Chương Mười Tám

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi!
Mùa Thu Chết

Một khái quát về Tân Nhạc:

*

° 1945-1954. Dù vẫn được gọi là nhạc mới để phân biệt với cổ nhạc, Tân Nhạc đi tới thời kỳ phát triển 1 với hai xu hướng, hoặc từ dân ca cổ truyền đi lên hoặc đi theo đường lối soạn nhạc Tây Phương.
° 1954-1966. Ở miền Nam, vì có thêm nhiều phương tiện như radio, đĩa hát, băng nhạc, nhạc Việt đi tới thời kỳ phát triển 2 nếu có loại nhạc muốn được coi như phục vụ nghệ thuật thì cũng có loại nhạc chỉ được soạn ra với mục đích thương mại.
° 1966-1975 là thời kỳ loạn phát của nhạc Việt.
Vào giữa thập niên 60, có hai yếu tố làm cho nhạc Việt phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trước tiên là hiện tượng phòng trà. Hai mươi năm trước, tôi đã chứng kiến và đóng góp vào sự ra đời của những phòng trà đầu tiên của Việt Nam. Vào lúc đó, người Việt chưa có những phương tiện dồi dào như radio, đĩa hát, băng nhạc, lối phụ diễn chiếu bóng và hình thức đại nhạc hội như về sau này, phòng trà là nơi Tân Nhạc khởi sự sinh sôi rồi nẩy nở.
Lúc đó chỉ có vài phòng trà ở Hà Nội (Quán NGHÊ SĨ, Phòng Trà THIÊN THAI) và ở Huế (Nhà Hàng TAM TINH, Quán NGHÊ SĨ), vấn đề ca sĩ, thính giả và nhạc mục còn là chuyện rất đơn sơ. Để thay thế cho hình thức tiêu khiển của nho sĩ là nhà hát ả đào đã hết thời, những nơi giải trí của giới tân học hồi bấy giờ chỉ có khoảng bốn, năm ca sĩ thuộc thế hệ thứ nhất là Phạm Duy, Kim Tiêu, Ngọc Bảo, Thương Huyền, Mai Khanh... hằng đêm tới hát khoảng năm, sáu bài tân nhạc như Biệt Ly, Con Thuyền Không Bến, Bản Đàn Xuân, Bẽ Bàng, Buồn Tàn Thu... cho khoảng 10 hay 15 thính giả nghe. Dần dà, phòng trà mọc thêm ở Hà Nội với những tên THĂNG LONG, TUYẾT SƠN... Khi xẩy ra kháng chiến, phòng trà trong thành phố đóng cửa, nhưng chỉ ít lâu sau, tại vùng quê có những quán cà phê thay thế cho phòng trà.
Từ ngày đất nước chia đôi, toàn bộ âm nhạc ở miền Bắc nằm trong tay của Nhà Nước và chỉ được phép phục vụ cho chính trị. Tại miền Nam ca nhạc sĩ người Bắc di cư vào Saigon, sau khi đời sống ổn định, cùng với nghệ sĩ gốc Nam, ngoài việc đi hát Đài Phát Thanh có thêm đất dụng võ là phòng trà có ca nhạc (live concert) như nhà hàng VĂN CẢNH chẳng hạn... Thế hệ ca sĩ thứ hai xuất hiện với Minh Trang, Thái Thanh, Anh Ngọc, Mộc Lan, Tâm Vấn, Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm...
Phòng trà phát triển với ĐƯC QUYNH đường Cao Thắng, TRUC LÂM (của nhà văn Mặc Thu) đường Ngô Tùng Châu, đào tạo thêm ca sĩ. Khi chính phủ cấm nhẩy đầm, các khiêu vũ trường TABARIN, BACCARA, TƯ DO trở thành phòng trà. Quán ANH VŨ của Võ Đức Diên đường Bùi Viện được chính quyền giúp đỡ để trở thành quán ăn kiêm phòng trà, thu hút học sinh, sinh viên. Phòng trà KIM ĐIÊP trước rạp CASINO mở ra là đông ngay nhưng bị đóng cửa vì có vụ ghen tuông bắn chết người ở đây.
Các phòng trà lúc đó là nơi phổ biến những ca khúc mới mẻ như Tiếng Sáo Thiên Thai, Phố Buồn,Mùa Thu Paris... và đào tạo thế hệ ca sĩ thứ ba: Lệ Thanh, Kim Chi, Thu Hương, Thanh Thúy, Kim Vui, Thanh Lan (bà Cao Xuân Vỹ)... Sau thời ông Diệm, nhất là khi Quân Đội Mỹ tới Việt Nam và biến Saigon thành một thành phố rất phồn vinh (dù giả tạo) các phòng trà mọc lên như nấm. Có ba nơi rất đông khách:
° Phòng trà TƯ DO, với ban nhạc Blue Notes và các ca sĩ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba;
° Phòng trà RITZ, với chủ nhân là Jo Marcel -- một người không những hát hay mà còn giỏi về kỹ thuật âm thanh -- nơi ra mắt của thế hệ ca nhạc sĩ thứ tư như ban nhạc The Dreamers và Julie Quang trong bản Mùa Thu Chết;
° Phòng trà QUEEN BEE với ban nhạc Shotguns, nhờ tài "lăng xê" ca sĩ của Ngọc Chánh, trở thành nơi xuất hiện của những giọng ca mới như Lệ Thu, nổi tiếng qua bài Ngậm Ngùi.
Nhà Hàng MAXIM'S (rạp Majestic cũ) đường Tự Do, có ăn uống và nghe nhạc cũng thành công với những tiết mục ca-vũ, phần ca do hai ba thế hệ ca sĩ thay nhau tới hát, phần vũ do Hoàng Thi Thơ và Trịnh Toàn phụ trách. Hai nơi có vẻ trí thức nhất là Phòng Trà KHANH LY, mang tên cô ca sĩ, người giới sinh viên gọi là "nữ hoàng chân đất", khởi sự ca hát từ Quán VĂN rồi sau khi bước vào thế giới âm thanh với nhạc Trịnh Công Sơn, nghiễm nhiên trở thành chủ phòng trà. Cuối cùng là ĐÊM MẦU HỒNG và ban Thăng Long, với nghệ thuật ca diễn càng ngày càng vững chãi.
Những em bé trong ban VIÊT NHI do nhạc sĩ Nguyễn Đức thành lập và hoạt động từ lâu tại các Đài Phát Thanh, nay đã lớn và trở thành thế hệ ca sĩ thứ năm của phòng trà hay sân khấu với những cái tên giống nhau như Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm...
Khán thính giả của các phòng trà trong thời đó là giới làm ăn khá giả nhờ đồng dollar được chi dụng bừa bãi ở Việt Nam, nhưng cũng là nơi không thể nào không ghé tới của những sĩ quan hay binh lính Cộng Hoà, từ mặt trận xa xôi trở về thủ đô nghỉ phép, vì không có nơi nào xoa dịu chiến sĩ khi nghỉ ngơi hơn là những phòng trà (giống như các quán cà phê trong kháng chiến là nơi giúp cho cái gọi là le repos du guerrier mà tôi nói tới trong HỒI KY II).
Vào cuối thập niên 60, đi nghe nhạc tại phòng trà là cái mốt của thời đại. Vô phòng trà là bước vào cõi tình và cõi thơ. Nữ ca sĩ là thần tượng của mọi giới, có cô trở thành bà Tướng, bà Lớn một cách nhanh chóng: Minh Hiếu là phu nhân Tướng Vĩnh Lộc, Thanh Lan thành bà Cao Xuân Vỹ... Người ta đặt cho phòng trà những tên nên thơ như CHIỀU TIM, HẦM GIO... Tên ĐÊM MẦU HỒNG cũng do bài thơ của Thanh Tâm Tuyền. Âm nhạc đi kèm với ly cà phê, được khán thính giả ưỡn người ngồi nghe trong một thính phòng mờ ảo, bây giờ đi vào quần chúng không phải là nhạc đồng quê hay nhạc vỉa hè nữa. Nó là nhạc góc nhà, dần dà trở thành nhạc ma túy, nhạc thở dài...
Nhưng phòng trà không phải luôn luôn là nơi để vui chơi. Tối thiểu, có hai lần tôi thoát chết tại phòng trà. Tại QUEEN BEE một đêm nọ, một khách hàng nhà binh, sau khi uống rượu say, làm tàng, tung ra quả lựu đạn khói, khiến cho mọi người xô nhau chạy toán loạn. Thái Thanh, tôi và ban Dreamers xuýt bị chết bẹp và chết ngạt. Trong đám khách hàng có người chị ruột của Thanh Thúy (vợ của Tỉnh Trưởng Nha Trang Lê Khánh) bị ngã dập lá gan rồi bị điếc tai luôn. Một đêm khác, tôi và các con vừa ở phòng trà TƯ DO bước ra khỏi cửa để tới chỗ đậu xe thì mìn nổ tại nhà hàng này. Có người (thuộc phe nào đây?) muốn thủ tiêu nhân vật chủ hoà Hoa Kỳ McGovern đang từ khách sạn Caravelle đi tản bộ trên vỉa hè gần đó. Ông này không sao nhưng vợ của nhạc sĩ Lê Văn Thiện tới chơi phòng trà bị tan xác.
Phong trào phòng trà ở Saigon còn được nối dài qua những quán nhỏ của sinh viên. Quán VĂN được thành lập trên bãi đất trống sau trường Đại Học Văn Khoa, với sự có mặt thường xuyên của Khánh Ly, người sẽ mở quán ở đường Đinh Tiên Hoàng lấy tên Quán TRE. Quán THẰNG BƠM cũng do sinh viên mở ra ở đường Đề Thám. Có thêm hai quán nữa ở Thị Nghè do Nguyễn Trung và Vị Y chủ trương, được trang hoàng rất đẹp vì có tranh "cây nhà lá vườn" của hai hoạ sĩ này. Quán DALAT gần sân banh Cộng Hoà do các sinh viên gốc gác ở thành phố sương mù, về Saigon ăn học, tạo ra quán này để làm nơi gặp gỡ nhau (°).
Sau phòng trà, hiện tượng thứ hai làm cho Nhạc Việt phát triển mạnh mẽ là nhạc trẻ. Loại nhạc này xuất hiện ở Việt Nam sau khi giới trẻ Saigon tiếp xúc với nhạc của tứ quái Beatles lúc đó đang lan tràn trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, nhờ sự phát minh ra đàn điện, dễ chơi, dễ hấp dẫn người nghe bằng âm thanh điện tử, bốn thanh niên Anh quốc làm cho âm nhạc trở thành tiếng nói chung của tuổi trẻ trên hoàn cầu. Vào giữa thế kỷ 20, với phương tiện truyền thông tối tân, nhân loại sống trong một thế giới thu hẹp bằng một ngôi làng. Tuổi trẻ có chung lối sống, qua trang sức và trang phục như tóc dài, quần áo mầu sặc sỡ... nghiễm nhiên trở thành một bộ lạc không phân biệt mầu da. Nhạc Beatles xuất hiện, trở thành sự đam mê của tất cả thanh niên nam nữ. Nhạc học gia gọi nhạc Beatles là nhạc bộ lạc (musique tribale) vì có khả năng gọi bầy nghĩa là dễ dàng tụ họp tuổi trẻ ở mọi nơi đang cùng có chung một sở thích về ăn mặc, suy tư và nghe nhạc
Khi quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam, họ mang theo những tiện nghi của họ như Tivi, máy hát, băng nhạc, phim ảnh... Cùng với nhạc Beatles, nhạc rock Hoa Kỳ xâm nhập Saigon. Chỉ trong một thời gian ngắn, tuổi trẻ Việt Nam thành lập những ban nhạc mang tên CBC, The Uptight, The Hammers, The Enterprise, The Peanuts... học đàn hát ở đĩa hát, băng nhạc ngoại quốc, rồi tới trại lính để giải trí cho quân đội Đồng Minh. Trong thế hệ ca-nhạc-sĩ thứ tư này, có những nhân tài mới như Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Vi Vân, Cathy Huệ, Minh Xuân, Minh Phúc, Elvis Phương, Paolo... Các con tôi tự động thành lập một ban nhạc trẻ lấy tên The Dreamers với Duy Quang làm đầu đàn. Khi tôi được mời qua Hoa Kỳ trong ba tháng vào năm 66, tôi dành nhiều thời giờ đi mua dĩa hát và sắm nhạc cụ cho các con.
Ngoài việc đi hát tại các trại lính Hoa Kỳ ở Biên Hoà hay ở Long Bình, ban The Dreamers được mời tới hát tại ba phòng trà TƯ DO, RITZ, QUEEN BEE. Tôi luôn luôn cùng đi hát với các con. Được tiếp xúc với nhạc rock, tôi không ngần ngại đi vào nhạc ngữ mới mẻ này để sáng tác những bản nhạc mới trong chủ đề tình yêu hay trong chủ đề đang rất thịnh hành lúc đó là chiến tranh hoà bình. Hơn nữa tôi được các nhà phát hàng băng nhạc trả tiền để soạn lời ca cho những bản nhạc Pháp Mỹ đang được giới trẻ ưa chuộng: If You Go Away, Listen To The Music, Love Story, Bang Bang... Thanh Lan, xuất thân từ lò ca sĩ Việt Nhi, rất thành công khi hát loại nhạc dịch này. Tuy cũng thú vị khi soạn lời ca tiếng Việt cho nhạc ngoại quốc nhưng lúc bấy giờ tôi chú trọng vào việc sáng tác hơn là việc dịch lời.
Về chủ đề Tình Yêu, tôi đã soạn Nghìn Trùng Xa Cách để từ giã người tình. Tôi không còn soạn tình ca đôi lứa nữa. Những bản nhạc tình, từ nay trở đi, đối với tôi, là tình ca một mình. Bài điển hình nhất là Mùa Thu Chết, soạn theo bài thơ La Chanson du Mal Aimé của Apollinaire:
J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte, souviens t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps, brin de bruyère
Et souviens toi que je t'attends...
Bài thơ từng ám ảnh tôi hồi giữa thập niên 50 khi là sinh viên học nhạc tại Pháp, được phổ thành một ca khúc Việt Nam, mang ngữ thuật nhạc trẻ, nối lại truyền thống soạn nhạc mùa thu của các nhạc sĩ lãng mạn trước đây, lần này ở một xúc cảm cao độ nhất. Vì nó khóc một cuộc tình có thật:
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, đã chết rồi
Em nhớ cho, đôi chúng ta
Sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa trên cõi đời này
........
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em!
Bài thơ tiếng Pháp cũng giản dị như lời ca tiếng Việt, nhiều người người ưa thích vì bài Mùa Thu Chết được hát lên với nhịp rock của thời đại, nhất là với giọng hát sôi nổi của Julie, lúc đó là con dâu của tôi. Lối hát như gào lên của thế hệ thứ tư này khác xa lối hát ỏn ẻn, vuốt ve hay thủ thỉ của các thế hệ ca sĩ đi trước, nhất là bây giờ được ban nhạc có âm thanh điện tử đệm theo làm cho bài hát hấp dẫn hơn. Về phần hoà âm, lối đệm đàn bass theo chuyển cung chromatique cũng tối tân hơn trước. Julie sẽ còn thành công trong những bài tôi soạn theo style nhạc rock như Nước Mắt Mùa Thu, Thu Ca Điệu Ru Đơn, Tưởng Như Còn Người Yêu...
Không khí của phòng trà vào cuối thập niên 60 khác hẳn thời mới xuất hiện ở Hà Nội, Huế. Lúc trước, nhạc sĩ, ca sĩ chỉ muốn tạo cho thính giả một không khí nhạc thính phòng hay nhạc café-concert. Người đi phòng trà nghe nhạc như đi vào nhà thờ hay tham dự salon littéraire. Bây giờ thì khác, nhạc phòng trà phải là nhạc rock sôi nổi. Lúc này, những bài hát của hai anh em nhạc sĩ Carpenters được mọi người ưa thích. Những bài We've Only Just Begun, Close To You... được các con tôi vặn máy hát nghe suốt ngày. Khi soạn thêm một bài hát tình ca một mình như Trả Lại Em Yêu, tôi bị ám ảnh bởi âm hưởng của nhạc THE CARPENTERS:
Trả lại em yêu khung trời Đại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát.
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt...
Qua bài Nghìn Trùng Xa Cách tôi trả hết cho người yêu những kỷ vật xưa như tập thơ tình có ép xác lá khô, hoặc mớ tóc nâu mà nàng đã dùng -- tôi tưởng tượng -- chiếc dao vàng của Đoàn Phú Tứ để cắt tặng tôi một ngày sinh nhật. Bây giờ, tôi xin được trả luôn những vết chân của những ngày nào trên đường Duy Tân, qua bài Trả Lại Em Yêu. Tôi mượn lời của người trai phải xa người yêu đi lính để bắt toàn thể thanh niên lúc bấy giờ phải hát mối tình của tôi:
Trả lại em yêu mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới
Đường buồn anh đi bao giờ cho tới?
Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài!
Trả lại em yêu! Trả lại em yêu!
Mây trời xanh ngát!
Tình ca một mình là những bài hát của kỷ niệm. Kỷ niệm trên bãi cát bên bờ trùng dương như bài:
Nha Trang ngày về
Mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai chúng tôi gần nhau...
Ngồi trên bãi biển để nhớ tới lớp sóng mơn man thịt mềm, da ngát hương, nào ngờ sóng cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang... Bài hát soạn ra khi tôi trở lại Nha Trang sau mấy năm xa cách người thơ, ngồi trên bãi biển đông người cho tới khi chỉ còn tôi trên bãi đêm khóc người tình.
Kỷ niệm trên đồi hồng ở Dalat thì có bài Cỏ Hồng:
Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh
.......
Mời em lên núi cao thanh bình
Cỏ non phơn phớt ôm chân mình
Mời em rũ áo nơi đô thành
Cùng ta lên núi cao thanh thanh
Em ơi! Đây con đồi dài
Như bao nhiêu mộng đời
Nghiêng nghiêng nghe mặt trời yêu đương
.........
Em ngoan như tình nồng
Em bao la mịt mùng
Em thơm như cỏ hồng em ơi!
Với hai bài Nha Trang Ngày Về, Cỏ Hồng, có vẻ nhạc tình cảm tính của tôi đã hơi ngả qua nhạc tình dục tính rồi. Đó là dấu vết của thời đại hơn là dấu vết cuộc tình.
Người bạn tình là một người rất yêu thơ và đã viết tới 300 bài thơ để tặng tôi. Trước khi xa nhau, nếu chúng tôi gặp nhau thì thường thường là để nói chuyện về thơ hay về nhạc, và cũng vì nàng yêu thơ cho nên nếu có những bài thơ hay của thời trước hay của thời đó là tôi phổ nhạc để tặng nàng. Bài Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài là sự phát triển của một câu ca dao Miền Nam mà nàng đọc cho tôi nghe lúc đó:
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm...
Từ đây trở đi, hoặc tôi phổ nhạc những bài thơ chết chóc của các thi sĩ Việt Nam như Đừng Bỏ Em Một Mình (thơ Hoài Trinh), Chuyện Tình Buồn (thơ Phạm Văn Bình), hoặc tôi dựa vào một câu thơ của Hàn Mặc Tử để soạn bài hát giết người trong mộng:
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng...
Nhưng vì không ai ở trên đời này có thể làm được việc đó, cho nên tôi xin:
Làm sao giữ được người trong mộng
Để được tình yêu, dẫu bẽ bàng...
Cũng thuộc dòng nhạc tình chết chóc, tôi còn soạn những bài không được phổ thông lắm như Yêu Là Chết Ở Trong Lòng, Nỗi Buồn Có Tên... Và vì cũng đã có lúc hát lên những bài tình ca mùa Xuân, tình ca mùa Thu rồi, bây giờ tôi soạn tình ca mùa Hạ, trong đó, cũng giống như trong bài Cỏ Hồng, dục tính có nhiều hơn. Mùa Hạ là mùa hoa phượng. Vào lúc trời đất ấm áp nhưng lòng mình giá lạnh, tôi soạn Phượng Yêu là để kể lại cuộc tình vừa qua:
Yêu người như lá đổ chiều đông
Như mây hồng chưa tím
Như con chim khóc trong lồng
Như cơn giông đêm hè
Tình ta nức nở canh khuya...
Tôi muốn yêu người như dòng suối cuồn cuộn không ngưng tỏ tình với rừng sâu, như con tầu mê say gió trùng dương, như con giun ngước lên trời để yêu trăng sao vời vợi... Tôi cho rằng được yêu người rồi nếu ngày mai phải chết, tôi cũng xin vui lòng nhắm mắt! Và phải theo bước chân người như ma quái đi theo yêu tinh tình nữ (°°) tới cuối chân trời:
Yêu người, yêu có một lần thôi
Xin yêu, dù gian dối, xin yêu tôi, dẫu nghi ngờ
Khi bơ vơ còn nhiều thì đâu chối bỏ tình yêu?
Hiện tượng phòng trà và các quán cà phê của sinh viên và sự du nhập của nhạc rock vào Việt Nam khiến cho âm nhạc ở miền Nam phát triển trên cả hai phương diện sáng tác và ca diễn. Thêm vào đó là việc ấn hành bản nhạc và sản xuất băng nhạc làm cho âm nhạc được dễ dàng phổ biến tới ngang cùng ngõ hẻm, từ thành thị tới thôn quê. Rồi còn có thêm Đài Truyền Hình tiếp tay cho Đài Truyền Thanh trong việc giới thiệu sáng tác mới, ca sĩ mới. Theo Ngọc Chánh, người ấn hành nhạc bản và sản xuất băng nhạc thành công nhất Sai-gon, một bài hát nào mà dân chúng thích có thể được in ra không dưới 10.000 bản. Chương trình băng nhạc ngon lành có thể bán được 8.000 tapes reel-to-reel, 15.000 cassettes. Những người mua băng lớn lại dùng nó làm băng chính để sang qua tape hay cassette bán cho dân chúng, cho nên số băng nhạc tiêu thụ tăng lên gấp bội.
Đời sống của tôi trở nên phong lưu hơn trước. Hầu hết nhạc phẩm của tôi được cơ sở SHOTGUNS in ra và thu băng. Nhưng tôi cần phải tâm sự với bạn đọc là, trong suốt hai mươi năm đứng ở đầu sóng ngọn gió của làng nhạc miền Nam, soạn ra nhiều loại ca nhưng nhạc yêu nước (!), nhạc chiến đấu (!!), nhạc xây dựng (!!!) chẳng đem lại cho tôi số tác quyền nào đáng kể. Chỉ có loại nhạc tình hay nhạc ngoại quốc lời Việt mới giúp tôi có nhiều tiền tác giả. Có dịp ngồi soạn lại gia tài âm nhạc để tặng các con, mới thấy mình soạn quá nhiều lời Việt cho những bản nhạc ngoại quốc. Có tới hàng trăm bài! Lời Việt của nhạc Âu Mỹ mới mẻ hơn lời nhạc Việt thuần túy của tôi nhiều! Và có ảnh hưởng lớn trong dân chúng. Có lẽ nên in ra cuốn NGAN LƠI CA KHAC chăng?
Khởi sự từ nhạc cổ điển rất lãng mạn: Dòng Sông Xanh (Danube Bleu), Sầu (Chopin), Chiều Tà (Toselli), Dạ Khúc (Schubert) v.v... qua nhạc khiêu vũ ê chề: Vũ Nữ Thân Gầy (La Cumparsita), Tango Xanh (Tango Bleu)... tới nhạc trong phim thê thiết: Chuyện Tình (Love Story), Hỡi Người Tình Lara (Dr Jivago)... Với nhạc tối tân hơn là new wave, disco... tôi cũng soạn lời Việt ngồ ngộ (cho Thái Thảo hát) ví dụ Leo Lên Xe Này (Jump In My Car), Hỡi Cô Bé (Hi Girl)... Kể cả bài ca phản ánh đời sống mệt mỏi ở Mỹ: Thứ Hai Chán Chường (Manic Monday), Sau Ngày Cuối Tuần (I've Done It)... Lời ca bài Emmanuelle còn rất bạo:
Cánh tay nào khát khao nồng cháy hơn là Emmanuelle?
Dục tình nào lửa đốt làn môi?
Đắm say nào bốc lên từ vú căng tròn Emmanuelle?
Vùi đầu vào làn tóc nồng thơm...
Nhạc cổ điển Tây Phương với lời Việt làm nên một phần sự nghiệp Thái Thanh. Nhạc rock với lời Việt: Cuộc Tình Tàn (Je Sais), Hè 42 (Summer '42), Hai Khía Cạnh Cuộc Đời (Both Sides Now), Himalaya... giúp cho Elvis Phương, Paolo, Vy Vân, Duy Quang, Julie... được thính giả Việt Nam yêu hơn, vì hiểu rõ ý nghĩa bài ca. Những bài nhạc Pháp Bang Bang, Chèvrefeuille Que Tu Es Loin, Dans Le Soleil Et Dans Le Vent... khi trở thành đã làm nên phần nào sự nghiệp Thanh Lan, cô bé ca sĩ rất trí thức từng có chút kỷ niệm đẹp với tôi khi cùng đi Tokyo dự thi âm nhạc quốc tế.
Tiền tác quyền để dành -- phần lớn do việc soạn lời Việt cho nhạc Âu Mỹ cộng với tác quyền nhiều bản nhạc tình -- và tiền bán hai căn nhà cũ cho phép vợ chồng tôi mua một miếng đất khá lớn cũng trong ngõ Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận. Tôi vay thêm tiền để xây một ngôi nhà ngói nhỏ, thuê người trồng cỏ, đào một hồ nước có núi non bộ. Tôi còn lái xe đi lấy những tảng đá ở Định Quán đem về đặt trong khu vườn có thảm cỏ xanh biếc, có bụi trúc lưa thưa, có hàng chuối la đa, có cây dừa cao lớn này. Từ đó, tôi được sống cảnh thiên nhiên tôi ao ước từ lâu, sáng ra ngoài hiên nghe tiếng chim hót, tối nằm võng nghe tiếng ếch kêu...Tại đây, sau bài Đốt Lá Trên Sân, với sự cộng tác của một sinh viên (quên tên) tôi soạn một bài thuộc loại mới tôi gọi là dã ca (pastorale):
Hầy hồ hây hô hấy hố! Ta đi qua cầu này
Nhịp cầu tre soi nước soáy, ta nghe ta lạnh đầy.
Hầy hồ hây hô hấy hố! Ta đi ra vườn ngoài
Dạt dào dăm ba gốc chuối, cây không cao buồng dài...
Có vườn rộng rồi, tôi nuôi hai con chó. Một con thuộc loại bull, mặt nhăn nheo rất dễ thương. Con berger tên SABA to lớn nhưng hiền lành, ít sủa và chắc cũng chẳng bao giờ cắn ai đâu! Người ta nói súc vật nuôi trong nhà thường giống tính chủ.
Rồi tôi bỏ nước ra đi. Các con tôi biến nhà vườn thành nơi nuôi lợn. Trong bức thư vào giữa năm 75, chúng cho tôi biết con SABA nhớ chủ rồi bỏ ăn mà chết. Sau khi các con tôi vượt biên, nhà tôi trở thành dinh thự của một anh Công An. Gần đây, có người về thăm Phú Nhuận, xin phép vào chụp hình căn nhà xưa rồi gửi cho tôi coi. Tôi coi hình rồi khóc!
__________________________________
(°) Những quán nhạc Saigon bây giờ có cháu đích tôn là QUAN NHƠ do sinh viên Việt Kiều mở ra tại UCLA (Los Angeles).MUA THU CHẾT...
(°°) tên một bài hát của tôi, cũng soạn trong giai đoạn này.