Thời Hải Ngoại
Chương Mười lăm

Chương 14 đã ghi lại một giai đoạn trong cuộc đời soạn nhạc của tôi, gọi là giai đoạn Hoàng Cầm Ca. Một đoạn dài của chương này, dưới nhan đề Hoàng Cầm Trong Tôi, vào năm 1985, đã được gửi về Hà Nội cho nhà thơ họ Hoàng. Anh bạn già đã hồi âm như sau:
Duy,
Nhờ anh Bùi Duy Tâm và Quế Hương, tao mới thực sự đọc được lòng mày trên vài trang thư. Cái ''Hồi Ký Hoàng Cầm Trong Tôi'' ấy tao đã đọc từ tháng Tư vừa rồi. Đưa mấy bạn già biết cả tao lẫn mày, xem, họ đều cảm kích vì tình bạn gần 40 năm của hai thằng nghệ sĩ đã sắp đi vào cõi hư vô. Nói thế thôi, chứ cũng phải kiêu hãnh nhận thấy rằng ít nhiều hai thằng cũng có góp vào cõi hư vô vô biên ấy một chút gì gọi là cái hằng số tồn tại của Nhân Bản để sau này chí ít cũng còn đôi ba người nhớ đến, hát đến, đọc đến mà thêm được năng lượng sống của con người mà thêm thương yêu nhau, gắn bó hơn vào nhau nhau, những con vật tối linh trên mặt quả đất này, những vật vốn dĩ cũng mong manh không hơn những bong bóng sà phòng thuở bé sinh ra từ cái cọng rơm hay ống rau muống. Mày nói lúc này là lúc êm êm chờ chết, đá đít tất cả rồi, ừ, thế là phải và cần như thế. Cõi Phật thì người ta gọi thế là vào cõi Thiền rồi. Nhưng chắc không?
Như vậy là vào năm 1985, Hoàng Cầm và những người bạn già của chúng tôi ở Hà Nội (có thể là các ''cụ'' Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Dạt v.v...) đã đều cảm kích vì đọc thấy trong bài viết (bài Hoàng Cầm Trong Tôi), mối tình bạn gần 45 năm của hai thằng nghệ sĩ đang sắp đi vào cõi hư vô...(theo lời viết trong thư Hoàng Cầm). Tôi rất vui, vì thấy rằng: trước khi đá đít cuộc đời - hay bị cuộc đời đá đít - tôi đã có dịp mở tấm lòng mình ra với thằng bạn ở nơi không gian xa tít và sau một thời gian tưởng như vô tận.
Rồi cuộc đời đẩy đưa tôi thênh thang trên đường hát rong, hát dạo... cho tới năm 1992, đối với tôi, loại Hoàng Cầm Ca đã đi vào dĩ vãng. Những bài ca đầy ẩn ngữ này, khó hiểu hay dễ hiểu, nhạc dở hay nhạc hay, đã chẳng còn được ai nghe và cũng chẳng còn được tôi hát nữa, ngoại trừ bài ca ái tình của tuổi 60 hay 70, bài Tình Cầm còn thỉnh thoảng văng vẳng trong thinh không hải ngoại...
Thế nhưng chuyện ''lá diêu bông'' bây giờ bỗng nhiên được nổi tiếng như cồn qua một bài hát từ trong nước tung ra hải ngọai, bài này chắc chắn đã lấy hứng từ những bài thơ trong tập Đường Về Kinh Bắc hay qua những Hoàng Cầm Ca. Đó là bài Sao Em Vội Lấy Chồng của Trần Tiến.
Ở hải ngoại, con trai tôi (Duy Quang) là người đầu tiên thu thanh bài hát này vào băng nhạc. Tôi không hiểu - và cũng chẳng cần hiểu - có phải vì bài Lá Diêu Bông của tôi soạn ra từ 7, 8 năm về trước, mà bây giờ đã có thêm Trần Tiến phụ giúp tôi trong việc vinh danh một nhà thơ bị bỏ quên hay không?
Có một lúc bài Hoàng Cầm Trong Tôi được đăng trên nguyệt san HỢP LƯU, coi như là một chương trong cuốn HỒI KÝ thứ tư mà tôi đang hoàn tất...
Thời gian qua đi... Một ngày mùa Thu năm 1992, tôi được anh em văn nghệ ở cả trong nước lẫn ngoài nước cho tôi biết là Hoàng Cầm đã gửi một lá thư cho báo HỢP LƯU, phê bình tôi rằng tôi đã cho vào Hoàng Cầm Ca những ý định không phải là của thi sĩ. Ông đã cho rằng tôiđã trông gà hoá cuốc, nhìn hoa trong rừng khuya...
Tôi hiểu ngay vì sao lại có chuyện này... Chẳng cần suy nghĩ gì cả, tôi gửi ngay cho anh bạn thơ một lời xin lỗi công khai, cũng đăng trên báo HỢP LƯU, số đặc biệt về Văn Cao... Nhưng tôi cũng phân trần rằng: trong vấn đề văn nghệ, nếu tác giả có quyềntự do sáng tác thì độc giả cũng có quyền tự do cảm nhận... Tôi xin lỗi Hoàng Cầm vì đã chót nhìn anh như một nhà thơ hiên ngang...[...] tưởng đó (thơ ẩn dụ của H.C) là những mặt trời mọc trong đêm khuya...
Để yên lòng mọi người, từ đó tôi không nhắc tới những bài hát tuyệt vời này với bất cứ ai ở trên đời này nữa... Thản hoặc, khi có một vài người thấy chuyện tình và nghĩa của cái lá diêu bông kỳ diệu đã xẩy ra như thế giữa tôi và Hoàng Cầm, họ an ủi tôi, họ vỗ về tôi... thì tôi đã tâm sự rằng:
Trong một đoạn đời u uất, nặng nề của kiếp ca nhân trên đường lữ thứ, tôi đã được cứu rỗi bằng những hình ảnh lá diêu bông, vườn ổi, cỗ bài tam cúc, con bê vàng lạc mẹ, con chim cu ngồi gù rặng tre, con chim vành khuyên nhớ tổ, con cá đòng đong đã nhắm mắt ngủ vùi... của người bạn thi sĩ mang tên Hoàng Cầm...
Chính những hình ảnh chan chứa tình quê của nhà thơ này mà ngay đầu thập niên 80, tôi đã tìm lại được hứng thú trong sáng tác và đã nuôi ý định sẽ sớm hay muộn trở về nơi quê cha đất tổ. Do đó khi hoàn tất HỒI KÝ 4 này, tôi vẫn cần giữ lại chương sách đã viết về Hoàng Cầm Ca.
Tiếp tục ca hát cho đời, trên hành trình nghệ thuật, tôi rời bỏ Hoàng Cầm Ca để soạn:
1.- Mười bài rong ca với nhan đề Người Tình Già Trên Đầu Non để hẹn ngày về vào năm 2000, trong đó có bài Mẹ Năm 2000 với lời khuyên nhủ rằng: tất cả người Việt nên biết hối lỗi, phải xúm xít lại rồi giải cứu cho người... Người đây là Mẹ Việt Nam đấy!
2.- Đồng thời, tôi sửa lại nội dung và hình thức của một tổ khúc tôi đã bỏ dở gần 15 năm trời, để cho bầy chim bỏ xứ có ngày hồi xứ, chim dữ thì đi giữ biên cương, chim hiền thì đi xây tổ ấm...
3.- Sau đó ít lâu, tôi soạn tiếp mười bài thiền ca đi kèm với mười bài đạo ca... rồi còn soạn thêm trưòng ca Hàn Mặc Tử để xây lại đời sống tâm linh của chúng ta, từ lâu đã phiêu bạt hay mất tích rồi...
4.- Cuối cùng tôi mời tất cả mọi người tới với nhau để cùng nhau tự tình trong một bức tranh vĩ đại, bức Minh Họa Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Cuộc đời trôi di, trôi đi... Thỉnh thoảng, Kiều Loan đem vở KIỀU LOAN tức NGƯỜI ĐIÊN mà Hoàng Cầm soạn ra từ năm 1945 và những bài thơ kháng chiến của anh để tổ chức những buổi Ngâm Thơ hay Kịch Thơ, khi thì ở San José, khi thì tại Westminster hay Houston... Tôi đều tham gia để cho những buổi văn nghệ này thành công hơn về phương diện tài chánh.
Chuyện Hoàng Cầm Trong Tôi tưởng đâu đã hết. Năm 1993, bỗng nhiên Hoàng Cầm gửi cho tôi bản thảo một bài viết của anh nhan đề Phạm Duy Trong Tôi.
Bài này sẽ mang cái tên ĐƯỜNG TA TA CỨ ĐI, nằm trong cuốn sách HOÀNG CẦM - VĂN XUÔI và đã được nhà xuất bản VĂN HỌC ở Hà Nội ấn hành vào tháng 11, 1999.
Đường Ta, Ta Cứ Đi
Nhớ bạn nhạc sĩ P.D
Người trẻ tuổi đãng tử ấy đi phơi phới trong mầu xanh núi rừng Việt Bắc. Anh chàng vứt bỏ cái vét tông rẻ tiền ở Hà Nội phù hoa đổi lấy bộ quần áo chàm. Với cái ca lô đội lệch, vàng xỉn, chả biết được của ai, dáng vẻ lẳng lơ, và cái ba lô con cóc, đôi giày ba ta đã hơi hơi há mõm, trông đúng cậu công tử Hà Nội nhà nghèo, vì thích ca hát, mê đời tự do, bỏ nhà đi hát rong. Anh chàng hát rong dễ dàng hòa nhập với những ngày tháng đầu tiên - còn rất lãng mạn - của cuộc chiến chống thực dân Pháp.
Kìa đoàn người đi lang thang trên đường gian nan
In hình qua mây núi xanh lơ bát ngát
Lúc chiến đấu xa nhà nhịp theo nguồn sống mới
Người vui đời giang hồ... nơi miền quê. (PD)
Một ngày giữa năm 1947 - Tôi và vợ tôi, Tuyết Khanh, đang còn ngơ ngẩn tiếc những đêm diễn kịch thơ Kiều Loan ở Nhà hát thành phố bị đứt đoạn vì những trò khiêu khích của của bọn mũ nồi xanh, lính của tướng Leclerc, hai vợ chồng đã xông lên một vùng rừng đang rất xa lạ với mình, nhập luôn vào Vệ quốc đoàn chiến khu 12, rồi mầy mò tìm bạn, thành lập ngay một đội văn nghệ tuyên truyền, có thể gọi là đội Văn công đầu tiên của Quân Đội gồm mười một anh chị em, 3 nữ 8 nam kể cả một cậu y tá với túi thuốc nghèo nàn cứ khăng khăn xin với ông Lê Quảng Ba, chỉ huy trưởng quân khu, được đi theo đội văn nghệ để trông nom sức khoẻ cho mọi người nay đây mai đó, đến với từng trung đội, đại đội Vệ quốc quân, dân quân, du kích khắp bốn tỉnh Bắc Ninh, BắcGiang, Hải Ninh, Lạng Sơn để biểu diễn đủ loại kịch ngắn, kịch cương, ngâm thơ, hát tốp ca, đơn ca, múa vài ba điệu dân dã đã học được của đồng bào miền xuôi, miền ngược. Tóm lại là một tốp nhỏ anh chị em hăng hái và sôi nổi phục vụ một cuộc ''trứng chọi với đá'' thực kì thúc trong lịch sử một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục, giặc to đến đâu, sức mình bé đến mấy cũng đánh, mà đã đánh là phải thắng. Hồi đầu ấy, những ''tiết mục'' rất xoàng xĩnh, thậm chí có khi ngô nghê nữa, mà sao các anh nông dân mặc áo lính còn chưa đọc thông viết thạo lại say sưa thưởng thức đến thế! Nửa đêm nay tiểu đội A đi phục kích ư? Trung đội C đi quấy rối địch ư? Chập tối họ vẫn được nghe ngâm thơ sang sảng...
Đêm liên hoan, bạn ơi, đêm liên hoan
Đầu nhấp nhô như sóng biển ngang tàng
Tôi muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ quốc đoàn.
(Đêm Liên Hoan, thơ H.C)
Nhiều khi họ lại ''đồng ca'' luôn theo đội văn nghệ:
Đường ta ta cứ đi
Nhà ta ta cứ xây
Ruộng ta ta cứ cầy
Đợi ngày...
Say sưa, họ còn vỗ tay theo điệu hát:
Ngày mai ta tiến lên
Diệt tan quân Pháp kia
Cười vui ta hát câu tự do...
(Nhạc Tuổi Xanh - PD)
Vào một buổi chiều cuối thu 1947. Trên đường đê sông máng đi từ đập Takun (riếng Pháp đặt thay Việt ngữ: tên gọi đập Tháp Huống) có 3 người, 1 quàng ghi ta,1 đeo ắccoócđêông, 1 cầm clarinette, ngơ ngác hỏi thăm chỗ đóng quân của Đội Văn nghệ tuyên truyền khu 12. Đó là anh P.D, Ngọc Bích, Ngọc Hiền, đang tìm về với đội văn nghệ của Hoàng Cầm sau khi Đoàn Kịch Chiến Thắng của các anh giải thể.
Tối hôm đó, trong căn nhà ấm cúng ven rừng Yên Thế, trong ánh sáng ngọn đèn măng sông,ông Lê Quảng Ba giới thiệu ba chàng văn nghệ này với tôi. � có gì lạ nhau đâu, P.D đây mà, với giọng nói cố làm ra vẻ trịnh trọng: ''Tôi ở trên Ban Văn Nghệ Trung Uơng, nghe tin anh Hoàng Cầm mới lập một đội văn nghệ lưu động, tôi và hai bạn tôi đây nhất quyết về với các bạn khu 12, vì toàn là trẻ trung cả.''
Rồi qua cặp kính trắng rất tài tử, P.D chớp chớp đôi mắt lẳng lơ nhìn các nữ nhân viên trẻ đẹp của tôi: Tuyết Khanh, Thúy Nga, Kim Oanh đến nỗI cả ba cùng ngượng nghịu, đưa mắt nhìn nhau, tủm tỉm. Tôi với P.D quen biết nhau từ sau Cách mạng tháng Tám. Chỉ biết qua loa về gia cảnh anh, hình như có chuyện éo le gì đó. Mới 16 tuổi đã bỏ nhà đi theo những bậc đàn anh như Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Đàm Quang Thiện, học được cách ghi xướng âm và những điều cơ bản về âm nhạc,chẳng bao lâu tài năng bộc lộ, anh chịu khó chắt lọc, sử dụng tinh hoa dân ca miền Bắc. Vốn thông minh, học một biết hai, anh đã có thể đi đàn ở các tiệm nhẩy để mưu sinh. Vốn là một cậu con trai dòng dõi văn hoá nghệ thuật lại sớm đa tình, miệng cười rất có duyên. tán chuyện với những cô gái cũng rất hóm hỉnh, quyến rũ, nên anh chàng bảnh trai này sớm có những chuyện dập dìu yến oanh. Sẵn có một trái tim đa cảm, nhiều cánh vỗ vào bầu trời lãng mạn, vào không khí trữ tình, vào cả gió bão thất thường của những năm thế chiến mà xứ sở Việt nam không thể không bị cuốn vào cơn khói lửa hỗn độn, anh chửa bao giờ ở lâu một chỗ, tuổi trẻ của anh bềnh bồng gió Bắc mưa Nam, và ánh sáng nhấp nháy của những đô thị náo động cũng cuốn anh vào những xập xình của cuộc sống phồn thực mà khoái cảm là một phương thuốc hiệu nghiệm để trốn chạy thực tế bão táp phũ phàng. Nghèo, nhưng mang cái máu của thi sĩ Tản Đà đã thú nhận: ''Giang hồ mê chơi quên quê hương'', anh chỉ khác Tản Đà ở chỗ tâm hồn không neo vào một bến quê nào nhất định, hồn anh từ 16 tuổi đã phiêu bạt và phiêu diêu với nhiều đam mê lắm khi chao đảo, anh không lúc nào muốn buộc mình vào một sợi dây vướng víu, kể cả sợ dây tơ tình đẹp nhất, anh cũng chỉ choàng lên cổ tự ngắm vuốt, tưởng như thích thú lắm, nhưng rồi chỉ mấy ngày bướm đậu rồi bướm lại bay thôi, anh có thể bứt đi mà tiếp bước giang hồ nhẹ tễnh.
Tôi rất thích khi có bộ ba ''xe pháo mã'' ấy, một bộ ba hồng mà P.D là cây xe không lúc nào muốn dừng bánh. Từ cuối năm 1947 ấy các anh đã thành cô panh (bạn chia nhau từng mẩu bánh) của tôi. Ngọc Bích thì vui tính thường viết những bài hát vui, giản dị cho bộ đội dễ thuộc. Ngọc Hiền ít nói hơn nhưng với chiếc kèn clarinette lắm lúc cứ nỉ non thiết tha như mời gọi, anh lại hóm hỉnh, lúc nói chuyện đã pha trò là có duyên ngay.
Riêng P.D, trong khoảng 13 tháng sát cánh bên nhau thì tôi cần phải nói rằng có anh trong đơn vị, người tôi như mọc thêm cánh. Đóng quân ở đâu độ bốn năm ngày là anh sốt ruột ngay, lúc nào anh cũng ham cảnh vui, người lạ, những cuộc ''kỳ ngộ'' trên đường rừng, lối mòn Thái Nguyên - Lạng Sơn - Bắc Giang - Đồng Mỏ rồi Phố Bình Gia - Văn Mịch, rồi từ Sông Thương đến sông Kỳ Cùng, từ đèo Nong ''nghìn thước lên cao, nghìn thước xuống'' (Quang Dũng) tới đất cụ Đề Thám với xứ sở Cai Kinh, đèo Dồng Mỏ thấp hơn nhưng lại tình tứ hơn vì trên đỉnh đèo có mấy quán cà phê, trướng, sữa, bán cả phở bò, cháo gà mà chủ nhân là mấy chị em người thành thị tản cư, áo phin nhuộm nâu, quần lĩnh tía, vẫn còn thiết tha cái ''dáng kiều thơm'', chưa quen nỗi truân chuyên trong khói lửa loạn li.
Tôi thường chiều ý P.D, vì biết cứ xê dịch luôn, có cảnh đẹp lạ mắt, có những cô gái xinh tươi thì thể nào P.D cũng bật ra được những giai điệu say mê, trữ tình, mặc dầu đề tài nhiều bài ca nổi tiếng của anh không phải là chuyện tình nam nữ hoặc chuyện xa cách nhớ nhung, thở ngắn than dài như một số ca khúc buồn trước cách mạng. Tôi cứ chuyển quân liên miên, nay đơn vị A, mai sang đơn vị B, nay vừa biểu diễn ở Nhã Nam, mai đã sang Bố Hạ, ngày kia đã tưng bừng tiếng ghi-ta thánh thót trong đêm lạnh chân núi Mẫu Sơn, rồi chỉ vài hôm sau, đội của tôi đã hát vang trong bóng núi Chi Lăng, nơi gần 600 năm về trước, tên giặc Liễu Thăng chết gục dưới mũi kiếm của đoàn quân do Bình Định Vương Lê Lợi chỉ huy và thiên tài Nguyễn Trãi bày mưu tính kế. Có thể nói chúng tôi đi không biết mỏi. Ngày đi, tối biểu diễn, có khi trên sàn nhà đồng bào Tày, có khi đốt lửa trong hang đá lạnh thấu xương hát cho tiểu đoàn của anh Thế Dũng vừa thắng trận Bông Lau trở về. Thường những đêm hát như thế, đội văn nghệ chúng tôi, đặc biệt là P.D tha hồ mà thưởng thức loại cà phê thượng thặng và hút thuốc lá ''Craven A''cao cấp trong số chiến lợi phẩm mới thu về.
Sáng ra lại xuất quân - P.D mê man đi, vừa đi vừa lẩm nhẩm thầm thì sáng tác thì chợt đến khi bắt được một giai điệu đẹp, tha thiết, là anh ngồi ngay xuống tảng đá bên đường, lấy bút giấy ra ghi. Nếu chỉ qua một đoạn đường mà xong được một bài, anh lập tức kêu tôi và các bạn dừng lại, túm tụm trên vệ cỏ, nghe anh hát:
Đường Lạng Sơn âm u (ù u)
Gà bình minh êm ru (ù u)
Vẳng nghe thấy tiếng súng trong sương mù
Đường Thất Khê bao la (à a)
Rừng núi ta xông pha (à a)...
...........
Thường những lúc như thế, nhân thể tôi cho toàn đội nghỉ, tìm một xóm nhà dân nào đó gần nhất, xin trú quân, thổi cơm ăn, đồng thời bảo mấy tốp ca học thuộc ngay vài hát anh vừa hoàn thành. Cứ như vậy, toàn đội, đặc biệt là P.D đã truyền cho tôi sức mạnh dẻo dai để vừa đi vừa sáng tác. Ghi ngay thành thơ hoặc chủ đề kịch ngắn, những cảm xúc, những ý tứ bất chợt loé lên trong tôi. Sáng tác đến đâu, biểu diễn luôn đến đó, anh chị em lại động viên tôi say sưa với nhiệm vụ của người đội trưởng tháo vát, biết tổ chức đời sống, chỉ đạo phương hướng làm việc, đạt hiệu quả cao nhất trong các đơn vị bộ đội đóng rải rác khắp bốn tỉnh và trong các làng bản mà nhân dân tuy chưa hiểu kháng chiến được bao nhiêu, nhưng do những lời ca tiếng hát nên đã yêu mến và hết lòng ủng hộ bộ đội, nuôi chiến sĩ và làm nghĩa vụ với chiến trường. Chỉ trong vòng chưa đầy 12 tháng, P.D đã liên tục sáng tác hàng chục ca khúc, có nhiều bài chỉ hát đôi ba lần. bộ đội đã thuộc lòng, chúng tôi còn phân công dạy hát cho các đơn vị từ trung đội đến trung đoàn và cả nữ dân quân, dân công tải đạn, cáng thương bệnh binh. Gì chứ về cái công việc đi sâu, đi sát vào đời sống chiến sĩ này thì P.D hăng hái, sôi nổi nhiệt tình số một, vì bất cứ ở đâu có nhiều chị em, D cũng thầm thì cho đội trưởng biết: cô kia có đôi mắt đẹp quá,chị này thật lẳng lơ, cô nọ sao lại có nụ cười quyến rũ thế kia. Tôi cũng thừa biết cái thú say mê ấy của D đã đẩy ngòi bút xúc cảm của anh ghi nhanh nhiều giai điệu nồng nàn uyển chuyển, với 1ời ca thắm thiết, với bao nốt nhạc khí phách hào hùng hay hào hoa phóng khoáng nữa kia, nên bao giờ tôi cũng đồng tình với D về một loại công việc mà D thường nói đùa là ''việc sinh sự, sự sinh'' ấy.
Tôi nhớ mãi môt chuyện ở phiên chợ Bó Tuổng, dưới chân đèo Đồng Mỏ, có ba chị em người Nùng thấy P.D ngồi ở một cái quán nước tay đàn miệng hát. Thế là các cô cứ xán đến, rất bạo dạn, kéo vai áo anh nhạc sĩ đẹp trai này và ân cần, nài nỉ mời anh và cả ''đồng chí chỉ huy nữa vớ!'' về nhà chúng em chơi đi, gần đây thôi vớ, đàn hát cả đêm nay đi, hay 1ắm vớ. Pì noọng chúng em thích bộ đội đàn hát lắm đấy mà! P.D nháy mắt với tôi như muốn bảo: đội trưởng đồng ý chứ? Chuyến công tác ấy, vợ tôi vì có thai đã được 6 tháng, cấp trên bắt tôi phải để vợ nghỉ an dưỡng trong một quân y viện ở huyện Hữu Lũng, do vậy tôi cũng được rảnh rang hơn, nhưng trước sự mời mọc quá tha thiết, ân cần của ba cô gái người Nùng tôi phân vân do dự, bối rối vô cùng. Ngày hôm ấy chúng tôi côn phải đi gần 20 cây số nữa đến điểm hẹn biểu diễn phục vụ một Trung đoàn sẽ có mặt của ông Lê Quảng Ba, ông Phan Phúc Tường, Chính ủy Quân khu và nhiều cán bộ đang chuẩn bị những trận đánh lớn dọc quốc 1ộ số 4, một con đường chiến lược huyết mạch của địch nối liền từ Quảng Ninh lên đến Cao Bằng. Ông Quảng Ba đã có liên lạc hẹn trước với tôi rồi. Không thể về nhà ba cô gái kia được.
Bây giờ đã gần 9 giờ sáng, chơi chợ một lát rồi phải đi ngay, chiều đến nơi, ăn cơm xong, nghỉ một chút là biểu diễn luôn. Vậy rẽ ngang mà du hí thế nào được. Hồi đó tuy quân phong quân kỉ còn sơ sài, kỉ luật cũng chưa chặt chẽ lắm, nhưng tôi rất lo trách nhiệm của minh, không thể làm lỡ việc của anh Ba, để bộ đội phải chờ đợi văn công. Tôi khăng khăng từ chối. P.D cố thuyết phục năm lần bay lượt, thì thầm những lời đường mật ''Bô đội vẫn ở đây, không xem hôm nay thì mai, có sao đâu. Chứ đã lên đây, không ở chơi với gia đinh đồng bào Tày Nùng lấy một ngày, với ba cô bé xinh đẹp của xứ Lạng thế này, tao thấy tiếc, tiếc lắm. Đồng ý đi mày, mai anh Ba có phàn nàn gì, mày cứ bảo tao bị sốt rét dọc đường, là được''.
Tôi càng bối rối vì trong tôi: trách nhiệm và thích thú cá nhân đã giằng co nhau mãnh liệt, lại phải cái tính cả nể, nên có lẽ mặt mũi tôi lúc đó chắc là trông buồn cười lắm. Rồi cả ba cô, tiếp đến chín, mười cô và dễ thường đến một nửa cái chợ Bó Tuổng ấy mỗi lúc một xúm đông quanh chúng tôi và P.D. Họ cũng đoán tôi là ''cấp chỉ huy'' gì quan trọng lắm đấy, nên các cô gái cứ vây lấy đồng chí chỉ huy à! Về nhà chúng em vui lắm vớ! Trừ có vợ chồng nhạc sĩ Văn Chung là không có ý kiến gì, còn hầu hết anh chị em trong của tôi đều tán đồng với anh chàng đầu tầu P.D:
- Nên đi cho biết anh Cầm ơi! Bộ đội thì quen quá rồi còn đồng bào miền núi, mình đã biết gì lắm đâu! Đồng ý đi, anh đội trưởng! Cuối cùng tôi cũng đành nhượng bộ và quả thật, từ lúc đến nhà ba cô, cuôc vui thật là ''đầy tháng'' (tuy chỉ có nửa ngày, và một đêm) và ''trận cười suốt đêm'' (Nguyễn Du).
Sáng hôm sau, lúc chia tay với gia đình ấy trông D ỉu xìu: dùng dằng mãi, không quàng nổi cái dây đàn lên cao, còn riêng tôi khi xuống cái cầu thang nhà sàn, sóng đôi với cô chị lớn tuổi nhất ra đến đầu ngõ, tôi cảm thấy hồn mình đã bị ai buộc chặt vào cái cột nhà sàn mất rồi, chỉ còn cái xác vật vờ, chệnh choạng mà vào phút cuối cùng chia tay với cô chị (tôi còn nhớ tên là Ché Mai và tên cô bạn của P.D hôm ấy 1à Ché Cẩm) Ché Mai níu chặt cánh tay tôi, đưa vạt áo chàm lên lau nước mắt, tôi thì nghèn nghẹn, không nói được gì, nước mắt cứ ứa ra, nhòe hết núi đá, rừng cây và con đường đá trắng quanh co trước mặt.
Khổ! Cái anh chàng P.D này, đúng y hệt mình thôi, cứ đến ''chuyện ấy'' tưởng được vui hóa ra lai chuốc lấy cái sầu li biệt. Với D nó cũng nhẹ thoang thoáng qua thôi, chứ với tôi, cuộc chia tay ấy nặng như núi đá và cứ xanh thẫm cái mầu chàm quái ác và dùng dằng mãi đến khi kết thúc công tác phiá Lạng Sơn, về xuôi rồi thậm chí đến hôm nay nữa, khi ngồi viết ra mấy trang hồi ức này tôi vẫn không nguôi nỗi nhớ.
Quả vậy, tôi rời cái bản của Ché Mai, nặng 1òng bao nhiêu thì khi ra đến mặt đường tỉnh từ Đồng Mỏ lên Phố Bình Gia, P.D lại phơi phới bấy nhiêu. Anh ta vẫn nhẹ tênh cái hồn say sông núi, cỏ cây xứ Lạng. Rồi mấy anh trong đoàn lại vừa đi vừa hát, nhiều khi làm thơ kiểu ''nối đuôi'' nhưng bắt buộc một câu bẩy chữ phải cùng một âm cốt, ví du: Đường đá đưa đoàn đi đến đâu Để quên cái đoạn đường đá lởm chởm đang nhức gan bàn chân. Văn Chung xướng ra câu đầu tiên: ''Đường đá đưa đoàn đi đến đâu''. một lát P.D nói: ''Xa xa xam xám xuống sương sầu''. Tôi quên mấy câu do những Trúc Lâm, Ngọc Hiền, Ngọc Bích làm tiếp theo, riêng tôi là người làm thơ thì lại chẳng bật ra dược chữ nào vì đang lo việc về chậm nơi tập kết, và cứ nao nao nhớ Ché Mai.
Mới biết về chuyện ân tình nam nữ thì P.D khá nhẹ nhõm, anh ta như gió thoảng qua trên hoa lá, lẳng lơ tình tứ đấy mà quên ngay đấy, rồi ngọn gió ấy lại thổi tạt con bướm non sang chòm hoa lá khác. Có 1ẽ do cái bản chất tênh tênh ấy, mà càng lưu diễn qua nhiều nơi mới lạ thì anh lại càng sáng tác được nhiều chăng? Mà không biết có phải cũng vì thế mà phần lớn ca khúc anh viết ở Việt Bắc 1947-1948 đều như thiếu một khoảng gì (không cần sáng lắm) dể chạm chìm vào 1ồng người những nét suy tư sâu sắc? Bài nào anh viết ra đều nhẹ nhõm, dễ thuộc, cũng có thể nhớ lâu, nhưng nhớ lâu chưa chắc cùng một vần với nhớ sâu. Những tác phẩm của anh hồi đầu kháng chiến, tôi ít thấy cái da diết, thắm thiết đến khắc khoải như một vài ca khúc của Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao... Nhưng quả thật P.D lại người viết ca khúc được hầu hết các chiến sĩ bộ đội, cán bộ và thanh niên nam nữ khắp Việt Bắc lúc bấy giờ yêu mến nhất, nhắc nhở nhiều nhất, vượt xa các nhạc sĩ nổi tiếng khác cùng thời.
Đến khi cuộc sống kháng chiến đi vào chiều sâu thì anh đã không còn ở bên tôi nữa. Như con chim ưa tìm xứ lạ, anh đã bay đi còn để lại trong tôi một cái gì giống như tiếng sáo vi vu, giàn giụa tình nghĩa xóm quê xa với những nẻo đường cũng đã quá xa, tưởng chừng khó có khi gặp lại.
Muời ba tháng tròn bên nhau, ăn cùng một rổ khoai sắn, chia nhau từng cái bắp ngô nướng bếp nhà sàn, từng đọt măng mai măng nứa, đắp chung nhau cái chăn trấn thủ mỏng dính, hụt hẫng như ca dao của Lê Kim: ''Đắp dọc thì hở hai bên, đắp ngang thì lạnh như tiền cái chân...'' rồi cùng chia nhau cả những dây tơ tình vắt thoáng qua lướt nhẹ hai vai, rồi đến cả mấy bài hát sáng tác ngay bên cạnh tôi, anh cũng cho phép anh đội trưởng dốt đặc âm nhạc này được hoan hỉ nhập vào một tốp ca do anh bố trí người đàn người hát, ngược lại mấy bài thơ ''dài dòng văn tự'' của tôi (Đêm liên hoan, Bên kia sông Đuống, Tâm sự đêm giao thừa, Tiếng hát sông Lô) anh cũng xin tôi cho được ''đồng ngâm''. Tôi đã chia đoạn mỗi bài thơ ấy như để đối xướng và giao cho anh những phần có thể ngâm nhiều hơn doc. Anh thích ngâm thơ và cũng đã thành một ''cây ngâm thơ'' không phải hạng xoàng. Vậy thì tôi đã giúp gì được anh? Có lần trong chuyến đi công tác dọc tả ngạn sông Cầu, đi đường, một bên là P.D, một bên là vợ tôi, không biết từ đâu và do cảm hứng gì, thật bất ngờ tôi đột nhiên cất tiếng cao giọng ''hát'' trọn vẹn một bài thơ của Lưu Trọng Lư mà tôi rất thích:
... Ai có nghe tiếng hát chị đò đưa
mà không nhớ thương người quả phụ...
Nằm ấp bóng trăng thưa...
Tôi hát thật (hoàn toàn không phải ''ngâm'' như là ''nghề'' tay trái của tôi, mà càng là ''cao tay nghề'', ''nhà nghề'' lắm lắm, nghề ngâm thơ). Dầu chỉ là ngón sở đoản của tôi, P.D cũng rất thích rồi... ngược đời thật... P.D lại ''học hát'' ở một anh bạn "mít xoài" âm nhạc. Đầu tiên, chỉ là những trò chơi cho quên vất vả dọc đường, nhưng dần dà lại ngấm sâu vào cả tôi và anh. Tôi biết P.D say mê dân ca, anh luôn luôn lắng nghe và tìm hiểu để thụ nhập những lời ca điệu hát của biết bao trai gái quê Bắc Ninh, Bắc Giang, cả những anh chị người Tày, Nùng mà trong 13 tháng ấy anh luôn luôn được tiếp cận. Bởi thế nên lời thơ của dân ca xứ Bắc đã trở thành sinh khí trong các ca khúc P.D hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Chỉ cần một phẩm chất ấy trong các sáng tác của anh thời đó là đủ cho tên tuổi anh thành thân thiết với bộ dội và nhân dân từ Trung du lên đến biên cương phía Bắc. Từ khi chia tay với anh lần cuối vào khoảng sau tết âm lịch năm 1951, tuy xa cách, tôi vẫn nhận được nhiều tin về sáng tác của anh. Vào công tác ở khu Bốn dưới trướng Thiếu Tướng ''Mạnh Thường Quân'' Nguyễn Sơn, một ông ''nhà binh'' lại đam mê văn nghệ, P.D đã viết những ca khúc đặc sắc: v.v... chứa chan sắc thái miền Trung. Miền thuỳ dương bóng dừa ngàn thông - Thuyền ngược xuôi suốt một dòng sông dài... Chúng tôi nghe thấy rõ tiếng sóng bờ biển Quảng Bình, tiếng xao xuyến những đợt mưa ngàn, mưa núi Quảng Trị, thấy cả một bầu trời xanh, rất xanh mầu ''hai châu Ô Lý vuông nghìn dặm'' (Tản Đà) từ thuở Chiêm Thành, đã tưởng mất hút qua thời gian lặng lẽ và lạnh lùng. Phong vị dân ca quan họ đã theo anh vào nhiều ca khúc, đặc biệt là bài Khúc hát hành quân xa thì giai điệu, âm lượng âm sắc và tiết tấu nào có khác gì với bài thơ Lưu Trọng Lư mà tôi đã bất chợt hát trên đường hành quân bên bờ sông Cầu năm ấy?
Ai có nghe khúc hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Chờ con lúc canh khuya
Người con đã ra đi... vì nước...
(P.D)
Quan họ, dân ca miền Bắc, hò và dân ca miền Trung thấm vào người anh như nước tưới thấm nhuần cây cam cây bưởi, và anh đã trả lại cho đời những hoa ngát trái lành trên nền âm nhạc Việt Nam với già nửa thế kỉ những khúc ca đến nay còn bịn rịn vương vấn 1òng người. Rồi sau ngày giải phóng miền Nam, biết tin anh P.D đã đi xa, xa đất nước, xa quê, xa bạn, thú thật lắm khi nhớ anh, tôi cứ tiếc... càng tiếc và nhớ khi thấy hai đứa bạn trẻ ngày xưa, bây giờ tóc đã cùng ngả mầu sương tuyết. Gần nửa thế kỉ cách biệt giữa hai tấm 1òng tri ân, tri kỉ, không kể còn bao nhiêu cái éo le, truân chuyên của số phận mỗi người, hôm nay tôi cứ ước ao có một ngày nào chăng hai đứa ôm ngang lưng nhau đi bên hồ trả Gươm 1, mặt hồ ''xanh mầu cốm đậm'' 2, P.D và tôi tha thẩn cái tuổi ngoài bẩy mươi, tóc trắng bay nhịp với lá bàng rụng tím bên hồ, đi mà sống lại, nhớ lại một thời ngắn ngủi bên nhau, sóng nước gợn lăn tăn hình như đang se sẽ gợi một khúc hát nào của anh xa xưa. Có thể có ngày ấy không hỡi những Tình cờ và Hữu ý, hỡi những Hữu hạn và Vô hạn trên thế gian này?
Hà Nội - Tháng 12-1993
Bây giờ thì chuyện tình LÁ DIÊU BÔNG mới được coi là chấm dứt. Thời gian đã gạn đục khơi trong. Hoan hô cuộc đời, hoan hô cuộc tình! Hoan hô con người, hoan hô nghệ thuật!
Năm 1998, với sự khuyến khích của tôi, Kiều Loan trở về Hà Nội thăm bố. Được đi thăm đình chùa ở Bắc Ninh, được nghe hát quan họ tại làng Lim, quê hương của Hoàng Cầm...
...được gặp bạn bè của bố như đạo diễn Phan Tại, cựu thủ lãnh của phong trào NHÂN VĂN GIAI PH†M Nguyễn Hữu Đang...
... gặp vợ chồng ca sĩ Ngọc Bảo và nhiều người khác...
Về phần tôi, Hoàng Cầm trước sau vẫn là một cảm hứng không bao giờ nguôi. Bắt gặp một bài thơ của anh ở đâu đó, tôi phổ nhạc thành ca khúc để cho Thái Hiền đưa vào một chương trình compact disc nhan đề Tình Vẫn Rong Chơi do con gái yêu của tôi sản xuất. Tôi đặt tên bừa cho bài thơ được phổ nhạc là:
Trăm Năm Như Một Chiều
(do Duy Quang hát)
Anh đứng đây là đâu?
Là đâu, anh đứng đây là đâu?
Em cười như lá mỏng
Khép cửa vào chiêm bao a á...
Anh đứng đây là đâu?
Là đâu, anh đứng đây là đâu?
Anh đứng đây là đâu?
Là đâu, anh đứng đây là đâu?
Em nói như gió nghẹn
Chiều như mây Thị Mầu
Em nhìn như mưa trắng
Trăm năm bay ngang đầu...
Anh đứng đây là em
Là em anh đứng đây là em...
......
Em đứng đây từ bao
Từ bao, em đứng đây từ bao?
Em từ trong lối hẹn
Hé cửa về mai sau a á
Em đứng đây từ lâu
Từ lâu em đứng đây từ lâu
Em đứng đây từ lâu
Từ lâu em đứng đây từ lâu
Anh tới nơi ước hẹn
Chiều nay như thuở nào
Anh nhìn em trong nắng
Trăm năm như một chiều
Anh đứng đây là em
Và em, em đứng đây là anh...
Mùa Xuân năm 2000, sau 50 năm xa cách quê nhà, tôi trở về Hà Nội, người bạn đầu tiên tôi tới gặp là Hoàng Cầm. Tôi sẽ có dịp viết về chuyện gặp nhau của chúng tôi, sau nửa thế kỷ xa nhau.
--------------------------------
1 Chữ của Nguyễn Tuân.
2 Chữ của Phạm Văn Hạnh.