Chương Mười Bốn

Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?...
TÂM CA số 7

1965 là năm miền Nam nước Việt giống như cái chai có gắn cuống phễu và đang bị một thùng dầu sôi lửa bỏng rót vào. Trong chín năm Đệ Nhất Cộng Hoà chỉ có ba biến động, nhưng chỉ trong một năm 64, biến động lên xuống 13 lần, con người như bị quay cuồng trong cơn bão tố, tuổi trẻ già hẳn đi, tuổi già mệt nhọc hơn. Quân Đội Hoa Kỳ, Đại Hàn, Uc, Phi... đổ bộ vào Việt Nam khiến cho chiến tranh leo thang. Xã hội ngả nghiêng vì đồng dollar, dù tiền lưu hành mang mầu đỏ, giống như giấy bạc giả. Giới trẻ bị động viên. Ba đứa con trai của tôi tuần tự nhập ngũ. Tôi đi thăm chúng tại trại Quang Trung, lòng đầy ái ngại. Gia đình nào cũng có con phải đi lính. Ai cũng nếm mùi chia ly, hoặc mùi chết chóc, mặc dù chưa bị khó khăn về kinh tế như sau này. Ai cũng sống trong thao thức, lo âu. Tôi gọi đây là thời kỳ thần đồng gẫy cánh, cõi tiên lạc lõng, nhạc trời đứt đoạn. Tôi soạn bài Tôi Còn Yêu, Tôi Cứ Yêu:
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu
Tôi còn yêu mãi mãi mãi
Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người
Tôi còn yêu tôi...
.......
Cho dù tôi đã chết rồi
Cho dù ai đã giết tôi
Cho dù xương trắng vẫn chất núi
Cho dù sông ngòi vẫn hoen máu người
Oán thù vẫn dài...
Sống trong cơn bão thời đại, tôi mất luôn đời sống riêng tư. Tôi không gặp người tình thường xuyên nữa, coi như đã gần mất nhau. Trong bài hát nói về Tình Yêu chữ hoa này, tôi để lộ sự mất mát mối tình riêng:
Vâng! Tôi còn yêu
Tôi còn nhớ mãi thân hình gầy yếu
Một dòng tóc mây yêu kiều
Một cặp mắt ngây hương chiều
Nụ cười đắm say tâm hồn người yêu
Vâng! Tôi còn yêu
Tôi còn nhớ mãi làn môi ngọt ngào
Một vòng cánh tay mỹ miều
Còn lại chút hương tiêu điều
Và mộng đắng cay đi về, đìu hiu...
Tôi lại nhìn thấy sự chết:
Tôi còn yêu mãi mãi mãi
Tới ngày mai rồi, xa lìa cõi đời, tôi còn yêu ai
Ơi người ơi! Hãy lắng tai
Nghe hồn tôi trong nắng mai
Trong làn gió mới, trong đêm tối
Trong giọt mưa dài, suốt năm tháng ngày
Yêu người, yêu hoài...
Đang sống quay cuồng trong một xã hội đảo điên như vậy, một hôm tôi bỗng đọc được bài thơ của Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh, với đầu đề Hoà Bình:
Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn tôi
Vô tình, hoa tường vi
Vẫn nở thêm một đoá
Tôi vẫn sống, vẫn ăn
Và tôi vẫn thở
Nhưng biết bao giờ
Tôi mới được nói thẳng
Những điều tôi ước mơ?
Qua bài thơ này, tu sĩ kiêm thi sĩ Nhất Hạnh cho ta thấy cảnh người vẫn chết, hoa vẫn nở rất là bi đát của thời đại và sự mong muốn được nói ra niềm ước mơ hoà bình. Tôi yêu bài thơ này ngay lập tức. Thi sĩ tự hỏi biết bao giờ mới được nói thẳng những điều ước mơ thì tôi xin góp tiếng bằng cách phổ nhạc và hát ầm ỹ bài thơ đó lên. Theo Albert Camus, nói lên được bi đát là hết bi đát. Rồi tôi thấy rằng bài hát này -- bây giờ mang tên Tôi Ước Mơ -- có thể mở đầu cho một thứ chương khúc, nghĩa một loạt bài hát cùng nằm trong một đề tài mà tôi đặt tên tâm ca. Chương khúc TÂM CA gồm 10 bài (tôi cho con số 10 là con số trọn vẹn nhất) là phản ứng của tôi trước sự vong thân (aliénation) của con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử hết sức nhiễu nhương.
Hãy thử nhìn vào tình trạng âm nhạc của nước ta giữa thập niên 60 này.
Nhạc tuyên truyền ở miền Bắc, chịu sự chỉ huy của Nhà Nước, chỉ có mục đích phục vụ cho chính trị. Ở miền Nam, Tân Nhạc nằm trong tay tư nhân, trở thành một thương phẩm (produit commercial) trong một xã hội tiêu dùng (société de consommation). Vào lúc Quân Đội ngoại quốc vừa mới chân ướt chân ráo bước vào nước ta, rõ ràng có sự phồn thịnh ở Saigon, dù giả tạo. Người dân với mức lương thấp nhất cũng dễ dàng có máy radio hay máy cassette. Các Đài Phát Thanh mọc lên ở hầu hết các đô thị phổ biến mạnh mẽ Tân Nhạc trong giai đoạn tôi gọi là loạn phát (ex-croissance) này. Những bản nhạc cũ và mới được tung ra thị trường dưới hình thức nhạc bản, nhạc tập, dĩa hát, tape, cassette. Tân Nhạc trở thành một trào lưu, một thứ trang trí cho đời sống và đội luôn cái tên không ổn là nhạc thời trang, nhạc hợp thời, nhạc à la mode/
Trước những hiểm nguy hay bi đát của cuộc đời, con người thường có hai thái độ: hoặc đối đầu hay lẩn tránh sự thực. Trong hoàn cảnh đất nước ngả nghiêng, Tân Nhạc ở Saigon lúc đó giúp cho người ta quên được thực tại ê chề bằng những bài hát được gọi là nhạc vàng mang tính chất mượt mà, êm dịu, vuốt ve, an ủi (°). Hoặc là những bài mới soạn ra thiếu giá trị nghệ thuật. Hoặc những bài hát tình cảm và lãng mạn của thời trước được cho sống dậy và mang cái tên Nhạc Tiền Chiến dù một số bài soạn hồi hậu chiến. Vì chủ trương một dòng nhạc phản ảnh con người và cuộc sống Việt Nam, trong khi loại nhạc thời trang đang hoành hành như vậy, tôi quyết định lên tiếng. Không lẩn tránh sự thực, nhìn thẳng vào cuộc đời 1965, qua 10 bài tâm ca, tôi nói lên sự bi đát của thời đại.
Cho tới năm 1965 -- thấm thoát đã trên hai mươi năm rồi -- kể từ khi tôi bước vào nghề hát rong và soạn ca khúc, đi khắp mọi nơi trên đất nước, sống dưới nhiều triều đại khác nhau, gặp đầy đủ mọi hạng người trong xã hội... tôi chỉ làm một việc là xưng tụng và xưng tụng. Hết xưng tụng tổ quốc, lịch sử, con người lại xưng tụng tình yêu, sự đau khổ hay cái chết. Qua những bài tình ca quê hương, tình tự dân tộc, tình khúc lãng mạn với những nội dung phơi phới, với những nét nhạc lộng lẫy, với những lời ca ngọt ngào.
Bây giờ, tôi đang đứng trước một quê hương đã trở thành nơi thử võ khí và tranh chấp ý thức hệ của những thế lực quốc tế. Với mức độ gia tăng của chiến tranh, xã hội Việt Nam quay cuồng theo cơn lốc chiến cuộc, những giá trị tinh thần bị đổ vỡ và bị thay thế bằng những giá trị vật chất, đời sống càng ngày càng trở nên khốc liệt... tôi cần phải nhận diện lại quê hương. Không thể cứ xưng tụng một nước Việt Nam lý tưởng qua những dân ca, trường ca yêu nước được nữa. Bây giờ là lúc phải phê phán xã hội. Vấn đề là phê phán ra làm sao thôi. MƯƠI BAI TÂM CA, với những tựa đề như Tôi Ước Mơ, Tiếng Hát To, Ngồi Gần Nhau, Giọt Mưa Trên Lá, Để Lại Cho Em, Một Cành Củi Khô, Kẻ Thù Ta, Ru Người Hấp Hối, Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe, Hát Với Tôi... muốn được là tiếng nói lương tâm của con người đối mặt cùng sự thật, nhận diện lại mọi thứ trong đời.
Trong một bài viết đăng trên báo VĂN HOC số 21 tháng 10, 1987, nhà văn Bùi Vĩnh Phúc đã tóm tắt tâm ca: Tâm Ca số 1 (Tôi Ước Mơ) nhận diện cái bi đát của xã hội trong giai đoạn ấy. Tâm Ca số 2 (Tiếng Hát To) là thái độ của tác giả trước sự bi đát đó. Tâm Ca số 3 (Ngồi Gần Nhau) nhận diện lại dân tộc. Tâm Ca số 4 và Tâm Ca số 6 (Giọt Mưa Trên Lá, Một Cành Củi Khô) nhận diện lại thiên nhiên, siêu nhiên, đời sống con người khi được (hay bị) đặt vào cái thiên nhiên đó và trái tim của nó hướng về những điều siêu nhiên kia. Tâm Ca số 5 (Để Lại Cho Em) nhận diện lại gia tài của người đi trước để lại cho người đi sau. Tâm Ca số 7 (Kẻ Thù Ta) nhận diện kẻ thù. Tâm Ca số 8 (Ru Người Hấp Hối) nhận diện cái chết. Tâm Ca số 9 (Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe) nhận diện chính mình. Và Tâm Ca số 10, một tuyên ngôn, trình bày lại thái độ (và lời mời gọi) của tác giả sau khi đã có cơ hội nhận diện lại mọi sự trong đời...
Cũng nên biết qua bối cảnh xã hội trong thời kỳ này. Tâm Ca ra đời vào lúc giới trẻ Việt Nam, lần đầu tiên, được dịp đi sâu vào Phật Giáo dưới khía cạnh văn hoá truyền thống. Sau biến cố 11-63, việc giảng dậy về văn hoá bớt bị giới hạn trong văn hoá công giáo với những thuyết duy linh, nhân vị. Phật Giáo được đem vào các môi trường giáo dục, nhấn mạnh tới những truyền thống Phật Giáo thời Lý, Trần và gây được sự học hỏi trong giới trẻ. Nhấn mạnh tới Lý Trần là nói tới Thiền Việt Nam với hình ảnh mà bình dân có thể hiểu được như Nhất Chi Mai, thiền sư Vạn Hạnh.
Lúc đó Phương Tây cũng đang học hỏi về Thiền của Phương Đông, sách vở ùa vào Việt Nam vì không bị hạn chế như thời ông Nhu trước đây. Rồi phong trào hippy cũng tràn vào cùng với những sách như CÂU CHUYÊN MÔT DONG SÔNG với Tất Đạt Đa, sách của Herman Hess, nhạc dân ca có giọng điệu phản chiến của Pete Seeger, tất của đều là sự tìm hiểu và làm quen với Thiền trong giai đoạn dễ hiểu và ngộ nghĩnh của nó. Những ý niệm về hòn đá, về hoa, về những công án trở nên rất quen thuộc với giới trẻ nên lúc đó tuổi trẻ Việt Nam đi vào Phật Giáo với hình ảnh khá tinh vi của Thiền môn, của Vô Môn Quan, của Thiền Luận, của Suzuki...
... Và đột nhiên những hình ảnh đó xuất hiện trong Tâm Ca vì tôi cũng bị lôi cuốn vào cuộc hành trình về phương Đông này. Tôi áp dụng những gì tôi hiểu về Thiền vào tình thế, nghĩa là vào hoàn cảnh người vẫn chết, hoa vẫn nở, súng vẫn nổ, tiếng hát vẫn to, bụt ngồi chung với kẻ sát nhân, con người chia sẻ vui buồn với cành củi khô hay hòn đá cuội...
Hơn nữa, đây là lúc chiến tranh khởi sự sôi sục. Chiến tranh này cũng không phải là cuộc nội chiến bình thường mà bị quốc tế hoá. Quốc tế hóa trong nhiều khía cạnh.
Trước hết, trong hai năm 1964-65 này, Quân Đội ngoại quốc đổ vào Việt Nam quá đông, quá lẹ, mang theo nhiều sản phẩm của xã hội Tây Phương. Cái phễu đặt trên chai Việt Nam đã được những tư tưởng mới đổ vào (qua sách vở nói trên) nay bị lối sống siêu-tiêu-thụ là the american way of life rót vào nữa. Khi Hoa Kỳ ồ ạt vào Việt Nam, tuổi trẻ đua nhau đi học Anh Văn để làm thông dịch viên và có đời sống cao hơn. Sau khi nắm được Anh Ngữ, họ lại càng đọc thêm những sách của thời thượng như thuyết chán đời, hippy v.v... Một sự kiện quan trọng nữa là -- lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh -- cuộc chiến ở Việt Nam được chiếu trên Tivi, do đó Saigon là nơi có một đạo quân báo chí, truyền hình đông đảo nhất thế giới, với những phóng viên trẻ trung, hăng hái, xông xáo, có phương tiện tối tân để thực hiện những phương pháp làm báo rất táo bạo... Tiền bạc đổ ra -- chỉ riêng cho việc lấy tin tức -- còn hơn tiền ném qua cửa sổ. Tất cả ảnh hưởng mạnh tới giới truyền thông Việt Nam, giới có dịch vụ với Mỹ kể từ cô gái bán bar, anh lái xe taxi, tới anh sinh viên hay người trí thức, ảnh hưởng tới người làm thương phẩm cũng như ảnh hưởng tới người làm văn học nghệ thuật. Trong làng nhạc, có một biến chuyển lớn.
Saigon vẫn có thứ văn nghệ thông thường, rất mềm mại, than thở về chuyện đi lính, chia ly, nhớ Thành Đô v.v...rất ăn khách của các bạn soạn nhạc ít bận tâm về thời thế. Bây giờ máy thu băng hay máy chạy đĩa hát mang những tên PIONNEER, AKAI, SONY giúp cho nhạc Âu Mỹ (nhất là nhạc Beatles) nhẩy vào Việt Nam cùng với lính Mỹ. Loại Nhạc Trẻ ra đời, ồ ạt như vũ bão. Rất nhiều ban nhạc được thành lập để đi hát cho lính Mỹ nghe. Nhiều bài hát soạn theo điệu rock ra đời. Các hãng băng đua nhau phát hành chương trình nhạc thưong mại.
Về phần tôi, vào lúc này, quyết định không soạn những bài hát bọc đường nữa, lại càng không đi vào loại nhạc trẻ thời thượng vì tôi đang thao thức trước tình thế và muốn tung ra loại nhạc tâm thức với 10 bài tâm ca. Tôi quyết định đi vào tuổi trẻ vì gần đây, đem máy AKAI tới phóng thanh cho thanh niên, sinh viên nghe hai trường ca CON ĐƯƠNG CAI QUAN và ME VIÊT NAM và được tuổi trẻ nồng nàn chấp nhận. Tôi muốn cùng tuổi trẻ nhận diện lại quê hương.
Giới trẻ còn hưởng ứng tâm ca một cách tích cực hơn, nghĩa là chấp nhận tâm ca rồi tham gia vào việc sáng tạo. Một số anh em thành lập những nhóm ca hát ở nhiều nơi rồi sau này đặt tên là PHONG TRAO DU CA. Phong trào này bành trướng trong giới trẻ về của phương diện địa lý nữa, khi nó ra khỏi Saigon để đi về các trường Đại học trong nước, từ Miền Nam ra miền Trung lên Cao Nguyên, xuống Hậu Giang. Các Hội Đoàn lớn, các phong trào của người lớn cũng hưởng ứng theo.
PHONG TRAO DU CA ra đời quy tụ một số nhạc sĩ trẻ, chấp nhận lối soạn những bài ca phi-thương-mại và nói thẳng vào xã hội Việt Nam, cũng như chấp nhận lối hát chung với nhau mà họ sẽ gọi là hát cộng đồng. Những du ca viên sau này sẽ trở thành những du ca trưởng như Nguyễn Đức Quang, Giang Châu, Ngô Mạnh Thu... đưa ra những bài ca mới, đi theo đường lối nhận diện lại quê hương của Tâm Ca. Đó là những bài mang tên Quê Hương Ta Đó, Đến Với Quê Hương, Đi Vào Quê Hương, Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương...
Điểm son của Tâm Ca và những bài hát Du Ca là ở chỗ tuy dám nói lên cái bi đát của thời đại nhưng không hề có sự tuyệt vọng. Nguyễn Đức Quang khẳng định:
Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu đang chiến tranh
Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu chưa thanh bình
... dẫu đang khó khăn
.... dẫu chưa ấm êm
Và nói lên niềm hi vọng: Hi vọng đã vươn lên trong nhọc nhằn trong nước mắt... như làn tên đang rực lên trong màn đêm.
Quê hương đang rách nát, xã hội đang ngả nghiêng, những toán du ca rủ nhau đi khắp mọi nơi để mời mọi người cùng hát bài Về Với Mẹ Cha của Nguyễn Đức Quang:
Cùng đi xoay Hoành Sơn
Cùng đi lay Trường Sơn
Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm
Vượt khơi ra đảo xa
Lướt ngàn nước sông nhà
Ta đắp bồi cho Mẹ Cha...
Từ Nam Quan, Cà Mâu
Từ non cao rừng sâu
Cùng nhau do non nước xây cầu
Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng...
Nói cho cùng, tâm ca hay du ca cũng chỉ là những bài hát tuyên truyền mà thôi, nhưng ở đây, người thanh niên tự nguyện làm công việc vận động quần chúng chứ không phải bị chính phủ hay một tổ chức chính trị nào ép buộc phải làm. Việc làm này cũng chẳng mang lại cho họ một quyền lợi tài chánh to nhỏ nào cả..
Ngôi nhà chệt đầu ngõ E trong cư xá gọi là Chu Mạnh Trinh (vì trong khu này có một trường học mang tên đó) của chúng tôi đã được nâng lên thành nhà ba tầng. Căn phòng chín thước vuông trên lầu ba là nơi tôi thường nằm bò trên sàn đá hoa để sáng tác. Về sau tháp ngà này sẽ là tháp tiên của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn để anh mơ màng bên Nàng Tiên Nâu khi tôi bán căn nhà -- chưa trả hết tiền -- cho anh. Gia đình chúng tôi đã càng ngày càng thêm đông đúc. Thái Thảo ra đời, rất xinh, giống bố nhất nhà. Giúp việc cho gia đình là một chị bếp và hai vú em để trông coi những đứa bé nhất. Lũ con đầy đàn là một bọn quỷ sứ, nếu tôi không có một căn phòng trên gác cao này thì tôi không thể nào sáng tác được. Thái Hằng có phòng riêng ở lầu hai. Đã từ rất lâu, chúng tôi không ở chung phòng vì tôi thường đọc sách tới khuya, hay sáng tác vào lúc nửa đêm về sáng và khi ngủ thì ngáy to như sấm nên bị vợ chê. Tuy ở riêng phòng mà cứ một hai năm lại sinh một đứa con. Bây giờ qua Mỹ mới thấy mình may mắn quá. Con cháu của lớp người đi tị nạn không dám có nhiều con, vì đời sống Mỹ quốc không cho phép. Chúng sẽ không được hưởng không khí vui nhộn của những gia đình đông con.
Tôi còn nhớ những đêm ngồi soạn tâm ca trong ngôi nhà bình yên và ấm áp này. Khi ngồi phang piano dưới phòng khách hay khi ôm đàn guitare ngồi trên sàn gạch lầu ba, cũng như khi nẵm ghế xích đu ngoài sân thượng để vừa nhìn trăng sao vừa soạn nhạc, tôi hơi lấy làm lạ là tại sao tôi soạn tâm ca nhanh đến thế. Bài bản cứ tuôn ra một cách dễ dãi, bài này tiếp bài kia, chỉ hơn một tuần là soạn đủ 10 bài. Có bài chỉ soạn trong khoảng 15 phút như bài Giọt Mưa Trên Lá. Gần đây, tôi mới hiểu tại sao. Trước giai đoạn tâm ca, đa số sáng tác phẩm của tôi đều hướng về những huyền thoại quê hương, nhất là huyền thoại Mẹ. Những ca khúc đó đều mang tính chất mô tả (descriptive) tạo ra những khung cảnh oai hùng rạng rỡ hay dịu dàng êm ả để người nghe cất bước lên đường hay trầm mình vào những huyền thoại đó. Nhạc điệu và lời ca của những bài đó thật là tươi đẹp, thật là lãng mạn, với kiến trúc vững vàng, với cấu phong chặt chẽ, thường thường là những bài hát khá dài dòng.
Vào với tâm ca, tôi bị hoàn cảnh đất nước lúc đó thôi thúc, tôi bị sự lo âu, sự hoảng sợ hay sự sống chết hằng ngày bao vây, tôi như bị một cơn hồng thủy cuốn đi... tôi không có thì giờ và tâm trí để soạn những điệu nhạc ngọt ngào và những lời ca óng ả được nữa. Bây giờ không phải là nhạc mô tả mà phải là nhạc kêu gọi hành động (impérative). Bây giờ không phải là lúc sáng tác một Cung Oán Ngâm Khúc với hàng trăm câu thơ hay một thứ hùng ca Hy Lạp với một hay hai ngàn lời. Hoặc một trường ca 19 khúc (Con Đường Cái Quan) hay một trường ca 22 khúc (Mẹ Việt Nam). Bây giờ chỉ cần một đoản khúc để nói về kẻ thù ta đâu có phải là người. Vũ trụ thu lại trong một hòn đá cuội hay một cành củi khô, cũng như cuộc đời thu lại trong một giọt mưa:
Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về.
Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa
Đứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười.
Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la
Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già...
Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế.
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người.
Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi
Thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người.
Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai
Nói với loài người: xin cứ nuôi mộng dài...
Giọt mưa trên lá bối rối, bồi hồi,
Ráo riết, miệt mài, em (anh) biết yêu lần cuối.
Giọt mưa trên lá bỡ ngỡ, xôn xao,
Cuống quít, dạt dào, anh (em) biết yêu lần đầu.
Giọt mưa trên lá thấp thoáng, bơ vơ,
Khép nép, đợi chờ, xa cách nhau vài giờ.
Giọt mưa trên lá dĩ vãng xa xôi
Sớm tối bùi ngùi, xa cách nhau một đời...
Tuy nhiên, dù không còn ý định xưng tụng quê hương một chiều nữa mà là nhạc phê phán xã hội, Tâm Ca cũng là tiếng nói của Tình Yêu. Hãy nghe nhà văn Bùi Vĩnh Phúc nói lên điều này: Tiếng nói của Tâm Ca là tiếng nói đậm đà, tha thiết, có lúc đi đến chỗ đắm đuối, mời gọi mọi người bước vào để chia sẻ tình yêu. Tình yêu theo cái nghĩa tràn đầy và dung chứa được mọi thứ của nó. Tiếng nói ấy cũng có khi xót xa thoảng lên lời cay đắng (Đừng cho ai ăn cướp tình ta -- Để lại cho em thành phố lên đèn, bọn người tranh nhau một đám bụi đen - Chập chờn bay trong bại thắng, ngọn cờ khăn sô mầu trắng...) rất nhẹ, rất nhẹ thôi, nhưng thấm thía. Sự phẫn nộ -- mặc dù vẫn dung chứa yêu thương -- được nhận thấy rõ nhất ở hai bài Tâm Ca số 7 (Kẻ Thù Ta) và số 9 (Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe). Ở đây, nhìn thấy cảnh chém giết, đầy đoạ nhau của chính con người Việt, nhìn thấy sự ngụy thiện vẫn tiếp tục vênh vang bề thế của nó, Phạm Duy không giấu nổi sự phẫn nộ của mình. Phẫn nộ là yếu tố kích thích và là thước đo của chính lòng quí trọng, yêu thương. Sự phẫn nộ không phải là sự thù ghét. Phẫn nộ là cái gì trái lại với thù ghét. Phẫn nộ là một góc cạnh của tình yêu. Hãy phẫn nộ, hãy cất tiếng, hãy hành động để tình yêu được trả về cho chúng ta, cho con người...
Tâm Ca và Du Ca ra đời năm 1965 để nói lên cái bi đát của thời đại, mời mọi người ra khỏi sự vuốt ve của nhạc vàng, để hát to những điều mình muốn nói. Với mức độ chiến tranh càng ngày càng khủng khiếp, với sự có mặt của quân đội và vũ khí ngoại quốc ở của hai miền đất nước, nhờ ở sự dọn đường của Tâm Ca và Du Ca, một dòng nhạc khác xuất hiện, mang tính chất nhạc phản kháng (protest song) dẫn tới nhạc phản chiến.
___________________________________
°) Các nhà sản xuất băng nhạc tại Saigon hồi đó dùng danh từ nhạc vàng để đánh giá thật cao những thương phẩm của họ -- Cộng Sản thì dùng danh từ đó để đánh giá thật thấp loại nhạc họ cho là ốm yếu bệnh hoạn.