Những ký họa dang dở

Lê Minh Hà
Đàn ông và đàn bà. Âu và Á và Phi... Đồ đạc đơn giản và lỉnh kỉnh. Một cái ghế gấp để ngồi và một cái đặt trước mặt. Cho khách. Cạnh đó là một tấm biển nhỏ ghi giá tiền. Một tấm bảng ghim sẵn giấy. Những ống màu và chì. Ba lô bẹp quăng dưới chân.
Gương mặt họ nhàu, vừa thờ ơ vừa căng thẳng. Nhất là lúc có đám khách vãng lai nào bước chậm lại trước hàng người. Một cái gì từa tựa nụ cười đồng loạt hiện trên mặt họ, nửa mời chào, nửa ngượng nghịu, rồi những nụ cười ấy tan từ từ khi đám người tản đi, hoặc giả một ai đó quyết định ngồi xuống một cái ghế gấp trước mặt một họa sỹ. Đấy là cảnh chợ vẽ chân dung ở Berlin vào một chiều cuối hè. 'Đông thêm một tý thì giống chợ người Giảng Võ.' ý nghĩ quét nhanh qua đầu. Tôi gặp lại Hồ Diểu, chính ở đó.
Chúng tôi đã để qua đi cái phút phải chào nhau. Và vì thế mà Hồ Diểu và tôi giữ nguyên vẻ lạnh lùng trước nhau như đã từng thế gần hai mươi năm về trước.
Bây giờ tôi ba sáu tuổi. Vậy thì Hồ Diểu phải sắp năm mươi. Mái tóc bồng bềnh năm xưa giờ để dài hơn, buộc thành một túm sau gáy. Nghệ sỹ, nhưng trông thảm thảm thế nào. Có lẽ vì bạc cả. Gương mặt ngày xưa thanh thoát và quả quyết giờ vạc xuống từng nét khắc khổ. Và đôi mắt... Mất đâu rồi cái tia nhìn ăm ắp ngưỡng mộ hồi nào đã làm tôi sững sờ?
Hồi ấy Hồ Diểu đã là họa sỹ, một họa sỹ trưởng thành từ phong trào công nhân. Cái lúc Hồ Diểu còn giữ nguyên chữ 'văn' ở giữa tên và họ thì tôi còn rất nhỏ và hầu như không thèm quan tâm gì tới thế giới rắc rối của người lớn. Nhưng khi tôi đã lớn, cái tên Hồ Diểu và cái danh họa sỹ Hồ Diểu đã là một cái gì rất bất thường đối với tôi và nói chung là đối với bọn con gái mới lớn như tôi.
Đúng là thế. Chúng tôi sống ở khu tập thể, nhìn quanh bố mẹ ấy bố mẹ tớ anh mày chị tao toàn là công nhân, và tương lai cả đám cũng là cố sao hết cấp ba rồi theo chân bố mẹ anh chị bước qua cổng nhà máy. Gia cảnh giống nhau nên nếp sinh hoạt của các nhà cũng giống nhau. Bảnh mắt là nhà nào cũng nhốn nháo. Xô tôn chậu nhôm va choeng choeng ở máy nước công cộng. 'Mấy con bà cô này tí tởn cả ngày làm gì mà mở mắt đã ra trấn máy nước?' - Một bà vừa cười vừa hét. 'ờ đúng rồi! Giờ này phải nhường cho người ta. Ai cũng đi làm sớm. Con cái cơm nước quắn cả đít.' - Bà khác. Một ông rõ ràng là độc thân chẳng đôi hồi thò tay bê phắt cái chậu đựng đầy quần áo đang giặt dở đặt ra xa, đẩy luôn cái xô to vật của mình vào dưới vòi nước. Mấy con bà cô chúng tôi tức tối đứng nhìn, tức tối nghĩ tới cái lúc mẹ rền rĩ: 'Con gái con đứa! Chúng mày làm gì mà quần áo chất đống đấy cả ngày? Sao không giặt từ chiều hả giời?' Làm gì? Thưa mẹ chúng con học ạ. Thưa mẹ chúng con đi xếp hàng ạ. Hôm nay mua gạo ngày mai mua dầu ngày kia nước mắm mới về. Thưa mẹ chiều nào cũng mất nước ạ. Xếp hàng chồn chân mới vo gạo rửa rau tắm táp được và mới xách được hai xô nước lên nhà đấy ạ. Một câu nói ngoan ngoãn như thế vậy mà chẳng đứa nào dám nói. Biết nói là mẹ sẽ lồng lên a mày cãi giả, tao khổ sở nuôi mày ăn học để hôm nay mày câu trước câu sau với tao thế đấy phải không? Bố khéo lại nổi khùng cho cái bạt tai trước lúc xách xe đi làm. Cái lẽ phải của người lớn... Rút cục là mẹ cứ việc cấm cảu than vãn con cứ làu bàu biện bạch...
Thế cho nên đám con gái dĩ nhiên phải nhấm nháy nhau trước Hồ Diểu. Tóc quăn dợn sóng hơi dài. Quần loe chắc phải may trong Sài Gòn. áo chim cò bó sát đôi vai nở. Sambô to như một cái thuyền bóng loáng dưới chân. Bao giờ cũng thư thả và điềm đạm. Và ria mép. Và kính râm. Và xe cuốc Liên xô. Bố tôi khen: 'Cậu này thế mà khá! Hồi mới vào nhà máy trông cũng xơ xác lắm. Cứ tưởng không theo hết được ngần ấy năm Mỹ thuật!' Chú Bình tầng trên sát phòng Hồ Diểu thì rủa: 'Cái thằng óng ả như đàn bà. Quý báu gì cái đồ mái hóa ấy. Người ta năm giờ sáng đã phải mắt nhắm mắt mở bò dậy cơm nước đi làm, thằng cha lại thức suốt đêm nghe nhạc. Toàn ẽo ợt nhìn lại... nhìn lại cái gì nữa nhỉ... cái gì đời lên rêu... Làm cho thiên hạ không ai ngủ được. Thế nào cũng có thằng cáu lên đi báo ban quản trị khu tập thể hay công an phường!' Giọng chú Bình cay cú. Cô Thùy vợ chú nhìn chồng đầy vẻ khích bác: 'Ông ngáy còn to hơn cả Zin ba cầu còn than oán nỗi gì? Mà chị này, thằng cha moi đâu ra những bài hát hay quá thể. Dưới này chị có nghe không? Em nhiều đêm nghe hóng. Chỉ muốn khóc. Sáng ra mắt cay xè. Có lần suýt thò cả ngón tay vào cho máy cán.'
Tôi đã đặt cho tôi một cái ngưỡng để vượt qua: Không vào làm ở nhà máy của bố mẹ. Phải vào được đại học. Đại học gì chưa biết. Nhưng phải vào. Chẳng phải là có khát vọng sống để đời gì. Cũng chẳng phải là có nghị lực như các thầy cô hay phê vào học bạ mỗi kỳ bế giảng. Đơn giản vì tôi là người ốm chuyên nghiệp và tôi biết rằng chẳng dễ gì mà làm thợ. Cả nhà máy biết con ông Hộ Khoèo hen rụt đầu rụt cổ. Thở còn không nổi thì biết vào đó làm gì?
Thế nghĩa là phải học. Nhưng cái đầu tôi thật bất trị. Lẽ ra phải dọn chỗ cho công thức hình đại lượng hay một cái gì tương tự thì trong đó toàn âm vang những giai điệu mà chú Bình kêu là ẽo ợt. Rất nhiều đêm không nằm được vì khó thở, tôi đã ngồi nhìn sao và nghe. Từ trên cao rớt xuống giọng ràn rạn không ai bắt chước nổi của Khánh Ly... '... Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...dài tay em vẫy thương mắt xanh xao...nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ...' '...Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ...ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa...' Ngực đau âm âm. Hai tai ù ù. Cổ như cứng lại vì khí quản không co giãn nổi. Mồ hôi vã đầm đìa ngay giữa đêm đông. Khánh Ly than van... '...Cho trăm năm vào chết một ngày...'
Có một đêm như thế. Thành phố mất điện. Trời đầm đìa trăng. Vào khuya, ánh trăng càng huyền hoặc, làm những vì sao mờ đi. Không khí quánh đặc mùi hoa sữa. Mùi hoa tuyệt diệu báo hiệu một mùa khủng khiếp với người bị hen như tôi. Cả nhà đã ngủ. Cả khu tập thể đã ngủ. Ngoài kia, phố chắc cũng đã ngủ. Ngủ rồi. Những đứa bạn vẫn thường mắt tròn mắt dẹt về những chuyện khá là thô bỉ của các bà các chị lớn tuổi bên máy nước công cộng. Những đứa trẻ con rắn mặt vẫn hay mắt trước mắt sau tháo trộm van xe đạp các nhà dựng trước cửa ban ngày. Những người lớn bần tiện, chăm chỉ, tội nghiệp. Chỉ còn tôi, thức, với cơn hen riêng mình. Và Trịnh Công Sơn... Nhìn những mùa thu đi em nghe sầu lên trong nắng... nghe tên mình vào thu vắng nghe tháng ngày... Đã mấy lần thu sang...Gió heo may đã về... Chiều tím loang vỉa hè... Rồi mùa thu bay đi... Trong nắng vàng chiều nay... ừ! Chiều nay nắng vàng, hanh hao, làm đỏ má những cô gái đang đi qua mùa thu. Nên đêm nay trăng xanh. Bóng những con gì đen thù lù di động chậm chạp dưới sân. Mèo? ở đâu ra lắm mèo? Chuột cống! Trời ơi đúng rồi chuột cống! Những con chuột cống ngang nhiên gặm ánh trăng. Giọng Khánh Ly đau đớn đến lãnh đạm và vô cảm vẫn rớt xuống... rớt xuống... '... nhìn lại mình đời đã xanh rêu...' Cái đẹp chao đảo giữa những thanh âm, giữa không gian rời rợi trăng và không thể nắm bắt. Những con chuột lì lợm hưởng trăng như người. Cảnh đó kì dị đến nỗi tôi không thể nào nhắm được mắt lại, nhìn, như bị thôi miên. Giống như cái ta tưởng là ảo ảnh và làm ta khiếp sợ khi hiểu rằng không phải là một giấc mơ dữ. Là thực.
Năm ấy tôi mười sáu tuổi. Đang chờ kết quả thi đại học. Đang bồn chồn, khao khát, thấp thỏm. Tôi đã nghe Trịnh Công Sơn như thế, đã nghe trong nỗi tuyệt vọng không thể nào hiểu nổi. Và khóc. Tiếng khóc ậm ực không thoát ra nổi lồng ngực con gái không lớn được của tôi. Cả nhà hốt hoảng. 'Ephedrin không ăn thua gì nữa rồi. Hay là con uống viên Prednisolon này. Chịu khó đi con. ốm thì phải uống thuốc chứ.' Mẹ gắt, rồi mếu: 'Thôi! Phải cho con đi cấp cứu ngay thôi!' Bố cuống cuồng mặc áo: 'Gắng thêm một tý thôi con. Ba giờ sáng rồi. Vào viện họ tiêm cho một mũi là đỡ, là ngủ được!' Tôi không còn sức để trả lời, chỉ cố ngoẹo đầu lau mặt vào vai áo. Nước mắt ở đâu ra lắm thế không biết. Trong đầu âm u giọng hát Khánh Ly, âm u hình ảnh bầy chuột cống ngang nhiên bò trong trăng, âm u hơi thở của chính mình. Và ý nghĩ: Chết mất thôi. Chết mất thôi. Thôi cũng được. 'Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi...'
Thiếu cái cassette của Hồ Diểu, thiếu Trịnh Công Sơn, thiếu Khánh Ly, tôi không biết tôi sẽ qua những đêm dài tuổi lớn ấy như thế nào. Đêm từng đêm qua đời, tôi không biết Hồ Diểu làm gì. Chỉ nghe. Hay còn vẽ. Trên báo Lao động tranh Hồ Diểu xuất hiện khá thường. Toàn tranh đả kích. Không gây ấn tượng gì với tôi. Nhưng làm tôi ngỡ ngàng. Có thể có những xúc cảm ấy chăng khi xung quanh giăng mắc Trịnh Công Sơn. 'Màu nắng hay là màu mắt em. Mùa thu mưa bay cho tay mềm. Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm... Em qua công viên bước chân âm thầm. Ngoài kia nắng thủy tinh vàng...' Đêm đêm, từ cửa sổ phòng Hồ Diểu, những thanh âm ấy rớt vào tôi, trĩu nặng, hoang vắng, xa xót...
Bọn con gái trong khu tập thể cũng mê Trịnh Công Sơn của hiếm sau ngày thống nhất. Những đứa táo tợn nhất đã gõ cửa phòng Hồ Diểu buổi trưa khu tập thể vắng người, và khi cửa mở thì hùng dũng dẫn một bọn lốc nhốc vào đứa xin chú đứa xưng xưng gọi anh mở Trịnh Công Sơn. Không bao giờ có tôi trong đó. Không bao giờ tôi có một quyển sổ chép bài hát và thơ như lũ con gái cùng tuổi. Nhưng không hiểu sao tôi cứ nghĩ là tôi gần Hồ Diểu hơn tất cả bọn chúng nó gộp lại.
Nhưng không hiểu sao tôi không bao giờ chào Hồ Diểu. Gặp nhau ở máy nước công cộng, chúng tôi tự động bỏ xô chậu của mình ra, người kia cũng tự động đặt xô chậu của mình vào, hứng đầy thì nhấc ra, 'cảm ơn', lơ lửng. Còn nếu giáp mặt ở cầu thang hẹp, chúng tôi lặng lẽ đi qua nhau, tránh hết sức để khỏi đụng phải nhau.
Một chiều cuối hè chúng tôi đã gặp nhau như thế. Khu tập thể giờ ấy vắng ngắt. Người lớn đi làm chưa về. Trẻ con đứa đi học đứa lôi nhau lông rông ngoài phố. Bọn con gái vừa tốt nghiệp phổ thông chưa kiếm được việc làm tụ bạ đâu đó đan móc và chuyện gẫu. Tôi đạp xe từ nhà bạn về. Nắng hoa mắt. Hồ Diểu đi xuống đúng lúc tôi nghiêng người tính bê xe lên gác. Hồ Diểu đứng sững, cái xe 'cuốc' nguềnh ngoàng còn nguyên trên tay. 'Đẹp quá!' Mắt Hồ Diểu ăm ắp một vẻ ngưỡng mộ sững sờ. Như nói với riêng mình. Chân tôi run bắn.
Tôi không bao giờ nghĩ rằng câu nói ấy có thể làm thay đổi cuộc đời em. Căn phòng nhỏ của tôi ở ngay trên phòng nhà em. Em không thể biết rằng nhiều đêm tôi nghe tiếng em rên rỉ trong giấc ngủ nhọc nhằn, tôi đã mường tượng được cả dáng em ngồi rướn lên mệt lả giữa những trận ốm dài như mùa đông - những mùa đông của tôi, thằng đàn ông khổ sở không phải vì độc thân mà vì đã có gia đình. Em không thể biết rằng tôi đã thức, đã nhìn bóng em hắt xuống sân và bò dài trên mái dãy nhà một tầng đối diện, đã mở Trịnh Công Sơn thâu đêm để cùng em nghe. Tôi muốn thức theo em. Em không biết. Em cũng không biết rằng không có một cậu con trai nào có thể thiết tha đến nhường ấy khi họ còn quá trẻ, hoặc giả chưa biết hoài nghi mình là thế nào.
Tôi đã vẽ một bức tranh. Vẽ rất nhanh. Sau đó ngồi thở rốc. Như một người vừa gò lưng đạp xe lên được đỉnh dốc và lại thấy ngay trước mắt mình một cái dốc khác dựng ngược. Bức tranh ấy không bao giờ em thấy. Trăng sa tanh. Trăng âm thanh. óng ánh. Dào dạt. Những con chuột cống to như những con mèo bò trong trăng. Tôi đã rất mạnh tay đắp những mảng màu đen xám khi vẽ chúng. Rồi run. Có cảm giác chúng phình to ra, không bao giờ ra khỏi bóng trăng. Nỗi đọa đày của con người trong một đời sống tủn mủn, thảm hại, cũng đầy những đọa đày. Mấy cô bé đến phòng tôi tò mò: 'Chú vẽ cái gì thế này?' 'Chuột đấy! Chuột cống đàng hoàng!' Các cô bé rú lên: 'Eo kinh quá! Sao chú lại vẽ đồ của nợ ấy. Sao chú không vẽ như trên báo ấy?' Thủ trưởng của tôi cũng bảo tôi thế: 'Cậu đi lên từ phong trào công nhân. Cậu cần lặn ngụp trở lại trong môi trường ấy.' Ông thật tốt bụng và giản dị. Nhưng ông là cán bộ. Ông không khổ cái khổ của những thằng đã trót lụy chữ nghĩa, mảng màu, hình khối, giai điệu, tiết tấu như chúng tôi. Có lần tôi trèo lên xe buýt. Xe vắng người. Một đám trai gái có vẻ sinh viên đứng ở đầu xe. Xe đi qua những ngã ba có chăng khẩu hiệu và có dựng những tấm pa-no. Toàn tranh cổ động. Chẳng nhớ vào dịp gì. Mấy cô cậu sinh viên chỉ trỏ: 'Nhìn kìa! Nhìn công nông binh kìa!' Một cô cười khanh khách: 'Tinh thần tiến lên cao thế.' Cô đứng ngay trước mặt tôi lườm bạn: 'Dại mồm dại miệng có ngày mày chết. à hôm trước mày nghỉ giờ thầy Khái nhỉ? Hay lắm. Mà vui lắm. Chỉ có mấy ông lính về học là không thấy cười!' Tôi nghe và không dám nhìn. Trong đầu hình dung rành rọt bố cục hình khối của bức tranh: Người lính cầm ngang khẩu súng giơ cao. Người công nhân cầm búa cũng giơ cao. Một chị nông dân cơ bắp cuồn cuộn nhưng mặt bầu bĩnh bất thường một tay nâng bó lúa ngang đầu. Tất cả trong tư thế lao về phía trước. Và phía trước: Hình Bác hiển hiện. Phấp phới cờ. Đấy không phải là tranh của tôi. Nhưng không phải là tôi chưa từng vẽ một cái gì như thế. Bất giác tôi nóng mặt. Bất giác nhớ ông thủ trưởng giản dị và tốt bụng. Ông sẽ phản ứng như thế nào khi vô tình nghe được những câu trên. Chắc chắn ông không xấu hổ. Ông không phải chịu trách nhiệm về những điều ấy. Nhưng biết đâu ông cũng hoang mang...
Tôi cứ thèm một lần em thấy tranh tôi. Em sẽ không hỏi rằng tôi vẽ gì phải không em? Đồng cảm không phải là cảm nghĩ giống nhau mà là cảm giác người kia hiểu mình. Khi đó người ta sẽ không giấu mình trước nhau nữa. Tại sao chúng ta lại không thể bộc bạch cùng nhau như thế?
Buổi trưa, các cô bé thường gõ cửa phòng tôi đòi nghe nhạc. Nói thật là tôi ngại. Ai bảo nhà tôi là tụ điểm nghe nhạc vàng là rách việc.Tôi lại là đàn ông, đàn ông có vợ, đàn ông xa vợ.
Nhưng mà tôi chưa bao giờ từ chối các cô bé. Có cô gọi tôi là anh. Có cô gọi tôi là chú nhưng mắt đầy vẻ đe dọa bỡn cợt: 'Đừng hòng!' Họ không biết rằng tôi coi họ như mấy đứa cháu con ông anh cả thật. Họ quá vô tư để có thể lôi tôi ra xa trách nhiệm chủ một gia đình. Tôi không yêu vợ tôi. Nhưng tôi không thể không thương con tôi.
Tôi đã thấy vẻ bàng hoàng của em lúc tôi đưa vợ con ra máy nước công cộng giặt giũ. Các bạn em cười rúc lên gọi vợ tôi là cô xưng cháu và xin quà quê. Em khi ấy mười chín nhỉ? Em khi ấy hết năm thứ hai rồi nhỉ? Em mặc cái áo hoa có miếng vá rất nền ở vai. Tự dưng tôi ngại ngùng nhìn vẻ xanh đỏ thái quá của vợ tôi. Phụ nữ thị xã thường ưa màu cơ bản và may vá vụng, và mau mồm miệng...
Hình như em đã nhường vợ tôi lấy nước trước. Em đứng xuôi tay trong bóng râm cách máy nước một quãng xa. Viền môi trên lấm tấm mồ hôi. Mái tóc rất dày cặp ngược đầy vẻ trễ nải. Hình như chúng ta nhìn nhau. Tôi không dám đoán mắt em ẩn những ý nghĩ gì. Tôi nhớ lúc ấy tôi thấy chua xót. Tôi biết em từ khi em còn bé. Tôi gọi bố mẹ em là anh chị. Tôi mãi mãi là người đi bên đời em...
...Dù rằng tôi để ý đến em nhiều đến thế. Đêm. Ngày. Tôi biết em ốm yếu. Tôi biết em nhiều bạn. Tôi biết em chưa yêu. Có lần tôi làm như tiện miệng hỏi bạn em. Cô bé beo béo và cười to ấy. Cô bé cười tinh quái: 'Ve sầu ngủ đông lớp cháu hồi cấp hai cấp ba đấy chú. Bọn con trai ngốc lắm. Cứ sấn vào yêu nó rồi rên rỉ với nhau đã yêu em từ chân tới cổ còn cái đầu yêu cố không xong.' - 'Có mà yêu được nó khối' - Cô bé người nhẳng nhẳng như con cò ma góp lời - 'Nó kiêu bỏ xừ!' - 'Cũng tại nó học được đi!' - 'Thì cứ cho là thế đi! Nhưng việc gì... Chú không biết thì thôi! Nhà nó hai chị em, sinh viên, cứ thứ bảy là bọn con trai xếp hàng vào cửa. Cứ thứ bảy là nó mang áo vá ra diện. Không thằng nào biết vì sao đâu. Có mấy thằng học ở tây về nghỉ hè đến vây vo. Nó chối phắt. Ôi diêu cả người!'
Những mẩu chuyện chắp nhặt đầy hào hứng chen giữa Trịnh Công Sơn ai cũng đòi bật mà chẳng ai buồn nghe. Tôi đã biết về em nhiều hơn em tưởng. Tôi đã buột miệng 'đẹp quá' rất không đúng lúc. Cũng không hợp chỗ. ở cái chiếu nghỉ cầu thang tối tăm ấy...
... Em đi đâu về. Nắng. Em không mang nón. Tôi biết rằng em hay đi đầu trần dưới nắng. Má em hồng rất dịu. Sắc hồng bao giờ tôi cũng yêu và bao giờ cũng trở thành thừa thãi ở những cô gái quá mạnh khỏe. Lông mày em dài thật dài. Mắt em đen thật đen. Mồ hôi lóng lánh ở viền môi trên. Ngực áo em căng ra bởi cái xe đạp kè bên hông. Tôi giật mình bởi vẻ mặt em vốn chẳng bao giờ vồn vã chợt lạnh hẳn đi khi tôi buột miệng khen em đẹp. Không! Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ không phải! Lúc đó tôi không nói như một thằng đàn ông nói. Lúc đó tôi nói như một họa sỹ phải nói.
Chân tôi đã run bắn khi nghe tiếng Hồ Diểu. 'Đẹp quá!' Chưa bao giờ tôi nghĩ như thế về mình. Nhà tôi thường rất đông con trai tới chơi, nhất là khi cả tôi cũng vào đại học. Nhưng tôi nghĩ thế là vì chị tôi đẹp, và bố mẹ tôi rất 'chịu chơi' với bạn của con.
Tôi cam chịu chung sống hòa bình với bệnh tật, cam chịu những thiếu hụt trong đời mình. Cái việc đeo một cái kính thật to không mài bớt mắt che gần hết nửa khuôn mặt gầy, vòng không nhẫn không dây chuyền không, hay không tỉa lông mày mảnh như sợi chỉ như chúng bạn, hay thêu vào ống quần hai chữ MALEM cũng là một cách tôi bày tỏ sự cam chịu. Bảo là thách thức cũng được. Chẳng với ai. Đằng nào cũng chẳng khác được. Vậy tại sao lại phải ra vẻ tội nghiệp.
Nhưng cũng không hẳn là thế. Bậc các anh bạn chị tôi thì tôi không định với vào. Chỉ nhăm nhe anh nào hiền hiền xui chị chọn vào chung kết. Còn bọn bạn học thì không hiểu sao tôi toàn thấy dễ hiểu quá. Vui cũng dễ hiểu. Buồn cũng dễ hiểu. Và còn thật điên rồ khi ấp úng bảo rằng muốn ở bên tôi để giúp đỡ tôi trên đường đời. Làm như trước khi gặp nhau thì tôi không sống. Không bao giờ tôi có thể kể cho bạn bè cả trai lẫn gái của mình rằng mưa phùn và nắng hanh, gió bấc và hoa sữa, mùa lá cây cơm nguội xanh và hoa xoan tím làm tôi ốm khổ ốm sở nhưng tôi yêu. Không bao giờ tôi có thể nói về nỗi tuyệt vọng khi nghe Trịnh Công Sơn giữa một đêm trăng lù lù toàn chuột cống. Tôi không thể kể cho ai. Tôi không thể yêu ai.
Nhưng tôi vẫn mong có một ai đó nói rằng tôi đáng yêu, rằng muốn có tôi trong đời. Chỉ đơn giản là vậy. Có thể không là duy nhất. Có thể không là đầu tiên. Tôi không chờ nhiều đến thế. Chẳng thấy một anh chàng nào biết nói. Họ ngồi ám ở nhà tôi cả chiều cả tối, mặt mũi lúc thì hớn hở lúc thì sưng sỉa, và trách móc tôi không chịu hiểu ai. Có yêu thì nói rằng yêu - Không yêu thì nói một điều cho xong! Phải! Tôi chỉ mong họ dàn hàng ngang ngỏ lời để tôi lần lượt cảm ơn từ chối cho xong quách.
Hồ Diểu bảo 'đẹp quá'. Tôi tưởng tim mình ngừng đập. Máu dồn lên mặt rút ào xuống chân. Rồi đâm phẫn nộ. Rồi ghê ghê. Cái ý nghĩ một người đàn ông đã vợ con không thể nói một điều gì không hàm thêm ý quấy rầy tôi suốt tuổi con gái. Tôi bứt dứt suốt tuổi con gái bởi lời tán thán ấy. Người ta bảo tôi thông minh. Tôi đẹp vì tôi thông minh hay tôi đẹp vì tôi đẹp? ánh mắt ngưỡng mộ của Hồ Diểu hướng về đâu trong tôi - Đứa con gái ốm yếu và liều mạng, nhút nhát và cố chấp? Lần nào nghe một lời tỏ tình tôi cũng nhớ tới Hồ Diểu. 'Đẹp quá!' Giọng nói. ánh mắt. Người đàn ông đã vợ con ấy. Chàng họa sỹ mê Trịnh Công Sơn ấy. Ông hàng xóm lăng nhăng lít nhít ấy. Phải, tôi biết Hồ Diểu và vợ chú Bình, và cô Thảnh mẫu giáo, và Hảo béo, và Ngà xì ke... Và mỗi lần như thế là một lần tôi làm chính tôi khổ sở, làm người con trai yêu tôi giận dữ. Không ai biết rằng tôi đã có lần hốt hoảng hiểu ra rằng nếu Hồ Diểu ngỏ lời thì tôi sẽ nhận lời. Không! Tốt hơn hết là nếu có một người đàn ông như Hồ Diểu.
Người đàn ông ấy ở đây. Chiều Berlin cuối hè vẫn ấm. Nắng trong vắt. Người đi lại nườm nượp. Nhà thờ cụt đầu sừng sững một mé quảng trường. Kỳ quan thời hiện đại. Tôi tin chắc rằng người ta đến đây chỉ cốt chụp nó nguyên hình vẹn trạng như thế: một cái nhà thờ Gotik bị bom tiện mất tháp. Tôi tin chắc người ta tìm đến đây không phải để hoài công hình dung lại hồn sương nắng trên những bức tường đá thâm trầm, hình dung lại cái đầu cụt của nhà thờ, hay nghĩ tới một điều gì bí ẩn óng ánh đằng sau những mảng kính màu nứt rạn. Chắc không ai để thì giờ tưởng tượng từng có một ngọn tháp kiêu hãnh chọc vào trời xanh, cũng như một tiếng chuông ngân, và những oan hồn có lẽ vẫn đang đêm ngày tìm về nơi đây chờ cứu rỗi.
Người đàn ông ấy ở đây. Chúng tôi đã để qua đi cái phút có thể chào nhau như đồng hương nước Việt, như người cùng phố, để có thể 'ồ, à, vâng, ngày ấy.' Tự dưng lòng tôi cuồn cuộn dâng một cơn điên giận. Ông ta lấy quyền gì mà nói thế? Ông ta lấy quyền gì mà ám suốt mười mấy năm đời tôi? Và tại sao ông ta lại để mình thảm hại thế? Gầy rộc. Già rốc. Nhớn nha nhớn nhác.
Có bóng cảnh sát hiện ra ở góc phố. Thoắt một cái, hàng người ngồi vẽ thuê rời rạc hẳn. Các họa sỹ đứng phắt dậy quơ đồ đạc tản đi mất. Chỉ còn lại những khách hàng đang trang nghiêm ngồi làm mẫu một cách ngượng nghịu và một đôi họa sỹ. Khách hàng bị bỏ rơi ngơ ngơ ngác ngác.
Cậu bạn tôi, cũng là một họa sỹ trong đám đó kéo luôn cái ghế thừa ông bạn đồng nghiệp không kịp quơ theo.
- Ngồi đây bà. Đỡ mỏi. Giữ hộ ông anh luôn. Polizei thu mất cũng toi một buổi chiều vẽ không công đấy.
- Ông lúc nãy...?
- Đại ca của bọn mình đấy. Từ hồi ở Yết Kiêu. Không phải vì loại tranh đả kích chuyện phí phạm tám giờ vàng ngọc hay vi phạm quy định giao thông đâu. Loại ấy chỉ là để kiếm tiền nộp vợ. Tranh bụi cơ. Vô tư quá không thể vẽ như thế. Sang đây loay hoay thế nào lại gặp ông anh. Ông ấy cũng ở lại như mình. Số ruồi chê. Về Berlin vẽ lậu nên cứ phải mắt trước mắt sau chân trước chân sau thế. Mà này, bà sang một mình à? Thằng cu Tây của bà đâu?
Tôi không muốn trả lời câu hỏi đó. Tôi đã có chồng. Chồng tôi người Đức. Kém tôi năm tuổi. Lấy tôi, chồng tôi mê ngay món ăn Việt Nam, cả nước mắm lẫn tỏi sống, chê lập tức món khoai tây nghiền nhão nhoét dân Đức chuộng. Nhưng không mê người Việt Nam, và nếu tránh được là tránh những lần tụ bạ trong giới đồng hương của vợ. Cả tôi cũng không thích đi cùng chồng tôi tới nơi đó. Tôi có cảm giác mọi người nhìn quan hệ vợ chồng tôi như nhìn một quan hệ theo hợp đồng. Tôi có cảm giác mọi người nhìn chồng tôi cầm đũa và cơm, thú vị lạ lẫm khi anh ăn nước mắm như nhìn một con khỉ ăn chuối. Tôi cũng không thích chồng tôi nhìn đồng hương của tôi như nhìn một bầy kiến lăng xăng, lo kiếm tiền như lên cơn đồng và có dịp là tụ bạ để ăn uống, nói xấu nhau và nói phét.
Buổi tối tôi theo cậu bạn về nhà. Ngày xưa cậu ta đeo đuổi tôi lâu thế mà giờ chẳng còn lấy một giọt đam mê nào trong mắt. Cậu ta sống với một cô bé đi xuất khẩu lao động trước, rất trẻ, rất khoẻ, hùng hục chạy 'sô' từ chỗ putzen () này sang chỗ putzen khác, và buổi tối thì lái đĩa bay trong quán Tàu (). Tôi nhìn theo ánh mắt cậu bạn hướng về cô vợ. Cũng chẳng có lấy một chút đam mê.
Trong toalette tối tăm và sâu hun hút rất thường thấy ở những chung cư thời Đông Đức cũ tôi thấy một đống tranh úp sấp vào tường. Hỏi, cậu bạn cười:
- Bà muốn xem à? Chờ tôi lau bớt bụi đã. Của ông anh hồi chiều bỏ của chạy lấy người đấy. Ông ấy dạt hết vòm này sang vòm khác, của quý thì gửi đây. Vợ mình kêu nhà chật tống vào đó.
Tự dưng cậu bạn nói như đầy lưỡi:
- Được đồng nào là ông ấy trích ra gửi cho con. Còn thì mua toan với màu với rượu. Có cô bồ mê ông ấy lắm. Nhưng bám vào nhau mấy năm thì cô ấy chạy. Cũng lấy Tây ở lại như bà ấy. Phải tôi tôi cũng chạy.
Tôi lật từng tấm tranh ra ánh sáng. Và tôi ngồi rất lâu. Trong ánh chiều đuối, một bàn tay ngón rất dài, khô khỏng như một nhánh xương rồng xòe ngửa trên mặt bàn, cô độc, bồn chồn, bất định. Cạnh đó là cái gạt tàn lạnh ngắt, rất nhiều đầu mẩu, nhưng không còn lấy một chút khói. Có cảm giác như bóng tối đang lấn dần. Có cảm giác như bàn tay trong tranh duỗi dài thêm ra, xòe rộng thêm ra, úp lấy khuôn mặt tôi, bóp chặt. Âm vang nào dâng lên. '... Chẳng biết nơi đâu là chốn đi về...' Ngạt thở.
Ngoài kia, Berlin không có bóng tối.
Chú thích:
Putzen: lau chùi, quét dọn
Lái đĩa bay: rửa bát
1997