T.Huyền dịch
Châu Âu nín thở (1)

Cuộc đổ bộ lịch sử Normandy đã chọc thủng tuyến phòng ngự của Đức quốc xã ở châu Âu, mở đầu cuộc tấn công dẫn đến chiến thắng của Đồng minh 11 tháng sau đó. Những công việc chuẩn bị, những giờ phút hồi hộp đợi chờ nghẹt thở, và những gì diễn ra ngày 6/6/1944 được chuyên gia nghiên cứu Thế Chiến II David Staffor thuật lại trong cuốn “10 ngày dẫn đến D-day”.
Tướng Dwight D Eisenhower với các lính dù tại Anh.
Tướng Dwight D Eisenhower với các lính dù tại Anh.
Tướng Eisenhower viết đơn từ chức phòng trường hợp cuộc tấn công thất bại. “Việc đổ bộ lên Cherbourg-Havre đã không đạt được mục tiêu và tôi ra lệnh rút quân. Quyết định tấn công tại thời điểm và địa điểm đó dựa trên những thông tin tốt nhất mà chúng ta có. Lục quân, không quân và hải quân đã chiến đấu anh dũng kiên cường. Nếu như có sai lầm gì thì đó là do tôi”.
Một ngày chủ nhật của nước Anh năm 1944. Bầu không khí nóng kinh khủng, với nhiệt độ lên tới 91 độ F ở London. Đang là ngày nghỉ, những hàng người dài dằng dặc chờ ở ga Paddington đón chuyến tàu đi nghỉ dưỡng. Từng đám đông chen chúc cố kiếm vé xem trận criket với Australia. Hàng nghìn người cuốc bộ tới Ascot xem đua ô tô. Bên trong công viên Regent, một vở kịch của Shakespeare khiến khán giả dán mắt lên sân khấu.
Ít ai nhận ra rằng đây chỉ là ngày nghỉ của trẻ em và người già. Hầu như không có bóng dáng những thanh niên tuổi 20-30. Lác đác chỉ vài quân nhân trên đường phố. London thời chiến vẫn thường chứng kiến vô khối quân nhân đổ ra đường trong những ngày nghỉ. Nhưng giờ này, cả thành phố vắng bóng nhà binh. “Yên ắng quá”, một người qua đường nhận xét. “Nó không còn xa nữa đâu”.
“Nó” – chính là D-Day, là ngày cuộc tấn công mà đồng minh bấy lâu mong đợi, nhằm vào châu Âu dưới ách Hitler, bắt đầu.
Kể từ sau khi quân đội Anh rút khỏi trận Dunkirk và việc Pháp bị đánh bại trước đó 4 năm, người dân châu Âu đã nóng lòng chờ đợi. Hai triệu quân đã được ém ở Anh. 5.000 tàu chiến và tàu đổ bộ đang sẵn sàng trong các cảng dọc bờ biển quốc đảo. Hàng nghìn máy bay ném bom của Anh và Mỹ sẵn sàng nhằm vào các mục tiêu trên đất Pháp. Để đảm bảo an ninh, Anh đóng cửa hải giới. Bất kỳ người nào xuất nhập cảnh đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Kể từ tháng 2, công dân Ireland, một nước trung lập khi đó, nơi có sứ quán Đức, đều bị cấm nhập cảnh. Tháng 4, gần như toàn bộ bờ biển phía nam nước Anh bị phong toả.
D-Day là cuộc đổ bổ lớn nhất trong lịch sử. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, 135.000 binh sĩ cùng 15.000 lính dù đặt chân lên 5 bãi biển của Normandy. Ngày hôm sau, hàng nghìn quân nhân tiếp bước họ, và cho tới 30/6, tổng số 850.000 quân đồng minh đã “lên bờ”. Đây là phát súng mở màn cho cuộc tổng tấn công miền tây bắc châu Âu, Mục tiêu chính là Reich, trái tim của Đức quốc xã. Cuối chiến dịch này, tức khoảng 12 tháng sau đó, Hitler tự sát.
Đức quốc xã trước đó đã bị các gián điệp hai mang lừa về địa điểm và thời điểm của các cuộc đổ bộ, và bị một vố bất ngờ. Trong vùng bị chiếm, phong trào kháng chiến của nhân dân Pháp, với sự yểm trợ của các điệp viên người Anh, dấy lên một làn sóng hoạt động kháng Đức.
Trước D-Day, không ai dám tin là chiến dịch thành công. Trên khắp châu Âu, người ta nín thở.
Peter Moen, tù nhân trong xà lim của Gestapo tại Oslo, tuyệt vọng chờ D-Day đến. Anh đang bí mật viết nhật ký. Mỗi ngày, Moen xé một mảnh giấy vệ sinh mà người canh tù lén đưa cho, dùng một chiếc kim nhọn rút ra từ cái mành, châm lên giấy. Sau đó anh cuộn chặt nó lại, thả vào ông thông hơi để mảnh giấy rơi xuống tầng hầm. Cho đến trước D-Day, anh đã bị giam 115 ngày và vừa bị Gestapo đánh cho nhừ tử, chỉ vì vi phạm một lỗi nhỏ.
“Chỉ có những người sống trong sự giam cầm của Gestapo, với án tử hình và sự đe doạ thường xuyên, mới thấu hiểu hoàn toàn ý nghĩa của chiến thắng”, Moen viết trong nhật ký.
Ở Paris, một người khác cũng đang âm thầm ghi nhật ký. Albert Grunberg cũng là tù nhân, nhưng tự nguyện. Anh là người Do Thái. 18 tháng trước, khi cảnh sát tìm cách trục xuất Grunberg, anh đã kịp trốn và sống chui lủi trong một cái ngách nhỏ, nép trên tầng 6 của một toà nhà. Láng giềng tìm cách che giấu, vợ mua thức ăn cho anh hàng ngày. Grunberg nghe tin tức qua BBC. Hai con trai của anh sống tại Chambery, Pháp, trên vùng sườn Alps. Sáng chủ nhật, Grunberg nghe tin máy bay đồng minh không kích thành phố. Cuộc tấn công có thể giải thoat cho anh, nhưng cũng có thể giết luôn các con anh, Grunberg đau đớn nghĩ.
Cùng lắng nghe BBC thời điểm đó còn có Andre Heintz, một giáo viên người Pháp trẻ tuổi ở Caen, thành viên phong trào kháng chiến, nơi anh sống
Những ngày cuối tuần, với trái tim phập phồng, anh giúp cha trồng đậu xanh trên mảnh vườn sau nhà - họ trồng bất cứ cây gì có thể giúp bổ sung vào khẩu phần đạm bạc. Anh còn bí mật làm căn cước giả cho những người đang gặp rắc rối với Gestapo, thu thập tin tức về quân đội và các điểm bố phòng của Đức.
Sáng thứ hai, gần 9 giờ, anh chui xuống hầm đựng thức ăn, lôi ra một chiếc đài bán dẫn giấu trong hộp rau chân vịt. Heintz dò kênh BBC. Tin quân đồng minh tiền về phía Italy khiến anh ấm lòng. Nhưng Heintz đang trông đợi một điều khác. Anh đã được thông báo mật mã về thời điểm D-day. Khi đó, công việc của Heintz là báo động cho các thành viên nhóm kháng chiến tiến hành các hoạt động từ bên trong vùng tạm chiếm. Đêm nay, anh lắng tai nhưng không nhận được tín hiệu.
Nằm ngửa mặt trên cát, bên trong doanh trại ở Southampton, trung sĩ Canada Glenn Dickin 22 tuổi nhìn những chiếc oanh tạc cơ chuẩn bị xuất kích sang Pháp. Anh đã nhận lệnh đổ bộ đợt đầu tiên. Bên ngoài căn cứ, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Glenn ngắm nhìn cảnh những bà nội trợ tất bật mua sắm, trẻ con đến trường, xe buýt và metro qua lại. Còn trong hàng rào sắt, mọi thứ đã dừng lại. Đợt huấn luyện chấm dứt. Glenn sẽ được thông báo về kế hoạch D-Day - khi nào xuất phát, đổ bộ ở đâu, và mục tiêu là gì. Glenn thường xuyên viết thư về cho mẹ. "Ngắm nhìn cảnh những chiếc máy bay qua lại", trung sĩ viết, "thật là thú vị, bởi nó khiến người ta nghĩ đến công cuộc giải phóng châu Âu”.
Cách đó vài km, Veronica Owen 19 tuổi đang ngồi trong vườn thưởng thức không khí tuyệt diệu của buổi chiều hè. Cũng như trung sĩ Glenn, cô mải mê nhìn các phi đội trên bầu trời. “Chim sắt”, Owen thốt lên. Cô là một trong số 70.000 thành viên của đơn vị nữ phục vụ Hải quân hoàng gia, đóng tại tổng hành dinh thông tin tại ngoại ô Portsmouth. Nhiệm vụ của Owen gồm đánh mật mã và giải mã thông tin. Vào ngày thứ hai, cô được nghỉ sau một đêm trực hơn 12 giờ liền, và dự định đạp xe tới nhà thờ địa phương thăm cha xứ và vợ ông, nhưng không kịp ở lại dự tiệc tối. Công việc ngày càng nhiều, nhưng lòng nhiệt tình tuổi trẻ khiến Owen thấy nhẹ bớt. Cũng ngày hôm đó, Owen nhận được một gói quà – khăn lụa của anh trai song sinh, đang đóng quân trên chiến hạm Aurora tại cảng Alexandria.
Đêm thứ hai, một cô gái tên là Sonia D’artois hạ dù xuống đất Pháp. Trong ánh trăng, Sonia nhẹ nhàng đáp xuống vùng đất mà cô hiểu rõ như lòng bàn tay. Sinh ra tại Anh nhưng có mẹ là người Pháp, Sonia từng lớn lên ở xứ xở của gà trống Golois và nói tiếng Pháp như gió. Chồng cô, người Canada gốc Pháp, cũng là điệp viên, nhưng ở tít tận miền nam. Sonia từng được huấn luyện tại đơn vị đặc nhiệm (SOE). Đơn vị ra đời tại Pháp năm 1940, với mục tiêu thực hiện các hoạt động quấy rối trong lòng địch. Lát nữa, cô sẽ gặp một người của Phong trào kháng chiến, tên là Sydney Huson. Anh này đồng thời đảm nhiệm việc chỉ huy một hệ thống các đơn vị SOE, với nhiệm vụ cắt thông tin liên lạc của Đức quốc xã ngay sau khi D-Day bắt đầu. Đường điện thoại và cáp là cực kỳ quan trọng, bởi nếu không có nó, quân Đức sẽ buộc phải dùng radio. Và thế là các nhân viên cơ yếu đồng minh sẽ dễ dàng đọc được thông điệp của chúng.
David Stafford là tác giả cuốn “10 ngày dẫn đến D-day”, xuất bản năm 2004, và là cố vấn phim tài liệu cho kênh truyền hình Channel 4. Ông cũng là người viết “Churchill và tình báo”, và “Roosevelt và Churchill: Những người nắm giữ bí mật”. Stafford còn là giám đốc dự án của Trung tâm nghiên cứu Thế Chiến II thuộc Đại học Edinburgh.