Hồi 59
Vẫn Lo Cho Người

Châu Phỉ đáp:
- Chẳng quan hệ gì! Thiếu lệnh chủ từng bị khốn trong địa phủ song cuối cùng vẫn ly khai được nơi hung hiểm, thì sá gì một Hắc đầm? Không ai lấy làm lạ nếu thấy Thiếu lệnh chủ còn sống bởi người ta hiểu rằng Thiếu lệnh chủ thừa sức tự cứu bất cứ trong trường hợp nguy cấp nào. Giả chết để giải tỏa sự khó khăn cho bọn tại hạ, Thiếu lệnh chủ sống lại Vô Tình lệnh chủ không thể quy tội về bọn tại hạ được nữa, vì không có lý do đặt thành vấn đề trách nhiệm.
Triệu Sĩ Nguyên suy nghĩ một lúc rồi gật đầu:
- Tại hạ đồng ý!
Châu Phỉ đắc ý, đảo mắt nhìn quanh đồng bọn, điểm một nụ cười:
- Các vị thấy chưa, từ nay nên gọi tiểu đệ là Toàn giải mưu sĩ mới hợp lý hơn.
Ô Thất tán:
- Châu lão đệ quả đa mưu túc trí!
Châu Phỉ cười lớn:
- Cái đó đã hẳn rồi.
Y chợt thấy mình nói hớ, vội chữa:
- Nếu không phải là Triệu Thiếu lệnh chủ, thì tiểu đệ cũng đành chịu thôi!
Ai ai cũng cảm kích nhã độ của Triệu Sĩ Nguyên.
Rồi bọn Ô Thất cùng Triệu Sĩ Nguyên thảo luận thêm mấy chi tiết nữa, sau đó Triệu Sĩ Nguyên cùng Hình Xuyên ly khai thủy phủ.
Bọn Cảnh Nhất Chí phải lưu lại với bọn Ô Thất, cho Vô Tình lệnh chủ không nghi ngờ.
Lên đến bờ đầm rồi, chàng lược thuật sự tình với Phích Lịch Hỏa Hồng Chấn, đoạn cải sửa dung mạo, cấp tốc lên đường thẳng đến Hồ Nam.

*

Hơn một năm qua cái tin Triệu Sĩ Nguyên ngộ nạn, chết trong địa phủ, được loan truyền khắp sông hồ, làm chấn động toàn thể võ lâm.
Các đại môn phái hết sức lo âu, bởi họ đã hưởng ứng lời cổ võ của Triệu Sĩ Nguyên, cùng liên minh lập thành mặt trận chống lại Vô Tình lệnh chủ, bây giờ chàng chết đi là con rắn đã mất đầu, hiệp khí hào tâm của họ trong nhất thời như tan biến theo niềm hy vọng tiêu trầm...
Thiếu Lâm phái đột nhiên tuyên bố thoái xuất võ lâm, không còn can dự sự việc giang hồ, dù với ly do nào họ thay đổi lập trường người ta cũng vẫn nghĩ là họ không dám đương đầu đối lập với Vô Tình cung nữa.
Dọc đường, Triệu Sĩ Nguyên bắt được nhiều tin không thuận lợi lắm.
Ai ai cũng tự chiếu cố lấy bản thân, chỉ mưu cầu an phận, tất cả đều lui về cái thế bảo thủ, thu hẹp tầm hoạt động dưới mức độ tiêu cực, chẳng khác nào quy ẩn, mặc cho phong ba cuốn quét giang hồ.
Bất giác chàng thở dài.
Nhưng chàng không vì thế mà chán nản, cảm thấy cái trách nhiệm của mình nặng nề hơn.
Do đó chàng lo lắng đến có lúc quên ăn, mất ngủ, dùng tâm trí và thời gian tìm phương pháp đối phó với tình hình.
Chàng ước lượng thời gian, trừ những ngày dành cho cuộc hành trình đến Mịch La, còn thừa lại hơn hai mươi hôm.
Chàng nhớ lại ngày nào có hứa với Giang Nam đại hiệp, Bách diện thần long Cố Nam Quang và Giang bắc Nhất Hùng, Kình thiên chưởng Quang Đại Du là sẽ tuyển một môn đệ của mỗi người, thu nhận vào Long Phụng môn học nghệ.
Bây giờ chàng nhận những ngày thừa lại đó, sẽ đến tận nơi, gặp lại hai vị đại hiệp thảo luận về sự hứa hẹn thuở trước.
Theo lộ trình, thì chàng nên đến Giang Nam tìm Cố Nam Quang, họ Cố ở tại Kiết An, sau đó chàng sẽ đến vùng Tín Dương, thuộc địa phận Giang bắc, gặp Quang Đại Du.
Quyết định như vậy rồi, khi đến Hành Dương, chàng đi luôn về Kiết An.
Một hôm, chàng đến huyện Liên Hoa, dựa chân Vô Công sơn.
Thay vì vào thành tìm khách sạn an nghỉ, bởi thấy ngày chưa tàn, chàng tranh thủ thời gian đi luôn không dừng chân lại.
Nhưng vì nóng nảy mà thành ra chàng bơ vơ không tìm nơi tá túc khi hoàng hôn xuống, mục tiêu của lộ trình còn xa, chàng lại đến vùng núi hoang vắng, nhìn tận mắt khắp bốn bề chẳng thấy một mái nhà.
Rồi đêm xuống dần dần, chàng vẫn không dừng chân, cứ đi, đi mãi, đến độ nửa đêm mới nghe trong người mỏi mệt, cơn buồn ngủ bắt đầu xâm chiếm.
Cái cảnh ngủ đường không còn lạ lùng đối với chàng nữa, chàng rời con đường cái, tìm một hang đá ẩn sâu trong một cá hang, ngồi xếp bằng tròn vận công điều tức.
Chàng sắp sửa nhập định bỗng giật mình nghe đâu đây có tiếng thở khó khăn, thoạt dứt, thoạt mạnh, chừng như người nào đó đang vận hành công, gặp sự trở ngại quan trọng.
Trong lúc vận khí, nếu để sơ sót một chút, có thể lâm vào cảnh tẩu hỏa nhập ma, rồi trở thành phế nhân suốt đời, nếu không chết gấp.
Chàng đâm ra lo sợ cho người nào đó, vội bỏ dở công cuộc khôi phục chân ngươn thần của mình, rời tảng đá, ra khỏi động, chạy về phía có tiếng thở dập dồn đó.
Bây giờ tiếng thở dứt, thỉnh thoảng có tiếng rú bực tức vang lên. Điều đó chứng tỏ kẻ ấy càng gặp khó khăn, cố gượng vượt qua, song không làm sao vượt nổi, nên uất khí phát sanh, rồi phải hét lên.
Tuy có tiếng rút, tiếng hét giúp chàng nhận định phương hướng song tìm đích xác địa điểm trong một vùng hoang vu, không đường, không lối, chỗ thấp, chỗ cao lại có cây che khuất từng nơi, chẳng phải là việc dễ làm.
Tuy nhiên, cuối cùng chàng cũng tìm được.
Tiếng hét hiện tại đã yếu, tiếng hét từ trong một hang đá phát ra.
Chàng toan bước qua cửa động, nhưng liền lúc đó bốn bóng người ẩn nấp ngoài xa xa lao vút đến.
Bởi chưa biết bốn người đó là ai, thân hay thù, chàng dừng chân lại chờ xem thái độ của họ.
Họ đến nơi, dàn thành hình chữ nhất, giăng ngang trước cửa động ngăn chặn chàng.
Triệu Sĩ Nguyên đảo mắt quan sát một lượt, nhận thấy cả bốn người đều ở trong lứa tuổi đôi mươi, vận y phục bố, đồng màu.
Nhìn kỹ một chút, bất giác chàng giật mình, phát hiện ra mỗi người có một điểm đặc biệt.
Người thứ nhất mất cánh tay hữu, người thứ hai mất cánh tay tả, người thứ ba cụt chân hữu, người thứ tư cụt chân tả.
Nhưng ngược lại tất cả đều có ngũ quan rất chỉnh tề. Trán cao mặt dài, mắt sáng, thái dương cao.
Những điểm đó tố cáo một công lực tiềm tàng đáng khiếp.
Họ ngăn chặn Triệu Sĩ Nguyên, song không táo bạo xuất thủ ngay, chứng tỏ họ thấm nhuần một giáo dục hữu phương, và như vậy họ không phải là đệ tử của ác nhân.
Thiếu niên bên tả do dự một chút, đoạn hỏi:
- Đang lúc đêm khuya, tôn giá đến đây chẳng hay có mục đích chi?
Triệu Sĩ Nguyên đưa tay chỉ về cửa động phía sau lưng họ, đáp:
- Nghe tiếng động, tại hạ đến đây chừng như trong động có người đang gặp cảnh khốn đốn.
Chàng có thái độ từ tốn, khi cải dạng thành một chàng thư sinh. Thấy chàng không có vẻ một ác nhân, thiếu niên hòa dịu thần sắc thốt:
- Đã không quen biết thì chẳng có lý do gì quan tâm, đành là tôn giá có thịnh tình, bọn ngu huynh đệ không dám nhận lãnh, bọn tại hạ không thể đắc tội với một người vô can, vậy xin tôn giá lui bước!
Triệu Sĩ Nguyên cau mày:
- Thế các vị không chú trọng đến sự an nguy của người trong động?
Cả bốn người giật mình, ngầm giới bị đề phòng Triệu Sĩ Nguyên sanh sự.
Rồi chính thiếu niên đối thoại lên tiếng:
- Người trong động bất quá chỉ khó chịu một lúc thôi, nào có gì đến đổi mà tôn giá nói thế?
Triệu Sĩ Nguyên chính sắc mặt:
- Người trong động cức cùng lực kiệt, tại hạ có học qua y lý nghe âm thanh, biết ngay tình trạng, nên muốn làm cái gì hữu ích cho kẻ ngộ nạn, có thế thôi! Mong các vị đừng hiểu lầm và đưa cả tại hạ vào đó, trợ giúp hành công, cho vị nào đang gặp cơn nguy trong động vượt qua khó khăn.
Chàng thốt với giọng chân thành, dù bốn người đó đa nghi đến đâu cũng không thể cho là chàng có ác ý.
Bốn người cùng giật mình, và ba người kia cũng đưa mắt sang người đã đối thoại với Triệu Sĩ Nguyên.
Thiếu niên đó cúi đầu suy nghĩ một lúc, đoạn hướng sang ba đồng bạn, hỏi:
- Ngu huynh hết sức quan tâm về hiện trạng của ân sư, mà vị tiên sanh này lại nói thế, chẳng khác nào trông thấy tận mắt. Nếu không phải là người thực tốt thì làm sao đoán chứng rành mạch? Ngu huynh nghĩ, nên để cho tiên sanh vào đó, các sư đệ có đồng ý chăng?
Cả ba đồng thanh đáp nhanh:
- Thời cơ cấp bách, chúng ta lại chẳng làm gì được cho ân sư, thì cũng nên làm nhọc đến tiên sanh chứ biết sao hơn?
Thiếu niên bên tả hướng về Triệu Sĩ Nguyên, cung kính thốt:
- Tiên sanh có tâm lành, sẵn sàng cứu trợ người nộ nạn, bọn tại hạ hết sức cảm kích.
Vậy dám mong tiên sinh phí chút công, vào động...
Triệu Sĩ Nguyên chận lời:
- Các vị đừng làm mất thời giờ, nếu bằng lòng thì để cho tại hạ vào gấp.
Thiếu niên còn dặn thêm:
- Nếu tiên sinh thấy vô vọng, xin ra ngay cho, tránh làm kinh động đến gia sư.
Triệu Sĩ Nguyên rất bực:
- Cái đó đã hẳn, không cần phải dặn dò!
Thiếu niên trầm giọng:
- Cứu được thì cứu, không cứu được thì thôi, đừng vọng động mà làm cho tình trạng gia sư thêm trầm trọng. Thú thật với tiên sinh nếu gia sư vì tiên sinh mà có bề nào thì bọn tại hạ quyết cùng tiên sanh đồng quy ư tận đó!
Triệu Sĩ Nguyên đáp nhanh:
- Y sư bất tài làm chết bịnh nhân đương nhiên phải thường mạng, điều đó chẳng lạ gì.
Và tại hạ cũng biết xử trí, chẳng đợi gì các vị động thủ.
Thiếu niên không tưởng là Triệu Sĩ Nguyên khẳng khái như vậy. Hắn sững sờ một chút rồi tiếp:
- Tại hạ chưa hỏi đến quý tánh cao danh...
Triệu Sĩ Nguyên do dự một phút:
- Tại hạ là Triệu Sĩ Nguyên!
Thiếu niên giật mình:
- Thế ra tiên sinh là Long Phụng lệnh chủ?
Triệu Sĩ Nguyên gật đầu:
- Chính tại hạ!
Tiếng rên bên trong động vọng ra rất yếu, chừng như người đó đang hấp hối.
Triệu Sĩ Nguyên bước nhanh vào.
Ngờ đâu, thiếu niên đối thoại biến đổi thái độ, vừa rút ngọn Cửu xích nhuyễn tiên vừa quát:
- Đứng lại!
Ba người kia cũng rút vũ khí cầm tay.
Người mất tay hữu cũng dùng Nhuyễn tiên như thiếu niên đối thoại, còn hai người kia đang cầm gậy, thì rút từ trong gậy ra một thanh trường kiếm ba cạnh.
Tất cả đều hoành vũ khí ngang ngực, sẵn sàng ứng chiến.
Triệu Sĩ Nguyên lấy làm lạ:
- Các vị có ý tứ gì?
Thiếu niên đối thoại cười lạnh:
- Việc của gia sư không cần nhờ đến các hạ nữa. Xin các hạ đi nơi khác ngay!
Triệu Sĩ Nguyên dửng cao đôi mày:
- Các vị nghe tại hạ xưng tên chợt thay đổi thái độ, hẳn có điều bất mãn?
Thiếu niên đối thoại bật cười lớn:
- Võ Lâm Tứ Khuyết tuy còn nhỏ tuổi, song đã có con mắt tinh đời, bằng hữu đừng tưởng dễ lừa mà mạo nhận là Long Phụng lệnh chủ!
Triệu Sĩ Nguyên kinh ngạc:
- Tại hạ chính là Triệu Sĩ Nguyên, chẳng rõ...
Thiếu niên ngưng trọng thần sắc, trầm giọng chận lại:
- Triệu Thiếu lệnh chủ đã chết hơn một năm nay rồi, ngươi mạo nhận người chết hẳn có một âm mưu gì, nếu không cấp tốc ly khai nơi này thì đừng trách bọn ta có thái độ!
Triệu Sĩ Nguyên chợt tĩnh, thì ra cái tin chàng ngộ nạn trong địa phủ đã được loan truyền khắp chốn, và ai ai cũng cho rằng là thật.
Bây giờ, bốn thiếu niên không chấp nhận sự giả mạo bởi lầm lạc mà họ cho rằng chàng là kẻ bại hoại.
Như thế hẳn họ thuộc chánh phái danh môn.
Chàng nhếch nụ cười khổ, thốt:
- Các vị lầm rồi! Hãy để cho tại hạ giải thích...
Thiếu niên vẫn lạnh lùng chận lại:
- Đừng bịa chuyện vô ích. Bọn ta chẳng bao giờ tin. Nếu ngươi không đi gấp, bọn ta sẽ không dung thứ!
Hắn vung ngọn nhuyễn tiên lên...
Triệu Sĩ Nguyên dịch bước sang một bên né tránh, đồng thời gian chàng nghĩ:
- Không cần thiết phải phân biện với họ làm gì cho mất thì giờ. Lo cứu người trước là việc cấp bách. Ta phải chế trụ họ, cứu người rồi hẳn hay.
Lập tức chàng sử dụng Vô Vi chỉ pháp điểm huyệt cả bốn người không khó khăn lắm.
Đoạn chàng chạy nhanh vào động.
Bên trong có một ánh đèn leo lét. Bên ánh đèn một lão nhân tóc bạc như sương, vận áo màu xanh, đang ngồi xếp bằng tròn dưới nền trước mặt lão một đại hán đang nằm dài.
Lão nhân để một tay nơi huyệt Thiên linh của đại hán, tay kia ấn vào huyệt Cao vỹ.
Trông qua tình hình, Triệu Sĩ Nguyên biết ngay lão nhân đang chữa trị cho đại hán.
Mặt lão nhân trắng nhợt như màu giấy, toàn thân rung rung, lại đẫm ướt mồ hôi.
Chính lão nhân phát ra hơi thở mỏi mòn.
Nếu không có người tiếp trợ kịp lúc, lão nhân và đại hán phải cùng chết là cái chắc.
Không do dự, Triệu Sĩ Nguyên ngồi xuống đặt tay vào yếu huyệt của lão nhân, vận dụng chân ngươn nội lực chuyền sang cho lão.
Lão nhân nghe khỏe trong người ngay, dần dần khôi phục công lực, do đó lão có thể tiếp tục chữa trị cho đại hán.
Chữa trị cho đại hán, lão không còn nghe mệt như trước nữa, trái lại lão cảm thấy cơ thể như sung mãn chân khí hơn trước nhiều.
Đang lúc bên trong có cuộc chữa trị dây chuyền, thì bên ngoài có tiếng y phục phất gió vang lên.
Không lấu lắm bốn bóng người xuất hiện tại cửa động. Họ nhìn xuống Võ Lâm Tứ Khuyết đang nằm bất động, bất giác cùng kinh hãi kêu lên:
- Tại sao thế, tứ vị lão đệ?
Võ Lâm Tứ Khuyết chẳng những không cử động mà cũng chẳng nói năng gì được.
Song họ vẫn còn lý trí sáng suốt nhận ra bốn người vừa đến là ai.
Bốn người đó đều là những vị cao tuổi, trong số có một lão nhân gù lưng, lão nhân này hấp tấp thốt:
- Chúng ta đến chậm một bước. Thành ra Cổ lão tiền bối phải thọ hại. Tam đệ, tứ đệ, theo ngu huynh vào động ngay, còn nhị đệ ở bên ngoài giải huyệt cho họ, rồi canh phòng cẩn thận.
Lão vận công giới bị sẵn sàng, rồi chạy bay vào động. Hai lão nhân nữa chạy theo liền.
Vừa đến bên trong, họ trông thấy sao lưng Võ lâm nhất quái Cổ Kim Đồng có một gã thư sinh nghèo đang ấn tay lên huyệt đạo của Cổ Kim Đồng.
Thư sinh thấy họ, song không tỏ vẻ gì kinh dị, trái lại thản nhiên như thường mà cũng không cần nhìn họ lâu.
Lão nhân gù vội đưa tay ngăn chận tam đệ và tứ đệ, bảo khẽ:
- Hai ngươi đừng gây náo loạn. Cổ lão tiền bối đang bị chế ngự kìa!
Không cần lão gù lưng cảnh cáo, hai lão nhân kia cũng biết là tình thế bất lợi, nếu vọng động thì Cổ Kim Đồng phải mất mạng ngay.
Họ dại gì đập chuột cho bể đồ vật?
Tuy nhiên họ khẩn cấp vô cùng.
Lão nhân gù đặng hắng một tiếng, biểu hiện thái độ bình hòa, đoạn từ từ bước tới thốt:
- Bằng hữu muốn gì cứ nói, nhất định là lão phu sẽ thỏa mãn mọi yêu sách, miễn điều kiện không vượt sức bọn lão phu.
Lão tưởng Triệu Sĩ Nguyên đang uy hiếp Võ lâm nhất quái Cổ Kim Đồng, nên toan thương lượng với chàng.
Tiếp trợ Cổ Kim Đồng, bất quá Triệu Sĩ Nguyên chỉ dùng mấy thành công lực, cho nên chàng có thể phân tâm đối thoại với lão nhân gù.
Chàng biết là các vị lão nhân đó nhầm lẫn, song trong lúc này cuộc tranh biện hay phân trần dài dòng đều bất tiện.
Một ý nghĩ phát sanh, chàng vờ lộ vẻ tàn ác, cười lạnh một tiếng rồi gắt:
- Câm ngay! Các vị hãy lui ra ngoài gấp!
Lão nhân gù giật mình, kêu khẽ:
- Bằng hữu...
Triệu Sĩ Nguyên lạnh lùng:
- Tại hạ bảo các vị lui ra ngoài!
Lão nhân gù thở dài:
- Bọn lão phu tuân lời! Song xin bằng hữu suy nghĩ kỹ. Dù sao cũng nên lưu lại chút đức nhân tình, để không thương tổn hòa khí!
Lão đưa mắt ra hiệu cho hai người kia đoạn cả ba quay mình, bước ra cửa động.
Đúng lúc đó có tiếng hét vang lên:
- Ác tặc! Bọn ta quyết liều mạng với ngươi!
Từ bên ngoài Võ Lâm Tứ Khuyết chạy vào.
Rồi bốn vũ khí cùng chớp lên, cùng giáng xuống đầu Triệu Sĩ Nguyên.