Dịch giả: Đoàn Tử Huyến và Hiếu Trang
CUỘC PHIÊU LƯU THỨ HAI MƯƠI LĂM

Một trong những tuyến đường giao thông vũ trụ chính ở chòm Gấu Lớn nối liền hành tinh Mutria với hành tinh Latriđa.
Nằm ngay trên tuyến đường này là Tairia, một quả cầu khổng lồ bằng đá nổi tiếng là nguy hiểm vì những đám mây đá rất lớn bao quanh nó. Bề mặt của hành tinh, gần như bị tấm màn đá che lấp, liên tục rung chuyển trong những tia chớp chói lòa và tiếng nổ dữ dội của những tảng đá xô vào nhau; nói ngắn gọn lại, ở đó đúng là một chốn hỗn độn nguyên sơ!
Mấy năm trước đây các phi công bay trên tuyến đường Mutria - Lariđa bắt đầu kháo nhau về một loại quái vật nào đó thường bất ngờ từ sau những đám mây đá chất đống phía trên Tairia xông ra dùng các cánh tay vòi dài ngoẵng ôm lấy con tàu cố kéo vào hang ổ tối tăm của mình. Việc đó gây nên sự hoảng loạn của hành khách đi trên tuyến đường này. Ít lâu sau có tin đồn rằng những con quái vật đó tấn công một nhà du hành vũ trụ khi ông ta đang đi dạo trên bề mặt con tàu của mình cho tiêu cơm sau bữa trưa. Thực ra ở đây có nhiều điều bị phóng đại lên - nhà du hành vũ trụ (là một người quen của tôi) lỡ tay đánh đổ nước chè lên bộ quần áo công tác nên đem móc nó ra ngoài ô cửa nhỏ để phơi, vừa khi đó có những con vật thân hình ngoằn ngoèo kỳ lạ bay tới vồ lấy nó rồi chạy đi mất.
Tất cả những tin đồn đó làm cho các hành tinh ở trong vùng lo lắng đến nỗi một đoàn thám hiểm đặc biệt được giao nhiệm vụ đến nghiên cứu kỹ khu vực phụ cận của Tairia. Một số người tham gia đoàn thám hiểm nói rằng dường như họ đã trông thấy phía sâu trong các đám mây đá của Tairia những quái vật dạng rắn giống như những con bạch tuộc, nhưng điều này không được chính thức khẳng định, và sau một tháng đoàn thám hiểm không dám đi sâu vào khu vực các đám mây đá của Tairia, đã trở về Latriđa với hai bàn tay không. Về sau người ta còn thành lập thêm mấy đoàn thám hiểm nữa, nhưng không một đoàn nào mang lại kết quả gì.
Cuối cùng, Ao Mubrax, một con người gan dạ, một kẻ lang thang vũ trụ nổi tiếng, mang hai con chó mặc áo giáp đến Tairia để săn bắt những con vật bí hiểm. Năm ngày sau anh ta lại quay lại một mình, người tả tơi mệt lử. Theo anh ta kể lại, ở cách Tairia không xa, từ sau một đám mây bỗng có vô số các quái vật nhảy xổ ra, chúng dùng tay vòi quấn chặt lấy anh và hai con chó, người đi săn dũng cảm chộp vội lấy con dao, đâm chặt tứ tung và thoát ra được khỏi những vòng ôm chết người, còn đôi chó, thì than ôi, không làm được điều đó. Bộ quần áo vũ trụ của Mubrax cả bên ngoài lẫn bên trong đều mang dấu vết của cuộc vật lộn, ở mấy chỗ còn dính lại vài mẩu xanh xanh của một vật gì đó giống như thân cây có sợi. Một hội đồng khoa học, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các mẩu hiện vật, xác định rằng đó là những mảnh nhỏ của một cơ thể đa bào mà ở Trái Đất được biết rất rõ dưới tên Solanum tuberosum, một loài cây thân củ nhiều mầm được người Tây Ban Nha mang từ châu Mỹ sang châu Âu vào thế kỷ thứ XVI. Cái tin đó đã kích thích các nhà thông thái, và không bút nào có thể mô tả được tình trạng hỗn loạn xảy ra khi có một người nào đó dịch cái tên gọi khoa học kia ra ngôn ngữ bình thường: hóa ra là Mubrax đã mang trên tấm áo giáp vũ trụ của mình những mẩu thân lá khoai tây bình thường!
Chàng lãng tử vũ trụ gan dạ tức điên lên vì bị nghi là trong suốt bốn tiếng đồng hồ đã đánh nhau với khoai tây, liền đòi hội đồng phải cải chính cái tin vu khống đốn mạt đó, nhưng các nhà bác học không chịu thay đổi một lời nào trong kết luận của mình.
Tin đó làm cho tất cả mọi người bị kích động dữ dội. Lập tức hình thành hai đảng phái - đảng ủng hộ Khoai tây và đảng chống Khoai tây; trận giao chiến lúc đầu bao trùm khắp chòm Gấu Nhỏ, rồi sau đó lan sang cả chòm Gấu Lớn; các đối thủ trao đổi những lời thóa mạ nặng nề nhất. Nhưng tất cả cái đó chỉ mới là chuyện vặt vãnh so với những gì diễn ra khi các triết gia bắt đầu xông vào trận.
Từ các nước Anh, Pháp, Ôxtrâylia, Canađa và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ kéo đến những nhà lý luận nhận thức và những đại diện của trí tuệ thuần khiết xuất chúng nhất, và kết quả các hoạt động của họ làm chấn động cả thế giới! Sau khi nghiên cứu vấn đề một cách toàn diện, những người theo trường phái vật lý tuyên bố rằng, khi hai vật thể A và B chuyển động, sẽ đều đúng như nhau nếu nói A chuyển động đối với B và B chuyển động đối với A. Và bởi vì chuyển động là tương đối cho nên có thể nói một cách có cơ sở như nhau rằng con người chuyển động đối với khoai tây và khoai tây chuyển động đối với con người. Vì vậy vấn đề đặt ra - khoai tây có chuyển động được không? - là vô nghĩa, là do tưởng tượng ra, không có thật, tức là nói chung không tồn tại.
Những nhà ngữ nghĩa học tuyên bố rằng: toàn bộ vấn đề phụ thuộc vào việc hiểu như thế nào các từ "khoai tây", "là" và "chuyển động". Và bởi vì cái chìa khóa ở đây nằm trong động từ "là", nên cần phải nghiên cứu nó thật tỉ mỉ, sâu sắc. Họ liền bắt tay vào biên soạn cuốn Từ điển Bách khoa Ngữ nghĩa học Vũ trụ, trong đó dành bốn tập đầu cho từ "là".
Những người theo chủ nghĩa thực chứng mới tuyên bố rằng: cái chúng ta trực tiếp có được không phải là một nhúm khoai tây, mà là một nhúm các tri giác cảm tính; sau đó họ lập các biểu tượng logic để chỉ "nhúm tri giác" và "nhúm khoai tây", rồi họ lập phương trình đặc biệt của hai phán đoán chỉ bằng các ký hiệu đại số học và sau khi viết hết cả biển mực, đi đến một kết quả toán học chính xác và không thể nghi ngờ về sự đúng đắn là 0 = 0.
Những người theo thuyết Tomat tuyên bố rằng: Chúa sinh ra các quy luật tự nhiên là để tạo ra khả năng làm các chuyện kỳ lạ bởi vì chuyện kỳ lạ, chính là sự vi phạm các quy luật tự nhiên, còn nơi nào không có quy luật thì ở đó chẳng có gì để vi phạm cả.
Trong trường hợp này khoai tây chuyển động được nếu như ý Chúa Tối cao là như vậy, nhưng không biết đây có phải là một trò bịp bợm của lũ theo chủ nghĩa duy vật đáng nguyền rủa đang cố tìm để hạ uy tín nhà thờ hay không; tóm lại, cần phải chờ quyết định của tòa thánh Vatican.
Những người theo thuyết Căng mới tuyên bố rằng: sự vật là sáng tạo của tinh thần, chứ không phải là những đồ vật có thể nhận thức được; nếu như lí trí tạo ra ý niệm loài khoai tây chuyển động được, thì có nghĩa là sẽ tồn tại loài khoai tây chuyển động được. Nhưng đó chỉ là ấn tượng đầu tiên, bởi vì cả tinh thần của chúng ta, cũng như các tạo vật của nó, là không thể nhận thức được; và vì vậy chúng ta không thể biết được cái gì cả.
Những người theo chỉnh thể luận - thuyết đa nguyên - chủ nghĩa hành vi - vật lý tuyên bố rằng: như vật lý học cho thấy, các quy luật trong thiên nhiên chỉ là một quy luật thống kê. Cũng như không thể nào đoán trước một cách tuyệt đối chính xác đường đi của một electron riêng biệt, chắc chắn ta cũng không thể đoán trước được một cá thể khoai tây sẽ xử sự ra sao. Tất cả những quan sát trước đây cho thấy rằng đã hàng triệu triệu lần con người đào bới khoai tây, nhưng điều đó không loại trừ khả năng trong số hàng tỉ tỉ lần sẽ có một lần xảy ra ngược lại, tức là khoai tây sẽ đào bới con người.
Giáo sư Urlipa, một nhà tư tưởng đơn độc của trường phái Raxen và Râyhenbach, đã lên tiếng cực lực phê phán tất cả những luận thuyết đó. Ông khẳng định rằng con người không nhận được các tri giác cảm tính, vì không ai quan sát thấy các tri giác cảm tính của cái bàn, mà chỉ có chính cái bàn; nhưng mặt khác, vì mọi người đều biết rằng chúng ta không biết gì về thế giới bên ngoài, nên có nghĩa là không có cả những sự vật bên ngoài lẫn những tri giác cảm tính. "Không có gì hết, - giáo sư Urlipan tuyên bố, - Và nếu như có ai nghĩ khác đi, kẻ đó sai lầm". Như vậy là không thể nào nói được gì về khoai tây cả, nhưng lại là do một nguyên nhân hoàn toàn khác so với phái Căng mới.
Trong khi giáo sư Urlipan mải mê làm việc không ló đầu ra khỏi nhà (trước cửa nhà ông có những người Chống Khoai tây tay cầm khoai tây thối đang rình đợi, bởi vì sự cuồng nhiệt đã làm lú lẫn đầu óc của họ), thì trên đấu trường xuất hiện giáo sư Tarantôga, hay nói chính xác hơn là ông đã hạ cánh xuống hành tinh Latrida. Không bận tâm đến những cuộc tranh cãi vô tích sự, ông quyết định nghiên cứu điều bí mật sine ira et studio[1] như một nhà bác học chân chính. Ông bắt đầu bằng việc đến thăm những hành tinh lân cận, thu nhập các nguồn tin trong dân địa phương. Bằng cách đó ông đã xác định được rằng loài quái vật bí ẩn có nhiều tên khác nhau: Khoai Dây, Khoai Dài, Khoai Dăng, Khoai Củ, Khoai Chạc, Khoai Thừng, vân vân; điều đó đã cho ông cơ sở để suy ngẫm, bởi vì như các từ điển cho biết, tất cả những tên gọi đó đều đồng nghĩa với chữ khoai tây thông thường.
Với một sự kiên trì đáng kinh ngạc và niềm say mê không gì lay chuyển nổi, giáo sư Tarantôga dần dần lần ra bản chất của điều bí ẩn, và sau năm năm ông đã hoàn chỉnh một học thuyết giải thích rõ ràng tất cả.
Trước đây, ở vùng ngoại vi Tairia, một chiếc tàu chở khoai tây đến Latriđa cho những người di cư đã va phải một thiên thạch ngầm. Qua lỗ thủng ở vỏ tàu, toàn bộ số khoai tây rơi hết ra ngoài.
Người ta trục chiếc tàu lên, và các tàu kéo đã đưa được nó về Latriđa, sau rồi toàn bộ câu chuyện này bị lãng quên đi. Trong lúc đó, những củ khoai tây rơi lên bề mặt Tairia bắt đầu đâm mầm và phát triển như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng dù sao thì điều kiện sinh tồn ở đây cũng cực kỳ khó khăn: thỉnh thoảng lại có một trận mưa đá từ trên trời rơi xuống hủy diệt những mầm non, thậm chí cả toàn bộ dây khoai. Kết quả là chỉ những cây nào khôn ngoan nhất biết cách thích ứng và tìm ra chỗ ẩn náu là sống sót được. Một biến chủng khoai tây thông minh xuất hiện và càng ngày càng phát triển mạnh.
Sau nhiều thế hệ, khoai tây bắt đầu chán cuộc sống định cư một chỗ, nó liền tự nhổ rễ lên và chuyển sang lối sống du cư. Đồng thời, nó cũng mất dần sự dịu dàng và thụ động vốn có nhờ sự chăm sóc tưới tắm của con người trước đây. Mỗi ngày một trở nên hoang dã, khoai tây cuối cùng đã biến thành loài ăn thịt. Dần dần, hành tinh đối với nó càng trở nên chật chội, bắt đầu một giai đoạn khủng hoảng mới; thế hệ khoai tây trẻ trung khao khát hoạt động, mơ ước làm nên những sự nghiệp phi thường và hoàn toàn mới lạ đối với các loài thực vật. Ngước cành hướng lên trời cao, chúng trông thấy những mảnh thiên thạch bay trên không trung và quyết định lên đấy ở.
Chúng ta sẽ đi quá xa nếu như trình bày lại toàn bộ học thuyết của giáo sư Tarantôga mô tả việc lúc đầu khoai tây vẫy vẫy những cành lá học bay như thế nào, sau đó chúng vượt ra ngoài giới hạn bầu khí quyển của Tairia ra sao để cuối cùng đến sinh sống ở trên các mảnh thiên thạch bay xung quanh hành tinh. Ít ra, khoai tây làm được điều đó là nhờ vẫn giữ nguyên phương thức trao đổi chất của thực vật, do đó chúng có thể sống một thời gian dài trong khoảng không mà không cần ôxi, thu năng lượng sống từ ánh sáng mặt trời. Khi đã trở nên hoàn toàn táo tợn, khoai tây bắt đầu tấn công các con tàu vũ trụ bay gần Tairia.
Bất kỳ một nhà bác học nào ở vào địa vị của Tarantôga chắc hẳn đã cho công bố cái giả thuyết tuyệt vời này và thỏa mãn với thắng lợi, nhưng giáo sư quyết định không nghỉ ngơi cho đến khi chưa bắt được dù chỉ là một mẩu vật của loài khoai tây ăn thịt này.
Giờ đây, sau khi học thuyết đã xây dựng xong, bắt đầu đến giai đoạn thực hành. Nhiệm vụ mới đặt ra cũng khó khăn không kém. Đã xác định được rằng khoai tây thường trốn trong các khe nứt của những khối đá lớn, và chui vào tìm chúng trong các mê cung di động của những thiên thạch bay vùn vụt là một việc chẳng khác gì tự sát. Mặt khác, Tarantôga không có ý định giết chết khoai tây, ông muốn có được một cá thể sống khỏe mạnh và nguyên lành.
Lúc đầu giáo sư đã toan tổ chức một cuộc vây săn, nhưng sau ông vứt bỏ dự định không chín chắn đó và chọn một phương án khác hoàn toàn mới, nó sẽ làm cho danh tiếng của giáo sư nổi như cồn.
Tarantôga quyết định bắt khoai tây bằng mồi nhử. Với mục đích đó, ông mua ở cửa hàng đồ dùng học tập của Latriđa quả địa cầu to nhất có thể tìm được trên đó - một khối cầu sơn vecni tuyệt đẹp đường kính sáu mét. Giáo sư còn mua một lượng lớn mật ong, keo dán giầy và dầu cá, trộn kỹ chúng theo tỷ lệ bằng nhau rồi đem chất thu được quét lên bề mặt quả địa cầu. Xong xuôi, ông gắn nó vào đầu một sợi cáp dài và bay về phía Tairia. Khi đã đến gần đủ mức cần thiết, giáo sư nấp ở mép của đám tinh vân gần nhất và ném sợi cáp có mồi ra. Toàn bộ kế hoạch được tính toán dựa vào thói tò mò mãnh liệt của khoai tây. Một lúc sau, sợi cáp khẽ giật nhẹ cho biết con thú đang lại gần. Thận trọng nhìn ra, Tarantôga thấy một số cây ăn thịt lắc lư cành và vung vẩy củ chậm chạp tiến về phía quả địa cầu: có lẽ chúng cho đấy là một hành tinh lạ nào đó. Lát sau, chúng đánh bạo đậu xuống quả địa cầu và bị dính chặt vào đó. Giáo sư nhanh nhẹn kéo sợi cáp về, buộc nó vào đuôi con tàu vũ trụ và bay về phía Latriđa.
Khó có thể mô tả lại được sự phấn khởi của dân chúng khi đón nhà bác học gan dạ trở về. Người ta đem nhốt khoai tây bị bắt cùng với cả quả địa cầu vào nhà lồng và đưa ra cho mọi người xem.
Cây khoai tây vừa giận vừa điên khùng vừa sợ hãi, vung cành lá quạt gió tứ tung và giẫm rễ thình thịch, nhưng tất nhiên nó chẳng làm gì được.
Ngày hôm sau hội đồng các nhà khoa học tìm đến gặp Tarantôga để trao tặng ông bằng khen và một tấm huy chương lớn vì công lao to lớn ông đã đạt được, nhưng họ không thấy giáo sư đâu. Thì ra, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ngay đêm hôm đó ông đã bay đi không rõ theo hướng nào.
Nguyên nhân của chuyến bay bất ngờ đó tôi biết rất rõ.
Tarantôga vội là vì sau chín ngày nữa ông sẽ phải gặp tôi ở Xưrulây. Về phần tôi lúc đó đang bay rất nhanh đến điểm hẹn từ phía bên kia của Ngân Hà. Chúng tôi trước đó đã thỏa thuận là sẽ cùng nhau làm một chuyến thám hiểm đến nhánh Thiên hà còn chưa được nghiên cứu nằm phía sau đám tinh vân tối đen ở vùng chòm Lạp Hộ. Tôi còn chưa trực tiếp quen giáo sư, và muốn được tiếng là người biết giữ lời nên cố sức mở hết động cơ. Nhưng, như thường vẫn vậy, những khi rất vội tôi lại hay gặp phải đủ thứ chuyện bất ngờ. Một hòn thiên thạch nhỏ đã xuyên thủng thùng nhiên liệu của tôi và vướng vào ống xả làm nó mắc nghẹt lại.
Không lưỡng lự, tôi mặc bộ quần áo công tác, cầm một cây đèn bấm cực mạnh và các dụng cụ rồi rời cabin bước ra ngoài.
Trong khi dùng kìm lôi hòn thiên thạch ra, tôi tuột tay đánh rơi cây đèn bấm, nó văng ra khá xa rồi bắt đầu độc lập bay trong không gian. Tôi hàn lỗ thủng trên thùng nhiên liệu lại rồi đi vào cabin. Đuổi theo chiếc đèn bấm tôi không thể, vì hầu như toàn bộ nhiên liệu dự trữ đã bị rơi vãi hết và phải may mắn lắm tôi mới đến được hành tinh nằm gần nhất ở đó là Proxit.
Sống ở Proxit những sinh vật có lý trí và rất giống con người chúng ta, ngoài một điểm khác biệt nhỏ: từ phía trên cho đến đầu gối chân của họ cũng bình thường như chân chúng ta, còn ở dưới nữa là bánh xe, không phải nhân tạo mà là một phần cơ thể.
Người Proxit đi lại rất nhanh và duyên dáng, chẳng kém gì các nghệ sĩ xiếc xe đạp một bánh. Nền khoa học của họ đặc biệt phát triển, nhất là thiên văn học; việc nghiên cứu sao phổ biến đến nỗi lên đó các bạn sẽ không gặp một người dân Proxit nào - cả già lẫn trẻ - mà không có kính thiên văn mang theo người. Trên hành tinh này mọi người hầu như chỉ sử dụng đồng hồ mặt trời, còn việc đi công khai xem đồng hồ cơ học bị coi là một hành động vô giáo dục.
Người Proxit cũng có rất nhiều cơ quan văn hóa. Tôi còn nhớ lần đầu tiên lên thăm Proxit, tôi được mời đến dự bữa tiệc mừng nhà thiên văn học danh tiếng của họ là Maratilitex. Tôi cùng với ông ta bắt đầu thảo luận một vấn đề thiên văn học nào đó. Vị giáo sư phản đối tôi, và cuộc tranh luận mỗi lúc một trở nên gay gắt hơn; ông ta trợn mắt nhìn tôi tưởng chừng như sắp nổ tung ra. Bỗng nhiên ông ta nhảy bật dậy và vội vã nhảy ra khỏi phòng. Sau năm phút, Maratilitex quay lại ngồi xuống cạnh tôi, trông ông hiền lành, tươi tắn và bình thản như một đứa bé. Ngạc nhiên trước điều đó, về sau tôi có hỏi xem cái gì đã gây nên sự thay đổi kỳ diệu như vậy trong tâm trạng của vị giáo sư già.
- Sao, - người Proxit mà tôi hỏi ngạc nhiên kêu lên, - anh không biết à? Giáo sư đã sử dụng phòng giải khùng đấy mà.
- Đó là cái gì thế?
- Tên gọi của nó có gốc từ chữ "nổi khùng". Người nào lên cơn giận dữ hoặc nổi cáu với ai đó thì đi vào một căn buồng nhỏ bọc lie mà thả sức cho các xúc động của mình tuôn ra hết.
Còn bây giờ, trong khi hạ cánh xuống Proxit, từ trên cao tôi đã thấy những đám đông tụ tập khắp đường phố, họ vung vẩy những chiếc đèn hoa nhiều màu và hò hét vui mừng. Giao con tàu lại cho các thợ máy trông coi, tôi đi vào thành phố. Người ta giải thích cho tôi rằng ở đây đang mở hội ăn mừng ngôi sao mới xuất hiện đêm qua trên bầu trời của họ. Điều đó buộc tôi phải suy nghĩ, và sau buổi gặp gỡ thân mật, khi Maratilitex mời tôi đến bên chiếc kính viễn vọng cực mạnh của ông, tôi chỉ mới liếc nhìn qua thị kính đã hiểu ngay ngôi sao mới ấy chẳng qua là chiếc đèn bấm của tôi đang bay trong không gian. Đáng lẽ phải nói điều đó với những người Proxit, tôi lại hơi nông nổi muốn tỏ ra mình là một nhà thiên văn học còn trên tài họ, nên sau khi nhẩm tính xem pin đèn còn đủ cho bao nhiêu lâu nữa, tôi liền lớn tiếng tuyên bố với tất cả những người vây quanh rằng ngôi sao mới sẽ có ánh sáng trắng trong vòng sáu giờ nữa, sau đó nó sẽ chuyển sang màu vàng, màu đỏ quạch rồi tắt hẳn. Trước lời đoán của tôi, những người Proxit có thái độ ngờ vực, còn Maratilitex, với tính nóng nảy vốn có, thì tuyên bố là nếu điều đó đúng ông ta sẽ ăn hết cả bộ râu của mình.
Ngôi sao bắt đầu mờ đi đúng vào thời gian tôi dự đoán; và buổi chiều, khi tôi đến đài thiên văn, một nhóm các trợ lý bối rối báo với tôi rằng Maratilitex, với lòng tự ái bị tổn thương nặng, đã khóa mình lại trong phòng để thực hiện lời thề đưa ra một cách nóng nảy. Lo lắng cho sức khỏe của ông, tôi cố tìm cách đàm phán qua khe cửa, nhưng không có kết quả. Ghé tai qua lỗ khóa, tôi nghe thấy những âm thanh khẳng định điều thông báo của các trợ lý. Trong cơn bối rối, tôi viết một bức thư trong đó giải thích tất cả, trao nó cho các trợ lý và nhờ họ chuyển tận tay giáo sư ngay sau khi tôi bay khỏi, rồi ba chân bốn cẳng chạy ra sân bay. Tôi buộc phải hành động như vậy, vì không tin rằng giáo sư kịp sử dụng phòng giải khùng trước khi nói chuyện với tôi.
Tôi rời Proxit vào lúc gần hai giờ đêm một cách vội vã đến nỗi quên cả lấy thêm nhiên liệu. Sau chừng một triệu kilômet, các thùng rỗng không, và tôi rơi vào cảnh anh chàng gặp nạn trong vũ trụ trên một con tàu lang thang bất lực giữa không gian. Đến cuộc hẹn gặp với Tarantôga chỉ còn ba ngày nữa.
Xưrulây trông rất rõ ngoài cửa sổ, nó chiếu sáng cách tôi chỉ chừng ba trăm triệu kilômet, nhưng tôi chỉ có thể ngồi nhìn nó trong cơn giận dữ bất lực. Thế đấy, có những khi một nguyên nhân không đáng kể lại sinh ra những hậu quả nghiêm trọng.
Ít lâu sau, tôi trông thấy một hành tinh đang chậm chạp to dần lên. Con tàu chịu sức hút của nó bay mỗi lúc một nhanh hơn lên và cuối cùng rơi thẳng xuống như một khối đá. Tôi dở cười dở mếu ngồi xuống cầm lấy tay lái. Hành tinh này khá nhỏ, hoang vắng nhưng ấm áp. Tôi nhìn thấy những ốc đảo với các vùng được núi lửa sưởi nóng và những dòng nước chảy. Núi lửa rất nhiều, chúng phụt ra những cột khói và lửa. Tôi quay tay lái bay trong bầu khí quyển, cố tìm cách giảm tốc độ, nhưng điều đó cũng chỉ làm chậm lại cái thời điểm rơi xuống mà thôi. Bất ngờ, khi bay qua một cụm núi lửa, tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ tuyệt vời. Sau một thoáng lưỡng lự, tôi quyết định một cách tuyệt vọng. Tôi quay mũi tàu xuống phía dưới và lao như một tia chớp vào miệng hố mở rộng của ngọn núi lửa to nhất. Vào khoảnh khắc cuối cùng, khi cái miệng cháy bỏng của nó sắp nuốt chửng con tàu, bằng một vòng quay khéo léo tôi quay con tàu dựng mũi lên trên và cứ thế hạ thẳng xuống luồng lửa xoáy đang gầm rú.
Quả là mạo hiểm, nhưng không còn cách nào khác. Tôi tính toán rằng, bị một đòn kích thích mạnh do con tàu rơi xuống gây nên, núi lửa sẽ phản ứng lại bằng một vụ nổ, và tôi đã không lầm.
Một tiếng sấm rung chuyển gầm lên, và trong cột lửa, nham thạch, tro bụi và khói vọt cao nhiều dặm, con tàu phóng thẳng lên trời.
Tôi lái tên lửa sao cho nó nằm đúng theo hướng về phía Xưrulây, và tôi đã thành công mỹ mãn.
Ba ngày sau, tôi đã có mặt ở đó, chậm nhất hai mươi phút.
Nhưng không gặp Tarantôga: ông đã bay đi khỏi, chỉ để lại một bức thứ lưu trạm. Và đây là toàn bộ bức thư:
"Bạn đồng nghiệp thân mến, hoàn cảnh buộc tôi phải lên đường ngay, vì vậy tôi đề nghị chúng ta sẽ gặp nhau ở trung tâm khu vực còn chưa được nghiên cứu. Vì những ngôi sao ở đó chưa có tên gọi, tôi thông báo cho anh biết tọa độ của địa điểm: anh hãy bay thẳng, khi đến vầng mặt trời xanh thì rẽ sang trái, còn sau vầng mặt trời tiếp theo, màu da cam, lại rẽ phải. Ở đó có bốn hành tinh, - ta sẽ gặp nhau trên hành tinh thứ ba tính từ trái sang. Tôi sẽ đợi!"
Nạp nhiên liệu xong, tôi xuất phát lúc hoàng hôn. Sau một tuần đi đường, tôi đến khu vực chưa được nghiên cứu, dễ dàng tìm ra những ngôi sao cần thiết, và chính xác tuân theo lời chỉ dẫn của giáo sư, đến rạng sáng ngày thứ tám tôi có mặt trên hành tinh đã hẹn. Một khối cầu khổng lồ phủ đầy lớp dương xỉ mềm màu xanh, đó là những khu rừng nhiệt đới khổng lồ. Quang cảnh đó làm tôi hơi bối rối - làm thế nào để tìm ra Tarantôga đây? Nhưng tôi tin tưởng ở tài nhanh trí của giáo sư, và tôi đã không nhầm. Trong đường bay thẳng tới hành tinh, vào hồi mười một giờ sáng tôi trông thấy ở bắc bán cầu những ký hiệu gì không rõ, chúng làm hơi thở của tôi như nghẹn lại.
Tôi vẫn thường xuyên nói với các nhà du hành vũ trụ trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm: nếu có ai kể lại cho các bạn nghe rằng khi bay đến gần một hành tinh nào đó có thể đọc được trên đấy tên gọi của nó, thì các bạn đừng tin, - đó chỉ là một lối nói đùa vũ trụ bình thường. Nhưng lần này tôi ngơ ngác thật sự, vì trên nền màu xanh của những cánh rừng hiện lên rất rõ dòng chữ:
"Tôi không đợi được. Hẹn gặp ở hành tinh sau. Tarantôga".
Những chữ cái lớn hàng cây số, nếu không tất nhiên tôi đã chẳng thể nhận thấy. Kinh ngạc và tò mò, tôi lượn thấp xuống, cố hiểu xem bằng cách nào giáo sư đã tạo được hàng chữ khổng lồ như thế. Tôi thấy là đường viền của các chữ cái được tạo nên bởi những vệt cây bị xô ngã hiện lên rất rõ trên nền rừng xanh nguyên thủy.
Không đoán ra, tôi vội phóng tàu về hành tinh tiếp sau, theo lời chỉ dẫn. Đó là một hành tinh có sự sống và nền văn minh phát triển. Chiều tối tôi hạ cánh xuống sân bay vũ trụ và bắt đầu hỏi thăm về Tarantôga, nhưng vô ích: cả lần này nữa thay cho ông là một bức thư đang chờ tôi:
"Bạn đồng nghiệp thân mến, tôi vô cùng tha thiết xin lỗi anh về những thất vọng đã gây cho anh, nhưng những việc gấp của gia đình, buộc tôi, thật đáng tiếc, phải quay trở về nhà ngay. Để giảm nhẹ bớt sự không bằng lòng của anh, tôi xin gửi lại ở văn phòng sân bay một gói nhỏ, xin anh nhận cho: trong đó có các kết quả của những chuyến nghiên cứu cuối cùng của tôi. Có lẽ anh cũng muốn biết bằng cách nào tôi đã để lại được trên hành tinh trước dòng thông báo bằng chữ; điều đó hoàn toàn đơn giản. Hành tinh này hiện đang ở vào thời kỳ tương đương với kỷ than đá của Trái Đất, với những loài bò sát khổng lồ, trong đó có loài khủng long dài đến bốn chục mét. Sau khi hạ cánh xuống hành tinh, tôi lẻn đến một đàn khủng long lớn và trêu chọc cho đến khi chúng nổi điên lên đuổi theo tôi. Tôi chạy trong rừng với dự tính làm sao cho đường tôi qua tạo thành những chữ cái, còn bầy thú giận dữ đuổi theo tôi xô đổ cây làm thành những vệt lớn rộng đến tám mét. Điều đó, tôi nhắc lại, rất đơn giản, nhưng khá mệt: tôi buộc phải chạy đến hơn ba chục cây số, mà lại khá nhanh nữa.
Tôi rất tiếc là cả lần này nữa chúng ta vẫn chưa trực tiếp quen biết nhau. Bắt chặt bàn tay gan góc của anh và xin bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những đức tính tốt đẹp và lòng dũng cảm của anh.
T.B. Tôi nồng nhiệt khuyên anh buổi tối nên vào thành phố dự hòa nhạc - rất tuyệt vời.
"
Tôi nhận gói quà do Tarantôga gửi lại, ra lệnh mang đến khách sạn, còn tự mình đi vào thành phố. Cảnh vật trông rất ngoạn mục. Hành tinh này quay với tốc độ rất nhanh, một ngày đêm của nó chỉ bằng mấy giờ. Tốc độ quay như vậy tạo ra một lực li tâm khá lớn, và quả dọi buông tự do sẽ không tạo nên một đường thẳng đứng với bề mặt hành tinh như trên Trái Đất, mà tạo thành với nó một góc bốn mươi lăm độ. Tất cả nhà cửa, tháp chuông, tường thành, nói chung mọi công trình xây dựng ở đấy đều nghiêng với bề mặt hành tinh một góc bốn mươi lăm độ, điều đó tạo nên một bức tranh hết sức lạ lùng đối với con mắt người Trái Đất. Các ngôi nhà một bên phố như nằm ngả ra, còn ở phía bên kia lại như treo sấp trên mặt đường nhựa. Dân ở đây, để khỏi ngã, tuân theo luật thích nghi tự nhiên, có một chân dài một chân ngắn; còn con người chúng ta khi đi buộc phải khuỵu một chân xuống, nhưng sau một thời gian đi như vậy sẽ rất khó chịu, mệt mỏi. Vì vậy tôi đi chậm đến nỗi khi tới được ngôi nhà biểu diễn thì người ta đã bắt đầu đóng cửa. Tôi vội vã mua vé và chạy vào phòng.
Tôi vừa mới kịp ngồi xuống thì nhạc trưởng đã vung que chỉ huy và tất cả lặng như tờ. Các nhạc công của dàn nhạc bắt đầu cử động, họ sử dụng những nhạc cụ rất lạ lùng giống những chiếc kèn có đục lỗ như thùng tưới; hai cánh tay của nhạc trưởng khi thì hứng khởi vung cao, khi thì dang rộng dường như ra lệnh chơi khẽ hơn; nhưng tôi một lúc một thêm kinh ngạc vì không hề nghe thấy gì, dù chỉ là một âm thanh nhỏ nhất. Tôi thận trọng liếc nhìn mọi người và trông thấy những bộ mặt xung quanh đều lộ vẻ khoan khoái. Mỗi lúc một bối rối và lo lắng hơn, tôi thử kín đáo ngoáy thông tai, nhưng vẫn không có kết quả. Cuối cùng, tôi chắc rằng mình đã bị điếc thật sự, tôi khẽ gõ hai móng tay vào nhau, nhưng âm thanh do chúng phát ra lại nghe rất rõ. Hoàn toàn không hiểu việc gì đang diễn ra, kinh ngạc trước những nét mặt lộ vẻ khoái cảm thẩm mĩ của mọi người trong phòng, tôi quyết định ngồi cho đến cuối buổi. Tiếng vỗ tay như sấm vang lên, nhạc trưởng cúi người đáp lễ rồi lại vung que chỉ huy, và dàn nhạc lại bắt đầu bản giao hưởng mới. Mọi người xung quanh ngây ngất, tôi nghe những tiếng thở khò khè - chắc đó là sự thể hiện những xúc động sâu sắc.
Cuối cùng là đoạn kết thúc rất sôi nổi - tôi có thể đoán ra điều đó qua những cử động mạnh mẽ của nhạc trưởng và những giọt mồ hôi to tướng lăn trên mặt các nhạc công. Tiễng vỗ tay lại vang lên.
Người ngồi bên cạnh quay sang tôi bày tỏ sự thán phục đối với bản giao hưởng và những người biểu diễn. Tôi lẩm nhẩm đáp lại bằng một lời gì đó không rõ và ngơ ngác chạy ra phố.
Đã rời phòng hòa nhạc được vài chục bước thì bỗng có một cái gì đó buộc tôi quay lại và nhìn lên phần trên của tòa nhà. Cũng như những công trình khác, tòa nhà này nghiêng xuống đường với một góc bốn mươi lăm độ, từ trên tường đập vào mắt là một hàng chữ lớn: "OLFACTORIA[2] THÀNH PHỐ", và phía dưới là những tấm áp phích mà tôi đọc thấy:
GIAO HƯỞNG DẠ HƯƠNG CỦA ODONTRON
I. PRELUDIUM ODORATUM
II. ALLEGRO AROMATOSO
III. ANDANTÈ OLENS[3]
CHỈ HUY DÀN NHẠC:
NHÀ KHỨU GIÁC NỔI TIẾNG KRANTR
Tôi buột ra tiếng rủa giận dữ, quay lưng đi thẳng về nhà. Tôi không trách Tarantôga trong chuyện tôi không nhận không khoái cảm thẩm mĩ trong buổi hòa nhạc, vì làm sao ông biết rằng mũi tôi đang tắc tịt bởi chứng sổ mũi tôi mắc phải khi ở trên Xalentin.
Để bù lại cơn thất vọng, vừa về đến nơi tôi lập tức mở gói quà ra. Trong đó có một máy chiếu phim âm thanh, một cuộn phim và một bức thư với nội dung như sau:
"Bạn đồng nghiệp thân mến!
Có lẽ anh vẫn còn nhớ câu chuyện chúng ta trao đổi với nhau qua điện thoại khi anh đang ở chòm Gấu Nhỏ, còn tôi ở chòm Gấu Lớn? Lúc đó tôi nói với anh rằng, theo tôi, có thể có những sinh vật sống được ở những nhiệt độ cao trên những hành tinh nóng một nửa bằng chất lỏng, và tôi dự định sẽ bắt tay vào nghiên cứu điều đó. Anh đã tỏ ra nghi ngờ rằng việc này khó có thể mang lại kết quả. Và giờ đây kết quả đang ở trước mắt anh. Sau khi chọn một hành tinh lửa, tôi cho tàu chạy lại gần và dùng sợi amiăng thả xuống đó một máy quay phim chịu lửa và micro; bằng cách đó tôi đã quay được khá nhiều đoạn thú vị. Tôi gửi kèm theo cho anh một số đoạn.
Tò mò đến cực độ, vừa đọc xong bức thư tôi liền lắp phim vào máy chiếu, giật khăn trải giường treo lên cửa, tắt đèn, mở máy.
Lúc đầu trên màn ảnh tự tạo chỉ thấp thoáng những vết màu và vang lên những tiếng nổ lép bép, lạo xạo như tiếng củi cháy trong lò sưởi, rồi hình ảnh bắt đầu hiện lên rất rõ.
Mặt trời xuống thấp dần. Bề mặt đại dương xao xuyến, đây đó hiện lên những đốm lửa xanh nho nhỏ. Các đám mây lửa trở nên nhợt nhạt rồi tối sẫm. Xuất hiện những ngôi sao mờ ảo đầu tiên. Chàng Kralos, mệt mỏi sau một ngày làm việc, nhổ cẳng rễ lên để thưởng thức cuộc dạo chơi buổi chiều. Anh không vội đi đâu cả; chậm rãi vung vẩy những gầu lọc, anh khoan khoái thở những luồng hương thơm nức của amôniac được đốt nóng. Một bóng hình của ai đó đang tiến lại gần anh trong bóng chiều mỗi lúc một thêm dày đặc. Kralos căng tai mấu để nghe, nhưng chỉ khi cái bóng tới sát gần, chàng trai mới nhận ra đó là bạn mình.
- Buổi chiều hôm nay tuyệt quá nhỉ, - Kralos nói.
Anh bạn dẫm dẫm cẳng rễ, nhổ nửa mình ra khỏi lửa và đáp.
- Quả là tuyệt thật. Cậu biết không, amon clorua năm nay khá lắm.
- Đúng thế, mùa màng năm nay đầy hứa hẹn.
Kralos lười biếng lắc lư mình, nằm úp xuống, đưa mắt nhìn kỹ các ngôi sao. - Cậu biết không, - một phút sau anh lên tiếng, - mỗi khi tớ nằm nhìn lên bầu trời đêm như thế này, tớ lại có cảm tưởng gần như tin chắc rằng, ở bên kia rất xa có những thế giới khác, ở đó cũng có những sinh vật có lí trí sống giống như ở thế giới chúng ta.
- Ai nói về lí trí ở đây thế? - Chợt một giọng nói vang lên ở đâu đó rất gần.
Cả hai chàng trai xoay lưng lại về phía có tiếng nói để tìm người mới đến. Họ trông thấy thân hình đã gù xuống, nhưng vẫn còn chắc chắn của Flamen. Nhà bác học danh tiếng tiến đến gần họ bằng bước đi bệ vệ, còn thế hệ tương lai, giống như những chùm nho, đã trồi lên, đâm những mầm nhỏ đầu tiên trên những cái vai tỏa nhánh rộng của ông.
- Em nói về những sinh vật có lí trí sống ở các thế giới khác ạ... - Kralos đáp và giơ tay cành lên lễ phép chào.
- Kralos nói về những sinh vật có lí trí sống trên các thế giới khác? - Nhà bác học thốt lên. - Nhìn cậu ta xem kìa! Ở thế giới khác!!! Ôi, Kralos, Kralos! Em làm cái gì thế hả? Mở vòi phun tưởng tượng à? Thật đáng khen... Vào một buổi chiều như hôm nay thì có thể lắm... Các em có nhận thấy là đã lạnh hẳn rồi không?
- Không ạ, - cả hai chàng trai đồng thanh đáp.
- Tất nhiên, lửa còn trẻ mà, cũng phải thôi. Nhưng dù sao thì bây giờ cũng chỉ có tám trăm sáu mươi độ; đáng lẽ tôi cần phải mặc thêm áo khoác hai lớp dung nham. Làm sao được, tuổi già mà.
Thế em bảo là, - ông lại xoay lưng về phía Kralos, nói tiếp, - ở các thế giới khác tồn tại những sinh vật có lí trí à? Theo em, chúng như thế nào?
- Không thể biết chính xác điều đó được, - chàng trai rụt rè đáp lại. - Nhưng em nghĩ là chúng phải khác nhau lắm. Có lẽ cũng không loại trừ là ở trên các hành tinh lạnh, từ chất có tên gọi là anbumin có thể tạo nên những cơ thể sống.
- Em nghe ai nói thế đấy? - Ông già giận dữ hỏi.
- Em nghe Implox ạ. Anh ta là một sinh viên trẻ ở khoa hóa sinh, người đã...
- Một thằng ngốc trẻ thì đúng hơn! - Flamen cáu kỉnh nói to.
- Chất sống anbumin?! Những sinh vật sống từ chất anbumin? Và em không thấy xấu hổ khi nói với thầy giáo của mình những lời nhảm nhí như vậy à?! Đấy hậu quả của sự ngu dốt và láo xược!
Không hiểu sao giờ chúng phát triển khủng khiếp đến thế! Em có biết cần phải làm thế nào với gã Implox của em không? Hắt nước vào người nó, cho nó đáng đời!
- Nhưng thưa thầy Flamen kính mến - anh bạn của Kralos đánh bạo nói, - tại sao thầy lại muốn trừng phạt Implox nặng nề như vậy? Thầy có thể cho chúng em biết các sinh vật sống trên những hành tinh khác có thể trông như thế nào chứ ạ? Theo thầy, chúng không có thể có dạng đứng thẳng và di chuyển bằng một thứ cơ quan gọi là chân được sao?
- Ai nói với em như thế?
Kralos sợ hãi im lặng.
- Implox... - anh bạn khẽ đáp.
- Thôi vứt mẹ cái thằng Implox với những chuyện hoang đường của nó đi! - Nhà bác học hét lên. - Chân! Hừ, tất nhiên! Làm như hai mươi lăm ngọn lửa trước đây[4] tôi còn chưa chứng minh bằng toán học rằng bất kỳ một sinh vật hai chân nào, chỉ cần dựng nó lên rồi buông ra là lập tức đổ nhào xuống! Thậm chí tôi còn thiết kế ra cả một bản vẽ và mô hình tương ứng, nhưng làm sao các anh, những kẻ vô công, có thể biết được! Các sinh vật có lí trí ở các thế giới khác trông như thế nào à? Tôi sẽ không nói thẳng ra đâu, các anh tự mình suy nghĩ lấy, hãy học cách tư duy độc lập. Trước hết, chúng cần phải có cơ quan để hấp thụ amôniac, đúng không? Thử hỏi có cơ cấu nào để làm việc đó tốt hơn là gầu lọc? Rồi nữa, chẳng lẽ chúng không cần di chyển trong môi trường vừa đàn hồi vừa ấm áp như chúng ta? Nhất định là thế đúng không? Đấy, thấy chưa! Thế thì làm việc đó như thế nào, nếu như không dùng cẳng rễ? Cũng tương tự như vậy ta sẽ có các giác quan khác - mắt mấu, tay cành, chân khoèo. Nhưng chúng cần phải giống chúng ta, loài năm giống, không chỉ về cấu tạo cơ thể, mà cả về lối sống. Bởi vì, như ai cũng biết rõ, số năm là đơn vị cơ sở của cuộc sống gia đình chúng ta - cứ thử tha hồ tưởng tượng xem có thể nào khác đi được không, và tôi dám chắc là các anh sẽ thất bại! Để xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái, cần phải kết hợp các giống Đađa, Haha, Mama, Phapha và Khakha với nhau. Nếu thiếu một trong năm giống đó thì dù có thiện cảm lẫn nhau, dù có kế hoạch và mơ ước như thế nào đi nữa thì cũng chẳng làm nên trò trống gì. Những tình huống như vậy, thật đáng tiếc, vẫn thỉnh thoảng gặp trong đời. Chúng ta gọi đó là bi kịch bốn bên hoặc tình yêu bất hạnh...
- Các anh thấy chưa, nếu như suy luận một cách chặt chẽ dựa trên các cơ sở khoa học, nếu như áp dụng phép logic chính xác, tư duy một cách lạnh lùng và khách quan, thì chúng ta đi đến một kết luận không bác bỏ được, là bất kỳ sinh vật có lí trí nào cũng cần phải giống loài năm giống như chúng ta... Thế đấy. Hi vọng rằng tôi đã thuyết phục được các anh rồi chứ?
Chú thích:
[1] sine ira et studio(tiếng La-tinh) - nghĩa đen: không giận dữ, không đam mê; nghĩa bóng: không có định kiến trước. – N.D.
[2] Từ tiếng La-tinh olfactus – khứu giác; ở đây chỉ nơi "hòa nhạc" bằng mùi hương và thưởng thức bằng khứu giác. – N.D.
[3] Tiếng La-tinh: Preludium: khúc tiền tấu; Allegro: nhạc phẩm với tiết tấu nhanh, sôi nổi; Adantè: nhạc phẩm với tiết tấu vừa phải; Odoratum, Aromatoso, Olens: đều có nghĩa là mùi vị, hương thơm. – N.D.
[4] Đơn vị tính thời gian trên hành tinh tưởng tượng đó. – B.T.