PHẦN MỘT
Chương 19
Hai Mươi Ngày trên Sông Dung

 Chiếc thuyền chúng tôi ngồi chẳng khác nào chiếc thuyền câu của ngư ông bên sông trong  tranh họa, chiếc thuyền thon thả, giừa có vòm che hình bán nguyệt đan bằng tre nứa. Hai đầu  vòm che là đầu thuyền và đuôi thuyền. Dưới vòm là khoang thuyền, trong tranh, loại thuyền  này rất nên thơ, nhưng nếu như chúng tôi phải ngồi trên chiếc thuyền nhỏ này, đi ngược dòng  nước xiết ròng rã hai mươi ngày, thì sẽ thấy chẳng nên thơ một chút nào!
Đại học Quảng Tay phải thuê tất cả hơn hai mươi chiếc thuyền như vậy, tổ chức thành  một đội thuyền. Cứ hai hộ gia đình ngồi chung một chiếc. Đương nhiên là chúng tôi được  phân đi cùng với một gia đình khác. Giữa khoang thuyền treo một tấm rèm làm vách chắn.  Nửa khoang thuyền được bao lớn? Tôi nhớ không sai, thì bằng chiếc bàn vuông không hơn  không kém. Năm người nhà tôi ngồi quanh đó, lấy chăn bông đắp lên chân, nói nói cười cười,  rồi cũng chịu được tất. Ban đêm, dù xoay trở cách nào, năm người cũng không nằm được,  đành phải có hai người thay phiên nhau nằm ở mũi thuyền, còn bên trong chít ít phải có đầu  hoặc chân người thò ra ngoài vòm thuyền. Trời tạnh thì yên ổn cả, còn khi mưa ập đến, thì  thật thảm hại vô cùng. Khi có sóng to, nước sông cũng ập vào ướt cả áo quần, lạnh buốt  xương.
 Tôi thường được luân phiên ra nằm ở mũi thuyền ( có thể ba tôi cho rằng tôi lớn hơn các  em, có sức chịu đựng tốt hơn). Dù mưa xối xả, nước sông tạt vào, sương như phủ trên người  lạnh buốt, tôi vẫn nằm ngủ ngon lành.
 Chịu đựng lâu như vậy mà không đau ốm gì cũng có thể coi là một thành tích hiếm có.
 Diện tích khoang thuyền quá chật chội, chúng tôi phải nấu ăn trên mui thuyền, bếp núc  càng đơn giản càng tốt. Bữa sáng ăn cháo với ít đường là xong, cơm trưa, cơm tối thì có món  mỡ lợn xào với muối dùng qua bữa. Cứ cách hai ngày mới có một bữa ăn tươm tất, ấy là thêm  mấy trái ớt và đậu. Bình ớt nho nhỏ kia thật quý giá, phải phân phối hẳn hoi, mỗi người chỉ được chia vài quả. Tôi nhớ chỉ với mấy trái ớt ấy, tôi ăn còn ngon miệng hơn sơn hào hải vị,  và khi vào miệng phải để thật lâu cho thấm mới nuốt.
 Có một hôm, đội thuyền dừng lại, gặp lúc dân nấu bắp tươi đem bán, chúng tôi thèm  không chịu được.
 Thực tình, chúng tôi nghèo đến mức không hưởng nổi những thứ ấy, nhưng rồi ba mẹ cũng đành bấm bụng mua một trái, cả nhà chia nhau ăn như chia từng hạt ngọc. Nếu những  trái ớt kia là sơn hào hải vị thì có thể ví trái bắp này là nem rồng chả phượng!
 Chiếc thuyền chúng tôi do hai người lái, người bố độ ba mươi tuổi, người con khoảng trên  dưới mười tuổi, vẫn là một đứa con nít, cho nên chỉ coi như một người rưỡi. Thuyền đầy ắp  người, lộ trình xa tít mà chỉ có một người rưỡi lái, rồi đây sẽ ra sao khó mà biết được.
 Thuyền tiếp tục đi, tình cảnh còn tồi tệ hơn chúng tôi nghĩ nhiều.
 Sông Dung nước chảy xiết, hai bên bờ vách núi dựng đứng, lòng sông đầy đá ngầm, chốc  chốc lại có dòng xoáy, thật vô cùng nguy hiểm. Thuyền gia đình chúng tôi đang ngồi không  dùng động lực, cũng không có buồm, toàn dùng sức lực của hai bố con chèo chống bằng sào  và bằng mái chèo, vật lộn với nước sông chảy xiết nên đi rất chậm, và chỉ có thể đi ban ngày.  Để khỏi bị nước cuốn đi, hơn hai chục chiến thuyền đều buộc liền nhau. Nếu chỗ đậu không  lên bờ được, mọi người đành chịu qua đêm trên thuyền, nếu dừng tại trạm lớn, có bến thì có  thể lên bờ, đó là niềm vui sướng lớn, vì người ta có thể bổ sung chút đỉnh vật dụng hoặc qua  lại cử động chân tay cho đỡ mỏi. Đương nhiên, trẻ con chỉ được phép chơi bên bờ, không  được đi xa. Còn tôi, thích nhất là lượm các loại đá cuội đủ màu sắc bên bờ sông. Có một hôm,  tôi lượm được mấy cục đá trắng muốt rất dễ thương, người ta bảo tôi đó là đá lấy lửa, làm tôi  mừng lắm. Tôi thường ngồi ở mui thuyền lấy đá ghè vào nhau chơi, tia lửa xẹt như hoa cà  trông rất đẹp, thích ơi là thích. Nhờ trò chơi ấy mà tôi đã vơi hết nỗi buồn những ngày tù túng.
 Một hôm, đang ngồi ghè đá lửa ở mui, thuyền bỗng chòng chành làm tôi té nhào xuống  sông, nước chảy xiết, tôi suýt chết đuối, cũng may là bác lái thuyền lanh tay lẹ mắt lại có tài  bơi lội nên cứu được tôi. Tôi được cứu sống nhưng mấy cục đá lửa quý giá thì mất tiêu làm  tôi buồn lắm. Không hiểu sao, lúc đó tôi cảm thấy những cục đá lửa đó lại quý hơn mạng sống  của mình! Tuổi thơ của tôi chẳng có đồ chơi, nhưng đến tạn bây giờ tôi hãy còn nhớ rõ mồn  một lá cờ đuôi nheo và những hòn đá lửa của tôi!
 Sau này, tôi lại rớt xuống nước mấy lần, vì mỗi khi giải quyết "đại sự, tiểu sự", chúng tôi  đều phải ngồi ở mạn thuyền, cơ hội té xuống sông rất nhiều. Có điều, bác lái thuyền rất cảnh  giác, lần nào cũng được bác cứu lên, riết rồi mọi người đâm ra ỉ lại.
Điều không may lại đến, người bảo vệ sinh mệnh chúng tôi là bác lái đò lịch lãm, trẻ khỏe  kia bị ốm do bệnh sốt rét tái phát. Anh hùng chỉ có sợ bệnh quật ngã, một khi đã "đánh bò  cạp" rồi, thì dù có xương đồng da sắt đi chăng nữa, cũng không chịu nổi. Bác ta nghiến răng  chịu đựng, nhưng việc chèo thuyền, bẻ lái bắt đầu do con bác ta đảm nhận, như vậy có nghĩa  tính mệnh của hai gia đình chúng tôi đều nằm trong tay của một chú bé.
 Tốc độ thuyền càng lúc càng chậm, xa dần toàn đội, rồi rớt lại, bồng bền trên dòng nước  chảy xiết.
Được mỗi người một tay giúp sức, thuyền miễn cưỡng cặp vào bờ để bác lái đò lên bờ đi  mua thuốc. Lúc đó, người chủ của chiếc thuyền này là một cậu bé chưa đầy mười tuổi. Tất cả chúng tôi phó thác sinh mạng của mình cho cậu ta
 Nước chảy quá mạnh làm đứt dây neo, thuyền bị cuốn đi. Cậu bé dùng hết sức mình tìm  cách giữ thuyền lại, nhưng sức cậu có hạn, đến lúc không còn cách nào khác, cậu đành đưa  hai tay nắm chặt lấy bụi cây bên bờ, mọi người trên thuyền cũng vớ gì bám nấy, để thoát khỏi  tai nạn.
Đang khi sức cùng lực tận thì người bố đi mua thuốc trở về, sự xuất hiện của ông chẳng  khác nào một vị cứu tinh. Dựa vào kinh nghiệm và kỹ xảo của mình, ông đã giữ thuyền lại  một cách chắc chắn.
 Ngày thứ hai, chúng tôi đuổi kịp đội thuyền, không ai tin được là chúng tôi có thể trở về cùng với mọi người. Đã có hai chiếc thuyền trong đội mất hút tăm hơi.
 Qua lần đại nạn ấy, chung tôi càng thấm thía hơn nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống. Chiếc  thuyền nhỏ ấy đã làm tăng thêm niềm tin trong lòng chúng tôi, không như hồi nào ai cũng chỉ hâm mộ những chiếc thuyền lớn.
Đúng rồi, dân lánh nạn nghèo mạt rệp như chúng tôi thì đi thuyền nhỏ, chỉ có quý phú ông  mới bao nổi thuyền bầu khoang rộng để đi cho thoải mái hoặc thuyền này phải có mấy chục  người kéo trên bờ, lại thêm hai hàng phu thuyền chèo chống, đẩy thuyền đi tới.
 Tôi còn nhớ rõ dáng lom khom của những người kéo thuyền cố sức rấn tới từng bước, dây  thừng hằn sâu vào từng thớ thịt. Những tiếng hô nặng nhọc, đơn điệu, trùng lắp, cứ lặp đi lặp  lại. Nó đâu phải lời ca tiếng hát mượt mà mà là tiếng thét gào bi tráng để giành sự sống.
 Bây giờ tôi vẫn còn nhớ bài ca "Người kéo thuyền" tôi thuộc lòng thời học trụng học:
 Tiến lên, nào tiến lên
 Mọi người nắm chắc dây.
 Mắt không rời người lái
 Chí kiên cường không lay.
 Mặc sóng đồi mưa sa
 Ta cứ ung dung bước.
Đông Tây rồi Nam Bắc
 Chân trời nào cũng qua.
 Mỗi khi nghe bài hát này vút lên, với tiếng nhạc trỗi dậy trầm hùng, với điệp khúc lập đi  lặp lại "mặc sóng đồi mưa sa, ta cứ ung dung bước".... Thật khác một trời một vực cái cảnh  chính mắt tôi thấy hồi nhỏ, những người kéo thuyền tiến lên nặng nề, chậm chạp, chẳng ung  dung chút nào. Tôi cảm thấy, dù cho mình chịu khổ một chút ngồi trên chiếc thuyền con, còn  hơn là ngồi trong thuyền bầu thoải mái mà người khác phải thống khổ vì mình.
 Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến đích - Dung Giang.
 Dung Giang cũng chưa phải là đích cuối cùng của chúng tôi, mà đích cuối cùng ấy phải là  Trùng Khánh. Từ Dung Giang đến Trùng Khánh còn là đoạn đường xa vời vợi.
Đến Dung Giang rồi, trường Đại học Quảng Tây lại gặp khó khăn về tài chính, không có  tiền phát lương, và cũng không cách gì đưa toàn đội tiếp tục sơ tán sâu vào nội địa. Thế là mỗi  người chia nhau mỗi ngã, vô hình chung như giải tán trường, ba tôi lại thất nghiệp, nhưng  cuộc sống thường nhựt của chúng tôi cứ phải tiếp tục, cuộc hành trình xa vời vợi cũng không  thể dừng lại được. Lại đi.