Hồi 16
Vụ Nghi Án Tại Chùa Thiếu Lâm

Kiều Phong đi vòng quanh theo những đường lối nhỏ hẹp mới được chừng nửa đường mà đi mất khá nhiều thì giờ. Khi tới gần chùa Thiếu Lâm thì trời tối mịt.
Trong lòng ông vừa mừng vừa lo. Mừng vì trời tối dễ bề ẩn nấp, lo vì hung thủ nhân lúc đêm tối đánh lén, mình khó nhận được tông tích.
Mấy năm nay, Kiều Phong ngang dọc giang hồ ít khi gặp tay kình địch. Nhưng chuyến này kẻ địch không những võ công cao cường mà còn mưu mô quỷ quyệt,mình lại chưa từng biết mặt. Chùa Thiếu Lâm này tuy là nơi ghê gớm chẳng khác chi đầm rồng, hang cọp, nhưng chưa ai nghĩ đến đề phòng tên hung phạm này lẻn vào gia hại Huyền Khổ đại sư.
Nếu có kẻ nào đánh lén thì đại sư rất dễ bị ám toán.
Kiều Phong tự biết rằng mọi người chùa này ai cũng nghi ngờ mình. Giả tỷ Huyền Khổ đại sư đã bị sát hại,lại không ai biết hung phạm, mà mình bị lộ diện giữa lúc đi thám thính trong chùa thì dù trăm miệng khôn phân lẽ nào.
Nếu lúc này Kiều Phong chỉ biết lo thân thì đã tránh xa ngoài chùa Thiếu Lâm.
Nhưng một là ông rất đỗi băn khoăn đến sự yên nguy của Huyền Khổ đại sư, hai là muốn nhân cơ hội này đi tróc nã hung phạm, báo thù cho gia nương, nên việc dấn thân vào nơi nguy hiểm không thành vấn đề.
Kiều Phong tuy ở núi Thiếu Thất hơn mười năm nhưng chưa lên tới chùa Thiếu Lâm bao giờ.
Phương hướng và vị trí các toà, viện ông không biết một tí gì, lại không hiểu Huyền Khổ đại sư ở chỗ nào, thế mới muôn vàn khó khăn. Ông chỉ mong được thấy mặt ân sư một cách bình yên vô sự để bẩm rõ những việc đã qua và xin người gia tâm đề phòng, hai nữa là hỏi người về lai lịch thân thế mình, chắc ân sư biết rõ hết.
Các toà, viện chùa Thiếu Lâm có đến mười mấy chỗ, bên Ðông mấy tòa, ngả Tây mấy viện, cao có, thấp có, ở rải rác trên sườn núi. Huyền Khổ đại sư đã không chấp chưởng một chức vụ gì quan trọng trong chùa, lại không phải là một vị cao tăng vào bậc tiền bối trong Ðạt Ma Ðường. Các nhà sư pháp hiệu có chữ "Huyền" ít ra cũng đến hai chục vị ăn mặc riêng nhau, rất khó bề phân biệt.
Kiều Phong tính toán trong bụng: "Bây giờ chỉ có cách bắt một nhà sư tiểu trong chùa và bức bách y phải đưa đến chỗ Huyền Khổ đại sư. Sau khi được gặp mặt sư phụ, mình sẽ giãi bày chỗ bất đắc dĩ để bồi tội. Song, các nhà sư chùa Thiếu Lâm đều trọng nghĩa khí. Nếu họ tưởng mình tìm đến Huyền Khổ đại sư là bất lợi cho người, thì thà chịu chết chứ không chịu khuất phục dẫn mình đến nơi thì lại lỡ bét.
Thôi! Ta đành xuống nhà bếp tìm một gã hoả công bắt y dẫn đường. Nhưng hạng người này vị tất đã biết chỗ ở của sư phụ mình?"
Ông đương băn khoăn chưa biết làm thế nào, mỗi khi qua một toà điện lại lắng tai nghe ngóng xem có tìm ra được manh mối gì không. Ông nhờ được chân tay mau lẹ nên tuy người cao lớn mà len lủi, nhô lên, phục xuống chẳng khác con mèo,khiến không một ai hay biết. Ông đi đến bên một toà nhà nhỏ, chợt nghe trong cửa sổ có tiếng người nói:
-Phương trượng có việc cần kíp phải thương nghị, mời sư thúc lên ngay chứng đạo viện.
Rồi một tiếng người già đáp lại:
-Ừ! Ta lên ngay bây giờ!
Kiều Phong nghĩ thầm: "Phương trượng bổn tự hội họp các nhà sư bàn việc quan trọng, sư phụ mình tất cũng đến đó. Chi bằng ta theo hút người này đến chứng đạo viện sẽ được thấy mặt người. Bỗng lại nghe tiếng kẹt cửa. Cánh cửa mở, hai nhà sư đi ra. Nhà sư già đi về hướng tây còn nhà sư trẻ rảo bước đi về hướng đông, chắc là đi loan báo chỗ khác."
Kiều Phong nghĩ bụng: "Nhà sư già này hẳn là đi lên chỗ phương trượng mời đến để hội họp. Vị này có vẻ vào hạng tiền bối. Chùa Thiếu Lâm không giống các chùa khác ở chỗ đã là các bậc tiền bối võ công tất nhiên rất thâm hậu". Nghĩ vậy,ông không dám theo sát mà đi cách quãng khá xa. Vị lão tăng đi mãi về phía Tây cho đến một toà nhà cuối cùng.
Kiều Phong chờ lão tăng vào cửa rồi mới quanh ra đứng ở phía sau toà nhà. Ông để ý trông bốn mặt không thấy ai mới phục xuống bên cửa sổ nghe ngóng và nghĩ thầm: "Từ khi Kiều Phong này bôn tẩu giang hồ, bao giờ cũng đường đường chính chính mà bữa nay bắt buộc phải lén lút, vạn nhất mà hành tung mình bị bại lộ thì tiếng tăm một đời mất hết, sau còn dám vác mặt đi đâu nữa?"
Sau, ông lại nghĩ: "Trước kia sư phụ vì truyền dạy võ nghệ cho ta đã không kể trời mưa to gió lớn chẳng đêm nào vắng mặt. Ơn đức người cao siêu như vậy, dù mình có tan xương nát thịt cũng chưa đủ báo đền trong muôn một. Cái nhục lén lút nhỏ mọn này có chi là đáng kể?"
Bỗng nghe ngoài cửa trước có tiếng chân người,bốn nhà sư theo nhau đi vào. Lát sau hai người nữa đến.
Kiều Phong nhìn bóng in vào cửa sổ có đến hơn mười người, ông đắn đo: "Nếu các vị đây bàn việc cơ mật về chùa Thiếu Lâm mà ta lén nghe thế này thì dù là không cố ý cũng không thể được. Chi bằng ta lùi ra xa không nghe trộm việc riêng của người mới phải. Sư phụ ta có tới toà viện này thì nơi đây thiếu gì tay cao thủ,hung phạm dù lợi hại đến đâu cũng quyết không làm gì nổi. Ta chờ cho đến lúc hội nghị giải tán sẽ tìm cách gặp riêng sư phụ để trình việc."
Kiều Phong đang cất bước đi ra xa, bỗng nghe trong viện hơn mười nhà sư lên tiếng niệm kinh. Ông không hiểu gì về kinh phật, chỉ thấy tiếng niệm trang nghiêm lại lẫn giọng đau khổ. Cuộc niệm kinh khá lâu, ông dần dần hiểu ra có việc gì
không ổn và tự hỏi: "Hình như các vị này có việc về đạo pháp hoặc tham thiền nghiền kinh chi đây. Sư phụ mình vị tất đã đến đây."
Ông lắng tai nghe kỹ, quả nhiên chư tăng niệm kinh không thấy có tiếng khàn khàn của sư phụ mình. Trong lúc chưa nhất quyết nên chờ lại lúc nữa hay nên đi chỗ khác thì tiếng niệm kinh vừa dứt. Một giọng oai nghiêm cất tiếng hỏi:
-Huyền Khổ sư đệ! Sư đệ còn có điều gì muốn nói nữa không?
Kiều Phong nghe đến bốn chữ "Huyền Khổ sư đệ" thì cả mừng, lẩm bẩm: "Sư phụ ta có ở đây rồi! Người vẫn bình yên vô sự". Bỗng thấy âm thanh hùng hậu đáp lại. Kiều Phong nghe rõ ràng chính là tiếng Huyền Khổ đại sư nói:
-Ngày tiểu đệ thụ giới, tiên sư cho pháp hiệu là Huyền Khổ. Nghĩ đến tám điều khổ hạnh trong nhà phật là "Sinh, Lão, Bệnh, Tử, Oán tăng hội, Ai biệt ly, Cầu bất đắc, Ngũ âm xí thịnh", tiểu đệ cố gắng thoát ra tám điều khổ đó mà chỉ độ được cho mình chứ không độ được cho người, nói ra càng thêm xấu hổ. Về điều Oán tăng hội, là một định luật trong đời người, tiểu đệ đang hết sức tìm cách giải thoát,xin sư huynh cùng các vị sư đệ, sư điệt ráng giúp cho.
Kiều Phong thấy tiếng nói rất bình tĩnh, chân khí sung mãn, rõ ra hơn mười năm nay nội lực sư phụ mình đã tiến rất nhiều, nên ông lại càng hoan hỉ hơn nữa. Có điều những lời nhà sư nói đó đều là ngôn ngữ của nhà phật nên ông không hiểu ý nghĩa ra sao. Lại nghe giọng nói oai nghiêm hỏi:
-Mấy tháng trước đây Huyền Bì sư đệ bị chết vào tay gian nhân. Chúng ta hết sức truy tầm hung thủ, tựa hồ như phạm vào hai giới, là giới sản và giới nộ. Song,hàng phục ma quỷ, tru diệt gian ác cũng là việc cứu đời. Chúng ta học võ cốt để mở rộng phật pháp, lan tràn đạo đức.
Kiều Phong nghĩ bụng: "Người có giọng nói oai nghiêm này chắc là Huyền Từ đại sư, phương trượng chùa Thiếu Lâm". Bỗng thấy giọng đó nói tiếp:
-...Trừ một tên gian ác quỷ đó là cứu được vô số người đời. Sư đệ! Gã đó phải chăng là Cô Tô Mộ Dung?
Kiều Phong nghĩ thầm: "Việc này dính líu đến Cô Tô Mộ Dung. Hiện nay trên chốn giang hồ đương có tin đồn đại rằng Huyền Bì đại sư chùa Thiếu Lâm nhất định bị người ám toán. Chắc người ta ngờ cho Mộ Dung công tử hạ độc thủ".
Lại thấy Huyền Khổ đại sư nói:
-Phương trượng sư huynh! Tiểu đệ không muốn tăng thêm tội nghiệt. Xin sư huynh cùng các vị sư điệt vì tôi mà tính giùm cho. Khi lão đó buông lưỡi đao giết người xuống là tự nhiên sẽ biết ăn năn quay về chính đạo. Giả tỷ gã vẫn chấp mê không tỉnh ngộ là gã tự chuốc lấy cái đau khổ vào mình mà thôi. Tướng mạo gã thế nào thì bất tất đề cập đến nữa.
Phương trượng chùa Thiếu Lâm là Huyền Từ đại sư nói:
-Sư đệ giác ngộ cao siêu, ta hãy còn giữ tính câu chấp, thật không bằng sư đệ...
Huyền Khổ nói:
-Lúc này tiểu đệ chỉ mong được tĩnh toạ một lúc để đọc kinh sám hối.
Huyền Từ nói:
-Phải rồi! Sư đệ bảo trọng thân thể nghe!
Chợt thấy tiếng kẹt cửa, một nhà sư già cao và gầy từ từ đi ra. Lão đi chừng hơn trượng thì phía sau một lũ mười bẩy nhà sư đều mặc áo cà sa đỏ, tay chắp để trước ngực, cúi đầu niệm vẻ mặt vị nào cũng rất trang nghiêm. Sau khi chúng tăng đi khỏi, trong nhà lại im lặng như tờ. Kiều Phong vì hoàn cảnh bắt buộc, không dám lại gõ cửa. Bỗng nghe Huyền Khổ đại sư lên tiếng gọi:
-Quý khách từ xa lặn lội đến đây sao lại ngập ngừng không vào?
Kiều Phong cả kinh, nghĩ thầm: "Mình đã nín hơi, ngay người đứng gần vị tất đã phát giác ra được chỗ mình ẩn nấp. Sư phụ thính tai như vậy tựa hồ có phép thần thông. Ông không cần chạy đến trước cửa, nói:
-Sư phụ mạnh giỏi đây a? Ðệ tử là Kiều Phong xin bái sư phụ.
Huyền Khổ khẽ "ủa" lên một tiếng rồi hỏi:
-Phong nhi đấy hả? Lúc này thầy đang nghĩ đến con. Thầy chỉ mong được thấy mặt con một lần. Vào đây mau!
Nghe giọng nói đầy vẻ mừng vui, Kiều Phong cả mừng rảo bước đi vào, quỳ xuống khấu đầu nói:
-Bình nhật đệ tử ít có cơ hội chầu hầu để nhọc lòng sư phụ nhớ thương. Sư phụ còn được cường kiện, hài nhi vui mừng khôn xiết!
Nói xong, ông ngẩng đầu lên nhìn tận mặt nhà sư. Huyền Khổ đại sư nét mặt đang hoà ái tươi cười, ánh đèn dầu soi rõ mặt Kiều Phong. Ðột nhiên nhà sư biến sắc, ngồi dậy run run hỏi:
-Ngươi... ngươi... à thế ra ngươi. Ngươi lại là Kiều Phong phải không? Là một tên đồ đệ chính ta đã truyền thụ võ nghệ cho đấy ư?
Rồi nét mặt nhà sư vừa lộ vẻ kinh hãi vừa đau khổ lại lẫn cả vẻ cực kỳ thương tiếc.
Kiều Phong thấy trong giây lát mà nét mặt sư phụ đã biến đổi dị thường thì trong lòng kinh ngạc. Ông nói:
-Sư phụ! Hài nhi là Kiều Phong đây mà!
Huyền Khổ đại sư nói:
-Ừ! Tốt! Tốt!
Rồi không nói thêm gì. Kiều Phong không dám hỏi nữa, lẳng lặng chờ xem sư phụ có điều chi dạy bảo. Ngờ đâu chờ mãi chẳng thấy Huyền Khổ đại sư nói gì,Kiều Phong lại nhìn lên thấy sắc mặt nhà sư vẫn trơ như vậy. Ông không khỏi giật mình, thò tay ra cầm tay đại sư thì thấy đã lạnh ngắt. Ông lại để tay lên mũi thì nhà sư đã tắt thở tự lúc nào.
Biến cố xảy ra quá đột ngột khiến Kiều Phong trợn mắt, miệng há hốc ra, đầu óc rối loạn với bao nhiêu ý nghĩ: "Sư phụ vừa thấy mặt mình sợ quá mà chết ư? Thật không tài nào hiểu được. Mặt mình có chi đáng sợ đâu? Chắc là người bị thương từ trước?"
Nhưng ông không dám xem trong người nhà sư. Sau khi định thần, ông nhất quyết: "Nếu mình bỏ trốn đi, há phải là hành vi của Kiều Phong, một trang hảo hán tiếng tăm lẫy lừng trước nay? Bữa nay dù gặp nguy hiểm đến đâu cũng mặc,mình phải tra ra cho rõ trắng đen". Ông liền ra ngoài cửa la lên:
-Phương trượng đại sư! Huyền Khổ sư phụ viên tịch rồi! Huyền Khổ sư phụ viên tịch rồi!
Ông chân khí sung mãn, tiếng gọi truyền đi rất xa, vang cả khe núi. Mọi người trong chùa cùng nghe thấy. Tiếng la tuy hùng hồn nhưng cực kỳ đau khổ. Các nhà sư ở chỗ Huyền Từ phương trượng đi xa chưa về đến phòng riêng, thốt nhiên nghe tiếng Kiều Phong hô hoán, nhất tề trở gót quay lại chứng đạo viện, thì thấy một đại hán cao lớn đứng bên cửa viện đang lấy vạt áo lau nước mắt. Ai cũng lấy làm kỳ lạ. Huyền Từ đại sư chắp tay để trước ngực, hỏi:
-Thí chủ là ai?
Ðại sư quá quan tâm đến sự yên nguy của Huyền Khổ, không chờ Kiều Phong đáp lại, rảo bước vào nhà, vẫn thấy Huyền Khổ đứng trơ đó chưa ngã thì giật nảy mình. Các nhà sư cũng tới nơi, cúi đầu đọc kinh. Kiều Phong theo vào sau, cùng quỳ hai chân xuống đất khấn thầm: "Sư phụ ơi! Vì đệ tử báo tin chậm quá để sư phụ mắc tay độc thủ. Ðệ tử nhân mối thù lại sâu thêm một tảng". Huyền Từ đọc kinh xong, nhìn chằm chặp Kiều Phong, hỏi:
-Thí chủ là ai? Phải chăng người hô hoán vừa rồi là thí chủ?
Kiều Phong đáp:
-Ðệ tử là Kiều Phong, thấy sư phụ viên tịch, đau khổ khôn xiết, bất giác kinh động đến phương trượng.
Huyền Từ nghe đến tên Kiều Phong, cả kinh, nói:
-Phải chăng thí chủ... mới đây làm Bang chúa Cái Bang?
Kiều Phong nghe nói "mới đây làm Bang chúa Cái Bang" thì nghĩ thầm: "Trên chốn giang hồ tin tức truyền đi mau thật. Họ đã biết mình không còn làm Bang chúa Cái Bang nữa, tức là họ biết rõ nguyên nhân nào mình bị trục xuất ra khỏi Cái Bang". Ông đáp:
-Vâng ạ.
Huyền Từ hỏi:
-Cớ sao thí chủ đang đêm lẻn vào bản tự? Và sao lại trông thấy Huyền Khổ sư đệ viên tịch?
Trong lòng Kiều Phong có hay, ngàn vạn câu muốn nói nhưng không biết bắt đầu từ đâu trước cho phải, ông liền đáp:
-Huyền Khổ đại sư là một vị ân sư đã dạy dỗ đệ tử, sở dĩ đệ tử được biết...
Câu thứ hai Kiều Phong chưa nói hết thì Huyền Từ phương trượng đã hỏi phủ đầu:
-Sao? Huyền Khổ sư đệ là sư phụ truyền thụ võ nghệ cho ngươi? Chẳng lẽ ngươi cũng là đệ tử Thiếu Lâm? Thế thì... thế thì... lạ thật!...
Nên biết Kiều Phong danh vang khắp thiên hạ... Trong võ lâm ai cũng biết ông là đệ tử chân truyền của Uông Bang chúa, mà võ công của Uông Bang chúa tuyệt không liên can gì đến phái Thiếu Lâm. Lúc này Kiều Phong tự xưng là đệ tử phái Thiếu Lâm, Huyền Từ đại sư muốn chỉ trích là ông nói hoang đường, có điều tôn trọng địa vị ông nên mới bảo:
-Thế thì lạ thật!
Kiều Phong hỏi lại:
-Việc này nói ra rất dài, không biết ân sư đệ tử bị thương ra sao và đã bị ai hạ độc thủ?
Huyền Từ phương trượng sa nước mắt, đáp:
-Huyền Khổ sư đệ bị người đánh lén, ngực bị trúng một chưởng quá nặng, xương cốt bị gẫy hết, ngũ tạng cũng tan nát. Nhờ có nội công thâm hậu nên mới chống được đến bây giờ. Chúng ta có hỏi sư đệ kẻ địch là ai thì y bảo là chưa từng quen biết gã. Ta hỏi đến tướng mạo hung thủ thì y nói: "Trong tám điều khổ ải của nhà phật thì oán tăng hội là một. Nay đã gặp oan gia đối đầu thì chỉ cần được giải thoát là hơn". Rồi y nhất định không cho biết niên canh cùng tướng mạo hung thủ.
Kiều Phong chợt tỉnh ngộ: "Thế ra chư tăng đã biết sư phụ mình bị trọng thương.
Việc tụng kinh niệm phật vừa rồi là để đưa Người về chầu phật". Ông nước mắt chạy quanh, nói:
-Các vị cao tăng lấy từ bi làm tâm niệm, không nghĩ đến báo thù, nhưng đệ tử là người trần tục, thế nào cũng tìm cho ra hung thủ, phân thây muôn đoạn để báo thù cho sư phụ. Quý tự đây là nơi thâm nghiêm, không biết hung đồ làm thế nào lẻn vào được.
Huyền Từ trầm ngâm chưa kịp đáp thì một nhà sư thấp lủn thủn cười lạt, nói:
-Thí chủ lẻn vào chùa Thiếu Lâm chúng ta có ai biết mà ngăn trở đâu? Thế thì hung thủ phải là kẻ đi lại tự nhiên như vào chỗ không người.
Kiều Phong khom lưng, chắp tay nói:
-Ðệ tử có việc cấp bách bên mình nên không kịp đứng ngoài sơn môn báo tin xin cầu kiến, thật là thất lễ, khẩn cầu liệt sư phụ lượng thứ cho. Ðệ tử đã có gốc gác sâu xa với chùa Thiếu Lâm, quyết không dám mảy may có ý mạo phạm.
Hai câu Kiều Phong nói sau cùng để tỏ ra nếu phái Thiếu Lâm mất mặt thì ông cũng chẳng hay gì. Nên biết rằng ông lẻn vào viện sau chùa Thiếu Lâm, mãi đến lúc cất tiếng hô hoán mới có người trông thấy. Việc này đồn đại ra ngoài có liên
quan rất đến thể diện Thiếu Lâm. Giữa lúc ấy một gã tiểu sa di (chú tiểu) hai tay bưng bát thuốc, hơi bốc lên nghi ngút, sừng sực đi đến, nhìn thi thể Huyền Khổ, nói:
-Sư phụ! Xin sư phụ dùng thuốc.
Chú tiểu này vẫn hầu hạ Huyền Khổ, chú đến Dược vương viện trong bản tự lấy thang "Cứu chưởng kim cương thang" rất linh nghiệm và là một môn thuốc thánh chữa thương, đem đến cho sư phụ uống. Chú thấy Huyền Khổ vẫn đứng ngay nên không biết là Người đã thác. Kiều Phong trong lòng đau khổ, nghẹn ngào nói:
-Sư phụ ơi!...
Chú tiểu quay đầu lại, vừa trông thấy Kiều Phong, đột nhiên la hoảng:
-Mi! Mi... lại đến nữa à?
Chú sợ quá run lên, đánh rớt bát thuốc xuống đất vỡ tan, thuốc bắn tung toé. Gã tiểu sa di nhảy lùi về phía sau hai bước, đứng tựa lưng vào tường, la lên:
-Ðúng hắn! Hắn vừa đánh sư phụ!
Gã kêu lên như vậy, mọi người ai cũng kinh ngạc. Kiều Phong thì càng bàng hoàng, lớn tiếng hỏi:
-Chú nói sao?
Gã tiểu sa di này mới mười hai, mười ba tuổi, trông thấy Kiều Phong thì sợ hãi vô cùng, nấp vào sau lưng Huyền Từ phương trượng, níu lấy vạt áo, kêu gọi rối rít:
-Phương trượng! Phương trượng!
Huyền Từ nói:
-Thanh Tùng! Ðừng sợ chi hết! Ngươi vừa nói gì? Có phải ngươi bảo hắn đánh sư phụ không?
Chú tiểu Thanh Tùng đáp:
-Ðúng rồi! Hắn dùng chưởng lực đánh vào ngực sư phụ. Con đứng ngoài cửa sổ trông thấy.
Rồi gã lại gọi:
-Sư phụ! Sư phụ! Sư phụ đánh hắn đi.
Ðến bây giờ gã vẫn chưa biết là Huyền Khổ chết rồi. Huyền Từ phương trượng nói:
-Ngươi coi có đúng không, đừng nhận lầm người.
Thanh Tùng nói:
-Con trông rõ ràng lắm. Hắn mặc áo sắc xám, mặt vuông, lông mày dựng ngược,miệng to, tai lớn. Ðúng hắn rồi. Sư phụ ơi! Sư phụ đánh hắn đi, đánh hắn đi!
Kiều Phong đột nhiên nghe mà lạnh cả tuỷ xương sống. Ông nghĩ thầm: "Phải rồi! Hung thủ cải trang, cố ý gieo tai hoạ cho mình. Sư phụ vừa nghe tin mình về,rất là hoan hỉ. Song, trong vẻ mặt hoảng hốt khi trông thấy mình thì biết tướng mạo hung thủ giống mình nên người nói ấp úng: "Ngươi... ngươi... à thế ra ngươi. Ngươi lại là Kiều Phong phải không? Là một tên đồ đệ chính ta đã truyền thụ võ nghệ cho đấy ư?" Sư phụ cùng mình mười năm chưa gặp nhau. Lúc ở nhà, mình là đứa trẻ con, nay đã thành người lớn. Dĩ nhiên là tướng mạo không giống trước."
Kiều Phong lại nghĩ đến Huyền Khổ đại sư trước khi lâm chung nói mấy tiếng "tốt, tốt" thì lòng đau như cắt, nghĩ thầm: "Sư phụ bị người hạ độc thủ, không biết kẻ địch là ai, thấy mình tướng mạo tương tự như hung thủ, xúc động mạnh mà thác!
Sư phụ đã bị trọng thương, trong lúc lâm nguy người có kịp đâu xét cho rõ rằng nếu chính mình hạ độc thủ, có lý nào còn trở lại tương kiến nữa."
Bỗng thấy tiếng người huyên náo, một tốp người kéo đến đứng ngoài chứng đạo viện rồi dừng bước chứ chưa tiến vào. Hai nhà sư khom lưng, kính cẩn đi vào,chính là hai trì giới tăng và thủ luật tăng vừa đánh nhau với Kiều Phong ở chân núi Thiếu Thất lúc ban ngày. Trì giới tăng mới nói được một tiếng:
-Bẩm phương trượng...
Thì nét mặt lộ vẻ kinh dị và căm giận, trợn mắt, há miệng vì không hiểu tại sao Kiều Phong lại ở đây rồi.
Huyền Từ phương trượng nét mặt trang nghiêm, thủng thẳng nói:
-Thí chủ tuy không ở Cái Bang nữa, dù sao cũng đã là nhân vật nổi danh trong võ lâm. Bữa nay thí chủ giá lâm tệ tự, ra tay đánh chết Huyền Khổ sư đệ, không biết vì lẽ gì xin chỉ giáo cho.
Kiều Phong thở dài một tiếng, đột nhiên lạy phục xuống đất trước mặt Huyền Khổ đại sư, khấn rằng:
-Sư phụ ơi sư phụ! Lúc sư phụ lâm chung còn nói là đệ tử hạ thủ nên nỗi ôm hận mà thác. Ðệ tử không đời nào dám mạo phạm đến sự tôn nghiêm của phái Thiếu Lâm. Xin sư phụ tha tội cho.
Bái chúc xong, Kiều Phong nấc lên hai tiếng rồi thở mạnh làm cho đèn lửa tắt phụt đi, trong điện tối om. Lúc Kiều Phong cầu chúc sư phụ đã tính kế thoát thân,ông thổi tắt đèn đi, tay trái phóng ra một chưởng vào sau giới luật tăng. Chưởng này toàn sức dương cương, không làm tổn thương đến nội tạng nhưng đánh bật nhà sư to béo ra khỏi cửa.
Trong bóng tối mò, quần tăng nghe thấy tiếng gió cho là Kiều Phong chạy ra khỏi cửa để trốn, đều dùng thủ pháp "cầm nã" nắm lấy thủ luật tăng. Các nhà sư đều nghĩ như nhau, không muốn ra đòn nặng để đánh chết Kiều Phong, chỉ toan
bắt sống để tra hỏi cho ra gốc ngọn. Xem vì sao mà ông đánh chết Huyền Khổ đại sư, hoặc giả có âm mưu trọng đại nào được lôi ra ánh sáng.
Mười mấy vị cao tăng này đều là những tay hảo thủ vào bậc nhất phái Thiếu Lâm. Ðã là những tay hảo thủ vào bậc nhất phái Thiếu Lâm, tức là những tay hảo thủ bậc nhất trong võ lâm. Thủ pháp cầm nã của những vị này không giống nhau,mỗi vị có chỗ độc đáo riêng.
Cùng một lúc, mọi thủ thức, nào "Cầm long thủ", nào "Ưng thảo thủ", nào "Hổ trảo công", nào "Kim cương chỉ", nào "ác thạch chưởng",... của phái Thiếu Lâm dồn vào mình nhà sư thủ luật. Võ công các vị cao tăng này thực đã đến chỗ kỳ diệu vô cùng. Trong bóng tối om, chỉ nghe tiếng gió mà nhận định các huyệt đạo không sai một ly, khiến nhà sư thủ luật bị đau đớn vô cùng.
Chớp mắt, các yếu huyệt khắp mình bị đủ các thứ cầm nã thủ pháp chụp vào trong khi người còn ở trên không chưa rớt xuống đất. Bấy nhiêu vị cao tăng này đều là những tay chấp chưởng những chức vụ quan trọng, tuy bên mình không đem theo hoả chủng, song đã nhiều duyệt lịch, thủ đoạn ứng biến cực kỳ mau lẹ. Các vị biết ngay là bắt lầm.
Có người lập tức phi thân nhảy lên mái nhà trấn giữ trên nóc. Chỉ trong chớp mắt, tất cả các cửa ngõ, đường lối trước sau chứng đạo viện đều được các nhà sư cao thủ trấn giữ những nơi trọng yếu. Ðừng nói Kiều Phong thân thể cao lớn, mà có biến làm con chim sẽ cũng khó bề tẩu thoát. Một lát sau, tiểu sa di Thanh Tùng thắp lửa lên, đèn nến trong viện lại chiếu sáng, các nhà sư xem ra người bị bắt lầm chính là thủ luật tăng.
Vị cầm đầu viện Ðạt Ma là Huyền Nạn đại sư xem ra lệnh cho quần tăng trong chùa đâu giữ nguyên đó, không được loạn động. Nên biết rằng quần tăng đều cho là Kiều Phong lớn mật đến đâu cũng không dám một mình lẻn vào chùa Thiếu Lâm, một nơi đầm rồng, hang cọp để giết người, tất còn có những tay viện trợ cao cường.
Không chừng chúng sẽ nhân lúc nhốn nháo để thi hành mưu lược, mà nhà chùa trúng kế điệu hổ ly sơn của họ. Trong chứng đạo viện, mười mấy vị cao tăng cùng trí giới tăng suất lãnh một toán nhà sư sục tìm trong ngoài và các nơi lân cận chứng đạo viện, tựa hồ như không bỏ sót một viên đá, một khóm cỏ nào là không có người dùng côn, bổng đập vào.
Các vị đại hoà thượng đều lấy từ bi làm tâm niệm, lấy đức hiếu sinh làm căn cơ,mà cuộc sục tìm này làm cho vô số rắn rết, chuột bọ, giun kiến phải bị thương. Lục soát hồi lâu, chỉ còn thiếu đất chưa đào lên mà chẳng thấy Kiều Phong đâu cả, ai cũng lấy làm kỳ dị. Lúc đó thi thể Huyền Khổ đại sư được đưa vào xá lợi viện để siêu hoá, thủ luật tăng được đưa vào Dược Vương viện để điều trị những vết thương.
Quần tăng cúi đầu buồn bã, lẳng lặng không ai nói gì và đều cảm thấy phen này bị mất thể diện rất nhiều. Bao nhiêu tay cao thủ chùa Thiếu Lâm vây bọc, nhất là mười mấy vị võ công tuyệt cao, tiếng tăm lừng lẫy khắp giang hồ, mà để Kiều
Phong tay không khí giới tẩu thoát. Ðừng nói không bắt đặng ông đã đành, mà ông trốn bằng cách nào cũng không ai biết một tí gì.
Kiều Phong nấp ở đâu? Nguyên ông liệu chừng quần tăng không thấy mình, tất nhiên sục sạo khắp mọi chỗ, nhưng chính ngay trong nhà đang tụ tập này ít ai để ý tới. Nhân lúc thủ luật tăng bị một chưởng bắn hất ra ngoài, Kiều Phong co mình nín thở chui vào gầm giường ngủ của Huyền Khổ đại sư lúc sinh thời. Mười đầu ngón tay bám chặt lấy song giường, mình sát vào dưới giát giường.
Tuy cũng có người đưa mắt nhìn vào gậm giường nhưng không trông thấy ông.
Ông chờ cho di thể Huyền Khổ đại sư được đưa ra ngoài, chấp sự tăng đóng cửa chứng đạo viện lại, không còn ai ra vào nữa. Kiều Phong nằm dưới gầm giường,nghe các nhà sư nhốn nháo đến quá nửa đêm, dần dần yên lặng trở lại.
Ông tính rằng: "Chờ đến trời sáng quyết là khó thoát thân, lúc này mà không chạy thì còn đợi đến bao giờ". Ông liền ở gầm giường chui ra, khẽ đẩy cửa, lạng mình đến ẩn sau một gốc cây. Chứng đạo viện ở về phía cực tây chùa Thiếu Lâm.
Theo lẽ thông thường, thì phải nhắm hướng tây để chuồn vào rừng rậm.
Nhưng Kiều Phong là người có trí minh mẫn, trong lòng lại rất tính tế, nghĩ thầm: "Lúc này tuy không có tiếng người nhưng các vị cao tăng chùa Thiếu Lâm đâu đã chịu bỏ mà trễ tràng cuộc phòng bị. Mình đang ở viện phía tây rồi mất tích,tất là quần tăng càng nghiêm mật phòng thủ phía này, nhất là những nẻo đường đi về núi Thiếu Thất."
Ông chỉ cần ra được khỏi chùa Thiếu Lâm là các nhà sư phân tán lực lượng rồi,dù có đón đường cũng khó lòng làm gì nổi. Nhưng ông không muốn cùng các nhà sư động thủ, chỉ mong hôm sau bắt được hung phạm đưa vào chùa là ra hết ngọn ngành. Bây giờ mà động thủ với nhà sư nào hoặc thắng được ai, tức là gây thêm một mối oan khiên vô vị, còn nếu mà thất bại thì sẽ không biết đến thế nào mà nói.
Ông tính toán một lát, để tìm ra đường ổn tiện mọi bề là quay vào chùa theo hướng Ðông để ra khỏi khu vực này. Nghĩ vậy, ông cúi khom khom chuyển dần từ chỗ lá cây rậm rạp này đến bụi cây um tùm khác, vượt qua bốn toà phòng viện,núp sau một cây bồ đề. Ông chợt nhìn thấy hai nhà sư phục sau một hốc cây phía trước mặt, hai nhà sư này không nhúc nhích nên trong bóng tối khó ai mà nhìn thấy được.
Có điều nhãn quang Kiều Phong cực kỳ sắc bén, thoáng thấy một nhà sư tay cầm lưỡi giới đao loé sáng. Ông nghĩ thầm: "Thật là nguy hiểm! Mình chỉ đi lẹ một chút nữa thì hành tung tất bị bại lộ". Ông núp sau gốc cây một lúc, hai nhà sư thủy chung vẫn không nhúc nhích, cái chước "ôm cây đợi thỏ" thật là ghê gớm, mình chỉ khẽ động một chút tất hai nhà sư trông thấy.
Song cũng không thể chần chờ mãi ở trong tình trạng này được, Kiều Phong trầm ngâm một chút rồi nhặt viên đá nhỏ giơ lên, lấy đầu ngón tay búng mạnh ra.
Cái búng của ông thật tài tình, ban đầu ngón đi thong thả rồi sau mới đi nhanh. Lúc viên đá vừa bay ra không phát ra tiếng động, đi chừng bảy tám thước thì tiếng vo vo rất mạnh như xé bầu không khí, rồi đập vào một cành cây đánh "cạch" một tiếng.
Thấy tiếng động, hai nhà sư cúi rạp người xuống đưa mắt nhìn vội lên cành cây đã phát ra tiếng động.
Kiều Phong chờ cho hai nhà sư sướt qua mặt mình rồi chạy như bay đến bên một toà viện. Dưới ánh trăng ông nhìn thấy trên biển đề ba chữ "Bồ Ðề viện". Ông đoán chắc rằng hai nhà sư kia đi không thấy gì khác, tất quay trở lại, nên không dám dừng bước chút nào, đi thẳng ra phía sau viện.
Lúc qua phía tước viện Bồ Ðề, Kiều Phong đang nghiêng mình chạy chợt nhìn thấy một bóng đại hán lướt qua phía sau cực kỳ mau lẹ, ông ít khi được gặp ai thân pháp lẹ đến thế, thì giật nảy mình tự hỏi: "Người này là ai mà chân tay mau lẹ đến như thế?" Ông liền đưa chưởng lên giữ mình, ngoảnh đầu nhìn lại, bất giác bật cười, vì thấy gã đại hán đó dừng chân đưa chưởng lên giữ trước ngực, đứng thộn mặt, nín hơi thở, là do tấm gương đồng trên bức bình phong đặt ở phía trước tượng phật phản chiếu bóng mình. Trong gương đồng có khắc một bài kệ:
Thân tự bồ đề thụ Tâm minh thích kính đài Thời thời cần phất thức Mặc sử nhiễm trần ai.
Dịch:
Bồ đề thân đã vững Gương sáng dạ càng trong Sớm tối lau cho sạch Không vương chút bụi hồng.
Kiều Phong bật cười, quay đầu lại toan trở gót, thì thốt nhiên đầu óc như bị vật gì nặng đè lên, đứng ngây người ra. Ông chợt cảm thấy một điều rất quan trọng,nhưng không biết là điều gì. Ðang khi ngơ ngẩn, ngẫu nhiên Kiều Phong lại nhìn vào trong tấm gương, bâng khuâng tự hỏi: "Mình vừa thấy bóng mình ở chỗ nào đây? Khi đó mình có thấy cái gương đồng lớn này đâu? Sao bấy giờ mình lại không trông thấy tấm gương to lớn phản chiếu bóng mình một cách rõ ràng thế này?"
Ðang lúc xuất thần, chợt nghe có tiếng bước chân mấy người đi tới, Kiều Phong hoang mang không biết ẩn thân vào đâu. Chợt thấy trên điện có ba pho tượng phật,liền trèo lên chui vào núp sau pho tượng thứ ba. Ông nghe rõ tiếng chân sáu người đi hàng đôi vào hậu điện, rồi mỗi người ngồi trên chiếc bồ hoàn. Kiều Phong đứng sau pho tượng ngó ra thì thấy sáu nhà sư đều vào hạng trung niên. Một nhà sư ở đầu bên tả nói:
-Sư phụ có lệnh truyền phải coi giữ và kiểm điểm các kinh sách trong viện Bồ Ðề, đề phòng địch nhân đến lấy cắp.
Chỉ một mình nhà sư kia nói câu đó còn ngoài ra các nhà sư khác đều im lặng không nói gì. Kiều Phong nghĩ bụng: "Giả tỷ sáu nhà sư này võ công bình thường thì lúc này ta chuồn ra hậu viện cũng chẳng ai biết. Nhưng e rằng có người nội
công thâm hậu, tai thính, mắt sáng thì tất bị bại lộ, ta đành chờ lúc nữa xem sao".
Bỗng nghe một nhà sư ở đầu mé hữu hỏi:
-Sư huynh, trong viện Bồ Ðề này trống rỗng làm gì có kinh sách, sư phụ bảo bọn ta đến đây coi giữ cái gì?
Nhà sư đầu mé tả tủm tỉm cười, nói:
-Ðó là một điều bí mật trong viện Bồ Ðề, không tiện nói nhiều.
Nhà sư đầu mé hữu nói khích:
-Chà, tôi coi chừng sư huynh cũng cóc biết.
Nhà sư đầu mé tả tức mình nói:
-Làm gì mà tôi chả biết, thân như phất trần...
Nhà sư nói dở câu biết mình lỡ lời nên không nói nữa. Nhà sư đầu mé hữu hỏi:
-Thân như phất trần là thế nào?
Nhà sư ngồi trên bồ đoàn thứ hai nói:
-Thanh Trí sư đệ! Ngày thường sư đệ ít nói lắm kia mà? Sao bữa nay lại hỏi nhiều thế? Nếu sư đệ muốn biết những bí mật trong viện Bồ Ðề thì lên hỏi sư phụ.
Nhà sư Trí Thanh không hỏi nữa, hồi lâu mới nói:
-Tôi ra phía sau đi tiểu một chút.
Nói xong đứng dậy liền. Y từ đầu bên phải qua mé tả để ra cửa ngách, lúc đi qua sau lưng nhà sư thứ năm, giơ chân trái lên đá trúng vào huyệt "Huyền khu" ở dưới đốt xương sống thứ mười ba. Nhà sư ngồi trong bồi hoàn thì huyệt này ở sát bên cạnh miệng bồ hoàn. Bị Trí Thanh đá trúng, nhà sư từ từ ngã vật về mé hữu. Trí Thanh ra cước rất lẹ lại không một tiếng động, thuận đà chân y đá liên tiếp hai nhà sư thứ ba và thứ tư nữa đều trúng vào huyệt "Huyền khu".
Thế là chỉ trong nháy mắt, y đã đá trúng ba người. Kiều Phong ngồi sau tượng phật trông rất rõ, rất lấy làm kỳ, không hiểu tại sao các nhà sư Thiếu Lâm lại huých nhau. Bỗng thấy Trí Thanh lại vung chân đá đến nhà sư thứ hai ở mé tả, thì
giữa lúc đó ba nhà sư bị đá trước từ trên bồ đoàn té nhào, đầu va xuống thềm gạch đánh huỵch một cái. Nhà sư đầu mé tả thấy vậy, cả kinh, vội nhảy lên hỏi:
-Trí Thanh, ngươi làm chi vậy?
Trí thanh trỏ tay ra phía ngoài, hỏi:
-Sư huynh trông kìa! Ai đến đó?
Nhà sư quay đầu nhìn ra. Trí Thanh thừa cơ phóng cước đá vào sau lưng, cái đá rất lẹ nạy lẽ ra trúng nhà sư rồi, nhưng phía trước có tấm gương đồng lớn, nhà sư nhanh mắt trông thấy, né tránh, xoay tay đánh lại một chưởng và kêu lên:
-Mi phản rồi sao?
Trí Thanh phóng chưởng như gió phản kích. Ðánh đến chiêu thứ tám thì bụng dưới nhà sư bị trúng một quyền rồi tiếp theo lại bị trúng luôn một cước nữa. Kiều Phong thấy Trí Thanh ra đòn âm độc dị thường, không phải chiêu thức phái Thiếu Lâm, càng lấy làm kỳ. Nhà sư biết mình địch không nổi, la lên:
-Có gian tế! Có gian tế!
Trí Thanh tiến lên đánh một quyền trúng vào ngực, nhà sư ngã vật ra chết giấc.
Trí Thanh hạ năm nhà sư xong, lập tức chạy đến trước tấm gương đồng, giơ ngón tay trở bên phải ra ấn vào chữ "Thân", chữ đầu trong bài kệ. Kiều Phong nhìn bóng trong gương thấy y lộ vẻ mừng thầm. Rồi y ấn vào chữ thứ bảy là chữ "Như".
Kiều Phong nghĩ bụng: "Nhà sư kia vừa biểu diễn bí mật ở trong "Thân như phất trần" gì gì đó, chắc y sẽ bấm đến chữ "Phất" và "Trần" trong bài kệ". Quả nhiên
Trí Thanh giơ ngón tay trỏ ra ấn vào chữ "Phất" trước rồi đến chữ "Trần" sau, khi ngón tay y còn ở trên chữ "Trần" chưa nhắc ra, đã nghe thấy những tiếng lách cách vang lên.
Tấm gương đồng từ từ nghiêng đi. Giả tỷ Kiều Phong nhân lúc này mà trốn ra thì thực là một cơ hội rất tốt, nhưng ông sẵn tính hiếu kỳ kết quả ra sao: "Vì lẽ gì mà các nhà sư Thiếu Lâm lại phản nhau? Sau tấm gương đồng có cất giấu vật gì?
Không chừng vụ này có liên quan đến vụ Huyền Khổ đại sư bị hại cũng nên."
Nhà sư ở đầu mé tả trước khi bị Trí Thanh đánh ngã đã hô hoán lên. Hơn trăm nhà sư chùa Thiếu Lâm đang tuần tiễu bốn mặt nghe thấy đều chạy đến. Cả bốn mặt Ðông, Tây, Nam, Bắc viện Bồ Ðề đều có tiếng chân người.
Kiều Phong còn đang phân vân chưa biết làm thế nào để bao nhiêu nhà sư khỏi phát giác ra mình,nhưng ông lại nghĩ rằng: "Quần tăng chỉ chăm chú vào Trí Thanh thì mình thoát thân cũng dễ, bất tất phải trốn ngay."
Bỗng thấy Trí Thanh đưa tay ra móc vào trong lỗ nhỏ phía sau tấm gương đồng,song chưa sờ thấy vật gì, thì giữa lúc đó đã có tiếng chân người chạy vào tới cửa mặt Bắc viện Bồ Ðề, Trí Thanh lộ vẻ thất vọng toan chạy đi. Thốt nhiên, y chợt nghĩ ra điều gì, cúi nhìn xuống lật phía sau tấm gương đồng ra, khẽ reo lên:
-À, đây rồi!
Y thò tay móc ra một cái túi nhỏ xíu, đút vào trong bọc rồi toan tìm đường chạy trốn. Nhưng lúc đó bốn mặt quần tăng đã vây bọc hết, không còn đường chạy.

Truyện Lục Mạch Thần Kiếm Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 Hồi 5 Hồi 6 Hồi 7 Hồi 8 Hồi 9 Hồi 10 Hồi 11 Hồi 12 Hồi 13 Hồi 14 Hồi 15 Hồi 16 Hồi 17 Hồi 18 Hồi 19 Hồi 20 Hồi 21 Hồi 22 Hồi 23 Hồi 24 Hồi 25 Hồi 26 Hồi 27 Hồi 28 Hồi 29 Hồi 30 Hồi 31 Hồi 32 Hồi 33 Hồi 34 Hồi 35 Hồi 36 Hồi 37 Hồi 38 Hồi 39 Hồi 40 Hồi 41 Hồi 42 Hồi 43 Hồi 44 Hồi 45 Hồi 46 Hồi 47 Hồi 48 Hồi 49 Hồi 50 Hồi 51 Hồi 52 Hồi 53 Hồi 54 Hồi 55 Hồi 56 Hồi 57 Hồi 58 Hồi 59 Hồi 60 Hồi 61 Hồi 62 Hồi 63 Hồi 64 Hồi 65 Hồi 66 Hồi 67 Hồi 68 Hồi 69 Hồi 70 Hồi 71 Hồi 72 Hồi 73 Hồi 74 Hồi 75 Hồi 76 Hồi 77 Hồi 78 Hồi 79 Hồi 80 Hồi 81 Hồi 82 Hồi 83 Hồi 84 Hồi 85 Hồi 86 Hồi 87 Hồi 88 Hồi 89 Hồi 90 Hồi 91 Hồi 92 Hồi 93 Hồi 94 Hồi 95 Hồi 96 Hồi 97 Hồi 98 Hồi 99 Hồi 100 Hồi 101 Hồi 102 Hồi 103 Hồi 104 Hồi 105 Hồi 106 Hồi 107 Hồi 108 Hồi 109 Hồi 110 Hồi 111 Hồi 112 Hồi 113 Hồi 114 Hồi 115 Hồi 116 Hồi 117 Hồi 118 Hồi 119 Hồi 120 Hồi 121 Hồi 122 Hồi 123 Hồi 124 Hồi 125 Hồi 126 Hồi 127 Hồi 128 Hồi 129 Hồi 130 Hồi 131 Hồi 132 Hồi 133 Hồi 134 Hồi 135 Hồi 136 Hồi 137 Hồi 138 Hồi 139 Hồi 140 Hồi 141 Hồi 142 Hồi 143 Hồi 144 Hồi 145 Hồi 146 Hồi 147 Hồi 148 Hồi 149 Hồi 150 Hồi 151 Hồi 152 Hồi 153 Hồi 154 Hồi 155 Hồi 156 Hồi 157 Hồi 158 Hồi 159 Hồi 160(hết)