PHẦN MỘT
Chương 7
Người Trung Quốc

 Không hiểu sao, chỉ vài ngày sau thì chúng tôi lại chia tay gia đình chú thím. Ba tôi biết  chỗ nhà lão nông dân kia không thể là nơi trốn tránh được, vì cả huyện Hành Dương này hầu  như không còn mảnh đất nào yên bình. Tôi nhớ rõ, ba mẹ và ông nội thường bàn bạc thâu  đêm suốt sáng cốt tìm cách vượt qua vùng phong tỏa gắt gao của quân Nhật. Rồi cân nhắc,  tính toán xem ông nội có nên đi cùng với chúng tôi không, vì ông nội đã gần tám mươi tuổi,  làm sao chịu đựng nổi sự vất vả dọc đường? Nhưng nếu để ông nội ở lại vùng chiếm đóng thì  không ai yên tâm chút nào.
 Suy đi tính lại, cuối cùng ông nội ở lại, chúng tôi ra đi.. Trước hết, chúng tôi đưa ông nội  về quê ở Trà Giang. Chúng tôi phải thay hình đổi dạng bằng cách mặc áo quần của gia đình  bác nông dân cho để giống như người nhà quê. Nhưng dù ba mẹ có mặc áo cụt vải sô đi nữa  thì cái dáng văn gia nho nhã cộng thêm đôi kiếng cận thị, với cái giọng Bắc Kinh chính cống  và phong độ thị thành, khó có thể che mắt được ai. Dầu gì đi nữa, chúng tôi cũng phải rời nhà  bác nông dân già, vượt qua vòng nguy hiểm đang bị quân Nhật chiếm đóng để về quê hương.
 Ngày hôm ấy thật là một ngày rủi ro!
 Ngày hôm ấy là một ngày đầy sóng gió.
 Ngày hôm ấy cũng là một ngày ăn sâu vào kí ức của tôi!
 Chúng tôi lên đường chưa đầy hai tiếng đồng hồ thì gặp toán lính Nhật đầu tiên.
 - Đứng yên! Kiểm tra! Quân Nhật hét.
 Chúng tôi đứng khựng lại, có lẽ đây là mấy tiếng Trung Quốc lính Nhật bắt buộc phải học  khi đến Trung Quốc. Mấy lần gặp lính Nhật sau đó, chúng tôi đều nghe câu này.
 Tên sĩ quan Nhật dẫn đầu toán lính sải bước đến chỗ chúng tôi, đảo mắt nhìn chúng tôi  một lượt từ trên xuống rồi từ dưới lên. Ba mẹ đều im lặng để khỏi lộ tông tích. Tên sĩ quan chỉ vào ông nội, ra lệnh cho một tên lính lục soát. Mắt ông như muốn phóng ra từng tia lửa,  nhưng ông đành đứng yên mặc tình cho tên lính Nhật sờ mó khắp người. Coi kiểu cách, tên  lính Nhật chủ yếu muốn soát xem có vũ khí, nó vét hết tiền của ông, sau đó lục soát đến ba  tôi.
 Toán lính Nhật này không làm khó dễ gì, chỉ vét sạch số tiền ông nội và ba mang theo bên  người, rồi khoát tay ra hiệu cho chúng tôi đi.
 Chúng tôi lặng lẽ bước, ông nội và ba, mẹ đều trầm mặc, lặng thinh làm ba chị em tôi  cũng câm như hến, chẳng dám quấy rầy. Với tâm hồn ấu thơ, chúng tôi cho rằng quân Nhật là  một lũ cướp bóc làm người ta hoảng sợ, chứ tôi không thể nào hiểu một cách sâu sắc như ba  mẹ tôi, rằng đó là điều tủi nhục, căm hờn của một dân tộc bị dày xéo. (Mãi sau này khi lớn  lên, nhớ lại từng chút một sự việc thời đó, tôi mới thấm thía sâu sắc hơn).
Đúng trưa, chúng tôi gặp toán lính Nhật thứ hai.
 - Đứng yên! Kiểm tra!
 Cũng câu nói ấy, cũng bọn lính Nhật, cũng lục soát theo trình tự ông nội rồi đến ba. Chỉ khác là không tìm thấy tiền bạc trên người ông và ba nữa. Nhưng tên lính Nhật tìm thấy trên  người ông nội một tờ giấy viết mười hàng chữ Trung Quốc, hắn ta nhìn nhìn ngó ngó, một  hồi, lại nhìn sang ông, sau đó tuồng như không có gì đáng nghi ngờ, hắn bèn vứt mẩu giấy đi.  Hắn xì xà xì xồ một lốc, rồi kéo cả lũ đi thẳng. Ba thở dài nhẹ nhõm:
 - Ba ơi, cái đó đích thực là bài thơ của ba rồi.
 - Không! Ông nội đáp gọn lỏn, rồi cẩn thận vuốt thẳng tờ giấy cất vào túi. (Sau này, tôi  mới biết, đó là bài thơ ông nội làm nói về nỗi lòng của một người thương nước thương dân và  nguyền rủa vạch trần tội ác quân Nhật. Nếu không may nó rơi vào tay một tên Nhật biết tiếng  Trung Quốc, thì mạng sống của ông chắc chắn chẳng còn).
 Xế chiều, chúng tôi gặp toán lính Nhật thứ ba.
 - Đứng lại! Kiểm tra!
 Ba tôi không nhịn được nữa, ba lật hết túi áo, túi quần trong người, rồi giận dữ quát lớn:
 - Các ông muốn kiểm tra mấy bận? Mọi thứ đã bị mấy toán trước lấy sạch bách rồi, bây  giờ còn gì mà kiểm với tra!
 Hình như tên Nhật này cũng không biết tiếng Trung Quốc, nhưng qua điệu bộ của ba, hắn  hiểu không phải chúng tôi mới bị lính Nhật kiểm tra lần đầu, và nhìn qua dáng bộ bơ phờ, mệt  mỏi của người già, con nít trên mình lại chẳng có gì đáng giá để cướp, thế là chúng thả chúng  tôi đi.
 Chỉ trong một ngày chạm trán ba toán lính Nhật, rõ ràng khắp làng quê đâu đâu cũng có  lính Nhật. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn may, vì ba toán này chỉ chú ý tiền chứ không chú ý  đến người, nên không xẩy ra chuyện cướp người đáng sợ như ở khe núi, và cũng không nhận  ra người thật sau lớp vỏ ngụy trang. Đúng là trong cái bất hạnh vẫn tìm ra điều may mắn.  Chiều đến, vừa đói, vừa mệt, vừa khát, lại thêm lúc nào cũng có thể nghe những tiếng "đứng  yên, kiểm tra", làm tinh thần căng thẳng, sức lực rã rời. Em trai út bắt đầu khóc, ba chỉ có mỗi  việc lẳng lặng cõng em đi. Khi mặt trời lặn, gió đêm từng cơn ùa vào mặt, lúc đó chúng tôi  mới phát hiện mình đang đi vào cõi hoang vắng, không người, chỉ có núi đồng trùng điệp, bốn  bề hết sức yên tĩnh.
 Sau ba lần bị bọn Nhật lục soát căng thẳng thần kinh, giờ đến cái yên lặng khác thường  cũng khiến mọi người nơm nớp lo sợ, nhất là giữa cảnh núi rừng mông lung, bóng đêm mờ mịt.
 Chúng tôi đi một đoạn đường núi nữa, vẫn chẳng gặp người nào, không một ngôi nhà,  không một túp lều, ba nghĩ đã lạc đường. Mọi người bàng hoàng, do dự không biết nên tiếng  hay lui, lại còn trước mặt không biết có bọn giặc Nhật chiếm đóng hay không? Đang lay hoay  nghĩ ngợi, chúng tôi bỗng thấy một bác nông dân từ phía trước đi lại, chẳng khác nào như gặp  một người thật thà, đòn gánh bằng tre, vai vác hai cái sọt chồng lên nhau, thông thường loại  sọt này dùng để đựng khoai lang hoặc gà vịt.
 Ba và ông nội phấn khởi ra mặt. Có gì vui hơn gặp đồng bào mình giữa đường vắng rừng  hoang và đâu đâu cũng có lính Nhật? Ông nội ngăn bác lại, hồ hởi hỏi:
 - Ở đằng đó có bọn lính Nhật không bác?
 Bác nông dân trừng mắt nhìn ông nội như không hiểu ông hỏi gì. Người Hồ Nam lâu nay  vẫn gọi người Nhật là quỷ. Ba sợ bác kia không hiểu nhầm nên hỏi lại:
 - Bác ơi, đằng trước kia là đâu? Chúng tôi đang chạy tránh bọn quỷ, đằng trước mặt có  người Nhật không ạ?
 Ánh mắt bác nông dân chuyển từ nội sang phía ba, mặt mày tỉnh bơ như không (thật khác  phong cách người Hồ Nam: hồn hậu, ưa kết bạn, dù gặp người lạ cũng cười nói tử tế). Thấy  tình hình có vẻ không ổn, ba kéo ông nội, nói:
 - Ta đi thôi ba, đừng hỏi bác ấy nữa!
 Bác nông dân lập tức hạ đôi sọt xuống, ngăn ba lại, dùng tiếng quốc ngữ chuẩn, nói thật  nghiêm:
 - Không được đi! Đứng yên kiểm tra!
 Ba, mẹ đều đứng như trời trồng, mặt ông nội biến sắc, ba chị em chúng tôi chưa kịp hiểu  ra chuyện gì cũng đứng ngây ra nhìn chòng chọc người nông dân kia vì đã rất nhạy cảm với  bốn chữ "đứng yên kiểm tra". Trong chốc lát, chúng tôi nhận ra ngay bác nông dân kia cũng  cải trang như chúng tôi, bác không phải là nông dân bình thường mà là một trí thức đang làm  việc cho Nhật. Đúng thế, bác ta là người Trung Quốc, một người Trung Quốc đáng căm, đáng  sợ hơn người Nhật, người Nhật ra trận là vì Thiên Hoàng của họ, còn người Trung Quốc này  lại đi đánh người Trung Quốc cho người Nhật. Đây là một tên Hán gian!
 Người "nông dân" kia đưa tay chỉ ông nội:
 - Ông đứng yên, tôi kiểm tra ông trước!
 Lần nào cũng kiểm tra ông nội trước! Ông nội trừng mắt nhìn người "nông dân" kia, rồi  ngẩng cao mái đầu bạc phơ, cất giọng đanh thép, quyết liệt:
 - Không được! Tôi không cho ông kiểm tra! Người Nhật kiểm tra tôi, tôi đành chịu, còn  ông, ông là người Trung Quốc! Không đời nào! Tôi không để cho ông kiểm tra đâu!
 Người "nông dân" kia cầm súng lục lên hươ hươ trước mặt ông nội:
 - Nghe giọng lưỡi của ông, tôi biết ông là người thế nào, nông dân à? Ông mà là nông dân  à? Không cho tôi kiểm tra? Ông giấu gì trên người nào? Hả?
 Nét mặt ông nội tôi càng giận dữ, ba mẹ tôi trao đổi nhau bằng ánh mắt, không khí căng  thẳng nặng nề, tôi nghĩ tới tờ giấy có viết đầy chữ, nhìn ông nội và ba mẹ, tôi biết, ông nội và  ba mẹ đều lo lắng cho tờ giấy kia, một người Trung Quốc, hắn biết đọc chữ Trung Quốc!
 - Ông không được chạm vào người tôi. Ông nội nói nghiêm khắc: -Hôm nay chúng tôi đã  bị ba toán lính Nhật khám xét! Tôi không để cho người Trung Quốc khám nữa!
 Người "nông dân" kia nổi khùng lên quát:
 - Không kiểm tra, cũng được, tôi bắn ông chết ngay lập tức!
 Người kia hươ hươ khẩu súng lục. Ông nội ưỡn ngực, dõng dạc lên tiếng:
 - Ông có bắn chết tôi, tôi cũng không cho ông kiểm tra!
 Người "nông dân" gương súng, ba tôi lập tức xông tới, đứng trước mặt ông nội tôi, nói  khẩn khoản:
 - Ba, để cho ông ấy kiểm tra đi, ba để cho ông kiểm tra đi ba!
 - Không được! Ông nội nói đanh thép: -Tao thà chết chứ không để người ấy kiểm tra đâu!
 Ông tôi nhìn người "nông dân" kia, nói:
 - Ông cứ bắn chết tôi đi, đừng đụng đến con tôi, và các cháu tôi!
 - Ông đúng là một ông già cứng đầu. Để coi!
 Người "nông dân" kia tiếp tục nói:
 - Tôi chỉ cần kiểm tra ông, đâu cần cái mạng của ông, ông coi chuyện kiểm tra còn nặng  hơn mạng sống phải không?
 - Đúng vậy, ông có thể giết chết tôi, chứ không đụng được vào người tôi! Ông nội lại càng  cố chấp hơn: - Ông cứ bắn đi!
 Người "nông dân" kia lại giơ súng lên, nghiêm sắc mặt. Xem chừng tính mạng của ông  nội đã đến lúc ngàn cân treo sợi tóc, em bé trai tôi òa lên khóc. Tức thì, ba quỳ xuống trước  mặt ông, nuốt nước mắt, năn nỉ:
 - Ba, để cho ông ta kiểm tra mà, xin ba hãy để cho ông ta kiểm tra!
 - Kiểm tra là chết, ông nội hạ giọng: Chi bằng giữ lòng tự tôn tự kính, hãy để ông ấy bắn  chết ba đi, các con hãy để ông ấy kiểm tra rồi các con về hậu phương!
 Ba ơi, mẹ quỳ xuống trước mặt ông nội nghẹn ngào:
 - Nếu chết thì cả nhà cùng chết ba ơi!
 - Ông nội đừng chết! Ông nội đừng chết!
 Tôi và Kỳ Lân cũng không chịu được, chạy ập tới cùng ba mẹ ôm chầm lấy ông, khóc kêu  "ông ơi" "ông ơi". Tiếng khóc của ba chị em tôi thật xao động tim gan, ông nội run run đưa  tay đỡ chúng tôi, rồi đứng thẳng, gào lên dõng dạc:
 - Không kiểm tra! Không kiểm tra! Không kiểm tra!
 Trước cảnh ấy, người "nông dân" kia cũng đứng như ngây như dại, nhìn chúng tôi chằm  chằm hồi lâu, chẳng nói chẳng rằng. Rồi ông ta bỗng nói thật to, như hét:
 - Đừng khóc nữa! Hãy đi nhanh lên!
 - Đi? Ba tôi ngớ người, đứng dậy, nhìn người "nông dân" kia. Ông không kiểm tra chúng  tôi sao?
 Người "nông dân" kia nhìn thẳng vào ba tôi, khẽ lắc đầu, nói khàn khàn:
 - Kiểm tra rồi, các ông đi đi thôi!
 - Tất cả chứ? Ba không tin hỏi lại.
 - Tất cả. Người "nông dân" kia đáp, bỗng thở dài. Ông ta cúi đầu, lấy cây đòn gánh trên  tay viết xuống mặt đất dính bùn ba chữ "Người Trung Quốc", rồi chỉ vào bản thân mình và  chỉ cả chúng tôi. Tiếp đó, ông ta viết ba chữ "Người Nhật Bản", chỉ về hướng tây bắc, nói nhỏ một câu:
 - Hãy đi về hướng đông thôi!
 Nói xong, ông vội vàng lấy bàn chân xóa vết tích mấy chữ viết trên mặt đất, vác hai cái  sọt lên vai, đi thẳng về phía trước, không ngoái đầu lại.
 Mãi hồi lâu, chúng tôi vẫn còn đứng nguyên tại chỗ đó, bao lâu sau, ba mẹ vẫn chưa kịp  hoàn hồn. Cuối cùng chúng tôi tiếp tục đi, đi về phía đông. Đêm ấy, chúng tôi nghỉ lại trong  một khu rừng nhỏ, không gặp bọn Nhật nữa. Ngày hôm sau, chúng tôi tìm thấy đường đi, trở về quê cũ, đưa ông nội an toàn trở về Lan Chi Đường.
 Sau đó rất lâu, tôi còn nhớ rõ ba chữ "Người Trung Quốc" viết trên bùn. Tôi cứ suy ngẫm,  đắn đo hoài về người "nông dân" kia là người tốt hay kẻ xấu? Là một tên hán gian? Hay một  người Trung Quốc có nhân cách. Tại sao sau cùng ông ấy lại tha cho chúng tôỉ và còn chỉ cho  chúng tôi hướng đi chính xác?
 Thế là tôi càng rõ, cho dù là một người "xấu" đi nữa, cũng còn một chút lương tri, cho dù  là Hán gian đi nữa, cũng không phải đã hoàn toàn quên được mình là người Trung Quốc.
 Quan niệm về quốc gia, dân tộc của chúng tôi được xây dựng dưới họng súng ấy. Cho nên  tôi thường nói, sự giáo dục tuổi thiếu niên ở những người khác là từ nhà trường, còn sự giáo  dục ở tuổi thiếu niên của tôi là từ trong chiến tranh.