NHỮNG THẤT BẠI CỦA PHÁP
Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1734, ngày 3 tháng Chín 1870

Một đạo quân lớn, bị đặt vào trong một tình cảnh không có lối thoát, sẽ không đầu hàng ngay lập tức. Trước hết, phải cần đến ba trận chiến đấu để cho các đơn vị của Ba-den hiểu rằng họ thực sự đã bị khóa chặt ở Mét-xơ, và sau đó là một trận chiến đấu ác liệt 36 tiếng đồng hồ, kéo dài cả ngày lẫn đêm thứ tư và thứ năm vừa qua[49], để thuyết phục họ- nếu như điều đó có thể thuyết phục được họ- rằng họ không còn có một lối thoát nào ra khỏi cái bẫy trong đó quân Phổ đã nhốt được họ. Những trận chiến đấu diễn ra trong ngày thứ ba cũng không đủ để bắt Mác-ma-hông phải đầu hàng. Còn cần một trận nữa vào ngày thứ năm - hình như là trận lớn nhất và đẫm máu nhất trong tất cả các trận[50]- và việc bản thân Mác-ma-hông bị thương để cho ông ta hiểu được tình cảnh thực sự của mình. Bản tin đầu tiên về trận đánh gần Bô-mông và Ca-ri-nhăng hình như đúng về cơ bản, trừ tin nói rằng đối với các quân đoàn Pháp chiến đấu ở Bô-mông, con đường rút lui theo tả ngạn sông Ma-xơ đến Xê-đăng vẫn chưa bị cắt hoàn toàn mặc dù có tin như vậy. Một bộ phận nào đó trong số những đơn vị ấy hình như đã rút theo tả ngạn sồng Ma-xơ về Xê-đăng - và ít ra cũng đã lại nổ ra một trận chiến đấu trong ngày thứ năm, ở ngay phía bờ sông ấy. Nhưng lại nảy sinh một đôi chút nghi ngờ về ngày tháng của trận chiến đấu ở Noa-rơ, trận này, theo như bộ tư lệnh ở Béc-lin cho biết, đã diễn ra hôm thứ hai. Dĩ nhiên, ngày tháng đó cho phép đối chiếu các bức điện của Đức một cách tốt hơn, và nếu như nó đúng, thì cái thuyết về cuộc vận động đi vòng của quân đoàn 5 của Pháp, cũng không đứng vững nữa.
Những kết quả của các trận chiến đấu diễn ra hôm thứ ba tỏ ra tai hại đối với những quân đoàn Pháp tham gia vào những trận đó. Trên 20 đại bác, 11 súng liên thanh và 7.000 tù binh - đó là những kết quả hầu như ngang với những kết quả của trận ở Vuếc-thơ, nhưng đạt được một cách dễ dàng hơn nhiều và với những sự hy sinh ít hơn nhiều. Ở hai bên bờ sông Ma-xơ, quân Pháp đã bị đánh bật lại đằng sau, đến tận ngoại ô Xê-đăng. Sau trận đó, vị trí của họ ở phía tả ngạn hình như bị giới hạn ở phía tây bởi sông Ba-rơ và con sông đào Ác-đen-nơ, những con sông này cùng chảy theo một thung lũng và gặp sông Ma-xơ ở Vin-le, giữa Xê-đăng và Mê-di-rơ; ở phía đông- bởi một cái khe và một con suối chảy từ Rô-cua đến sông Ma-xơ tại Rê-mi-i. Như vậy, sau khi đảm bảo cho mình cả hai sườn, những lực lượng chủ yếu của Pháp chắc đã chiếm lĩnh cao nguyên ở giữa, chuẩn bị đẩy lùi sự tấn công của kẻ địch từ bất cứ phía nào. Ở phía hữu ngạn sông Ma-xơ, sau trận chiến đấu diễn ra hôm thứ ba, quân Pháp chắc đã vượt qua sông Xiếc, con sông này chảy vào sông Ma-xơ đối diện với Rê-mi-i khoảng 4 dặm phía trên Xê-đăng. Ở địa điểm này có ba cái khe nằm song song với nhau ở phía bắc và phía nam biên giới Bỉ: khe thứ nhất và thứ hai theo hướng chảy ra sông Xiếc, khe thứ ba, lớn nhất trong ba cái, nằm ngay trước Xê-đăng,- thì chạy dài theo hướng ra sông Ma-xơ. Tại khe thứ hai, ở gần phía đầu của nó có làng Xéc-nơ; ở khe thứ ba, phía trên, nơi con đường đi Bui-ông - tức là con đường đi sang Bỉ- cắt ngang nó, thì có làng Gi-vông; và phía dưới, nơi con đường Xte-nơ và Mông-mê-đi cắt ngang nó, thì có làng Ba-dây-lơ. Trong thời gian trận chiến đấu xảy ra hôm thứ năm, ba cái khe đó chắc phải là ba tuyến phòng ngự nối tiếp nhau đối với quân Pháp, họ ắt hẳn đã giữ tuyến cuối cùng, tuyến mạnh nhất trong những tuyến đó một cách kiên trì nhất. Bộ phận đó của chiến trường làm cho người ta nhớ đến chiến trường ở Gra-vơ-lốt, nhưng ở đó những khe có thể bị đi vòng, và trên thực tế đã bị đi vòng, tạt qua cao nguyên nơi chúng bắt nguồn, còn ở đây việc nằm gần biên giới Bỉ đã làm cho mưu toan đi vòng chúng rất mạo hiểm và hầu như buộc phải tấn công chính diện.
Trong lúc quân Pháp bố phòng ở vị trí đó và tập hợp những đơn vị không tham gia chiến đấu trong ngày thứ ba đến (trong số những đơn vị này chắc có quân đoàn 12, kể cả những đơn vị cận vệ lưu động từ Pa-ri đến thì quân Đức đã có một ngày để tập trung quân đội của họ; và đến ngày thứ năm, khi họ tấn công thì toàn bộ đạo quân thứ tư (đội cận vệ, quân đoàn 4 và 12) và 3 quân đoàn (5, 1 1 và quân đoàn Ba-vi-e) của đạo quân thứ ba đã đến tại chỗ- đó là những lực lượng hơn hẳn những lực lượng của Mác-ma-hông, nếu không phải về mặt số lượng, thì về mặt tinh thần. Trận chiến đấu đã bắt đầu vào 7 giờ 30 sáng, và đến 4 giờ 15 phút, khi vua Phổ gửi điện đi, thì nó vẫn còn tiếp diễn, hơn nữa quân Đức đã tiến công từ mọi phía một cách thắng lợi. Theo những tin tức của Bỉ, các làng Ba-đây-lơ, Bê-mi-i, Vin-le - Xéc-nơ bị thiêu cháy, còn giáo đường Gi-vông thì nằm trong tay quân Đức. Diều đó chỉ rõ rằng cả hai làng ở phía tả ngạn sông Ma-xơ, hai làng mà trong trường hợp rút lui các cánh quân Pháp sẽ dựa vào, thì hoặc bị chiếm, hoặc đã bị làm cho trở thành vô dụng đối với việc phòng ngự; trong lúc đó tuyến phòng thủ thứ nhất và thứ hai ở phía hữu ngạn đã bị quân Đức chiếm, còn tuyến phòng thủ thứ ba, nằm giữa Ba-dây-lơ và Gi-vông, thì quân Pháp cũng sẵn sàng lời bỏ ngay lập tức. Trong tình hình đó, thì đến tối chắc chắn quân Đức phải là kẻ chiến thắng, còn quân Pháp thì bị đánh bật về phía Xê-đăng. Thật vậy, điều đó đã được những bức điện từ Bỉ đánh đi xác nhận, những bức điện đó báo tin rằng Mác-ma-hông đã hoàn toàn bị bao vây và hàng ngàn quân Pháp đang chạy sang biên giới và bị tước vũ khí.
Trong tình thế như vậy, Mác-ma-hông chỉ còn có một trong hai điều sau đây: hoặc đầu hàng, hoặc tiến nhanh qua lãnh thổ Bỉ. Một đạo quân bị đánh tan, bị khoá chặt ở Xê-đăng và chung quanh thành phố đó, nghĩa là trong một khoảnh đất giỏi lắm cũng không lớn bơn khoảnh đất để đóng quân, sẽ không thể giữ vững được; và dù nó có khả năng đảm bảo được những con đường liên lạc với Mê-di-rơ, nằm cách khoảng 10 dặm về phía tây, thì nó vẫn bị bao vây trên một dải đất rất hạn chế và không thể giữ vững được. Như vậy là Mác-ma-hông, không thể chọc thủng được vòng bố trí của địch, phải hoặc tiến qua lãnh thổ của Bỉ, hoặc đầu hàng. Nhưng Mác-ma-hông bị kiệt sức vì các vết thương, lại thoát khỏi sự quyết định đau khổ đó. Việc ra bản tuyên bố về sự đầu hàng của quân đội Pháp do tướng Dơ Vim-pơ-phen gánh vác. Những tin tức về sự chống trả quyết liệt mà Ba-den đã gặp phải khi mưu toan vượt ra khỏi Mét-xơ, nếu tới tai Mác-ma-hông, thì chắc chắn sẽ đẩy nhanh màn kết thúc ấy. Quân Đức đã thấy trước ý định của Ba-den và đã sẵn sàng chống lại ông ta ở tất cả mọi điểm. Không những Stai-nơ-me-xơ, mà cả hoàng thân Phri-đrích-các-lơ (người ta thấy rõ điều đó qua việc nhắc đến các quân đoàn số 1 và số 9), cũng đều cảnh giác đề phòng, còn mạng lưới chiến hào được chuẩn bị chu đáo lại càng tăng cường hơn nữa cái hàng rào vây quanh Mét-xơ.