Chương 8
Lê Cương

Ông nằm, mắt nhìn lên trần nhà. Từ lâu lắm rồi, ông quen với sự cô tịch. Ông ít tiếp khách, không thích những cuộc chiêu đãi tiếp tân. Nhà ông ở Hà Nội, thường treo bản vắng nhà vì không muốn "bị quấy rầy". Người ông coi là tri kỷ chỉ có Thành giám đốc Danamexco. Thành nhỏ thua ông năm tuổi, hiểu ông như ông tự hiểu mình. Ông từ Hà Nội về không ở khách sạn, lại ở nhà Thành, vì lẽ duy nhất đó. Có tiếng gõ cửa, Thành ở bên ngoài:
- Anh Cương!
- Chú vào đây!
Ông vẫn nằm ở giường, Thành vào, ngồi xuống một bên. Họ im lặng khá lâu.
- Có chuyện gì? - Lê Cương hỏi.
- Chừng nào anh ra Hà Nội?
- Điều ấy có gì quan trọng?
- Vợ em nói, bàn với anh, hay về trong này nhận một công việc gì đó, dù sao nơi đây cũng là quê cha đất tổ.
Lê Cương ngồi dậy, ông nhìn thằng em kết nghĩa của mình. Nó bây giờ là giám đốc một công ty làm ăn với nước ngoài, địa vị quyền thế, bạc tiền không biến đổi được bản chất nó, đó là điều an ủi cho ông.
Ông rời giừơng, ngồi vào ghế salon bọc nệm, bộ bàn ghế này ông Thành đóng rất nhỏ, để phù hợp với căn phòng ông dành riêng cho anh mình.
Ông Cương châm thuốc hút:
- Chú thím đã biết tại sao tôi không về mà!
- Vợ em nó nói, cứ nghĩ anh một mình thui thủi ở ngoài đó, mỗi khi đông về, nó chạnh lòng.
Lê Cương cười buồn, mắt nhìn khói thuốc bay, tránh ánh mắt Thành ngó mình chờ đợi.
- Sao chú không nói chú muốn, lại đổ thừa cho Hoa làm gì? Nói dứt khoát nghe, anh không về đây, Đà Nẵng, Quảng Nam có quá nhiều đau khổ. Với anh, mỗi lần về đây, anh càng ray rứt, thấy mình có tội với vợ con, chú đừng khuyên anh nữa.
Ông Thành biết không thể nói thêm, ông lảng qua chuyện khác:
- Anh nhận xét gì về Bạch Hoa Nam?
- Con người được lắm, nhìn anh ta tôi tiếc mình đã già, giá trẻ lại hai mươi tuổi để học hỏi chuyện làm ăn, chuyện kinh doanh.
- Đây là lần đầu tiên em làm kinh tế với nước ngoài, em mong thành công, không phải cho mình, mà là vì ngày mai của đất nước.
Lê Cương chăm chú ngó em:
- Anh biết, chú đã dũng cảm thế nào để đem tuổi bốn mươi lăm của mình, đem cả cuộc đời sự nghiệp mình đặt vào việc này. Cứ yên tâm, có anh cùng gánh vác với chú.
Họ chia sẻ với nhau điều ngắn gọn muốn nói rồi im lặng.
Ông Thành lơ đãng đặt tay vào nút mở tivi, màn ảnh sáng lên. Cả ông và ông Cương chú ý lắng nghe câu nói của người phát ngôn...
"Nhắc lại lần nữa... Tin tìm thân nhân thất lạc sau mười sáu năm. Ông Bạch Hoa Nam trước ở Việt Nam, là con út Bạch Chấn Hưng tiệm buôn đồ sắt cổ.. Ông Ích Khiêm-Đà Nẵng. Nay nhắn tin tìm ông Tài, không rõ họ, nguyên quận Bình Định, xuất thân võ sư, làm người bảo vệ kho hàng số I Chấn Hưng từ năm 1965. Ông Tài và con gái ở đâu, nhận tin này đến khách sạn Thái Bình Dương, số... Phan Châu Trinh để gặp. Bạch Hoa Nam".
Ông Thành buông câu nhận xét:
- Ông ta là người có tình nghĩa.
Lê Cương cười nhẹ:
- Nói tới tình nghĩa, chú mềm lòng lắm, biết chừng đâu anh ta nhận lệnh của cha tìm Tài vì một điều bí ẩn nào đó?
Thành cười xòa:
- Anh lây máu trinh thám nhiều đó nghe. Em nói vậy, vì có nghiên cứu sơ qua hồ sơ gia đình họ Bạch. Những người quen biết họ đều nhận xét họ trung tín, nhân hậu. Vì vậy những người giúp việc đều tận tụy trung thành. Có thể họ muốn gặp lại vì tình xưa nghĩa cũ.
Lê Cương buột miệng:
- Muốn biết có khó gì, chú mời anh ta một bữa cơm gia đình, khoe tài nấu ăn của vợ chú. Hợp đồng ký rồi, coi như quen biết.
Thành đứng dậy, tắt tivi:
- Anh đề xuất đó nghen, nói thật em cũng muốn vậy, nếu đúng, mình giúp anh ta tìm kiếm, có lẽ sẽ tốt cho công việc chung hơn.
Lê Cương làm thinh không nói. Với ông, điều đó chẳng nghĩa gì, kinh nghiệm ở tuổi năm mươi cho ông biết khi thấy Nam Hoa. Anh rất đàng hoàng nhưng không phải hạng người để lẫn lộn việc công, tư vào nhau.