Giáo sư Nguyễn Lân
Phần 2

Tôi biết giáo sư Nguyễn Lân đã lâu. Biết từ trước khi được vinh hạnh gặp ông. ấy là vào những năm 67, 68 gì đó. Khi ấy tôi bắt đầu nhi nhoe làm thơ và đã có thơ in trên các báo. Lúc bấy giờ, người làm thơ còn ít lắm, trẻ con làm thơ lại càng ít. Bởi thế mà nghiễm nhiên, tôi trở thành của hiếm. Nhà tôi lúc nào cũng nườm nượp khách. Nhiều cô bác đến thăm tôi, còn mời tôi đi các hội nghị đọc thơ, nói chuyện thơ. Tôi nhớ có lần, tôi đã xúc động kể về thầy giáo của mình. Thầy dạy chúng tôi hồi đầu lớp Một được mấy tháng thì thầy lên đường nhập ngũ. Năm sau, thầy hy sinh ở Khe Sanh trong một trận chiến đấu giáp lá cà với lính dù Mỹ. Thầy chiến đấu rất dũng cảm, bắn đến viên đạn cuối cùng và hy sinh như một người anh hùng. Rồi tôi đọc bài thơ viết về thầy. Đọc và giàn giụa nước mắt. Vậy mà người nghe lại rúc rích cười. Thoạt đầu chỉ có mấy người ở hàng ghế trên. Rồi thì cả hội trường đều cười. Đến thế là có chuyện rồi. Tôi hoảng quá. Chắc chắn mình đã có gì sơ suất. Tôi lặng lẽ và bí mật kiểm tra lại quần áo, đặc biệt là mấy hàng cúc. Không, không có gì luộm thuộm. Tất cả đều chỉn chu, nghiêm túc. Tuyệt không có lỗi gì hết. Vậy thì tại sao thiên hạ lại cứ rúc vào lưng nhau mà cười nhỉ? Chuyện mình kể có gì đáng buồn cười đâu. Bài thơ khóc thầy lại càng không thể cười được. Vậy thì tại sao nhỉ?
Sau khi rời khỏi diễn đàn, tôi mới biết mọi người không nhịn được cười vì tôi nói ngọng. Lẫn lộn giữa l và n. Nhược điểm ấy thì tôi đã biết. Nó là cái tật mà tôi không sao sửa được. Trừ Trần Nhuận Minh, anh cả tôi, rời làng từ năm tôi mới có một tuổi, để làm ông giáo ở xứ người, còn thì cả nhà tôi nói ngọng, cả làng tôi nói ngọng, thầy cô giáo tôi cũng nói ngọng nốt. Thế thì làm sao mà tôi sửa được cái tật đã trở thành thổ ngữ của cả một vùng đất. Sau này, có một thầy giáo ở Trường đại học Sư phạm về quê tôi thực tập. Thấy tôi nói ngọng thầy tặng tôi cuốn Từ điển chính tả. Cuốn sách dày đến mấy trăm trang, in rất đẹp bằng một thứ giấy trắng và mỏng. Vào những năm chiến tranh khốc liệt, ba đứa chung một cuốn sách giáo khoa in bằng giấy rơm đen nhẻm, cỏ được một cuốn sách sang trọng như thế, đâu có dễ. Tác giả cuốn sách ấy là giáo sư Nguyễn Lân. Cứ theo lời thầy thì giáo sư Nguyễn Lân là một học giả lớn. Cả đời ông cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Ông không tiếc sức mình trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thấy ai đó nói ngọng, hoặc viết sai tiếng Việt là ông đau đớn lắm, bứt rứt lắm. Lũ trẻ nhà quê chúng tôi cứ quây quanh thầy mà nghe chuyện ông. Chuyện nào cũng có những tình tiết lạ lùng, nghe còn hấp dẫn hơn cả những câu chuyện cổ tích. Ví như có lần, người ta mời giáo sư Nguyễn Lân đến dự một bữa tiệc linh đình. Mọi người đã ngồi vào bàn. Rượu cũng đã rót ra cốc. Nhưng rồi giáo sư Nguyễn Lân thấy chén rượu đắng ngắt khi nhìn thấy trên tường có một dòng khẩu hiệu viết sai đến mấy lối chính tả. Thế là ông đùng đùng bỏ tiệc ra về. Ông không còn bụng dạ nào mà ăn nổi bữa tiệc ấy. Rồi lại một lần khác nữa lần này còn ác chiến hơn. Máy bay Mỹ nhào tới. Bom nổ dữ dội. Giáo sư Nguyễn Lân chạy ra càn hầm công cộng của khu phố, thấy trên nóc hầm lô lố một dòng chứ cũng lại viết sai chính tả: Hầm chú ẩn. Ông đâu có phải là chú. Thế là ông nhất quyết không chịu chui xuống hầm, mặc cho bom nổ xung quanh....
Mãi đến sau này, tôi mới có dịp được gặp giáo sư Nguyễn Lân. Đó là một chiều hè năm 1970. Lần ấy, giáo sư đi cùng với các thầy giáo Trường đại học Sư phạm. Đoàn đi Hải Phòng, rồi tiện đường tạt qua nhà tôi. Tôi rất ngạc nhiên khi trong đoàn có giáo sư Nguyễn Lân. Ông khác hoàn toàn so với những gì tôi đã mường tượng. Một ông già thanh mảnh, nhanh nhẹn trông hoạt bát như thanh niên. Vậy mà ông là nhà văn, cùng thời với cụ Hoàng Ngọc Phách, tác giả tiểu thuyết Tố Tâm nổi tiếng từ năm 1925, năm mà bà mẹ tôi mới có 5 tuổi. Nguyễn Lân là tác giả của bốn cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trước cách mạng, trong đó, cuốn Cậu bé nhà quê từng được dịch sang tiếng Pháp được đưa vào sách giáo khoa văn học phổ thông thời bấy giờ. Rất tiếc, tôi chưa được đọc bộ sách này của ông, nhưng cứ như lời nhận xét của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Khải thì văn chương Nguyễn Lân rất mềm mại và uyển chuyển, đọc thấy thật, tránh được khuôn sáo và biền ngẫu, tên nhân vật cũng giản dị, không réo rắt trong những cái tên kép như tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách. Nghĩa là ông viết đã rất hiện đại, như văn chương của thời 40, 45. Sau này, do bận công tác giảng dạy và mải mê theo đuổi nhiều công trình khoa học, ông không còn thời gian dành cho văn chương. Suốt đời ông cặm cụi trong công việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tôi hỏi ông về những câu chuyện thầy giáo kể thuở nào. Ông cười điềm đạm:
- Đấy là giai thoại thôi, cháu ạ. Giai thoại thì có thể đúng, có thể người ta bịa ra cho vui. Bác rất yêu tiếng Việt. Vì nhiều người, trong đó có cả nhà văn nữa, cũng nói sai, viết sai tiếng Việt mà bác cặm cụi làm Từ điển tiếng Việt. Nhưng yêu tiếng Việt mà bom nổ cũng không chịu xuống hầm chỉ vì cửa hầm có dòng chữ viết sai chính tả thì là anh dở hơi, hoặc mất trí.
Nói rồi ông cười. Tiếng cười rất sảng khoái. Tôi biết ông nói rất thật lòng. Ông khuyên tôi phải chữa ngọng. Nhà văn mà nói ngọng thì không thể chấp nhận được. Rồi ông kể cho tôi nghe về một học giả nước ngoài. Ông ta cũng có tật nói ngọng. Để khắc phục cái căn bệnh ấy, cứ sáng sáng, ông lại ra bãi biển, đặt viên sỏi vào lưỡi rồi tập nói. Ông nói át cả tiếng sóng biển. Cứ cần mẫn như thế, ông chữa được tật nói ngọng. Sau này, ông còn trở thành nhà hùng biện, có khả năng thôi miên cả một biển người.
Tôi gặp giáo sư Nguyễn Lân có một lần như thế. Sau này, tôi còn nhận được thư ông. ấy là khi tôi đoạt giải nhất cuộc thi văn lớp 7 toàn miền Bắc (Thời bấy giờ nước ta còn bị chia cắt). Bài văn đại loại: Bạn em học giỏi toán, nhưng lại không thích văn. Em hãy thư cho bạn nói cái hay, cái đẹp của văn học. Tôi đã viết một bài văn nghị luận theo dạng một bức thư cho bạn, bàn về cái hay cái đẹp của văn chương. Bài viết dài đến 8 trang giấy. Không ngờ lại được giải nhất với điểm ưu tuyệt đối 20/20. Nhiều người gửi thư đến chúc mừng tôi. Nhưng giáo sư Nguyễn Lân thì tỏ rõ sự thất vọng. Ông chê văn tôi viết lủng củng. Lý lẽ không chặt chẽ, thiếu sự giản dị và trong sáng của tiếng Việt. Tôi rất biết ơn lời nhận xét đó của ông. Những điều ông nói là nghiêm túc và đúng đắn. Sau này, tôi nhiều lần đến Nhà xuất bản Giáo dục, tìm anh Nguyễn Nghiệp, đề nghị rút bài văn đó ra khỏi tập văn tuyển dù nó đã từng được giải cao nhất, là bài văn hay nhất của một thời, nhưng không thể lấy cái vẻ đẹp đã trở thành ấu trĩ, lạc hậu của một thời ấy ra làm mẫu cho học sinh bây giờ được.
Sau này, tôi ít có dịp gặp giáo sư Nguyễn Lân, nhưng lại có nhiều thời gian tiếp xúc với các con ông. Đó là giáo sư Nguyễn Lân Dũng, giáo sư Nguyễn Lân Cường và nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất. Họ đều là những trí thức có nhiều đóng góp cho nền văn hoá nước nhà. Đặc biệt là nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất. Anh hiện đang sống ở Nga, là trưởng khoa sáng tác Nhạc viện Novoxibirk. Anh là một nhạc sĩ rất nổi tiếng ở Liên Xô trước đây, cũng như Nga bây giờ. Tác phẩm của anh đã được nhiều dàn nhạc lớn trên thế giới dàn dựng. Ngoài sáng tác, anh còn có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá Việt Nam. Mới đây nhất là cuốn Sân khấu truyền thông Việt Nam. Cuốn sách dày hơn 200 trang viết bằng tiếng Nga, in với số lượng lớn ở Nga. Nhiều học giả và bạn đọc nước ngoài, qua Nguyên Lân Tuất mà hiểu được bản sắc văn hoá Việt Nam, các loại hình và những nét đặc sắc của sân khấu truyền thống nước Việt. Không ít các giáo sư Nga đã lấy cuốn sách của anh làm tài liệu giảng dạy về sân khấu phương Đông, khi bàn đến tiến trình phát triển của sân khấu thế giới. Đó là một công trình đặc sắc của Nguyễn Lân Tuất. Tôi rất mong cuốn sách ấy sớm được dịch ở Việt Nam. Năm nay giáo sư Nguyễn Lân đã ở tuổi 95. Chỉ vài năm nữa thôi là ông sống trọn một thế kỷ. ở tuổii 95, ông vẫn cặm cụi làm việc với một trí tuệ minh mẫn hiếm có. Công trình gần đây nhất của ông là bộ đại từ điển Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, in khá lớn, dày hơn 2000 trang, với nhiều chú giải cặn kẽ, nhiều ví dụ sinh động được lấy từ các bài báo, các truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ ca của các nhà văn, nhà thơ từ thời cụ Nguyễn Du cho đến tận bây giờ. Tôi thấy số lượng sách giáo sư đọc thật khủng khiếp. Có bao bộ Từ điển do cả một tập thể đảm trách mà còn nhiều sai sót, bất cập, khiến báo chí phải lên tiếng. Bộ Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam đồ sộ này, chỉ một mình giáo sư Nguyễn Lân đảm đương. Tất nhiên trong cuốn đại Từ điển này, có thể vẫn còn có điều ta cần bàn thêm với ông. Nhưng ngay cả những người khe khắt nhất cũng phải công nhận thái độ rất nghiêm túc và khoa học của ông. Một mình ông làm bằng công việc của cả một viện ngôn ngữ. Công trình đồ sộ ấy, ông lại hoàn thành ở cái tuổi 95. ấy là một kỷ lục không phải ai cũng có thể lập được.