Mẹ và con
Phần 2

Ngồi trước chúng tôi là hai mẹ con. Chị Trần Thị Lư và cháu Nguyễn Giáng Tiên, học sinh lớp 8A, Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Thanh Hoá. Vào tháng Ba này° (°năm 1998), cháu Giáng Tiên mới tròn 13 tuổi. Người gầy nhỏ, xanh tái. Trông cháu chỉ như một đứa trẻ lên mười. Vậy mà Giáng Tiên đã là tác giả của bốn tập truyện ngắn dày dặn: Truyện của Giáng Tiên (1996), Từ nhà đến trường (1997), Mẹ bán xôi (1997), Thím. Dần (1998). Đọc Giáng Tiên, nhiều người tỏ ra kinh ngạc vì giọng văn linh hoạt, già dặn, sắc sảo và đặc biệt là khả năng sử dụng ngôn ngữ của cháu. Không ít người còn tỏ ra nghi ngờ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi những tài năng bẩm sinh thường rất khó lý giải.
- Tôi là một người thất học, chú ạ. - Chị Trần Thị Lư bắt đầu câu chuyện. - Tôi sinh năm 1946 ở Quảng Lưu, Quảng Xương. Vùng quê tôi nghèo lắm. Có thể nói Quảng Xương là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hoá. Đến nay, nhờ chính sách đổi mới, nhiều người dân Thanh Hoá đã trở thành triệu phú. Nhưng dân Quảng Xương vẫn còn ăn độn. Không ít người đói dài. Tôi có bảy anh chị em, hầu hết là mù chữ. Nam 1965, tôi vào thanh niên xung phong. ở đơn vị tôi có người từng là giáo viên, sinh viên. Nhiều lớp học bổ túc được thành lập. Nhờ thế mà tôi biết đọc, biết viết Tháng 6 năm 1966, khi được kết nạp Đảng, tôi còn chưa biết chữ, phải nhờ người làm đơn, khai lý lịch. Đơn vị tôi có 150 người, hầu hết là dân Quảng Xương. Chúng tôi đóng quân ở Quảng Bình. Nhiệm vụ của chúng tôi là mở đường và bảo đảm cho con đường thông suốt qua bến phà Long Đại. Đến năm 1966, tôi là trung đội trưởng của đơn vị thanh niên xung phong 104. Trung đội tôi giữ ngầm Bùng. Đó là một lèn đá nằm vắt dưới một con suối khá rộng. Địch ném bom suốt ngày đêm. Cả một vùng trắng lốc. Dân đưa nhà xuống hầm. Chúng tôi cũng ở hầm. Dứt bom là xông ra mặt đường ngay. Tôi bảo chị em, nó đánh thì mặc nó. Nó cậy nhiều bom đạn thì cứ cho nó thả sức vung vít. Bom nó ném chưa chắc đã trúng. Mà có trúng thì cũng chưa chắc đã chết. Giết được người cũng không dễ đâu. Khi thấy bom thì cứ úp mặt xuống đất, kệ cho mảnh bom muốn chém đâu thì chém, nhưng đừng để nó chém vào mặt. Phải giữ lấy mặt để sau này còn đi lấy chồng. Đàn bà, con gái có mỗi cái mặt mà lại để bom đạn nó vầy hỏng thì bi thảm lắm, sợ lắm. Vậy mà lạ chú ạ, cả đơn vị tôi có đến hơn trăm người, ở giữa sa trường, ngày nào cũng mù mịt bom đạn như thế mà chẳng có ai làm sao cả? Tuyệt nhiên không bị sứt sẹo gì?
Tôi ngạc nhiên:
- Chị không nói đùa đấy chứ?
Chiến tranh không bao giờ là trò đùa cả. Ngay bản thân tôi, tôi cũng thấy vô lý, không thể tin được. Chúng tôi ở chiến trường đâu có ít, 5 năm trời liền cơ mà. Sau đó, đơn vị tôi còn vào sâu trong Trường Sơn. Công việc chính cũng vẫn là mở đường. Mùa mưa, quần áo hong sặc sụa khói, lúc nào cũng ẩm sì. Suốt những năm bom đạn ấy chị em chỉ bị hắc lào và lang ben.
- Thế thì lạ thật, chị ạ, ở chiến trường ác liệt đơn vị đông như thế mà lại chăng có ai làm sao cả. Chuyện này mà kể, có thể có người sẽ không tin.
- Tôi cũng thấy khó tin, nói chi thiên hạ. Thực tình trong số anh em chúng tôi ra đi đợt ấy, cũng có hai người hy sinh. Nhưng cả hai người ấy đều đã rời khỏi đơn vị. Người thứ nhất là anh Thắng, quê ở Quảng Xương, được tổng đội rút lên làm lính thông tin. Anh ấy đi rải dây, oái cảm sao, về đến đúng cổng đơn vị cũ, là đơn vị chúng tôi thì vướng bom từ trường. Chúng tôi tìm gom nhặt anh ấy thì chỉ còn một chỏm tóc và nửa cánh tay. Người thứ hai là cậu Uống Ngọc Màng, cậu này đẹp trai lắm, hát rất hay. Tổng đội rút lên cho đi văn công, thế rồi cũng bị bom chết trên đường biểu diễn. Còn anh em ở lại đơn vị thì chẳng có ai làm sao cả. Hình như bom đạn nó kiềng chúng tôi hay sao ấy.
- Chị lại đùa rồi!
- Tôi đâu có đùa. - Chị Lư cười tủm tỉm. - Tôi kể chuyện này, có khi chú cũng lại không tin nốt. ấy là vào dịp Tết năm 1967. Năm đó bom đạn ác liệt lắm. Nhưng ngày Tết thì tạm ngưng bắn. Cả hai bên đều tuyên bố như thế. Thông thường chúng tôi làm suốt đêm, ngày chui vào hầm ngủ chỉ trừ có chuyện đột xuất như tắc đường, có người bị thương, có hầm bị sập, hay xe cháy chẳng hạn, thì chị em mới xông ra. Có được ngày thanh bình, chị em phải tranh thủ chớp thời cơ chứ. Chúng tôi xuất quân vào đúng sáng mùng 1 Tết. Cả đơn vị đổ hết ra đường, chỉ còn lại mấy chị em ở nhà làm cỗ Tết. Bữa cỗ đó khá linh đình, bởi thủ trưởng Hoàng Trá, binh trạm trưởng binh trạm 14 tặng đơn vị chúng tôi cả một con lợn gần 70 ký. Ai ngờ Mỹ lật lọng. Chúng ào đến ném bom vào giữa trưa mùng một Tết. Bom trúng tim đường, nhưng chẳng ai làm sao cả. ở nhà, một quả bom tấn choang vào giữa bếp, vào đúng chảo thịt lợn mới ác chứ? Chị em dạt xuống dưới khe đá, thoát nạn. Nhưng chảo thịt lợn thì biến mất, biến đến không còn một mẩu khấu đuôi. Chị em cứ tiếc rẻ: Khổ, nhà có cỗ, chỉ canh chừng chó, mèo! Ai ngờ Giônxơn lại lẻn vào, xơi vụng luôn cả chảo thịt lợn! Tiếc đến đứt ruột!!'
Nói rồi, chị Lư cười. Nụ cười sáng bừng cả gương mặt xương xương, khắc khổ. Tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên:
- Đúng là chị có những chuyện quả khó tin thật?.
- ấy chính vì thế mà tôi mới nhớ, và nhớ rất dai. Cả chuyện này nữa chứ. Đó là vào giữa năm 1968, vừa xong đợt Tổng tiến công Mậu Thân, binh trạm 14 mở Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua. Cả đơn vị tôi chỉ có hai người được đi dự. Anh Đoàn Mẫn, chính trị viên là khách mời, còn tôi là đại biểu chính thức. Chúng tôi vượt rừng, lội suối, cuốc bộ suốt một ngày, đến sẩm tối thì tới địa điểm họp. Đó là một hang đá rất rộng, chứa được đến ngàn người ở một hốc núi thuộc cây số 14 đường Trường Sơn. Trước khi đi, tôi bảo chị em: Các cậu cố gắng chịu khó đảm đương phần việc của mình giúp mình nhé. Mình đi ăn cỗ, khi về, thế nào cũng có phần. Mình sẽ để phần các cậu. ở Đại hội thật vui, chả phải làm gì, chỉ phát biểu rồi hát, rồi vỗ tay, rồi ăn liên hoan với rau môn thục, rau tàu bay, và măng rừng. Tối đi ngủ, lại có chiến sĩ gánh nước từ suối lên cho mình rửa chân. Thật chẳng khác gì ông hoàng, bà chúa. Khi ban tổ chức gọi tôi lên nhận phần thưởng, tôi ngượng quá. Anh Mẫn phải nhận thay. Một gói khá to. Tôi không dám mở, cứ ôm khư khư về. Chuyến này thì cả đơn vị sẽ được một bữa vui vẻ rồi. Nhưng khi mở ra thì chỉ có mấy mét vải xô, một bằng khen vẽ bằng tay, và bốn cái quai dép cao-su. ối giời? Chúng tôi mừng đến ứa nước mắt. Tôi chia cho chị em. Ai được, chúng ta cũng mừng, còn ai không có cũng đừng tị nạnh, thắc mắc, kẻo rồi lại phải ân hận. Chúng mình có thể sống nay, chết mai. Thế nhưng rồi chẳng ai chết cả. Chú bảo thế có buồn cười không?
Chẳng có gì buồn cười cả. Nhưng với người phụ nữ quả cảm này thì tất cả những chuyện nguy hiểm khi đã vượt qua rồi đều có thể trở thành những chuyện buồn cười. Tôi tò mò:
- Chị phục viên năm nào?
Khi tạm ngừng bắn. Vào năm 1970, tôi chuyển về Tỉnh đoàn Thanh Hoá. Tổ chức tạo điều kiện cho tôi đi học. Nhưng tôi không học được, chú ạ. Đau đầu lắm. Bom đạn nó kiềng mình, cái chữ nó cũng kiềng mình. ở tỉnh đoàn ít năm, tôi chuyển sang kho lương thực Thanh Hoá. Năm 1990, tôi về hưu. Nhà tôi cũng về hưu rồi. Ông ấy trước cũng là thanh niên xung phong. Chúng tôi gặp nhau ở chiến trường rồi yêu nhau. Bây giờ, ông ấy yếu lắm, bao nhiêu năm bị bệnh đường ruột, ông ấy chỉ ăn rau, không ăn được chất đạm. Nhiều lúc, nhất là khi trở giời, ông ấy nằm liệt giường. Nhưng chúng tôi sống rất hạnh phúc. Lương của tôi với nhà tôi, cộng tất cả được bốn trăm ngàn đồng. Nhà tôi năm miệng ăn. Hai vợ chồng, hai đứa con gái và ông bố đẻ tôi năm nay 83 tuổi. Khi nhận lương hưu, tôi để riêng ra hai trăm ngàn là tiền cho hai cháu học thêm, 50 ngàn tiền điện, 150 ngàn để đong gạo. Còn tất cả mọi chi phí của cả nhà, đều nằm trong nồi xôi của tôi. Ngày nào, tôi cũng đi bán xôi nuôi các cháu ăn học và nuôi cả gia đình. Tôi bảo, bố mẹ thất học rồi. Các con phải chịu khó học và học thật giỏi. Được cái các cháu nhà tôi học tốt lắm. Con gái đầu lòng của tôi, cháu Hoài Thu hiện đang học lớp 12 Trường chuyên Lam Sơn. Vừa rồi, cháu đoạt giải nhì toàn tỉnh kỳ thi học sinh giỏi tiếng Pháp. Hiện cháu đang ở đội tuyển chuẩn bị tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Cháu Giáng Tiên cũng là một học sinh giỏi văn của tỉnh.
- Chị có đọc truyện của Giáng Tiên không?
Chị Lư lắc đầu:
- Tôi bận tối mắt tối mũi, làm sao còn có thời gian nào nữa mà đọc sách, hả chú. Thấy cháu cứ hí hoáy viết, viết rồi xoá, phí giấy quá. Tôi cắn răng sắm luôn cho cháu hai cái bảng với hộp phấn, để cháu có thể viết suốt ngày, viết quanh năm.
- Cháu viết văn trên bảng à?
Tôi ngạc nhiên quay lại hỏi Giáng Tiên. Cháu bé cười ngón nghén, rồi chỉ lên hai cái bảng đen đóng liền nhau, chạy dọc suốt một gian nhà:
- Vâng. Bản thảo của cháu đấy. Chỗ nào không ưng, cháu xoá đi, viết lại. Khi nào chữ kín đặc hai cái bảng rồi thì cháu cho hết truyện luôn...
Tôi bật cười. Có lẽ trên đời này, chẳng có nhà văn nào viết văn như Giáng Tiên. Viết bằng phấn trên bảng. Chữa bản thảo cũng trên bảng. Thế mà lại chỉn chu. Câu chữ vẫn cứ đâu ra đấy.
Tôi tò mò:
- Cháu viết mỗi truyện lâu không?
- Cũng tuỳ thôi, chú ạ. Có truyện ngắn cháu viết đến nửa tháng, ví như truyện Mẹ bán xôi, cháu viết về mẹ cháu, cả những chuyện của mẹ cháu hồi còn là thanh niên xung phong. Có truyện cháu viết nhanh, như Chiếc xe đạp cọc cạch, cháu viết về chiếc xe của chị Thu cháu. Hay như truyện Thím Dần, truyện Bác Xác, cháu viết cũng nhanh lắm. Bác Xác là bác họ cháu. Bác ấy nghiện rượu, khổ lắm. Cháu viết xong truyện, chưa kịp đọc cho bác ấy nghe thì bác ấy đã chết rồi. Các nhân vật của cháu đều là những người có thật. Cháu không bịa đâu, chú ạ. Hàng ngày, các nhân vật của cháu có thể đứng trước bảng, xem truyện của chính họ. Chỗ nào không đúng, họ góp ý cho cháu sửa. Có người bực quá, họ xoá béng đi. Thế là mất đứt cái truyện.
Lại còn thế nữa. Có lẽ chẳng có tác giả nào gần gũi nhân vật của mình như nhà văn nhí Giáng Tiên. Nhân vật có thể nổi loạn, chống lại nhà văn và phá luôn tác phẩm. Tôi tò mò:
- Cháu đọc nhiều không? Cháu thích nhà văn nào nhất?
- Trước đây, cháu đọc ít vì không có sách. Mà sách đắt lắm. Mẹ cháu không thể mua nổi. Vừa rồi, khi tập truyện ngắn: Từ nhà đến trường của cháu được Nhà xuất bản Kim Đồng in, cháu ra Hà Nội nhận sách, nhận nhuận bút, các cô chú ở Nhà xuất bản cho cháu cả một ba-lô sách, cháu mang về nhà, đọc suốt đêm. Truyện nào cháu cũng thấy hay.
Chị Lư cười:
- Năm vừa rồi, thầy Lê Đình Hinh, giám đốc Sở Giáo dục Thanh Hoá trao cho cháu phần thưởng của Quỹ tài năng trẻ. Trường ngoại ngữ Hoàn Cầu của thành phố Hồ Chí Minh cũng trao tặng cháu mỗi năm một suất học bổng trị giá 100 đô la. Tôi để cháu mua sách hết. Năm tới, tôi đã chuẩn bị sẵn phương án rồi. Nếu cháu Hoài Thu đỗ đại học, tôi gửi ông ngoại về quê cho dì nuôi. Bố cháu ở lại Thanh Hoá nuôi cháu Giáng Tiên. Còn tôi theo cháu Thu ra Hà Nội. Sáng tôi đi bán xôi, chiều tôi bán rau, lấy tiền nuôi cháu Thu học đại học. Các con tôi phải tốt nghiệp đại học. Có thể sau này ra trường, chúng cũng lại thất nghiệp, lại đi bán xôi như tôi thôi. Nhưng dù là người bán xôi thì cũng phải là người bán xôi có trình độ đại học. Trước đây, bom đạn thằng Mỹ còn chẳng giết nổi mình. Bây giờ cả nước hoà bình rồi, chả lẽ cái nghèo, cái khó lại đầu độc mình, lại giết mình chết dần chết mòn sao? Chuyện ấy mới khó tin nhất. Vì nó vô lý lắm. Vô lý đùng đùng...