Chương 12

Hành không đọc được chữ nào trong tờ báo dù mắt vẫn nhìn vào đó chăm chú. Người cha uống đến chung trà thứ ba, thỉnh thoảng nhìn anh như muốn nắm bắt mọi ý nghĩ trong đầu đứa con nuôi đang rất thương mến. Có chuyện gì rồi! Dù gương mặt trai trẻ thầm lặng của Hành không lộ vẻ gì, nhưng trực giác cho ông biết nó đang lo lắng. Chuyện Thiên Trường chăng? Không! Hay từ cô bé đeo lục lạc ấy? Con trai ta hình như không vô tình với nó. Người cha có chút lo lắng âm thầm. Ông vờ ho nhẹ.
Hành buông tờ báo ngay:
- Thưa cha! Có chuyện gì chăng?
- Câu đó để cha hỏi con.
Hành đi qua ngồi bên cha nuôi:
- Cha muốn nói về Thiên Trường và nhà họ Lý?
Người cha lắc đầu:
- Hôm qua ông Lý Tấn có tới gặp cha, cùng đi có Thiên Trường, sau đó đại sứ tiếp chuyện họ khá lâu, theo cha mọi việc đều tốt đẹp.
Hành mân mê tách trà, anh đã hiểu cha nuôi muốn hỏi gì.
- Con đang lo cho thằng bé bên trường Tương Lai, nó bị nhóm người bán xì ke tìm giết và đã dại dột trốn trường đêm qua. Nó mới 10 tuổi.
- Điều con lo lắng hơi thừa.
Tim Hành thắt lại, anh nhớ tới đôi giọt nước mắt trong veo trên má Châu Hà, nhớ cái nắm tay bé xíu của thằng Thiện dành cho anh đầy tin cậy.
- Thưa cha! Tình người đối với người lúc nào cũng thiếu, nỗi đau tuổi thơ con chẳng nghĩa gì với nỗi khổ của thằng bé hôm nay.
- Con muốn giúp nó bằng cách nào với ba năm học còn lại của mình?
Hành cau mày:
- Châu Hà hứa lo, nhưng con phải tìm ra thằng bé trước bọn kia. Con xin phép cha được vắng mặt vài hôm.
Có nét đăm chiêu nhưng người cha vẫn gật đầu:
- Cha sẽ thu xếp với đại sứ, nhưng con phải cẩn thận, xảy ra chuyện không hay, con khó có điều kiện tiếp tục học ở Việt Nam.
- Dạ! Thưa cha. – Hành không dấu vẻ vui mừng lẫn nôn nóng, anh đứng lên:
- Con xin phép đi.
Hai cha con đi với nhau ra đến tận cổng. Hành cúi đầu thật thấp khi từ giã, khi ngẩng lên, tiếng xe nổ lớn và ánh đèn rọi ngay mặt anh, cùng tiếng gọi hối hả:
- Anh Hành!
Quyền từ xe phóng xuống, phía sau là Khánh Hòa, đang dựng chiếc Dream. Quyền không kịp chào người cha, nắm tay Hành giật giật:
- Châu Hà đâu?
Hành trừng mắt:
- Cô ấy không về nhà?
Khánh hòa kịp tới, anh cố điềm tĩnh chào ông bí thư:
- Cháu chào bác.
Hành ghìm lo lắng chận câu hỏi Khánh Hòa:
- Anh đã qua xí nghiệp chưa? – Thấy Khánh Hòa gật đầu, Hành lại hỏi – Qua cửa hàng cung cấp vật tư chưa?
Quyền nóng nảy:
- Tìm hết rồi, cô ấy biến mất.
Người cha cau mày xen ngang:
- Biến mất là thế nào? Các cậu bình tĩnh đi.
Khánh Hòa bồn chồn:
- Châu Hà chưa bao giờ rời nhà ban đêm một mình, lúc chiều nó về rồi đi ngay, ba cháu lại mất số tiền lớn.
Hành cắn môi:
- Đừng lo quá! Ta chia nhau tìm cô ấy. Số tiền ấy chắc Châu Hà nghĩ sẽ mua được sự an toàn cho thằng Thiện.
Anh nhìn cha:
- Cha vô nghỉ, chuyện này chúng con lo được.
Người cha gật đầu:
- Con phải thận trọng.
Ông đi khuất, Khánh Hòa hỏi Hành:
- Thiện là ai?
Hành dắt xe, nổ máy:
- Ra Bến Thành tìm thử, tôi sẽ kể anh nghe.
Đoạn đườngng đi với họ thật dài, Hành ruột gan như lửa đốt, tự trách mình: «Hành à! Đáng lẽ mày phải hiểu tính cô ấy, có bao giờ chịu đợi ngày mai. Khi biết thằng Thiện gặp hiểm nguy. Nếu mày nghe lời đi theo cô ấy, thì đến nỗi gì giờ phải lo âu? Cầu trời cho bọn kia chưa tìm ra Thiện.»
Ba chiếc xe vòng quanh công viên trước Bến Thành mấy lần vẫn không thấy bóng dáng Châu Hà, Khánh Hòa sốt ruột dựng xe xuống lề, gắt hỏi Hành:
- Thiện là ai hả?
Hành kể nhanh câu chuyện, Khánh Hòa tái nhợt mặt:
- Anh có điên không? Sao lại để em tôi dính vào chuyện này chớ? Trời ơi! Chúng sẽ hại nó không trừ thủ đoạn nào.
Hành thấy mặt Quyền như toé lửa, Khánh Hòa như điên dại, vẫn nhỏ nhẹ:
- Cô ấy hứa với tôi về nhà, còn hẹn sáng mai đi tìm, tôi mới yên tâm ra về, không ngờ …
Khánh Hòa bứt tóc, Quyền hối hả:
- Báo công an ngay!
Hành chận lại:
- Tôi nghĩ mình vòng xuống chợ Cũ tìm một chút, bọn kia chẳng phải trùm nhóm to lớn gì, chưa chắc tìm được thằng thiện đâu.
Cả ba phóng đi, Quyền gầm gừ như cọp:
- Tôi mà gặp chúng sẽ bẻ cổ hết.
Một chiếc xe phóng ngược đường vội quay lại rượt theo ba người gọi:
- Hành! Quyền!
Họ dừng xe lại thì thấy Lực, anh Quyền:
- Ba người chạy đâu mà hối hả vậy?
- Tìm Châu Hà! – Cả ba đều nói.
Lực nhướng mày:
_-Tìm bé Lục Lạc? Cô ấy mới từ nhà tôi về.
Khánh Hòa mừng đến nhảy nhổm:
- Châu Hà đi hướng nào?
Lực ngạc nhiên:
- Cô ấy về nhà mà, có hẹn 8g mai xuất phát lực lượng.
Hành hiểu ngay Châu Hà làm những gì trong thời gian qua, anh nói Khánh Hòa:
- Ta về gặp cô ấy đi.
Họ chia tay Lực, phóng xe về nhà đã thấy Châu Hà ngồi đối diện với vợ chồng ông Hưng và ông Tấn, gương mặt nhạt nhòa nước mắt. Cô nhào vào tay Khánh Hòa mếu máo:
- Anh Hai!
Khánh Hòa thở dài, anh chẳng thể nào giận em gái. Từ ngày Quảng chết đi, mọi tình thương anh dành hết cho Châu hà. Nó rất ít khi rơi nước mắt, nó là niềm vui, nụ cười của nhà họ Lý. Khánh Hòa vuốt tóc em gái dỗ dành:
- Nín đi, ba mẹ la đúng mà, em làm cả nhà lo chết được.
Cô gái quẹt nước mắt:
- Em có để giấy lại ở bàn, nói tối về mà.
Bà Hương lần đầu tiên nghiêm khắc với con gái:
- Không nói lôi thôi, mẹ cấm con dính vào chuyện này. Tiền mẹ có thể cho, nhưng con đi ngoài đường lang thang ban đêm tuyệt đối không được.
Châu Hà ấm ức:
- Con không đi ban đêm, còn ban ngày mẹ đừng cấm con.
Bà Hương cau mày, Châu Hà lật đật cầu cứu cha:
- Ba! Con đi tìm thôi mà, bọn lưu manh làm gì biết con tìm ai.
Ông Hưng ngần ngừ:
- Con nói số tiền ấy dùng thuê người tìm rồi mà, con đâu có cần gì.
Châu Hà giậm chân:
- Ba! Con đi cùng anh Quyền, anh Hành ba lo gì chớ?
Thấy con rớm nước mắt, ông Hưng thở ra nhìn vợ:
- Em à! Thật ra nếu nó không đi ban đêm thi chẳng sao, miễn có Quyền đi với nó là được rồi.
Bà Hương làm thinh. Xưa nay trước mặt mọi người bà cũng để chồng có tiếng nói quyết định, dù cưng con và lo lắng, bà vẫn tỏ ra thản nhiên. Thấy Quyền đăm đăm nhìn Châu hà, bà hỏi:
- Quyền cũng đi tìm thằng bé à?
- Dạ! Rất nhiều người đi tìm nó, bác à! Cháu sẽ đi với Châu Hà, bác yên tâm. – Quyền nói nhanh.
Bà Hương thấy Khánh Hòa ôm vai em gái vẻ thương yêu không phản đối, thì có vẻ suy nghĩ. Khá lâu, bà đứng lên:
- Ba con cho phép, mẹ cũng không cản, nhưng …
Bà chiếu tia mắt lần lượt vào Hành và Quyền rồi nói tiếp:
- Châu Hà có chuyện gì tất cả phải chịu trách nhiệm với tôi.
Quyền không ngần ngừ:
- Dạ! Bác yên tâm.
Hành làm thinh. Ông Tấn nãy giờ ngồi làm người chứng kiến, chợt xen vào câu chuyện, ông nói với Hành bằng tiếng Hoa:
- Hành à! Thiên Trường nhờ con chăm sóc Châu Hà, con hứa rồi nhé, con đừng để nó gặp chuyện không may.
Hành bối rối khi ánh mắt bà Hương nhìn anh rất sắc rồi anh nói nhỏ:
- Cô ấy chẳng thiếu người chăm sóc, bác đừng lo.
Ông Tấn muốn nói nhưng lại thôi, em dâu ông chẳng tỏ rõ quan điểm mình về chuyện ấy rồi sao. Chỉ tội cho tuổi trẻ, tình yêu đích thực thường nhiều đắng cay.
Ông Tấn theo bước chân em dâu lên lầu. Ông Hưng còn nán lại dặn dò:
- Bé lục lạc! Con phải ngoan nhé, nếu không ba chẳng thể chịu trách nhiệm trước mẹ con.
Châu hà ôm đầu, cô ấm ức vì thấy chuyện có quan hệ gì đâu chớ, mà ai cũng như làm cô chết đi không bằng. Cô nói lớn:
- Ba ơi! Coi như con đi dạo phố hàng ngày thôi mà.
Thấy cha định nói nữa, Châu Hà vụt lộn người một vòng, cô đã đứng ở thang lầu, làm mặt khỉ như trêu cha, xong cô nói trống không:
- Mai phải chờ người ta tới mới đi à nghe.
Hành, Quyền ai cũng nghĩ cô đang nói với mình. Trong khi cô biến mất thì Quyền tươi hơn hớn từ biệt mọi người ra về. Hành ngỏ ý với Khánh Hòa muốn gặp ông Tấn một chút.
Nửa giờ sau ông Tấn tiễn anh về bằng vẻ mặt trầm tư buồn bã.
oOo
Mười giờ đêm hương hoa sứ thoảng vào phòng nhưng chẳng ai buồn để ý. Tài khoanh vòng tròn miệt cầu chữ Y, chỉ Hành nói:
- Khu này giao cho anh và nhóm bạn nhỏ Châu Hà.
Hành gật đầu. Tài buông bút ngồi xuống, bưng ly nước lọc uống cạn, xong thở khì nói:
- Hy vọng trong ngày mai tìm ra nó, nếu không qua thứ hai, tất cả đi làm thì gay go.
Cả bốn gật gù đồng ý, Thế có vẻ đăm chiêu đưa ý kiến:
- Em nghĩ báo công an nữa thì hay hơn.
Hành từ tốn nói:
- Anh Dũng nói sẽ cho mấy đội viên theo mình tìm, mấy em nầy rành đường phố có đám trẻ sống lề đường.
Tài che miệng ngáp chỉ tay vào bản đồ:
0 Yên chí đi, công an đã khoanh vùng thì không trật, tám mươi phần trăm tìm ra nó.
Tài, Lực, Thế vỗ vai Hành đi về phòng ngủ. Hành không ngủ, anh châm thuốc đến tựa vào cửa sổ nhìn ra trời đêm, lung linh trong mắt anh một dáng nhỏ xanh xao, lầm lũi len lỏi trong những xóm nghèo lầy lội. Tâm trạng Hành nặng nề, hình ảnh thằng Thiện hôm nay và anh của ngày xưa có khác gì. Ôi Thiện! Em khờ dại quá!
Hành quay lại khi nghe tiếng động, anh ngỡ ngàng thấy mẹ Tài, bà Thục thong thả đi lại:
- Con lo cho thằng bé à?
Hành nắm tay bà đến ghế ngồi:
- Bác phải nghỉ sớm, lo cho chúng con làm gì.
- Châu Hà thương thằng bé lắm hả con?
Hành lúng túng:
- Con nghĩ bất cứ đứa trẻ nào trốn trường, Châu Hà đều lo bác ạ.
- Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng gặp hiểm nguy.
Hành rùng mình, anh buột miệng:
- Không, con nhất định bảo vệ nó, chúng con sẽ tìm ra nó trước bọn chúng.
Bà Thục tặng Hành ánh mắt từ ái:
- Thằng bé may mắn làm sao biết được con và Châu Hà.
Hành cười buồn, nhè nhẹ lắc đầu:
- Với tình thương hai người không đủ bác ạ, anh Tài, anh Lực và Thế cũng thương nó lắm nhưng nó cần cả xã hội quan tâm.
Người mẹ thở dài:
- Thương người thuộc bản tính, con bác không xứng đáng với Châu hà, con đừng nghĩ ngợi gì, một ngày không xa cô bé sẽ hiểu, cháu mới …
- Thưa bác! Ba năm nữa con về lại quê hương, Việt Nam với con trở thành kỷ niệm thiêng liêng không thể nào quên.
Hành ôm tay bà Thục nói nhỏ thiết tha:
- Con sẽ nhớ nơi đây mình có thêm một bà mẹ bao dung, từ ái. Mẹ! Con đưa mẹ về ngủ, đã khuya rồi.
Mắt người mẹ long lanh thoáng ướt, môi già nua lại rạng một nụ cười. Một già, một trẻ nhìn nhau thôi không nói thêm điều gì, nhưng họ hiểu rõ lòng nhau.
Hành đưa bà Thục về rồi trở về phòng ngồi mãi. Anh không ngủ, mắt đăm đăm nhìn vào đêm tối, thấy như Châu Hà cùng thằng Thiện nắm tay nhau tung tăng trên con đường.
Người thanh niên Trung Hoa chợt ứa nước mắt. Đôi giọt lệ trong veo thần thánh ấy anh dành cho đứa trẻ tội nghiệp hay cho cô gái đeo lục lạc, mỗi anh hiểu được mà thôi.
oOo
Sài Gòn nắng mưa bất chợt, cơn mưa chiều ập tới ghìm bước chân hai người trẻ tuổi và một lô nhóc ở chân cầu chữ Y. dưới chân cầu chữ Y như một khu chung cư dành cho những người không gia đình, những trẻ lang thang, cả đám Pêđê và những người nghiện ngập.
Mấy đứa nhỏ đã thanh toán hết những đĩa bánh cuốn, chúng lau sạch miệng bằng ống tay áo, uống sạch bình nước trà xong vỗ bụng la toáng:
- Đi tìm nữa chị Hà.
Châu hà đứng bên Hành, tay khoanh trước ngực nhìn mưa tuôn bằng vẻ mặt cau có, cô không nghe thằng Cầu gọi. Hành nhìn đồng hồ rồi nói:
- Anh nghĩ không cần, bà bán bánh mì nói độ 5g chiều sẽ về đủ mặt để chuẩn bị «đi làm» ca tối, mình chỉ cần chờ ở đây.
Châu Hà ngoảnh mặt:
- Có chắc nó không anh Hành?
- Tôi không rõ, bà bán bánh mì nói hôm nay có thằng nhỏ mới tới, mình chờ xem.
Châu Hà mím môi quyết định:
- Cầu, Liên! Hai em và bạn về đi kẻo ở nhà chờ, sáng mai gặp lại, nếu gặp bác Sáu nói có tin gì cứ nhắn lại.
- Chị chưa về sao? – Thằng Cầu hỏi và nhắc – Chị về trễ như bữa nọ là sóng gió nổi lên à nghe.
Ý thằng Cầu nói chuyện hai hôm trước, Châu Hà nghe có đứa nhỏ bị người ta rượt đuổi chạy a qua đường bị xe đụng, ngờ là thằng Thiện. Cô từ khu Nhà Bè phóng thẳng đến bệnh viện Chợ Rẫy. Cô về trễ và ở nhà bà Hương đã đổ hết lo âu giận dữ lên mọi người trong nhà, rồi cấm không cho Hà đi nữa. Châu Hà phản đối bằng cách «tuyệt thực». Cuối cùng, Khánh Hòa phải đưa Hiền đến dỗ dành và xin bà Hương dùm cho Châu Hà, hứa không bao giờ về trễ nữa.
- Chị chờ thêm mười phút nữa thôi. Yên tâm về đi.
Con Liên, thằng Cầu và đám bạn lang thang ở ngã Năm Chuồng Chó của thằng Cầu liền chào hai người rồi che nhau bằng hai tấm nylon, vừa đùa giỡn, vừa rảo bước chân đi. Hành dặn với theo:
- Không được đi chơi nữa, phải về nhà ngay đó.
Anh nhìn lại Châu Hà, cô như chìm vào suy tư, dù đôi mắt to tròn nhìn mưa rơi. Ánh mắt trong veo ngày nào, giờ đây lo âu buồn bã. Hành nén tiếng thở dài, gần một tuần rồi, hôm chủ nhật có anh em Tài và một số học sinh ở Tương Lai chia nhau đi tìm. Còn sau đó chỉ có nhóm Quyền, nhóm anh và Châu Hà. Họ đi nát hết mấy khu ổ chuột trong và ngoài thành phố mà thằng Thiện vẫn bặt tăm. Quyền tỏ ra nản chí cứ khuyên Châu Hà đừng bỏ công sức vô ích, cô nổi giận bỏ nhóm anh qua đi với Hành hai hôm nay. Thật ra họ chỉ gặp nhau buổi sáng và lúc về, còn khi đi tìm thì hai người hai ngã. Châu Hà không nản chí, nhưng mối lo âu trong lòng cô cứ tăng dần, nhất là lúc sáng khi gặp Quyền, anh nói thẳng:
- Có thể tụi kia bắt nó giết rồi, em tìm làm gì.
Hành thấy lúc ấy cô tái mặt và cả ngày hôm nay cô nóng nảy bồn chồn.
Người đàn bà bán bánh mì dưới chân cầu chữ Y trùm áo mưa chạy lại hối hả:
- Thằng đó nó về rồi, mau lại coi phải không?
Mưa vẫn như trút nước, Châu Hà bất kể chạy theo bà bán bánh mì. Hành than trong lòng, anh sợ cô ngã bệnh.
Đám người vô gia cư có khoảng 30 người đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Họ ngồi xúm xít nhau, kẻ ăn bánh mì, người ngồi ngó, co cụm trong những tấm áo đủ màu sắc đã bạc màu vì mưa nắng. Đám pêđê ngồi tách một bên, áo quần như đồng bóng, cười giỡn, ưỡn ẹo và chửi nhau loạn xị. Châu Hà chưa từng gặp cảnh này, cô thấy sợ, cứ nắm cứng tay Hành. Bà bán bánh mì chỉ vào một hình thù nhỏ bé nằm co ro trong miếng nilon màu nói:
- Nó đó, bữa nay không có tiền nên không ăn gì.
Cả hai đi lại dưới mấy chục cặp mắt nhìn chầm chập. Hành lay cái hình hài bé nhỏ kia:
- Em ơi!
Châu Hà nôn nóng giở miếng nilon, thằng bé dụi mắt lầu bầu ngồi lên gắt:
- Gì mấy bà nội, để ông ngủ chút coi.
Châu Hà muốn khóc, không phải thằng Thiện, nó trạc tuổi nhưng gương mặt tinh ranh lém lỉnh. Thằng bé thấy hai người lạ nhìn mình thì trợn mắt. Bà bán bánh mì nói vọng tới:
- Họ đi tìm thằng em thất lạc, tao tưởng mày đa.
Thằng bé khinh khỉnh chui lại vào miếng nilon miệng lầu bầu:
- Là tui đi cho đỡ.
Châu Hà thân ướt sũng, mắt đỏ hoe run rẩy. Hành lấy vội tờ bạc nhét vào tay thằng bé nói:
- Em đến trường Tương Lai Gò Vấp mà ở.
Khônh đợi thằng bé nói gì, Hành nắm tay Châu Hà vội đi về phía bà bán bánh mì nói:
- Dì để lại cháu cái áo mưa, cháu gởi tiền.
Bà bán bánh mì nhìn Châu Hà ái ngại đưa cái áo, bà nói:
- Tiền nong gì, mai đem tới trả cho tui được rồi mà, cậu đưa cô về kẻo bệnh đó.
Hành choàng vội áo mưa lên người Châu Hà, nói lời cảm ơn, xong kéo cô chạy nhanh tới nơi gửi xe. Cô gái buồn bã vẫn lanh trí:
- Đưa em đến nhà chị Hiền thay đồ, nếu không mẹ la lắm.
- Anh hiểu.
Hành buột miệng xưng anh và hai đôi mắt gặp nhau ngỡ ngàng. Anh bối rối đạp xe mấy lần liền mà không nổ. Châu Hà dành:
- Để em!
Cô đạp nổ ngay, họ chở nhau đi trong cơn mưa xối xả. Châu Hà không hề tỏ ra bâng khuâng vì Hành ướt sũng, nhưng cô đã nắm lấy tay Hành dịu dàng nói:
- Em thật may mắn vì có người bạn như anh.
Đêm ấy trên căn gác nhà Tài, Hành không ngủ.
oOo
Cả phân xưởng kéo thép như nín thở trước những bước chân đều đặn và gương mặt nghiêm lạnh của bà giám đốc. Theo sau bà trái với thường lệ Khánh Hoà thì hôm nay là kỹ sư trưởng nhà máy và một cô gái nhỏ nhắn, nhưng nhìn cô người ta có cảm giác cái đầu không nhỏ như thân người.
Những lò lửa cao độ cháy rực, những con người làm việc đều đặn, nhanh chóng, những tiếng động máy móc ầm ầm nhưng lạ thay dường như nếu một con ruồi bay qua ai cũng nghe.
Bà Hương dừng bước, cất giọng thanh trong nhưng vẫn đượm đầy vẻ uy quyền.
- Quyền phân xưởng trưởng.
Anh ta đã đứng ngay trước mặt bà:
- Thưa bà giám đốc tôi có mặt.
Ánh mắt bà Hương sắc bén lướt qua anh ta:
- Dường như anh đi dạo chứ không phải đi làm.
Gương mặt đen gầy thản nhiên:
- Thưa bà giám đốc, bà không cử tôi làm công nhân.
- Quyền phân xưởng trưởng là ngồi chỉ tay năm ngón hay sao?
Tấm lưng gầy nhom trong chiếc áo thẳng nếp như cứng:
- Thưa bà giám đốc, nhiệm vụ của tôi là chịu trách nhiệm trước bà về toàn phân xưởng, bà hãy đánh giá năng lực tôi vào thành quả cuối cùng này, chớ đừng đánh giá qua bộ quần áo và hai tháng mới làm việc của tôi.
Hầu hết những đôi tay đều ngưng làm việc trong tích tắc và những vành tai vểnh lên lắng nghe. Bà giám đốc của họ nhìn xoáy vào anh Quyền phân xưởng trưởng tia nhìn loé anh sánh uy hiếp. Khá lâu giọng bà trầm lại:
- Được! Lúc ấy hoặc tôi hân hoan cắt bỏ chữ quyền trước chức vụ của anh hoặc anh vĩnh viễn rời khỏi nhà máy.
- Rõ! Thưa bà giám đốc.
Người thanh niên nghiêng đầu chào thay bước chân tiễn bà giám đốc của mình. Đâu đó có nhiều tiếng thở phào, còn bà giám đốc trở về phòng làm việc của con trai mình bằng bước chân vội vã, Khánh Hoà đứng lên chào mẹ:
- Thưa mẹ, xong rồi ạ!
Bà trừng mắt:
- Thưa bà giám đốc. Đây là nơi làm việc.
Khánh Hoà hơi sửng sốt:
- Dạ! Thưa bà giám đốc.
- Ông ấy đâu? - Bà ngồi vào ghế khách hàng, cô gái cùng kỹ sư trưởng vẫn đứng.
- Ba! A… Ông giám đốc họp trên thành uỷ chưa về.
- Được! Ông phó giám đốc cho tôi mượn cô thư ký, đánh giúp một văn bản để chiều họp toàn ban giám đốc.
- Thưa bà giám đốc, văn bản gì ạ?
- Sa thải kỹ sư trưởng nhà máy.
Người kỹ sư trưởng cũng tái nhợt mặt, bước tới:
- Thưa bà giám đốc…
Khánh Hoà cũng đổi sắc mặt, buột miệng:
- Mẹ! Chuyện gì?
Bà Hương lạnh lùng chỉ kỹ sư trưởng:
- Anh ta đã làm trái chức năng của mình, thay vì giám sát kỹ thuật toàn nhà máy, anh ta lại lạm quyền của quản trị trưởng, tố cáo sai về năng lực của một con người làm mất thời gian cấp trên, làm mất năng sức cấp dưới.
Viên kỹ sư trưởng hai chân muốn quỵ xuống. Ông muốn thanh minh nhưng không thể thốt ra lời, đành nhìn Khánh Hoà cầu cứu.
Bây giờ anh là phó giám đốc nhân sự, anh nghiêm mặt:
- Ông kỹ sư trưởng về phòng, mười ba giờ lên gặp tôi.
Cánh cửa khép lại, Khánh Hoà đã ngồi xuống bên mẹ, đưa mắt nhìn cô gái:
- Em ngồi đó đi! Kể anh nghe chuyện gì khiến mẹ nổi giận.
- Hiền làm sao nó biết, con hỏi mẹ đây.
Khánh Hoà dịu dàng và cương quyết:
- Hiền bây giờ là thư ký riêng kiêm cố vấn thương mại, cô ấy phải biết tất cả. Nào! em kể đi.
Hiền mỉm cười, nói rất ngắn gọn đơn giản:
- Ông kỹ sư trưởng đến ngay công ty cung cấp vật tư tố cáo với bà giám đốc là, phân xưởng trưởng kéo thép không làm tròn chức năng. Bà thanh tra ngay tại xưởng, thì không đúng như vậy.
Khánh Hoà lắc đầu:
- Vô lý! Nếu như vậy chưa đến nỗi nào mẹ đuổi việc kỹ sư trưởng.
Hiền lại mỉm cười:
- Nguyên nhân chính là vì cú điện thoại trước đó một giờ.
Khánh Hoà vỗ nhẹ vào tay mẹ, anh đã hiểu ra:
- Điện thoại, ai nói gì về bé Lục Lạc phải không mẹ?
Bà Hương làm thinh, Khánh Hoà khe khẽ lắc đầu:
- Mẹ nổi giận vì những điều đơm đặt, nghĩa là mẹ chấp nhận việc làm em con không sai trái, thế mẹ giận làm gì?
- Nó muốn làm mẹ khổ như thằng Quảng! - Bà Hương run run.
Khánh Hòa lo lắng, nghiêm trọng thật rồi. Bà Hương thổ lộ:
- Nó đi với hai gã đàn ông, la cà khắp phố, ăn chợ uống đường, nó sống như một đứa con gái hoang đàng vô gia cư. Quyền bộc trực lỗ mãng nên mẹ không sợ. Hành thì thâm trầm đầy cá tính.
Khánh Hoà che dấu nỗi lo âu bằng cách trở về với chức vụ:
- Cho nên mẹ lẫn lộn tính cách bà giám đốc với vai trò người mẹ. Mẹ ơi! Chẳng hiểu chiều nay mẹ và con trả lời với ông giám đốc thế nào đây.
Bà Hương trở lại tính sắt đá của người làm chủ có quyền:
- Cho thôi việc, cấp lương sáu tháng.
Khánh Hoà khôn ngoan đứng lên:
- Điều ấy để cả hội đồng và giám đốc quyết dịnh.
Bà Hương không lép vế:
- Mẹ muốn biết ý kiến cá nhân con
- Với tính cách là con trai mẹ hay… tính cách một phó giám đốc nhân sự.
Khánh Hoà đưa mắt cho Hiền, cô hiểu ý:
- Thưa bà tôi xin phép ra ngoài gọi diện thoại về cho công ty.
Và Khánh Hoà trả lời mẹ bằng tư cách phó giám đốc nhân sự:
- Ông ấy có lỗi vì quên mình là kỹ sư lo về kỹ thuật. Nhìn bằng con mắt kỹ thuật đánh giá năng lực một con người thì sai lầm là điều không tránh khỏi. Ông ta phải chịu lỗi trước hội đồng quản trị, nhưng cả bố mẹ và con đều ngầm biết ơn ông ta đã vì chúng ta mà lo lắng.
Bà Hương nín lặng, Khánh Hoà biết im lặng chờ đợi.
Thời gian vẫn trôi và người đàn bà thông minh sắc sảo ấy đã trở về với cương vị của mình trong nhà máy:
- Con nói đúng, có điều …
- Dĩ nhiên chiều nay trong buổi họp hội đồng quản trị tôi và con không để em mất uy tín của bà giám đốc.
- Thưa ba!
Ông Hưng đã về khá lâu, ông thay con trai đáp ứng điều ngại ngùng của vợ. Ông bước tới nắm tay vợ an ủi ân cần:
- Anh luôn tin bé Lục Lạc và dù không thích mấy chuyện nó lang thang cả tuần nay ngoài phố, anh vẫn nhớ mình đã cho phép nó.
- Người ta …
- «Người ta» đã tỏ ra tốt bụng điện thoại đến nói với anh nhiều lần em biết thừa, có ai rỗi hơi làm chuyện không lợi cho mình. Em hãy cho phép con thay anh trả một phần ân nghĩa với đời và hãy tin con như tin chính mình.
Nghe chồng nói cạn lời, bà Hương đành tỏ hết lời tâm sự:
- Nó với Dương Hành đã tiến xa quá tình bạn một cách âm thầm, nó không biết, còn Hành….
- Điều ấy cần biết cho thấu đáo, vì anh Thiên Trường hôm ra sân bay đã ân cần nhờ Dương Hành chăm sóc cho Châu Hà.
- Em con thiếu tình thương và sự chăm sóc sao? Thiên Trường tạo thêm ngang trái nữa rồi. - Bà Hương oán trách.
Ông Hưng thoảng nét buồn:
- Là cháu nó muốn tỏ lòng yêu thương trong ruột thịt.
Nỗi buồn lộ trong lời nói của chồng khiến bà Hương giật mình. Bà luôn tỉnh táo nhận xét bản thân và biết mình vừa làm chồng buồn. Rất nhanh trí bà chuyển câu chuyện:
- Mua xong tổ hợp Tấn Phát rồi hả anh?
- Xong rồi! - Ông Hưng trả lời ngắn gọn.
Khánh Hoà tỏ ý không vui:
- Sao ba mẹ cố ý diệt không tha vậy? Nó là tổ hợp nhỏ thôi mà.
Người chồng, người cha trong ông Hưng nhường chỗ cho kẻ làm ăn ở thương trường.
- Nó nhỏ mà dám hạ giá thành sản phẩm để đối đầu với mình là phải diệt, làm ăn là như vậy.
- Nhưng anh thâu nhận lại hết đám công nhân chứ?
- Dĩ nhiên, họ có đối đầu với mình đâu.
Ông nhìn đồng hồ, Khánh Hoà biết ý nhấn chuông. Hiền hiện ra ở cửa phòng. Khánh Hoà tươi cười:
- Nhờ cô đưa bà giám đốc về nhà.
Hiền hiểu ý:
- Cảm ơn anh, Hiền phải về làm cơm vì ba Hiền trở bệnh nặng rồi.
Cô ý tứ nói với bà Hương:
- Thưa bà! Cô Châu Hà …
- Nó làm sao? - Bà Hương giật mình.
- Dạ đang chờ bà ở trước.
Cả bốn rời khỏi phòng. Quả thật Châu Hà đang đứng đợi, vẻ bồn chồn. Thấy mọi người cô lao tới:
- Ối trời! Họp gì mà lâu vậy! Cho con mượn thêm hai trăm ngàn.
Ông Hưng khôi hài trước cái nhíu mày của vợ:
- Phát lương tiếp cho đội truy lùng hả con? Mượn khi nào trả?
- Con sẽ làm việc trả dần.
Nhận xấp tiền cha đưa, Châu Hà cho vào túi xong nhảy lên ôm hôn mẹ liền mấy cái, miệng liến thoắng:
- Chiều con về. Ôi thương mẹ nhiều lắm!
Một cái nháy mắt với anh trai và tặng Hiền nụ cười, Châu Hà bay biến liền như chưa từng có sự hiện diện của cô.
Cô bay bằng chiếc cúp của Tài cho Hành mượn, bay đến ngay chỗ « bạn bè» đang đứng chờ. Con Liên liến láu hỏi:
- Tiếp tục phát lương hả chị Hà?
Cô gái đếm nhanh mấy tờ giấy bạc cho con Liên, thằng Cầu và thêm hai đứa bạn của nó. Thằng Cầu cầm tiền rồi than thở:
- Giá không lấy tiền chị mà về nhà vẫn có tiền đưa má thì hay biết mấy.
- Vậy thì nói làm gì. - Con Liên xì dài, thật ra chẳng đứa nào thích lấy tiền của chị Hà, nhưng hoàn cảnh mà biết làm sao.
Châu Hà cười khì:
- Tụi em vẫn đi bán bánh mì mỗi ngày mà đúng không?
Mấy nhỏ gật đầu xuôi xị. Ông già sửa xe đạp lắc đầu tỏ ra ái ngại:
- Châu Hà! Vậy hoài tiền đâu hả cháu? Có tin gì chưa?
Bà bán bánh mì hứ mội tiếng:
- Có thì nó đâu phát lương đợt nhì. Mèn ơi! Một đứa nhỏ bụi đời mà lo dữ vậy Châu Hà?
Ông Sáu xích lô đang lui hui chùi xe ngẩng đầu lên hừ mũi:
- Bà biết gì, thằng đó hồi mới chín tuổi đã gan cóc tía, báo công an bắt mấy ổ bán xì ke. Giờ nó ra ngoài, tụi kia mần thịt liền.
- Giêsu, lạy chúa tôi! Chúng dám giết người sao? Ôi! Tội nghiệp thằng nhỏ.- Cô chủ bán bánh tạp hoá làm dấu thánh giá lia lịa như thể điều ấy giúp được thằng Thiện bình an.
Ông Sáu nhìn lắc đầu ra dáng chê bai. Ông nói với Châu Hà:
- Cháu cứ đi! Chú sẽ chở tụi nó qua Nhà Bè.
oOo
Châu Hà cảm ơn ông Sáu, qua mua hai ổ bánh mì, dặn dò tụi nhỏ xong, phóng xe về Tương Lai. Hành đang chờ cô ở đó.
Vẫn dưới gốc cây hoa sứ, hai người ngồi ăn bánh mì uống nước mía. Hành với vẻ trầm lặng muôn thuở, ăn chậm rãi, chăm chú. Châu Hà thì lại khác, thỉnh thoảng cô liếc Hành. Một tuần bên nhau không rời nửa bước, cô gái khám phá ra người bạn Trung Hoa có rất nhiều ưu điểm. Bức tường ngăn cách cô dựng ra đã lần lần tan biến mà cô không hay biết. Trong thâm tâm cô tự hài lòng, vì Hành là bạn của anh Trường mà hôm chia tay đã từng ân cần gởi gắm Hành, nhờ cô săn sóc trong thời gian học tại Việt Nam. Câu « gởi gắm» ấy giúp Châu Hà tự đánh lừa mình quan hệ thật tự nhiên với Hành.
Đôi khi cô giựt mình, vì một vài câu « khuyên» của Quyền. Như hôm qua Quyền cùng cô đi tìm Thiện ở khu Bàn Cờ, anh tỏ ra rất dễ thương khiến Châu Hà hết dị ứng với anh, Hành như bao giờ nhìn họ đùa vui lặng lẽ mĩm cười. Buổi ăn trưa Quyền dành chiêu đãi vì mới lãnh lương và khi Hành ra lấy xe đi đâu một lúc, chẳng hiểu vô tình hay cố ý Quyền kể Châu Hà nghe câu chuyện một con gái Việt Nam được cưới về ở Trung Quốc, rồi than phiền một mình.
- Đàn ông Việt Nam hết rồi sao? Thiếu gì những người tuyệt vời mà lại đi lấy chồng xa xứ chớ. Em biết không? Sống giữa người Hoa, cô ta thấy mình cô đơn lạc lõng, vì anh chồng đâu chỉ là chồng, còn là con, là cháu, là anh, là em, đủ thứ bổn phận ràng buộc.
Lúc ấy cô rất vô tư nói:
- Khối chuyện hay anh không kể, kể chuyện gì buồn vậy?
Nhưng đến đêm nằm nhớ lại, cô mơ hồ biết Quyền cố ý kể cô nghe. Cô cũng mơ hồ thấy Hành ngày một thân thiết với mình hơn. Nhưng rồi cô tự tìm lý do để khỏi bâng khuâng.
Anh ấy là người anh tốt như anh Trường, vả lại Quyền nói đúng, thanh niên Việt Nam đâu thiếu những chàng trai tuyệt vời. Mình có cả mấy chục người bạn « hết xẩy» hơn và Hành kia mà, lo gì. Kể đâu xa, Quyền cũng « tuyệt vời» đó chứ, mạnh khoẻ nè, võ giỏi, tính hoạt bát vui tươi nè, làm ra tiền nữa nè, điều chủ yếu là rất ư yêu mình nè… mình giả đò không biết chứ ngu sao không biết? Có điều… hỡi ôi! Mình phải học cho xong đã…
Và bây giờ, Châu Hà đang lén nhìn Hành như muốn tìm ở anh thêm ưu điểm gì. Hừ! Trừ tấm lòng yêu người hơn yêu mình. Hành chẳng có gì nổi bật, ngoài dáng vẻ một triết nhân. Vậy mà là nhà báo, có lộn nghề không vậy? Cô buột miệng nói thành tiếng khiến Hành ngơ ngác:
- Cô nói ai lộn nghề?
Nữa, lúc em, lúc cô, cái anh chàng này. Châu Hà hỉnh mũi, đuôi tóc lúc lắc:
- Nói anh đó, đáng lẽ làm sư ở Thiếu Lâm Tự đúng hơn.
Cô nhảy chân sáo băng qua sân. Tiếng lục lạc rộn rã, tim Hành rộn rã theo, nhưng anh vẫn ngồi tiếp tục ăn bánh mì. Cô gái bỗng rón rén bước chân như mèo rình mèo khi ngang phòng một, gương mặt cô nghệch ra, nghiêng tai thì thầm lắng nghe. Hành chăm chú nhìn. Cô gái lại muốn đùa gì đây? Giờ tụi nhỏ ngủ mà. Châu Hà không biết Hành đanh theo dõi mình, bởi cô đang nghe tụi nhóc tì phòng một nằm ngủ mà cãi nhau. Lớn tiếng oai quyền nhất là thằng Luận:
- Tụi bây có im không? Chỉ ưng ai mắc gì đến tụi bây?.
Hiền Tề Thiên cãi khi mắt cứ nhắm ngon lành:
- Sao không mắc, «ông» nào cũng «ngon» nhưng ông kia ở tuốt bên Tàu, chỉ theo chồng qua bển, ai chơi với mình?
Thân « dấm đài» nêu ý kiến bằng vẻ rụt rè:
- Tao thích anh Hành hơn, anh Quyền vui thiệt, nhưng tao có cảm giác ảnh không thương tụi mình lắm!
Thằng Luật nạt:
- Thương hay không liên quan gì đến chuyện ấy?
Thằng Thân không giải thích nổi. Nó ấm ức kéo Huề rổl ên tiếng rất ư rành rọt:
- Liên quan, tao đọc báo hạnh phúc hôn nhân gia đình.
Huề rỗ chưa nói hết câu, tụi phòng một đã cười ồ và ngưng ngang ( giờ ngủ trưa mà cười là bị ông quản trị « lên lớp» phạt ngay).
Chẳng hiểu tại sao thằng Tân có mặt ở phòng một để lên tiếng:
- Chán mày quá rỗ à! Dôrêmon không đọc, lại đọc hạnh phúc hôn nhân gia đình, mày muốn đầu độc tuổi thơ của mày à?
Lại cười, lần này rúc rích như chuột… Huề rỗ bực mình:
- Tuổi thơ con khỉ, tao mười lăm tuổi chớ bộ, không đọc làm sao tao biết hai người lấy nhau mà không hợp tính tình thì hạnh phúc gia đình dễ đổ vỡ. Chị Hà hợp với anh Hành hơn.
Hiền Tề Thiên cầu cứu đồng minh:
- Luận! Mày lên tiếng coi.
- Tao đồng ý. Chị Hà lấy chồng Tàu tụi mình mất nhờ. Không có chỉ ở đây buồn lắm, vả lại anh Quyền biết chìu chỉ mà anh Hành thì cứ như ông Phật đất.
Ở thân hình bé nhỏ thằng Tần là lứa tuổi đôi mươi, nó nói một câu rất chi văn vẻ:
- Tình yêu là sự đồng cảm, có khi cả sự hy sinh. Tình yêu làm gì có biên giới chứ. Có chăng từ biên giới mình tự tạo trong lòng.
Bọn trẻ chia làm hai phe gả chồng cho Châu Hà, chúng chí choé cãi nhau, mắt vẫn nhắm, thân co quắp trên giường như ngủ. Chúng chẳng dè chị Châu Hà của chúng, rón rén, lặng lẽ đi thụt lùi và thật nhẹ nhàng đến nơi để xe. Trong đời Châu Hà đây là lần đầu tiên những bước chân cô đi không hoà theo tiếng lục lạc reo. Điều ấy khiến Hành sững sờ và anh thật sự bâng khuâng khi cô nói, nói rất nhỏ với anh lúc anh đến bên cô:
- Chiều nay Hà bận, anh đi tìm Thiện có gì điện thoại đến nhà.
oOo
- Mẹ ơi! Chiều nay con đến cửa hàng chơi với me.
Câu nói của Châu Hà khiến bà Hương quyết định nghỉ buổi chiều. Gọi điện đến giao việc cho người phụ tá và Hiền, đưa chồng ra tận cửa đi làm xong, bà vào phòng Châu Hà. Cô gái ngủ ngon lành giữa nệm bừa bãi. Một thoáng ngần ngừ, người mẹ khép nhẹ cửa phòng xuống lầu. Để con bé ngủ, mình đi chợ mua món gì về làm thức ăn cho nó.
Bà Hương không biết khi mình lái xe ra cổng, Châu Hà nép mình ở lan can cầu nhìn theo, cô bé thở dài lẩm bẩm.
- Mẹ ơi! Tội mẹ quá, con đúng là hư.
Châu Hà nghệt mặt đứng ở sát lan can, miệng cắn móng tay, như say như tỉnh, cố gắng không nhớ nữa, mà sao thấy người ta càng lúc càng nhiều ưu điểm. Quyền vui tếu nhưng rất cộc, còn người ta rất hòa nhã, chưa hề giận dữ bao giờ. Đúng vậy! Anh Trường chẳng nói chơi với nhau mười lăm năm nhưng chưa thấy Hành lớn tiếng với ai.
Ê! Không được, biểu đừng nhớ mà. Cô gái dậm chân, lắc đầu lia lịa, như muốn xua đi bao ý tưởng và hình bóng một con người. Nếu ai nhìn cô bé lúc ấy không thể không kinh ngạc.
Quả thật ông Tấn rất kinh ngạc. Con bé làm sao thế? Ông thận trọng đến gần đằng hắng. Cô gái không nghe. Ông gọi từ tốn:
- Châu Hà!
Cô gái giật mình và biết ngay ai gọi. Ở trong nhà chẳng ai nói tiếng Hoa, trừ bác Tấn. Cô quay lại, đọc thấy vẻ lo lắng thương yêu trong mắt bác mình. Trái tim non trẻ chợt ngập tràn tình thương, bác ấy đã đi qua đau khổ một kiếp người và hạnh phúc hôm nay chưa đủ bù đắp. Nhìn kia đôi mắt ấy như ra vẻ cô đơn xa vắng. Có phải tình yêu xưa không nhạt phai theo tháng năm.
Kẻ trẻ người già thật gần nhau, rất tự nhiên Châu Hà ngả vào lòng người bác ruột, đầu cô tựa lên vai ông thủ thỉ:
- Bác hai ơi! Bác đã hết buồn chưa?
Ông Tấn vuốt tóc cháu, thoảng nụ cười. Ông nói về chuyện khác:
- Cháu nói tiếng Hoa giỏi thật, ba cháu dạy à?
- Tụi cháu học nói theo ba, sau đó học chữ thì học trường lớp đàng hoàng.
- Mẹ cháu cho học à?
Châu Hà ngẩng lên nhìn bác. Cô bé thông minh nên hiểu ngay:
- Bác đừng hiểu lầm, mẹ cháu rất tôn trọng về cội nguồn mỗi con người, bà chỉ không thích những hủ tục còn trong đầu ba cháu. Bác hãy tự mình đặt địa vị mẹ cháu xem có chịu nỗi không? Này nhé, lúc nào cũng lăm lăm cho cháu một ông chồng Tàu, cả cái nhà máy, lúc nhận công nhân, ba cháu thấy người nào gốc Hoa mới nhận. Chưa kể chuyện răng đe con không được có bạn trai, nhưng mỗi tuần lại cho mấy anh tàu trong nhà máy đến tán tỉnh cháu và lúc nào cũng khuyên, máu nào dòng dõi đó, khiến mẹ cháu nổi giận. Thật ra mẹ cháu chỉ muốn ông ấy hiểu không nên áp đặt con cái và phải bình đẳng trong quan hệ xã hội. Dù sao đất nước này đã nuôi ba cháu lớn lên, giúp ông gây dựng được sự nghiệp to tát như hôm nay và cháu mang hai dòng máu.
Hai bác cháu choàng tay nhau vừa đi vừa nói chuyện. Ông Tấn biết lắng nghe và hiểu điều cháu nói không sai, bất giác ông gật đầu nói:
- Không trách mẹ và các cháu được, ba cháu có mười hai năm ở quê hương, còn ở nơi này những năm mươi năm, hôm rồi ba cháu bảo rằng, không thể hồi hương vì tôn trọng tư tưởng của hai cháu.
Châu Hà mừng rỡ:
- Thật sao bác?
Gặp vẻ buồn nơi ông Tấn cô gái ngượng nghịu thanh minh:
- Gia đình cháu sẽ về bên đó hoài, Bác đừng buồn nữa.
Hai bác cháu ra tới hiên nhà ngoài, cùng ngồi xuống nhìn ra cổng. Những hoa lồng đèn xinh đẹp đỏ tươi, đu đưa trước gió, vài cánh bướm chập chờn trong nắng ngả về chiều. Châu Hà thấy bác mình nhìn vào cảnh vật xinh tươi bên ngoài như nhìn vào chốn hư không, nên lòng ái ngại. Bác hơn ba có ba tuổi mà già đi nhiều lắm, có phải vì nhớ vợ hiền xưa? Cô gái e dè:
- Bác chưa trả lời cháu, vì sao mãi buồn?
- Bác không vui được, chớ chẳng phải buồn.
Cô gái xịu mặt, một lúc buột miệng:
- Có thật những nỗi đau trong tình yêu chẳng thể nào quên?
Ông Tấn cũng buột miệng:
- Đúng vậy!
Châu Hà bần thần, thật vậy chăng?
Nghĩa là bác ấy rất yêu nên đau khổ không quên. Còn ta, có phải đã trải qua một cuộc tình? Không! Cõi lòng ta từ ấy phẳng lặng, ta nhớ Thiên Trường như nhớ một người anh đi xa chưa trở lại mà thôi.
- Châu Hà! Cháu muốn nói gì với bác ư?
Cô gái đăm đăm đôi mắt nhìn những hoa lồng đèn treo lơ lửng quanh rào. Cô chậm rãi nói:
- Có lúc cháu nghĩ bác không xứng đáng với bác gái, nhưng giờ cháu đã hiểu, trong tình yêu tất cả đều là lẽ phải, mọi thứ rào cản không ngăn được nó đâu. Bác tha lỗi cho cháu nghe!
Trước Ông Tấn, Châu Hà không còn bé bỏng ngây thơ, nếu ngày gặp cháu, ông thương yêu vì sự tinh khiết, thanh bạch, với vẻ thông minh dí dỏm, thì hôm nay, lời nói này cho ông hiểu, cô đã trưởng thành trong tấm lòng trung thực, bao la. Mắt ông Tấn nghe cay, ông nắm lấy tay cháu, nói nhỏ, nay cảm kích:
- Cháu có lỗi gì, cháu đã cho bác niềm vui to tát.
Có vài giây dừng lại lưỡng lự, ông Tấn nói tiếp:
- Chẳng phải tự dưng bác được cháu cảm thông, phải chăng cháu đã gặp một tình yêu nhiều trăn trở?
Châu Hà hốt hoảng đứng phắt lên, lắc đầu lia lịa:
- Không! Không! Cháu đã xét kỹ lòng mình, với anh Trường chỉ là ngộ nhận với tình yêu thôi. Bác phải tin cháu nghe bác!
Ông Tấn vẫn ngồi, hơi nghiêng nét mặt ngắm Châu Hà. Ông cười khẽ:
- Bác biết trước khi cháu hiểu ra điều ấy, bác chỉ muốn hỏi, ai đã làm cháu trăn trở đến vậy?
Lại một lần nữa cô gái hốt hoảng, bởi cô không cho phép mình nghĩ xa hơn:
- Bác ơi! Đừng hỏi nữa được không?
Giọng cô hơi khẩn khoản như sắp khóc, tay đan chặt vào nhau vẻ bứt rứt bồn chồn. Ông Tấn hiểu lòng cháu, nó không dám đối diện sự thật, bởi con đường này nó đâu muốn đi qua. Nó muốn chối bỏ, nó đang cố gắng vùng ra khỏi lưới tình cay nghiệt ấy. Tội nghiệp cháu ta.
Ông Tấn kéo nhẹ cháu gái ngồi xuống bên ông, ông không nói nữa, bàn tay xương gầy vuốt tóc Châu Hà đầy thương mến:
- Ừ! Thì bác không nói. Nào! Bé Lục Lạc kể chuyện bác nghe đi.
oOo
Lúc bà Hương xuống xe với giỏ thức ăn đầy, là lúc con gái cưng trong khoảnh khoắc đã quên điều muốn quên. Cô trở lại vẻ hồn nhiên, dí dỏm và đang làm Tề Thiên Đại Thánh cho bác Tấn xem. Lộn đến vòng thứ năm, Châu Hà đụng ngay chân mẹ. Cô tung người lên reo lớn:
- A! Mẹ về, có bòn bon cho con không?
Bà Hương chào anh chồng, tươi cười trách yêu con:
- Giỏi thật, con gái lớn tồng ngồng thế này, chỉ biết vòi quà chớ chẳng giúp mẹ được gì.
Châu Hà nhăn mũi làm xấu với mẹ, xách giỏ thức ăn nhảy chân sáo vào nhà. Tiếng lục lạc reo rộn rã. Ông Tấn cười, mắt sáng bừng:
- Thím có cháu Hà đã là báu vật vô giá.
Bà Hương rạng rỡ nụ cười như chấp nhận điều ông anh chồng nói đúng. Cả hai thong thả vào nhà. Ông Tấn sực nhớ hỏi:
- Tại sao Châu Hà có tới hai vòng lục lạc vậy?
Hơi khựng lại với chút mây u ám trên vầng trán người mẹ. Bà Hương tiếp tục bước và trả lời anh chồng:
- Cái kia của Dương Hành tặng.
Một tia hy vọng loé trong trái tim khô héo của người đàn ông Trung Hoa.