Dịch giả Tịnh Minh
Chương 6
Tất Đạt Đa Thiền Định Lần Đầu

Hoàng tử mỗi ngày một khôn lớn và đến lúc cho hoàng tử theo học với Tỳ-xa-bà-mật Đa-la (Visvamitra), bậc tôn sư chuyên dạy nghệ thuật tác văn cho các vương tôn công tử của dòng tộc Thích-ca.
Tất Đạt Đa được giao cho thầy chăm sóc. Họ trao cho hoàng tử một miếng gỗ bạch đàn có mạ vàng và viềng ngọc chung quanh để viết. Cầm miếng gỗ trên tay, hoàng tử thưa:
"Bạch thầy, thầy định dạy con học thứ chữ nào?"
Kể qua một loạt sáu mươi tư loại chữ khác nhau, hoàng tử lại thưa:
"Bạch thầy, trong sáu mươi tư loại chữ đó, thầy định dạy con học thứ chữ nào?"
Tỳ-xa-bà-mật Đa-la không đáp được, thầy sững sờ kinh ngạc, cuối cùng thầy nói:
"Thưa hoàng tử, ta thấy ta không có gì để dạy hoàng tử. Trong số những loại chữ mà hoàng tử vừa kể, ta chỉ biết tên một vài loại, số còn lại ta chưa hề nghe nói bao giờ. Chính ta phải ngồi học dưới chân hoàng tử. Không! thưa hoàng tử, ta không có gì để dạy hoàng tử."
Thầy mỉm cười và hoàng tử cũng đáp lễ bằng một cái nhìn trìu mên.
Từ giã Tỳ-xa-bà-mật Đa-la, hoàng tử đi về miền quê và bắt đầu nhắm đến một ngôi làng. Trên đường đi, chàng dừng lại để ngắm một số nông phu đang lao động dưới ruộng; rồi, vì trời mưa và nắng gắt, chàng phải ghé vào một khóm cây hấp dẫn giữa đồng để nghỉ mát. Hoàng tử đến ngồi dưới một bóng cây; chàng bắt đầu suy tư và không mấy chốc chàng đã mất hút vào cảnh giới thiền định.
Năm du sĩ đi ngang qua cánh đồng cỏ, thấy hoàng tử đang thiền định, họ hỏi sau:
"Phải chăng ngài ngồi nghỉ kia là một thiên thần? Có thể Ngài là thần tài hay thần tình ái? Có thể Ngài là thần sấm Indra hay thần mục đồng Krishna không chừng?"
Nhưng rồi họ nghe có giọng người nói:
"Ánh rực rỡ của thiên thần cũng phải phai nhạt trước hào quang của hoàng tử Thích-Ca đang ngồi trầm tư về những sự thật cao quí dưới cội cây kia!"
Bấy giờ tất cả họ đều lên tiếng ca ngợi:
"Đúng thế, Ngài ngồi thiền định dưới cội cây kia có những dấu hiệu vạn năng, Ngài ấy chắc chắn sẽ thành Phật!"
Họ tán dương hoàng tử, người thứ nhất cất tiếng hát: "Trần gian bị lửa dữ tàn phá, Ngài đến như hồ nước trong xanh. Giáo pháp của Ngài sẽ tắm mát nhân thế."
Người thứ hai: "Trần gian bị vô minh bao phủ, Ngài đến như ngọn đuốc sáng ngời. Giáo pháp của Ngài sẽ mang ánh sáng đến cho nhân thế."
Người thứ ba: "Trên biển khổ đau, thuyền bè khó bề qua lại, Ngài đến như một con tàu. Giáp pháp của ngài sẽ đưa nhân thế vào bến an lành."
Người thứ tư: "Những ai bị khổ đau xiềng xích, Ngài đến như đấng cứu đời. Giáo pháp của Ngài sẽ giải thoát cho nhân thế."
Người thư năm: "Những ai bị lão bịnh thúc bách, Ngài đến như vị cứu tinh. Giáo pháp của Ngài sẽ giải thoát sanh tử."
Họ đảnh lễ hoàng tử ba lần rồi tiếp tục lên đường.
Trong khi đó, vua Tịnh-Phạn lo ngại không biết chuyện gì đã xảy đến cho hoàng tử, ngài phái nhiều cận thần đi tìm chàng. Thấy chàng đang nhập định, một cận thần tiến đến gần, rồi bỗng dưng đứng lại, trố mắt thán phục. Các bóng cây đã đổ dài trừ bóng cây chỗ hoàng tử ngồi. Nơi đây bóng cây đứng yên; nó vẫn che mát hoàng tử.
Cận thần chạy về hoàng cung tâu vua:
"Tâu bệ hạ, hạ thần đã thấy hoàng tử; chàng đang nhập định dưới một cội cây mà bóng mát vẫn đứng yên trong khi những bóng cây khát thì đổ dài.
Tịnh-Phạn rời hoàng cung, theo quan cận thần đến nơi hoàng tử đang nhập định. Sung sướng đến bật khóc, ngài tự nhủ:
"Con ta đẹp như một ngọn lửa trên đỉnh núi cao. Hoàng tử làm ta chói mắt. Thấy hoàng tử nhập định, tay chân ta bủn rủn. Hoàng tử sẽ là ngọn đèn sáng của thế nhân."
Cả vua quan không dám lên tiếng hay cử động. Nhưng có vài em bé đang kéo một chiếc xe nhỏ băng ngang qua đó, chúng nói cười ầm ỹ, quan thần nói nhỏ với chúng:
"Các em không được làm ồn."
"Sao vậy?" chúng hỏi.
"Thấy ai nhập định dưới cội cây kia không? Hoàng tử Tất Đạt Đa đó. Bóng cây không rời hoàng tử thấy chưa. Các em không được quấy phá hoàng tử, các em không thấy hào quang của hoàng tử sáng như mặt trời sao?"
Hoàng tử xả thiền, đứng dậy, đến gần phụ vương tâu:
"Tâu phụ vương, chúng ta nên nghỉ canh tác dưới ruộng. Chúng ta phải tìm ra những sự thật cao quí."
Hoàng tử trở về thành Ca-tỳ-la-vệ.