Dịch giả Tịnh Minh
Chương 9
Ba Lần Chứng Kiến

Một hôm, có người nói trước mặt hoàng tử là cỏ xanh mơn mởn đã dàn trải khắp công viên, chim chóc đón xuân rộn rã cành cây, sen nở tưng bừng khắp các mặt hồ. Thiên nhiên đã bẻ gãy những xiềng xích ảm đạm của mùa đông; và, các cô thanh nữ giờ đây nhởn nhơ thưởng ngoạn trong các hoa viên tươi thắm quanh thành. Thế là, như một thớt voi bị giam giữ lâu ngày trong chuồng, hoàng tử dứt khoát rời khỏi hoàng cung.
Vua biết điều ước nguyện của hoàng tử nhưng không có cách nào ngăn cản.
Ngài suy nghĩ: "Nhưng ta sẽ không cho Tất Đạt Đa nhìn thấy bất cứ điều gì có thể làm đảo lộn tâm hồn trong trắng của chàng. Con ta sẽ không bao giờ được nghi ngờ là trên đời này có những điều xấu xa đau khổ. Ta sẽ truyền lệnh không cho những kẻ hành khất hay đau yếu tật nguyền lang thang khốn đốn trên đường."
Kinh thành phải được trang hoàng cờ hoa rực rỡ; một cổ xe lộng lẫy đã được chuẩn bị để hoàng tử du ngoạn; và, không một kẻ tàn tật, già nua, hành khất nào được phép lảng vảng trên phố chàng qua.
Đến giờ du ngoạn, vua cho triệu hoàng tử đến, ngài ôm hôn trán con với hai hàng nước mắt ròng ròng; ngài âu yếm nhìn con và nói: "Đi đi con!" chấp thuận cho con du ngoạn nhưng trong lòng ngài lại nghĩ khác.
Cổ xe chở hoàng tử được làm bằng vàng do một phu xe cầm cương vàng điều khiển bốn con ngựa mặc giáp vàng kéo. Chỉ những ai đẹp đẽ, trẻ trung, sang trọng mới được phép xuất hiện trên đường phố. Họ dừng lại để ngắm chàng qua và ca ngợi chàng đủ cách. Số thì ca ngợi chàng có ánh mắt hiền hòa, số thì tán thán chàng có đường đường phong cách, số thì xưng dương chàng có vẻ đẹp tuyệt vời, số thì hết lời với chàng về sinh lực sung mãn... Họ cuối đầu thi lễ hoàng tử như những lá cờ nhấp nhô phất phới trước mặt tượng thần.
Nghe tiếng bàn tán vui vẻ ngoài phố, các cô phụ nữ trong nhà thức dậy, bỏ dãi công việc gia đình, chạy vội đến các cửa sổ hay leo thẳng lên sân thượng. Họ đua nhau ngắm chàng bằng ánh mắt tôn vinh thán phục và nói nhỏ với nhau: "Làm vợ một người như thế thì hạnh phúc biết bao!"
Nhìn vẻ huy hoàng rực rỡ của kinh thành, vẻ giàu sang sung túc của dân chúng, vẻ đẹp đẽ yêu kiều của phụ nữ, hoàng tử cảm thấy một niềm vui mới lạ tràn ngập tâm hồn.
Nhưng rồi có một cụ già chống gậy xuất hiện, người ngợm rách rưới lụ khụ, gân suốc bày ra cùng mình, miệng răng lắp bắp, da thịt nhăn nheo, trên đầu loe hoe vài sợi tóc bạc nhớp nhúa, hai mắt đỏ ngầu không có lông mi, đầu cổ tay chân đều bị phong giật.
Thấy lão khác với mọi người chung quanh, hoàng tử nhìn lão bằng ánh mắt đau buồn và hỏi người xà ích:
"Lão già tóc bạc, thân thể co quắp kia là ai? Sao lão lại tì hai tay xương xẩu của lão vào một khúc cây, hai mắt lão mờ đục, tay chân lão run rẩy, lão là quái vật ư? Thiên nhiên đã hủy hoại lão như thế hay đó là việc ruổi rọ!"
Người xà ích lẽ ra không được trả lời nhưng anh bỗng dưng rối loạn tâm trí, không biết lỗi lầm, anh đáp:
"Cái tàn phá sắc đẹp, tiêu hao sinh lực, gây khổ đau, hoại lạc thú, giảm trí nhớ, diệt cảm giác, đó là cái già. Nó đã tóm lấy lão, bẻ gãy lão. Lão cũng một thời là em bé say sưa trên vú mẹ; cũng một thời bò chơi lổm ngổm trên sàn nhà; rồi lớn lên, khỏe mạnh, trẻ đẹp; rồi đến bóng chiều xế hoàng hôn của tuổi tác; và bây giờ, hoàng tử nhìn lão xem, sức tàn hại chính là cái già."
Bị xúc động mãnh liệt, hoàng tử hỏi:
"Số phận của ta cũng sẽ như thế sao?"
Người xà ích đáp:
"Tâu hoàng tử, một ngày nào đó tuổi xuân cũng sẽ giã từ hoàng tử, và cái già chắc chắn sẽ mang khổ đau đến cho hoàng tử. Thời gian sẽ làm hao mòn sinh lực và cướp mất vẻ đẹp của chúng tạ"
Giật mình như con bò mộng nghe sét đánh, hoàng tử lắc đầu, thở phào. Đảo mắt nhìn từ lão già bất hạnh đến quần chúng tươi vui, chàng thốt ra những lời nghiêm trọng:
"Cái già làm hại trí nhớ, sắc đẹp và sinh lực con người như thế mà nhân loại vẫn chưa khiếp sợ! Xà ích, hãy quay ngưa., chúng ta về. Làm sao ta có thể vui thú trong hoa viên khi mắt ta chỉ nhìn thấy cái già, tâm ta chỉ nghĩ đến cái già?"
Hoàng tử trở về hoàng cung nhưng chàng không tìm đâu ra sự an lành. Chàng lang thang qua các cung điện với tâm tư khắc khoải u buồn, chàng lẩm bẩm: "Cái già! Ồ, cái gìa!"
Tuy nhiên, hoàng tử quyết định du ngoạn một lần nữa.
Lần này, Tất Đạt Đa thấy một người bịnh gớm guốc đứng lù lù giữa đường, chàng chăm chăm nhìn người bịnh và hỏi xà ích:
"Ngừơi bụng phình to kia là ai? Hai tay hắn khô đét buông thỏng, thân hình tái nhợt, Miệng mồm thều thào thê thảm. Hắn thoi thóp; xem kìa! hắn lảo đảo chen lấn với người qua đường; hắn té kìa! Xà ích, xà ích, người ấy là ai?"
Người xà ích đáp:
"Tâu hoàng tử, người đó đang bị tật bịnh dày vò đau đớn. Hắn mắc bịnh hiểm nghèo. Hắn là hiện thân của sự suy nhược. Hắn cũng một thời khỏe mạnh cường tráng!"
Hoàng tử nhìn hắn với lòng thương hại, chàng hỏi người xà ích:
"Nỗi đau khổ này đặc biệt dành riêng cho người ấy hay tất cả chúng sanh đều bị bịnh tật hành hạ?"
Người xà ích đáp:
"Chúng ta cũng có thể bị khốn khổ như thế. Tật bịnh đe dọa khắp hoàn cầu."
Nghe sự thật đau đớn này, hoàng tử rùng mình như ánh trăng lung linh phản chiếu trên mặt sóng đại dương. Chàng thốt lên những lời xót xa cay đắng:
"Nhân loại thấy khổ đau bịnh tật nhưng không bao giờ đánh mất lòng tự phụ! Ồ, kiến thức của họ cao siêu biết bao! Họ thường xuyên bị tật bịnh khống chế nhưng vẫn nói cười vui vẻ! Xà ích, hãy quay ngựa. Cuộc du ngoạn thú vị của chúng ta đã kết thúc. Chúng ta hãy về hoàng cung đi thôi. Ta đã biết lo sợ bịnh tật. Ta muốn tránh xa lạc thú, tâm hồn ta giờ đây đã khép kín như đóa hoa thiếu ánh sáng mặt trời."
Hoàng tử trở về hoàng cung với tâm tư gói niềm đau đớn.
Nhận ra vẻ u buồn của con, vua Tịnh-Phạn hỏi sao hoàng tử không du ngoạn nữa, người xà ích kể lại những gì đã xảy ra. Vua đau buồn; ngài tự thấy người con yêu quí nhất đời của ngài đã bỏ ngài. Mất hẳn tính điềm đạm sẵn có, ngài lên tiếng giận dữ trừng phạt kẻ có bổn phận làm sạch đường phố, nhưng vì bản chất hiền hòa của vua nên lệnh phạt được ân giảm. Người có trách nhiệm làm sạch đường phố cũng ngạc nhiên thấy mình bị phạt, vì anh không thấy lão già người bịnh nào cả.
Lo lắng hơn bao giờ hết, vua không biết làm sao ngăn ngừa hoàng tử khỏi từ bỏ hoàng cung. Ngài đem đến cho hoàng tử nhiều lạc thú hy hữu, nhưng hình như không có gì làm xiêu lòng Tất Đạt Đạ Vua nghĩ: "Ta sẽ đưa hoàng tử du ngoạn một lần nữa xem sao! Có lẽ con ta sẽ lấy lại niềm vui đã mất."
Ngài nghiêm cấm tất cả những kẻ tật nguyền, đau yếu, già nua ra phố. Ngài còn thay luôn người xà ích của hoàng tử. Ngài cảm thấy chắc chắn là lần này sẽ không có gì làm đảo lộn tâm hồn của Tất Đạt Đa.
Nhưng lần này chàng lại thấy cảnh bốn người khiêng một xác chết với nhiều người khác theo sau khóc than thảm thiết. Chỉ có hoàng tử và người xà ích là thấy cảnh thê lương đó.
Hoàng tử hỏi:
"Bốn người kia đang khiêng ai lại có kẻ mặc đồ đen theo sau khóc than thê thảm thế?"
Người xà ích lẽ ra phải giữ niềm an tịnh cho hoàng tử, nhưng một sức mạnh nào đó buộc anh phải trả lời:
"Tâu hoàng tử, người ấy không còn trí khôn, cảm giác hay hơi thở nữa. Hắn ngủ vùi vô tri vô thức như cỏ cây gỗ đá. Khoái lạc và khổ đau đối với hắn giờ đây trở thành vô nghĩa. Bạn cũng như thù, tất cả đã vĩnh biệt hắn."
Hoàng tử hoảng hốt hỏi: "Đây là trường hợp đặc biệt cho người ấy hay chung cuộc như thế đang chờ đón tất cả chúng sanh?"
Người xà ích đáp: "Chung cuộc như thế đang chờ đón tất cả chúng sanh. Mọi người sống trên đời, dù sang hay hèn, tất yếu đều phải chết."
Hoàng tử Tất Đạt Đa giờ đây mới hiểu cái chết là gì. Thay vì bình tĩnh, chàng rùng mình. Chàng phải tựa vào cổ xe và thốt lên những lời u buồn chua xót:
"Vận số đưa đẩy cái chết đến với tất cả chúng sanh như thế mà loài người vẫn không sợ, vẫn tự mua vui trong muôn ngàn cách khác nhau! Cái chết sắp đến nơi mà con người vẫn thênh thanh trên đường nhân thế với lời ca khúc nhạc trên môi. Ồ, ta nghĩ tâm hồn của loài người đã biến thành chai đá! Xà ích, hãy quay ngựa, đây không phải là lúc nhởn nhơ du hý qua các hoa viên. Làm sao một người nhạy cảm, biết rõ cái chết, lại có thể tìm kiếm thú vui trong giờ phút thống khố?"
Nhưng người xà ích vẫn theo lệnh vua, tiếp tục đưa hoàng tử đến hoa viên, và cũng theo lệnh của Tịnh-Phạn, Ưu Đà Di (Udayin), con trai của vị đạo sĩ hoàng triều và là bạn thân của Tất Đạt Đa từ nhỏ, đã tập hợp nhiều mỹ nữ có tài ca múa xướng hát và nghệ thuật làm tình tại đó.