Chương 8
Một Chương Mới Của Đời Tôi

Mãi cho đến bây giờ, tôi mới kể lại chi tiết thời thơ ấu của tôi. Nhưng đây không phải là một tiểu sử đầy đủ. Vì vậy, bây giờ tôi sẽ điểm qua tám năm tiếp theo với vài dòng để thấy được sự đổi thay đã xảy ra.
Khi cơn sốt bệnh đậu lào đến cái mức tệ hại nhất, thì mọi người mới nhận ra thực tế là Lowood đã được xây dựng vào một nơi thiếu vệ sinh, tất cả đã được đưa ra ánh sáng, và hậu qủa là không may cho ông Brocklehurst nhưng lại rất có lợi cho chúng tôi.
Không lâu sau đó, nhiều người giàu có trong vùng đã đóng góp để xây một tóa nhà rộng hơn trên một nơi có vệ sinh hơn. Rồi thực phẩm, áo quần, lề lối làm việc được cải tiến, và quyền quản lý do một hội đồng điều khiển. Nhà trường đã trở thành một nơi thực sự hữu ích và quan trọng để giáo dục những kẻ không nhà, không nơi nương tựa. Trong suốt tám năm tiếp theo, tôi ở đấy, góp công vào lợi ích của trường trong việc giáo dục- học sáu năm và dạy hai năm.
Nhưng kể từ ngày cô Temple đi lấy chồng, cảm giác của tôi đối với Lowood có thay đổi. Nó không còn là một tổ ấm cho tôi nữa. Cô Temple là một bà mẹ, một cô giáo và một bạn đồng hành trong một thời gian dài, cho đến nỗi khi cô bỏ đi thì tình cảm có trong tôi bấy lâu đều tiêu tan hết.
Để mừng đám cưới của cô Temple, chúng tôi được phép nghỉ thêm nửa buổi. Khi tôi thấy cô ra đi với chồng, tôi chạy lên phòng, mở cửa sổ và nhìn ra mọi vật chung quanh. Những tòa nhà của trường, vườn tược, nhà cửa trong làng, và xa hơn là những ngọn đồi chạy đến tận chân trời. Tôi mơ ước được leo lên những ngọn đồi ấy.
Thế giới trong nhiều năm qua của tôi bị giới hạn ở trường Lowood, những kinh nghiệm của tôi cũng bị hạn chế ở luật lệ và hệ thống. Bây giờ thì tôi biết rằng thế giới rộng lớn lắm, rằng hạnh phúc và lo sợ cũng đổi thay. Cảm xúc và sở thích đang chờ đón những kẻ nào đủ can đảm để xông vào cuộc đời bao la, sẵn sàng để tìm kiếm khôn ngoan và kiến thức trong vô số hiểm nguy của cuộc sống.
Tôi muốn tự do. Vào một buổi chiều, chán nản với lề thói tám năm ở đây, tôi thấy mình cần thay đổi cuộc sống, cần phải sống sinh động hơn. Nếu phải kiếm sống, ít ra tôi cũng phải tìm kiếm ở những vùng mới mẻ hơn quanh đây. Đêm đó tâm trí tôi cứ bận bịu với vấn đề ấy, và trước khi đi ngủ, tôi đã quyết định- Tôi sẽ gởi thơ đăng báo địa phương để tìm việc làm.
Hôm sau tôi dậy thật sớm. Tôi viết quảng cáo và đã sẵn sàng để gởi báo thì chuông reo báo giờ học. Bài tôi viết như sau:
"Một thiếu nữ quen nghề dạy học (tôi đã dạy hai năm chứ sao) tìm chỗ dạy ở tư gia có trẻ dưới 14 tuổi (vì tôi 18, tôi nghĩ là chúng phải đừng gần bằng tuổi tôi qúa). Có khả năng dạy những môn phổ thông của một nền giáo dục Anh tốt, cũng có khả năng dạy tiếng Pháp, dạy Vẽ và dạy Âm nhạc. Địc chỉ: J.E. C/o Bưu điện, Lowton."
Sau khi gửi đến báo địa phương, tuần lễ trôi qua rất lâu. Tôi định chờ một tuần rồi sẽ đến bưu điện. Lowton để hỏi có thư trả lời cho mục quảng cáo của tôi không. Cuối cùng tôi đi bộ hai dặm đường vào một buổi chiều nghỉ dạy, để hỏi văn phòng bưu điện thử có thư nào gửi cho J.E không.
Có, một cái. Tôi nhét vào túi và vội vã quay về trường.Luật lệ buộc tôi phải quay về trường đúng giờ cũng như những nhiệm vụ khác đang đợi tôi. Hôm ấy đến phiên tôi: ngồi với học sinh suốt giờ học, đọc kinh và cho học sinh ngủ trước khi ăn tối với đồng nghiệp. Có rất ít thì giờ để làm việc riệng trong ngày trực lắm.
Nhưng cuối cùng, khi giờ ngủ của mình đến, tôi mở thư ra đọc. Nội dung vắn tắt như sau:
"Nếu cô J.E đủ điều kiện về tư cách và năng lực thì có việc dành cho cô là dạy một cháu gái dưới mười tuổi.Llương là 30 bảng một năm, khỏi trả tiền ăn ở. Yêu cầu cô J.E gởi lý lịch tên, địa chỉ và đầy đủ chi tiết đến bà Fairfax, Thornfield Hall, gần Millcote."
Tôi đọc lui đọc tới cái thư nhiều lần thật kỹ. Thư viết tay, nét chữ xưa, cứng cáp, ra vẻ do một người lớn tuổi viết. Bà Fairfax! Tôi tưởng tượng ra một góa phụ đội nón, mặc áo dài đen, có lẽ vụng về một chút, nhưng không quê kệch -một mẫu người Anh đáng kính! E cũng phải gần Luân Đôn hơn chỗ tôi đang ở đến 70 dặm. Tôi biết đây là một thành phố kỹ nghệ trên bờ một dòng sông, rõ ràng đây là một nơi nhộn nhịp, và đây là một dịp để thay đổi cuộc sống. Thornfield có lẽ ở ngoại ô thành phố.
Ngày hôm sau, tôi vạch ngay kế hoạch. Tôi phải gửi đơn lên Hội đồng quản trị để xin nghỉ việc, và yêu cầu họ cấp giấy xác nhận công tác. Khi cô Hiệu Trưởng mới nghe tôi nói tôi có khả năng có lương gấp đôi lương hiện tại, thì cô bằng lòng giúp đỡ tôi mọi cách, theo khả năng của cô hiện có. Có giấy phép thay đổi nhiệm sở cũng cần có ý kiến của Bà Reed, vì bà vẫn còn là người bảo trợ tôi cho đến lúc tôi được 21 tuổi. Bà trả lời ngắn gọn. Bà viết như sau:"... tôi cứ làm theo sở thích. Đã từ lâu bà không muốn xen vào công việc của tôi nữa".
Cuối cùng, sau gần một tháng, Hội đồng quản trị nhà trường cấp giấy phép hợp pháp để tôi đi.Tôi gửi cho bà Fairfax một bảng nhận xét công tác(bảng nhận xét đánh giá cao công tác của tôi cả hai mặt giáo viên và học sinh), và không lâu sau, tôi nhận được phúc đáp của bà Fairfax báo rằng, bà rất hài lòng thấy tôi thích hợp với công việc bà mong muốn. Bà hẹn cho tôi hai tuần để tôi bắt đầu công việc của một nữ gia sư tại nhà bà.
Hai tuần trôi qua rất nhanh, và cái ngày cuối cùng tôi ở Lowood đã đến chóng vánh. Tôi gói ghém đồ đạc của tôi vào chính cái rương mà tôi đã mang đến tám năm về trước. Tôi phải đáp chuyến xe ở Lowton từ sáng sớm. Aó quần đã sẵn sàng, tôi cởi nón trùm đầu, cởi găng đeo tay, tôi nhìn vào các ngăn tủ để xem có quên gì không. Rồi tôi ngồi lại và cố nghỉ ngơi đôi chút.
Nhưng tôi vẫn nôn nao qúa. Một chương của cuộc đời đã đóng lại đêm nay, ngày mai, một chương mới sẽ mở ra. Tôi thơ thẩn trong hành lang như một bóng ma bất định, rồi có tiếng một gia nhân gọi:
- Cô Eyre! Có người ở dưới muốn gặp cô.
Vừa chạy xuống cầu thang tôi vừa nghĩ:"Chắc là người đến mang rương cho mình".Trong phòng giáo viên, tôi thấy một người đàn bà dễ coi, tóc và mắt đều đen. Chị vội đứng dậy và hỏi tôi:
- Chào cô Jane, cô chưa quên tôi chứ?
Thoáng cái, tôi nhận ra, tôi ôm chầm lấy chị và nói lớn:
- Chị Beesie! Ôi, Chị Bessie!
Cả hai chúng tôi bước đến bên lò sưởi của phòng khách, ở đây có một đứa bé khoảng 3 tuổi đang đứng. Chị Bessie hãnh diện nói:
- Cháu Bobby của tôi đấy. Tôi lấy anh lái xe ở Gateshead. Anh là Robert Leaven, tôi cũng có một cháu gái nữa. Tôi đặt tên cho cháu là Jane.
Khi chúng tôi ngồi xuống, có rất nhiều chuyện để nói và để nghe về gia đình Reed.
- Cô nhỏ con qúa, cô Jane à! Cô Eliza cao hơn cô, còn cô Giorgiana thì gần gấp hai cô. Hai cô đều đẹp nhưng lại thường hay gây gổ nhau. John Reed là một thanh niên vô tích sự. Các ông cậu của cậu ta muốn cậu ta học luật, nhưng chẳng có gì hết!
- Còn Bà Reed?
- Bà ấy cũng khỏe mạnh, nhưng tôi cho là bà lo lắng lắm.Tư cách của John khiến bà lo ghê gớm- cậu ta phung phí tiền bạc.
- Bà ấy cho chị đến tìm tôi à, chị Bessie?
- Không đâu. Từ lâu tôi đã muốn đến thăm cô. Rồi khi nghe cô có gửi thư và biết cô sắp đi chỗ khác, tôi quyết định phải đến thăm cô trước khi cô đi.
- Tôi e chị thất vọng về tôi, chị Bessie à.
- Không đúng đâu, cô Jane ạ! Cô trưởng thành rồi, nhưng tôi chắc trường này không cho cô ăn uống đầy đủ. Tôi nhớ ra, hồi còn bé, cô cũng không được đẹp lắm!
Tôi mỉm cười không đáp. Tôi biết đó là lòng chân thật, nhưng ở tuổi mười tám, người ta thường muốn được vuốt ve, cho nên tôi cảm thấy hơi thất vọng.
Bessie nói:
- Tuy nhiên, tôi tin chắc cô rất khéo léo, cô chơi dương cầm được chứ?
Có một chiếc ở trong phòng. Bessie bước tới mở nắp ra, yêu cầu tôi ngồi chơi một bản.Tôi đàn cho chị nghe một hay hai bản valse gì đấy. Chị vui sướng lắm. Chị bảo:
- Các cô Reed không đàn được như vậy đâu, thật đấy! Tôi luôn nói rằng cô sẽ giỏi nhất mà. Cô vẽ được chứ?
Tôi đáp:
Bức trên tường là tranh của tôi vẽ đấy.Đó là một bức phong cảnh vẽ bằng màu nước, tôi đã tặng cho cô Hiệu trưởng.
- Sao, đẹp qúa cô Jane à! Bức tranh đẹp như những bức do các nhà danh họa đã vẽ treo ở nhà bà Reed vậy. Thế cô có học tiếng Pháp không?
- Có, chị Beesie ạ! Tôi đọc được, nói được.
- Cô cũng thêu may được chứ?
- Được.
- Thế là cô đảm đang lắm rồi.Cô Jane à! tôi đã nghĩ cô sẽ thế mà. Cô sẽ giỏi cho dù bà con có quan tâm đến cô hay không.Có việc này tôi muốn hỏi cô. Có khi nào cô nghe nói đến gia đình của ba cô không?giòng họ Eyre ấy mà?
- Không, chẳng bao giờ.
- Vậy tôi phải nói cho cô biết. Cô còn nhớ bà Reed thường nói bà con cô nghèo và bị khinh khi không? Có thể là họ nghèo đấy, nhưng tôi tin là họ đã sinh sống hẳn hòi như những người trong họ Reed vậy.Một hôm cách đây bảy năm, có một ông tên Eyre đến Gateshead và muốn gặp cô.
- Một ông tên Eyre đến tìm tôi à, chị Bessie? Ông ấy ra sao?
- Rõ ràng ông ta là một người qúy phái. Tôi tin chắc ông ta là chú ruột của cô. Bà Reed bảo cô đi trọ học xa mười lăm dặm, và ông ta tỏ ra thất vọng. Ông sợ trễ tàu, vì tàu sẽ nhổ neo trong một hai ngày tới.
- Ông ấy đi đâu, chị biết không?
- Đến một hải đảo xa hàng nghìn dặm, ông làm rượu nho ở đấy, tôi nghe...
Tôi gợi ý:
- Madeira phải không?
- Vâng, đúng đấy, đúng cái tên ấy đấy.
- Rồi ông ấy đi mất?
- Vâng, ông ấy không ở lại lâu trong nhà. Bà Reed rất ngạo mạn với ông. Sao này bà gọi ông là " đồ thương gia trộm cướp". Tôi chắc ông là người buôn rượu nho.
Tôi đáp:
- Đúng đấy, hoặc có thể ông là nhân viên đại diện cho một thương gia.
Beesie và tôi nhắc lại chuyện cũ cho đến khi chị ấy phải về. Sáng hôm sau, tôi gặp lại chị mấy phút, khi chúng tôi chia tay nhau. Mỗi người đi một ngả. Chị đi về Gateshead, tôi đáp xe đi Thornfield để nhận nhiệm vụ mới.