Hồi 27
Khí hạo nhiên chí đại, chí cương,
So chính khí đã đầy trong trời đất

 Thấy Phương Dung sắp sửa mất mạng trong chốc lát, quảng trường cùng la hét lên:
– Ngừng tay!
– Tại sao lại hai người đánh một!
Nhưng Đức Tiết, Huyền Sương đời nào chịu ngừng tay. Nghiêm Sơn trước đây vốn có cảm tình với Phương Dung, nay thấy nàng sắp mất mạng, Công vội phát chưởng đánh vào Mai Huyền Sương, hy vọng cứu được nàng. Nam Hải nữ hiệp cũng phát chưởng đánh vào Hoàng Đức Tiết. Vì quyết giết cho được Phương Dung nên Đức Tiết với Huyền Sương vung chưởng trái chống lại, còn tay phải rút kiếm đâm nàng.
Bùng, bùng hai tiếng. Mai Huyền Sương cảm thấy người rúng động, khí huyết đảo lộn, bật lùi lại một bước, trong khi Đức Tiết cảm thấy như mình đánh vào một bao bông gòn, chưởng lực mất tăm, người lảo đảo lùi lại. Tuy nhiên, mũi kiếm của y với Huyền Sương vẫn hướng vào Phương Dung.
Quảng trường nhắm mắt lại không dám nhìn một thiếu nữ đẹp như hoa nở chết thảm. Bỗng có tiếng rú lên như những tiếng cú kêu inh tai nhức óc, rồi tám mũi tên từ phía phái Hoa-lư bay lại khán đài. Tên bằng thép, bay dưới ánh trăng phản chiếu, lóng lánh như ánh sáng của tám ngôi sao chổi. Bốn mũi hướng vào Mai Huyền Sương, bốn mũi hướng vào Hoàng Đức Tiết: Cùng một bộ vị, một mũi hướng đầu, hai mũi hướng hai vai, một mũi hướng vào mũi kiếm.
Vì vừa phải đối chưởng với Nghiêm Sơn và Nam Hải nữ hiệp, cả hai Đức Tiết và Huyền Sương còn đang choáng váng, nay bị một lúc bốn mũi tên, nên tránh không kịp. Chỉ nghe bịch, bịch, bịch ba tiếng, cả sáu mũi tên đều trúng đầu, vai của họ. Rồi keng một tiếng, hai mũi tên khác đã trúng kiếm của họ, kình lực mạnh không thể tưởng tượng được, đẩy văng hai thanh kiếm lên trời.
Tô Định thấy cảnh hỗn loạn, vội hô lớn:
– Ngừng tay!
Nghiêm Sơn và Nam Hải nữ hiệp cùng nói:
– Xin lỗi!
Rồi về chỗ ngồi.
Còn Đức Tiết với Huyền Sương nhảy lùi lại góc đài, mặt tái mét.
Khi hai người nhảy lên đài, họ mong kết liễu tính mạng Phương Dung vì thấy kiếm pháp của nàng quả là kiếm pháp trấn môn của Long-biên. Nếu không giết nàng, họ sẽ không còn chỗ đứng trong thiên hạ. Hơn nữa, Phương Dung sẽ đại diện cho phái Long-biên sang Trung-nguyên cầu phong, khi trở về, nàng đương nhiên là người có quyền thế trong phái. Bọn họ sẽ suốt đời là kẻ không môn hộ, mất chỗ đứng. Giữa lúc họ định kết liễu tánh mạng Phương Dung, họ không ngờ Lĩnh-nam công, người cùng với Thái-thú Tô Định phác họa kế hoạch cho họ, lại ra tay cứu nàng. Họ còn bị ba mũi tên bắn trúng người, một mũi bắn văng mất kiếm. Hai người thấy tuy trúng tên, nhưng ba mũi bắn trúng họ kình lực rất nhanh, chỉ chạm người họ rồi rơi xuống. Họ cúi nhìn, thấy đầu mũi tên đã bị bẻ đi. Còn các mũi tên bắn vào kiếm họ thì kình lực mạnh khủng khiếp, đã đánh bay kiếm của họ lên trời.
Huyền Sương nhìn Đức Tiết. Cả hai đều hú hồn. Họ như cùng hiểu ngầm, người bắn tên chỉ có ý cảnh cáo họ và cứu Phương Dung, chứ nếu người đó muốn ra tay giết họ, thì họ đã mất mạng rồi.
Phương Dung lảo đảo lượm kiếm đứng giữa đài. Tô Định nói lớn:
– Xin các vị ngừng tay. Việc của phái Long-biên, chúng ta không nên can thiệp vào.
Nam-hải nữ hiệp chỉ vào Mai Huyền Sương, nói:
– Mai nữ hiệp! Hai vị đã thua, nhảy xuống đài rồi, tại sao còn nhân lúc người ta bị thương, hai vị lại lên đài, hai người đánh một? Như vậy đâu phải anh hùng. Đâu phải cao nhân?
Đức Tiết sau khi đụng một chưởng với Nam-hải nữ hiệp mới thấy võ công của đệ nhất Thái-bảo Sài-sơn không phải tầm thường. Y nói:
– Nam-hải nữ hiệp đã là trọng tài, sao còn ra chiêu?
Trong khi Tô Định thấy Nghiêm Sơn ra tay, cũng nói:
– Quốc công! Người Việt giết nhau chúng ta không nên xen vào.
Nghiêm Sơn vì lòng nghĩa hiệp ra tay cứu Phương Dung đã làm ngược với kế hoạch của Tô Định, Lê Đạo Sinh và nhóm Nghĩa Nam. Chàng nghĩ mình là Lĩnh-nam công lại ra tay cứu đệ tử của môn phái phản Hán phục Việt thì còn ra thể thống gì nữa? Liếc nhìn Tô Định, bằng đôi mắt lạnh lùng, uy nghiêm của một ông vua, chàng nói chậm chạp:
– Dù Hán, dù Việt, dù người nước nào chăng nữa, cũng phải có luật pháp, có đạo lý. Khi đã thua, rơi xuống đài, lại còn ỷ đông, lên hai người giữa lúc người ta trúng thương. Hành vi như vậy là hèn hạ. Ta không muốn trong đất Lĩnh-Nam của ta có kẻ vô liêm sỉ, đê tiện như vậy, nên mới phải ra tay. Người Việt, người Hán, người Mèo, người Mường gì chăng nữa cũng là con dân Đại-hán.
Tô Định cúi đầu:
– Tiểu nhân kính cẩn nghe lời dạy của Quốc-công.
Nghiêm Sơn trở về chỗ ngồi. Qua hành động của Nghiêm Sơn, quần hào nhìn nhau, như cùng hội ý: Lĩnh-nam công dường như muốn che chở cho chủ trương phản Hán phục Việt. Trong đầu óc họ nảy ra không biết bao nhiêu nghi vấn. Bởi vì, từ mấy năm nay, không biết phát xuất ở đâu đã có dư luận nói rằng Nghiêm Sơn là người Việt chứ không phải người Hán. Những điều họ được biết chính thức: chàng sinh ở Trường-sa, thân phụ làm tướng cho Trường-sa vương.
Họ còn biết rõ, Nghiêm là nghĩa đệ của Hán Quang-Vũ. Hiện trong thiên hạ, Nghiêm chỉ ngồi dưới một mình Kiến-Vũ thiên tử. Các tướng lĩnh của triều đình Hán như: Sầm Bành, Đặng Vũ, Ngô Hán, Phùng Dị, Mã Viện đều do một tay Nghiêm đào tạo ra.
Mai Huyền Sương hướng vào phái Hoa-lư, nói:
– Vi!!!3843_3.htm!!! Đã xem 331877 lần.


Nguồn: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Được bạn: mọt sách đưa lên
vào ngày: 30 tháng 8 năm 2004