Dịch giả Tịnh Minh
Chương 36
Phật Rời Thành Ca Tỳ La Vệ

Một hôm, Da Du đôn hậu đứng nhìn con trai La-hầu-la (Rahula) của nàng.
Nàng ca ngợi: "Con trai của mẹ đẹp làm sao! Đôi mắt của con long lanh quá! Cha của con còn nợ con một di sản hiếu đạo; con phải đi đòi nó lại."
Mẹ con dắt nhau lên sân thượng của hoàng cung. Đức Thế Tôn từ hòa nhẹ bước trên đường phố bên dưới. Da Du nói với La-hầu-la:
"La-hầu-la, con thấy vị sa môn kia không?" Cậu bé đáp: "Vâng, thưa mẹ, thân Ngài đầy cả vàng."
"Ngài đẹp như thiên thần! Chính hào quang thánh thiện từ trong da thịt Ngài tỏa ra như vàng. Con ơi, hãy quí Ngài, hãy yêu quí Ngài, vì Ngài là cha của con. Xưa kia Ngài có những bảo vật quí giá. Ngài có nhiều vàng bạc ngọc ngà rực rỡ; giờ đây, Ngài lại đi khất thực từng nhà. Nhưng Ngài đã có được một kho tàng tuyệt diệu: Ngài đã chứng đắc vô thượng bồ đề. Con ơi, hãy đến gặp Ngài; hãy nói cho Ngài biết con là ai, và đòi lại di sản của con."
La-hầu-la vâng lời mẹ. Cậu đến đứng ngay trước mặt Phật. Cảm thấy một niềm sung sướng kỳ lạ, cậu nói:
"Bạch Ngài sa môn, thật là hân hạnh cho con được đứng đây, đứng trong bóng mát của Ngài."
Đức Thế Tôn ngắm cậu bằng ánh mắt yêu thương, từ ái; La-hầu-la bạo dạn chạy đến bên Ngài. Nhớ lời mẹ dặn, cậu nói:
"Thưa cha, con là con của cha. Con biết cha có nhiều bảo vật quí giá nhất đời. Xin cha trả lại di sản đó cho con."
Đức Thế Tôn mỉm cười. Ngài không trả lời. Ngài tiếp tục khất thực. La-hầu-la lẻo đẻo theo sau Ngài, cậu lập lại:
"Thưa cha, xin cha trả lại di sản đó cho con."
Cuối cùng đức Thế Tôn nói;
"Này con, con chưa biết gì về cái kho tàng mà con đã nghe nhiều người ca ngợi. Khi con đòi lại di sản của con, con nghĩ là con đang đòi hỏi những đồ vật mang tính chất suy hoại. Những bảo vật duy nhất theo con là những bảo vật thân thiết với sự trống không hư ảo của loài người, những bảo vật mà cái chết tham tàn cướp đoạt của những người giàu có giả tạm. Này La-hầu-la, con có quyền đòi hỏi di sản của con. Con sẽ được chia phần châu báu; con sẽ thấy bảy loại đức hạnh, con sẽ biết giá trị đích thực của đức tin và thanh khiết, khiêm tốn và cẩn trọng, vâng phục, hy sinh và trí tuệ. Đi, cha sẽ giao con cho tôn giả Xá-lợi-phất; tôn giả sẽ giáo dục con."
La-hầu-la lặng lẽ theo cha, Da Du cảm thấy lâng lâng sung sướng. Chỉ có quốc vương Tịnh-Phạn là đau buồn; gia đình quốc vương đang từ biệt quốc vương! Ngài không thể không bộc lộ tâm tình với Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn đáp: "Đừng đau buồn gì cả, những ai nghe theo ta sẽ có được kho tàng cao quí! Không có gì phải đau buồn; hãy như thớt voi lâm trận bị trúng tên độc của kẻ thù: không ai nghe voi than phiền bao giờ. Quốc vương khéo điều voi ra trận thế nào thì bậc vĩ nhân trên đời cũng khéo tự điều phục mình thế đó, người ấy dằn được đau khổ. Ai thật tình khiêm tốn, ai chế ngự tham dục như chúng ta điều khiển ngựa hoang, người ấy sẽ bị thiên thần đố kỵ. Người ấy không bao giờ làm ác. Không phải trong hang động của núi rừng, không phải dưới vực sâu của biển cả, quốc vương không thể trốn đâu được những hậu quả tai hại của một ác nghiệp; chúng theo Ngài mãi mãi; chúng in vết trong ngài; chúng bắt ngài điên loạn; chúng cho ngài hưởng được một chút thanh bình! Nhưng nếu ngài làm việc thiện, khi ngài giã biệt trần gian, ngài sẽ được thiện nghiệp của ngài đón chào, giống như những người bạn thân đón ngài từ xa về. Chúng ta sống trong hoàn toàn hạnh phúc, chúng ta không hận thù giữa một thế giới tràn ngập hận thù. Chúng ta sống trong hoàn toàn hạnh phúc, chúng ta không tật bệnh giữa một thế giới dẫy đầy tật bệnh. Chúng ta sống trong hoàn toàn hạnh phúc, chúng ta không lao nhọc giữa một thế giới dẫy đầy lao nhọc. Chúng ta sống trong hoàn toàn hạnh phúc, chúng ta không có gì cả. Nguồn vui là lương thực của chúng ta, chúng ta như những thiên thần rạng rỡ. Vị sa môn nào sống trong cô đơn, thầy ấy sẽ duy trì được một tâm hồn tròn đầy an tịnh, thầy ấy sẽ thấy rõ sự thật bằng một cái nhìn sáng suốt vững vàng, thầy ấy sẽ hưởng được một nguồn hạnh phúc mà thế nhân không sao hiểu nổi."
An ủi quốc vương Tịnh-Phạn được đôi lời, Đức Thế Tôn rời thành Ca-tỳ-la-vệ, Ngài lên đường trở lại thành Vương-xá.