Chương Hai Mươi Ba

Xin đi lại từ đầu

Chưa đi vội về sau...
Kỷ Niệm

Sau một thời gian ngụp lặn trong vũng lầy của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca, tục ca, thương ca chiến trường, chiến ca mùa hè và sau khi cố bay lên để trốn tránh vào đạo ca thì vào năm 1972, tôi rơi xuống đất.
Tôi rơi vào kỷ niệm, những kỷ niệm của rất nhiều người thuộc lứa tuổi tôi, lúc còn bé, còn ngây thơ trong trắng và được sống ở tỉnh nhỏ, có những buổi chiều đi giữa làng quê, đi giữa ruộng lúa rồi vì quá mê trời mây tía nên không nghe tiếng mẹ gọi về... Hoặc trong những đêm mùa khô ráo ngồi bên cha mẹ, mơ ước viễn du khi nghe tiếng còi tầu xe lửa... Tôi nhớ lại kỷ niệm và xin quay về dĩ vãng:
Cho tôi lại nhà trường
Bao nhiêu là người thương
Không ai thù ai oán
Ai cũng bảo tôi ngoan...
.........
Tôi theo tà áo trắng
Cô em bạn cùng trường
Cho tôi lại một mùa
Mưa rơi buồn ngoại ô
........
Tôi mơ thành triệu phú
Cứu vớt gái bơ vơ.
Tôi mơ thành thi sĩ
Đem thơ dệt mộng hờ...
Tôi xin lại Tình Yêu mà có lẽ tôi đã đánh mất. Tôi không cần khôn khéo nữa, tôi xin cho lòng tôi được non yếu để tôi có thể dễ khóc, dễ tin theo... Tôi xin lại thời thơ ấu nghĩa là tôi xin đi lại từ đầu:
Xin đi từ thơ ấu
Đi vui và bên nhau
Trong tim thì sôi máu
Khoé mắt có trăng sao
Bông hoa cài trên áo
Trên môi một nguyện cầu
Cho đi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau...
Tôi xin đi từ tuổi thơ nên tôi đi vào nhi đồng ca. Trong suốt mấy chục năm qua, kể từ khi có Tân Nhạc cho tới lúc bấy giờ là năm 1972, tôi soạn đủ mọi thứ loại ca, nhưng tôi chỉ soạn có hai bài hát nhi đồng là Em Bé Quê, Một Đàn Chim Nhỏ. Bây giờ, trước hết, tôi muốn phục hồi những đồng dao cổ tôi cho là những bài trong sáng nhất của thi ca bình dân Việt Nam...
Tiếc thay, với sự xâm chiếm nước ta của thực dân Pháp và với sự áp đảo của văn hoá Âu Tây, tới đầu thế kỷ 20 này, đồng dao ở Việt Nam đã chết. Dù Trương Tửu đã viết cuốn KINH THI VIÊT NAM, không một câu đồng dao mới nào được hát lên. Bây giờ tôi muốn đồng dao sống dậy với âm điệu mới và nhịp điệu mới. Sau nữa, tôi còn muốn đồng dao có thêm ý mới, phù hợp với cuộc sống hôm nay. Phục hồi vốn cũ, nhưng tôi muốn đi từ đồng dao cổ (tức là bé ca của thuở xưa) đến việc soạn những bài hát mới cho trẻ em, dựa vào sự trong sáng của đồng dao. Tôi đặt tên cho loại ca này là Bé Ca. (°) Trước hết tôi đưa ra bài Ông Trăng Xuống Chơi:
Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo
Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút.
Ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa
Ông trăng xuống chơi nhà Vua thì nhà Vua cho lính...
Tôi thấy được trong bài đồng dao này một bài học về sự vật (lecon des choses) người xưa dạy cho tuổi thơ. Bài đồng dao cổ truyền cho tuổi thơ biết rằng: nếu cây cau có mo, học trò có bút, ông bụt có chùa thì nhà vua có lính, nồi chõ có vung, cành sung có nhựa, con ngựa có tầu, cần câu có lưỡi v.v... Vì Ông Trăng đẹp quá nên những sự vật đó được dâng tặng cho ông mỗi khi ông xuống chơi với chúng ta.
Luân lý của bé ca Ông Trăng Xuống Chơi này là: ông Trăng không sống ở dưới trần gian này, ông ở trên Trời, từ phía Đông ông xuống chơi với chúng ta trong một đêm, rồi ông từ giã để đi khuất về phiá Tây. Ông Trăng đẹp quá nên đã quyến rũ luôn cả những tình nhân nữa, khiến cho gái đẹp cũng sẵn sàng cho chồng, đàn ông cũng sẵn sàng cho vợ. Nhưng ông Trăng cũng không nhận luôn cả cái chuyện cho vợ, cho chồng này... Ông Trăng bèn:
Trả chồng (cho) cô gái
Trả trái (cho) cây cà
Trả hoa (cho) cây bưởi...
Ông trăng trả lại hết, trả lưỡi cho cần câu, trả tầu cho con ngựa, trả nhựa cho cây sung.... cuối cùng là trả lính cho nhà Vua, trả chùa cho ông bụt, trả bút cho học trò, trả mo cho cây câu, ông trăng đi mất.
Tới bài Chú Bé Bắt Được Con Công. Đây là một bài học về các con người quen thuộc trong gia đình:
Chú bé bắt được con công
Đem về biếu ông, ông cho con gà
Đem về biếu bà, bà cho quả thị
Đem về biếu chị, chị cho quả chanh
Đem về biếu anh, anh cho con chim tu hú
Đem về biếu chú, biếu chú, chú cho buồng cau
Chú bé trong bài đồng dao này, rõ ràng nó có ông bà, có anh chị, có chú thím để làm một công việc đổi chác. Trong gia đình nó, ai cũng thích con công nó vừa bắt được nên đã đem con gà, con chim tu hú, quả thị hay buồng cau đổi lấy con công. Chú bé đồng ý, cho tới khi vì chuyện đổi chác mà gây ra vụ đổ máu giữa chú và cô thì nó nghe lời của mợ nó, đòi lại con công, không đổi chác nữa:
Ai ngờ đánh nhau, cô chú đánh nhau vỡ đầu
Ôi thằng bé nào, bé nào mà không hoảng sợ?
Thế rồi nghe mợ, nghe mợ trả lại buồng cau
Xin hoà với nhau, Cô ơi! Cô ơi! Cô Chú!
Buồng cau trả chú
Tu hú hú trả anh
Quả chanh trả chị...
Với bài Thằng Bờm, lần này tôi muốn đổi tên nó là Thằng Bợm (dấu nặng):
Thằng Bợm, thằng Bợm có cái quạt mo
Phú ông, phú ông muốn đổi (ý)
Ba bò chín trâu, Bợm chỉ lắc đầu
Thằng Bợm, thằng Bợm nó chỉ lắc đầu
Phú Ông muốn đổi (ý)
Ao sâu cá mè, thế mà Bợm chỉ nín khe...
Theo tôi, Thằng Bợm thời nay không dại như Thằng Bờm thời xưa, đã chỉ đổi cái quạt mo lấy một nắm xôi nhỏ của Phú Ông, trong khi Phú Ông sẵn sàng cho nó đổi lấy năm con bò, chín con trâu, một sâu cá mè, một Qua kết luận của câu đồng dao cổ, hình như ai cũng khen là Thằng Bờm thực tế, chỉ cần có nắm xôi ăn cho no bụng không cần sự giầu sang của Phú Ông.
Tôi thì cho rằng Phú Ông bóc lột Thằng Bờm dấu huyền. Lần này gặp Thằng Bợm dấu nặng, nó ôm tất cả mọi thứ của Phú Ông và cùng với chiếc quạt mo của nó, chạy luôn một mạch khiến cho Phú Ông đứng đó kêu Trời:
Một tay thì giữ quạt mo
Một tay nắm cổ ba bò chín trâu
Bợm chạy cho mau là Bợm chạy cho mau
Cùng sâu cá mè
Cùng bè gỗ lim
Cùng chim đồi mồ
Cùng với nắm xôi
Bợm chạy đi thôi
Là Bợm chạy đi thôi
Mặc cho Phú ông kêu trời...
Ba bài bé ca đó xoay quanh vấn đề cho nhau và trao đổi với nhau. Cái gì tốt và hợp lý thì nhận. Cái gì không hợp lý và đem lại sự đánh nhau thì thôi, không trao đổi nữa. Và cũng chẳng nên đánh lừa người thấp cổ bé miệng bằng sự đổi chác.
Bé ca sẽ đi tới những bài hát, tuy không khởi sự từ đồng dao nhưng nó vẫn nằm trong thế giới trẻ em như bài Bé Bắt Dế. Ở đây, nó là một bài hát ám chỉ về thời cuộc nước ta trong cảnh chiến tranh, dựa vào việc trẻ con Việt Nam thường hay đào lỗ bắt dế rồi đem về chơi trò chọi dế. Con dế nói: tôi là ca sĩ chứ không phải là võ sĩ. Xin để cho tôi hát, đừng bắt tôi phải đánh nhau:
A! Này bé! Con dế nó ở miền quê
Chinh chiến lan về, nó phải tản cư
Nó sống trên hè, quanh quẩn ngoại ô
Làm thân sống nương, ở nhờ
..........
A! Này bé! Con dế nó ở nhà em
Nên nó cũng thèm coi truyền hình đêm
Nó thấy phi thuyền lên tận mặt trăng
Mà không thấy đâu Chị Hằng?
A! Này bé! Con dế cúi đầu phục lăn
Nó hát khen rằng:
Con người giỏi giang
Nhưng vẫn chê rằng:
Thiếu hẳn Tình Thương
Lòng vẫn chứa đầy bạo cường...
Thế rồi, tới lúc dế không còn ở lại với bé được nữa, vì dế phải đi tới quê mẹ để nối lại tình cha và ca hát câu giải hoà. Dế đi nhưng vẫn hứa hẹn ngày về:
A! Này bé! Con dế đến mùa phải đi
A! Này bé! Rồi sẽ có ngày trở về...
Bé Ca thời nay tả thực hơn là mang những ẩn ngữ của đồng dao cổ. Nó muốn kết chặt thân tình anh em, như trong bài Đưa Bé Đến Trường:
Đưa bé đến trường bằng xe anh đạp
Khi bước ra đường bình minh đã lên
Ba má đã khuyên mình nên đi sớm
Em hãy leo lên để anh đi liền...
Sáng đưa bé đến trường, chiều đón bé ra trường:
Đón bé ra trường, chiều mưa xám xịt
Đi giữa hai hàng đèn đêm đứng im
Em bé co ro ngồi ôm tay lái
Anh cũng so vai còng lưng tiến lên
Xe đi loanh quanh, mưa xuống nhanh nhanh
Chân anh, chân em tràn ngập nước văng
Anh em ca lên cho đỡ run lạnh
Ca lên, ca lên câu hát anh em
Ta thương yêu nhau, đời là cõi tiên
Nay mai xa nhau, kỷ niệm chẳng quên...
Luân lý của bài Đưa Bé Đến Trường nằm trong câu hát chót:
Mai mốt em thành người trong xã hội
Chức lớn sang giầu, nổi danh khắp nơi
Em có đi chơi bằng xe hơi mới
Xin chớ cán xe đạp của anh, bé ơi!
Xin chớ cán xe đạp của anh, bé ơi!
Bé ca Đốt Lá Trên Sân sau đây cũng nằm trong không khí nối liền hố sâu thế hệ:
Nếu bé yêu anh, anh mời đến ở
Dưới mái thô sơ, nơi vườn xanh cỏ
Ngày thì chia nhau sách đọc, mới cũ
Để chiều còn ra tưới vườn, quét lá...
Quét lá rồi vun lá giữa sân, nhóm lửa đốt:
Khói, khói lên nhỏ nhoi
Khói lên nhẹ hơi, khói lên lả lơi
Khói, khói lên đầy vơi
Khói lên tả tơi, khói lên mù khơi
Khói, khói lên đẹp ngời...
Khói trắng khơi lên kỷ niệm êm nhẹ của những ngày anh cũng nhỏ như bé, còn mẹ cha và cũng có những chiều đốt lá... Khói nhắc anh những ngày vui khoẻ, là chàng trai trẻ anh đi theo nhạc hành quân xa, trên nẻo đường ta... Khói làm cay mắt, em ạ! Nước mắt tuôn ra vì khói hay vì nhớ ngày xa xưa?
Đốt lá trên sân, khói mờ cay toả
Nước mắt rưng rưng, anh nhiều mắc cở
Ngọn lửa làm anh mắt mờ thương nhớ
Chỉ làm cho em má hồng đẹp thêm...
Bé Ca được phát triển mạnh trên hình thức ngay sau mấy bài hát giản đơn. Bài Bé, Cây Đàn, Ngôi Nhà Xanh, Đồi Cỏ phong phú hơn, nó là một câu chuyện nên được chia ra nhiều đoạn: Trên ngọn đồi cao có ngôi nhà xanh và có một em bé đang đứng ôm một cây đàn. Tôi leo ngang qua đồi và đi qua nhà. Bé bắt tôi đánh đàn cho bé nghe. Đánh đàn xong, trả lại đàn, bước xuống đồi nhìn lên, tôi bỗng thấy bé rất lẻ loi...
Bài Trong Tiếng Đàn Của Anh, Trong Tiếng Cười Của Em là sự bổ sung cho bài Bé, Cây Đàn, Ngôi Nhà Xanh, Đồi Cỏ. Kể từ khi tôi hay nói tới tiếng đàn trong những bài hát đầu đời, bây giờ -- nghĩa là mấy chục năm sau -- tôi mới lại có dịp nói tới tiếng đàn:
EM: Trong tiếng đàn của anh, em thấy một niềm đau
Em thấy nỗi buồn theo tang tóc nơi quê nghèo
Trong tiếng đàn của anh, em thấy mối âu sầu
Rơi rớt theo giọt châu thương nữ, chốn giang đầu
Qua tiếng đàn của anh, em thấy nhạc Ly Tao...
ANH: Trong tiếng cười của em, anh thấy một mầu xanh
Anh thấy khung trời thanh, anh thấy bao tia lành
Trong tiếng cười của em, anh thấy bao ân tình
Cho tái sinh niềm tin nơi ngón tay bập bềnh...
EM: Ôi tiếng đàn của anh, xin vẫn chẳng hề quên
Những oái oăm về trên non nước ta ngoan hiền
Ôi tiếng đàn của anh, xin vẫn chứa ưu phiền
Nhưng cũng xin được vơi, vơi bớt chút oan nghiệt
ANH: Ôi tiếng cười của em, xin vẫn cứ cười vang lên
Ôi tiếng cười của em, xin vẫn mãi mãi êm đềm
Ôi tiếng cười của em trong những tiếng anh đàn
Ôi tiếng đàn của anh trong tiếng cười của em
HAT CHUNG: Ôi tiếng lòng của ta, của đôi ta...
Từ 1973 qua 1975, trong phạm vi bé ca, tôi đi từ đồng dao cổ phục hồi tới những bài nối liền hai thế hệ. Tôi cũng muốn đưa bé ca lên hình thức nhạc kể truyện, nhạc thần tiên nên đã soạn những bài có nhiều đoạn khúc. Trong đầu năm 75, tôi còn soạn được hai bài bé ca nữa: Con c Sên Và Hòn Đá Cuội và Một Con Chim Nhỏ Trên Cành Yêu Thương. Bài sau đã thành ra "lớn ca" mất rồi:
Một con chim nhỏ trên cành yêu thương
Cất tiếng ca đêm Việt Nam vô thường
Nhựa Hoà Bình loang nhành khô héo xuống
Mưa Hoà Bình gột tóc Mẹ sau gương
Vòm tre lơi lả theo ngọn thùy dương
Nắng đã soi trên Việt Nam mơ màng
Đồng cỏ xanh lơ đợi chờ cơn gió
Hoa nở đầy miền, bia mộ đường quên
Một con chim nhỏ trên trồi cây non
Cất tiếng yêu thương Việt Nam vô vàn
Thảm cỏ mềm cho giọt sương lay lắt
Sông nằm dài, chờ kết bạn trăm năm...
Bây giờ nói về nữ ca. Nữ ca được soạn khi tôi bị lôi cuốn bởi những tờ báo dành riêng cho tuổi ô mai. Nhưng lý do chính là để cho con gái yêu Thái Hiền hát (°°). Nhờ các con tôi đi theo phong trào nhạc trẻ, tự thành lập một ban nhạc combo lấy tên The Dreamers, lúc đó tôi cố gắng cười cổ sì tin nhạc trẻ, nghĩa là làm sao để sáng tác của mình không trở thành nhạc lai căng. Những bài như Tuổi Mộng Mơ, Tuổi Ngọc, Tuổi Hồng, Tuổi Thần Tiên, Tuổi Xuân, Tuổi Bâng Khuâng, Tuổi Vu Vơ hay Tuổi Ngu Ngơ, Tuổi Sợ Ma... xưng tụng tuổi tuyệt vời của các em và xin các em giữ chặt lấy nó, đừng... hít xì ke nghe.
Tôi mở đầu loạt bài nữ ca với bài Tuổi Mộng Mơ. Đây là một bài hát đối đáp:
Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, mười ba?
Em ước mơ em là, em được là tiên nữ
Ban phép tiên cho hoa nói được cả tiếng người
Ban phép tiên cho người chắp cánh bay giữa trời...
Bài hát tiếp tục: Em ước mơ em được là thi sĩ hay hoa hậu, hoa khôi... Nhưng khi em đã vào tuổi mười lăm, mười sáu, nếu hỏi em ước mơ gì, em trả lời: em chỉ muốn được là cô gái yêu nước Việt, bước chân theo giống nòi.
Bài nữ ca số 2 ra đời để hưởng ứng công việc của tờ báo của Duyên Anh, mang tên Tuổi Ngọc. Đây là lời nũng nịu của cô bé xin được mặc chiếc áo dài của dân tộc, rồi xin một mớ tóc dài chứ không phải tóc quăn. Cuối cùng:
Xin cho em còn một xe đạp
Xe xinh xinh, để em đi học
Từng vòng, từng vòng xe
Là vòng đời nhỏ bé
Đạp bằng bàn chân gót đỏ hoe
Cho em leo từng con dốc dài
Cho em suôi về con dốc này
Rồi một ngày mai đây
Từng kỷ niệm êm ái
Chở về đầy trên chiếc xe này...
Bài Tuổi Hồng là bài nhiều tính chất của nhạc folk-rock nhất. Bài này có cơ hội được một bạn đồng nghiệp Hoa Kỳ là James Durst soạn lời ca Anh Ngữ nhan đề The Rosey Years và được thu vào băng nhạc và dĩa hát Hoa Kỳ (cũng như bài Bé Bắt Dếvới tên Little Child! Catch A Cricket):
Hôm nay em đi trời không có nắng
Nhưng sao đôi má em lại bừng bừng
Nơi em đi qua lửa không bốc cháy
Nhưng sao đôi má em như người say
Em không hung hăng giận, hay tức tối
Em không biết uống ly rượu người mời
Đôi khi em đi hạt mưa giăng lối
Nhưng sao môi mắt em như mặt trời..
Bài hát tiếp tục xưng tụng cô gái Việt Nam:
Hoa chưa ra hoa nụ hoa chưa hé
Nhưng em thơm mát hương mạ chiều hè
.......
Mây xanh mây xanh nhiều khi mây đứng
Nhưng em phơi phới bay vào trời quang
........
Chưa ai cho em một câu ân ái
Chưa ai đưa lối hoa mộng đường dài
Em chưa nghe thiên tình ca êm ái
Nhưng em đã bước chân vào huyền thoại
........
Tuổi Hồng ơi ý ơi! Tuổi Hồng ơi ý ơi!
Tuổi Hồng ơi ý ơi! Tuổi Hồng ơi ý ơi!
Ba bài nữ ca đầu soạn theo nhịp rock, nhưng giai điệu vẫn nằm trong ngũ cung Việt Nam. Bài Tuổi Mộng Mơ chẳng hạn là nét nhạc bài Lưu Thủy... Nữ ca Tuổi Thần Tiên sau đây có một nhạc ngữ và cấu phong khác ba bài trước. Nó xưng tụng cô bé với tình yêu gia đình, yêu nhà trường, yêu quê hương:
Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền
....
Tuổi thần tiên lắng nghe cha ngọt ngào
....
Tuổi thần tiên có thêm anh chị yêu
Có thêm ông bà tóc trắng da nheo
.....
Tuổi là cây bút thon thon ngọc ngà
Tuổi là sách thơm, trong như ngoài bìa
Tuổi là tay viết xanh xanh hàng chữ
Ep trong đôi tờ, cánh bướm đã khô
..........
Tuổi thần tiên có quê hương hoà bình
.........
Tuổi thần tiên có con sông thật dài
.........
Tuổi thần tiên có quê hương đổi mới
Nước non thanh bình cho bé yên vui
Mùa Xuân đến, lên chùa phát tâm nguyện
Nơi Phật đường, tuổi thêm thần tiên
Mùa Đông đến với đêm Chúa êm đềm
Giáng Sinh về, đẹp tuổi thần tiên.
Nữ Ca Tuổi Sợ Ma rất vui. Cô bé Việt Nam trong thời đại đảo điên này, gặp nhiều ma lắm. Nào là ma lem, ma bùn, ma men, ma cờ bạc, ma túy, ma cà rồng, ma cô, ma giáo, kể cả mafia, ma đầu cơ, ma tích trữ... Em gặp ma, nhưng em...
... quyết đánh cho ma tan tành
Ma vô hình, nhưng chúng mình phải giơ tay đánh...
Thế rồi hôm qua em đang trong giấc ngủ bình an thì có ma đánh thức em dậy. Nhưng ma này lại là ma dịu dàng gọi là maman. Maman nói với bé:
Hỡi bé! Hãy nên ngoan! Hãy nên ngoan!
Đừng cho Mẹ mắng! Phải ngoan!
Maman! Maman! Maman!
Mẹ yêu, mẹ mến, mẹ thương!
Bài Tuổi Xuân sau đây mô tả cô bé quá yêu đời, yêu người và chỉ sợ con tim nhỏ bé của mình sẽ bị vỡ toang vì tình yêu:
Bỗng dưng yêu đời! Bỗng dưng yêu đời!
Tình yêu thứ nhất quê hương đẹp ngời
Rồi yêu kế tiếp năm châu mọi nơi
........
Yêu biết bao cuộc sống!
Yêu biết bao cuộc đời!
Yêu từ ngày hôm nay
Yêu sẽ yêu còn dài
.......
Bỗng dưng yêu người! Bỗng dưng yêu người!
Ở trong thương xá hay trên vỉa hè
Hoặc ngồi xe lam lắc rung rinh đường quê
.......
Em mến yêu trẻ thơ
Em kính yêu ông già
Yêu Thầy và yêu Cô
Yêu giấc mơ học trò...
Bỗng dưng vui nhiều! Bỗng dưng vui nhiều!
Niềm vui thứ nhất, ba nuông mẹ chiều
Và vui thêm nữa anh yêu, chị yêu!
Bỗng dưng vui nhiều! Bỗng dưng vui nhiều!
Niềm vui kế tiếp không chê giầu nghèo
Và vui chót hết, em luôn được yêu
..........
Bỗng dưng mơ màng! Bỗng dưng mơ màng!
Một con tim bé bao nhiêu là tình
Chỉ lo nó vỡ con tim đẹp xinh
.........
Nhưng em không sợ tim mình vỡ toang!
Nhưng em không ngại tim mình vỡ toang!
Em ca em hát, em vui rộn ràng
Là la la là la la là là - Là la la là la la là la...
Càng đi vào nữ ca, tôi càng tìm ra những nữ tính như vu vơ, ngu ngơ, ngù ngờ trong bài hát Tuổi Vu Vơ:
Tuổi nào hay tủi thân
Và hay khóc với hay dỗi hờn?
Tuổi nào hay ngạnh ương
Tuổi hay bĩu môi và nguýt lườm?
Có khi vùng vằng lui tới!
Có khi ngồi thừ không nói!
Có khi nằm dài co ro bụng đói
Có khi cười đùa thân thiết
Có khi thiệt rầu muốn chết!
Sống trong nhiệt cuồng, yêu ghét liên miên!
..........
Tuổi nào mở lòng ra,
Thả theo gió bay đi bốn mùa
Tuổi còn thêu dệt hoa
Và bốn chữ "ái tình tôn thờ"
..........
Tình gần bỗng vội xa,
Rồi khép nép xưng tội hững hờ
Có khi ngồi nhà vui quá!
Có khi sầu về trên phố!
Viết hay đọc hoài không hết phong thư.
......
Tuổi là của tình thương,
Từ con rắn đến voi, đến hùm.
Kể luôn tới loài dun,
Dù nó dữ hay là nó hiền.
Có thiên thần, thì cũng có
Lũ ác quỷ ở bên đó
Thế nên tuổi dành ngu ngơ ở giữa
Tuổi là của vị tha,
Tuổi thương sót biết cho mấy vừa
Tuổi một ngày một xa,
Thì hãy giữ cho tuổi không nhoà
Giữa nơi lọc lừa gian trá, vẫn mang một niềm tha thứ
Sống trong rừng già, nhún bước nai tơ...
Trong bài Tuổi Bâng Khuâng, cô bé Việt Nam tự hỏi mình sao không phải là hoa, là lá, là cỏ, là cây, là mây, là gió, là trăng, là suối, là biển, là bướm, là chim? Nó được soạn trong lúc có danh từ hoà hợp hoà giải cho nên nó cũng đưa ra hình ảnh một khu rừng, trong đó cây chen vai hoà hợp quanh năm cho nên khu rừng mới cao được. Đại ý nó muốn nói: ta phải đoàn kết thì nước ta mới lớn được:
Sao em sao em không là hoa lá?
Sao em sao em không là cỏ cây?
Sao em sao em không là cơn gió?
Sao không như mây trên đồi cỏ xa?
..........
Sao em sao em không là suối nhỏ?
Sao em sao em không là sóng cả?
Sao em sao em không là cánh bướm?
Sao em sao em không là chân chim?
Sao em không như một thời gian báu?
Không lâu, không lâu giải hoà niềm đau
..........
Sao em sao em vẫn còn mơ mãi?
Sao em sao em vẫn còn chơi vơi?
Tay em phân vân se làn tóc rối
Trong đêm bâng khuâng nhớ mình, nhớ người.
Tới đây cô bé đã tới tuổi 17, 18 rồi! Đã biết buồn rồi! Tôi soạn chung với Ngọc Chánh bài Tuổi Biết Buồn để đi dự thi Âm Nhạc Quốc Tế ở Tokyo trong năm 1974. Bài này do Thanh Lan hát và được vào chung kết:
Buồn đã tới rồi, một chiều tím trên sông
Làm cho úa vàng từng mộng ước tươi hồng
Ôi những chú nai tơ, Công Chúa rừng già
Nơi hoang đường xa, cửa đà khép ngăn em về...
Nhớ bé xưa, cùng chơi đuổi nhau dưới bóng hàng cây
Nấu nướng hay nhẩy dây, vòng chơi cuốn theo tuổi say
Nụ hoa dắt trên đầu, tặng nhau đứng bên cầu
Ai ngờ dòng đời đang cuốn mau
Buồn đã tới rồi, một buổi tối không trăng
Tình len lén vào cửa mở lớn tim nàng
Ôi những phút say sưa, những phút dịu dàng
Yêu người mà sao lòng còn mãi băn khoăn?
Buồn đã tới rồi, cả một trắng đêm khơi
Tình đã hoen mầu vàng cả tóc mây ngời
Ôi những mối dây tơ đã rối mù rồi
Oan tình đầy vơi, mở rộng lưới giam bao người
Nhớ lúc vai kề vai dìu nhau đi giữa hàng dương
Thấy bóng soi hồ trong, ngừng chân dưới gốc đồi thông
Nụ hôn lúc ban đầu, thần tiên dẫn ta vào
Ai ngờ cuộc tình tan vỡ mau
Buồn đã biết rồi từ thuở biết thương yêu
Tình sẽ lớn dần và buồn sẽ thêm nhiều
Mang những vết thương đi trong cõi tình dài
Ôi tuổi buồn ơi! Tuổi còn mãi theo ta hoài...
Vào năm 1961, tôi có soạn bài Ngày Em Hai Mươi Tuổi cho một người bạn gái. Tôi dùng bài này là bài kết của loạt MƯƠI BAI NỮ CA, vì nữ ca khởi sự từ tuổi 13, nay ngưng lại ở tuổi 20 là vừa!
Ngày em hai mươi tuổi
Tay cắt mái tóc thề
Giã từ niềm vui nhé
Buồn ơi! Hãy chào mi
........
Ngày em hai mươi tuổi
Tay níu chân cuộc đời
Cho ngừng lời giăng giối
Thời gian cũng đừng trôi
Ngày em hai mươi tuổi Mới chớm biết yêu người
Đã buồn vì duyên mới
Rồi đây sẽ nhạt phai...
Hình như khi nào tôi đi vào một đề tài nào đó thì khi đi qua những đề tài khác, tôi cứ bị đề tài cũ ám ảnh hoài. Do đó mà có cái vụ soạn ra một bài, rồi mười năm sau, được dùng để làm bài chót cho một thứ chương khúc gồm những bài mới cùng chung đề tài với bài cũ.
Với 10 bài bé ca và 10 bài nữ ca, tôi đang tung ra những bài ca tươi thắm, khác hẳn với cảnh khốc liệt và trần truồng của tâm ca, tục ca. Vì tôi mắc cái bệnh thích làm bộ ba, tôi bèn soạn thêm 10 bài bình ca để cho vào một nhạc tập được ấn hành với tên HOAN CA, có tranh bìa rất đẹp của hoạ sĩ Đinh Tiến Luyện.
Cho tới đầu thập niên 70, ở miền Nam đã có những bài thơ mà tác giả có khi là tu sĩ (Nhất Hạnh) hay anh thanh niên không thích đi quân dịch, có khi là lính trơn (Linh Phương) hay sĩ quan tâm lý chiến (Thái Luân, Kim Tuấn, Phạm Lê Phan), là thi sĩ được nhiều biết tới (Ngô Đình Vận, Lê Thị Y) hay hãy còn là mầm non thi sĩ... nói lên sự ước mơ hoà bình của toàn thể dân tộc Việt Nam dù chính quyền không đồng ý để văn nghệ sĩ nói lên giấc mơ đó. Văn nghệ sĩ miền Bắc là phải thề phanh thây uống máu quân thù thì văn nghệ sĩ ở miền Nam, dù sự bắt buộc không thành văn, cũng phải lên gân như vậy. Ai cũng biết từ thời ông Diệm cho tới giữa thập niên 60, danh từ hoà bình là một thứ cấm kỵ (tabou), không ai được nói tới. Một tờ báo như tờ HOA BINH của linh mục Trần Du, lúc xin cấp giấy phép ra báo thì Bộ Thông Tin đề nghị đổi tên manchette. Từ 68 trở đi, nghĩa là từ khi có Hội Nghị Paris và có chuyện việt nam hoá chiến tranh thì ở bên Mỹ, ở bên Âu Châu ai cũng nói tới hoà bình. Nhưng ở Việt Nam thì gần như người ta không muốn nhắc tới danh từ đó.
Chỉ tới khi Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, trong một bài diễn văn do nhà văn kiêm nghị sĩ Thái Lăng Nghiêm viết, nói rằng: Mặt Trận Giải Phóng, tuy không phải là một thực thể nhưng nó là một thực tế, thì chữ hoà bình mới không còn bị ngăn cấm nữa. Người ta bắt đầu sài chữ đó nhưng thêm vào hai chữ thành ra hoà bình công chính. Chữ hoà bình cộc lốc mà phe tả dùng đến thì coi như là ngụy hoà. Bên Công Giáo từ trước đến nay rất kị khái niệm hoà bình thiên tả thì bây giờ đưa ra phong trào Hoà Bình và Công Lý. Nói tóm lại, chiến lược của Miền Nam vào lúc đó đã có nét mới là chấp nhận chiến lược toàn cầu. Trong làng văn có ngay một buổi ra mắt được tổ chức rất xôm tụ của cuốn HOà BìNH, NGHĩ Gì, LàM Gì, một cuốn sách vừa to vừa dầy của Nguyễn Mạnh Côn. Anh bạn láng giềng của tôi xưa nay là người có tư tưởng, có lập trường, một nhân vật chỉ đạo của Nha Chiến Tranh Tâm Lý, đã từng viết nhiều về Việt Minh. Bây giờ thấy anh viết sách đó tôi hiểu được rằng chống Cộng đến chiều như anh mà cũng chuẩn bị hoà bình thì chắc việc đó là như thế đó.
Là người phổ nhạc những bài thơ ước mơ hoà bình kể trên, bây giờ, trong bối cảnh Hội Nghị Paris với ba thành phần hay bốn phe gì đó đang sắp sửa ký kết với nhau, tôi soạn những bài hát nói tới hoà bình. Tôi không gọi tên loại ca này là hoà bình ca mà chỉ gọi là bình ca. Vì trong 10 bài hát này, tôi nói nhiều tới chuyện lấy lại cái bình thường, cái bình dị của dân tộc ta đã bị mất đi sau mấy chục năm chiến tranh. Hoà bình tới thiệt đi nữa cũng không phải để tôi nói tới chuyện tương lai, với sự trùng tu xứ xở, xây lại nhà trường, nhà thờ, nhà máy, đường xá, cầu cống... Tôi muốn bình ca là những bài hát điều hợp xã hội và con người, trong đó chỉ nghe ra ngôn ngữ hiền hoà mà thôi. Tuy nhiên nó cũng không thiếu ngôn ngữ của thời đại và nhạc ngữ của nó thì hoàn toàn theo sì-tin nhạc trẻ. Bài Bình Ca Một còn đưa ra hình ảnh anh hippy:
Này em con chim lười
Nhiều năm chim đau phổi
Buổi sáng vắng tiếng chim cười vui
Này em con trâu già
Nhiều năm trâu vất vả
Cùng với bác xã nơi đồng quê
............
Này em vang tiếng cười
Giờ chơi không e ngại
Trường lớp đó là nơi
Ngày xưa, giam bao người
Trại cũ đã biến ra trường đời
...........
Này em đã tới giờ
Mẹ đưa em đi chợ
Rồi khi đưa nhau về
Gặp anh hippy trẻ
Mặc áo rách đứng bên nhà thờ
Trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ...
Bài bình ca số 2, Sống Sót Trở Về đúng là ngôn ngữ tráng sĩ hành: Sống sót trở về, trên đường làng tươi mát, trên đại lộ thơm ngát, trên rừng đồi xanh ngắt, trên biển xanh cát vàng... có anh thợ cầy sung sức, có anh thợ mỏ náo nức, có anh mục đồng thao thức, có anh thợ chài bâng khuâng... Sống sót trở về, anh hùng rực chiến công cũng giống anh hiền ưa cuộc đời tối tăm, chúng ta đều ngập ước mong là được má ấp môi kề ôm người đẹp suốt năm:
Sống sót trở về, tên cường đạo lau kiếm
Xé áo giang hồ xin chèo đò trên bến
Sống sót trở về, quên mầu hồng, gái điếm
Trút phấn son rồi, xin mặc lại áo huyền...
Còn riêng tôi:
Sống sót trở về, tôi tạ từ vũ khí
Sống sót trở về, tôi trở lại nhỏ bé
Sống sót trở về, đeo một bầu rượu quý
Sống sót trở về, vui một mình, tôi đi.
Bình Ca số 3 Dường Như Là Hoà Bình mang nhiều tính chất nhạc trẻ nhất:
Dường như nghe đâu đây tiếng người
Ngày hôm qua im tiếng im hơi
Người xưa nay thường che mặt lại
Bỗng hôm nay không ai là không cười
..........
Dường như đêm hôm nay quá dài
Dường như đêm nay ngắn quá thôi
Cùng nhau chơi ở nơi mở hội
Chúng tôi vui như điên, như dại
..........
Dường như tôi hôm nay bé lại
Dường như tôi nay mới lên hai
Mẹ ôm tôi vào lòng êm ái
Gãi lưng tôi, nhặt chấy cho tôi...
Bình Ca 4 Xin Tình Yêu Giáng Sinh là một bài thơ của Trụ Vũ do tôi phổ nhạc. Nội dung của bài này: Xin cho tình yêu được giáng sinh trên một quê hương đã cằn cỗi vì chiến tranh, trên một quả địa cầu đã tăm tối vì bạo lực, trong lòng mọi người hấp hối đang sống trên sự gian dối và tội lỗi trong một cuộc đời lầy lội và nổi trôi này. Bài ca nói tới mười ngàn đêm đau thương, trong đó chúng ta sống một trường thiên ác mộng. Bài ca nói tới mười ngàn đêm của hờn, mười ngàn đêm của giận và trên vũng lầy vô tận này ta chỉ thấy máu và xương, chỉ thấy khóc và than. Chúng ta đã có tới mười ngàn đêm đau thương, mười ngàn đêm đoạn trường, mười ngàn đêm oan khiên rồi thì đã đến lúc chúng ta phải qùy xuống, cầu nguyện cho tình yêu giáng sinh, cho một lần hoa nở, cho một lần ngực thở, cho một lần cửa mở và cho tình yêu của chúng mình cũng được giáng sinh.
Bình ca số 5 với cái tên Xuân Hiền rất là cổ kính. Có dùng nhiều danh từ như Xuân Phong, Xuân Tiêu, Xuân Miên... để nói tới gió Xuân, ánh sáng mùa Xuân, tới giấc ngủ và giấc mộng đêm Xuân. Hình ảnh tôi thích nhất là: khoanh tay ra bờ giếng gọi tên Trời Đất:
Xuân huy chan hoà trên khắp quê hương
.....
Xuân phong đem về tin tức vui chung
......
Xuân xanh em là xuân nữ tơ trinh
.....
Xuân tiêu em nằm trong giấc mơ yêu
.............
Xuân miên anh vào sâu giấc mơ tiên
Anh ra bờ giếng, khoanh tay gọi tên
Gọi đất trời rất ngoan hiền
.............
Xuân non, Xuân già, Xuân vẫn Xuân quen
Mới biết Xuân là cuộc tái sinh duyên
.............
Xuân không lên đường Xuân đứng êm êm
Đứng mãi trong đời để cõng ta lên
Yêu Xuân đằm thắm, yêu Xuân một phen
Và sống cùng với Xuân hiền...
Bình ca số 6 nhan đề Ru Mẹ là lời con ru mẹ, không phải mẹ ru con:
Mẹ năm mươi tuổi chiến tranh
Con hai mươi tuổi, Hoà Bình về chơi
.............
Mẹ tôi giấc ngủ khó khăn
Xưa nay ru mẹ toàn bằng đạn bom
Mẹ ơi! Xin ngủ êm đềm
Riêng con không ngủ, ngồi nhìn mẹ yêu
Mẹ xưa nay ngủ không nhiều
Con xin ru mẹ ngủ chiều, ngủ trưa
.............
Mẹ năm mươi tuổi thiếu mơ
Con hai mươi tuổi nằm chờ mộng xanh
Mẹ ơi! Giấc mộng tốt tươi
Cho con xin gửi cuộc đời Việt Nam
Mộng không máu đổ, xương tàn
Mơ trong giấc ngủ một đàn trẻ thơ...
Bình ca số 7 Lời Chào Bình Yên phát triển hình ảnh con người khoanh tay gọi tên Trời Đất:
Mang giầy giớ tốt, mang khăn áo lành
Tôi chào đất nước tôi nay thái bình
Tôi cúi lưng xin chào anh
Tôi đứng lên, tôi chào em
.............
Tôi thấy chung quanh chào nhau
Tôi cũng không quên chào đứa tôi đâu
.............
Xin chào những bác nông dân ít lời
Tôi chào chiến sĩ đang ôm súng ngồi
.............
Tôi chào vũng nước trong xanh, tháng hè
Tôi chào tấm áo bông, đêm rét về
Tôi chào đứa bé sơ sinh khóc oà
Tôi chào đám cưới đi ngang trước nhà
Tôi vẫy tay theo nhịp xe
Đưa đám ma ra ngoại ô
Tôi muốn thăng hoa cuộc sống đi qua
.............
Tôi chào trái đất xinh xinh giữa trời
Tôi chào thế giới chung nhau giống người
.............
Tôi chào ý nghĩ chia vui chúng mình
Chia buồn, sẽ sống chung nhau thái bình
.............
Ta bắt tay nhau chào tiếng hân hoan
Lời Chào Bình Yên! Lời Chào Bình Yên!
Bình ca số 8 Giã Từ Ac Mộng nói tới chuyện tìm lại được thiên đàng hạ giới:
Nào người yêu, giã từ ác mộng
Ta đưa nhau tới cõi địa đàng
Về một nơi sông dài nước rộng
Ta yêu nhau trên bãi cỏ hoang
.............
Nào người yêu giã từ bóng tối
Ta yêu nhau dưới ánh măt trời
Cỏ vàng khô cũng là chăn gối
Hay mưa rơi cũng mát lòng người
.............
Nào người yêu đêm về phơi phới
Ta yêu nhau dưới ánh đèn ngời
Mầu tường vui, căn phòng êm ái
Soi gương nhau nhớ mãi hình hài
.............
Nào người yêu giã từ oán ghét
Thôi ăn năn, hối tiếc, buồn phiền...
Bình ca số 9 Chúa Hoà Bình muốn được nhìn Chúa Giê Su như một con người của hoà bình:
Nếu có ai giận dữ, nếu có ai bất hoà
Nếu có ai lầm lỡ, rồi sinh ra khắt khe
Sẽ đánh tôi một cái, tát tôi nơi má này
Sẽ thấy tôi lặng lẽ, chìa luôn ngay má kia
.............
Đã chót mang tội gốc
Gái hư thân não nùng
Khóc giữa nơi quần chúng
Nằm cho viên đá quăng
Hỡi những ai ở đó
Sẽ đóng vai phán toà
Nếu tự thấy không tội lỗi
Thì quăng viên đá coi
.............
Lạy Chúa, lạy Chúa tôi!
Thân xác ra với đời
Lạy Chúa, lạy Chúa tôi!
Tim óc về với tôi!
Lạy Chúa, lạy Chúa tôi!
Nơi khó khăn kiếp người
Lạy Chúa, lạy Chúa tôi!
Nhận Chúa là nỗi vui
Amen... Amen...
Bài Ngày Sẽ Tới soạn từ lâu, nay dùng để kết thúc 10 bài Bình Ca:
Ngày sẽ tới, biết bao nhiêu mừng vui
Mừng biết mấy chiến tranh đã tàn phai
Quê hương ta xưa nay đã đẹp rồi
Thêm xinh tươi, thêm vui, thêm tuyệt vời
.............
Ngày sẽ tới nước non thôi là hai
Ngày thống nhất, Bắc-Nam đi lại rồi
Anh đưa em ra nghe Thu Hà Nội
Em đưa anh vô Nam coi mặt trời
.............
Ngày đã tới, cái ta gọi là yêu
Là quý mến chúng ta vẫn hoài nghi
Nhưng hôm nay, ôm nhau không còn ngờ
Ta yêu nhau, thương nhau như trẻ thơ
Này hỡi hỡi hoà bình!
Réo gọi Này hỡi hỡi hoà bình... nhưng 10 bài bình ca là những bài hát không vui vẻ trẻ trung lắm đâu, dù về phần nhạc ngữ, nó được các con tôi hát lên với phong cách nhạc trẻ. Nếu là hoà bình ca thật sự thì phải là nhạc mở hội, nhạc vui nhộn, nhưng bình ca lại buồn man mác. Con người sống sót trở về, đi trên đường làng, trên đại lộ, trên rừng đồi hay trên biển xanh cát vàng mà lòng thì buồn rười rượi. Rồi chắp tay chào nhau một lời chào bình yên. Rồi ra bờ giếng khoanh tay gọi tên trời đất. Hoà bình tới, giã từ ác mộng để ôm ấp nhau nhiều hơn là xây dựng đất nước. Tôi không tin có hoà bình dù trong mấy chục năm trời, tôi nói tới ba lần hoà bình: Thu Chiến Trường, Hoa Xuân, Ngày Sẽ Tới của ba đời thương binh: Nhớ Người Thương Binh, Ngày Trở Về, Kỷ Vật Cho Em. Trực giác khiến cho tôi thấy hoà bình do Hội Nghị Genève hay do Hội Nghị Paris đem tới cũng đều chẳng ra cái gì cả. Biết là hoà bình giả tạo mà vẫn phải xưng tụng, bởi vì đã là con người ai mà chẳng ước mơ hoà bình?
Bình ca đối với tôi, là những bài hát tất nhiên phải cất lên ở cuối một con đường. Nghĩ rằng đây là cuối đường cho nên ngưng lại để ca hát nhưng tôi cũng biết đây chưa thực sự là đoạn cuối của con đường. Thứ ánh sáng le lói ở cuối đường hầm mà hơn một người đang bận tâm về vấn đề Việt Nam -- như Kissinger chẳng hạn -- tưởng như nhìn thấy, không làm tôi tin tưởng vào văn kiện hoà bình mà chính quyền miền Nam, dù không muốn ký nhưng cũng bị Hoa Kỳ ép phải ký. Để cho người Mỹ rảnh tay đem quân, đem tù binh và đem xác tử sĩ về nước, sau khi nhờ chiến tranh ở Việt Nam mà nối được bang giao với Trung Cộng.
Tuy vậy, ảo tưởng về hoà bình có thể sẽ tới với cuộc ngưng bắn, tiếp theo là việc lấn đất giành dân để chờ có chính phủ liên hiệp hay chờ cuộc chiến tái diễn giữa hai miền (mà không còn quân Mỹ nữa) cũng giúp cho tôi soạn ra những bản bình ca để, trước hết, bình thường hoá lòng mình. Đứng ở cuối một đoạn đường, với cõi lòng đã lấy lại bình thường, tôi ngộ ra từ ngày không còn được cầm súng kháng chiến chống thực dân Pháp nữa và chọn vào sinh sống ở miền Nam... tôi lại phải cầm đàn để làm cuộc kháng chiến khác, đối đầu với cuộc chiến khác.
Trước hết, tôi ngẫu nhiên đứng vào hàng ngũ của một đội quân trong cuộc nội chiến Nam-Bắc mà tôi không chủ trương và cũng không tham gia tích cực, mặc dù tôi không hề từ chối một công tác văn hoá nào, rồi rút cục được đưa vào bảng phong thần trong Phòng Triển Lãm Tội Ac Mỹ Ngụy (!) sau ngày 30 tháng 4, 1975. Sau nữa là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm văn hoá do tình hình chính trị quốc tế gây nên ở miền Nam. Tôi đồng tình với các nhà văn hoá ở miền đất tự do này, trước hiểm hoạ của nền văn minh vật chất đột nhập vào Việt Nam với sức mạnh của tiền bạc và súng đạn, không ai bảo ai, đưa ra phong trào về nguồn trong mọi địa hạt văn chương thi ca âm nhạc...
Tôi còn làm hơn thế nữa, nghĩa là sau khi kết án bạo lực từ Moscou và Washing ton D.C đổ xuống đất nước và lên đầu con người xứ này, sau khi tố cáo những tệ đoan xã hội do sự có mặt của ngoại nhân gây ra... tôi nhắm vào tuổi thiếu niên và nhi đồng qua những bài bé ca, nữ ca (vừa nói tới trong chương này). Tuy nhiên, trở về nguồn nhưng cũng phải tiến hoá. Xin các em gái giữ lại chiếc áo dài (hơn là mini-jupe), bảo vệ mớ tóc dài (hơn là mớ tóc quăn) nhưng không khước từ chiếc xe đạp. Cũng như giữ lại nhạc ngũ cung (dù hấp thụ nhạc thuật mới) nhưng không từ chối nhạc trẻ (nhạc điện tử). Quay về với đồng dao cổ truyền trong sáng nhưng cũng tạo ra đồng dao mới với những hình ảnh mới, tình cảm mới.
Ô hay! Vào thời điểm này, tôi mới bước vào tuổi 50 mà tại sao tôi lại làm những chuyện mà chỉ có người già mới làm, sau khi họ đã hiểu hết về con người, sau khi họ đã mệt mỏi về cuộc đời, nhất là sau một thời chiến tranh tàn phá và vào lúc khởi đầu của một xây dựng. Thầy Mạnh Tử cho rằng xích tử chi tâm, phải nhắm vào trẻ thơ mà tấm lòng chỉ là trong sạch để làm tiêu chuẩn giáo dục. Thi hào Goethe tới tuổi 80 mới soạn thi ca cho tuổi trẻ. Cũng như mọi người ở Việt Nam, phải sống hai mươi năm với số mạng làm người nhược tiểu da vàng (sic), phải chấp nhận những sự việc vừa oan khiên vừa oan trái, phải hành động như một răng cưa trong bộ máy chung... tôi già đi trước tuổi. Có phải vì thế mà đám thanh niên, ngay từ hồi đó, đã gọi tôi là bố già?
Nói về cái già, tôi có một bài hát cho tuổi 60, soạn từ đầu thập niên 60 và được in trong nhạc tập HAT VAO ĐƠI. Bài này mang tên Nhạc Tuổi Vàng, lúc đó chỉ muốn là sự tiếp diễn của bài Nhạc Tuổi Xanh:
Tuổi vàng như bông lúa thơm tho ngày mùa
Trên cánh đồng chiều tà
Nhờ gió Thu đưa về quá khứ
Nhớ Xuân xa, khi còn tơ
Tuổi vàng như hoa lá nguy nga đầu cành
Thương xuống hạt mầm lành
Chờ mai nghiêng mình gieo sức sống
Mớm tương lai cho Hoà Bình...
Bài hát tiếp tục nói về: giờ này, hoàng hôn đã xuống, và là giờ bao ước muốn, như lúa hoa mang tình thương. Chúng ta đã đem máu xương nuôi tuổi xanh thì bây giờ vào tuổi già, chúng ta đem ái ân nuôi tuổi lành...
... Vạn nghìn đời xưa chia cắt
Đổi thành một đêm nối thắt
Chúng mình xây đắp yêu đương...
Cuối cùng:
Tuổi vàng đã chói lói khi bao người đời
Chung sức để thành Trời
Để lúa lên ngôi miền băng giá
Với bông hoa, trên sa mạc xa...
Tuổi vàng đưa ta thoát ra ngoài thế giới
Về mặt trăng đất mới
Lúa ngô chen chúc nhau bên chị Hằng Nga
Thành tình thắm, nuôi Cuội già...
Đã có một bài hát về tuổi già rồi, tôi có luôn một bài hát về cái chết với nhan đề Những Gì Sẽ Đem Theo Về Cõi Chết. Bài này soạn ra sau giai đoạn tâm ca:
Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây tôi hoá kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Tôi không đem theo với tôi được tiền tài hay danh vọng, được gái đẹp hay rượu nồng, được lầu vàng hay gác tía, được mộng giầu sang phú quý... thì tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại và đôi mắt đẹp ngời của trẻ thơ:
Em giương to đôi mắt, soi vào cuộc đời đang bước tới
Tương lai vui hay tối thui cũng là nhờ anh lớn thôi!
Tôi không đem theo với tôi được quyền hành trong giai đoạn, được giới hạn tiếng anh hùng, được tượng đồng, bia đá thì tôi xin đem theo với tôi một cuộc tình không quen thuộc của một đôi uyên ương, xin mến thương không khó nhọc hay ngượng ngùng, trong đêm thâu ôm ấp nhau bên cột đèn hay khóm trúc, không ai ngăn hay lấy cung vì phạm thuần phong mỹ tục. Kết luận: tôi không đem theo với tôi được tất cả thì xin để lại cho thế giới một vài điều tôi công nhận như số phận sinh làm người và cái quên của một người sẽ tái duyên...
... Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi niết
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu
Rồi mai đây tôi hoá kiếp
Trong lòng còn bao hối tiếc
Tôi sẽ không đem theo với tôi những gì đâu...
____________________
(°) "bé ca" nghĩa là chưa đi vội về..."lão ca ". Gặp Vũ Khắc Khoan tại Santa Ana năm 1982, họ Vũ nói: Sao cậu không làm bài hát cho tuổi 60? Tôi trả lời: Có làm rồi đấy chứ! Đó là bài Nhạc Tuổi Vàng.
(°°) Cũng như thơ của Nguyễn Tất Nhiên (Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Thà Như Giọt Mưa...) được phổ nhạc để "lăng xê" Duy Quang, lúc đó mới ra nghề.