Thời Hải Ngoại
Chương Mười Sáu

Trong ba năm 1985-88, với hành trang khá đầy đủ, gồm những tị nạn ca, ngục ca và hoàng cầm ca...tôi ngao du khá nhiều nơi trên thế giới...
... Tôi được mời đi trình diễn tại rất nhiều đô thị lớn ở các tiểu bang trên lục địa Hoa Kỳ như San Jose, Washington D.C, Houston, San Diego, Chicago, Dallas, Oklohama City, Dayton, Boston, Bridgeport, Sacramento, Oakland, Wichita... Còn được mời đi Toronto, Montreal (Canada)... nữa chứ.
Rồi từ Mỹ Quốc, vượt Đại Tây Dương đi Âu Châu, được mời tới trình diễn tại London (England), Paris, Lyon (France), Lugano (Italy), Stuttgart, Munchen (Germany)...
Xong rồi lại từ Mỹ quốc đi ngược về hướng Tây, vượt Thái Bình Dương để diễn tại nhiều nơi trên nước Úc, nước Nhật và còn may mắn hơn nữa là được ghé hát ở Honolulu, hải đảo thần tiên của tôi. 1
Đi nhiều đến độ thi sĩ Nguyên Sa phải gọi tôi là đại lực sĩ trong một bài báo. Anh cho rằng tôi đi nhiều hơn cả hai vị được coi như tổ sư văn nghệ sĩ lang bạt kỳ hồ... là Paul Morand và Nguyễn Tuân. Anh viết: Phạm Duy di chuyển nhiều ở mức kỷ lục, không một nghệ sĩ Việt Nam nào ở trong cũng như ngoài nước có thể so sánh được, mà ngay cả Paul Morand và Nguyễn Tuân cộng lại cũng còn ở dưới cả mức kỷ lục đó rất xa...
Tại sao vào khoảng thời gian này, nghệ sĩ như tôi lại được nhiều nơi mời tới hát như vậy?
Hãy nhớ tới một ngày trước đó không lâu. Tôi được mời đi hát tại New York vào mùa Xuân 1982. Cộng đồng Việt Nam tại đây phần nhiều là người Việt gốc Hoa. Họ là những người có tiền, bằng mọi cách đang lo tổ chức vượt biên cho những người Việt gốc Chợ Lớn ra khỏi Việt Nam. Họ tìm được một Sư huynh theo đạo Ky Tô tên là Paul Trịnh Hảo ở New York để giúp họ đưa người vượt biên vào nước Mỹ một cách hợp pháp.
Sư huynh Hảo giới thiệu tôi với cộng đồng người Việt Chợ Lớn để họ mời tôi qua New York giúp vui "tồng pào" trong mấy ngày Tết. Thi sĩ kiêm điện ảnh gia Hoàng Anh Tuấn cũng được mời qua đây.
Sau mấy buổi diễn đông nghẹt khán thính giả, hai chúng tôi có nhiều ngày khá vui vì được sống tại thành phố sinh động nhất thế giới này, đi chơi các khu khác nhau của dân Mỹ gốc Ý, gốc Balan, gốc Do Thái v.v... đi coi tranh của giới nghệ sĩ ở Greenwich Village, đi nghe nhạc, coi kịch tại khu Broadway hay hoà mình vào đông đảo du khách đầy đủ mầu da chen nhau đi "rửa mắt" - nghĩa là ngắm đồ - tại Times Square. Và nhất là được nếm đầy đủ các món ăn Tầu tại China Town. Còn được đi biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc để chống Liên Sô xâm lăng A Phú Hãn nữa...
Nhưng vào lúc hoàng hôn xuống của mùa Đông mưa lạnh nơi đại đô thị rất hung dữ này, chúng tôi xuống xe điện ngầm để trở về nhà của Sư huynh ở khu Bronx thì cả hai đều rất lo lắng... Nghe đâu bất cứ người Việt nào ở New York cũng tối thiểu bị những tên cướp vặt da đen, hai, ba lần dí súng vào mặt để lấy tiền, dù chỉ là dăm ba đô la.
Một buổi tối, chúng tôi được Sư huynh Hảo mời coi một cuốn video, trong đó có anchorman Dan Rather của đài CBS nói về một Mặt Trận và về người lãnh đạo có cái tên mà những chữ đầu cũng giống tên của một người quen thuộc: HCM. Sau đó là phóng sự buổi lễ ra mắt của Mặt Trận này tại một nơi - nói là - chiến khu ở vùng biên giới Thái Lan-Cao Miên.
Hoàng Anh Tuấn và tôi đều sửng sốt! Ai mà chẳng phải sửng sốt vì Đài Truyền Hình CBS của Mỹ đâu có phải là một đài thích loan tin bịa đặt? Ngay trong đêm đó, Hoàng Anh Tuấn ngồi viết ra một bài thơ nhan đề THÁNG TƯ XANH và sau đó thì tôi phổ nhạc nó ngay.
Ơ này... lại cuối tháng tư
Trời bỗng xanh, xanh ngắt Để mình nhớ người yêu, như quãng đời đã mất
Để mình và New York thấy mình rất trẻ thơ
Thèm cái thèm vô tư, dầm thân trong cỏ dại
Hát cho tròn môi lại, như hôn Thần Tự Do
Tháng tư phai mầu đen, rồi loãng dần sắc xám
Hi vọng và Tin tưởng, tháng tư xanh đó em...
Mới hay nghệ sĩ là người thừa nhiệt huyết. Nhưng cũng có thể nói rằng làm cho Việt Nam chuyển mình là giấc mộng của tất cả nhũng ai phải xa xứ.
Nhưng khi trở về Cali, riêng tôi không tha thiết lắm với Mặt Trận, được gọi là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, lúc này đang trong thời kỳ phát triển rất là mạnh mẽ. Dù trong số các vị cao cấp của tổ chức, có một vài người như cựu Đại tá Phạm Văn Liễu, điện ảnh gia Hoàng Xuân Yên, đối với tôi, không phải là những người xa lạ, còn có thể nói rằng xưa nay giữa chúng tôi vẫn có một mối thân tình. 2
Tôi sinh ra và không may lớn lên tại một nước đang trải qua thời đại rất khắt khe của chính trị. Như đã nói trong HỒI KÝ 3, tôi thường cố gắng để không bị chính trị lung lạc. Tôi không có nhiều những hành động chính trị, nghĩa là tôi tránh vào tổ chức này, vô đảng phái kia, dù tôi đã có nhiều cơ hội để gắn liền mình vào một xu hướng chính trị nào đó. Có lẽ vì tôi là người chỉ ưa thoải mái. Tôi còn biếng lười ngay cả trong việc đi bầu, vốn là một chọn lựa chính trị căn bản. Tuy nhiên tôi rất để ý đến những ai làm chính trị thật sự và vốn là người không biết phù thịnh, chỉ biết phù suy cho nên nếu ai thất bại thì tôi rất thương cảm.
Khi có người làm chuyện anh hùng đơn thương độc mã và trả giá bằng 10 năm tù như ông Võ Đại Tôn, hoặc âm thầm tham gia vào một tổ chức dùng võ lực để giải phóng Việt Nam và trả giá bằng sinh mạng của mình như ông Trần Văn Bá... thì tôi không ngần ngại dùng tiếng đàn, giọng hát của mình để vinh danh họ. Nếu họ lại là văn nghệ sĩ như Nguyễn Chí Thiện hay Hoàng Cầm, đã có những hành động chính trị bằng lời thơ đanh thép hay bằng lời thơ ẩn dụ của mình, người thì bị tù 30 năm, người thì bị bẻ bút, thì tôi lại càng cần phải ca tụng nồng nhiệt hơn nữa.
Nhưng khi số phận của các ông đó, trong thực tế, đã được giải quyết xong xuôi thì tôi xin được kính cẩn đặt các ông vào những trang sử, như trong những trang nhạc sử này, chẳng hạn. Nếu có sự tiếp tục hay ngưng nghỉ hoạt động chính trị của các ông này thì... tôi đi chơi chỗ khác.
Vào khoảng hai năm đầu tiên hoạt động (1983-1985), Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất này đã thu hút được đa số người Việt lưu vong. — khắp mọi nơi trên thế giới, đã có những tổ chức chính trị được thành lập bởi Mặt Trận kể trên và các tổ chức này đã chú ý tới văn nghệ dù - cũng như đã xẩy ra ở trong nước - người làm chính trị theo đường lối quốc gia hay cộng sản, trước sau, thường chỉ coi văn nghệ là công cụ của chính trị mà thôi! Những nghệ sĩ như tôi được mời đi hát thường xuyên trong những năm đó là vì quả rằng có nhu cầu "văn nghệ phục vụ chính trị". Hiểu lờ mờ hay biết rõ như vậy, nhưng phải chép miệng mà nói: cũng tốt thôi!
Như vậy, tôi đã có câu trả lời cho câu tự hỏi rằng tại sao vào khoảng thời gian này, nghệ sĩ như tôi lại được nhiều nơi mời tới hát như vậy?
Hơn nữa, vì bây giờ những ban tổ chức đã có đầy đủ nhân sự và phương tiện để làm cho chương trình ca nhạc ở các địa phương phong phú hơn trước, người con dâu cũ là Julie (lúc này đã ly thân với con trai tôi) cũng được mời đi hát cùng tôi tại khá nhiều nơi tại Châu Úc, Châu Âu.
Chúng tôi không bao giờ quên cám ơn những Phong Trào hay œy Ban Yểm Trợ Kháng Chiến ở Boston (MA-USA), Bridgeport (CN-USA) Geneva, Fribourg (Thụy Sĩ)... và rất nhiều những tổ chức ngoại vi của Mặt Trận ở rất nhiều nước, từ Châu Mỹ qua Châu Âu rồi Châu Á đã cho chúng tôi đối tượng để sáng tác và địa bàn để biểu diễn.
Không may cho chúng tôi, về sau Mặt Trận bị khủng hoảng trong nội bộ rồi gần như tan vỡ, không còn nhiều tổ chức khác ở nhiều nơi có đầy đủ nhân sự, phương tiện, thì giờ và mục đích... để tổ chức mời nghệ sĩ tới hát nữa. Có thể vì vậy mà văn nghệ hải ngoại xuống cấp dần dần chăng?
--------------------------------
1 Cứ đi đây đi đó như thế mỗi lần tôi có thêm một sáng tác phẩm mới như Bầy Chim Bỏ Xứ, Rong Ca, Thiền Ca, Trường Ca Hàn Mặc Tử và Minh Họa Truyện Kiều... Đi cho tới khi nhà tôi mất (August 1999) thì mới thôi!
2 Sau này, có thể nói đa số văn nhân, ký giả, nghệ sĩ ở hải ngoại gia nhập Mặt Trận.