thứ.
Phương đỏ mặt. Mọi thứ, có cả "đồ phụ tùng" của phái nữ, khăn mặt, khăn tắm, kem răng, sữa tắm, dầu gội, hình như có cả son phấn nữa. Văn lo lắng cho Mỹ Phương một cách bất ngờ khiến Mỹ Phương đâm lúng túng, không biết phải cảm ơn sao cho phải.
Hình như Văn đọc được ý nghĩ đang diễn ra trong đầu Mỹ Phương, anh nói:
- Anh chẳng biết "cô ấy" đã mua cho Phương thứ gì, nhưng anh tin chắc rằng cổ mua đủ cả nhu cầu của Phương. Là con gái mới có thể hiểu được con gái cần những thứ gì, anh thì mù tịt, anh chỉ đi theo để chi trả thôi.
Mỹ Phương vỡ lẽ. Văn đã nhờ cô gái nào đó mua hộ những món đồ dùng con gái đem về cho Phương, đâu phải anh chọn mua. Điều đó anh đã nói rõ với cô rồi, cô cần gì phải xấu hổ với Văn chứ?
Mỹ Phương nói:
- Phương cảm ơn anh Văn, cho Phương gởi lời cám ơn chị gì đã mua đồ dùng cho Phương. Chắc là bạn thân của anh Văn?
Văn cười, mặt đỏ lên vì xúc động:
- Ừ, cô ấy là người làm việc của công ty anh, cô rất sành chuyện phái nữ. Anh nghĩ có lẽ Phương sẽ vừa ý mấy món mà cổ đã chọn mua đấy:
- Dạ, Phương thích lắm, món nào cũng có giá trị cả. Phương báo hại anh Văn tốn nhiều tiền, hay là để Phương gởi tiền lại cho anh Văn nha?
- Điên quá! Anh mua tặng Phương, sao lại nói chuyện tiền bạc ở đây chứ?
- Vì Phương chẳng có lý do gì bắt anh Văn phải tốn hao với Phương như vậy cả.
- Anh thích mua tặng Phương, vậy thôi mà.
- Vậy thì Phương xin thành thật cám ơn anh.
- Đừng khách sáo chứ Phương!
- Anh Văn khiến Phương áy náy lắm.
- Còn nói nữa là anh giận cho xem. Anh không có xem Phương là người làm đâu. Anh xem Phương như lúc Phương còn trên rẫy vậy, nghĩa là lúc nào mình cũng nên bình đẳng với nhau. Lúc còn trên rừng, anh đã nhờ Phương chăm sóc rất nhiều, bây giờ anh lo cho Phương chút ít. Phương đừng ngại ngùng gì cả. Nếu Phương sống ở đây có điều gì không ổn, Phương cứ nói với anh, anh sẵn sàng đứng về phía Phương.
Tiếng Văn ấm và dịu dàng khiến Mỹ Phương cảm động nhiều, suýt chút nữa cô đã đem chuyện Quang ra phàn nàn với Văn, kịp nghĩ lại nên Phương im lặng. Dù sao Quang cũng là em của Văn, nói như vậy chắng khác nào nghĩ xấu cho Quang. Đó là điều không nên nói.
Văn nói tiếp:
- Anh sẵn sàng bênh vực Phương.
- Có ai hiếp đáp Phương đâu mà anh lo.
- Có gì cũng đừng giấu anh nghe Phương? Nếu có chuyện gì khiến Phương băn khoăn lo nghĩ, cứ nói cho anh biết. Hiểu chưa?
Phương nhìn Văn. Bắt gặp ánh mắt ấm áp của anh, cô gật đầu ngoan ngoãn:
- Dạ.
- Vậy thì tốt rồi.
- Ở nhà này, Phương có cảm thấy lo lắng điều gì không?
Phương lắc đầu:
- Dạ không.
- Đừng có giấu anh nha?
- Dạ, thật mà.
- Anh biết Phương nói dối anh. Mẹ kế anh là một người rất nham hiểm, bà ấy có giọng lưỡi ngọt như....... dao lam vậy, Phương phải cẩn thận đấy.
Mỹ Phương rụt vai:
- Anh Văn hù Phương hoài. Phương là một kẻ làm công trừ nợ, bác sai đâu thì Phương làm đó, có gì mà lo.
Văn chép miệng:
- Tội nghiệp cô em vô tư của tôi. Thôi được rồi. Cách sống ở đời là phải "tuỳ cơ ứng biến", em biết không? Anh chỉ khuyên em một câu là nên cẩn thận giữ mình, không phải lúc nào anh cũng ở cạnh em đâu đấy.
Phương ngước nhìn anh. Vẻ hiền và chân tình của Văn khiến trái tim cô xôn xao. Anh quan tâm lo lắng, chăm chút Phương từng ly từng tý, vậy thì trong lòng anh dành cho Phương tình cảm như thế nào? Trái tim Phương chợt nghiêng nghiêng về phía Văn. Có Văn bên đời, Phương nghe ấm áp lạ.
- Nhìn anh gì thế, hử?
Văn hỏi, nụ cười anh làm trái tim Phương chao nghiêng. Phương đỏ mặt:
- Dạ, đâu có gì.
- Anh ngỡ mặt anh bị dính lọ nghẹ.
- Sao không sợ dính một nốt son môi của cô nào, mà sợ dính lọ nghẹ?
- Làm gì có diễm phúc đó đến với anh. Chẳng cô nào thèm nhìn tới anh, lấy son đâu mà sợ dính lên mặt, Phương?
- Anh làm bộ hoài.
Văn nheo mắt:
- Nói thật lòng đấy.
- Phương không tin đâu.
- Không tin, Phương làm gì anh nào?
- Không làm gì cả, chỉ nghĩ được thôi. Phương sẽ nghĩ anh là một anh chàng ba xạo.
- Sạo lại xạo?
- Anh như vậy mà chưa có cai, làm sao Phương tin được? Anh hội đủ tất cả điều kiện........
Văn cười vang:
- Lầm to rồi Phương ơi. Đâu phải "đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi" là có con gái yêu đâu. Anh thấy mình đôi lúc vô duyên lắm, anh không biết cách nói cho người ta thương.
Mỹ Phương cắn nhẹ môi. Văn nói chuyện bằng ẩn ý. Chẳng hiểu Văn có nghĩ gì đến Phương không mà sao anh lại ngọt ngào với Phương như vậy. Anh khiến cho trái tim Phương xôn xao một nỗi dịu êm đầy ân tình, đầy cảm mến. Ôi! Phương không dám nghĩ tiếp nữa, biết người ta có nghĩ gì đến Phương không mà mơ chứ. Với Phương, Văn như là một điều gì đó xa vời tầm tay Phương lắm.
Văn nhìn Phương, lòng anh cảm thấy tội nghiệp Phương. Hoàn cảnh kỳ lạ đã đưa đẩy cho anh quen Phương, mà cũng chính điều đó đã khiến Phương mang họa. Nếu Văn không gặp Phương, bà Lệ làm sao phát hiện ra ông Vinh, làm gì Phương phải vào làm công cho nhà anh, hay nói đúng ra là làm công cho bà Lệ, để trả thay cha món nợ ông đã vay của bà Lệ hai mươi năm về trước. Văn cảm thấy tội nghiệp cho Phương, vì nếu không có Văn, Phương đã sống yên ổn bên cha, bên người láng giềng chân chất tốt bụng như Sam rồi. Anh chính là nguyên nhân. Nhìn Phương, Văn cảm thấy mình có lỗi với Phương rất nhiều. Hạng của Phương đâu phải là hạng người làm công cho bà Lệ. Phương xinh đẹp, có ăn học, Phương có tính cách, nhìn Phương, chỉ thấy toát lên vẻ tiểu thư thôi. Phương làm việc ở nhà này, lại làm theo ý muốn bà Lệ là người phục vụ riêng cho Quang. Một người ăn chơi, lêu lổng suốt tháng suốt năm, chẳng có thú vui nào hắn từ bỏ, làm sao Quang không nhận ra nét đẹp của Mỹ Phương. Nếu Quang nhận ra một cô gái xinh đẹp đang dưới tay hắn, chắc chắn hắn sẽ làm hại Mỹ Phương. Quang không phải là kẻ hư đốn, nhưng hắn sống hiện đại, thích gì làm nấy, thích gì cứ chiếm giữ nấy. Chuyện bồ bịch trai gái, đối với Quang chỉ là chuyện vui chơi hàng ngày, và chuyện chiếm lấy một đứa con gái, với hắn, chỉ là chuyện nhỏ.
Nhất định Văn phải gặp bà Lệ, đấu tranh về việc của Mỹ Phương. Ý Văn là nói sao cho mẹ kế không giữ Mỹ Phương nữa, mà là để cho ông Vinh được trả nợ dần dần và chỉ trả bằng với số tiền vốn ông Vinh đã mượn bà Lệ thôi. Nếu bà Lệ tính lãi xuất trên thời gian hai mươi năm, chẳng lẽ bà bắt Mỹ Phương phải làm không công trừ nợ suốt đời cô sao. Như vậy là bất công và sai với pháp luật.
Văn nói:
- Anh sẽ can thiệp can thiệp cho em về nhà, Phương ạ.
- Còn số nợ cha em mắc bà Lệ thì sao?
- Sẽ trả dần.
- Nếu bà ấy không chịu?
- Anh sẽ nói với ba của anh.
- Nhưng bà đã bảo số nợ không nằm trong quyển giải quyết của ông, và anh Văn, đó là chuyện riêng của bà.
- Anh vẫn cứ can thiệp vào, em nghĩ sao?
- Em cũng muốn về nhà, nhưng em lại không muốn cha em bị phát mãi tài sản. Nếu cha em mất đi trang trại đó, cha em buồn rầu mà chết mất thôi. Anh Văn làm sao can thiệp được chuyện bà ấy đưa cha em ra tòa, bởi rõ ràng cha em có văn bản vay nợ của bà ấy.
- Hai mươinăm, không còn thời hạn xử nữa, phải giảm án chứ.
- Nhưng cha em trốn nợ và phạm tội lừa đảo bà ta.
Văn chắc lưỡi. Anh phải làm cách nào để bà Lệ không giữ Phương đây?
- Phương có thể khiếu nại chuyện này ra pháp luật.
Mỹ Phương lắc đầu. Cha cô đã vay tiền bà Lệ để chữa bệnh cho mẹ cô. Lúc bấy bà Lệ rất tốt với cha cô, bà đã cho cha cô mượn một số vàng rất lớn, vậy mà cha cô đã trốn đi để khỏi phải trả món nợ đó. Cha cô nhất thời thất tin, cô đâu thể tiếp tục quay lưng với trách nhiệm được. Lương tâm không cho phép cô đem oán báo ân, dù sao bà Lệ cũng đã từng là ấn nhân của gia đình cô:
- Không. Em không muốn đi. Em muốn mọi chuyện phải sòng phẳng, em muốn ở lại làm việc để trả ơn bà ấy. Có như vậy, em mới cảm thấy lòng mình thanh thản được, anh Văn à.
- Vậy thì tùy em, nhưng anh sẽ đòi sự công bình cho em. Bà ấy không được đòi hỏi nơi em điều gì thái quá đâu Phương.
- Em nghĩ là sẽ không có điều gì quá đáng đâu, anh Văn. Bác Lệ cũng tỏ ra tốt với em lắm.
Văn cau trán:
- Tốt thế nào?
- Bác Lệ có mua sắm cho em nhiều quần áo đẹp, cả những món đồ trang sức, nhưng em bảo rằng không cần đến chúng. Em chưa đụng đến món gì bác ấy mua cho cả, vì em muốn bác ấy đừng có mua sắm gì nữa.
Văn cau mày. Dần dần anh đã rõ ý đồ của mẹ kế. Đem Phương về nhà này, không đơn giản là làm việc để trừ nợ mà chính là vì Quang. Bà muốn dùng Phương để thuyết phục Quang, nhưng đời nào bà xem Phương ngang hàng với Quang, thiệt thòi cho Phương là ở chỗ đó. Văn làm sao làm ngơ nhìn một cô gái ngây thơ vô tội như Phương trở thành vật hy sinh trong tay người ta. Nhất định Văn phải can thiệp vào chuyện này, dù bây giờ Phương đã tình nguyện ở lại.
Thằng Quang đâu rồi?
Tiếng ông Hưng vang vang, pha chút giận dữ. Mỗi khi hỏi đến Quang, ông đều bị ức chế tâm lý, chắc chắn là Quang đã tếch đi chơi ở một nơi nào đó rồi.
Văn ngẩng lên nhìn cha, anh cho máy dừng để trả lời ông:
- Quang nó vừa ra khỏi văn phòng khoảng năm phút. Ba tìm nó có chuyện gì không?
- Thằng ôn dịch! Lại đi chơi bời lêu lổng nữa rồi. Lục ngăn tủ nó, lấy bản hợp đồng hôm qua xem nó làm xong chưa. Đúng là một con ngựa chứng!
- Vì mẹ quá nông chiều nó, ba ạ.
- Thứ đàn bà không biết dạy con, mệt óc quá.
Giọng ông Hưng dấm dẳng nghe đến nhức xương. Rõ ràng Quang chỉ thích ăn chơi, công việc ở công ty này, đối với hắn là một món nợ đời hắn phải trả. Quang rất thông minh, nhanh nhạy, nếu hắn chịu khó một chút, có lẽ ông Hưng với Văn đỡ được rất nhiều. Nhưng Quang đâu có chịu ngồi một chỗ, hở ra được là hắn tếch đi chơi rồi, có khi hắn đi cả tuần lễ, nếu ông bố rầy rà, lập tức bà mẹ bênh vực ngay. Bà Lệ sẽ viện đủ lý do, nào là ông Hưng thương đứa này bỏ đứa kia. Vì hắn là con riêng của ông, cho nên ông phải buộc lòng nhịn thua vợ. Quang được thời, cứ tự do đi chơi thỏa thích. Có một lần, ông Hưng quá giận, mắng bà Lệ một trận. Thấy ông giận dữ quá, bà đâm hoảng, hứa sẽ dần dần khuyên Quang sửa đổi. Nhưng cách khuyên bảo của bà chỉ là tìm cách dụ dỗ hắn, nuông chiều hắn thêm thôi. Khi bà Lệ gặp được Mỹ Phương, bà chợt nảy sinh ra ý định dùng Mỹ Phương để làm mồi nhữ Quang. Chỉ cần Quang chịu ở nhà nghiêm chỉnh vào ban đêm, làm việc ở công ty đàng hoàng vào bàn ngày thì ông Hưng không lấy cớ để phàn nàn Quang với bà nữa. Còn chuyện hắn làm việc hay đi chơi, đâu có thành vấn đề đối với bà. Bà đâu cần Quang kiếm ra tiền. Gia sản của cha hắn, nếu chia đối với Văn, vẫn đủ cho hắn ăn chơi cả đời mà!
Ông Hưng chắc lưỡi:
- Ba không biết nói sao về thằng hoang đàng chi địa đó nữa rồi. Văn ơi. Nghĩ đến nó, ba mệt óc quá, công việc ở công ty cũng đâu khiến ba khổ tâm đến như vậy chứ?
Văn đứng lên, cầm tay cha:
- Thôi, ba đừng nghĩ đến Quang nữa, mặc xác nó đi, xem nó ăn chơi đến chừng nào cho biết.
Ông Hưng giật bàn tay ra khỏi tay Văn:
- Không được. Nó đâu phải là kẻ qua đường, nó là con của ba. Ba thương con, kỳ vọng ở con như thế nào, ba cũng đối với nó như thế ấy. Quang đâu phải là một đứa dở tệ. Nó thông minh, nhanh nhạy, nếu nó biết chí thú làm ăn, ba tin chắc thằng Quang sẽ làm nên chuyện đấy. Quang rất có khả năng, con có công nhận điều đó không, Văn?
- Tất nhiên. Nhưng giỏi cỡ nào mà không biết vận dụng khả năng của mình, con nghĩ thằng Quang cũng không làm nên chuyện gì đâu ba.
- Tại sao Quang không chịu làm việc?
- Vì nó ham chơi và vô lo.
- Tại sao con không khuyên bảo nó?
- Vô dụng thôi, ba à. Quang không thích ai khuyên răn cả, đúng hơn là nó rất ghét ai đem đạo lý ra nói với nó, Quang chỉ thích những gì thực dụng. Con đành chịu thua nó thôi.
- Con ích kỷ quá, chỉ lo chuyện của mình. Dù sao con cũng phải có chút ý kiến với Quang chớ?
Văn giận dỗi:
- Thằng Quang thích chơi bời lêu lổng, chẳng lẽ do lỗi của con sao hả ba? Mẹ kế có tin tưởng con đâu. Lúc nào ba nói tốt về con, cũng bị mẹ kế giận hờn so đo. Có phải ba khó xử không chớ?
- Tất nhiên là ba không dối gạt con, bằng cách bảo là ba không phân vân vì chuyện đó. Nhưng chẳng lẽ con lấy chuyện hẹp hòi của đàn bà để chọn ra một cách đối xử xứng đáng với thằng Quang sao hả? Như vậy đâu phải là quân tử.
- Muốn quân tử, cũng không quân tử được. Nếu không vì ba, có lẽ con ở lại công ty luôn, không về nhà. Con như cái gai mà người ta cần phải nhổ vậy. Nếu không có con, chắc là thằng Quang sẽ tốt đấy.
- Con đưl`ng có trẻ con như vậy chứ Văn. Chẳng lẽ con không xem thằng Quang là em ruột của con sao? Con với nó chỉ có một dòng máu chảy trong cơ thể mà.
- Con muốn, nhưng mẹ kế và Quang không muốn. Hỏi ba, thiện chí một phía, làm sao hòa đàm được?
- Thôi, cho ba xin đi. Con đã đi quá xa vấn đề rồi, đừng có tự hành hạ mình như vậy nữa. Mẹ kế của con chỉ cưng chiều thằng ôn dịch đó thôi, bà ấy chẳng hề phân biệt gì con đâu. Dù sao bà ấy cũng nuôi nấng chăm sóc con từ lúc con còn trong nôi đến nay mà. Ba nghĩ mẹ của con ở suối vàng cũng vui lòng vì những chuyện mẹ kế làm cho con từ bé đến giờ đấy, Văn ạ.
- Con xin lỗi ba. Con là một người đàn ông thiếu lòng quảng đại. Đúng ra, con phải học câu: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" mới đúng.
- Ba xin con đừng có nghĩ xấu cho mẹ Lệ của con nha. Bà ấy không có ác ý gì với con đâu, bà ấy tốt với con lắm. Ba rất mừng vì hai người vẫn gọi nhau bằng hai tiếng mẹ, con.
- Đó chỉ là một cách xưng hô thôi ba à, chẳng có gì khả quan đâu.
- Có lẽ ba không nên đem vấn đề nay ra bàn cãi với con nữa. Ba chỉ còn một cách là chia cổ phần công ty thôi. Nhưng trước khi chia cổ phần, ba phải làm sao thu phục được thằng Quang, ba mới nghe.
Ông Hưng lấy bản hợp đồng rồi ra khỏi phòng làm việc của Văn. Ông không thể làm gì được cả. Chuyện Văn, chuyện bà Lệ, chuyện Quang là ba chuyện khác nhau, đều hành hạ tâm trí ông nhức nhối cả. Không có cách làm cho họ đồng đạo với nhau, đạo bất đồng, không nên bàn cãi nữa.
Mục đích của ông Hưng bây giờ là phải làm cách nào kéo Quang trở lại vị trí của hắn. Mai này Văn với Quang mỗi người phải có một cơ ngơi riêng biệt. Công ty của ông phải chia cổ phần để Văn làm chủ phần Văn, Quang làm chủ phần Quang. Văn thì ông yên tâm rồi. Văn tuy tính hơi ích kỷ, nhưng Văn biết chú tâm làm ăn. Văn biết cách khuếch trương sổ tài sản mà hắn có trong tay. Chỉ lo cho Quang, Quang chơi ngông như một con ngựa hoang, hắn chẳng thích bị ràng buộc vào một trách nhiệm nào cả. Nếu giao tài sản cho hắn, chẳng khác nào giao trứng cho ác.
Tiếng máy xe rền inh ỏi lẫn tiếng còi vang lên ngoài cổng, nhưng chị bếp có vẻ bình thản lạ. Chị đủng đỉnh đi lấy xâu chìa khóa rồi cũng đi từ tốn ra mở cổng. Quang đã về, kéo theo nguyên đám bạn, trai có, gái có, nhí nhố cả lên.
Mỹ Phương ngồi quậy bột, chuẩn bị cho món cua lột nhúng bột chiên. Ở đây, Mỹ Phương chỉ bị sai làm mấy chuyện lặt vặt, những chuyện rất nhẹ nhàng và rất nhỏ. Nhà có hai người giúp việc rồi, chị bếp thì lo chợ búa bếp núc, chị Hoa thì lo giặt giũ, lau nhà, quét dọn, tưới kiểng, nuôi chó v.v.......... Mỹ Phương chẳng hiểu bà Lệ bắt cô về đây để làm gì nữa. Xét ra, cô chẳng lợi ích gì bao nhiêu, so với lúc chưa có cô, có lẽ còn hại hơn. Thật là nuôi báo thôi.
Mỹ Phương cứ suy nghĩ mãi. Chẳng hiểu bà Lệ định làm gì cô? Hay là.... hay là..... bà ta định bán cô cho một người nước ngoài nào đó để thu lại cho đủ món nợ mà cha cô đã vay hai mươi năm về trước? Trời ơi! Nghĩ đến đây, Mỹ Phương thoắt rùng mình. Nếu không phải là như vậy, tội gì bà ta phải nuôi báo cô mà không bắt cô làm gì chứ?
Quang và đám bạn của hắn đã ào vào sân. Họ ăn mặc sang và "mốt", một băng cậu ấm cô chiêu ăn không ngồi rồi đây.
Quang nói:
- Này cô nhóc! Pha nước cho anh đi.
Quang xưng anh ngọt xớt. Chắc hắn nghĩ khi dùng tiếng "anh" với Mỹ Phương, sẽ dễ "khiến" cô hơn. Làm gì Quang không biết cái gai góc của MỸ Phương, cô đã từng cho hắn nếm mùi gai góc rồi mà.
Mỹ Phương không cãi Quang. Đó là bổn phận của cô, cô có trách nhiệm phục vụ hắn để..... trừ nợ mà, hắn sai bảo cô lúc nào không được chứ?
- Muốn uống gì?
Quang nhướng mắt:
- Soda chanh đường thôi. Tụi anh đang khát.
- Vậy thì chờ cho một chút nha.
Quang trở lên phòng khách, Mỹ Phương nghe tiếng nhạc sôi động đến nôn người. Cái đám con nhà giàu chuyên ăn chơi này chỉ thích mấy loại cảm giác mạnh thôi. Trời ạ! Trong lúc mọi người đem sức trẻ ra cống hiến cho xã hội, thì bọn họ dùng nó để chơi ngông, chơi rong, vô ích cho bản thân, gia đình lẫn xã hội. Vậy mà họ lại sinh ra làm con nhà giàu, có đầy đủ mới tức chứ.
Mỹ Phương bưng khay nước lên phòng khách. Cô hơi chùn bước vì cái bọn.... khỉ đột mắc phong ấy đang nhảy với nhau, la hét om sòm, ra chiều vui vẻ yêu đời hạnh phúc lắm.
Mỹ Phương đặt khay nước giữa bàn, không nói gì cả, vừa quay đi, đã nghe giọng con trai nói lớn:
- Ê, Quang! Cô bé này là ai? Em bà con, hay vợ sắp cưới của mày vậy?
Quang đáp, giọng tỉnh bơ:
- Vợ sắp cưới của tao.
Mỹ Phương xoay người lại, cô trừng mắt:
- Yêu cầu ăn nói đàng hoàng một chút nha......
- Quang! Vợ mày chằng quá vậy?
- Mặc vợ tao. Tụi bây thấy cô xinh đẹp rồi để ý hả?
- Tất nhiên. Mày kiếm đâu ra một cô bé xinh như mộg vậy?
Quang búng tay:
- Bí mật.
Mỹ Phương đỏ mặt vì tức. Họ đã đem cô ra làm trò hề, không tức sao được chứ. Cô la lên:
- Tôi là người làm công cho hắn đấy. Nhưng hắn là hắn, tôi là tôi, đều bình đẳng trước pháp luật.
Một tiếng con trai nói tiếp:
- Luật hôn nhân và gia đình, phải không cô bé?
Họ cười thoải mái. Mỹ Phương vung mạnh chiếc mâm cho nước văng tứ tung, cô đi bằng những gót chân thật mạnh. Họ càng cười nhiều hơn. Mỹ Phương nghe Quang nói:
- Con nhóc hung dữ lắm, nó dám mắng mỏ cả tao đấy.
- Rồi mày làm gì nó?
- Nhịn chứ sao? Xinh quá mà
- Kiếm đâu ra người làm công vừa xinh, vừa có duyên thế Quang?
- Biết đâu. Có lẽ cổ là gì gì.... của mẹ tao đấy, nên mẹ tao phải nuôi cổ..... Tao cũng không rành mấy về ba cái chuyện này, chỉ biết cô ta xinh và hung dữ thôi. Có cô nhóc, nhà cửa sáng sủa hơn.
- Giống như người mẫu vậy, phải không?
- Ừ.
- Hay như một con mèo Nhật xinh đẹp, tối ngày ngự trên salon của mẹ tao. Vô tích sự.
Quang đắc chí:
- Ừ, nói phải đấy. Xinh, vô tích sự và hung dữ như một con mèo Nhật. Cô ta sẵn sàng cào vào mặt mày đấy, đừng có dại dột đụng vào nhá.
Mỹ Phương giận điên người. Đúng là cái lũ ôn dịch. Người ta mà chúng dám so với động vật, dám bảo cô là một con mèo Nhật. Vậy thì hãy đợi đấy.
- Cô nhóc ơi! Trở lại, anh nhờ chút này.
Mỹ Phương đi chưa khỏi. Nghe hắn gọi, cô quay trở lại:
- Gì nữa hả?
- Nói năng đàng hoàng chút, nhóc!
- Vậy thì ông cần tôi phục vụ chuyện gì nữa đây, cứ nói đi?
- Bảo chị bếp chiên cua mau rồi bưng lên cho anh, nhớ làm nhiều nước sốt thật ngon. Hôm nay là sinh nhật của...... con mèo Nhật cưng nhà anh Huy đấy, tụi anh phải ăn mừng.
Mỹ Phương liếc hắn bằng ánh mắt đẹp và sắc như dao, vậy mà hắn vẫn thích thú cười. Đúng là hắn khinh thường cô mà. Được rồi, cô sẽ cho hắn cay xé họng vì cái món nước sốt cho bõ ghét.
Bao nhiêu cua lột lăn bột chiên được bọn Quang trưng dụng cả. Mười một giờ trưa, chị bếp phải hộc tốc ra nhà hàng mua thức ăn cho ông Hưng, bà Lệ với Văn và người nhà. Quang dọn cả tủ lạnh gồm paté, xúc xích, nước giải khát, đùi gà rôti và toàn bộ trái cây. Chị bếp chạy vắt giò lên cổ vì Quang. Còn Mỹ Phương thì bị sai vặt túi bụi. Quang rất khôn, lúc sai vặt cô, hắn luôn miệng gọi cô nào là nhóc, là cô bé, là em, là cưng. Nhưng Mỹ Phương đâu thèm cảm động trước mấy câu dụ khỉ của hắn chứ.
Bọn Quang luôn trêu cô, nhất là mấy gã con trai, họ gọi Mỹ Phương là "nội thị" của Quang. Còn Quang, ngà ngà vì men bia, hắn gọi cô là "nương tử". Lúc bọn họ đi rồi, Quang gọi:
- Nương tử! Ra anh bảo.
- Gì nữa đây?
Cô vừa thở dốc, vừa nhìn đống vỏ lon bia ngổn ngang trên bàn, dưới đất, cùng chén dĩa lam nham thức ăn thừa. Tức muốn chết. Vậy mà còn tức thêm vì hai tiếng "nương tử" mắc toi của hắn.
Quang nhìn Mỹ Phương, mặt hắn đỏ lựng vì bia. Mỹ Phương đứng xa xa không dám đến gần hắn. Hắn nói:
- Bộ người anh có dịch hạch sao cô bé đứng xa vậy?
- Tôi không có điếc tai mà. Ông nói đi, rồi tôi còn dọn dẹp phòng khách. Bác Hưng sắp về rồi đấy.
Quang nhướng mắt:
- Đừng có đem ba anh ra hù dọa anh nghe, cô nhóc. Ổng có về, anh vẫn cứ là anh. Lại anh bảo này!
- Không.
Mỹ Phương phồng má, nghiêm mặt về phía hắn.
- Cứng đầu, anh đánh đòn đấy.
- Ông có quyền gì chứ?
- Không có quyền gì, vẫn cứ đánh đòn cô nhóc đấy. Thôi, đứng xa cũng được. Để anh xem, cô nhóc như vậy mà bạn anh dám bảo xinh như mộng, cô nhóc hung dữ và xấu như một cơn ác mộng thì có.
- Mặc tôi. Làm ơn đi chỗ khác cho tôi dọn dẹp, tôi đâu có bảo mình đẹp hồi nào à nha.
Rõ ràng câu nói của Quang làm cho Mỹ Phương ấm ức. Hắn dám nói cô "hung dữ và xấu như một..... cơn ác mộng". Ai cần họ khen cô xinh, nhưng nếu họ chê cô, cô cảm thấy tức không chịu được.
- Ai cũng bảo cô bé xinh đẹp, mẹ anh cũng bảo thế, riêng anh thì trái lại. Cô bé vừa dữ vừa xấu, con nhím con ạ.
Trời đất! Bây giờ còn gọi cô là nhím con. Hết con chó Nhật rồi đến con nhím con, toàn là động vật cả. Họ xem cô là gì đây chứ?
Mỹ Phương la lên:
- Ông đủ rồi nha, đừng có kiếm chuyện với tôi đấy.
- Anh vẫn nói thì sao?
- Thì tôi sẽ méc với ba của ông rằng ông dẫn một lũ ôn dịch về quậy phá.
- Ê, Nhóc! Đừng có hỗn nha. Bạn của ta mà nhóc dám gọi là lũ ôn dịch hả?
- Còn nữa, ông là cái thứ hoang đàng chi địa, ăn nhậu suốt ngày. Ông trời ban cho ông sức vóc như thế thật là uổng đấy. Ước gì ông xấu như...... Trương Chi mới phải.
Quang không giận, hắn cười lớn:
- Trương Chi làm gì được con gái đeo theo như anh. Nếu Trương Chi đẹp trai như anh thì cô bé không có truyện cổ tích để xem đấy. Thôi, mệt quá rồi. May mà anh chưa lấy vợ, chứ nếu cưới phải cô vợ lắm điều như cô bé, chắc là anh chết mất. Dọn dẹp đi "nương tử". Anh lên phòng nghỉ một chút. Dọn dẹp xong, đem cho anh một ly sữa nóng nhé, cám ơn trước.
Mỹ Phương nhìn theo Quang. Quang đâu có say, hắn còn rất tỉnh, chỉ là hắn muốn trêu cô thôi. Tự dưng Mỹ Phương cảm thấy hối hận một chút vì lúc nãy cô đã nặng lời với Quang. Quang nói đúng. Cô rất hung dữ, ở địa vị của cô không nên nói Quang như vậy. Không hiểu sao hắn tha cho cô mà không phản ứng lại chứ. Chẳng lẽ hắn nói thật, hắn nhịn cô vì cô...."xinh quá mà!". Ôi! Cô cảm thấy chút nóng trên da mặt. Nếu Quang đừng bê bối như vậy, có lẽ hắn cũng đáng yêu lắm.
Mỹ Phương dọn dẹp xong "bãi chiến trường" thì ông và bà Lệ rồi Văn về. Ông Hưng nhìn thấy vẻ bơ phờ của Phương, liền hỏi:
- Cháu làm sao vậy? Có vẻ như cháu mệt lắm thì phải à?
Bà Lệ ra mắt bảo Mỹ Phương đừng nói. Bà thừa biết hôm nay cậu quý tử dẫn bạn về quậy rồi mà.
- Thưa không có gì ạ.
- Bác thấy cháu hơi lạ đấy.
Mỹ Phương chợt nhìn lại mình. Quần ống xắn ống xổ, tóc búi lên một búi như bà nhà quê và áo của cô thì ôi thôi, dính đầy nước sốt. Cô đỏ mặt:
- Dạ.... cháu phụ làm bếp, hơi sơ ý ạ.
- Được rồi, cháu nghỉ ngơi đi.
- Dạ.
Ông không có vẻ gì xem cô là người giúp việc. Hình như bề ngoài và phong cách của cô khiến người ta không thể xem xem nhẹ cô được. Ông quan tâm cô như quan tâm một người thân vậy.
Đang lúc Mỹ Phương dọn cơm thì bà Lệ bảo:
- Quang nhờ cháu pha một ly sữa nóng. Nhớ đừng có bảo với bác trai là nó uống rượu nha, ổng nổi nóng lên thì có chuyện lớn đấy.
- Dạ.
Mỹ Phương một cốc sữa nhỏ rồi bưng lên phòng Quang. Thây phòng không đóng cửa và hắn nằm dài trên mặt nệm, cô nói:
- Sữa của ông đây, dậy uống đi.
Thay vì ngồi dậy uống sữa, Quang nói, giọng có vẻ mệt thật:
- Làm ơn lấy giùm chiếc khăn, nhúng nước nóng và đắp lên trán tôi một chút.
Có lẽ Quang say thật. Hắn không nói đùa với cô nữa, mà trở lại xưng bằng tiếng "tôi". Quang nhắm nghiền mắt, có lẽ mở mắt, hắn sợ bị quay cuồng thì phải. Mỹ Phương y lời, cô nhúng khăn nóng và chườm lên trán Quang, cô hỏi:
- Uống sữa không?
Quang lắc đầu, mắt hắn vẫn nhắm nghiền. Mỹ Phương cảm thấy yên tâm hơn, cô nhẹ nhàng lau mặt cho hắn. Chẳng hiểu sao cô thấy tội nghiệp hắn, có lẽ hối hận vì những câu nặng nề cô đã tuôn ra khi nãy cũng nên.
Quang giả vờ nhắm mắt. Thật ra hắn đang cảm nhận sự săn sóc êm dịu của cô gái mà hắn cho là dữ như nhím này. Cô ta cũng có chút..... lòng nhân đạo đấy chứ, không đến nỗi..... vô lương tâm như Quang nghĩ. Hình như cô ta chăm sóc Quang như chăm sóc bệnh nhân. Vậy thì cứ giả vờ say bí tỉ cho cô ta săn sóc, xem cô ta như thế nào. Quang biết nếu bây giờ đột ngột hắn mở mắt, hoặc là mở môi cười, lập tức sẽ bị con nhím đó xỉ vả thậm tệ ngay. Dù Quang rất tức cười trong bụng, nhưng hắn chẳng dám cười. Rốt cuộc đã lừa cô nhóc được một cú.
Quang ngẹo đầu sang một bên, thở phì phì rồi rên rỉ làm Mỹ Phương quýnh quá, cô nghĩ hắn sắp chết. Ôm đầu hắn trong hai bàn tay, đặt trở lên gối, miệng cô gọi rối rít:
- Ê! Ông có sao không? Tỉnh lại đi, đừng có làm tôi sợ nha.
Quang nín thở, môi giật trông đáng sợ. Mỹ Phương vả vào má hắn, la lớn:
- Ê! Ông đừng có chết nha, Quang ơi! Ông có sao không? Quang ơi! Thực ra, ông không có đáng ghét lắm đâu. Tôi không muốn ông chết.
-..........
- Để tôi xuống gọi bác Hưng với bác Lệ lên chở anh đi bệnh viện. Nằm đó chờ nha.
Mỹ Phương cuống quít, bỏ dép, cô chạy ra cửa. Quang ngồi bật dậy, cười lớn:
- Ê, cô nhóc! Tôi chưa có chết đâu. Trở lại đây đi. Định bái hại ba tôi đập tôi một trận đó hả?
Mỹ Phương xoay người lại. Chống tay lên hông, cô trừng mắt nhìn hắn, nghiến răng:
- Cái gì? Ông đùa vô duyên như vậy à?
- Ê! Đừng hung dữ chứ, nhóc. Nói chơi chút thôi mà, làm gì muốn ăn tươi nuốt sống người ta vậy?
- Tôi mà ăn tươi nuốt sống ông được, tôi cũng nhai đầu tuốt luốt. Đồ quỷ sứ ôn dịch gì đâu. Lớn rồi mà như trẻ con.
Quang ngồi ngả người, tay chống ra sau. Hắn nhìn cô, nhướng mắt rồi lắc đầu:
- Cô hung dữ như là một con gấu con, chẳng hiểu sao ông trời không cho cô giống Chung Vô Diệm. Cô xấu như ma mới xứng với tính tình vừa dữ vừa các của cô. Cô nhóc ơi! Coi chừng suốt đời ế chồng đấy.
- Ai cần đàn ông các người. Thấy ông, tôi ngán đến tận cổ rồi đây nè. Đàn ông tốt điểm trên đầu ngón tay.
- Cô nói sai rồi, đàn ông xấu mới khó kiếm. Trong nhà này có ba người đàn ông, chỉ có một người được mệnh danh là xấu, đa số là đàn ông tốt, đúng không?
- Nói không biết xấu hổ!
- Đồ hiếm là đồ quý, cô nhóc ơi!
- Ngụy biện!
- Có biện chứng, sao gọi là ngụy biện?
- Lý lẽ của ông ngang như cua.
- Cua ngang cũng đúng luôn.
- Không nói chuyện với ông nữa.
- Không nói thì không nói.
Mỹ Phương tức quá, bỏ ra khỏi phòng. Nói chuyện với Quang càng tức thêm thôi, bởi Quang cố tình trêu tức cô. Nghĩ lại lúc nãy cô lau mặt cho hắn, còn bảo đến nỗi không đáng ghét, rồi cô không muốn hă"n chết, cô chợt cảm thấy xấu hổ vô cùng. Nói trong lúc cô không suy nghĩ đàng hoàng, làm hắn ngỡ cô có cảm tình với hắn, như vậy tức là cô tiếp tay cho hắn xem thường cô. Không cam tâm chút nào.
Em muốn đi đâu?
Văn dịu dàng hỏi. Đoan âu yếm tựa đầu vào bờ lưng rộng của Văn, nhắm mắt, bồng bềnh trong vòng tay cô vòng quanh người Văn, đáp nhỏ:
- Anh muốn đưa em đi đâu, em đi theo đó.
- Ngoan ghê đi. Chẳng biết mai mốt về với anh, có còn ngoan như vậy không nữa?
- Ư..... ngoan hay không ngoan là do anh thôi. Em muốn lúc nào hai đứa mình cũng bên nhau như thế này. Nếu anh chỉ nghĩ đến một mình em, tất nhiên là em phải ngoan với anh rồi.
- Em đúng là một cô bé mơ mộng.
- Không có thật được sao, Văn?
- Có. Nhưng anh nghĩ đôi lúc mình cũng phải xa nhau một chút. Ngoài tình cảm hai đứa, còn công việc nữa, Đoan ạ.
- Bây giờ thì em không muốn nghĩ đến mấy chuyện đó.
- Được rồi, anh sẽ không đề cập đến công việc ở đây nữa. Tốt hơn hết là mình sống trọn vẹn ngày chủ nhật này bên nhau. Anh sẽ đưa em ra ngoại ô, nơi đó có cây cỏ và mặt trời, không có bụi khói làm cho em khó thở. Hai đứa mình hãy tạm quên công việc một ngày đi, Đoan ạ.
- Em vâng lệnh anh, tâu hoàng thượng.
Văn cho xe lướt êm. Vòng tay Đoan vẫn ôm ái quanh người anh. Anh là hoàng thượng của cô, chẳng bao giờ cô cãi anh điều gì. Cô ngoan với anh vô cùng, và ngược lại, Văn cũng rất yêu cô. Lúc có cô bên cạnh, Văn quên tất cả công việc làm tâm trí anh căng thẳng lo nghĩ, cô là làn gió mát, là ánh nắng mai làm cho cuộc sống Văn mơ mộng hơn. Nếu mất Đoan, Văn sẽ như hoang mạc đầy cát bỏng. Với Văn, Đoan là một hạnh phúc, hạnh phúc êm đềm lắm lắm.
- Văn ơi! Em muốn hái mấy đóa hoa kia, xinh ghê đi.
Văn lập tức dừng xe. Bất cứ điều gì Đoan muốn, Văn điều chiều ý. Bên vệ đường mọc lên mấy khóm hoa dại giống như hoa cúc, đóa hoa nhỏ bằng ngón tay, trắng và có nhụy vàng. Đoan say sưa hái, Văn cũng hái phụ Đoan, họ gộp chung lại được một bó lớn. Văn âu yếm nhìn vẻ mặt vui sướng như trẻ con của Đoan, anh hôn nhanh lên chót mũi cô. Cô kêu nho nhỏ trong cổ họng, mặt đỏ lựng vì xấu hổ. Văn nói:
- Hay là mình cưới nhau đi, Đoan ạ.
- Em nghĩ không được đâu, Văn.
- Tại sao chứ. Anh thương em và em cũng thương anh, chúng ta thương yêu nhau thật lòng và mong muốn có nhau. Điều gì cản trở chúng ta cưới nhau hả Đoan?
- Ba mẹ em bảo em phải tập trung học để lấy bằng tốt nghiệp, sau đó đi Mỹ du học một thời gian. Em thương anh, em rất muốn lấy anh, nhưng em đâu dám cãi lời ba mẹ. Văn! Hãy chờ em mấy năm nữa đi nha. Em nhất định chỉ ưng lấy một mình anh thôi. Em đi du học xong, trở về, chúng ta sẽ cưới nhau.
Văn ghì mạnh vai Đoan, anh nói:
- Đoan! Hãy nhìn vào mắt anh đi. Anh không thể thiếu em, dù một ngày. Anh không muốn em đi du học. Ở Việt Nam, học xong đại học, làm việc được rồi, anh không cần em phải kiếm ra tiền đâu Đoan. Anh có tiền, anh thừa sức lo cho em một cuộc sống dư dả, sung túc. Làm vợ anh đi Đoan, rồi sinh cho anh một đứa con. Anh sẽ rất yêu vợ yêu con, yêu hơn cuộc sống của anh nữa. Em đi du học để được cái gì, em đầu cần phải nổi tiếng chứ?
- Không phải như vậy đâu anh Văn. Trước khi lấy chồng, em phải làm vừa lòng ba mẹ. Ba mẹ em nuôi con, mơ ước có một điều là làm sao cho chúng em nên người hữu dụng trong xã hội, chứ không phải đi học để kiếm tiền.
- Nhưng mà em có thương anh không chứ?
Văn lắc mạnh vai Đoan. Đoan nói, giọng thật ngoan:
- Có. Em thương anh, nguyện chỉ ưng lấy mỗi mình anh làm chồng thôi mà.
- Em mâu thuẫn lạ. Nói thương anh mà lại muốn đi xa anh.
- Em giải thích với anh rồi. Đi du học cho vừa lòng ba mẹ. Du học về, mình sẽ cưới nhau. Đi xa, em vẫn nhớ anh mà. Văn.
Văn buông vai Đoan, anh nói bằng giọng dữ dội:
- Nhưng mà anh không muốn xa em, dù chỉ một ngày, em nghe không?
Đoan tròn mắt, cô bối rối trông đến tội nghiệp:
- Văn! Đừng đặt em vào thế kẹt chứ. Em.... em.... đâu thể tự mình quyết định được điều gì. Làm sao em dám cãi ba mẹ?
- Em nói đi. Giữa anh và cái chuyện đi du học đó, em chọn ai?
- Tất nhiên là chọn anh.
- Chọn anh thì ở lại Việt Nam làm vợ anh, sinh con cho anh, đừng rời xa anh. Được không?
Đoan chớp chớp thật nhanh đôi mắt to tròn như mắt bồ câu, trông Đoan ngây thơ, vô tội đến dễ thương:
- Em không biết.....
- Em nói đi. Em muốn làm vợ và sinh con cho anh không?
Đoan gật đầu:
- Có.
- Vậy thì em có muốn ở lại, đừng đi du học không?
- Muốn.
Văn tươi nét mặt, anh ôm đôi vai dễ thương của Đoan, siết cô vào ngực:
- Nói với ba mẹ nha Đoan, cho anh cưới, cưới ngay bây giờ.
- Em không dám hứa chuyện đó đâu, Văn ơi!
Văn giận dỗi:
- Vậy mà nói thương anh, Đoan nói dối!
- Đoan không nói dối, Đoan nói thật lòng mà.
- Anh không tin Đoan nữa.
- Đoan phải làm sao anh tin?
- Muốn anh tin, Đoan hãy nói với ba mẹ là Đoan quyết định lấy anh, ngay bây giờ. Được không?
Đoan lắc đầu:
- Anh đừng ép buộc Đoan.
Văn buông vai Đoan. Anh đi nhanh về phía trước, bỏ mặc Đoan đứng sững sờ với bó hoa cúc dại trên tay. Văn im như pho tượng gỗ, không quay lại nhìn xem Đoan đang làm gì. Đoan ngồi bệt xuống bụi cỏ ven đường, thút thít khóc. Chỉ có mỗi chuyện sau khi Đoan tốt nghiệp rồi ra nước ngoài du học theo ý muốn của ba mẹ thôi, mà Đoan với Văn đã cãi nhau, giận nhau không biết bao nhiều lần. Cứ ngỡ hôm nay hai đứa được bên nhau cả ngày, tâm sự bằng những câu yêu thương, ai ngờ lại cãi nhau, suốt ngày Văn đem vấn đề đó ra buộc Đoan phải hứa không đi du học, hứa làm vợ và sinh con cho Văn.
Còn Đoan dù rất muốn làm vợ Văn, Đoan vẫn không dám hứa cãi lời ba mẹ. Bởi ba mẹ rất mong mỏi Đoan đừng lấy chồng bây giờ, ba mẹ mong Đoan ra nước ngoài học cao hơn, Đoan đâu có gan cãi cha cãi mẹ. Nếu Văn tỏ ra quảng đại một chút, có lẽ hai đứa sẽ vui vẻ hơn. Nếu Văn biết nghĩ và thông cảm cho người mình yêu, Văn nhất định không chấp nhận vấn đề. Đoan cảm thấy mình lẻ loi, khổ sở lạ.
Đoan khóc nhỏ, càng cảm thấy tủi thân.
Đoan càng khóc lớn hơn, tiếng khóc của Đoan khiến Văn quay lại. Thấy Đoan úp mặt vào bó cúc dại và nức nở khóc, tức tưởi khóc, Văn cuống quít chạy trở lại bên Đoan. Ngồi bệt xuống cạnh Đoan, ôm cô vào lòng rồi nói:
- Đoan! Nín khóc đi, đừng giận anh nữa. Thôi, hãy bỏ qua chuyện đó đi nha. Tốt hơn hết là mình đừng nhắc đến nó nữa. Nhìn Đoan khóc, anh chịu không nổi.
Văn lấy khăn lau mắt cho Đoan, anh gỡ mấy nhụy cúc dại dính bê bết trên mặt cô, gỡ mấy cọng tóc rối bời trên má Đoan, năn nỉ mãi Đoan mới chịu nín khóc. Tuy vậy cô vẫn còn tức tưới mãi, Đoan thút thít:
- Nhưng bỏ qua không nói tới nữa, có nghĩa là anh đồng ý cho Đoan đi du học phải không?
- Hạ hồi phân giải, anh không muốn nghĩ tới điều đó nữa, Đoan ạ.
Đoan quệt nước mắt:
- Đoan muốn anh phải nói rõ ràng. Nếu anh không nói, Đoan sẽ ra đi mà không có ngày quay trở lại.
Văn nhỏm người lên, trợn mắt nhìn Đoan:
- Em nói cái gì?
- Thì Đoan đã nói rồi đó.
- Em muốn bỏ anh?
- Không phải là em muốn bỏ anh. Anh cũng hiểu em rất yêu anh, nhưng vấn đề bế tắc khiến em khổ sở, vì thế em muốn chạy trốn nó. Thà em chạy trốn, còn hơn là khổ sở.
Văn im lặng. Như vậy có nghĩa là Đoan không bao giờ hy sinh vì tình yêu hai đứa. Nếu anh không cam phận hy sinh, chờ đợi thì Đoan sẽ rời bỏ anh. Trong tình yêu, Đoan bắt anh phải gánh chịu tất cả thiệt thòi mà không suy xét gì cả. Đoan bảo mình phải tuân lời ba mẹ, tức là Đoan đã quyết định chọn một trong hai, và anh chính là kẻ bị cô loại ra khỏi đối tượng chọn lựa. Với cô, anh chẳng được dành điều kiện nào. Càng nghĩ, Văn càng cảm thấy lòng tự ái bùng lên mãnh liệt. Văn là đàn ông, là đàn ông phải thua trước một kẻ thuộc về phái yếu, xem như nhu nhược rồi.
Văn nói, giọng lạnh tanh:
- Được. Vậy thì em cứ đi du học đi, cho vừa lòng ba mẹ. Thời gian đó không phải là ít, hai năm, ba năm, thậm chí năm năm. Còn anh, anh không kiên nhẫn đến nỗi có thể thăm thẳm chờ đợi một điều gì đó mà anh biết là vô hạn định. Anh không muốn làm bộ tỏ ra mình là một gã đàn ông quân tử, cao thượng, để sau đó tự hành hạ mình vì cái điều ngu si ấy. Anh muốn sống chính bằng con người thật của anh. Nếu em cảm thấy có thể sống hòa hợp cùng anh thì chúng ta cưới nhau, ngay bây giờ. Nếu em cảm thấy không hợp với anh, em được mọi quyền tự do làm theo ý em muốn, Đoan ạ.
Đoan tròn mắt nhìn Văn. Làm sao Đoan có thể ngờ Văn thốt ra những lời như vậy với cô. Văn không còn chút tôn trọng cô. Điều ba mẹ cô muốn là chính đáng, sao Văn có thể bác bỏ để chỉ nghĩ đến điều kiện riêng anh. Người ta yêu nhau, có thể vì nhau mà chờ đợi năm năm, mười năm, thậm chí đến bạc đầu. Vậy mà Văn đã nói thẳng với Đoan rằng anh không thể chờ đợi, dù chỉ một thời gian ngắn. Sao Văn lại đối xử với Đoan như vậy chứ?
- Anh nói như thế có nghĩa là sao, Đoan không hiểu?
Văn mím môi, sau đó nói bằng giọng nói pha nỗi niềm đau khổ. Tất nhiên là đau khổ lắm lắm, Văn đâu phải là gỗ đá chứ.
- Vậy mà không hiểu gì hả Đoan?
Đoan lắc đầu. Cô nhỏ cúi mặt xuống, nhặt một cái que, vẽ lung tung trên đất. Văn nói:
- Có nghĩa là anh muốn hai đứa mình cưới nhau bây giờ, và Đoan không cần phải đi học nữa, anh không cần Đoan học thêm nữa. Đoan nghe rõ chưa? Đoan nghe rõ chưa?
Đoan ngước mắt nhìn Văn:
- Tất nhiên là Đoan hiểu ý anh, nhưng Đoan không thể lấy anh bây giờ......
- Đoan đừng nói nữa, anh không muốn nghe, Đoan biết không?
Đoan òa khóc:
- Anh là một người đàn ông độc tài, cố chấp, ích kỷ, anh chỉ nghĩ đến riêng bản thân anh thôi. Nếu Đoan sống với anh, chắc chắn anh sẽ khăng khăng bảo vệ ý kiến của anh, và Đoan, Đoan phải cam chịu tất cả mọi chuyện, dù đó là nguyện vọng chính đáng, Đoan cũng phải từ bỏ. Anh đối với Đoan hoàn toàn không có sự cảm thông.
Văn nghe giận đến tím người. Không ngờ Đoan dám nói với Văn những câu thậm tệ như vậy. Còn gì để nói nữa khi Đoan bảo Văn độc tài, cố chấp, ích kỷ, Văn hoàn toàn không có sự cảm thông với cô. Trong khi Văn quá yêu cô, yêu đến nỗi chẳng muốn rời xa cô một giây, một phút. Đoan hoàn toàn xem nhẹ tình yêu của Văn, Đoan hoàn toàn không chịu hiểu Văn, những điều Đoan cho là nguyện vọng chính đáng ấy, hoàn toàn không phù hợp với tình yêu hai đứa. Văn đâu cần Đoan phải đi du học, Văn đâu cần một cô vợ mang cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ, mà Văn chỉ cần một cô vợ bình thường, ngoan ngoãn đáng yêu thôi. Vậy mà Đoan cố tình không chịu hiểu lại còn trách móc nặng lời như vậy, sao gọi là Đoan thật lòng yêu Văn chứ?
Văn gần giọng:
- Được. Anh là một thằng đàn ông độc tài, cố chấp, ích kỷ. Anh không thể khác hơn đâu, vậy thì đừng có ưng lấy anh nữa. Đoan cứ đi tìm một gã đàn ông cao thượng, quảng đại, tìm họ đi mà lấy làm chồng. Còn anh, suốt đời anh chỉ muốn những gì thuộc về anh phải hoàn toàn thuộc về anh.
Đoan im lặng, chỉ nghe tiếng Đoan thút thít, nhưng Văn không dỗ dành cô. Văn là như vậy, Văn không muốn lệ thuộc bởi những thứ đáng lý ra phải lệ thuộc vào Văn. Đoan nói đúng. Văn rất độc tài, và những kẻ độc tài thường muốn người ta tuân theo ý mình hơn là phải tuân theo kẻ khác.
Một khoảng không im lặng rơi giữa Văn và Đoan, thời khắc trôi thật nặng nề. Cuối cùng, Văn nói:
- Anh đưa em về.
Nói xong, Văn đứng lên, đi ra xe. Anh gạt chống xe, ngồi lên chờ đợi. Đoan lặng lẽ đến bên Văn, nhẹ thật nhẹ, cô ngồi sau lưng Văn. Biết Đoan đã ngồi yên sau lưng, Văn mở máy, cho xe lao đi. Đoan không vòng tay qua người Văn, cô giận dối cố ngồi cách Văn một khoảng, nửa muốn áp mặt vào lưng anh, nữa không vì tự ái đầy trong lòng.
Văn im lặng lái xe, nghe buồn ray rứt. Đây không phải là lần đầu tiên hai đứa bất đồng ý kiến, có lẽ đây là lần thứ..... một trăm hai đứa cãi nhau. Kỳ lạ thật. Vậy mà vẫn cứ thương, Văn rất hiểu vì sao người ta yêu mà khổ, là vì thương với giận đi chung nhau như bóng với hình.
Đoan có thương Văn hơn bản thân cô không? Tại sao cô không vì Văn để hy sinh chuyến du học nước ngoài? Thế mà Văn lại càng yêu Đoan, yêu điên cuồng. Yêu và sợ mất Đoan, Văn muốn Đoan lập tức thuộc về anh ngay. Có phải là anh ích kỷ, độc tài, cố chấp đúng như lời Đoan nói không? Có lẽ đúng phần nào. Yêu Đoan, anh chỉ muốn Đoan thuộc về anh, hoàn toàn lệ thuộc.
Văn muốn dừng xe, quay lại, ôm siết Đoan vào lòng để năn nỉ cô. Ôi! Văn muốn hôn vào gương mặt giận dỗi dễ thương của Đoan biết bao nhiêu. Chỉ cần loại trừ chuyện đi du học chết tiệt ấy ra, Đoan sẽ hoàn toàn là một cô bé ngoan của riêng anh. Có phải với Đoan, anh luôn là "hoàng thượng" như lời cô luôn ngọt ngào gọi anh không. Nếu chỉ có vấn đề riêng tư hai đứa, Văn đau ray rứt khổ sở như thế này, và Đoan, Đoan đâu cãi lời Văn như vậy. Tại sao Văn không cố tìm ra giải pháp, mà lại đi cãi vã với Đoan. Ngu ơi là ngu!
Văn nghĩ xong, dừng xe, xoay người lại nhìn Đoan. Đoan giận dỗi cụp mặt xuống, không thèm nhìn Văn, mặt cô phụng phịu trông tức cười làm sao.
Văn cảm thấy yêu quá, anh vuốt nhẹ mũi cô, ngọt ngào:
- Thôi, cho anh xin lỗi đi, được không. Anh hứa mai mốt không cãi với Đoan nữa?
Đoan nói nhỏ, giọng thật buồn:
- Chuyện anh với Đoan cãi nhau, đâu phải là vấn đề. Vấn đề ở chỗ anh không thể cảm thông cho hoàn cảnh của Đoan. Đoan muốn tìm ở anh sự thông hiểu, yêu nhau đâu phải hợp nhau tất cả mọi chuyện, nhưng có chuyện không hợp, nhờ biết thông cảm mới trở nên hợp. Đoan thấy mình khổ sở vì sự thờ ơ của anh, anh không còn nghĩ gì đến Đoan cả.
- Đừng trách anh, Đoan. Bởi vì anh quá yêu Đoan. Đâu có ai yêu lại muốn xa người mình yêu hằng mấy năm trời đâu chứ?
- Nhưng anh cũng nên nghĩ rằng Đoan còn có cha mẹ, Đoan phải biết vâng lời cha mẹ cho các ngài được vui lòng, đó là một cách Đoan trả hiếu cho cha mẹ. Anh muốn có một cô vợ bất hiếu sao?
Văn ngắc ngư vì câu nói chí lý của Đoan. Anh lấy lý do gì bắt buộc Đoan cãi lời cha mẹ cô đây?
Đoan có nghe câu ca dao này không: "Bố mẹ bồng ẵm nâng niu, tội trời em chịu, không yêu bằng chồng"?
- Đừng có đem mấy câu ca dao đó ra nói với Đoan. Đoan khác, họ khác, Đoan thương anh là một lẽ, Đoan tôn kính ba mẹ là một lẽ khác. Đoan dành trọn tình yêu cho anh, nhưng Đoan cũng rất thương ba mẹ. Đoan cất giữ anh trong một ngăn tim, ba mẹ trong một ngăn tim. Anh đừng bắt Đoan vì anh mà bỏ cha mẹ chứ anh Văn?
Quả thật, Đoan không trẻ con chút nào. Đoan cứng rắn và giữ vững lập trường của mình. Đoan bướng bỉnh chưa từng thấy. Từ trước đến nay, chưa bao giờ Đoan bướng với Văn như vậy, Văn cảm thấy..... tuyệt vọng. Chắc chắn là Văn phải chấp nhận cho Đoan đi nước ngoài du học mấy năm. Bỏ Đoan, Văn không thể, nhưng chờ Đoan dài thăm thẳm như vậy. Ôi! Quả là điều kinh khủng thật. Văn không tưởng tượng được thời gian vắng Đoan, anh phải sống như thế nào để có thể chịu đựng nổi chuyện thiếu Đoan, nhớ Đoan, và nhất là lo sợ bên phương trời Tây xa lạ một mình, Đoan lạc lòng. Trời ạ! Biết đâu mà lường. Nếu có một gã đàn ông nào đó ngày này qua ngày kia theo tán tỉnh Đoan, chăm sóc cho Đoan, một ngày Đoan còn dửng dưng, hai ngày Đoan còn dửng dưng, nhưng một năm, rồi hai năm, rồi ba năm, Đoan đâu phải là gỗ đá. Trời ạ! Lúc đó thì sao chứ?
Văn nhìn sâu vào mắt Đoan:
- Anh không muốn đặt lòng tin vào những điều xa vời. Đoan còn ngăn tim nào nữa không? Anh không muốn trở thành một cái bóng, mờ thật mờ trong ngăn tim nào đó của Đoan, biết đâu ngày trở về, anh chỉ còn là ký ức. Biết đâu đấy.
Đoan hít một hơi không khí vào lồng ngực. Cô không còn chịu đựng nổi tính ích kỷ của Văn nữa rồi. Trời ạ! Tại sao cô không thể không yêu con người ích kỷ của Văn chứ? Tại sao?
Đoan nói lớn, gần như hét lên:
- Anh không tin Đoan, tức là anh không yêu Đoan. Được, mình chia tay nhau đi.
Đoan cắn môi, không thèm khóc, trái tim muốn tan ra từng mảnh vụn. Mất Văn ư? Đoan chẳng cam tâm chút nào, nhưng lời lỡ nói ra rồi, không thể lấy lại được, bởi vì "lời nói như mũi tên bắn đi, khi đã lọt vào tay ai rồi, không thể lấy lại được". Văn ngỡ mình nghe lầm, anh day mạnh vai Đoan, gần giọng:
- Đoan! Em nói gì, nói lại cho anh nghe một lần nữa xem?
- Đoan thút thít. Một giọt nước mắt rơi ra khỏi mắt cô, cô đưa tay quệt vội rồi nghênh mặt:
- Mình chia tay nhau, có được không?
Văn nghe vừa thương vừa giận. Giận hờn chất ngất, anh nói, giọng lạnh tanh:
- Được. Chia tay thì chia tay. Anh đưa em về tận nhà vì nhà còn xa, nếu em không chê anh là đồ dở hơi, ích kỷ.
Không chờ Đoan phản ứng, Văn cho xe lao đi. Từ đó đến nhà Đoan, chẳng ai nói với ai câu nào.
Đến cổng, Văn dừng xe cho Đoan xuống. Lịch sự bấm chuông rồi chờ cho Đoan vào nhà, anh mới bỏ đi. Có phải họ đã chia tay nhau không? Thật sự lòng Văn không bao giờ nghĩ đến chuyện họ đã chia tay nhau, nhưng mà Đoan đã nói và Văn cũng đã nói với nhau hai chữ "chia tay" rồi, biết làm gì bây giờ chứ?
Mỹ Phương bưng chén cháo nóng bốc hơi nghi ngút, cô nhẹ nhẹ gõ cửa phòng Văn. Văn nói, giọng hơi yếu:
- Vào đi.
Phương vặn nhẹ nắm cửa. Văn nằm chèo queo trên nệm, trông như một con mèo ốm.
Phương nói:
- Anh Văn. Dậy dùng cháo cho nóng, cháo thương hàn đây, ngon lắm!
Văn lắc đầu:
- Thôi, anh không ăn.
- Không ăn, sao hết bệnh được? Anh bị cảm nặng lắm rồi đó, ăn cháo nóng, uống thuốc, trùm mền một chút là ra mồ hôi hết cảm ngay.
- Anh không muốn ăn.
- Nghe lời em đi, bệnh cảm để lâu không nên đâu.
Văn lắc đầu, anh vùi mặt vào gối khiến Phương se lòng. Tội nghiệp anh thật. Phương muốn dỗ dành cho anh ăn hết chén cháo, nếu không. Văn sẽ càng bệnh nặng hơn.
- Anh Văn.....
Văn im lặng. Bất chợt một giọng nói vang sau lưng Phương làm cô giật mình. Hắn nói:
- Người muốn ăn thì không cho, người chê thì lại ép. Đưa cháo đây, tôi ăn cho, làm phước giùm cô khỏi tốn công năn nỉ nữa.
Mỹ Phương xoay lại, thấy Quang nhìn cô, nheo mắt. Đúng là Quang cố tình tìm cô để chọc tức đây mà.
Cô nói:
- Ông đúng là đồ vô lương tâm. Anh Văn bệnh, không một lời thăm hỏi, còn đòi ăn chén cháo thuốc của ảnh. Vậy mà cũng nói cho được.
Quang cười khà khà:
- Chưa thấy ai ngốc nghếch như cô nhóc này cả. Tốt hơn hết là cô đừng có làm phiền anh Văn trong lúc này. Cô không có khả năng làm bệnh của anh Văn thuyên giảm đâu, cô nhóc ơi.
- Tôi làm phiền gì đâu? Tôi chỉ làm theo kinh nghiệm là nấu một chén cháo thương hàn cho anh Văn giải cảm.
- Ngốc quá! Cháo "thương hàn" của cô vô hiệu quả đấy. Đi tìm cháo "thương nàng" cho ảnh ăn, ảnh khỏi bệnh ngay, không cần uống thuốc.
- "Thương nàng" là thương cái đầu của ông thì có. Tôi không biết nấu loại cháo quái qủy ấy.
Quang cười lớn:
- Để tôi chỉ cô nấu, xuống bếp đi.
Văn nói:
- Hai người ra ngoài đi. Tôi muốn một mình. Mỹ Phương bưng cháo đi đi, anh không ăn đâu, đừng có đem gì vào đây nữa.
Quang nhìn cô:
- Tôi nói có sai đâu. Đi theo tôi, tôi sẽ chỉ cho một thứ để nấu cháo "thương nàng", đừng ở đây làm phiền anh Văn nữa.
Quang nói xong bỏ đi ra. Mỹ Phương tần ngần một chút rồi bưng chén cháo ra khỏi phòng, khép nhẹ cửa lại.
Quang chờ Phương dưới bếp thật, hắn bảo:
- Ra chợ mua một quả tim bằng nắm tay đi rồi về đây, tôi bày cho nấu. Anh Văn bệnh đặc biệt, phải nấu cháo tim ăn mới hết.
Phương hỏi thật:
- Có phải anh Văn bệnh tim không?
Quang gật đầu, cười cười:
- Đúng rồi. Bệnh tim nặng đấy.
Phương nói thật:
- Vậy để tôi ra chợ mua tim.
Nói xong, Phương xoay lưng đi. Quang nói với theo:
- Ê, cô nhóc! Chưa nghe tôi dặn mua tim gì mà.
- Thì tim heo chứ gì.
- Mấy thứ đó không ăn thua đâu, phải tim người mới được.
Phương quay trở lại khi biết đã bị Quang dụ khị. Thấy Phương trợn tròn mắt, Quang nhướng mày:
- Nếu không tìm được một trái tim người ta, thì moi trái tim cô ra mà nấu trị bệnh cho ổng.
- Ông nói với ý gì vậy?
- Không có ý gì cả. Tôi nghĩ cô cũng muốn moi tim mình ra nấu cháo cho ông Văn lắm đấy.
- Là sao?
- Là tự cô biết.
- Ê! Ông đừng nói bậy nha. Anh Văn bệnh nên tôi săn sóc giùm ảnh. Ông bêu rếu tôi, tôi méc bác Hưng đấy.
- Cố gắng lên cô nhóc. Ông Văn tuy khó tính, nghiêm trang đạo mạo, nhưng cũng rất tình cảm. Còn cái loại lóc nhóc như tôi, đều vô tình vô cảm cả. Bởi vậy cho nên đối với tôi, người ta chỉ dùng toàn là những câu mắng mỏ, trách móc, chê bai thôi.
- Ai bảo ông khó ưa làm chi?
- Tôi không biết chiều chuộng con gái, tất nhiên là phải khó ưa rồi.
- Ai cần chiều chuộng với không chiều chuộng, loại người có bản tính khó ưa là suốt đời khó ưa thôi. Anh Văn bệnh tội nghiệp như vậy mà ông vô tình không an ủi lấy một câu, còn tìm chuyện để gạt tôi. Ông quen cười trên sự đau khổ của kẻ khác rồi, ông đúng là có trái tim bằng gỗ.
- Có cần nói nặng nhau dữ vậy không, cô nhóc?
- Thôi, không nói với ông nữa, để tôi dành thời gian đi mua mấy thứ nấu xúp cho anh Văn uống. Nếu anh Văn không chịu ăn một chút gì đó, ảnh sẽ bệnh nặng hơn đấy.
- Vậy thì cô đi mua đi. Nấu xong, năn nỉ gãy lưỡi, người ta không thèm nhìn đến xem cô nấu món gì, thằn lằn hay là rắn mối, sau đó còn bảo bưng đi chỗ khác cho người ta yên. Cuối cùng là......
- Là sao?
- Là đem đi đổ, đáng tội thật đấy?
- Anh Văn không nghĩ như ông.
- Tất nhiên, ông Văn đâu có dư thời gian mà nghĩ đến mấy chuyện làm vớ vẩn của cô. Đừng cố gắng nữa Mỹ Phương ơi. Mấy ngăn tim ông Văn đầy nhóc rồi, không còn chỗ trống đâu.
- Chuyện trái tim ông Văn đầy hay rống, tôi chẳng quan tâm, chỉ thấy ảnh bệnh là săn sóc thôi. Bởi vì anh Văn đối với tôi rất tốt, tôi phải biết chuyện ơn nghĩa ở đời như thế nào chứ?
Mỹ Phương nói, trong lòng không vui. Tại sao Quang biết cô có cảm tình với Văn? Thật ra, Mỹ Phương săn sóc Văn bằng tấm lòng của cô. Ở nhà này, Văn là người luôn quan tâm tới cô, tất nhiên cô phải hướng tình cảm về phía Văn thôi. Câu nói của Quang khiến trái tim Mỹ Phương nhói nhói đau. Tại sao Quang bảo mấy ngăn tim của Văn đầy đến nỗi không còn một chỗ trống chứ. Hay là Văn đã có người yêu? Nếu anh có người yêu thì sao anh lại hết lòng ân cần lo lắng cho Phương. Khi anh lo lắng cho Phương, Phương cảm nhận được một điều gì đó..... rất êm đềm kia mà?
Quang chép miệng, hắn làm bộ bi lụy:
- Tội nghiệp cô bé khờ khạo có trái tim ngu ngơ vụng dại. Tình yêu là thế đấy, cô bé ạ. Yêu luôn luôn là "chết ở trong lòng một ít". Vì thế cho nên tôi đâu có thèm ba cái chuyện yêu đương lăng nhăng lít nhít đó chi cho hại thận. Vui thì đến, buồn thì đi, hơi sức đâu để trái tim lụy vì kẻ khác cho khổ chứ?
Mỹ Phương phụng phịu:
- Ông đừng có đặt điều nói bậy nha, anh Văn nghe được, ảnh sẽ cười tôi đấy. Làm gì có chuyện yêu đương ở đây, nấu giùm người bệnh một chén xúp mà gọi là yêu đó hả?
- Cô nhóc ơi! Không qua mặt được sư phụ này đâu. Khuấy giùm một ly sữa nóng cho người say bí tỉ như tôi, cô còn nạt nộ kia mà. Đàng này, cô đã nấu một tô cháo ngon lành, năn nỉ ông Văn ăn, không ăn, ráng nấu một món xúp khác mong làm vừa bụng ổng. Cô bất công lắm, cô đối xử không công bằng với ngày này, hết lòng chiều chuộng người kia, tất nhiên cô phải yêu thích ông Văn rồi.
Mỹ Phương đỏ mặt. Hắn đã nói đúng tâm lý cô. Không ngờ hắn để ý chi li hành động của cô. Hình như hắn có vẻ so bì với Văn thì phải?
- Ông làm bộ say để bắt tôi phục vụ, tôi làm như vậy là đúng rồi. Còn anh Văn, ảnh bệnh nằm liệt giường, ông thấy không?
Quang cười lớn:
- Đúng là một cô bé ngốc nghếch.
- Sao dám nói tôi ngốc nghếch chứ?
- Được. Cứ làm theo ý cô đi nhá, nhưng nhớ là trái tim ông Văn không còn chỗ trống đâu đấy, cô nhóc!
Mặc hắn, Mỹ Phương đi mua mấy món ngon về nấu xúp cho Văn. Trái tim Văn còn chỗ hay không còn chỗ mặc anh, chỉ biết cô mến anh thôi. Cô muốn làm một điều gì đó cho anh, để đáp lại sự quan tâm lo lắng của anh đối với cô hàng mấy tháng nay. Cô cảm thấy Văn rất là thân thiết. Văn cho cô tình cảm êm đềm bao nhiêu thì Quang tạo cho cô cảm giác bất ổn bấy nhiêu. Chưa bao giờ Quang dịu dàng với cô, hắn chỉ toàn là trêu tức cô thôi, vậy mà hắn bày đặt so bì với Văn.
Mỹ Phương mua xong các thứ, cô mang về, cẩn thận nấu món xúp. Công nhận Mỹ Phương có tài chế biến thức ăn, món xúp cô nấu, chị bếp còn tấm tắc khen.
Múc vào chén, đặt lên chiếc khay nhỏ. Mỹ Phương bưng đến phòng Văn. Nhẹ nhàng, cô gõ cửa, Văn không trả lời, gõ thêm một lần nữa, Văn vẫn im lặng. Chẳng lẽ Văn bệnh đến mê man rồi hay sao? Phương lo nghe cuống cả ruột, cô vặn nắm cửa. Cửa đã khóa bên trong.
- Anh Văn ơi!
-.........
- Anh Văn!
Giọng Văn hơi gắt gỏng:
- Mỹ Phương đó à?
- Dạ, em nấu xúp cho anh đây, anh ráng dậy ăn đi, nếu không ăn, bệnh không khỏi được đâu.
Văn đáp cộc lốc:
- Mặc anh!
Mỹ Phương cố dịu dàng năn nỉ Văn:
- Anh Văn à! Mở cửa đi. Nhìn thấy xúp là anh muốn ăn ngay thôi. Hay là anh thích ăn hủ tíu, Phương sẽ đi mua nha?
Văn gắt:
- Thôi quấy rầy anh đi Phương. Anh đã bảo là đừng ai quấy rầy anh, anh muốn yên một mình. Hiếu chưa?
- Nhưng mà em.....
- Không nhưng nhị gì hết cả, em đi đi. Đi đi!
Mỹ Phương đứng im lặng một lúc. Văn đã nặng lời với cô. Từ lúc quen biết anh đến nay, anh luôn đối với cô tử tế, vậy mà bây giờ anh nói nặng cô, cô nghe tức đến muốn khóc, nhưng cô không khóc.
Trong phòng, Văn cằn nhằn:
- Phiền phức!
Mỹ Phương cắn môi, tủi thân. Có phải Văn xem cô là kẻ ăn người ở trong nhà không? Thái độ hôm nay của Văn cho cô thấy cô không thể ngang hàng với Văn. Tủi thân quá, Mỹ Phương khóc thút thít.
Một bàn tay ai đó đưa ra kéo tay cô, Mỹ Phương nhìn lên. Chính là Quang, Quang ra hiệu bảo Phương đi, Phương làm theo hắn như một cái máy. Hắn kép Phương ra vườn hoa, ấn Phương ngồi xuống ghế đá, nói:
- Tôi nói có sai đâu nào. Cô đúng là đồ ngốc!
Đang khóc, bị hắn mắng mỏ, Mỹ Phương không buồn cãi lại. Hắn nói tiếp:
- Đã bảo ông Văn không cần ba cái chuyện vớ vẩn đó mà cô không nghe. Giờ bị người ta mắng đau, thấy mình vô ích chưa?
Mỹ Phương òa khóc, Quang nói:
- Để tô xúp xuống bàn đi rồi hãy khóc. Cô khóc như vậy, đổ xúp hết!
Hắn nói xong, lấy chiếc khay đặt lên mặt bàn đá, rồi đứng khoanh tay nhìn Phương khóc.
Chờ Phương khóc xong, hắn lại nói:
- Phải chi Phương nấu xúp mời tôi ăn thì đâu cần khóc lóc khổ sở như vậy. Người muốn ăn xúp thì không mời, người khôNg thèm lại năn nỉ, đời bất công thật đó. Cô khổ vì cô thôi. Ê, cô nhóc! Nghe tôi đọc một câu thơ nè:
Người ta khổ vì cố chen ngõ chật
Cửa đóng bưng nhưng họ quyết xông vào
Lúc bị thương họ cứ giữ gươm dao
Người ta khổ vì......
Mỹ Phương nói lớn:
- Ông đừng có nói bậy nha. Thơ của người ta mà ông đem sửa từ, sửa ngữ lộn xộn như vậy, cũng bày đặt nói......
- Sửa hay chẳng sửa, ý tác giả cũng vậy thôi. Cô khổ vì "thiên đường có lối không đi, địa ngục không lối cố chen vào", hiểu không?
Ông lấy bằng chứng gì kết án tôi như vậy chứ? Tôi đã bảo tôi săn sóc anh Văn là ảnh bệnh thôi mà.
- Sao cô biết ông Văn bệnh?
- Nằm chèo queo suốt buổi sáng, không ăn uống gì hết, như vậy mà không bệnh thì là gì nữa?
Quang cười lớn, giọng hắn cười nghe khà khà:
- Vậy tôi cũng vô phòng nằm chèo queo, cô bưng xúp cho tôi ăn đi nha, bảo đảm tôi sẽ ăn hết nổi xúp đấy!
- Ông thì khác, ông lúc nào cũng làm bộ cả, ai thèm săn sóc ông cho mệt thân.
- Nếu ông Văn không bệnh hoạn gì, mà lại nằm chèo queo, cô cũng săn sóc à?
- Ông đừng có nói tôi điên nha.
- Vậy thì cô đúng là đồ điên rồi đấy.
Mỹ Phương quệt vội mấy giọt nước mắt còn đọng trên khóe:
- Sao dám bảo tôi điên?
- Vì cô đi săn sóc một người không bệnh nằm chèo queo, cô quấy rầy những giây phút riêng tư của người ta. Cô tưởng cô là cô tiên hiền dịu đang cầm cây đũa thần, nào ngờ ông Văn thấy cô là.......
- Là gì?
- Là "mụ phù thủy ngồi trên cây chổi".
- Ông dám bêu riếu tôi hả?
- Cần gì phải bêu riếu cô, chuyện tự nó đã như vậy rồi mà. Thôi, hãy nghe lời khuyên của tôi, cô nhóc.
- Ông muốn nói gì?
- Đừng bao giờ tự động làm điều gì cho ông Văn khi ổng chưa nhờ cậy tới cô, nhớ chưa? Ông Văn là một kẻ độc tài, ổng chỉ thích mọi chuyện diễn ra theo "úm - ba - la" của ổng. Cô không có phép thuật cao hơn ổng đâu, tốt hơn hết là chờ người ta nhờ cậy đi. Còn bây giờ, cô nên bưng chén xúp này xuống bếp, hâm nóng lại và...... mời tôi ăn thử xem có ngon không?
Mỹ Phương nói:
- Đừng có hòng dụ khị tôi.
- Thấy chưa. Nếu cô ghét ông Văn như tôi, làm gì phải hành hạ mình khổ sở như vậy. Thử lòng cô thôi, làm sao tôi chẳng biết thân phận mình chứ?
- Ông là chúa làm bộ làm tịch.
- Con gái thương nhiều cũng vì chuyện làm bộ làm tịch đấy nhá.
- Mặc kệ ông đi, nói với tôi làm gì?
Mỹ Phương phụng phịu bưng khay xúp đi vào bếp, nghe buồn kinh khủng. Tại sao anh Văn không chấp nhận sự săn sóc của cô. Quang thì cứ nói úp nói mở khiến cô không thể hiểu được điều gì cả. Chắc là anh Văn bệnh nên khó tính thôi, còn Quang mới là "có vấn đề", luôn luôn hắn thích chọc cho cô giận. Cô giận hờn, hắn cảm thấy vui lắm. Hình như Quang thích nhìn thấy cô đau khổ thì phải?
Đoan! Cho anh gặp một chút đi, anh sẽ nói chuyện này em nghe, có được không?
Giọng Văn gần như van nỉ Đoan. Nói xong, Văn hồi hộp chờ câu trả lời của Đoan.
Bên kia đầu dây, Đoan nói, giọng lạnh tanh:
- Không. Em đang học bài, không rảnh đâu. Dịp khác nha.
- Đoan còn giận anh hả?
- Không còn.
- Không còn, sao không muốn gặp anh. Hai đứa mình có thể tính lại mà, Đoan?
- Tính lại là sao?
- Là không chia tay nhau.
Im lặng một lúc, Đoan nói:
- Đoan chán chuyện cãi nhau, Đoan chán chuyện rơi nước mắt, Đoan chán chuyện giận hờn. Thà anh Văn với Đoan không gặp, mình không có chuyện cãi vã giận hờn, có lẽ hay hơn.
- Anh hứa sẽ lắng nghe ý kiến của Đoan, được không? Chúng mình sẽ không cãi nhau nữa, anh hứa với Đoan mà.
- Anh Văn ơi! Lời hứa gió bay, anh đừng có hứa nữa, bởi bản tính hai đứa mình không hợp nhau lắm đâu. Anh muốn Đoan lệ thuộc, còn Đoan không muốn mình chẳng phải là mình nữa. Đoan sống theo những gì Đoan nghĩ, bởi vậy cho nên, Đoan không thể làm vừa lòng anh. Chúng mình không bao giờ hợp nhau, nếu gặp nhau nữa, chắc chắn anh với Đoan sẽ cãi vã nhau thôi.
- Đoan! Anh không muốn chia tay. Anh thương Đoan, anh không muốn mất Đoan. Đoan hiểu không?
- Đoan rất hiểu điều đó, vì thế Đoan mới muốn chia tay. Anh càng yêu Đoan thì càng muốn Đoan trở thành vật sở hữu thôi.
- Cho anh gặp đi rồi hẵng nói, nha Đoan?
- Tối rồi, anh Văn. Đã bảy giờ. Ba mẹ không muốn Đoan ra ngoài vào giờ này. Chuyện giữa hai đứa thì không thể nói trong nhà, vì chắc chắn mình sẽ lại cãi nhau.
- Không đâu. Anh muốn đi đến sự thỏa thuận bằng mọi giải pháp có thể được. Tin anh đi.
- Không. Đoan không thể là không thể, anh đừng nói nữa.
- Đoan......
- Xin lỗi, Đoan đang bận, anh làam ơn gác máy giùm cho.
Đoan nói xong, gác máy. Văn cảm thấy đau nhói nơi tim, giống như có ai dùng dao cứa vào tim anh vậy. Không ngờ lần này Đoan lại giận dai như thế. Mấy lần trước Đoan cũng giận dai, nhưng dai thế nào cũng phải chịu thua trước sự ngọt ngào của Văn. Còn bây giờ, Đoan cứng và lỳ như một thỏi thép nguội. Đoan bướng bỉnh lạ lùng, Đoan ra mặt thách thức Văn, chẳng lẽ Đoan ngoan ngoãn hiền thục và hay nhõng nhẽo của Văn hôm nay trở thành con người khác hay sao? Văn có cảm tưởng Đoan đã thay đổi thật sự, chuyện xích mích giữa hai đứa không còn là chuyện giận hờn bình thường nữa, mà chính là chuyện đổ vỡ. Ôi! Văn nghĩ đến đây, cuống quít trong lòng. Văn không can tâm mất Đoan. Khôg, Văn yêu Đoan mà, Đoan là lẽ sống của Văn. Bao nhiêu năm yêu nhau. Văn đã yêu Đoan hơn yêu bản thân anh. Yêu và muốn độc quyền sở hữu, Văn yêu Đoan bằng một tình yêu khá ích kỷ. Anh muốn Đoan phải biết đến mỗi một điều là Đoan phải thuộc về anh như một vật sở hữu. Bây giờ Đoan tỏ thái độ phản ứng dữ dội như vậy, Văn biết phải làm sao đây chứ?
Văn đứng lên. Khôg chịu nổi nữa rồi. Nếu Văn không muốn mất Đoan, chỉ còn có một cách là đi tìm Đoan, và những nụ hôn sẽ giúp cho hai đứa hòa nhau. Đã bao nhiêu lần giận hờn và biết bao nhiêu nụ hôn cầu hòa, Văn sẽ làm được điều đó mà.
Nghĩ thế, Văn lái xe đến nhà Đoan. Đường phố đã lên đèn, thành phố về đêm không đủ sức hấp dẫn Văn vì lòng Văn nóng như lửa vậy. Văn hình dung ra gương mặt giả bộ lạnh lùng của Đoan, rồi mấy giọt nước mắt của Đoan, lòng càng nóng hơn. Nhất định lần này năn nỉ Đoan hết giận, Văn sẽ không làm mếch lòng Đoan nữa. Văn tự trách mình sao không nói thẳng vấn đề cưới hỏi với cha mẹ Đoan. Chẳng lẽ họ bắt Đoan đi ra nước ngoài du học hằng mấy năm trời sao. Trong khi tình yêu hai đứa, cha mẹ Đoan đã biết và họ đâu có phản ứng gì, xem như Văn được họ chấp nhận rồi.
Bấm chuông, chị bếp ra mở cổng, Văn dắt xe vào. Trái với sự tưởng tượng của Văn, Đoan không có ngồi buồn thiu với nước mắt rơi như Văn nghĩ, mà Đoan đang ngồi giữa một đám con trai con gái, chắc chắn họ là bạn học của Đoan. Họ còn trẻ khoảng tuổi Đoan, ăn mặc "mốt thật mốt", họ quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ và ăn quà trong phòng khách.
Thấy Văn, Đoan sa sầm ngay nét mặt. Văn nói:
- Đoan.....
Đoan nhìn Văn, ánh mắt giận hờn:
- Anh văn! Ba mẹ ở trong nhà, anh vào đi.
- Anh.....
- Không phiền đâu, ba mẹ đã dùng cơm tối xong, đang xem tivi. Hay để Đoan báo trước cho cha?
Đoan giả bộ không thân với Văn và Văn không là khách của cô, mà Văn là khách của ba mẹ cô. Đoan nói xong, đi qua bức màn để vào phòng xem tivi. Văn đi theo Đoan, anh bắt kịp Đoan, ghì vai cô lại:
- Đoan! Đi với anh ra ngoài đi. Anh muốn nói chuyện với em.
Đoan gỡ nhẹ tay Văn, nói:
- Đoan đang có khách, anh Văn không thấy sao?
- Bảo với họ anh là người yêu của Đoan, lịch sự họ sẽ về thôi.
- Mình không còn là người yêu của nhau nữa, anh Văn mau quên quá.
- Đoan! Đừng có chọc giận anh. Anh đến đây với trái tim đầy thiện chí, anh sẵn sàng năn nỉ em, Đoan ạ!
- Anh Văn về đi. Đoan lỡ hứa với bạn đi chơi đêm nay rồi.
Văn chợt nổi giận. Cơn ghen bùng lên trong lòng khiến Văn quên chuyện mình vừa hứa là không giận Đoan. Anh rít qua hai kẽ răng:
- Cái gì? Em đi chơi với bọn họ cả đêm à? Vậy mà em bảo bận học bài, rồi còn bảo ba mẹ không muốn em ra ngoài ban đêm. Em xem thường anh quá đấy, Đoan ạ.
Đoan đứng ra xa Văn, nghênh mặt:
- Đó là quyền tự do của Đoan, liên can gì đến anh Văn chứ?
Văn chụp vai Đoan, bóp mạnh:
- Đoan! Em đừng giỡn mặt với anh, nói chia tay là lập tức chia tay sao?
Đoan nhăn mặt vì đau, cô vùng ra khỏi tay Văn:
- Tất nhiê, chia tay là chia tay.
- Đoan! Nếu em không nói với đám bạn của em thì để anh nói. Anh không ngại nói cho họ biết điều đó đâu.
- Anh không được làm mất mặt Đoan nha. Tốt hơn hết là anh đi về đi, ngày mai Đoan sẽ gặp anh. Hẹn mười hai giờ trưa mai đi. Chúng tay dẫn nhau đến một nơi nào không có bóng dáng con người, ở đó, mặc sức cãi nhau mà không sợ mất mặt.
- Chỉ có lên sao Hỏa thôi, Đoan.
Đoan bướng bỉnh:
- Được, nếu có thể. Ở quả địa cầu này, Đoan xấu hổ quá rồi.
Văn buông vai Đoan. Đoan không còn là Đoan ngày hôm qua nữa. Đoan đã thay đổi, có lẽ anh sẽ mất Đoan thôi.
Đoan đi vào phòng xem tivi, cô nói:
- Ba mẹ! Có khách.
Ông bà Việt Nhân đang xem tivi, họ giật mình quay lại. Thấy Văn, ông Nhân cười vui vẻ:
- Ồ, Văn! Đến đây ngồi chơi đi, Đoan nó bận tiếp bạn một chút.
Đoan nói, giọng bướng bỉnh:
- Không phải một chút, bà à. Con sẽ đi cả đêm nay đấy.
Bà Nhân la lên:
- Sao lại đi cả đêm? Mẹ không cho phép đâu nha. Văn đến thì hai đứa có thể đưa nhau đi dạo một lúc rồi về, nếu không thì cứ ngồi nhà trò chuyện. Con gái, sao lại được phép đi cả đêm chứ?
Đoan cãi:
- Con đi với bạn cả đêm, nhưng không làm gì mất tư cách. Hôm nay nhà nhỏ My có tổ chức đám cưới anh trái nó, con đi có nơi đàng hoàng mà. Mẹ không tin, sang hỏi ba mẹ nhỏ My đi.
Bà Nhân nhìn Đoan, tròn mắt. Đây là lần đầu tiên Đoan cãi mẹ. Tại sao Văn đến mà Đoan lại bỏ đi chứ? Chẳng lẽ hai đứa chúng nó có chuyện gì rồi sao? Mỗi lần Văn đến, hai đứa quấn quít bên nhau đến dễ thương. Sao lần này Đoan làm mặt lạnh, còn Văn thì trông không được vui.
- Một chút nữa bảo anh Văn đưa đi và rước về, mẹ không đồng ý con ở nhà người ta cả đêm đâu.
- Mẹ......
- Mẹ nói không là không, nghe chưa?
Giọng bà Nhân cương quyết, Đoan phụng phịu, liếc Văn:
- Được rồi. Con đi xong thì về, nhưng nhất định không phiền đến anh Văn.
Bà Nhân tròn mắt:
- Con không trò chuyện với anh Văn sao hả?
Văn đỡ lời cho Đoan:
- Được rồi bác ạ. Con với Đoan gặp mỗi ngày, còn bạn bè của Đoan, thỉnh thoảng mới có dịp mời nhau đến nhà. Hay là bác cứ để cho Đoan đi với bạn của cổ. Ngày mai chúng cháu gặp lại nhau cũng được mà.
- À! Nếu Văn không buồn thì để cho nó đi chơi với bạn một chút. Đoan này! Đúng chín giờ đêm, mẹ sai thằng Long lái xe đến rước con đấy.
- Anh Long không biết nhà nhỏ My.
- Mẹ sẽ bảo cho nó biết.
Văn đứng lên:
- Xin phép hai bác, cháu về.
Bà Nhân nhìn Văn:
- Chắc là Văn buồn, đúng không?
Văn gượng cười:
- Dạ thưa không đâu bác.
- Nhất định mai cháu phải đến ăn cơm tối với bác nha.
- Dạ, cháu cám ơn.
Văn bỏ về, nghe tức tối lạ. Trước mặt Văn, Đoan dám bảo cô đi chơi với bạn bè cả đêm. Đoan thách thức Văn, Đoan cố tình làm cho Văn tức tối, chẳng lẽ Đoan ghét anh đến thế vậy sao, hay là Đoan không còn thương Văn nữa. Những lời nói "chia tay" với Văn không thật, nhưng có lẽ với Đoan là thật, vậy thì Văn chia tay với Đoan sao?
Không, Văn còn thương Đoan. Văn không muốn chia tay. Nếu bây giờ Đoan bảo Đoan bắt Văn phải chờ đợi, Văn sẽ đồng ý chờ đợi Đoan, có thể nói là năm năm, mười năm hay cả đời Văn cũng hứa chờ đợi Đoan. Rõ Văn là một con người khá mâu thuẫn, đến nỗi Văn cũng không thể hiểu tại sao mình lại tha thiết mong làm hòa với Đoan như vậy, có lẽ vì Văn quá yêu Đoan.
Văn lái xe lang thang trên đường, không muốn về nhà. Thà ở ngoài đường, người xe nái nhiệt như thế này, Văn sẽ đỡ buồn hơn. Nếu trở về nhà, nhốt mình vào phòng riêng, còn lại một mình, Văn sẽ không chịu nổi khi nhớ đến chuyện Đoan đi chơi suốt đêm nay với bạn bè của cô. Trong không khí tiệc tùng náo nhiệt đó, Đoan của anh sẽ làm gì, sẽ có rất nhiều lời tán tỉnh vây quanh Đoan. Bọn đàn ông bây giờ rất đáng sợ, và Đoan thì ngây thơ mang tính bướng bỉnh đến khờ khạo sẽ là mục tiêu co họ tán tỉnh. Ôi! Văn nghe cuống cuồng trong ruột. Giá mà anh có thể theo Đoan đến nơi đó, anh sẽ nói thẳng với họ anh là người yêu của Đoan, rằng không gã đàn ông nào được quyền ra mặt tán tỉnh Đoan của anh.
Văn lang thang đến chín giờ đêm. Buồn quá, Văn ghé vào công viên, tìm ghế đá ngồi trầm tư nghĩ đến Đoan. Mấy năm dài yêu nhau, yêu tướng như không thể sống được nếu thiếu nhau trong đời, vậy mà có một chút quan điểm bất đồng, Đoan vội rời bỏ Văn, nói hai tiếng chia tay là lập tức chia tay, như vậy đâu phải là Đoan của Văn chứ?
Văn đang nghĩ ngợi lung tung, chợt nghe có tín hiệu điện thoại. Anh áp máy vào tai:
- Alô! Tôi là Văn đây.
Bên kia đầu dây, tiếng bà Nhân lo lắng:
- Văn! Cháu đang ở đâu đấy?
- Dạ...... cháu..... cháu ở nhà ạ. Có việc gì không bác?
- Hơn chín giờ đêm rồi mà Đoan đi chưa có về. Lúc chín giờ, bác sai thằng Long lái xe tới nhà con My đón, mới phát hiện ra Đoan nó nói dối bác, nhà con My chẳng có tiệc tùng gì cả.
Văn hoảng hốt:
- Bác nói vậy có nghĩa là.......
- Là con Đoan trốn nhà đi chơi với đám bạn của nó. Chẳng hiểu chúng tốt hay xấu. Văn ơi! Bác lo quá. Hay là giữa cháu với con Đoan đã xảy ra chuyện gì rồi, phải không Văn?
Văn ấp úng:
- Thưa.... không.......
- Bác nghĩ là có đấy Văn. Thôi, để sau hẵng nói, mau đi tìm con Đoan về đây cho bác, cháu một hướng thằng Long một hướng. Bác rất nóng ruột vì lo chuyện bất trắc xảy ra co Đoan, Văn ơi.
- Xin bác bình tĩnh. Cháu nghĩ Đoan đi chơi đâu đó thôi, chẳng có gì xảy ra đâu.
- Được rồi, được rồi. Cháu tìm Đoan ngay đi.
- Dạ.
Văn vừa lo vừa giận. Có lẽ đó là một cách Đoan trả đũa Văn, cô nhóc muốn làm cho bỏ ghét. Một cô nhóc thiếu suy nghĩ, vậy mà không hiểu tại sao Văn vẫn yêu, yêu điên cuồng như thế này?
Văn tìm các siêu thị, nhà sách, quán ăn, những chỗ mà Văn với Đoan thường đến, hoàn toàn không có bóng dáng của Đoan.
Một ý nghĩ thoáng qua trong óc Văn. Hay là bọn họ đi khiêu vũ? Đoan làm gì có sở thích vào những nơi ồn ào ăn chơi ấy chứ? Mấy lần Văn định đưa Đoan đi khiêu vũ, nhưng mà Đoan bảo Đoan không thích khiêu vũ. Đoan bảo hai đứa ngồi cạnh nhau ở một nơi nào đó yên ả và trò chuyện là Đoan thích nhất. Văn chiều ý Đoan, vậy là chưa lần nào anh đưa Đoan vào mấy nơi như vậy. Bây giờ chẳng lẽ vì giận anh, Đoan theo bạn bè đi...... quậy hay sao chứ? Nếu Đoan trẻ con như vậy, Văn càng dễ mất Đoan hơn nữa.
Tín hiệu điện thoại di động lại reo, lần này là một thằng bạn thân, Tín ồn ào nói:
- Văn! Mày ở đâu? Sao bỏ người yêu đi tự do vậy?
Văn mừng như vớ được chiếc phao, Tín đúng là vụ cứu tinh của anh:
- Tín! Đoan đang ở đâu vậy?
- Vô dụng dữ vậy sao?
- Nói ngay đi, còn ở đó úp úp mở mở.
- Trả lời tao đi, tao mới nói. Mày với Đoan đang xảy ra chuyện gì?
Văn đáp cộc lốc:
- Giận rồi.
- Thì ra vậy! Đoan đang nhảy, quậy tưng bừng đây nè.
- Ở đâu?
- Lại ngay đi, vũ trường "Đêm màu hồng".
- Đêm nay mày làm ở đó à?
- Nếu không làm ở đây, sao tao nhìn thấy Đoan của mày quậy hết cỡ thợ mộc như vậy chứ? Hình như cô ấy uống rượu nữa đấy, Văn à.
Văn cúp máy, anh lái xe như bay đến dancing "Đêm màu hồng". Tín là một thằng bạn học hồi còn ngồi ghế đại học, hiện tại hắn làm quản lý cho mấy cái dancing trong thành phố. Tín quá rành chuyện Văn với Đoan yêu yêu, cãi cãi suốt ngày như vậy rồi.
Văn gửi xe trước cửa, anh đi tìm Tín. Tín đón anh ngay cửa, nói:
- Mày điên rồi hả Văn? Có người yêu xinh như vậy, còn suốt ngày cãi vả giận hờn. Cổ đi với bọn con nít choai choai quậy phá ấy, không có lợi cho mày đâu, Văn ơi!
Văn đẩy vai Tín, anh đi đến chỗ mọi người đang nhảy náo động một điệu nhạc giậm giật, có cả Đoan của anh trong đấy. Đoan đang múa may quay cuồng, hình như Đoan có uống rượu như lời Tín nói, cô đang hưng phần vì chất men kích thích của rượu rõ ràng. Bọn trái gái mà Đoan bảo là bạn của cô đang nhảy cặp với nhau, Đoan cũng cặp với một gã con trai. Lúc hắn choàng cánh tay ngang eo của Đoan để kéo Đoan sát người hắn thì Văn không còn chịu đuợc nữa, anh tiến đến bên Đoan, năm tay cô, kéo mạnh, nghiêm khắc:
- Đoan! Đi về với anh, mẹ bảo anh đưa em về.
Đoan giật tay lại, cô phải đối, miệng có mùi rượu:
- Không. Đoan hứa với bạn là chơi suốt đêm nay. Anh về đi, đừng có ở đây phiền Đoan.
- Đi về nhà. Mau lên!
- Đoan không về! Đoan không về! Anh Văn có quyền gì bắt buộc Đoan phải về chứ?
Giọng Đoan lè nhè.
Văn giận quá, lôi Đoan một cái, cô ngã vào người anh. Tên con trai sấn tới trước mặt Văn, gằn giọng:
- Nãy giờ tôi nể mặt anh nhiều lắm rồi nhá. Nếu không gặp anh ở nhà Đoan, tôi đập anh vỡ mặt. Anh có quyền gì ép buộc cổ chứ?
Đoan hét lên:
- Buông tay Đoan ra!
Nhưng Văn không buông. Anh nắm chặt cánh tay của Đoan, nói:
- Tôi có quyền, tôi là vị hôn phu của Đoan.
- Vị hôn phu thì vị hôn phu. Đoan chưa chính thức là vợ của anh, Đoan có quyền đi chơi với bạn bè.
- Bạn như thế nào? Các người là bạn xấu, lôi kéo Đoan vào những chuyện không tốt. Tại sao Đoan đi nhảy đầm rồi uống rượu chứ? Các người là bạn như thế nào?
Đoan nói:
- Bạn là bạn, chứ còn thế nào nữa, anh Văn?
Văn nhìn Đoan:
- Bạn gì? Em nói rõ lai lịch họ đi.
- Bạn quen ngoài đường, "tứ hải giai huynh đệ", đuợc không anh Văn?
- Đoan! Em dại dột lắm. Em say rồi phải không? Đi! Đi với anh, từ giã chỗ này nhanh lên. Nếu không, nó muốn em như một con bạch tuột đấy.
Đoan ghì lại:
- Không!
Gã con trai nói:
- Buông Đoan ra! Nếu không, đừng trách đấy nhé.
Văn đứng thẳng người, anh gạt ngang hắn:
- Tránh ra!
Rồi anh kéo Đoan đi. Đoan có vẻ nhủn bệu trong cánh tay bảo vệ của Văn. Lúc đó Long vừa đến. Nhìn thấy dáng dấp cao lớn oai vệ củA Long, bọn nhóc tỳ dạt cả ra.
Văn dìu Đoan, Long đi sau hộ vệ. Họ ra đến xe, gặp Tín, anh phụ dìu Đoan vào xe của Long rồi đóng cửa lại. Long lái xe ra khỏi cửa vũ trường. Văn chạy theo sau. Một lúc họ đã về đến nhà.
Đoan không say mấy, có lẽ cô chỉ uống vài ba ngụm rượu thôi. Nhưng lần đầu tiên dùng rượu, ít cũng hóa thành nhiều, khiến cô nhỏ....... quậy kinh khủng!
Long lái xe vào sân đã thấy bà Việt Nhân đang lo lắng đứng chờ trên thềm. Bà hỏi ngay:
- Gặp con Đoan không?
Long dừng xe, mở cửa:
- Thưa có ạ.
- Nó đang ở đâu vậy?
- Thưa, cổ đang.....
- Có gì khó nói vậy Long?
- Dạ, trong vũ trường "Đêm màu hồng" khiêu vũ với bạn ạ.
- Thì ra là bạn xấu! Văn! Dìu em vào nhà giùm bác đi. Đã khuya rồi còn làm phiền cháu, áy náy quá. Chỉ tại Đoan hư thôi. Cháu có giận nó, xin trách bác trước, bác không quản lý được con, "mủi dại lái chịu đòn", Văn ạ!
Văn rất buồn trong lòng, vừa giận vừa thương, giận vì Đoan nông nỗi, thương vì Đoan ngây thơ khờ dại, cũng may là lần đầu và Đoan chưa bị chúng hại. Chẳng hiểu chúng là ai? Khi Đoan bảo "Tứ hải giai huynh đệ", Văn cũng đoán đuợc chút ít về lai lịch của họ. Đó là những người bạn không tốt mà Đoan tình cờ kết bạn ở đâu đó trong lúc giận Văn. Đoan "quậy" để trả đũa Văn cho đã nư giận. Đúng là trẻ con! Trẻ con và buớng bỉnh không chịu được.
Bà Việt Nhân ấn Đoan vào salon, nghiêm khắc hỏi:
- Hãy nói cho mẹ biết. Mấy đứa đó là ai?
Đoan ngả đầu ra nệm, xoải hai cánh tay, lắc đầu:
- Chúng là "tứ hải giai huynh đệ", chúng là những anh hùng thời đại, thích và kết bạn với những kẻ mà mình cho là anh hùng hảo hán, có gì không đúng đâu mẹ?
- Con điên thật rồi.
Rồi bà quay sang Long:
- Long! Gọi chú ra đây cho ta.
- Vâng, thưa cô.
Lập tức, ông Việt Nhân từ trên lầu đi xuống, chiếc áo ngủ còn khoác trên người. Đã khuya rồi mà, bây giờ là khoảng mười giờ đêm.
Bà Việt Nhân nhìn chồng:
- Đoan không đi tiệc cưới, nó đi khiêu vũ đấy, ông biết chưa?
- Khiêu vũ có sao đâu nào?
- Ai cha! Ông dung dưỡng cho nó hư hay sao vậy? Thử ngửi xem, nó sặc mùi rượu.
Đoan đập tay lên mặt nệm:
- Uống rượu là đồng minh của ba, phải không ba?
Ông Việt Nhân trừng mắt:
- Con hư dữ vậy sao Đoan? Dối gạt cha mẹ để đi chơi những chuyện hư thân mất nết, rồi Văn sẽ đánh giá sao về con?
Đoan ngồi thẳng người, quơ tay:
- Con không cần anh Văn đánh giá. Đánh giá thế nào mặc anh, liên can gì tới con?
- Đoan! Tại sao con ăn nói hồ đồ như vậy chứ? Văn là gì của con, con không nể mặt Văn sao hả?
- Con làm gì phải nệ mặt ảnh chứ? Con là con, anh Văn là anh Văn, đường ai nấy đi, không phiền lụy nhau.
Ông Nhân nói:
- Thôi, bà đưa con đi ngủ đi, để tôi nói chuyện với Văn.
Đoan đứng lên, giọng lè nhè:
- Ba nói gì với anh Văn thì nói, đừng có bàn đến chuyện giữa con với ảnh. Chúng con thỏa thuận chia tay rồi.
Ông Nhân tròn mắt:
- Cái gì mà chia tay? Đoan à! Con điên rồi sao hả?
- Chia tay, sao lại gọi là điên?
- Ba và bác Hưng đều biết chuyện con với thằng Văn thương nhau mà?
- Thương và chia tay, đâu ràng buộc nhau, hết thương thì chia tay chứ ba?
Ông Nhân nhìn Văn:
- Văn! Có chuyện gì xích mích vậy?
Văn nói:
- Thưa bác, chỉ là chút giận hờn nho nhỏ thôi. Cháu sẽ thuyết phục Đoan. Chờ cho ngày mai Đoan tỉnh rượu, cháu sẽ năn nỉ cổ.
Ông Nhân gật đầu:
- Thôi được rồi, hai đứa tự dàn xếp với nhau đi nha. Bây giờ thì cháu về nghỉ ngơi để sáng mai còn làm việc, bác sẽ rầy dạy con Đoan lại, nhé!
- Dạ.
Đoan nói:
- Con không có say, chỉ một chút xíu rượu vang, làm gì say? Anh Văn! Xin đừng liên can đến công việc của Đoan nữa. Chúng mình đã thỏa thuận chia tay rồi kia mà?
Văn im lặng, trái tim nhói đau. Đoan không say, Đoan còn lý trí để khẳng định rằng cô với anh đã chia tay nhau. Đoan không còn thương Văn nữa, nhưng điều Văn không hiểu là tại sao Đoan có thể hết thương Văn nhanh như vậy, nhanh đến nỗi Văn không thể nào tin trong lòng Đoan không còn thương yêu anh nữa.