Chương 1

Sáng sớm tinh mơ, tiếng lục lạc reo veo trên đường. Những chiếc xe bánh mì đẫy hơi dừng lại, những chú bé, cô bé đội bánh tiêu, bánh bò ngoảnh lại, những cánh cửa sắt đang mở để bày hàng cũng dừng lại.
Người ta lắng nghe và nhìn cô gái đang tung tăng chạy trên con đuờng còn vắng lặng, đến gần.
Ông chủ sửa xe đạp nói với bà chủ chiếc xe bánh mì:
- Sáng nay con bé chạy bộ.
- Ừ, chủ nhật mà.
Cô bé đội mâm bánh tiêu đầy ắp lo dùm:
- Đây chạy tới đó xa thấy mồ.
Thằng bé sún răng đội mâm bánh bò đủ màu sắc ra vẻ:
- Chuyện! Chỉ tập thể dục đó, mày biết gì! Rồi nó than thở luôn. - Vậy là bữa nay chỉ hổng mua bánh cho tụi kia rồi.
Cô gái đang đẩy cửa sắt cười nói vọng ra:
- Bữa nào đầu tháng kìa, em không để ý sao?
Hai đứa nhỏ ngẫm nghĩ rồi gật đầu:
- À hén!
Cô gái chạy đến, cô hơi dừng lại, chân vẫn nhịp đều, miệng nói như hát:
- Chào! Bán đắt nghe.
Tất cả đều chào lại vui vẻ. Cô gái vẫn đều đặn nhịp trên lòng đường, tiếng lục lạc dưới chân reo rộn rã, cô chu môi hỏi:
- Hôm nay không thấy bác Sáu xích lô?
- Sáng nay ổng đi mối ra bến Miền Đông! - Bà bạn bánh mì trả lời.
Cô gái nhoẻn miệng cười:
- Chào! Hẹn gặp lại!
Cô đưa tay chào như vận động viên chào khán giả giữa sân vân động, rồi tặng tất cả một nụ cười tươi tắn. Chân lại đều bước chạy, tiếng lục lạo reo vang, nhỏ dần.
Dáng cô vận quần sọc màu đỏ với áo thun trắng, tóc túm cao đuôi ngựa cũng nhỏ dần, rồi mất dần ở ngã 5.
Chiếc xe bánh mì lại tiếp tục lăn, những mâm bánh tiêu, bánh bò kèm theo lời rao mời, tiếng cửa sắt kéo lại vang lên nhức óc. Ông chủ tiệm xe đạp lui cui kéo thùng đồ nghề, miệng cằn nhằn thằng con "mất dạy" ngủ tới giờ chưa dậy.
Một ngày mới bắt đầu trên con đường Quang Trung, quận Gò Vấp.
Một ngày mới lại đến với cô gái đeo lục lạc trên chân, và đến với đám trẻ trường Tương Lai trên đường Thái Sơn, nơi ấy là nơi cô gái đến.
Ðêm qua có mưa lớn, nhưng dường như chẳng ảnh huởng gì đến đám trẻ đang nằm chui rúc nhau trên nền xi măng ở bốn gian phòng rộng. Chúng mặc quần áo đủ màu sắc đã bạc màu, hoặc biến thành những màu không có tên gọi. Chúng đắp trên mình tấm chăn vốn là khăn trải bàn hoặc là chiếc mền cũ kỹ, mỏng te. Chúng đắp mà vẫn hở đầu, hở chân, phô cặp đùi khẳng khiu đen cháy. Có đứa không đắp mền, cứ co quắp như tôm luộc, vẫn ngáy pho pho, mặc xác nước bọt chảy ròng ròng ở hai bên mép.
Tiếng kẻng chợt vang lên một hồi dài. Bọn trẻ hầu hết như những máy "rô-bô" vùng dậy. Không gian trở nên náo động bởi những tiếng ngáp cố ý to ra, bởi đám trẻ lao vào những đứa còn ngủ, thọc lét, ngắt mũi, nhéo tai, giựt tóc.
Bọn chúng la ré, í ới:
- Xếp mền mầy!
- Cái áo tao đâu?
- Thằng nào, thằng nào bứt tóc ông?
- Bữa nay đi xúc đất nghe con...
Ở phòng 1, tiếng ré to cộng với những tiếng ồn, khiến cả đám trẻ nhìn về góc nhà:
- Thằng Thân "dấm đài" tụi bây ơi!
Cả bọn ré lên như ong vỡ tổ, xúm vào thằng bé đang túm quần, nép mình vào hóc cửa. Mặt nó đã ốm gầy, giờ xanh tái trông càng tội nghiêp. Nó cà lăm:
- Tao... tao.... đâu..... có..... đái...!
Thằng mặt rỗ chằn a tới chọc tay vào quần rống lên:
- Vậy sao quần mày ướt nhẹp? Ðồ dấm đài... lêu... lêu....
Thằng Thân suýt khóc lại càng cà lăm:
- Rõ... r...àng.... t...ao...có.... đi.... ra..... cầu.... t..i...êu.....mà.
Tất cả cười ồ! La ré náo loạn, chúng quên phéng cả nội quy trường, nhảy cà tưng, hò vè loạn xạ....
- Anh em ơi! Thằng Thân đái dầm.
Ðái ướt hết cả quần cả chăn
Mai khiêng ra ngoài sân cởi truồng
Ðét năm cây vào mông cho chừa...
Ðám nhóc cỡ tuổi 11, 12 mà trông như mới lên 8, 9, tinh quái a vào thằng Thân. Nó la oai oái và rồi oà khóc van xin đám bạn, nhưng chúng bất kể. Thằng Thân nằm trên hàng chục đôi tay khẳng khiu, đen đúa, bé teo ra khỏi phòng. Đám trẻ trường Tương Lai đang giờ làm vệ sinh cá nhân, nên xúm hết vào bể nước, đối diện ngay cửa phòng 1. Nhưng vẫn có một số cả trai lẫn gái thơ thẩn trước sân. Tất cả đều nhìn vào đám trẻ phòng 1 như ong vỡ tổ, đi ra rồi chạy lại.
- Gì vậy? Gì vậy?
Đám trẻ phòng 1 chẳng buồn trả lời, chúng cứ hét toáng lên khi đã đặt thằng Thân xuống.
- A lê! Cởi quần ra!
Thân túm chặt chiếc quần đùi không rõ màu gì, bằng cả hai tay, lưng nó khom lại, mồm lắp bắp, chân luýnh quýnh tụt lùi:
- Đừng!... Đừng!.... t....a.... o.... xin...... t... ụi...... mày.....
Thằng mặt rỗ làm vẻ mặt quan toà:
- Không xin xỏ. A lê, cởi truồng.
Đám trẻ nhao nhao vừa cười, vừa ré:
- Cởi quần! Cởi quần!....
Át cả tiếng la ré là một giọng nói nghiêm nghị rót vào tai cả đám:
- Như vậy là sao? Đội trưởng phòng 1 đâu?
Không gian vụt lặng ngắt như tờ. Đám trẻ quay cả lại nhìn vào người đàn ông cao lớn đang đứng. Chúng đều ngỡ ngàng tự hỏi: "Sao kỳ vậy kìa? Bữa nay chủ nhật mà, sao thầy hiệu trưởng có mặt tại đây? Chủ Nhật không phải lên lớp đọc bài, viết chữ như gà bới trên bảng đen, trước đôi mắt nghiêm trang của thầy giáo. Chủ nhật ngoài giờ làm vệ sinh, lao động, chúng có thể nô đùa, la hét, thỉnh thoảng so tài bằng đôi nắm tay bé tẹo gầy nhom, mà cô trưởng phòng chỉ rầy la chiếu lệ, hoặc mỉm cười khe khẽ lắc đầu. Chủ nhật! Ôi! chủ nhật có biết bao nhiêu điều thú vị...."
Nhưng thầy hiệu trưởng đang đứng đó. Thầy không giận dữ, chỉ có chút nhíu mày trên gương mặt sạm đen, cương nghị, mà chúng thấy rét, dường như ngày chủ nhật đi đoong, qua cái nhíu mày ấy.
Một thằng nhỏ bước ra, nó bận chiếc quần đùi lơ lửng, cái áo trắng cộc tay bạc màu, nút bốn hột khác nhau, nhưng đồng màu, trên cánh tay có chiếc băng đỏ cài bằng kim băng. Nó đứng nghiêm trước người đàn ông, tay bắt lên chào theo kiểu chào đội thiếu niên tiền phong:
- Báo cáo thầy hiệu trưởng, trưởng phòng! Nguyễn Luận có mặt.
Thầy hiệu trưởng nhìn thằng bé từ trên xuống dưới bằng tia nhìn xét nét. Nó đi chân không nhưng chân không dơ, quần áo cũ kỹ, nhưng khá phẳng phiu. Nó đã xếp, vuốt thật thẳng, dưới chân là những cuốn vở, vì hôm nay phiên nó trực nhật - Thầy hiệu trưởng nghĩ thầm - Ðầu nó còn ướt nước, nhưng rẽ ngôi đàng hoàng, và trên guơng mặt tếu tếu, lém lỉnh là đôi mắt buồn, duy có đôi môi đang mím lại như nén nụ cười.
- Em hãy báo cáo tôi nghe!
Thằng Luận vẫn đứng thế nghiêm:
- Báo cáo thầy hiệu trưởng, thằng Thân mấy hôm nay cứ đái dầm, hễ nó nằm ngủ là đái dầm, đến nỗi không còn quần thay, nên các bạn quyết bài trừ tệ nạn đái dầm của nó.
Thầy hiệu trưởng mặt vẫn kín bưng:
- Bài trừ bằng cách nào?
Thằng Luận có chút ngần ngừ. Đám trẻ vụt nhao lên:
- Cởi truồng nó ra, phét 5 cây vào đít.
Và cả bọn ồ lên cười. Chúng nó nắm bắt tình hình rất tài, chúng biết hôm nay có thể giỡn một tí với thầy mà không phải sợ qua lối nói của thầy. Trong lúc thằng Thân tay vẫn túm quần, mặt cúi gầm, nó ước gì có thể chui xuống đất để thầy hiệu trưởng khỏi nhìn thấy. Đám bạn nó thụi cả chục quả đấm, nó đau nhưng không sợ. Cực khổ nó không sợ, nó chỉ sợ ánh mắt buồn của thầy hiệu trưởng và tiếng thở dài của thầy rất nhỏ và sâu. Nhưng không gian dường như im vắng lại, không tiếng cười nói và một bàn tay đã đặt lên vai nó. Bàn tay thầy hiệu trưởng. Nó ngẩng phắt lên, nước mắt bỗng dưng trào ra, nó lắp bắp nức nở:
- E... m.... kh....ông.... muốn.... chỉ.... tự.... nhiên....
Bàn tay người hiệu trưởng siết chặt hơn, trấn an nó và thầy nói rất dịu dàng:
- Thầy biết rồi, em đang bệnh, đừng khóc, qua bệnh xá gặp bác sĩ đi.
Thằng Thân nín khóc lập tức, nó dùng mu bàn tay quẹt nước mắt. Với chút ngơ ngác, đám trẻ nhìn nhau. Đái dầm mà bệnh à? Kỳ a? Chúng nhao nhao, tự động rẽ đường cho thằng Thân đi. Thằng bé không đi, Luận khều vai nó:
- Đi đi Thân!
- Mình... minh... hết... quần... rồ... i...
Cả đám trẻ lại ré lên cười. Chẳng là mấy hôm qua trời mưa, với số với số áo quần quá ít ỏi, thêm chứng đái dầm, mấy cái quần của thằng Thân khô chẳng kịp. Thằng mặt rỗ giờ lên tiếng cứu nguy:
- A lê! Về phòng tao... a.... mình cho mày.... a... không, cho bạn mượn quần.
Cả bọn trẻ cười ồ khi thằng rỗ nắm tay thằng Thân ù chạy. Chúng nó, những đứa trẻ lang thang, phạm pháp, trên khắp mọi miền đất nước được đưa về đây. Chúng quen xin xỏ, lừa lọc, cấu xé, trộm cắp, chớ không quen những lời nói lịch sự. Chúng nó mày tao, chửi thề, không quen gọi bạn xưng tên. Nhưng trước thầy hiệu trưởng, chúng cố lịch sự, dù 10 lần hết 9 chúng vấp váp, lỡ lời...
Thầy hiệu trưởng lắc đầu nghiêm nét mặt:
- Các em cười xong chưa?
Cả bọn rập ràng vẫn toáng lên:
- Cười xong rồi!
Tiếng lục lạc vang lên khiến những lời nghiêm khắc của thầy hiệu trưởng vụt tắt.
Cùng lúc giọng nói trong veo từ sau vang lại:
- Ô! Cười xong rồi hả? Sao không chờ chị cười với.
- À! Chị Châu Hà! Ðám trẻ hò reo nhộn nhạo.
Cô gái đeo vòng lục lạc đã đứng giữa bọn trẻ. Đôi mắt một mí to tròn lấp lánh tia cười, cô nói như hát:
- Chào anh Dũng.
Dũng thở ra rất nhẹ. Vậy là bài nghiêm giáo mình đi đoong. Cô bé ngây thơ và đáng yêu đến độ anh không thể từ chối bất cứ điều gì cô yêu cầu. Nhưng anh cố nghiêm nghị:
- Chào cô!
Ðôi mắt một mí càng mở to:
- Sao lại là cô? Chào em, Châu Hà! Anh thường nói vậy mà.
Dũng thở ra:
- Chào em! Châu Hà!
Cô bé cười trong vắt như tiếng lục lạc khua dưới cườm chân:
- Hôm nay chủ nhật, em đến chơi với các em cả ngày, anh cho phép không?
- Được! Nhưng Châu Hà đừng phá vỡ nề nếp ngày chủ nhật của các em nhé! Tỉ dụ như...
- Trước hết vệ sinh phòng ở, lao động hàng ngày quanh trường, giặt áo quần, vệ sinh thân thể, sau đó ăn cơm, đi ngủ trưa, đọc sách nửa chiều, sau cùng là sinh hoạt tổ đội...
Cô gái ngừng lại như muốn thở, trong khi thằng Luận nghiêm trang nối lời:
- Sau cùng được xả láng với chị Châu Hà thì đã chiều.
Đám trẻ nhảy cẫng quanh hai người lớn. Châu Hà xịu mặt. Dũng lại thở ra lùi bước:
- Nếu có thể làm hết trong buổi sáng, thì buổi chiều được tự do chơi.
- Hoan hô! Hoan hô!
Phải là cả hàng trăm cái miệng, nghĩa là toàn trường Tương Lai chớ không chỉ phòng 1. Đôi mươi đứa con gái xúm nhau kéo Châu Hà đi ríu rít loạn xạ, bỏ quên thầy hiệu trưởng một mình giữa sân trường. Dũng nhìn theo chợt cười, nụ cười khiến gương mặt cương nghị tươi lên. Anh trở về văn phòng. Trong đầu anh đang nghĩ điều sắp tới.
Một sinh viên Trung Quốc sẽ tới thăm trường trong sáng nay. Thật ra anh ta là biên tập viên báo Quảng Châu, được ông bí thư của toà đại sứ Trung Quốc đỡ đầu, đưa sang học thêm Việt Ngữ theo ước mơ của anh ta.
Nhưng với Dũng, hiệu trưởng trường Tương Lai, điều ấy không đơn giản, và anh đang nghĩ đến chuyện giữ gìn quốc thể trước người bạn ngoại quốc như thế nào.
Tài, bạn anh là mạnh thường quân của trường khẳng định rằng, người Trung quốc ấy từng là đứa trẻ mồ côi, hư hỏng và bây giờ là một thanh niên đáng mến.
Dũng ngồi ở bàn, nhìn ra sân trường, anh không thể tập trung suy nghĩ khi thấy bóng dáng Châu Hà giữa đám trẻ của anh. Cô gái đang xách một xô nước, tay kia đong đưa miếng giẻ lau nhà, miệng đang nói gì đó, và giữa hàng trăm thứ tiếng động, kể cả của những phân xưởng quanh trường, bắt đầu một ngày làm việc, anh vẫn nghe tiếng lục lạc reo vui rộn rã. Với đám trẻ của anh, ngày chủ nhật thật sự chỉ bắt đầu khi có mặt Châu Hà. Dũng biết vậy.
oOo
Tài xoa tay khoan khoái nhìn đồ vật đã gọn gàng ở những yên xe. Anh nói với người đang đứng sát rào, tay mân mê cánh hoa sứ đỏ:
- Ngon lành! Khởi hành thôi.
Hai người con trai từ trong nhà đi ra, nói với Tài:
- Anh Hai, tụi em nói má đừng nấu cơm, bữa nay đãi anh hàng cơm tấm Phú Thọ Hoà.
Người thanh niên đang đứng nhìn chăm chú cành hoa sứ màu đỏ, ngẩng mặt lên cười, anh nói giọng lơ lớ, cứng nhưng rõ ràng:
- Thế à! Ăn gì cũng được mà, tốt nhất là ăn với đám trẻ trên đó đi.
Thanh niên trẻ nhất lắc đầu:
- Tụi em không chê cơm ở đó, nhưng mình ăn là phạm tiêu chuẩn tụi nó, không nên. Em chuẩn bị rồi, trưa nay ăn cơm tay cầm tập thể, đã đặt ở lò bánh mì gần đó, chiều về ăn cơm tấm gà Phú Thọ.
Tài gật đầu, nói với thanh niên cầm hoa sứ:
- Thế nó thu xếp đâu ra đó, anh yên tâm. Dương Hành! Ði thôi!
Dương Hành bỏ đoá hoa sứ vào túi áo, băn khoăn nhìn những đồ vật trên các yên xe:
- Tôi cảm thấy quá ít ỏi.
Người thanh niên to lớn nhất, vỗ vai anh lắc ðầu:
- Với mỗi cá nhân thì không có ít đâu, nhất là chúng ta, những con người sống bằng đồng tiền đổ mồ hôi. Anh nên biết, phần anh không kể, riêng phần chúng tôi, mỗi đứa trọn tháng lương rồi.
Thế cười toe toét:
- Anh Lực hy sinh luôn cả tiền sinh hoạt phí dành cho người yêu.
Cả ba thanh niên cười xoà khi Lực lừ mắt, trên dáng dấp lực sĩ là quơng mặt văn nhã đỏ nhừ.
Tài xoa tay:
- Thôi đi, Lực nói má dặn thằng Quyền ở nhà chờ tụi mình chưa?
- Dạ rồi!
Trong phút chốc ba chiếc xe máy rời căn nhà nhỏ có cây hoa sứ đỏ, bon về hướng Gò Vấp. Dương Hành lái chiếc Cup 90 màu xanh rêu, song song với Tài.
- Tôi đến nhà anh hoài, nhưng không gặp anh Quyền!
- Nó thứ tư trong nhà, thằng Thế là út. Tính nó khác người lắm, lại không thích gò bó, cứ cãi nhau với má tôi hoài.
- Giờ ảnh ở đâu?
- Nó ở căn nhà riêng ở quận 11, mở lớp dạy võ tư, và dạy cho nhà văn hoá quận 11, một tuần về nhà dăm ba lần.
Bạn bè ai cũng khoái nó, mỗi anh em trong nhà là bực mình. Cái thằng! Việc nhà không lo, cứ lo chuyện thiên hạ.
Tài không nói nữa, anh cho xe phóng nhanh. Xe Lực và Thế không thua, ba chiếc xe lao vút trên con đường về Gò Vấp, đến ngã 5 rẽ phải. Qua bến xe lam đầy những mục nước đen ngòm, hướng thẳng vào lối đi trải nhựa gập ghềnh rồi dừng trước cánh cổng có trụ lớn với mấy tấm bảng đá hoa sen, chữ vàng. TRƯỜNG TƯƠNG LAI. Cả bốn người xuống xe dắt vào cổng. Người gác cổng thấy Tài cười chào:
- Anh Tài! Có thêm bạn mới hả?
Tiếng chào bị át đi bởi tiếng máy rầm rầm của nhà xe gỗ và tiếng gỗ đổ rầm rầm, nhưng Tài cũng hiểu. Anh nói lớn:
- Ðây là anh Hành, bạn tôi, người Trung Quốc, từ Quảng Châu sang.
Người gác cổng cười, nghiêng đầu chào Hành rồi nói:
- Anh Dũng chờ anh trong đó.
Hành nhận xét ngay khi đi ngang xưởng gỗ, đầy những bực nước lầy lội những sình:
- Ồn ào và dơ quá anh Tài, các em sao học tập nổi?
Thế nói ngay:
- Rồi cũng quen. Anh tính với 37.000 ðồng một tháng, cho đứa trẻ cả tiền ăn uống, áo quần, thuốc men, sách vở, ban giám hiệu trường phải làm sao? Ðành giải quyết nhu cầu bao tử trước, bằng cách cho thuê mặt bằng lấy tiền.
Lực nhăn nhó:
- Mày nói chậm lại, ngắn gọn, từ từ, nói gì vừa nhanh, vừa dài dòng, làm sao anh Hành hiểu kịp.
Hành cười nhẹ:
- Không sao. Tôi có thể hiểu kịp. Ðây cũng là cách luyện đối thoại.
Cả bọn cười vui vẻ. Họ dựng xe ở khoảng sân có mái hiên trước cửa văn phòng.
Dũng bước ra, Tài giới thiệu ngay:
- Ðây là anh Dương Hành, còn đây là anh Dũng, hiệu trưởng trường Tương Lai.
Họ bắt tay chào nhau. Dũng khoáng đạt nhận xét ngay.
Người thanh niên Trung Hoa này có dáng của triết nhân khổ hạnh, quơng mặt anh ta trầm lặng, qua nét nho nhã, vẫn thấp thoáng phong trần. Tài không nói đùa, anh ta quả xuất thân như những đứa trẻ của anh.
Dương Hành cũng đánh giá ngay, người hiệu trưởng trẻ tuổi này là người có nghị lực, năng động. Nhưng anh dấu kín mọi cảm nghĩ, nói giản dị:
- Tôi trước kia cũng như các em trong trường ông, thưa ông hiệu trưởng.
- Xin cứ gọi tôi như anh Tài, để được thân mật, mời vào phòng khách uống nước.
Tài hỏi khi thấy sân trường vắng lặng:
- Các em hôm nay sao vậy? Ở hết trong phòng?
Tất cả đã vào phòng khách, mang theo mấy gói lớn. Dũng rót nước mời rồi nói:
- Sáng hôm nay chúng quyết lao ðộng gấp đôi để chiều chơi với Châu Hà.
Lực cười khì:
- Bé lục lạc tới rồi à? Hèn nào tụi nhỏ chẳng thèm ra chào mình. Lực đổi giọng than thở. - Từ ngày con bé đến đây, tụi mình bị ra rìa.
Thế gật đầu ra dáng đồng ý, miệng cười mấy máy, muốn nói gì với Dương Hành lại thôi. Anh vẫn điềm đạm hớp nhẹ từng ngụm trà, mắt nhìn ra khoảng trống sân trường. Tài chỉ mấy gói đồ nói với Dũng:
- Của anh Hành và tụi tôi cho các em, anh gọi nhà bếp và thủ kho ra nhận đi. Gia vị, mì gói, quần áo. Giờ tụi tôi xuống phòng.
Thấy Dũng lưỡng lự, Tài hiểu ý hỏi thêm:
- Anh đừng ngại, anh Hành hiểu hết, ảnh khổ hơn đám trẻ của tụi mình nhiều.
- Vậy các anh tự nhiên, tôi xuống bệnh xá hỏi bệnh Thân ra sao?
Tài định hỏi, thì đã thấy đám trẻ trên các phòng trên gác, ở dưới hiên ùa ra sân. Chúng hò hét tranh nhau điều gì. Châu Hà đứng ở hàng hoa, tay ra dấu, miệng cũng hét tướng lên:
- Trật tự! Nếu không chị Hà nghỉ chơi.
Ðám trẻ im ngay. Cô đắc chí nói tiếp:
- Con gái được quyền nói trước. Lan! Em xong và ra sân lúc mấy giờ?
- Dạ, đúng 8g, rồi đến phòng 1, phòng 3, phòng 2, phòng 4 ra sau cùng.
Đám trẻ nhao nhao phản đối:
- Tại tụi tao ở trên lầu xa nhất.
Đứa con gái không chịu:
- Tụi mầy lớn nhất, chân dài chạy nhanh.
Phòng 3 gồm tụi lớn tuổi nhất làm ùm lên. Châu Hà trợn mắt:
- Nghỉ chơi tụi em.
Tài, Lực, Thế và Hành đã ra đến gần. Họ nghe câu phán quyết của cô gái:
- Phòng con gái đoạt giải. Nào! Lên nhận quà.
Quà là một quả bóng da với tấm lưới. Ðám trẻ hoan hô rầm trời khi nghe Châu Hà phán quyết:
- Để khi nào có sân bóng rồi chơi chung. Giờ đi xúc đất.
Cô gái tung mình như vận động viên vào đám trẻ, và lúc ấy tất cả nhận ra có 4 thanh niên đứng đó tự lúc nào.
Bọn trẻ lại một phen la hét rồi xúm tới kéo tay cả 4 người:
- Anh Tài và bạn mới cũng đi xúc đất!
Châu Hà phồng môi hét:
- Ðúng vậy!
Dương Hành bị cuống vào dòng thác người, theo ra khoảng đất trống đầu rác rưởi, sình và nước đọng ở trước sân. Bọn nhỏ, đứa cuốc xẻng, đứa rổ thau, thay nhau xúc đất đổ lên xe đẩy đi, mấy đứa nhỏ nhất lượm rác cho vào giỏ. Tài, Lực, Thế cởi áo treo lên cây sứ trắng gần bên, xắn quần lên gối, cũng bưng, cũng xúc. Tất cả cười nói, bất kể tiếng động ồn ào của máy làm giấy, máy cưa và tiếng gỗ đổ ầm ầm, làm đinh tai nhức óc. Hành đứng lặng nhìn một lúc, rồi cũng cởi áo, xắn quần lao vào. Mắt anh thỉnh thoảng thấy bóng cô gái mặc quần sọc đỏ, áo pull trắng, giầy bata chạy qua, chạy lại giữa đám trẻ, đâu đó có tiếng lục lạc reo vang.
Dương Hành xúc đất với đứa con trai có gương mặt thật già trên thân hình gầy nhom, nhỏ nhắn và một đứa mặt rỗ. Thằng mặt rỗ liếng thoắng hỏi liên hồi:
- Anh là bạn anh Tài hả? Anh tên gì?
- Anh tên Dương Hành, mới quen Tài hơn tháng nay.
- Tên anh ngộ quá hén! Anh cũng làm ở nhà xuất bảng hả?
Dương Hành xúc xẻng đất lớn đổ vào thau cho nó rồi trả lời:
- Không! Anh còn đi học.
Thằng mặt rỗ ôm rá đất chạy đi rồi trở lại:
- Còn đi học phải là bạn anh Thế chớ?
- Đúng vậy! Mà nè, em tên gì?
Thằng mặt rỗ cười híp mắt:
- Huề rỗ! Quê ở Châu Đốc, còn quê anh ở đâu? Sao anh nói chuyện như Ba Tàu vậy? Ngọng đớt à!
Thằng con trai có gương mặt già, giờ này mới lên tiếng lầu bầu bằng giọng Bắc nhỏ rì:
- Thôi nghe Huề, mày làm gì như hỏi cung ảnh thế? Bưng đất đi.
Huề rỗ cười hề hề:
- Tại ảnh ngố quá, già đầu còn đi học lại ngọng đớt!
Hành cười nhẹ, bóng cô gái lướt qua cùng tiếng lục lạc reo:
- Có tiếng lục lạc ở đâu?
Huề rỗ lại cười toe:
- Ở chân chị Châu Hà đó mà! Chỉ đi từ xa tụi em đã biết rồi.
Huề rỗ bưng đất chạy đi. Hành ngó thằng con trai có gương mặt già:
- Em tên gì? bao nhiêu tuổi?
- Em tên Tấn, 20 tuổi.
Hành suýt buông rơi cái xẻng, anh nắm lại kịp. Nó đã 20 tuổi mà vóc dáng như trẻ 12. Nỗi xót thương trào lên trong lòng Hành, nhưng anh nén lại, hèn gì mặt nó già quá! Thằng Tấn vẫn cắm cúi bưng đất, nó không nói thêm câu nào và chỉ cười khi Châu Hà lại gần. Cô gái đứng lại bên nó, tiếng lục lạc ngừng reo. Cô phủi bàn tay đầy đất vào chiếc quần sọt, rồi phủi lên má thằng Tấn. Cô hỏi giọng như hát:
- Tấn tìm được việc làm chưa?
- Chưa! – Tấn nhìn xuống đất.
Cô gái xịu mặt rồi cười ngay:
- Tấn cóc buồn đâu hả? Cứ lên học may ở phòng may trường đã.
Tấn khẽ gật đầu không nói. Cô gái dẫu môi:
- Tấn chọc Châu Hà tức chết phải không? Nói không buồn sao mặt ảm đạm vậy?
Tấn hốt hoảng ngó lên:
- Đâu có, Châu Hà đừng có giận!
Hành lặng lẽ nhìn hai người nói chuyện, cả hai đều xưng tên, điều đó Hành nhận biết. Cô gái trạc tuổi Tấn và biết tôn trọng người khác. Cô gái chợt cười với Tấn, Tấn cũng cười. Tiếng cười cô trong vắt, giòn giã và lối ngửa cổ hất tóc rất hồn nhiên, vô tư khiến Hành cũng nghe lòng mình rộn rã khi nghe tiếng lục lạc reo. Anh bất giác mỉm cười. Châu Hà bắt gặp cái cười, cô la lên:
- A! Giờ thì anh cười rồi! Tôi đã định bụng nếu anh không cười, tôi sẽ không thèm nói chuyện, anh Ba Tàu à!
Dương Hành ngớ người. Cô gái giật cái xẻng, xắn miếng đất hất vào rổ cho Tấn rồi nói:
- Làm nhanh, còn đứng đó, bọn trẻ phải hớt tóc, tắm rửa, giặt quần áo nữa.
Có tiếng gọi Châu Hà, cô như chim én bay đi, tiếng lục lạc lại vang. Hành mỉm cười, lắc đầu, hèn gì Lực gọi là con bé.
Đến khi bãi đất đã bằng phẳng, sạch bóng, đám trẻ í ới gọi nhau đi tắm, Hành mới sực nghĩ, vậy là Tài đã khai lý lịch anh cho Châu Hà nghe rồi.
oOo
Bà Hương như thường lệ chờ con gái ở cổng nhà. Hôm nay nó về muộn bà lo lắng nhưng không để lộ ra mặt, bà như đang chăm chú tìm xem nét đẹp của hoa lồng đèn. Bà là người Hà Nội chính gốc, chồng là người Trung Hoa. Bà không đẹp nhưng có nét cao sang từ dáng đi đến nụ cười và là người đàn bà thông minh, đảm đang.
Năm 1954, bà cùng gia đình về miền Nam, sinh sống tại Nha Trang, lúc ấy bà mới 14 tuổi đã phải nhận sự giáo dục nghiêm khắc của người mẹ vốn là tiểu thư của một vị quan lớn triều Nguyễn. Nền giáo dục hơi cổ xưa, nhưng rất tốt với người đàn bà Việt Nam. Năm bà 20 tuổi, ông Lý Hưng, một nhà buôn trẻ người Trung Hoa, đã phải tốn bao công sức, tiền của mới cưới được bà. Khi về làm vợ ông, bà thú nhận, nếu gia đình không bị phá sản thì cuộc hôn nhân này chỉ là ước mơ thôi. Ông Lý Hưng hóm hỉnh nói rằng, cảm ơn ông trời đã cho gia đình nhà vợ phá sản.
Ông Lý Hưng không chọn lầm người bạn đời, Giáng Hương, vợ ông không chỉ là người vợ hiền, người mẹ tốt, còn là một đồng sự thông minh, một tri kỷ hiếm có trên đời, luôn sát cánh bên ông trên con đường công danh sự nghiệp.
Lý Khánh Hòa con trai đầu của bà thường nói với mẹ:
- Nếu sau này con không gặp người con gái nào như mẹ, con không thèm lấy vợ.
Chẳng hiểu anh nói thật hay đùa chớ năm nay đã 30 rồi, bên anh chưa có người bạn gái nào cả. Điều nay khiến ông Lý Hưng buồn hơn cả, dù anh đang là cánh tay phải của cha trong mọi công việc làm ăn. Anh không phải là người được cưng quý nhất nhà, dù anh giống cả cha lẫn mẹ. Giống mẹ nét cao sang, giống cha nét cương nghị, cần cù.
Người được cưng quý nhất nhà là Lý Châu Hà, em gái anh, thua anh đúng 10 tuổi. Con bé không giống cha mẹ, cũng chẳng giống ai trên đời này. Thuở bé xíu nó như con rối, lớn lên nghịch phá bất kể, bây giờ đã 20, nó không chút nề nếp đoan trang nào, dù là sinh viên đại học. Nó được cưng quý đến độ nghe tin nó thi đại học kinh tế thương mại đậu, ông Lý Hưng quyết định, cả gia đình về Sài Gòn lập nghiệp. Thật là khó khăn gian khổ biết bao nhiêu cho việc gây dựng lại việc làm ăn ở nơi xa lạ. Nhưng rồi với danh tiếng và kinh nghiệm, cộng với nổ lực của con trai, ông Lý Hưng chỉ hai năm đã ổn định ở quận Gò Vấp. Ông chỉ bất lực với con gái mình, và không phải chỉ mình ông.
Khánh Hòa đứng rất lâu ở hành lang nhìn mẹ, anh đang bận pyjama ở nhà, thức ăn đã dọn hai lần mà Châu Hà vẫn chưa về. Mẹ anh đang nhàn nhã xem hoa bên hàng rào dâm bụt, thỉnh thoảng nghiêng tai lắng nghe. Mẹ chờ tiếng lục lạc reo, Khánh Hòa lắc đầu, anh trở vào phòng và nhanh chóng trở ra, sơ mi quần tây tề chỉnh, anh rảo nhanh đến bên mẹ.
Bà Hương nghe tiếng giày quen thuộc, bà ngoảnh lại, giọng Bắc thanh tao hỏi con:
- Con định đi đâu?
- Con đi gọi bé lục lạc về, mẹ cứ vô nhà trò chuyện với ba đi.
Bà Hương cười bối rối, không ít lần bà bị con trai nhìn rõ nội tâm mình:
- Con biết lục lạc ở đâu sao?
- Bà Ngang nói nó sáng nay bận đồ thể dục đi, chắc nó đang ở với đám trẻ bụi đời bên trường Tương Lai.
Khánh Hòa nắm tay mẹ đưa vào nhà nói tiếp:
- Ba đã đọc hết báo mới, báo cũ rồi, mẹ lên với ba đi.
Nghĩa là ổng cũng sốt ruột không kém chi mình. Bà bước lên thang lầu còn dặn lại:
- Con đừng mắng em ở chốn đông người nhé! Đừng nói mẹ trông mà em sợ.
- Con hiểu rồi!
Khánh Hòa lên chiếc Dream II màu mận chín của mình phóng ra đường, với tốc độ nhanh và không lâu, anh đã thấy em gái đứng bên xe bánh mì với mấy đứa nhỏ. Cô gái đang nói cái gì rồi ngửa cổ lên cười khanh khách.
- Châu Hà!
Cô gái ngó lên reo to:
- Anh Khánh Hòa!
- Em biết mấy giờ rồi không?
Cô gái nhướng mày:
_ Không biết!
Khánh Hòa lắc đầu. Ngay cả anh, cứ nhìn đến nó là không thể nào giận được, chẳng hiểu tại sao.
- Có đồng hồ mà nói không biết?
Cô gái cười khúc khích chìa tay ra:
- Em bán sáng nay rồi.
Khánh Hòa trố mắt, cô gái không chờ anh hỏi, nói luôn:
- Em mua cho sắp nhỏ bộ bóng chuyền, còn dư đủ tiền làm một chầu bún riêu.
Khánh Hòa thở dài:
- Ba đọc hết báo mới, báo cũ rồi, còn mẹ...
Phốc một cái con bé đã ngồi sau anh, hai tay quàng eo ếch, mồm nói lớn:
- Chào! Hẹn gặp lại! - Cô thúc giục anh - Chạy lẹ lên anh.
Khánh Hòa không chạy lẹ mà chạy từ từ, anh khuyên em gái:
- Châu Hà! Em bớt vô tâm một chút đi, đã 20 rồi còn gì?
Cô gái nhăn mặt làm trò khỉ qua tấm gương chiếu hậu cho anh thấy:
- Anh đừng giảng đạo đức với em nha! Em phóng xuống xe đó!
Khánh Hòa lại thở ra:
- Cái đồng hồ đó của mẹ tặng cho em! Em có thể hỏi tiền ở anh mà.
Cô gái dẫu môi:
- Tặng cho em là của em. Một cái đồng hồ mà đem lại niềm vui cho nhiều người thì còn gì hay hơn? Còn tiền, em không xài tiền anh đâu, ai có phần nấy.
Xe đã dừng ở sân nhà, cả ông Lý Hưng và bà Hương đều có mặt trên hành lang. Cô gái như bay tới ôm lấy mẹ, liếng thoắng liên hồi:
- Mẹ với ba chờ con à? Ba đọc hết bao nhiêu tờ báo? Mẹ đếm được bao nhiêu lần hoa lồng đèn ở hàng rào hở? Tại con bán đồng hồ rồi nên quên mất giờ về. Ôi! Ba đừng có nhăn, coi con làm xiếc nè!
Cô gái buông mẹ, lộn ngược mấy vòng ở bậc tam cấp đã ra giữa sân. Cô như diễn viên xiếc, lộn mình liên tục đủ kiểu qua khoảng sân nhà. Cô đi chống ngược bằng hai tay, rồi làm trò khỉ giả Tề Thiên Đại thánh.
Ông Lý Hưng bật cười, bà Hương cũng cười theo. Cô gái nheo mắt với anh rồi như con én bay vào trong nhà, miệng hét:
- Bà Ngang! Hâm thức ăn, cháu chỉ tắm 5 phút!
Hơn 5 phút một tí, Châu Hà đã ngồi ở bàn ăn. Cô bỏ thức ăn cho ba mẹ đầy chén, riêng mình xới lưng chén cơm và nhâm nhi mãi cho tới khi cả nhà buông đũa.
Bây giờ bà Hương mới nhẹ nhàng nói với con gái:
- Chốc nữa bé lục lạc vào phòng mẹ nói chuyện nhé!
Khánh Hòa nheo mắt với em, cô trề môi ra điều thừa biết và tỉnh bơ giao hẹn với mẹ:
- Mẹ nói ngắn thôi nghe! Con còn học bài!
Bà Hương nghiêm nét mặt:
- Nếu con biết nghe, mẹ sẽ nói ngắn gọn.
Ông Lý Hưng cũng góp lời:
- Châu Hà! Ba mẹ vì con, nên bây giờ vẫn còn trong thời gian xây dựng cơ nghiệp, đừng để ba mẹ và anh lo lắng cho con mà bị phân tâm. Con nhớ không? Anh Quảng con...
Ông Hưng nín bặt. Ông không bao giờ nhắc chuyện đau lòng xưa trước mặt vợ. Ông liếc bà Hương, bà dường như không nghe, bà nhìn con trai nói:
- Con bàn công việc với ba, sau đó mẹ sẽ nói với con về chuyện xây phân xưởng kéo thép.
Bà Hương rời bàn ăn, Khánh Hòa đưa mẹ đến chân cầu thang rồi nói:
- Có lẽ để sáng mai mẹ nhé! Con có buổi học tiếng Nhật.
Bà Hương đã lên nửa thang lầu:
- Nếu bạn gái con là người Nhật mẹ cũng bằng lòng.
Đợi mẹ đi khuất ở thang lầu, Khánh Hòa đưa tay lên trời phân trần với cha:
- Ba xem! Mẹ làm như con nhiều thời gian để đi tán tỉnh.
Châu Hà cười khúc khích, bất ngờ kéo tai anh rồi chạy vụt đi sau câu nói:
- Mẹ thừa biết, mặt anh không con gái nào ưa nổi.
Thật ra không phải vậy và chẳng phải mình Khánh Hòa tự biết điều ấy.