Ronald Reagan: Giấc mơ tổng thống (3)

Ronald Reagan và vợ Nancy trong lễ nhậm chức tổng thống Mỹ.
Ronald Reagan và vợ Nancy trong lễ nhậm chức tổng thống ngày 20/1/1981.
Trong 2 nhiệm kỳ làm thống đốc California, Reagan đã cắt giảm chi tiêu cho y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội, tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa bảo thủ và xây dựng nền tảng chính trị để mở đường đến Nhà Trắng.
Sau khi nhậm chức thống đốc bang đông dân nhất nước Mỹ, Reagan ngay lập tức thực hiện những lời hứa trong cuộc vận động tranh cử, đó là giảm thuế, cắt giảm chi tiêu và thu gọn bộ máy chính quyền.
Vì không có kinh nghiệm quản lý, quyết định đầu tiên mà Reagan đưa ra với tư cách một thống đốc đã gây ra thảm hoạ. Đối mặt với việc ngân sách bị thâm hụt nặng và chi tiêu chính quyền bang quá lớn, Reagan quyết định giảm 10% số nhân viên chính quyền bang.
Vì hy vọng cải thiện tình hình đã không thành hiện thực nên Reagan lại buộc phải nâng thuế lên 1 tỷ đôla.
Việc cắt giảm ngân sách khiến sinh viên Đại học California ở Berkeley nổi giận và phản đối. Sự việc đó làm đảo lộn hình ảnh của Reagan sau nhiều năm chuyên vào vai các người hùng tại Hollywood giờ trở thành một kẻ phản diện.
Cuộc nổi dậy của sinh viên lên đến đỉnh điểm vào mùa xuân năm 1969. Những người biểu tình đã làm mọi hoạt động tại đại học California tê liệt. Tuy nhiên, Reagan giữ lập trường cứng rắn và đã huy động cả lực lượng tuần tra California để dập tắt các cuộc biểu tình. Dộng thái đó càng làm cho tình hình thêm căng thẳng và khiến Reagan bị sinh viên căm ghét.
Mệt mỏi vì những cuộc tuần hành liên tiếp trong những năm 1960 -1970, Reagan ra khẩu hiệu "Tuân thủ nguyên tắc hoặc bị loại bỏ", để đương đầu với những người phản đối ông.
Năm 1970, Reagan ra tranh cử chức thống đốc California nhiệm kỳ 2 và tái đắc cử. Nếu nhiệm kỳ thứ nhất của ông được đánh dấu bằng các vụ chống đối thì nhiêm kỳ hai là thời kỳ của hợp tác.
Sau khi quyết định nâng thuế đã bổ sung đáng kể cho ngân sách, Reagan có thể giảm nhiều loại thuế cho công chúng. Ông tiến hành công cuộc cải cách hệ thống phúc lợi. Theo đó, yêu cầu để được nhận trợ cấp xã hội trở nên khắt khe hơn. Hơn 300 nghìn người đã bị loại bỏ danh sách nhận trợ cấp.
Trong thời gian đó, Reagan đãi ngộ những người giàu có và thế lực đã ủng hộ ông, cũng nhờ sự giúp đỡ của họ mà con đường đến Washington của Reagan rộng mở.
Lou Cannon, người viết tiểu sử, đã viết rằng Reagan có những bài học chính trị thông qua những thử thách và sai lầm. Đó là một thống đốc có mục đích, nhưng không có kế hoạch và thậm chí không biết chính phủ hoạt động như thế nào hoặc những đường bước để đạt được mục tiêu.
"Những người nộp thuế phải gánh chi phí để vị tổng thống tương lai học cách làm lãnh đạo trong khi đó bộ máy chính quyền California đầy tính chuyên nghiệp và vẫn bị phỉ báng mới thực sự làm việc quản lý".
Reagan đã tạo phong cách riêng trong quản lý là để các cố vấn lo những vấn đề chi tiết. 
"Tôi không cho rằng người đứng đầu nên theo dõi mọi chi tiết trong tổ chức của anh ta", Reagan viết trong cuốn "An American Life", bảo vệ phong cách quản lý mà ông áp dụng tại California và sau này là ở Washington.
Sức hấp dẫn với báo chí
Thậm chí ngay những năm đầu trên chính trường, Reagan đã tỏ rõ ông có thể xoay sở tốt với báo giới, kiểm soát tình thế trong khi vẫn giữ sự duyên dáng.
Nghị sĩ Cộng hoà Dana Rohrabacher - người soạn các bài phát biểu cho Reagan tại Nhà Trắng - nhớ lại rằng có một đêm trong sân thủ hiến những năm 1960, một phóng viên mới vào nghề hy vọng làm một bài phỏng vấn cho một tờ báo nhỏ.
Nancy đề nghị phóng viên này đi khỏi đó nhưng Reagan đi theo anh ta xuống đường xe. Kem cạo râu vẫn còn đầy trên mặt, Reagan nói: "Nếu anh có thể ở cả đêm ở bãi cỏ sau nhà tôi, tôi có thể dành cho anh 5 phút. Nào, thế vấn đề là gì?"
Giấc mơ tới Nhà Trắng 
Trong thời gian ở Sacramento, Reagan đã để mắt tới Nhà Trắng. Năm 1968, chỉ 18 tháng sau khi được bầu làm thống đốc California, ông tuyên bố sẽ chạy đua giành chức tổng thống của phe Cộng hoà. Đã quá muộn để giành quyền đề cử từ Richard Nixon nhưng nó khiến đảng này chú ý đến tham vọng của ông.
Reagan không tham gia năm 1972 nhưng năm 1975, ông thôi chức thống đốc California để chạy đua vào Nhà Trắng.
Năm 1976, Reagan cạnh tranh với tổng thống Gerald Ford để giành quyền đề cử của Đảng Cộng hoà nhưng đã thất bại. Tuy nhiên, ông đã tạo hình ảnh sẽ là một ứng cử viên trong tương lai.
4 năm sau, Reagan cố gắng lần nữa và giành được quyền ứng cử của Đảng Cộng hoà. Ông chọn ứng cử viên phụ là George Bush, nghị sĩ Texas, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và là giám đốc CIA.
Reagan kêu gọi sự phục hồi cái gọi là những giá trị Mỹ, một chính phủ liên bang gọn nhẹ, giảm thuế để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Reagan cũng hứa hẹn sẽ cân bằng thu chi ngân sách. Chương trình hoạt động của phe bảo thủ gồm cả việc giảm bớt những quy định kinh doanh và cấm phá thai.
Trong cuộc tranh luận trước bầu cử, Reagan đã gây ấn tượng khi kết thúc bằng một câu đáng nhớ: "Giờ đây ông có tốt hơn ông của 4 năm về trước không?".
Sự thất vọng của dân chúng trước tỷ lệ lạm phát cao và cuộc khủng hoảng con tin ở Iran khiến Reagan được ủng hộ. Ông giành được 51% số phiếu phổ thông, và 44 bang so với Carter là 41% và 6 bang. Ở tuổi 69, Reagan trở thành vị tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử Mỹ.