Chuyện của người thu mua giấy vụn
Phần 1

Tặng cô bé Lê Huyền Dương
Dung là cô gái quê. Tôi gặp cô trong quán cơm bụi bên hè đường ngõ phố tôi ở. Cứ như lời cô thì ở quê khổ lắm. Làm được một đồng cũng rất vất vả. Người ta thuê thằng em trai cô lấy bùn đổ vào gốc chuối. Một lần lặn xuống đáy ao, xúc lên hai gầu bùn, chạy tiếp một quãng nữa mới tới được vườn chuối. Mỗi chuyến với hai gầu bùn đầy ngất mới được một trăm đồng, bằng nửa chén trà ở quán nước hè phố. Cũng không thể trách ông chủ vườn quá ke bo. Một buồng chuối to vật của ông ta có gánh ra chợ bán cũng khó kiếm được chục ngàn bạc. Thế thì ông ta cũng có tiền đâu mà hảo tâm xởi lởi với người được thuê chăm bằm khu vườn.
Dung bỏ quê lên thành phố kiếm sống. Thoạt đầu cô bán rau. Ba giờ sáng ra đón rau ở các vùng ngoại ô chuyển vào, rồi mang đi bán rong. Cô chỉ nhặt đầu chợ, bán cuối chợ. Thế mà ngày cũng kiếm được hơn chục ngàn. Chỉ khổ những lúc gặp phải công an. Mỗi lần như thế là lại chạy toé khói, chạy mất cả dép. Mà chạy cũng chẳng thoát. Có hôm cô còn bị phạt mất hai chục ngàn bạc. Thế là toi đứt cả vốn lẫn lãi. Dung bỏ nghề bán rau, chuyển sang thu mua giấy vụn. Cũng theo lời cô, thu mua sách báo và giấy vụn đỡ vất vả hơn nhiều, lại được tiếng là người có văn hoá, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp của thành phố. Dung lần lên tận tầng năm nhà tôi:
- Gớm cháu cứ phải hỏi thăm mãi. - Dung vừa nói vừa thở hổn hển. - Chú ở cao quá. Nhà chon von như tổ chim chào mào. Đi cứ hun hút như lên sao Hoả. Khiếp. Cháu mệt tưởng đứt hơi. Chú có nhiều giấy loại không? Cháu đoán là chú có nhiều giấy loại lắm. Nhà văn là những người chuyên sản xuất giấy lộn mà.
Nhà tôi không có nhiều giấy lộn. Nhưng sách báo cũ thì vô thiên lủng. Tháng nào tôi cũng phải bỏ ra vài trăm ngàn mua sách báo. Làm cái nghề này cứ phải đọc. Đọc rất nhiều. Có khi chỉ viết mươi dòng về một tác giả nào đó, tôi phải đọc đến hàng ngàn trang sách của anh ta. Có nhiều cuốn thú vị. Nhưng cũng không ít cuốn chẳng có cái thú gì để mà đọc cả. Báo chí cũng thế. Những bài nào hay, những chi tiết nào giá trị có thể sử dụng cho một bài viết nào đó thì quét vào vi tính, lưu lại. Oòn những cuốn sách, những tờ báo không thể đọc lại được thì xếp gọn vào một chỗ riêng. Tôi cho Dung hàng đống sách báo như thế, không lấy tiền.
Nhưng Dung đâu phải kẻ ăn xin. Bù vào số tiền chừng mấy chục ngàn mà tôi không lấy, Dung dọn dẹp nhà cửa cho tôi. Cô lau nhà, dọn bếp, lau khu vệ sinh và ban-công. Cũng coi như bằng số tiền tôi thuê người đến dọn nhà. Thế là cả hai đều thanh toán sòng phẳng, chẳng ai phải nợ ai. Dung muốn có sự thanh thản của người không bị mắc nợ. Cứ thế rồi thành lệ. Tuần nào vào sáng chủ nhật, Dung cũng đến nhà tôi dọn dẹp nhà cửa, rồi mang theo một gánh sách báo..
Thế rồi bẵng đi một thời gian dài, không thấy Dung trở lại. Tôi tưởng cô ốm đau hay có chuyện gì đó phải về quê. Bởi thế tôi vẫn có ý chờ. Nhưng rồi cả tháng sau không thấy. Hàng nửa năm sau nữa cũng vẫn không thấy. Tôi đã mất dần thói quen vào các tối thứ bảy chọn sẵn sách báo cho cô. Rồi tôi cũng quên dần cô gái. Cho đến một hôm... Bữa đó, tôi đi dự đám cưới một người bạn về thì có tiếng gọi rối rít. Tôi dừng xe.
- Chú không nhận ra cháu ư? Dung đây mà?
Quả là nếu cô không xưng danh thì tôi khó lòng mà nhận ra được. Dung phổng phao hơn. Trắng trẻo. Tóc nhuộm mốt Hàn Quốc. Xinh. Thoáng trông, cô như người mẫu thời trang. Không ai nghĩ mấy tháng trước cô còn là gái quê, lại làm nghề thu mua giấy vụn. Cô mời tôi vào nhà. Một căn hộ tầng hai xinh xắn ở một thu tập thể lùi sâu trong ngõ. Nội thất cũng đầy đủ. Xa-lông. Ti-vi. Tủ lạnh. Giàn Sony nội địa. Chỉ thiếu mỗi cái điện thoại nữa là thành một căn nhà hoàn chỉnh. Vậy mà cô lại bảo cô ở nhờ nhà một người bạn ở xóm Liều. Hoá ra cô vẫn giả vờ hoàn cảnh để lừa tôi từ bấy lâu nay. Con người ta bây giờ thật khó tin quá. Ngay cả một cô gái quê cũng rất láu cá...
- Này, chú hỏi thật nhé. Sự thực thì cháu làm ở đâu? - Tôi hỏi.
Dung cười rất hồn nhiên:
- Cháu làm gì có nghề nghiệp. Vẫn đi thu mua giấy vụn mà...
- Thu mua giấy vụn sao không qua chú?
- Nhà chú đằng ấy xa quá. 5 tầng, nhưng thực chất là mười tầng. Leo mỏi cả chân. Mà nhà chú nếu có giấy vụn thì cũng chỉ là giấy vụn thôi. Cháu chuyển sang vùng khác thu mua rồi. Vùng khác hay hơn nhiều. Chú không tin à? Cháu mới tậu được căn hộ này đấy
Tôi ngạc nhiên:
- Thu gom giấy vụn mà tậu được nhà?
- Vâng. Cháu thu gom giấy vụn thật đấy!
Thấy tôi vẫn có vẻ không tin, Dung mới tiết lộ rằng, có một lần, cô đến một biệt thự thu mua giấy báo cũ. Cô chỉ gặp mỗi bà chủ nhà. Cứ như lời cô thì bà chủ tốt lắm.
- Vâng, bà ấy tốt cực kỳ. Tốt y như chú ấy. - Dung khoe. - Bà cho cháu một đống báo cũ không lấy tiền. Cháu định dọn nhà giúp, nhưng bà ấy không khiến. Nhà đã có đến mấy ô-sin rồi. Khi cháu ra cổng, bà còn chạy theo, dúi cho mấy tờ lịch. Mà toàn lịch cũ chưa mở. Lịch một tờ ấy mà.
- Bà bảo: - Ai treo cái đồ thổ tả ấy làm gì. Mày mang về mà dán chuồng gà!
Quả là với căn nhà sang trọng ấy, không thể treo loại lịch phong phanh một tờ như thế này được. Loại lịch đó, chỉ có thể treo ở xó nhà quê. Mà nhà quê người ta cũng chẳng treo, vì đã quá hạn rồi. Có chăng là cắt riêng ảnh ra dán lên tường thay tranh. Thế mà về mở ra, chú biết trong lịch có gì không? Ôi giời đất ơi. Tiền, toàn là tiền đô-la chú ạ. Nhiều lắm. Thế mà bà chủ chẳng biết gì cả. Bà cứ tưởng mấy cuốn lịch vớ vẩn. Cả đời cháu chưa bao giờ nhìn thấy loại tiền ấy, nên thoạt đầu, cháu lại tưởng tiền âm phủ.
Nhưng tiền âm phủ thì việc gì phải bí mật nhét vào ruột cuốn lịch. Mà nhét rất cẩn thận. Cháu chột dạ, mang một tờ ra phố hỏi thì có bà đã trả ngay một triệu tư. Cháu sợ quá, thu hết tiền lại, định mang trả. Nhưng rồi tìm không ra nhà. Cháu chỉ nhớ mang máng nhà bốn tầng, bên ngoài có cổng sắt. Từ cổng vào lại có rất nhiều chậu hoa. Thế mà rồi chịu, không tìm ra được. Bữa đó, tình cờ cháu đi qua cổng, rồi bà ấy gọi vào, nên không để ý kỹ. Cháu định mang tiền nộp công an. Nhưng rồi lại sợ. Cháu sợ các chú ấy nghi cháu buôn hê-rô-in. Chỉ buôn hê-rô-in mới có lắm tiền như thế chứ. Mà nếu các chú ấy tin cháu, lại nghi ngờ bà ấy thì cũng khổ cho bà ấy quá. Bà ấy làm phúc mà rồi lại phải tội. Bây giờ người ta đang chống tham nhũng mà. Cháu nghĩ thế nên thôi.
Ngừng một lát cô bé hỏi:
Thế chú vẫn ở trên cái tổ chào mào cao chót vót ấy à?
- ừ, mà viết văn, viết báo như chú thì làm sao mà xuống tầng được.
- Cũng như bố cháu ấy. Bố cháu là bác sĩ bệnh viện huyện. Nghèo lắm. Bố cháu mổ dạ dày cấp cứu, tiền thù lao không bằng tiền vá một mụn săm xe máy. Thế hay là chú chuyển nghề đi, cháu sẽ giúp chú?...
- Cháu định giúp chú làm gì.
- Cháu rủ chú đi thu mua giấy vụn với cháu.
- Sao chú lại cười? Chú đừng coi thường nghề thu gom giấy vụn nhé. Mèo mù thường chén cá rán, chú ạ? Chỉ vớ được vài quả như cháu là chú đổi đời đấy?