Chương 7
Dế Mèn - Nam Hoa

Cô gái bước đi đều đặn về hướng cây cầu bắc ngang dòng sông. Cô mang gương mặt vô hồn, không cảm nghĩ đi mãi.
Đà Nẵng mùa thu, trời khuya dịu mát nhưng đêm nay hơi lạnh, có lẽ do ảnh hưởng một cơn bão xa nào. Phố xá dù khuya vẫn ngập ánh đèn, người người vẫn qua lại, có kẻ chỉ chiếc áo bình thường, có kẻ lộng lẫy hào nhoáng, có đôi chỉ chiếc xe đạp, có cặp váy túm, quần thụng, đèo nhau trên chiếc Dream cùng nhau đến dự một buổi dạ vũ nào.
Nhưng tất cả bọn họ, không thể biết cô gái đi bên đường ấy đang muốn gì và cô là ai?
Tại sao một bóng, một mình lang thang trên hè phố?
Cô gái lướt qua hết đường Trưng Nữ Vương rẽ về hướng cây cầu, cô đi mãi rồi dừng lại ở giữa nhịp cầu ấy. Cô đứng, mắt hướng về thành phố muôn sắc màu. Gió thổi, cô thấy lạnh, tóc bay tung trong gió, cô mặc kệ, đôi tay bắt chéo ôm lấy bờ vai gầy guộc như muốn ôm trọn cả cuộc đời đầy mất mát đau thương của cô.
Vô số ánh đèn từ những con tàu, từ các ngôi nhà, quán nước, nhà hàng hai bên bờ sông hắt xuống dòng nước, biến thành từng quầng sáng lung linh. Những con tàu bất động, dòng nước trong đêm biến màu đen sẫm êm đềm trôi, và dòng nước mắt của cô gái âm thầm chảy.
Cô quyết định sao đây ngày mai của mình? Của người cha triền miên bệnh hoạn? Cô thương cha lắm, bởi cha đã cưu mang cô, thuở mới lên mười, mái tóc này, cha là người đầu tiên chải, bàn tay thô kệch vụng về chải mãi vẫn không suông. Tấm thân này có được manh áo lành, là do cha đem tấm lòng đàn ông không vợ đi chợ may cho. Cô không phải lê lết nơi xó chợ đầu đường, từ con ăn mày trở thành kẻ khốn nạn bên lề xã hội, làm đĩ, ăn cắp, là hoàn toàn nhờ ở tấm lòng cha. Cô không bị gọi là trẻ mồ côi, lớn lên không nhờ vào lòng từ tâm của khắp mọi người, cô có một người cha, có một mái nhà, có họ, có tên, đều do cha cho tất cả.
Vậy đúng hay sai khi cô muốn hủy mình đêm nay dưới dòng sông này? Cô không trả lời được. Cô chưa bao giờ khóc cho ai thấy từ thuở mười lăm, nay cô mặc tình để nước mắt tuôn dòng, để tự hỏi lòng, chết hay là sống? Chết! Nghĩa là chấm dứt bao nhọc nhằn đau khổ một kiếp người, nghĩa là không còn đợi chờ "người ta" nữa, cũng có nghĩa là để cha đói, no, ốm lạnh, sống chết mặc tình. Sống! Nghĩa là không thể làm việc, phải nằm nhà thương, phải có tiền lo thân, lo cha, cơm thuốc như mình. Điều ấy không thể thực hiện được.
Có con đường thứ ba nào không? Cô gái hỏi trong lòng, nên chẳng ai trả lời cho cô. Cô nhìn xuống dòng sông, một, hai con thuyền nhỏ đang trôi qua gầm cầu, con thuyền nan lướt trên mặt nước êm đềm không sóng gió. Còn con thuyền đời của Bạch Hoài thì đang là giông bão loạn cuồng. Biết tính sao đây? Ông trời ơi! Biết tính sao đây?
Cô gái đôi tay ôm lên vai gầy, thờ thẫn bước, rồi dừng lại, tay bám vào thành cầu, cô nhìn sững lên trời cao, sao nhấp nháy đầy trời. Cô qua bên kia cầu, lạ làm sao cũng một dòng sông, cũng một chiếc cầu mà bên này sáng rực ánh đèn, muôn vàn rực rỡ, còn bên kia là đêm tối mênh mông. Cô nhìn vào quãng đêm tối mênh mông ấy không có đến một con đom đóm nào bay cả đừng nói chi là ánh đèn, cũng như cô không có tia hy vọng nào, nơi nương tựa nào nếu không chấp nhận sự giứp đỡ của bạn bè. Nhưng được bao lâu? Người ta giúp nhau khi ngặt, ai giúp đói nghèo, giúp được một lần, ai giúp một tháng, một năm.
Nam Hoa! Nam Hoa! Anh ở đâu? Có biết Dế Mèn của anh đang đi đến cùng cực nỗi khổ và nỗi nhớ. Ôi! Giá được nhìn lại anh một lần thôi, xem anh như thế nào, rồi trao anh bổn phận dưỡng nuôi cha già, em có chết cũng đành. Nam Hoa!
- Cô ơi!
Hoài giật nẩy mình, không vì người đang đứng bên cô, mà vì giọng nói trầm ấm quen thuộc. Cô ngước mặt lên, người đàn ông sang trọng ấy, đang đứng ngó sững vào cô, đôi mắt có đuôi, sâu hun hút tròn lại.
- Là cô!
Hoài thối lui một bước, mắt nhìn quanh, đã vào khuya, trên cầu vắng lặng, còn mỗi cô và người đàn ông đã từng cứu giúp cô. Nhưng ông ta muốn gì? Cô nổi lòng sợ hãi, lùi bước nữa, bước nữa, rồi cắm cổ chạy.
- Cô ơi! Cô ơi!
Nam Hoa! Phải, người đó là Nam Hoa, anh ngủ không được, trở dậy xuống lầu, lấy xe chạy vòng quanh thành phố, rồi hướng về phía cầu, thuở đó, anh còn bé, từng ao ước được đứng đây nhìn thành phố vào đêm. Với cha mẹ anh, anh chị anh, đó là điều ngốc nghếch, vô lý không sao hiểu nổi. Anh dỗi, mẹ hỏi:
- Nam Hoa! Con nói xem, nhìn cây cầu, có ích lợi gì nào? Làm sao lại phải tốn thời gian, tốn xăng dầu, để ba chở con từ đây đến dó ngó cầu rồi về.
Anh không thuyết phục được người lớn làm việc đó, anh tỏ tâm sự với Dế Mèn, nó hoàn toàn thông cảm với anh.
- Anh Nam Hoa! Đứng ở cầu nhìn sông, nhìn tàu, ghe chạy, gió mát, sướng phải biết, chừng nào lớn, anh dắt em đi nhé.
Thằng bé không giữ lời hứa, nó dấu biệt chuyện nó đã đến đứng ở cây cầu, không với Dế Mèn mà với đám bạn học của nó.
Trường Thọ Nhơn, chỗ nó học năm sau đó, đi tới cây cầu không xa mấy, dù không được nhìn ban đêm, nó cũng đến được ban ngày.
Và đêm nay, anh đến nơi này, mong nhìn thành phố thân yêu dưới những ngọn đèn, anh gặp cô gái ngất xỉu trên tay anh lúc sáng, cô ta đã khám bệnh chưa? Tại sao cô có mặt tại đây? Chẳng lẽ để nhìn thành phố như anh? Thưa ông tôi tên Hoài! Cô ấy tên Hoài, chẳng biết có phải là chị Hoài gì đó của Toàn không?
Cô ấy thấy anh, hốt hoảng chạy đi, cô đã chạy xuống khỏi cầu. Nam Hoa bối rối, anh lên xe phóng theo. Vài phút, anh đã rượt kịp.
- Cô ơi!
Hoài vẫn cắm cổ chạy, tóc tơi bời trong gió, mặt tái xanh vì mệt... vì... chẳng rõ vì sao.
Kiên nhẫn rà xe theo, lạ thật, chẳng hiểu để làm gì.
Cô gái đứng phắt lại, trợn mắt:
- Tại sao ông đi theo tôi?
Nam Hoa lạnh lùng:
- Tôi... tôi... À, cô đi khám bệnh chưa?
Cô gái lạnh lùng:
- Điều ấy liên quan gì tới ông?
- Ông bác sĩ nói cô bệnh nặng, cần điều trị lâu dài, sao cô không đi bệnh viện lại ở đây?
- Tôi ở đâu, hay không đi chữa bệnh chẳng liên quan gì tới ông, yêu cầu đừng theo tôi.
Nam hoa thấy đôi mắt còn sưng đỏ vì khóc của cô gái, anh thầm hiểu ngay tại sao.
Ở Hồng Kông, nơi anh đang sống cũng có chứng bệnh này, nó thường xuất hiện ở những người nghèo, phải chịu nhiều lao khổ. Nó không khó chữa, nó chỉ buộc ai muốn chữa phải có tiền nhiều. Cô ta không có tiền nhiều, nhất định vậy. Nỗi ái ngại, xót xa cho người con gái, khiến Nam Hoa dẹp tự ái, anh nói rất ôn tồn.
- Có phải cô rất khó khăn trong đời sống nên không lo chữa bệnh phải không? Nếu cô tin tôi, tôi sẽ giúp cô, hoàn toàn không vì điều gì cả, là giúp mà thôi.
- Cảm ơn. Tôi không cần, ông đừng theo tôi.
Cô gái nói mấy câu cộc lốc, bỏ đi. Nam Hoa nhìn sững theo.
Trời ơi! Cô ta cương quyết làm sao. Cô gái khuất ở khúc rẽ, Nam Hoa còn nhìn theo.
Anh quyết ở trong lòng, mai mình đến gặp dì Sang, hỏi Toàn xem có phải cô ấy không? Mình sẽ liệu bề giúp đỡ.
oOo
Cô gái trở dậy, còn kinh hoàng vì giấc mộng đêm rồi, cô mơ thấy cha chết vì đói, thân gầy trơ xương với miệng sùi nước dãi.
Cô mơ thấy cả Nam Hoa, anh về, lạnh lùng nhìn cô... Cô là ai? Dế Mèn là ai? Tôi không biết. Anh đi, cô chạy theo ôm lại, anh phũ phàng xô cô ngã dài xuống đất, bỏ đi...
Anh đi với một người, đẹp và sang trọng lắm, cô ta áo dài Thượng Hải, đẹp kiêu sa với đôi tay trần trắng nõn, cô ta nhìn cô, cái nhìn khinh thị, kiêu kỳ. Cô ta là người Hoài đã gặp ở Pacific Hotel, còn Nam Hoa của cô lại là người đàn ông ấy.
Hoài trấn tĩnh mình, mà sao vẫn run, cô ngồi chặp lâu, mới xuống giường. Cô rửa mặt, chải đầu, nhìn mình trong gương, một gương mặt ốm nhom, xanh mét. Mới hơn năm giờ sáng, ba chắc còn đang ngủ. Giá có một tí phấn hồng đánh vào sẽ dấu được vẻ tiều tụy của mình.
Hoài vẫn sốt, cái sốt ngầm dai dẳng và vài tiếng ho khan bất chợt, cơ thể lúc nào cũng ướt mồ hôi. Cô khó ngủ, mệt mỏi, không thích ăn, thỉnh thoảng tức ở lưng ở ngực. Sáng nay phải đi làm xét nghiệm, làm thế nào để nói với ba đây? Chuyện bệnh tật của mình, cô lo lắng sợ mình lây bệnh cho cha, nếu dấu, còn nói ra sợ cha đau lòng.
Hoài ngồi lại vào giường, co ro ôm đầu gối. Cô nhìn quanh căn nhà được cất bằng đôi tay cha cô và món tiền ông Chấn Hưng để lại. Nó còn quá ít để cất ngôi nhà vì phải còn để lo thang thuốc cho cha cả năm trời. Căn nhà này được cất lên, do hàng chục cái giấy xác nhận, cam đoan giới thiệu của những người tiếp quản kho một Chấn Hưng. Nó vỏn vẹn hai mươi mét vuông, là cả mồ hôi, nước mắt hai cha con suốt tháng trời. Hoài trộn hồ bằng đôi tay lóng cóng tuổi mười lăm, ông Tài xây gạch làm tường bằng bàn tay thô kệch của một cựu võ sĩ đã về chiều. Nhà lợp tôn, nền đất, tường xây gạch không tô, mà Hoài thấy nó đẹp hơn bất cứ ngôi nhà nào bởi giờ cô có thể tự hào, đã có một ngôi nhà thật sự.
Hoài lại ứa nước mắt, cô thật sự hư hèn, bạc nhược chẳng để cha tuổi già an nhàn, giá ngày ấy mình đi học...
Không! Cũng chẳng ích gì. Bệnh tật thường có ở những kẻ khổ nghèo. Tôi sẽ giúp cô chữa bệnh, hoàn toàn không vì một điều gì. Hình dáng người đàn ông sang trọng ấy, câu nói của ông ta lại về bên tai Hoài.. cứ ngân nga mãi. Thế gian này có ai tốt mà không vì lợi ích bản thân? Nói dối! Nói dối! Nhưng "người ta" nói dối để làm gì? Mình có gì để anh ta muốn lợi dụng? Giọng nói ấy! Đôi mắt ấy! Trời ơi! Sao khiến mình nghe ngọt dịu cả lòng. Nam Hoa! Bây giờ anh ra sao? Có giống người ta không? Giọng nói ấm làm em xao xuyến cả hồn. Nam Hoa ơi! Em chờ đợi đến mỏi mòn, để nói với anh hai điều thôi. Ngày xưa ấy, cô bé Dế Mèn cũng có mẹ cha, và bây giờ em có một cái tên, như mọi người, cái tên gói trong nỗi lòng thương nhớ dành cho anh.
Ông Tài đã dậy, ông nhìn con, dấu tiếng thở dài, nó xanh xao quá, càng ngày càng ốm lại, nó đau gì? Chẳng lẽ vì nhớ thương. Không đâu! Có nhớ thương nó vẫn kiên cường âm thầm chịu đựng, nó đau vì cực khổ quá đó thôi. Để có tiền thang thuốc cho ông, nó phải gánh nước thuê, giặt mướn, đan mặt mây, đêm đến là công nhân công ty vệ sinh đi xúc rác cho cả thành phố. Nó đau thật rồi, khi nó là chỗ tựa nương duy nhất của ông.
Ông đứng lên, đi lại bên con. Hoài ngẩng đầu lên:
- Con khó ngủ quá ba!
Ông Tài ngồi xuống, cầm tay con:
- Hoài! Con đau gì sao ba hỏi không nói?
Hoài nghẹn ngào. Chẳng thể dấu mãi, nhưng cũng không nên để ba lo quá.
- Đợi sáng nay, con đi làm xét nghiệm mới biết ba à!
- Có nặng không con?
- Không có gì đâu ba. Bác sĩ nói xét nghiệm xong, chữa ít lâu sẽ lành.
Sợ cha hỏi thêm, Hoài rời giường, lấy chổi lăng xăng quét nhà, nói chuyện tíu tít:
- Mấy bữa nay trời chuyển, chỗ sườn gẫy có nhức không ba?
- Có chút đỉnh. Hoài nè!
- Thuốc con mua ba uống hết chưa?
- Còn đó con, năm nay ba thấy khỏe hơn năm ngoái.
Hoài dựng chổi vào góc nhà:
- Sáng nay con nấu cơm, ăn với cá khô, con dọn ba ăn trước, con đi thử nghiệm về mới ăn được.
Một loáng cô đã dọn lên cái bàn gỗ cũ kỹ tô cơm bốc khói và đĩa cá cơm kho khô.
- Thưa ba, con đi.
Thoát khỏi đôi mắt cha, Hoài thở phào, biết chừng đâu mình không có gì. Cô ra tới đầu kiệt, Đức chạy xe vào. Biết chẳng thể từ chối, cô đành để cho anh chở qua trung tâm bài lao. Xong, chở về, ngang Phan Châu Trinh, cô nói:
- Anh cho tôi xuống chỗ hợp tác xã mặt mây chút được không?
- Đi đâu cũng được. Em tới chi vậy?
- Họ còn thiếu ít tiền.
Lần này đợi lấy tiền, Hoài nhất định nói Đức về, thấy cô cương quyết, Đức đành đi, hẹn lúc nhận kết quả sẽ xuống chở.
Hoài lấy được tiền, nhận mây xong hẹn chiều xuống lấy rồi lững thững đi xuống nhà thuốc tây quen thuộc cô thường mua ở ngã năm. Ngang qua Pacific Hotel, chẳng biết sao tim cô đập nhanh trong lồng ngực.
Vừa lúc ấy, Nam Hoa, Thiếu Kỳ, Diễm Quỳnh bước ra, người tài xế cung kính chào cả ba rồi mở cửa xe, Diễm Quỳnh vào trước, Nam Hoa đi vòng qua bên kia, anh khựng lại, vì thấy Hoài. Dường như cô cũng thấy anh, bởi cô cúi mặt, chân như ríu lại, đột nhiên cô băng qua đường, một chiếc xe phóng tới, phanh kịp, tiếng thắng xe kêu rít lên thật ghê rợn, người tài xế thò đầu ra chửi toáng, Hoài chết lặng, xấu hổ, mặt cứ xám ngoét.
Tiếng xe kêu rít, dừng lại ngay Hoài, khiến Nam Hoa thấy máu như đông cứng ở khắp thân mình, anh cố ghìm một tiếng hét muốn bật ra cửa miệng, cô gái còn đứng đó, mà anh tưởng chiếc xe kia cán nát cô rồi. Tự dưng anh thở phào., anh sung sướng chẳng rõ tại sao mình như vậy? Chỉ là cô gái ngất xỉu trong tay mình hôm qua. Tại sao? Tại vẻ yếu đuối, nghèo khổ hay tại đôi mắt rượi buồn kia khiến anh mãi nghĩ về?
Hay tại đêm qua, mình dừng xe gọi cô ơi! Vì tưởng cô gái muốn tự tử, chẳng ngờ là cô ta? Hay tại vẻ cương quyết đến không ngờ, và dáng cô nhỏ nhoi chạy khuất dần khiến anh nhớ mãi? Cô ấy có biết đêm qua là đêm đầu tiên trong đời Nam Hoa quên Dế Mèn để thao thức về cô không? Nhất định không biết, nhưng cô sợ chạm mặt anh vội băng qua đường thì anh biết. Hoài đi rồi, Nam Hoa còn bần thần đứng mãi, người tài xế mấy lần thưa ông, anh cũng chẳng nghe. Diễm Quỳnh mở cửa xe, bước ra:
- Thưa ông Bạch! Còn mười lăm phút nữa, đến giờ hẹn với Danamexco.
Nam hoa giật mình, anh ngượng, nhìn đồng hồ, sáng nay, ngày ký hợp đồng liên kết sơ bộ, anh ngồi vào xe, nói với tài xế:
- Chạy đi!
Anh tránh nhìn vào gương chiếu hậu, sợ gặp ánh mắt soi mói của Diễm Quỳnh.
oOo
Đón cả ba là ông Thành, giám đốc Danamexco, thư ký của ông và người đàn ông lạ mặt, khoảng năm mươi tuổi, dáng cao, nét mặt cương nghị với vầng trán rộng. Giám đốc Danamexco giới thiệu:
- Đây là anh Lê Cương, người của bộ Ngoại thương, đại diện bộ vào đây cùng ký hợp đồng.
Họ bắt tay nhau, trang trọng nhưng không kém phần thân mật. Vào đến phòng họp, đã có bảy, tám người thuộc ban lãnh đạo công ty ngồi chờ. Nam Hoa trở lại với tác phong làm việc nhanh nhẹn, cương quyết khi ngồi vào bàn.
- Thưa các vị, chúng ta bắt đầu làm việc.
Suốt ba giờ đồng hồ, mười hai con người bàn bạc, thảo luận không nghỉ. Ông Thành, giám đốc Danamexco là người thận trọng. Chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc làm ăn với các công ty nước ngoài, trước và sau khi về Danamexco, ông nghiên cứu kỹ bản hợp đồng này đã ba ngày, không tìm thấy một chút mánh khóe lươn lẹo nào của giới kinh doanh tư bản như ông thường được nghe và biết. Vì vậy ông càng đắn đo, có rất nhiều trường hợp, các công ty Việt Nam làm ăn với nước ngoài, bị lừa vì những thủ đoạn quá tinh vi, xảo quyệt của họ do thiếu kinh nghiệm về làm ăn kinh tế. Ông hiểu, nếu mình đặt bút ký, là chịu toàn bộ trách nhiệm trước công ty, trước nhà nước.
Nam Hoa ở tuổi hai mươi chín với tài năng bẩm sinh, với học thức và trí thông minh sẵn có, với kinh nghiệm đã học được ở cha mình, một kẻ tay trắng làm nên sự nghiệp và cả cái giòng máu làm ăn của người Trung hoa cộng vào, anh thấy, anh hiểu tại sao toàn Danamexco phải đắn đo cân nhắc. Anh kiên nhẫn, bàn bạc, giải thích. Bây giờ anh hoàn toàn là giám đốc công ty Chấn Hưng, chi nhánh sắt thép. Anh đem hết tài ngoại giao khôn khéo của mình vào cuộc họp, anh rất quý thời gian nên không muốn nó kéo dài đến cả buổi chiều.
Diễm Quỳnh làm phận sự thư ký riêng của mình, nghiêm túc. Thiếu Kỳ mặt lạnh tanh, thao thao bất tuyệt giải thích về tại sao phải có điểm này, điểm kia... Công pháp quốc tế về kinh doanh.
Lê Cương ngồi nghe, không nói một lời nào. Chung quanh ông là một người, có bốn người để ông chú ý, ông nghe hết mọi lời nói của họ, ông đọc thuộc làu bản hợp đồng. Ông nhìn rất lâu ở một người, Bạch Nam Hoa, không khó khăn gì để có lý lịch con người trẻ tuổi đang ngồi trước ông.
- Sinh ra khi Bạch Gia đã giàu có trên mảnh đất này.
- Rời Việt Nam khi mười ba tuổi.
- Học rất giỏi và tốt nghiệp một trong những đại học kinh tế danh tiếng nhất Hồng Kông
- Tu nghiệp ở Anh quốc và học thêm về sắt-thép.
Ở anh có hai điều khiến ông chú ý. Anh ta hai mươi chín tuổi, giám đốc một công ty lớn, lại không có quan hệ tình ái lăng nhăng và chưa lập gia đình, điều ấy thật hiếm có với một thanh niên như anh ta. Điều nữa là ngay từ mười lăm tuổi, ngoài giờ học, anh ta luôn là cái bóng của Tổng giám đốc công ty Bạch Chấn Hưng, nghĩa là tuổi hai mươi chín anh ta đã có mười bốn năm kinh nghiệm thương trường. Người làm hồ sơ lý lịch này nhấn mạnh thêm rằng, ở tuổi mười bảy, mười tám, anh ta đã giúp cha nhiều việc đến độ nhiều người cứ quên hẳn ông Tổng giám đốc để tới hỏi ý kiến Nam Hoa, con ông.
Bây giờ anh ta đang ngồi trước ông, mọi cái ở anh ta khiến bất cứ ai cũng ngưỡng mộ dù nữ hay nam, và ông không có quyền để vẻ bề ngoài kia đánh lừa, vì ông phải chịu trách nhiệm trước Bộ trước nhà nước.
Quanh bàn họp trở nên yên lặng.
Đã 11g30, người luật sư cố vấn pháp lý của công ty Danamexco công nhận bản hợp đồng không có chỗ nào phạm pháp lý hai nước. Ông Lê Cương nhớ lại điều cuối cùng ở bản điều tra người ta gởi cho ông.
Công ty Bạch Chấn Hưng từ ngày phát triển ở Hồng Kông, nổi tiếng làm ăn trung thực, đàng hoàng, không một kiện tụng nào xảy ra. Họ rất được tín nhiệm trên khắp thị trường sắt, thép thế giới.
Ông hướng mặt nhìn qua giám đốc Danamexco, ông Thành gật đầu. Người bạn ông đã dám gật đầu nghĩa là dám làm dám chịu. Ông mỉm cười.
Bản hợp đồng đã ký vào lúc mười một giờ bốn mươi phút. Tất cả rời phòng họp. Danamexco mời bữa cơm thân mật. Lúc bắt tay Lê Cương về khách sạn, Nam Hoa nói:
- Thưa ông, tôi rất lấy làm hân hạnh được quen biết ông, một người trí thức Việt Nam chân chính.
Lê Cương giản dị:
- Tôi cũng vậy, ta còn gặp nhau.
Nam Hoa bắt tay giám đốc công ty Danamexco.
- Thưa ông Thành, trong thời gian ngắn nhất, đoàn kỹ sư chuyên viên đo đạc xây dựng sẽ qua Việt Nam điều tra thực địa và cùng các kỹ sư Việt Nam lập đồ án xây dựng.
- Chúng tôi sẵn sàng.
- Chào ông.
Trưa hôm ấy, Nam Hoa không ngủ trưa theo thói quen, anh ngồi hút thuốc, ngắm những cành cúc đại đóa trắng cắm ở bình. Chẳng ai hiểu lòng anh vui như thế nào. Bây giờ anh đã thực sự trở về quê hương thứ hai của mình. Nơi đây là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đây có người con gái anh chưa biết mặt dù yêu đến hơi thở sau cùng.
Dế Mèn! Em có khác lắm không so với thuở ấy em mười hai tuổi.