PHẦN MỘT
Chương 25
Khoai Lang Chín Rồi

 Vở kịch hay sắp ra mắt!
 Sân khấu ở một góc phố, tôi cũng chẳng hiểu nó được dựng lên bằng cách nào, hay là đã  có sẵn từ trước, hậu phương thời kháng chiến, kịch nói làm một loại hình văn nghệ ai ai cũng  thích, chỗ nào cũng có sân khấu.
 Vai nam chính là ba tôi, vai nữ chính là mẹ tôi.
 Bác Cù mới thật sự là vị anh hùng ở hậu trường. Bác là đạo diễn, giám đốc sân khấu, giám  đốc hậu trường, dàn cảnh, đạo cụ, phối âm, phục trang, ánh sáng... Tóm lại, một mình bác  quản tất tần tật.
Đương nhiên, quan trọng nhất là chuyện bác vừa là kịch tác gia vừa kiêm luôn đạo diễn!
 Hồi tưởng lại, bác Cù quả là có tài thật sự về kịch nghệ. Người lớn bận diễn kịch, trẻ con  vui hết biết. Trước khi diễn, không ai trông coi chúng tôi, chúng tôi mặc sức vui đùa, khi diễn  kịch, lại càng nhộn, xem ba mẹ diễn trên sân khấu sao mà rực rỡ, sao mà hấp dẫn đến thế!
 Tôi là người xem say sưa nhất, suốt từ đầu đến cuối, ba mẹ diễn mấy suất, xem đến mức  thuộc hết cả lời trong vở kịch.
 Tôi nhớ tên vở kịch đó là "Khoai lang chín rồi".
 Câu chuyện kể về một gia đình nhỏ, chồng là người chiến sĩ sắp sửa xông pha trận mạc,  nói lời từ biệt với vợ, vợ lưu luyến nói với chồng, em đang luộc khoai lang, mình hãy đợi  khoai lang chín, ăn rồi hãy đi.
 Lúc đó, ngoài của, chợt tiếng tù và vang lên lanh lảnh, do bác Cù thổi, người chồng luống  cuống, nhưng vẫn nấn ná dặn dò vợ bao điều. Rồi tiếng khóc của con thơ vọng lại (đương  nhiên cũng do bác Cù bày trò), người vợ quay vào dỗ con. Dỗ con ngủ xong, người vợ lại trở ra tâm tình.
 Tiếng tù và lại vang lên, người vợ chạy vào xem khoai lang chín chưa, rồi chạy ra, nói:
 - Khoai lang chưa chín, nhưng cũng sắp chín rồi!
 Tù và lại giục giã! Con thơ lại khóc! Người vợ luống cuống chạy ra chạy vào, nhưng  khoai lang vẫn chưa chịu chín.
 Tiếng tù và càng lúc càng gấp! Đã đến giờ xuất chinh, người chồng khống thể nấn ná  được nữa, anh cũng không chịu nổi cảnh chia tay đầm đìa nước mắt với vợ nên đợi lúc vợ vào  bếp, anh vượt qua cửa sổ thoát ra ngoài.
 Người vợ bưng đĩa khoai lang nóng hổi bước ra, miệng nói:
 - Khoai lang chín rồi! Khoai lang chín rồi!
 Nhưng phòng không lặng ngắt như tờ, chị buông đĩa bưng mặt khóc, chiếc đĩa vỡ, khoai  văng xuống đất.
 Trong tiếng trẻ khóc, tiếng tù và, tiếng vó ngựa, tiếng nức nở của người vợ giao hòa nhau,  màn từ từ hạ.
 Vở kịch không chỉ viết về mối tình chồng vợ đậm đà, mà còn mô tả không khí của cuộc  kháng chiến đương thời, khiến lòng người ngùi ngùi xúc động, từ câu chuyện nho nhỏ ấy nhìn  xuyên qua thời đại, thực sự là một thành công lớn!
 Người xem sôi nổi hẳn lên, ai cũng nhiệt liệt khen ngợi, nhưng xem kịch xong, ai nấy mãn  nguyện ra về, chẳng mấy ai để lại chút ít tiền cho đoàn kịch.
 Cũng vì vậy mà diễn mấy ngày liền vẫn không có tiền trang trải nợ nần, lại ngày nào cũng  đánh rơi vỡ đĩa và đổ khoai lang nấu chín xuống đất, không có khoản nào để bù vào. Thế là  đoàn kịch cũng hạ màn luôn.
 Thật tội nghiệp cho ba mẹ, cuộc đời chỉ biết dạy học, vì cuộc sống mà phải làm tất cả. Bán  khoai lang, bánh rán rồi phấn son lên sàn diễn...
 Người thôn trưởng tốt bụng thấy chúng tôi không thể sống bằng diễn kịch được, cả nhà  đến nông nỗi này quả thực là có phần trách nhiệm của ông, do ông quản lý địa hạt mình  không tốt để bọn cướp lộng hành... Thế là ông hối hả sắp xếp cho ba và bác Cù mỗi người  một việc, ông sốt sắng nói với chúng tôi:
 - Thôi đừng đi nữa, ở lại đây với chúng tôi!
 Thực tình thì chúng tôi đã mệt quá rồi, được thôn trưởng giữ lại, mọi người không từ chối.
 Chúng tôi ở lại Kiếm Hà thấm thoắt hơn nửa năm.