Trần Anh Thái, bạn tôi
Phần 2

Thơ ca đồng nghĩa với cái đẹp, thuộc về phái đẹp. Bởi vậy, người ta gọi nó là nàng thơ. Tôi cứ hình dung nàng là một người đàn bà kiều diễm và lẳng lơ. Đã thế, nàng còn có đôi mắt lác ướt át. Chính con mắt lác này đã làm khổ người đời. Bởi anh nào theo đuổi nàng, cũng ảo tưởng ngỡ nàng liếc mắt đưa tình với mình, ngỡ nàng ngắm mình đắm đuối lắm. Thực tình, nàng chỉ là một mụ đỏng đảnh ích kỷ, nhưng rất có ý thức về cái nhan sắc đẹp đến bí hiểm của mình. Nàng núng nính đi giữa giới mày râu, con mắt lác lúng liếng tự ve vuốt hai bờ vai thon thả, óng nuột của chính mình. Nàng tự yêu mình đấy. Vậy ma gã si nào cũng ảo tưởng là đang được nàng yêu. ấy thế mới khổ. Khối anh hoá thân tàn ma dại vì đeo đuổi nàng. Tôi có một anh bạn là nhà kinh doanh giám đốc công ty giày dép, một ông chủ giàu có, của nả đề huề, thế rồi đùng một cái, hoá ra anh ngẩn ngơ, đến nỗi phải bán vật liệu, bán xí nghiệp rồi bán nốt cả đất cát, nhà cửa, làm cái anh phá sản, chỉ còn thiếu nước đứng đường. Khổ? Ăn phải bả nàng đấy? Lại có anh nửa đêm đến gõ cửa buồng tôi: Giời ơi, tao buồn quá, mày ạ? Hôm nay có hai thằng nát rượu phóng Honđa, nó vặn đèn to hết cỡ, rồi dang tay ra chặn tao. Láo! Tao phóng thẳng vào giữa mặt chúng, thì giời ơi, hai thằng giời đánh ấy lại có phép tàng hình. Nó biến thành xe tải. Lù lù một cái bò ma. Chính cái thằng bò ma này đã nghiến Xuân Quỳnh với Lưu Quang Vũ đấy. Láo? Tao lao thẳng vào mũi nó. Chứ lại sợ nó à? Tao không sợ thì tất nó phải sợ tao. Thằng lái nhảy xuống, lạy như bổ củi: Bố ơi, con biết bố muốn thăng thiên rồi. Nhưng bố thương con với. Con còn cả một đống vợ con, con mà rũ tù thì chúng nó chỉ còn một cách là đi ăn mày. Thôi, con biếu bố một trăm ngàn để bố uống rượu. Rồi bố tha cho con! Hề? Thế là tao tha đấy. Tha? Biết thân biết phận thế thì tha. Láo?
Rồi anh khóc ồ ồ. Gương mặt xồm xoàm râu ria nhem nhuốc nước mắt. Rồi anh ngồi bệt xuống sàn nhà, rút trong cái túi vải đựng thơ một chai rượu đế, rót ồng ộc ra cái cốc vại: Sao, mày không uống được rượu à? Tịt hoàn toàn à? Giời ơi, thế thì mày khổ quá? Tao thương mày quá? Mày là thằng bất hạnh nhất thế gian này! Giời cho mày một tí may mắn, nhưng giời lấy đi của mày nhiều thứ quá. Mày có biết mày là thằng khốn khổ, khốn nạn không, hở Khoa? Tao thương mày quá
Thế là anh lại khóc. Khóc vì thương tôi. Còn tôi thì trố mắt nhìn anh. Không ngờ anh đến nông nỗi này. Một kỹ sư hoá, phó tiến sĩ hoá học, từng du học nhiều năm ở nước ngoài, về làm ở nhà máy bánh kẹo. Một nhà máy lớn có tiếng. Nhiều lần cắp cặp đi nước ngoài. Anh không còn thiếu thứ gì. Nhưng những cái anh có, anh lại không thiết. Anh chỉ thích cái anh không có. Đó là thơ ca. Đối với anh, chỉ thơ ca là vĩnh cửu. Bởi thế, anh quyết làm thi sĩ. Nhưng chưa kịp thành thi sĩ, anh đã hoá con ma men mất rồi. Ăn phải bả của cô nàng mắt lác ấy rồi!
II
Gần đây cái cô nàng quái quỷ này lại bỏ bùa mê thuốc lú một ông bạn nữa của tôi. Đó là nhà báo Trần Anh Thái, một anh chàng lanh lợi, thông minh, đầu óc lúc nào cũng tỉnh queo như sáo tắm. Thực tình, Thái phải lòng cô ả này từ lâu lắm rồi, đâu như hồi anh mới vào bộ đội, và rồi còn từ trước đó nữa, thuở anh còn là một chú học trò nhà quê, sống ở miền đồng bãi Thái Bình. Thế rồi đắn đo mãi, rụt rè mãi, đầu năm 80, anh mới chính thức thỏ thẻ bộc lộ tình yêu của mình với nàng. Bức thư tán nàng đầu tiên, là bài thơ anh kể chuyện mấy ông bộ đội sau chiến tranh, đi khai hoang làm kinh tế ở Tây Nguyên. Bài thơ in trên báo Quân đội nhân dân này đã mang đến cho anh niềm vinh quang mà anh, một người lính từng bị thương trong trận mạc, đang lặn lội dưới các đơn vị cơ sở không ngờ tới. Nghĩa là đọc thơ anh, bạn đọc thấy có thể trao cho anh cái giải nhất về...báo chí. Những người có con mắt xanh ở báo Quân đội nhân dân đã nhắc anh lên toà báo. Rồi từ đấy, bạn đọc quen dần với tên tuổi anh, một cây bút sung sức ứng chiến trên nhiều thể loại, đề tài. Anh viết phóng sự, ký sự, bút ký, truyện ngắn. Rồi đùng cái, anh ném ra cuốn tiểu thuyết dày cộp Số phận nghiệt ngã. Đến cuốn sách nặng trịch như một viên gạch xỉ này người ta tưởng anh đã đoạn tuyệt với cô nàng thi ca. Có lẽ chính nàng cũng tưởng anh bỏ nàng mà tháo chạy. Ai ngờ đó là đòn nghi binh. Rồi đột ngột anh vu hồi đánh úp nàng. Anh tấn công cô nàng tới tấp. Ròng rã một năm trời, khắp trong Nam, ngoài Bắc, cả ở những vùng địa phương hẻo lánh, đến đâu tôi cũng nghe thấy tiếng trống trận thì thòm của Trần Anh Thái. Rồi cứ một hai ngày, anh lại nhét qua cửa sổ phòng tôi một tờ báo có in trát lệnh của anh. Trát lệnh truy bắt nàng thơ. Tập thơ Độc thoại trắng là một tập hợp những chiến mã và giáo mác của anh trong các trận huyết chiến ấy. Liệu anh có chinh phục được trái tim đỏng đảnh của cô nàng trái tính trái nết đó không?
Có đấy!
ấy là khi anh ngồi trước mộ cha, anh thắc thỏm chờ tiếng rao đêm của bà già bán bánh khúc, anh thổn thức trước căn lều dột nát của ông già đánh cá ngoài đồng không mông quạnh. Tôi hiểu vì sao có lúc Trần Anh Thái buồn nẫu, gương mặt xương xương vốn hoạt bát, linh động, bỗng thoắt sâm sẩm héo hắt như vòm cây vừa tắt nắng. Trong một lần như thế, Trần Anh Thái đọc cho tôi nghe một bài thơ về đêm lễ giáng sinh. ấy là đêm Noel. Người ta nô nức đến nhà thờ. Người ta muốn làm người thánh thiện, muốn vươn tới cõi thiện nhằm tiếp cận với Chúa. Nhưng những con người luôn tôn thờ Chúa kia lại quên mất một điều: Chúa chẳng phải ở nơi xa xôi nào cả. Chúa đang hiện hình thành một người đàn bà nhà quê hành khất, đói rét và còm cõi, đang lập cập chìa bàn tay ra, lòng bàn tay mà có nhà thơ đã viết là sâu như cõi thế gian ấy, để cầu xin chút lòng thánh thiện của người đời, ở ngay trước nơi ngự trị của Chúa Lòng Lành. Nhưng rồi chẳng có một ai để ý đến bà già. Và hôm sau, vị Chúa giáng thế ấy đã bị cái đói, cái rét đóng đanh câu rút ngay trên ghế đá vườn hoa.
Trần Anh Thái ngồi lặng. Mái đầu rũ xuống. Hai tay chấp chới như muốn vén một bức màn vô hình nào đó. Phải, có lẽ đó là bức màn ngôn ngữ chăng? Chính bức màn âm u ấy đã che khuất tầm nhìn của người đọc, khiến họ không nhìn thấy rõ thoi những cái anh đã thấy. Con người vốn thung thăng, lúc nào cũng tươi bưởi, cười nói tuế toá như một gã địa chủ được mùa này, ai ngờ lại đeo trong ngực mình một trái tim phụ nữ đa sầu, đa cảm. Một mình tôi với chiều tà đa mang. Đấy là một nét chân dung mà Trần Anh Thái tự phác hoạ mình. Phải! Anh là một người đa mang. Anh biết rung động trước nỗi khổ của những con người bất hạnh. Bằng sự rung động này, anh đã tiếp cận được với thơ ca. Mới hay, cái cô nàng kiều diễm, nhưng khủng khỉnh trái nết có tên là thi ca này, cũng có một trái tim trắc ẩn. Bởi thế, thơ ca dường như chỉ đồng hành với những nỗi đau khổ của thế gian thôi. Trần Anh Thái đã nắm được cái gót chân Asin ấy. Tuy nhiên, để chinh phục hoàn toàn trái tim cô nàng, ngoài việc hiểu nàng một cách sâu sắc và thấu đáo như vậy, lại còn cần phải có một cái lưỡi thuyết khách. Bởi nàng là phái đẹp. Phái đẹp yêu bằng tai, chứ đâu có yêu bằng mắt. Về khả năng thuyết giáo này, Trần Anh Thái chưa phải là một người giàu kinh nghiệm. Bởi có lúc, anh còn tỏ ra lúng túng, ngượng nghịu. Nhưng người đời vẫn quên đi cái dáng vẻ vụng về ấy để đón nhận tấm lòng chân thành của anh. Bởi thơ ca, suy cho cùng, vẫn là tiếng nói của tấm lòng. Nói như một nhà thơ nước ngoài:
Nếu ai biết để trái tim mình nói
Thì người đó mới là thi sĩ
Còn một nhà thơ thông thái khác thì xui: Bạn hãy gõ vào trái tim người đọc. Thơ ca nằm ở đó
Trần Anh Thái không phải chỉ biết gõ vào trái tim ta, anh còn nồng nhiệt trao cho ta cả trái tim nhiều trắc ẩn của anh. Đó là trái tim của một thi sĩ