Ronald Reagan: Những năm ở Nhà Trắng (4)

Ronald Reagan.
Ronald Reagan.
Ronald Reagan bước vào Nhà Trắng năm 1981 với hai mục tiêu chính: tinh giản chính phủ và "làm cho nước Mỹ mạnh trở lại" bằng cách tăng cường quân sự. "Chính phủ không giải quyết được các vấn đề của chúng ta, chính phủ chính là vấn đề", ông tuyên bố trong lễ nhậm chức.
Với tư tưởng đó, Reagan cắt giảm thuế và chi tiêu chính phủ trong khi đẩy mạnh xây dựng quân đội.
Ông cũng theo đuổi những kế hoạch nhằm xoá bớt những nguyên tắc của liên bang và đề cập đến các vấn đề thương mại, bao gồm tình trạng ngập tràn ôtô nhập từ Nhật.
Tháng 2/1981, thẩm phán tối cao Potter Stewart tuyên bố ý định nghỉ hưu và đó là dịp để Reagan thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử, đó là chỉ định một phụ nữ vào ngành toà án. Cuối năm đó, ông bổ nhiệm bà Sandra Day O'Connor, thẩm phán toà phúc thẩm Arizona vào vị trí đó.
Reagan từng hút chết trong một vụ ám sát. Ông đã bị bắn tại khách sạn Washington bởi John Hinkley Jr. người sau này thú nhận rằng anh ta làm vậy để thu hút sự chú ý của nữ diễn viên Jodie Foster. Viên đạn chỉ cách tim Reagan vài cm. Khi gặp vị bác sĩ sẽ phẫu thuật lấy viên đạn ra, Reagan nói: "Tôi hy vọng ông là đảng viên Cộng hoà".
Ngay sau khi hồi phục, Reagan tăng tốc việc thực thi các chính sách về kinh tế. Người dân Mỹ đã bầu cho ông với hy vọng rằng tình trạng lạm phát hai con số, tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao sẽ được giải quyết.
Với sự hợp tác của Quốc hội, Reagan quyết định giảm thuế và chi tiêu chính phủ cùng lúc nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách giảm 25% thuế được áp dụng trong 3 năm liền đã khiến lạm phát giảm nhưng nước này lâm vào tình trạng thụt lùi nặng nề và buộc phải tăng thuế.
Trước tình trạng nền kinh tế trì trệ, chính sách tài khoá của Reagan - vẫn bị những người chỉ trích gọi là "Reagonomics" - lên án gay gắt. Nạn thất nghiệp tiếp tục gia tăng và những người lao động vẫn ủng hộ ông giờ quay mặt đi.
Reagan hối thúc người Mỹ "cứ tiếp tục" theo đuổi chính sách kinh tế mà ông đưa ra. Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ đã hồi phục. Năm 1983, nền kinh tế Mỹ phục hồi và tăng trưởng trong 8 năm sau đó.
Kết quả này đã giúp ông bắt đầu chiến dịch tranh chức tổng thống nhiệm kỳ 2 và đối thủ của ông là phó tổng thống Walter Mondale. Khẩu hiệu vận động tranh cử của Reagan là: "Một ngày mới lại đến với nước Mỹ".
Trong cuộc bầu cử đó, Reagan thắng lớn. Ở tuổi 73, ông lại là vị tổng thống cao tuổi nhất của Mỹ.
Ông tiếp tục chính sách tài khoá bảo thủ trong nhiệm kỳ 2, cắt bớt các chương trình xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ các bữa ăn trưa ở trường học và trợ cấp nhà ở. Ông đã bị những người bênh vực người nghèo chỉ trích.
Tuy nhiên, Reagan không nhìn nhận mọi việc như vậy. Ông cho rằng ông đang tạo cơ hội cho những người kém may mắn. Ông không cần đến An ninh xã hội và hứa hẹn sẽ duy trì mạng lưới an toàn cho người già, người tàn tật và những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cho đến lúc rời Nhà Trắng, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở Mỹ là cao nhất trong lịch sử.
Trong khi cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội, Reagan tăng chi phí quốc phòng lên đáng kể. Ông tin rằng cách ngăn chặn chiến tranh hạt nhân hữu hiệu là phải sở hữu nhiều vũ khí hơn đối thủ - trong trường hợp này là Liên Xô. Mặt khác, Reagan tuyên bố sẽ đàm phán để chấm dứt xây dựng kho vũ khí hạt nhân.
Hàng nghìn cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp đất Mỹ bởi người dân lo sợ rằng cuộc chạy đua vũ trang sẽ dẫn đến thảm hoạ. Nhưng Reagan đã phớt lờ và tăng ngân sách cho quốc phòng thêm 35%.
Reagan cũng đầu tư vào hệ thống phòng thủ chiến lược nhằm đánh chặn tên lửa. Các nhà khoa học đã chế nhạo ý định này và gọi đó là "Cuộc chiến giữa các vì sao" nhưng Reagan không từ bỏ ý định.
Do chính sách cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quốc phòng, thâm hụt ngân sách tăng vùn vụt. Reagan đã đổ lỗi cho Quốc hội vì không cắt giảm chi tiêu chính phủ liên bang ở mức cần thiết.
Trong khi Reagan tự coi ông là quán quân của dân thường, ông đã làm nhiều việc để lấy lòng giai cấp đại tư bản.
Dù chủ trương cắt giảm các chương trình xã hội là một trong những mục tiêu hàng đầu của chính quyền Reagan, toà án Mỹ đã quyết định khôi phục lại một số chương trình về y tế và những chuẩn mực về an toàn.
Các vấn đề xã hội cũng có những kết quả hai mặt. Số học sinh nghiện ma tuý giảm dù không rõ có phải là kết quả của chiến dịch "Hãy nói không" mà Reagan phát động hay không. Tuy nhiên, AIDS lại tăng và giới chức y tế cho rằng sự thiếu sát sao của Nhà Trắng đối với vấn đề này là nguyên nhân chính.
Nhà viết tiểu sử Lou Cannon nói: "Ông ấy khiêm tốn và sẵn sàng chia sẻ vinh dự về những thành tựu đã đạt được với người khác nhưng lại không chịu thừa nhận những sai lầm".
Nếu trong nhiệm kỳ đầu Reagan tập trung đến các vấn đề kinh tế thì ở nhiệm kỳ 2, ông được ghi nhận là đã nỗ lực chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Reagan đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhiều lần và năm 1987 hai bên đã ký hiệp ước phá huỷ tên lửa đạn đạo tầm trung.
Chính sách ngoại giao của Reagan đã gây ra nhiều tranh cãi. Năm 1985, ông đã thăm một nghĩa địa, nơi chôn cất những cảnh sát mật của Đức quốc xã, bất chấp sự lên án của các nhóm người Do Thái.
Reagan cũng đã sử dụng quân đội để giải quyết một số vấn đề quốc tế. Ông đưa lính thuỷ đánh bộ tới Libăng để làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình. Nhưng năm 1983, các binh sĩ này đã bị tấn công trong cuộc đánh bom tại các trại lính ở Beirut và 241 người thiệt mạng. Khi Reagan rời nhiệm sở năm 1988, một số người Mỹ vẫn bị giữ làm con tin ở Libăng.
Năm 1986, Reagan đã ra lệnh ném bom Libya để trả đũa vụ tấn công tại một hộp đêm ở Tây Đức làm một số lính Mỹ thiệt mạng mà quân đội Mỹ cho là các phần tử khủng bố người Libya tiến hành.
Năm 1988, năm cuối cùng của Reagan ở Nhà Trắng, phi cơ Pan Am Flight 103 đã nổ tung trên bầu trời Scotland làm 270 người chết.
Scandal Iran - contra
Chính hệ tư tưởng của Reagan và chủ trương để các cố vấn lo việc hoạch định chính sách đã dẫn đến scandal trong sự nghiệp chính trị của vị tổng thống này.
"Reagan không thấu hiểu các vấn đề về mặt chuyên môn và ông luôn thấy rằng những buổi cung cấp thông tin của các cố vấn là buồn tẻ... Hầu hết các cố vấn của Reagan cho rằng ông thông minh nhưng nhiều người cũng cho rằng ông lười động não", Cannon viết.
Reagan đã chỉ đạo các trợ lý của ông giúp đỡ các phần tử đối nghịch ở Nicaragua sau khi quốc hội Mỹ quyết định chấm dứt viện trợ cho nước này.
Sĩ quan Oliver North và một số người khác trong chính quyền Reagan đã bí mật điều hành mạng lưới buôn bán vũ khí cho Iran và dùng số tiền thu được để cung cấp cho các phiến quân Nicaragua. Vụ làm ăn đó đã bị phát giác năm 1986.
Với việc bán vũ khí cho Iran, Nhà Trắng hy vọng rằng sẽ xoa dịu các phần tử ôn hoà trong chính quyền Hồi giáo để dùng ảnh hưởng của Tehran đối với Libăng, giúp Nhà Trắng đàm phán giải thoát cho các con tin.
Reagan khẳng định rằng ông không đổi việc bán vũ khí cho Iran để giải thoát con tin. Reagan cũng nói rằng ông không biết số tiền thu được đã được đổ vào quỹ hỗ trợ các phần tử đối lập Nicaragua, thậm chí ông không biết là ngân quỹ đó tồn tại.
Công tố viên độc lập Lawrence Walsh kết luận năm 1994 rằng không có bằng chứng cho thấy Reagan hay George Bush phạm luật hay họ biết về số tiền đó. Nhưng Walsh khẳng định Reagan đã tham gia hay ít nhất là bật đèn xanh cho vụ đó.
Đánh giá những di sản mà Reagan để lại sau thời gian cầm quyền, Lou Cannon viết: "Reagan có thể đã không phải là một vị tổng thống giỏi nhưng đó là một công dân Mỹ vĩ đại, người có tầm nhìn sâu xa về nước Mỹ".